Từ cổ chí kim, qua văn chương,
âm nhạc, hội họa; tất cả những nguồn cảm hứng của người cầm bút đều hướng về nét
trẻ đẹp, đều ví những thi, họa phẩm của mình với tuổi trẻ, đều khơi những
nguồn cảm hứng của mình qua tuổi trẻ; vì tuổi trẻ là nguồn sinh lực, là sự
sống và niềm tin, hy vọng của con người, là mùa xuân của cuộc đời. Tuổi trẻ là
rường cột của xã hội, là tương lai của đất nước, là sức sống của mọi sinh hoạt
trong xã-hội; ở đâu có tuổi trẻ là hình như ở đó mọi sự sinh hoạt được trẻ trung
hóa, và tất cả những sự khó khăn cũng sẽ được giải quyết một cách nhanh lẹ.
Vậy muốn cho tuổi trẻ có được sự yên
tâm vững vàng trên đường học vấn, có niềm tự tin để làm hành trang bước chân vào
đời, khỏi phải ngỡ ngàng, hụt hẫng, bổn phận của bậc phụ huynh là phải làm thế
nào để cho con, em chúng ta những chàng, nàng tuổi trẻ có một hướng đi, một lối
sống lành mạnh, một cái nhìn xác thực và một sự nhận thức đúng đắn về những sự
việc và con người mà các bạn trẻ đang tiếp cận hàng ngày.
Riêng tuổi trẻ Việt-Nam thì càng khó
khăn hơn, vì những con em chúng ta qua đây, nơi xứ lạ, quê người, tất cả mọi thứ
mọi vật đều mới, đều lạ; không riêng gì những con em chúng ta mà
chính chúng ta là những bậc làm cha, mẹ cũng đang ở trong một trạng thái phân
vân giữa hai nền văn-hóa Á-Âu. Ðôi lúc chúng ta thật khó khăn, trong mọi vấn đề
xử thế và rồi chúng ta cũng phải suy nghĩ nhiều và nhiều lắm; vì không biết phải
làm thế nào để dạy bảo con em chúng ta - những đứa trẻ đang và sẽ trưởng thành ở
đây (quê hương thứ nhất của chúng, mà là quê hương thứ hai của chúng ta), khỏi
phải bị đồng hóa cũng như khỏi phải bị mang tiếng là chính chúng ta đã quá xưa
cũ, quá lỗi thời). Chúng ta phân vân cũng phải vì theo quan niệm sống của thế hệ
chúng ta thì chúng ta sợ con cháu sẽ bị đồng hóa rồi sẽ quên hết cội nguồn, phần
thì chúng ta cũng muốn để cho con em chúng ta phải hội nhập thật sự vào nguồn
sống thực của xã hội mới để chúng có cơ hội học hỏi những cái mới lạ, và nhất là
sự văn minh của xứ sở mà ta đang sống. Thực tế ai cũng thấy là sự học đòi của
con em chúng ta nhiều lúc cũng đi ra ngoài vòng tay êm ấm, thân thương và ra
ngoài sự kiểm soát của chúng ta. Đó chính là một điều nan giải, là sự lo âu của
chúng ta. Vậy thì chúng ta những bậc làm cha mẹ phải tính làm sao đây? Một câu
hỏi thật rát khó mà trả lời. Ðó chính là điều suy tư là sự trăn trở lớn lao đối
với chúng ta những bậc làm cha mẹ trẻ đang ngày đêm lo lắng cho những đứa con
của mình đang ở vào độ tuổi “teneger” ở ngay xứ người.
Ảnh: Tuổi trẻ tu học tại chùa Hoằng Pháp
Vậy muốn tránh cho con em chúng ta
khỏi phải bị sa ngã, cám dỗ vào những giải trí thiếu lành mạnh, cũng như để
tránh bớt cho con trẻ những cơ hội gặp gỡ, gần gũi những bạn bè không tốt thì
cha mẹ cần phải tạo cho con, cho tuổi trẻ cuả chúng có một lối sống lành mạnh,
một hướng đi đúng và một quan niệm sống biết hướng thiện về tinh thần, muốn được
như vậy thì chúng ta phải làm sao, và bằng cách nào? Theo thiển ý của người viết
bài nầy, Ðạo Phật chính là nơi chốn mà quý bậc làm cha mẹ nên cho con em mình
tìm đến và nương tựa vào. Ðạo Phật không chỉ là một tổ chức tôn giáo mà còn là
nơi chốn để cho các bậc cha mẹ, các vị phụ-huynh đặt niềm tin, và gởi gấm con em
mình và cũng có thể tìm cho con em mình một hướng đi, một lối sống rất an toàn
và hoàn thiện, cả tinh thần lẫn thể chất chứ chúng ta không phải nhọc công đi
tìm đâu xa một chỗ đứng cho tuổi trẻ; vì đã từ lâu tuổi trẻ vẫn ở trong lòng của
Ðạo Phật.
