ảnh chùa Phước Duyên, Huế
Như thế, giáo lý đốn ngộ
đã có nền tảng từ Nam tông của Huệ Năng, và chúng ta phải nhớ rằng cái hốt nhiên
hay cú nhảy tối hậu nầy không chỉ có tính cách tâm lý học mà còn mang tính chất
biện chứng.
Bát-nhã (s: prajñā) thực sự là một thuật
ngữ mang đầy tính biện chứng biểu thị tiến trình ngộ giải đặc biệt nầy, còn được
gọi là là “chợt nhận ra”, “bỗng thấy ngay”, “thấy ngay lập tức”. Nó không tuân
theo một quy luật phổ biến nào của luận lý học cả. Bởi vì khi Bát-nhã đảm nhận
vai trò chủ thể nhận ra chính mình một cách bất ngờ, như là một phép lạ, đó là
đối diện với
tính không (s: śūnyatā) – sự rỗng không của tất
cả vạn pháp. Điều nầy không xảy ra như là kết quả của lý luận, mà xảy ra khi lý
luận đã bị bỏ rơi vì vô dụng, và nói theo khía cạnh tâm lý học, ngộ xảy ra khi
năng lực ý chí đi đến mức thành tựu.
Dụng của Bát-nhã là khước từ tất cả những gì mà ta nhận thức được từ thế giới phàm trần nầy,
nó thuộc về một trật tự hoàn toàn khác với cuộc sống thường nhật của chúng ta.
Nhưng điều nầy không có nghĩa Bát-nhã là điều gì đó hoàn toàn cách biệt với nếp
sống và tư tưởng của chúng ta, là một cái gì đó được gởi đến cho chúng ta bằng
phép lạ từ một nguồn nào đó không biết và không thể nào biết được. Nếu đúng như
vậy, Bát-nhã sẽ chẳng có ích gì cho chúng ta cả và sẽ chẳng có sự giải thoát
nào giành cho chúng ta. Quả thực vai trò của Bát-nhã làm tản mạn và gián
đoạn tiến trình suy luận duy lý, nhưng trong mọi lúc Bát-nhã vẫn nhấn mạnh đến
suy luận nầy, và nếu không có Bát-nhã, chúng ta không thể có một suy luận nào
cả. Cùng một lúc, Bát-nhã vừa ở trên, vừa ở trong tiến trình suy luận. Thông
thường mà xét, đây là một mâu thuẫn. Nhưng thực tế, chính mâu thuẫn nầy tự nó
đem đến sự khả hữu cũng là nhờ Bát-nhã.
Hầu như các nền văn học tôn giáo
đều chứa đầy mâu thuẫn, phi lý, nghịch lý, bất khả đắc và nếu đòi hỏi ta phải
tin nhận chúng, như là những chân lý mặc khải, chính là vì tri thức tôn giáo
được đặt nền tảng trên sự vận hành của Bát-nhã. Một khi quan điểm về Bát-nhã
được chấp nhận, thì tất cả mọi phi lý tính chủ yếu có nền tảng tôn giáo đều trở
nên có thể hiểu được. Giống như thưởng thức một câu chuyện châm biếm hay. Trên
bề mặt, hầu như có một sự bề bộn khó tin về cái đẹp, và người sành điệu khó lần
cho ra được đầu mối của sợi chỉ bị rối tung. Nhưng ngay khi câu chuyện châm biếm
bị đảo ngược, thì tính cách phức tạp của cái đẹp và sự kỳ diệu sẽ hiển lộ.
Bát-nhã bao hàm trong sự đảo ngược nầy. Cho đến nay, con mắt mãi theo dõi bề mặt
của chiếc áo, đó là bề mặt duy nhất mà nó thường cho phép chúng ta khảo sát. Bây
giờ, bỗng nhiên cái áo bị lộn trái; chiều hướng của cái thấy bỗng dưng bị gián
đoạn; cái nhìn không thể nào liên tục được nữa. Vậy mà nhờ sự gián đoạn đột ngột
nầy, đúng hơn là nhờ sự phá vỡ mà toàn bộ mô hình của cuộc sống bỗng nhiên được
nắm bắt, đó là “nhận ra tự tính”.
Điểm mà tôi muốn nêu ra ở đây là
phương diện lý trí, thường hiện hữu suốt mọi thời gian, chính vì khía cạnh vô
hình này mà phần hữu hình có thể hiển bày vẻ đẹp đa dạng của nó. Đây chính là ý
nghĩa của sự suy lý phân biệt luôn luôn có nền tảng là ở trong trí huệ vô phân
biệt; đây là ý nghĩa xác định rằng tấm gương tính không luôn luôn duy trì
vẻ sáng uyên nguyên của nó và không bao giờ bị bất kỳ ngoại vật nào phủ mờ, đây
cũng là ý nghĩa của sự vật như chúng đang là, dù rằng chúng được an định trong
không thời gian và bị lệ thuộc theo luật tự nhiên.
