Chuyện đàn chim sa bẫy do bất hòa

Vào một kiếp xa xưa, Bồ-tát (tiền thân đức Phật) sanh làm một con chim cút, thủ lĩnh của hàng ngàn con chim cút sống ở trong rừng

Vào một kiếp xa xưa, Bồ-tát (tiền thân đức Phật) sanh làm một con chim cút, thủ lĩnh của hàng ngàn con chim cút sống ở trong rừng. Bấy giờ, một người bẫy chim vì muốn bắt chim cút nên tìm đến nơi đàn chim sống. Ông ta thường bắt chước tiếng kêu chim cút để dụ chúng đến. Rồi chờ khi bầy chim kéo đến tập họp lại một chỗ, ông ta tung lưới chụp lên chúng và rút các mép lưới lại, tóm tất cả vào một mối, sau đó nhét chúng vào trong một cái giỏ, mang về nhà bán kiếm tiền sinh sống.

 



Một hôm, Bồ-tát nói với bầy chim:

– Thưa chư vị, người bẫy chim này đang tàn sát thân tộc của chúng ta. Ta có một phương kế khiến ông ta không thể bắt được chúng ta nữa. Từ nay trở đi, mỗi khi ông ta tung lưới lên, các vị hãy thò đầu của mình qua các lỗ lưới và sau đó cùng mang lấy cái lưới bay đến một nơi mà các vị muốn, và ở đó, hãy hạ cái lưới xuống trên một bụi cây gai. Làm như vậy, tất cả chúng ta sẽ thoát khỏi nhiều mẻ lưới.

Kế sách thật hay. Cả bầy chim cùng đồng ý.

Ngày hôm sau, khi người bẫy chim chụp lưới lên bầy chim, chúng đã làm theo những gì mà Bồ-tát đã dặn. Chúng mang cái lưới bay lên và hạ lưới xuống trên một bụi cây gai rồi trốn thoát từ phía dưới, làm cho người bẫy chim phải đứng đấy gỡ lưới mãi cho đến khi chiều tối, sau đó trở về nhà mà trong tay chẳng có thứ gì. Bầy chim sử dụng mưu kế ấy liên tiếp nhiều ngày sau đó. Và như thế, người bẫy chim cứ phải chịu cái cảnh loay hoay gỡ lưới cho đến chiều tối và trở về nhà tay không. Thấy chồng trở về nhà tay không hoài như vậy, người vợ tức giận nói:

– Ngày nào ông cũng trở về tay không. Tôi nghĩ là do ông nuôi dưỡng một cơ sở thứ hai nào đó.

Người bẫy chim nói:

– Không đâu bà ơi, tôi không nuôi dưỡng một cơ sở thứ hai, thứ ba nào cả. Sự thật là do những con chim cút đó bây giờ đã cùng hợp tác làm việc. Khi tôi tung lưới lên chúng, cả bầy cùng mang cái lưới đi, để lại nó trên một bụi cây gai và bỏ trốn. Nhưng chúng sẽ không thể sống mãi trong hòa hợp được đâu. Bà đừng lo, khi nào chúng bắt đầu cãi vã nhau, tôi sẽ bắt hết cả bọn chúng. Rồi bà sẽ vui cười cho coi.

Nói vậy xong, ông ta đọc cho bà vợ nghe mấy câu thơ:

Khi hòa hợp có mặt
Chim mang lưới bay xa
Khi tranh cãi xuất hiện
Chúng rơi vào tay ta.


Không lâu sau đó, một con chim cút khi đậu xuống bãi đất kiếm mồi đã vô ý đạp lên đầu một con chim cút khác. Con chim cút này kêu lên một cách giận dữ:

Kẻ nào đạp lên đầu ta thế.

Ôi! Xin lỗi bạn. Tôi đấy. Nhưng không phải tôi cố ý đâu. Xin đừng giận tôi nhé! - Chim cút thứ nhất thành khẩn nói.