Tuy nhiên không phải vì vậy mà các
bậc làm cha mẹ chỉ cho con em đi theo mình đến chùa vào những ngày lễ, vía, hội
hè có tính cách Phật-Giáo rồi cứ nghĩ như vậy là đủ. Thưa quý vị nếu có những ai
đang nghĩ như vậy thì thật hời hợt; mà trái lại muốn cho tuổi trẻ đến gần và
hiểu được Ðạo Phật thì chúng ta, những bậc làm cha mẹ, phải thường xuyên khuyên
bảo, hoặc có thể tạo điều kiện để làm sao cho con em chúng ta ngoài việc đến
chùa trong những ngày lể, vía, hội hè của Phật-Giáo, còn phải tìm cách để cho
chúng gần những vị Tăng, Ni, những bậc thiện trí thức của Phật-Giáo để cho chúng
được nghe pháp, được học hỏi và thấu hiểu những bài học và gương sống thực tiễn
mà đấng từ phụ đã để lại, và qua những lời giảng dạy uyên thâm của những vị đó.
(Sở dỉ ở đây tôi không muốn dung hai chữ “giáo-lý” vì với đầu óc non dại ngây
thơ của tuổi trẻ và nhất là đôi lúc các em không hiểu thấu đáo được những ý
nghĩa sâu sắc của tiếng Việt nên tuổi trẻ có thể bị hiểu lấm giáo-lý là giáo
điều để ràng buộc tuổi trẻ phải đi vào một khuôn mẫu cứng nhắc, mà tuổi trẻ thì
không bao giờ muốn như vậy). Tôi đồng ý với một số ý kiến của quý vị phụ-huynh
là tuổi trẻ lớn lên ở xứ nầy khôn và khó bảo vì vậy chúng ta không nên ép buộc
mà trái lại chúng ta chỉ nên khuyên bảo, và cố đưa ra những lý do chính đáng để
hầu thuyết phục chúng. Đến đây tôi lại nhớ câu châm ngôn của Wilde đã nói:
“Người già tin tất cả mọi thứ, người trung niên nghi ngờ tất cả mọi thứ, người
trẻ biết tất cả mọi thứ”. Ðúng, tuổi trẻ hiểu biết hết mọi thứ, vậy thì hãy để
cho tuổi trẻ tìm hiểu, và chúng ta chỉ là người hướng dẫn, khuyến khích; vì
những sự hướng dẫn đúng đắn, những lời khuyến khích ân cần thêm vào những hiểu
biết của chính chúng ta trong lãnh vực Ðạo Phật sẽ tạo thêm niềm tin cho con em
nơi chúng ta hơn; hoặc tốt hơn hết, như tôi đã nêu ở trên, là khuyến khích con
em chúng ta là những bạn trẻ hãy siêng năng đi chùa trong những ngày lễ hội của
Phật-Giáo, hoặc thường xuyên tham dự những buổi thuyết giảng của các vỉ Chân-Sư
để học hỏi và hiểu biết thêm về sự vị tha, lòng từ bi, hỷ xả của Ðức-Phật và sự
tĩnh tâm thanh thản của người Phật-tử. Đó là việc cần thiết, nên làm quý vị ạ.
Tuổi trẻ phải được cha mẹ dìu dắt
từng bước, giảng dạy từng lời để dần dà mới hiểu rõ, mới thấm nhuần được đại
nguyện của chư Phật, cho các em thấu hiểu và nhận thức được sao là ái-ngữ,
lợi-hành, những hạnh bố thí, lòng từ bi rộng lớn của chư Phật, chư Bồ tát và
những vị cao Tăng hiện đang là những vị sứ giả đã và đang đưa giáo lý của
Phật-Giáo vào với nhân thế (nhập thế) hầu đưa Ðạo vào Ðời. Ðể cho tuổi trẻ thấy
và hiểu được rằng qua giáo-lý của Ðạo-Phật tất cả lòng Người, lòng Ðời,
Phật-pháp Ðạo Phật không phân biệt cao-thấp, sang-hèn, giàu-nghèo; cũng không có
thù hận mà chỉ có lòng Nhân. từ bi, hỷ xả và lợi tha. Với những nhân tố trên mới
có thể hoán cải được lòng người và từ đó sẻ biến cải để tâm con người thôi không
còn vọng tưởng, vị kỷ, và con người sẽ trở nên vị tha, hướng thiện.