Cái gì đó quy định tất cả mọi
vật, nhưng chính nó lại không bị quy định bởi các vật nầy mang nhiều tên khác
nhau khi nó được quan sát từ những góc độ khác nhau. Về mặt không gian, nó được
gọi là vô tướng (無 相, formless) ngược hẳn với những gì
có thể được gom lại dưới dạng hình tướng (form). Về mặt thời gian, nó là
vô trú (無 住, e: non-abiding) vì nó sống động thường
hằng, không bị cắt xén thành từng mảnh gọi là tư tưởng, cũng như nó không bị
nhốt kín và giữ chặt như một vật thể tĩnh tại; về mặt tâm lý học, nó là vô
niệm, trong ý nghĩa tất cả ý
thức, tư tưởng, tình cảm của chúng ta đều lưu xuất từ (tâm thể) vô niệm,
đó là tâm (心), hay tự tính.
Vì Thiền liên quan mật thiết với
kinh nghiệm và tất nhiên là với tâm lý học, nên chúng ta hãy đi sâu vào vô
niệm (Unconscious). Nguyên tiếng Trung Hoa,
vô niệm hay vô tâm (無 心,
c: wu-hsin) có nghĩa đơn thuần là
“không suy tưởng – no thought” hoặc là “không ý thức – no mind”.
Nhưng niệm (念)
hay tâm (心) còn có ý nghĩa nhiều hơn là
suy tưởng hoặc ý thức. Tôi sẽ giải thích điều này kỹ hơn ở một nơi
khác. Thực khó đưa ra một từ Anh ngữ tương đương với niệm và tâm.
Huệ Năng và Thần Hội chủ yếu thường dùng chữ
niệm thay cho chữ tâm, nhưng các Thiền sư khác lại thích dùng chữ
tâm hơn chữ niệm. Sự thực, cả hai đều biểu thị chung một kinh nghiệm:
vô niệm và vô tâm đều chỉ nhắm đến cùng một trạng thái của tâm thức.
Chữ tâm (心)
trong từ nguyên biểu tượng cho trái tim, là cơ phận của cảm xúc, nhưng sau đó đã
đi đến mức biểu tượng cho chỗ trú của tư duy và ý chí. Tâm, như vậy có ý nghĩa
rất rộng và nói chung người ta có thể xem nó tương ứng với
ý thức. Vô niệm là không ý thức, như thế tương đương với vô
thức
(unconscious)
Chữ niệm (念)
được ghép bởi chữ kim (今);
có nghĩa hiện tại, bây giờ, nằm trên chữ tâm
(心). Có lẽ từ bản nguyên, nó có ý nghĩa một cái gì đó hiện diện
ngay trên khoảnh khắc của ý thức. Trong văn học Phật giáo, nó thường thay thế
cho chữ sát-na (ksána) trong tiếng Sanskrit, có nghĩa là “một niệm, một ý
tưởng, một khoảnh khắc được xem như một đơn vị thời gian”, “một khoảnh khắc”,
Nhưng theo thuật ngữ tâm lý học, chữ niệm
(念) thường được dùng để chỉ “ký ức”, “cường độ ghi nhớ, tư duy” và
“ý thức”. Vậy nên vô niệm cũng có ý nghĩa tương đương với vô thức
(e: the unconcious).
Vậy thì các Thiền sư muốn nói gì
qua chữ vô niệm?
Rõ ràng trong Thiền Phật giáo,
vô niệm không phải là thuật ngữ tâm lý học, chẳng ở trong nghĩa rộng cũng
như nghĩa hẹp. Trong tâm lý học hiện đại, các khoa học gia nói đến vô thức
như là một ý thức tiềm ẩn, ở đó một khối lượng lớn các yếu tố tâm lý học ẩn tàng
dưới tên nầy hay tên khác. Đôi khi nó xuất hiện trong lĩnh vực ý thức để đáp ứng
cho tiếng gọi nào đó và do vậy, nó xuất hiện bằng một nỗ lực ý thức, nhưng hoàn
toàn bất ngờ và dưới một lớp ngụy trang. Để định nghĩa cái vô thức
nầy, các nhà tâm lý học vẫn còn nhiều bối rối chỉ vì nó là vô thức. Tuy
vậy, thực tế, nó là bể chứa những chuyện huyền bí và nguồn gốc của những thứ mê
tín dị đoan. Vì lý do nầy, khái niệm vô thức đã bị các nhà truyền giáo
thiếu lương tri lạm dụng, và đã có một số người cho rằng Thiền cũng phạm vào lỗi
nầy. Lời cáo buộc như thế sẽ công chính nếu như triết lý Thiền không có gì khác
hơn là một môn tâm lý học về vô thức theo nghĩa thông thường của nó.
