Thích Nữ
Giới Hương
Lá bắt
đầu rơi. Trời heo hút gió mây.
Thời gian đang vận hành theo
vòng quanh của vũ trụ để chuyển mang một mùa Vu lan nữa lại đến.
Vâng!
Mùa Vu Lan Báo Hiếu năm 2011, Phật lịch 2555 đang đến.
Hàng năm, chúng ta vâng lời Phật dạy, làm người con thảo, nên thường dâng tứ sự,
cúng dường trai tăng lên Thập Phương Thường Trú Tăng để hồi hướng phước báo đến
Cha Mẹ quá vãng như Tôn giả Mục Kiền Liên đã thực thi trong kinh Phụ Mẫu Báo
Trọng Ân. Năm nay, chúng ta có thể tô điểm thêm trong vườn Tâm Hiếu của người
con Phật bằng cách “Dâng Hoa Lương Hoàng Bảo Sám” trong mùa Vu
Lan
báo hiếu này.
Lương
Hoàng Bảo Sám còn gọi là Từ Bi Đạo Tràng Lương Hoàng Sám Pháp, là một phương
pháp sám hối rất hữu hiệu và nhẹ nhàng để chuyển hóa những tâm niệm sai lầm
thành trong sáng, thanh cao và đề cao tâm nguyện mình và người cùng làm bồ đề
quyến thuộc với nhau, chứ không mệt mõi nhàm chán hay bi quan.
Đây là một phong cách nhìn rất hướng thiện. Bên cạnh đó, Lương Hoàng Bảo
Sám cũng là một phương cách giúp chúng ta đền trả tứ ân, đặc biệt
ân Cha mẹ - Bậc sanh thành và dưỡng dục nên thân thể tứ đại của chúng ta.
Cũng như
Kinh Phụ Mẫu Báo Trọng Ân
đã trình bày cho chúng ta biết công ơn to lớn của cha mẹ, đặt biệt mẹ đã chín
tháng cưu mang, ba năm bú bẩm; Lương Hoàng Bảo Sám cũng dạy cho chúng ta biết
niệm tâm ân cha mẹ như sau:
“Phải
tưởng niệm ân đức dưỡng dục của cha mẹ trong việc sinh
dưỡng thật sâu và nặng.
Chỉ có
cha mẹ mới tự lãnh nguy hiểm, để phần yên ổn cho con.
Lớn lên
thì huấn luyện tâm tánh nhân từ và tư cách lễ độ. Tha thiết cầu thầy dạy bảo để mong con thông
suốt nghĩa lý sách vở của thánh hiền cũng là cha mẹ.
Chỉ có
Cha mẹ mới kỳ vọng từng giờ từng phút, mong con bằng người. Sự cung cấp thì gia bảo cũng không tiếc đối với con.
Thậm chí
lo cho con và nghĩ về con quá độ mà cha mẹ đã thành bịnh. Và
dầu nằm không xuống, vẫn miên man nghĩ đến con.
Ân cha mẹ,
thế gian này thật không có cái thứ hai. Nên Đức Phật đã nói, thiên hạ không có cái ơn nào hơn cha mẹ.
Người xuất gia chưa đắc đạo thì phải nỗ lực vào sự tu học, làm lành không nghỉ,
tích đức không ngừng, quyết chí báo bổ cho được cái ơn cù lao dưỡng dục này” (Lương
Hoàng Bảo Sám, Hòa Thượng Thích Trí Quang dịch, Phật Lịch 2553, Ấn Tống, trang
419- 421).
Thật
vậy, không có ngôn từ nào diễn tả hết những tinh thần và vật chất mà cha mẹ đã
cho chúng ta. Khi
chúng ta lớn lên, chúng ta nuôi cha mẹ hay cho cha mẹ vài đồng thì tính tháng
tính ngày, kể công nhiều ít. Trong khi tấm lòng của cha mẹ đối
với chúng ta thật như trời biển bao la, nói sao cho cùng. Nếu cha mẹ còn tại tiền thì chúng ta còn có cơ hội để đáp trả.