Nhưng không thèm đếm xỉa đến câu trả lời phân trần này, chim cút thứ hai cứ ôm lòng sân hận, tiếp tục nói:

Ngươi nghĩ là một mình ngươi có thể nhấc bổng cái lưới kia lên được sao?

Và thế là chúng bắt đầu lời qua tiếng lại, lớn tiếng mắng nhiếc lẫn nhau.

Khi nhìn thấy chúng cãi vã nhau như vậy, Bồ-tát nghĩ: “Mỗi khi đã có tranh cãi thì không có an toàn. Giờ thì bầy chim sẽ không còn nhấc nổi cái lưới lên được nữa rồi, và do đó chúng sẽ nhận lấy sự đại diệt vong. Gã săn chim rồi sẽ tìm được cơ may của mình. Thôi, ta không nên ở đây nữa.” Nghĩ là làm, Bồ-tát cùng với đàn chim của mình bay đến một chỗ khác.

Đúng như dự đoán, một vài ngày sau, gã bẫy chim lại đi đến chỗ đó. Trước tiên gã dụ đàn chim lại bằng cách giả tiếng chim cút, sau đó gã tung lưới lên chúng. Thế rồi một con chim cút nói:

Nghe nói khi ngươi nhấc bổng lưới lên thì lông trên đầu của ngươi rơi xuống cả. Bây giờ có ngon thì hãy nhấc lưới lên đi!

Con chim kia đáp trả:

Khi ngươi nhấc lưới lên, nghe nói lông cánh của ngươi đều rụng cả. Bây giờ hãy nhấc lên thử coi!

Trong khi chúng đang còn đề nghị nhau nhấc lưới như vậy, thì người bẫy chim đi đến, rút các mép lưới lại và nhấc lên, tóm chúng lại thành một mối và nhét vào trong giỏ mang về nhà. Bà vợ thấy vậy thì cười sung sướng.

Jātaka Sammodamāna, truyện số 33

Nguyên Hiệp dịch

Liên Tưởng Từ Câu Chuyện

Đoàn kết được nghĩ là yếu tố cần thiết giúp tạo nên sức mạnh cho một nhóm hay một tổ chức, rộng ra là một xã hội hay một quốc gia. Nói chung thì ai cũng biết đoàn kết là quan trọng, là cần thiết để giữ sự cố kết nhóm, tổ chức hay cộng đồng. Do vậy nên người ta luôn luôn kêu gọi, thậm chí kêu gào, phải đoàn kết. Vì đoàn kết tạo nên sức mạnh cho một nhóm hay một tổ chức, nên nó cũng tạo nên mối lo sợ cho nhóm hay tổ chức khác. Và vì vậy phá đoàn kết cũng rất được nhiều người thực hiện, tất nhiên là bí mật và sử dụng thủ đoạn.

Đoàn kết, nói chung, là tốt (xét ở khía cạnh tích cực, bởi vì cũng có khi “đoàn kết” để đi làm bậy). Nhưng để cho có… đoàn kết, thiết nghĩ cũng cần phải nghĩ đến vấn đề là nên đoàn kết như thế nào và đoàn kết vì mục đích gì. Học Phật, mình biết đến sáu pháp lục hoà, đó là sáu phương pháp giúp cho một tổ chức (ở đây là tổ chức thuộc Phật giáo) có sự đoàn kết và hoà hợp, và khi có hoà hợp thì “có lợi ích an vui.” Như vậy để đoàn kết, chúng ta cần phải có một số quy định hay luật lệ chung nào đó để thực hiện, chứ không phải nói đoàn kết một cách chung chung. “Chín người mười ý” thì làm sao kêu gọi đoàn kết một cách chung chung được.