Theo Huệ Năng, tư tưởng vô
niệm là nền tảng của Thiền Phật giáo. Thực vậy, ngài đề xướng ba ý niệm như là cấu trúc của thiền,
và vô niệm là một trong cấu trúc đó; hai ý niệm kia là vô tướng
(無 相, e: formless) và vô trụ
(無 住, e: non-abiding). Huệ Năng nói:
“Vô tướng là nơi tướng mà
lìa tướng
Vô niệm là ngay nơi niệm
mà lìa niệm
Vô trụ là bản tính của
con người.”
Ngài còn định nghĩa thêm về vô niệm theo cách
sau:
“Thiện tri thức, đừng để cho tâm
bị ô nhiễm khi tiếp xúc với các cảnh, đó gọi là vô niệm.
Ngay nơi niệm của mình, thường lìa các cảnh, đừng để cho tâm bị lay động khi
tiếp xúc với trần cảnh
… Thiện tri thức, tại sao lại lập
vô niệm làm tông? Chỉ vì những kẻ mê mờ, miệng nói thấy tính, nhưng khi tiếp xúc
với trần cảnh thì liền khởi niệm, trên niệm lại khởi tà kiến, nên tất cả trần
lao, vọng tưởng từ đây mà sinh khởi. Nhưng trong tự tính vốn không có một pháp nào
để có thể đạt được. Nếu có chỗ sở đắc thì chuyện họa phúc chỉ là vọng nói chơi,
và nó chẳng khác gì hơn tà kiến trần lao. Trong pháp môn nầy lập vô niệm làm
tông là do vậy. Thiện tri thức, không (vô 無,
trong vô niệm) là không việc gì? Niệm là niệm gì? Không
(vô) ấy là không còn ý niệm về hai tướng (nhị nguyên, e: dualism),
không còn tâm lăng xăng với trần cảnh; niệm là niệm bản tính của chân như (s: tathatā) vì chân như là thể
của vô niệm, và vô niệm là dụng của chân như. Chính tự tính của
chân như khởi niệm, chẳng phải là mắt, tai, mũi, lưỡi, khởi niệm, vì chân như có
(tự) tính, cho nên thức khởi niệm. Nếu chân như không có tính, thì
mắt, tai cùng sắc thanh ngay đó liền hoại. Thiện tri thức, từ chân như tự tính
khởi niệm, nên sáu căn tuy có thấy nghe hay biết mà chẳng nhiễm vạn cảnh trần,
mà chân tính thường tự tại. Nên kinh nói: Thường khéo phân biệt các pháp tướng
mà không biến dịch trong chân lý tuyệt đối (đệ nhất nghĩa).
Trong khi rất khó khăn và dễ lạc
đường khi áp dụng lối tư duy hiện đại của các bậc Tổ sư, đặc biệt là các Thiền
sư, chúng ta phải liều lĩnh đến mức độ nhất định, vì nếu không, thì sẽ không còn
cơ may nào ghé mắt vào tính ẩn mật của kinh nghiệm thiền. Vì một điều, chúng ta
có cái mà Huệ Năng gọi là tự tính, đó là Phật tính theo
kinh Niết bàn và theo các kinh văn Đại thừa khác. Tự tính nầy, theo thuật ngữ
của Bát-nhã Ba-la-mật-đa là chân như (s: tathatā), và tính không.
Chân như có nghĩa là Tuyệt đối, là cái gì đó không lệ thuộc định luật tương đối.
Do vậy nên chân như không thể nắm bắt được qua phương tiện hình tướng. Chân như
là vô tướng. Trong Phật giáo, sắc (s: rūpa) tương phản với vô
sắc (s: arūpa), đó là vô điều kiện. Do đó, cái vô sắc, vô điều kiện
và cái vô khả đắc nầy là tính không (s: śūnyatā). Tính không không phải
là một khái niệm phủ định, không phải là biểu thị sự trống vắng đơn giản, nhưng
vì nó không ở trong giới hạn của danh và sắc
nên nó được gọi là tính không, cái không hay
rỗng lặng.
Như thế, tính không là bất
khả đắc. Bất khả đắc nghĩa là siêu việt tất cả mọi nhận thức, mọi nắm
bắt, vì tính không siêu việt cả hữu và vô. Tất cả mọi tri thức
tương đối của chúng ta đều thuộc về nhị nguyên. Nhưng nếu tính không tuyệt đối
siêu việt tất cả nỗ lực của con người, bằng cách nầy hay cách khác, để nắm giữ
lấy nó thì nó lại chẳng có giá trị đối với chúng ta, nó không trở thành lĩnh vực
quan tâm của con người, nó không thực sự hiện hữu và chúng ta không có gì quan
hệ với nó. Tuy nhiên, chân lý lại hoàn toàn khác, tính không vốn thường là tặng
vật cho chúng ta, nó luôn luôn ở với chúng ta, ở trong chúng ta, tùy thuộc toàn
bộ vào tri thức, hành động và tùy thuộc vào chính cuộc sống. Chỉ khi nào chúng
ta cố gắng nắm giữ ấy nó như là một vật thể trước cái nhìn của chúng ta, thì nó
lại lẫn tránh, bất chấp mọi nỗ lực của chúng ta, rồi nó tự tan biến như sương
khói. Chúng ta thường bị nó quyến rũ, nhưng nó chơi trò cút bắt với ta như một
bóng ma trơi.