Tuổi trẻ tốt hay xấu; hư hay nên,
sáng suốt hay mù quáng, thành công hay thất bại trên đường đời một phần lớn là
do gia đình, mà gia đình tức là các bậc làm cha mẹ, các vị phụ huynh chứ không
ai hơn được nữa. Vậy thì chúng ta những bậc làm cha mẹ đừng đừng bao giờ đổ thừa
cho hoàn cảnh, cho xã-hội; mà chúng ta phải tự vấn lại chính mình, tự xét lại
xem thử chúng ta đã làm tròn bổn phận và có chu toàn được trách nhiệm của mình
với tuổi trẻ, với con em của chúng ta chưa. (Ðến đây kẻ viết bài nầy cũng xin
nghiêng mình thành thật xin lỗi một số bậc cha mẹ, phụ huynh nếu đoạn kế tiếp
đây có gì không phải và cũng vì có thiện ý để làm sáng tỏ bài viết nên đôi khi
những lời lẽ được viết lên đã làm phật lòng một số phụ huynh thì âu đó chỉ là
một điều ngoài ước muôn của tác giả vậy).
Thưa quý vị tôi biết cũng có nhiều
bậc làm cha mẹ, nhiều vị phụ huynh suốt ngày bận đi làm hoặc vì công việc làm ăn,
rồi cuối tuần chỉ được một hai ngày nghỉ thì lo đủ thứ chuyện, và nhiều khi có
rảnh rỗi thì không dành thì giờ rảnh đó để mà gần gũi con em, răn dạy chúng mà
lại dùng thời giờ đó để mà chỉ lo cho riêng mình, nào đi ăn ở tiệm, đi chơi với
bạn bè rồi bỏ bê cho con trẻ ở nhà chẳng ngó ngàng, săn sóc gì chúng, để mặc
chúng muốn đi đâu, làm gí thì làm, muốn giao thiệp với bạn bè nào cũng mặc. Ðến
một thời gian nào đó khi mà phát giác được con em mình đã đi vào con đường hư
hỏng thi ôi kêu trời không thấu, đã quá muộn mất rồi. Thưa quý vị chính Jesse
Jackson trong lúc nói chuyện với một nhóm phụ huynh đã nói một câu rất chí lý:
“Những đứa con của chúng ta cần sự có mặt, gần gũi của chúng ta với chúng hơn là
những món quà mà ta cho chúng”. Thưa quý vị, vậy muốn cho tuổi trẻ có nếp
sống tốt lành, tương lai tươi sáng, thiết nghĩ bậc làm cha mẹ, hãy cố hy sinh
bớt những cuộc sống riêng tư của mình phần nào, và bằng mọi cách sắp xếp thời
khóa biểu làm sao cuối tuần cũng có một số thì giờ cho con em của chúng ta, như
thế tuổi trẻ mới thấy gần gũi được với cha mẹ. Hãy cho chúng hơi ấm, tình thương
chân thật phát xuất từ tấm lòng của những bậc làm cha mẹ quý vị ạ. Và biết đâu
đó là những tác động tinh thần đối với tuổi trẻ và từ đó chúng ta sẻ giải thích,
khuyên răn con em mình từ từ bỏ những thú vui vô bổ, xa lánh những bạn bè không
tốt mà chúng đã từng giao thiệp có ảnh hưởng xấu đến đời sống của chúng, và thay
vào đó hãy khuyến khích con em mình tham gia vào những đoàn thể có ích lợi cho
chúng chẳng hạn như Gia-Ðình Phậ-Tử, đó là điều kiện gần và tốt nhất để cho
chúng đến gần với Ðạo Phật. Vì đến với Gia-Ðình Phật-Tử các con em của quý vị sẽ
được gần và giao thiệp những bạn hữu, tốt, ngoan hiền đồng trang lứa với chúng,
và chúng sẽ dễ hòa đồng hơn, cũng như được sự chỉ dạy của các anh chị Huynh-trưởng
đã và đang hy sinh những ngày giờ riêng tư của mình để chỉ bảo, dạy dỗ cho các
em những điều hay lẽ phải và cũng luôn rèn luyện cho các em có một lối sống tự
lập, một cách nhìn hướng thiện đối với ngưòi và đời. Ngoài ra, những bài giáo lý
của quý Tăng, Ni sẽ cho bạn trẻ những nhận thức đúng đắn, học hỏi rất nhiều về
lòng vị tha, hạnh bố thí, v.v… Thu nhận các thiện tính và cách ứng xử cao đẹp từ
thiếu thời, sau nầy khi các em trưởng thành, sẽ ứng dụng và xử thế với đời, với
người bằng chính những thu nhận ấy.