Nếu không may cha mẹ đã qua đời thì thật là tiếc nuối. Trong kinh, Đức Phật đã
dạy rất nhiều cách để đền ơn cha mẹ như chúng ta thân cận phụng dưỡng, hồi hướng
phước tuệ mà chúng ta đã gieo đến cha mẹ hay hướng dẫn cha mẹ quy y Tam bảo quy
về nẽo thiện. Trong Lương Hoàng Bảo Sám hướng dẫn chúng ta thay vì cha mẹ, bà
con quyến thuộc trong hiện đời hay quá vãng mà đãnh lễ Chư Phật và bồ tát trong
mười phương, nguyện nương sức tha lực nhiệm mầu này mà cha mẹ và thân quyến có
thể chuyển hóa đau khổ thành giải thoát an lạc như sau:
“Đại
chúng hãy cùng nhau đồng một nỗi thống thiết, gieo xuống đất tất cả năm bộ phận
của thân thể, phụng vì tất cả cha mẹ bà con và thân thuộc của cha mẹ, bà con từ
vô thủy đến giờ, quy y và đảnh lễ các đấng Đại Từ Bi Phụ của thế gian “Nam Mô Di
Lặc Phật… Nam Mô
Quan Thế Âm Bồ Tát”.
“Đệ tử
chúng con chí thành quy y và đảnh lễ hết thảy Tam Bảo khắp cả mười phương, cùng
tận hư không giới, nguyện xin Tam bảo đem năng lực từ bi mà đồng gia nhiếp thọ,
làm cho cha mẹ bà con và thân thuộc của cha mẹ, bà con của chúng con, từ nay sắp
đi cho đến ngày giác ngộ, được diệt sạch tội chướng, hết sạch thống khổ, lọc
sạch phiền não, trường từ ác đạo mà tự tại vãng sanh, đích thân phụng sự chư
Phật mà đối diện nhận lãnh sự quyết đoán của các ngài về sự thành Phật của mình,
tứ đẳng và lục độ không rời hành vi, tứ biện và lục thông hết cả chướng ngại,
thực hiện mười trí lực của Phật nên trang nghiêm thân thể bằng hết thảy tướng
tốt và tướng phụ, cùng ngồi đạo tràng, cùng thành chánh giác.” (trang 421-423)
Chẳng
những đối với cha mẹ hiện đời quá vãng, mà cả cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp trong
vòng lai sanh vô thủy vô chung mà chúng ta đã từng thọ ân thì hôm nay chúng ta
cũng vì các đấng sanh thành ấy mà năm vóc tha thiết đảnh lễ các bậc Đại Từ Bi
Phụ trên thế gian mà sám hối và phát nguyện rằng:
“Hôm
nay, tất cả đại chúng cùng sám hối trong đạo tràng này, nếu ai bị cha mẹ mất
sớm, côi cút từ nhỏ, thì chỉ tưởng niệm không mà thôi, không thể gặp lại được. Vì lẽ thần thông không có, thiên nhãn cũng không, không làm sao biết
được cha mẹ hết quả báo nhân gian này rồi đã phải thác sanh vào đường nẻo nào.
Vậy chỉ còn một cách là nỗ lực làm phước mà truy báo.
Làm phước không ngừng thì hiệu quả quyết chắc đạt được. Nên trong kinh có
nói, làm phước cho người quá cố cũng như tiếp tế cho người đi xa: Nếu được làm
người, làm trời thì tăng thêm phước báo; nếu bị sanh ba vào ác đạo hay tám tai
nạn thì tức khắc vĩnh viễn thoát khỏi những thống khổ này, sanh gặp Phật thì
nghe chánh pháp là đốn ngộ liền, khiến cha mẹ nhiều kiếp và bà con nhiều đời
giải trừ lo sợ và đồng đều giải thoát, nên đó là cách trả ơn tối thượng chí từ
chí hiếu của những người có trí. Đại chúng hãy hoài niệm một cách chân thành
thống thiết, gieo xuống đất tất cả năm bộ phận của cơ thể, phụng vì cha mẹ quá
khứ và bà con xa xưa mà quy y và đảnh lễ các đấng Đại Từ Bi Phụ của các thế
gian: “Nam Mô Di Lặc Phật… Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát”.