Chính Bát-nhã đã đặt được bàn tay
lên tính không, chơn như và tự tính. Bàn tay này không đặt lên cái mà nó như là. Đây là chứng cứ
hiển nhiên xuất phát từ những gì ta đã đề cập về những mối liên quan, có tính
tương đối, vì lý do đó tự tính
siêu việt hẳn lĩnh vực tương đối, việc nắm bắt tính không bằng Bát-nhã không thể
nào có được ý nghĩa theo nghĩa thông thường của nó. Nắm bắt mà không phải là nắm
bắt, một xác quyết nghịch lý không thể nào tránh được. Nói theo thuật ngữ Phật
học, sự nắm bắt nầy được tựu thành nhờ tính cách không phân biệt, nghĩa là̀ bằng
sự phân biệt không có tính cách phân biệt. Tiến trình đột biến, đột ngột, là một
hành động của tâm, không phải là hoạt dụng của vô thức mà là biểu hiện nảy sinh
từ chính tự tính, đó là vô niệm (無 念,
e: Unconscious).
Như thế về mặt căn bản, vô
niệm của Huệ Năng khác hẳn với vô thức của tâm lý học. Nó có hàm ý
siêu hình học. Khi Huệ Năng nói về vô niệm của tâm thức, là Ngài
đã bước qua lĩnh vực tâm lý học rồi, Ngài không còn nghĩ đến cái vô thức lập trên
nền tảng của ý thức. Khi dõi ngược lại quãng thời gian xa xôi, lúc tâm không còn
dính líu với ý thức nữa, thì tâm vẫn ở trong trạng thái duy trí đơn thuần. Vô
niệm của Huệ Năng cũng chẳng phải là một loại linh hồn vũ trụ bồng bềnh
trên bề mặt hỗn mang. Nó phi thời gian, nhưng lại gói trọn thời gian từ thời kỳ
ngắn ngủi nhất cho đến hằng đại kiếp.
Định nghĩa của Thần Hội về vô niệm trong Pháp Ngữ
của sư (p. 14) sẽ chiếu sáng hơn về đề tài nầy. Khi giảng về Bát-nhã, Sư nói:
“Đừng để dính mắc vào tướng.
Không bị dính tướng gọi là chân như. Chân như nghĩa là gì? Nghĩa là vô niệm. Vô niệm là gì? Là
không nghĩ về có (hữu 有)
hoặc không (vô 無); không nghĩ đến thiện,
ác, không nghĩ đến hữu hạn (hay vô hạn), nghĩa là không nghĩ đến giải thoát,
cũng chẳng nghĩ đến không giải thoát, chẳng nghĩ về niết-bàn, cũng không nghĩ
đến việc chứng niết-bàn. Đây là vô niệm. Vô niệm chẳng có gì khác hơn
chính là Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Bát-nhã Ba-la-mật-đa chẳng gì khác hơn là Nhất
thể tam muội.
“Thiện tri thức, như trong số các
ông, còn đang tham học, mỗi lần khởi niệm, hãy quay về quán chiếu (nguồn tâm).
Khi tâm khởi niệm rồi thì ý thức quán chiếu cũng tự tiêu trầm. Đây là vô niệm.
Vô niệm nầy tuyệt đối tự tại với tất cả cảnh duyên, vì nếu còn có cảnh duyên,
thì nó không thể được gọi là vô niệm.
“Thiện tri thức, thể nhập được
tính vi diệu của pháp giới, điều ấy được gọi là Nhất thể tam muội. Do vậy, trong
Kinh Tiểu bản Bát-nhã Ba-la-mật-đa có nói:
“Các thiện nam đây là Bát-nhã
Ba-la-mật-đa, có nghĩa là không còn một niệm tưởng nào về các phá. Khi chúng ta
an trú trong đó, nghĩa là trong vô niệm, thì thân vàng ròng nầy với 32 tướng tốt
thù thắng của thân, phóng hào quang rực rỡ trùm khắp, tổng trì Bát-nhã, siêu
việt tất cả mọi suy lường, trụ trong tam muội thù thắng mà chư Phật đã thành tựu
và đạt được tuệ giác vô thượng. Tất cả mọi công đức (tích lũy được nhờ vô niệm)
chư Phật còn không thể tính đếm được, huống là hàng Thanh văn, Bích chi Phật”.