Tuổi trẻ có muốn đi đến chùa để sinh
hoạt với những đoàn thanh, thiếu niên Phật-tử, hay muốn tham gia vào Gia-đình
Phật-tử để hầu giao thiệp và gần gũi với những người bạn tốt, hoặc có để nghe
những lời dạy bảo của quý anh chị Huynh-trưởng, hay hơn thế nữa: đề nghe những
lời khuyên răn, giảng dạy của quý Tăng, Ni hay không là hoàn toàn do ở chính nơi
các bậc làm cha mẹ, các vị phụ-huynh. Xin quý vi hãy bằng mọi cách tạo điều kiện
tốt cho các em.
Xin đừng gieo vào đầu óc non trẻ của
tuổi trẻ những ấn tượng sai lạc, những cái nhìn lệch lạc, không tốt về Ðạo-Phật;
đừng bao giờ để cho con em mình nghĩ rằng Ðức Phật là một vị thần linh chỉ để
cho người đời cúng vái và cầu xin thôi; mà phải giải thích cho các em hiểu rõ
ràng rằng Phật cũng chỉ là một người như chúng ta; một người như muôn vạn người
khác thôi, nhưng Phật hơn chúng ta là vì Phật có đầy đủ hết cả mọi đức
hạnh mà người đời không có. Phật đã hy sinh tất cả những riêng tư của chính mình
như: tuổi trẻ, vợ đẹp, con ngoan, tiền tài, danh vọng v.v… Và Ngài đã bỏ lại sau
lưng tất cả, để rồi chỉ có một mục đích duy nhất là tìm chân lý hầu cứu nhân
loại, giải thoát chúng sanh khỏi vòng khổ lụy của cuộc đời. Chân lý Ngài đã tìm
ra, chính là Đạo Phật, là nguồn giáo lý thâm diệu Ngài để lại cho đời suốt gần
3000 năm nay.
Như vậy, không những cố gắng tạo điều
kiện cho con em đến với chùa, bậc làm cha mẹ chúng ta cần phải có sự hiểu biết
chân chánh về Đạo Phật và tinh tấn thực hành giáo lý thâm diệu của Ngài để các
em nhìn và hiểu Phật như một bậc tôn-sư, rồi từ đó sẽ có dấu ấn tốt lành từ từ
gieo rắc vào đầu óc non trẻ những nhân lành, duyên tốt, dẫn dắt cho những bước
đi đầu tiên của chúng, và chúng sẽ biết, hiểu đến Phật, đến Ðạo Phật nhiều hơn.
Tóm lại tuổi trẻ có đến với Ðạo Phật
có học hỏi và thâm nhập được những giáo lý cao siêu, tuyệt vời của Ðạo Phật hay
không một phần lớn và cũng rất quan trọng là do ở nơi các bậc làm cha mẹ, các vị
phụ huynh, vì đó là tấm gương sáng để cho chúng soi. Nếu cha mẹ hằng sống và
hành thiện theo đường hướng của Phật thì tự nhiện con cái cũng thấy những điều
tốt lành trước mặt mình và làm theo; cha mẹ mà có một cuộc sống lành mạnh, đạo
đức và luôn tỏ lòng biết thương, hay giúp đỡ người thì tự nhiên con cái sẻ có
cái nhìn tốt, ý nghĩ đẹp về sự nhân ái của đấng sinh thành ra chúng và đó cũng
chính là những khuôn mẫu, những tấm gương mà chúng cố giữ và chuẩn bị cho tương
lai của chúng khi bắt đầu bước chân vào đời vậy.
Kính tặng các bậc cha mẹ trẻ của các
em Oanh-Vũ thuộc Gia-đình Phật-Tử Việt-Nam
Tâm-Tường - Lê-đình-Cát
Theo: chanhphap.net