Luật tạng thường nhấn mạnh vào sự đoàn kết; và việc thực hiện đoàn kết được xây dựng trên việc tuân thủ các giới luật. Tăng đoàn duy trì sự cố kết của nó dựa trên giới luật, không phải dựa trên một cá nhân nào, cho dù đó là đức Phật. Và chính điều này mà khi nghiên cứu về Tăng đoàn Phật giáo người ta xem nó là một tổ chức có tinh thần dân chủ rất cao. Trong Tăng đoàn không ai có quyền phán xét ai. Người nào phạm giới luật thì lấy giới luật ra xử trị. Giới luật là những quy định chung giúp tăng sĩ sống có phạm hạnh, là chất keo nối kết cộng đồng và cũng là những biện pháp “chế tài”. Ví dụ khi một người vi phạm giới luật, sẽ có những luật định dành cho việc đó, như phải sám hối, mặc tẩn hay bị trục xuất khỏi tăng đoàn chẳng hạn. Nói vui một chút là Tăng đoàn sống và làm việc theo… giới luật.

Vậy nên khi người đứng đầu một nhóm kêu gọi sự đoàn kết thì cần nên tính đến việc đặt ra những quy định nào đó để các thành viên của nhóm thực thi theo cho có… đoàn kết. Tức là những thành viên thực hiện đoàn kết dựa trên những quy định đó, chứ không phải thực hiện đoàn kết là bảo sao nghe vậy, hay thực thi tuyệt đối theo mệnh lệnh của người đứng đầu nhóm. Khi một nhóm có đoàn kết thì công việc sẽ hiệu quả hơn (khi không có đoàn kết), và sự hiệu quả của công việc sẽ đem lại những lợi ích nào đó cho các thành viên trong nhóm.

“Chế tài” là một yếu tố quan trọng trong việc giữ quy củ và sự vững mạnh của một nhóm. Nhưng để cho việc chế tài có hiệu quả ta cần nên xem xét yếu tố lợi ích. Một người tham gia nhóm hay tổ chức hiếm không tính đến yếu tố lợi ích. Lợi ích đó có thể là vật chất, có thể là tinh thần. Tinh thần ở đây có thể là thoả mãn một lý tưởng, tìm kiếm một niềm vui, tìm lấy một sự chia sẻ, tìm cơ hội học hỏi, hoặc chí ít là để có bạn chơi hay để cho có người trò chuyện. Chẳng lẽ tham gia vào một nhóm hay một tổ chức nào đó mà không có mục đích gì hết, tham gia chỉ vì thích tham gia? (chắc cũng có người như vậy, nhưng không nhiều). Nhờ có yếu tố “lợi ích” nên việc chế tài mới có hiệu quả. Còn khi tham gia vào một tổ chức mà thấy tham gia cũng được, không tham gia cũng được - tức không thấy sự cần thiết hay lợi ích gì từ việc tham gia đó - thì những biện pháp chế tại hẳn nhiên là vô dụng.

Có những hội đoàn và tổ chức mà các thành viên tham gia vào đều không được trả lương và không nhận được bất cứ sự lợi ích vật chất nào, thế nhưng họ lại rất gắn kết và có khi rất sợ bị loại trừ. Ví dụ có những tổ chức tôn giáo, tín đồ của họ rất sợ bị cấm tham gia sinh hoạt. Tại sao họ lại sợ như vậy? Bởi vì không được tham gia, họ nghĩ sẽ mất lợi ích! Các nhóm, theo cách này hay cách khác, xem ra đều là… “nhóm lợi ích” cả…

Liên tưởng từ câu chuyện, có vài dòng lan man như vậy, có thể chỉ là “hý luận.” Nhưng nói tóm lại, tôi nghĩ rằng, những ai kêu gọi đoàn kết thì cũng nên đặt tiếp vấn đề là đoàn kết như thế nào và đoàn kết vì mục đích gì. Sau khi trả lời được câu hỏi đoàn kết vì mục đích gì thì những câu hỏi tiếp theo sẽ xuất hiện, ví dụ như mục đích đó tạo nên điều gì, đem lại lợi cho ai.v.v… Ở câu chuyện trên, mục đích của đoàn kết là để có sức mạnh mang cái lưới đi, và lợi ích là cả bầy chim thoát khỏi tay người bẫy chim. Nhưng đáng tiếc, cuối cùng cả bầy chim đều vô… giỏ do ham cãi lộn!

Nguyên Hiệp

Chia sẻ: facebooktwittergoogle