“Kẻ nào đạt được vô niệm
thì không còn bị nhiễm ô bởi sáu căn, kẻ nào thể nhập vô niệm
thì dễ quay về với tri kiến Phật, kẻ nào thâm nhập được vô niệm được gọi
là thâm nhập Thực tế, kẻ nào thấy được vô
niệm được gọi là Trung đạo, và Đệ nhất nghĩa đế, kẻ thấy được vô niệm
thì có thể khiến xuất sinh tất cả các pháp, kẻ đạt vô niệm có thể thụ
nhận tất cả các pháp”
Quan điểm về vô niệm nầy
được xác định một cách toàn triệt trong Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn của Đại
Châu Huệ Hải. Một đệ tử kiệt xuất của
Mã Tổ.
“Vô niệm là vô tâm trong tất cả
mọi nơi, tâm không bị tất cả cảnh chuyển, không tất cả những suy nghĩ, mong cầu
khác. Khi tâm gặp cảnh sắc vĩnh viễn không khởi động vọng tưởng nữa, (được như
vậy) gọi là vô niệm. Vô niệm còn gọi là chân niệm. Nếu dùng niệm khởi tưởng để
đạt đến vô niệm, tức là tà niệm, chẳng phải chánh niệm. Sao vậy? Kinh nói: Nếu
dùng niệm ý thức (lục niệm) dạy người thì gọi là
phi niệm. Có ý thức niệm gọi
là tà niệm; không phải ý thức niệm, gọi là chân niệm.
“Thấy vô niệm,” không có nghĩa là
theo dạng tự ý thức, tự phản tỉnh, cũng chẳng phải là đắm mình trong trạng thái
xuất thần, cũng không ở trong trạng thái lãnh đạm thờ ơ, nơi mà tất cả vết tích
của ý thức thông thường bị mất dấu.
Thấy vô niệm là có ý thức, và tuy
nhiên lại đạt đến vô thức về tự tính. Bởi vì tự tính lại không được quy định bởi phạm trù luân lý
học về hữu (有, có) và vô (無, không). Như thế, việc
quy định có nghĩa là mang tự tính vào trong lãnh vực tâm lý học thực nghiệm, nơi
mà nó không còn chính là cái đang hiện hữu nữa. Mặt khác, Nếu
vô niệm có nghĩa là không còn ý thức, thế thì nó báo hiệu sự chết, hay ít
nhất, báo hiệu sự đình chỉ tạm thời sự sống. Nhưng điều nầy lại không thể có.
Nhờ thế cho nên tự tính chính là tâm. Đây là ý nghĩa của đoạn kinh sau
đây mà ta thường gặp trong Kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa
và trong các kinh văn Đại thừa khác.
“Không thể nào không có ý thức
trong tất cả cảnh vì bản tính tối thượng của các pháp là tính không, và
vì rốt ráo không có một hình tướng nào để người ta có thể đặt tay vào đó. Tính
bất khả đắc của vạn pháp nầy chính là Thực tế (chơn như), là tướng thù thắng nhất của Như Lai.
Như thế, vô niệm là Thực tại tối
thượng, là chân tướng, là thể thù thắng nhất của Như Lai. Chắc chắn nó không phải là sự mơ hồ trừu tượng, không chỉ là
khái niệm mặc nhiên, mà là một kinh nghiệm sống trong ý nghĩa sâu mầu nhất của
nó.
Thần Hội còn có những diễn đạt khác về vô niệm:
“Thấy vô niệm tức là nhận ra tự
tính, nhận ra tự tính không phải là nắm giữ về một cái gì đó. Không
nắm giữ các pháp chính là Như Lai thiền...
Tự tính xưa nay vốn hoàn toàn
thanh tịnh, vì thể của tự tính hoàn toàn tự tại, thấy được tự tính như thế,
tức là bình đẳng với Như Lai, là không bị dính mắc với các tướng, liền dứt từ hết sạch tập
khí vọng tưởng, tự mình đầy đủ các công đức thanh tịnh tuyệt đối, chứng nhập vào
chân giải thoát...”
Bản tính của chân như chính là bản tâm của
chúng ta, do ta tri giác được. Tuy nhiên, chẳng có người tri giác cũng chẳng có
cái mà người ấy tri giác”
“Đối với những ai thấy được vô
niệm, thì nghiệp ngừng hẳn tác dụng, sự nuôi dưỡng những vọng niệm và nỗ lực
tiêu trừ nghiệp chướng bởi mê lầm còn có ích gì nữa?
“Siêu việt ý niệm nhị nguyên, có
và không. Thích thể nhập Trung đạo, đó là vô niệm. Vô niệm là nhận ra cái nhất
như, nhận ra nhất như nghĩa là đạt đến toàn tri, đó là trí tuệ Bát-nhã, Bát-nhã
chính là cảnh giới của Như Lai thiền.”