“Đệ tử
chúng con chí thành quy y và đảnh lễ hết thảy Tam bảo khắp cả mười phương, cùng
tận hư không giới, nguyện xin Tam bảo đem năng lực từ bi mà nhiếp thọ và cứu
vớt, làm cho cha mẹ quá khứ và bà con nhiều đời của chúng con, từ nay sắp đi cho
đến ngày giác ngộ, diệt hết tội lỗi, thoát hết tội báo và sạch hết phiền não,
triệt hạ ba thứ chướng ngại và loại trừ năm thứ sợ hãi, làm hạnh bồ tát để cảm
hóa tất cả, dùng tám giải thoát mà tẩy sạch tâm trí và đem bốn đại nguyện mà
tiếp độ muôn loài, trực tiếp nhìn thấy dung nhan từ bi của Phật và trực tiếp
lãnh nhận, chánh pháp vi diệu của ngài, không đứng dậy khỏi chỗ ngồi mà sạch hết
tất cả phiền não, tùy ý du hành hết thảy quốc độ, hạnh nguyện sớm viên mãn để
sớm bước lên tuệ giác vô thượng.” (trang 423-427)
Cuối
lời, nguyện xin Tam bảo chứng minh cầu cho cha mẹ, bà con quyến thuộc nhiều đời
nhiều kiếp của chúng ta chuyển hóa mối dây ái luyến ràng buộc chằng chịt của
mười hai loài trong sáu nẻo luân hồi, thành mối quan hệ chân thiện mỹ “Bồ tát
làm bạn lữ”, đời đời làm thiện hữu tri thức nhắc nhở nhau đến ngày cùng thành
chánh giác, lợi lạc hữu tình.
“Nguyện
từ đây sắp đi cho đến ngày giác ngộ, từ biệt tam đồ, đoạn tuyệt tứ sanh, hòa
đồng với nhau như nước với sữa, vô ngại với nhau in như không gian, vĩnh viễn
làm thân thuộc chánh pháp cho nhau, làm bà con từ bi với nhau, cùng nhau tu tập
vô lượng giác tuệ, thành tựu đầy đủ kho tàng công đức, dũng mãnh tinh tiến không
ngừng không nghỉ, làm bồ tát hạnh không chán không mệt, đồng đẳng tâm chư Phật,
đồng đẳng nguyện chư Phật, được ba thứ bí mật của Phật Đà, chứng pháp thân đầy
đủ năm phần, thực hiện tuệ giác vô thượng thành bậc Chánh Biến Tri.” (trang
275)
“Nguyện
xin Tam bảo đem nước đại bi mà rửa sạch tội lỗi nhơ bẩn cho hết thảy chúng sanh
hiện chịu khổ trong A-tì địa ngục và tất cả các địa ngục khác, làm cho họ thân
tâm thanh tịnh; rửa sạch tội lỗi nhơ bẩn cho chúng con cùng sám hối trong đạo
tràng hôm nay, cùng cha mẹ, sư trưởng và thân quyến của chúng con, làm cho thân
tâm thanh tịnh tất cả.” (trang 242)
Tóm lại,
niệm thâm ân cha mẹ, thay thế cha mẹ mà trì tụng Lương Hoàng Bảo Sám, thay cha
mẹ mà sám hối, quy y, đãnh lễ, và phát nguyện hướng về Bồ đề tâm, để cha mẹ vĩnh
viễn thoát khổ trong sáu cõi mà sanh về cõi thiện. Đó là hiệu
quả của sức cảm ứng khó nghĩ bàn vận hành từ tâm lực hiếu hạnh của chúng ta
“Nhất thiết duy tâm tạo”.
Đó là
những đóa hoa mang đậm nét hiếu thảo mà Lương Hoàng Bảo Sám đã hiến tặng cho
chúng ta.
Đó là cách trả ơn tối thượng chí từ, chí hiếu của những người con hiếu thảo
trong những mùa Vu Lan sắp về.
Nhân
gian sẽ đẹp biết bao từ những hạt giống tưới tẩm hiếu thảo này.
Xin hãy
cùng nhau gieo trồng!
Mùa Thu
tại Chùa Hương Sen, ngày 15 tháng 07 năm 2011
Thích Nữ
Giới Hương