Ở đây chúng ta trở lại lần nữa
với sự tương quan giữa định và huệ. Quả thực, đây là một đề tài được nhắc đến
rất nhiều trong triết học Phật giáo, và chúng ta không thể lẫn tránh đề tài ấy,
đặc biệt là trong khi nghiên cứu về thiền. Sự phân phái giữa hai tông của Thần
Hội và Huệ Năng chẳng gì khác
hơn là sự khác biệt từ trong cách nhìn của họ về mối tương quan giữa định và huệ
nầy. Thần Tú tiếp cận vấn đề từ quan điểm của định, trong
khi Huệ Năng đề xướng huệ như là điều cốt yếu nhất để thủ chứng được thiền.
Trước hết, Huệ Năng nói với chúng ta về việc “nhận ra” tự tính có nghĩa là tỉnh thức trong vô niệm, ngược lại,
Thần Tú khuyên chúng ta “tọa thiền”, để làm lắng dịu phiền não và vọng tưởng của
chúng ta, rồi tự tính thanh tịnh bản nhiên sẽ tự phát ra ánh sáng chiếu diệu.
Hai khuynh hướng luôn luôn đi bên cạnh nhau trong lịch sử tư tưởng thiền, có lẽ
nhờ vào hai dạng tâm lý có trong con người chúng ta. Trực giác và đạo đức, tri
thức và thực hành.
Những người coi trọng huệ, như
Huệ Năng và môn đệ của ngài, có khuynh hướng đồng nhất thiền định với huệ và
nhấn mạnh sự tỉnh thức về vô niệm là đột nhiên, tức thời. Sự tỉnh thức trong vô
niệm nầy, về mặt luận lý có lẽ hàm chứa sự mâu thuẫn, nhưng thiền vốn sống động
trong thế giới riêng của nó. Thiền không ngại những ý tưởng mâu thuẫn và tiếp
tục dùng những bút pháp kỳ đặc của nó.
Như thế, Nam tông của Huệ Năng
phản đối Thần Tú trên cơ sở những ai phí thì giờ ngồi khoanh
chân tọa thiền, nỗ lực để đạt được trạng thái yên tĩnh, và tìm kiếm một sự thành
tựu hiển nhiên nào đó. Họ là những người đề xướng giáo lý tâm tính bản tịnh,
và xem giáo lý ấy như thể chứng minh được một cách tri thức. Họ là những người
nhìn chăm chú vào một vật thể đặc biệt mà có thể phân loại ra trong số những sự
vật tương quan khác, và chỉ cho người khác, như người ta chỉ cho họ thấy mặt
hàng, họ bám vào vật thể đặc biệt nầy như là thứ quý báu nhất, họ quên rằng sự
bám víu nầy đã làm xuống cấp mọi giá trị đối tượng họ yêu thích, vì nó hạ thấp
tính bình đẳng của chính họ. Do vì sự chấp trước nầy, và sự an định mà trong đó
họ ưa thích một trạng thái đặc biệt của ý thức như là điểm tối hậu để họ có thể
chứng đắc được. Do vậy, họ không bao giờ đạt được sự giải thoát chân thực, họ
không bao giờ cắt được sợi dây rốt cùng vẫn còn trói buộc họ ở bên nầy của cuộc
tồn sinh.
Theo tông Bát-nhã của Huệ Năng,
định và huệ trở thành đồng nhất trong vô niệm. Bởi vì khi có sự tỉnh thức
trong vô niệm, thì đây không phải là sự tỉnh thức (của vô niệm), vì vô niệm luôn
luôn ở trong định, tịch nhiên và bất động.
Không bao giờ nên xem sự tỉnh
thức nầy như là chứng đạt, tựu thành hay là kết quả của những nỗ lực như vậy, vì
không có sự thành tựu trong sự tỉnh thức về Bát-nhã trong vô niệm, cũng không có
sự dừng trụ trong đó. Đây là điểm được nhấn mạnh nhiều nhất trong tất cả các bản
kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Không chứng đắc, nên không chấp thủ, nên vô sở trú-
nghĩa là trú trong vô niệm hay trú trong vô trú.
Trong Đại Châu Huệ Hải Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn, chúng ta thấy có cuộc đối thoại
nầy:
Hỏi: Thế nào là dụng đồng thời
của tam học (giới, định, huệ)?
Đáp: (Tâm) thanh tịnh, không
nhiễm là giới, biết tâm chẳng động, khi tiếp xúc với cảnh trần, tâm vẫn vắng
lặng là định, khi biết tâm không động, nhưng không khởi niệm tưởng về sự bất
động ấy, biết tâm thanh tịnh mà chẳng nhiễm ô, mà chẳng khởi tưởng về sự thanh
tịnh ấy. Cho đến có thể phân biệt được các việc thiện ác, mà không bị nhiễm
thiện ác, và hoàn toàn được tự tại, đó gọi là huệ. Nếu có người biết được thể
của giới, định, huệ ấy đều không thể chứng đắc được, thì họ không còn tâm phân
biệt, tức (tâm họ đồng nhất với thể ấy, đây là cái dụng đồng thời
của tam học.
Hỏi: Nếu khi tâm an trú trong
tịnh, có phải tâm chấp dính vào tịnh chăng?
Đáp: Nếu khi tâm được trú trong
tịnh, mà không khởi niệm an trú trong tịnh ấy, thì không gọi là tâm dính mắc vào
tịnh.
Hỏi: Khi tâm trú trong không,
phải chăng tâm chấp trước vào không?
Đáp: Nếu tâm khởi niệm tưởng an
trú trong không, tức tâm dính mắc vào không.
Hỏi: Khi tâm được an trú nơi
vô-sở-trú, phải chăng tâm dính mắc vào nơi vô-sở-trú ấy?
Đáp: Chỉ cần không khởi niệm
tưởng về không là thoát khỏi sự chấp trước. Nếu ông muốn thấu rõ lúc nào
tâm đạt đến vô sở trụ, thì khi ngồi ngay thẳng trong tư thế tọa thiền, chỉ biết
đến tâm, chớ suy lường tất cả mọi sự vật, hết thảy ý niệm thiện ác đều không suy
lường. Việc quá khứ đã qua rồi cũng đừng suy nghĩ, thì tâm quá khứ sẽ vắng bặt,
gọi là rảnh rang đối với việc quá khứ. Việc tương lai chưa đến, nên đừng mong
cầu, thì tâm vị lai sẽ vắng bặt, gọi là rỗng rang việc tương lai. Việc hiện tại
đã xảy ra. Đối với mọi việc, chỉ biết đừng nên dính mắc. Không dính mắc là không
khởi tâm yêu ghét. Như vậy nên tâm hiện tại dứt tuyệt, gọi là không dính việc
hiện tại. Cho đến ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai đều không bị dính mắc trong
tâm, gọi là không cả ba thời. Nếu khi tâm khởi niệm, chớ rong ruỗi theo nó, thì
niệm tưởng sẽ tự dừng lại. Khi tâm khởi niệm dừng trụ, cũøng đừng theo niệm
tưởng dừng trụ ấy, tâm sẽ tự dừng bặt. Gọi là tâm trụ chỗ không vậy. Nếu tự
mình biết rõ ràng khi tâm trụ nơi bất động, là biết chỉ có vật trụ chứ không có
chỗ trụ, cũng chẳng không có chỗ trụ.
Nếu biết rõ tâm chẳng trụ tất cả
chỗ, đích thực được gọi là thấy bản tâm, cũng gọi là đích thực thấy tính. Chỉ
riêng cái tâm không trụ tất cả chỗ ấy, tức là tâm Phật, cũng gọi là tâm giải
thoát, tâm Bồ-đề, tâm vô sinh, cũng gọi là tính không của sắc, như trong kinh
gọi là chứng vô sanh pháp nhẫn.
Khi đạt được tâm vô niệm, sẽ hiểu
rõ tất cả những điều nầy.”
Giáo lý vô niệm, như được trình
bày ở đây, có một thuật ngữ tâm lý học tương đương là thụ động tuyệt đối
hoặc hoàn toàn vâng ý. Cũng có thể được gọi là giáo lý kham nhẫn.
Tâm thức cá nhân chúng ta thể nhập vào vô niệm phải trở nên như xác chết, như
hình ảnh mà Thánh Francis d'Assisi minh họa ý tưởng của Ngài về sự vâng ý hoàn toàn.
Tự khiến mình như gỗ hoặc đá,
hoặc như thây chết, dù là một hình ảnh được dùng từ một quan điểm khác biệt,
dường như cũng có sự tương đồng thú vị với Thiền Phật giáo.
Trong Hoàng Bá Hy Vận Ngữ Lục có đoạn văn sau:
Hỏi: Tri kiến phàm phu là gì?
Trả lời: Lợi ích gì mà ông dính
dấp với những thứ phức tạp ấy. (Tâm) xưa nay hoàn toàn thanh tịnh, chẳng cần
ngôn từ biện luận về nó. Chỉ cần hoàn toàn vô tâm (vô niệm), và đây là điều
người ta gọi là trí giác thanh tịnh. Trong cuộc sống hàng ngày dù đi đứng nằm
ngồi, đừng để lời nói nào của ông dính mắc vào các sự vật trên thế gian nầy, lúc
ấy dù ông nói gì, dù ông nhướng mày chớp mắt như thế nào, thì tất cả đều lưu
xuất từ bản tâm thanh tịnh của ông. Thế giới hiển bày theo cách thế chung của
nó, và đa số thiền sinh thường dính mắc vào thế giới hiện tượng. Những sự kiện
ấy rốt ráo có liên quan gì với tâm? Hãy để tâm ông trống rỗng như hư không,
giống như gỗ đá, như tro lạnh than tàn. Khi điều nầy thành tựu, ông sẽ cảm nhận
được sự tương ưng (với chân tâm). Nếu không, thì một ngày nào đó, ông già thế
gian kia sẽ ra tay với ông”
Phẩm chất sự vâng ý của Thánh
Ignatius Loyola như là nền tảng thần phẩm (Order) của ngài về mặt tinh thần, hiển nhiên là khác với điều
mà các Thiền sư hiểu là sự lạnh lùng tuyệt đối. Họ lạnh lùng với tất cả mọi điều
xảy đến với họ, vì họ xem những điều ấy không dính dáng gì đến vô niệm
đang nằm phía sau lưng của ý thức nông cạn. Vì họ duy trì mật thiết với vô
niệm, nên tất cả mọi thứ diễn ra bên ngoài, bao gồm tất cả những gì thường
được biết thuộc về tâm thức của con người, cũng chỉ là những cái bóng. Như thế,
các sự kiện ấy làm ngáng trở các Thiền sư, trong khi vô niệm của các ngài vẫn không hề bị quấy nhiễu. Sự chịu đựng nầy,
nói theo thuật ngữ Cơ-đốc giáo, là một sự hy sinh, là
vật hiến tế để tôn vinh Thượng đế.
Trong cuốn Những Dị Biệt Về
Kinh Nghiệm Tôn Giáo, (Vaneties of Religious Expenrience;
p. 312), William James đã trích dẫn một đoạn
trong Nhập Môn Đời Sống Huyền Bí (Introduction à la vie Mystique) của
Lejeune:
“Do nghèo nên y hy sinh hết của
cải bên ngoài, bởi trong trắng nên y hiến dâng cả sinh mạng, bởi vâng ý cha
mà y hoàn tất sự hy sinh, dâng tặng cho thượng đế tất cả những gì riêng lẽ, hai
thứ quý giá nhất là trí thông minh và ý chí của y. Bởi sự tận hiến tri thức và ý
chí nầy mà các tín đồ Cơ đốc giáo được thành tựu. Có nghĩa là, họ tự biến mình
thành gỗ đá, chỉ là tro lạnh than tàn, và có nghĩa là đồng nhất với vô thức. Và
đây là các tác giả Cơ-đốc giáo trình bày kinh nghiệm nầy qua thuật ngữ
Thượng đế như là một sự tận hiến dâng lên ngài, trong khi đó, các Thiền sư
viện dẫn nhiều đến những từ mang tính cách tri thức và tâm lý học hơn.
Xinh trích dẫn thêm một đoạn nữa
của Ignatius.
“Tôi phải xem mình như thây ma
chết rồi, chẳng còn chút tri thức hay ý chí nào nữa cả, giống như một khối vật
chất không còn chút kháng cự nào, mặc tình cho người khác để nơi đâu tùy ý,
giống như cây gậy trên tay người già lão, sử dụng nó theo ý muốn và đặt đâu cũng
được.”
Đây là thái độ mà Ignatius khuyên các con chiên hướng về
thần phẩm (Order). Dự tính của sự tu học
trong Cơ-đốc giáo hoàn toàn khác với môn đệ của Thiền, và lời
khuyên răn của Ignatius hoàn toàn có sắùc thái đặc biệt trên bình diện chung.
Nhưng ở mức độ kinh nghiệm tâm lý, cả Thiền sư và những nhà lãnh đạo tinh thần
Cơ-đốc giáo đều nhắm đến sự khai phát cùng một trạng thái của tâm, chẳng có gì
khác hơn là thể nhập vô niệm từ tâm thức cá biệt của mỗi chúng ta.
Jesuit Rodriguez đưa ra một minh họa rất cụ thể khi nhìn về đạo
đức của sự vâng lời:
“Một con người tôn giáo phải kính
trọng tất cả mọi thứ là đối tượng phụng sự của y. Giống như một pho tượng, không
cảm thấy buồn rầu cũng như phản kháng khi người ta lột từng lớp áo của y. Quý vị
nên có tinh thần như thế nầy đối với các thứ khác như sách vở, phòng ở, và mọi
vật khác mà mình đang dùng.”
Bởi vì áo quần, sách vở của mình…
cũng như những nỗi khổ, buồn phiền, niềm vui và nguyện vọng… là những sở hữu về
tinh thần, cũng như những sở hữu về vật chất vậy thôi. Hãy xả ly những sở hữu
tâm lý như thể nó là tài sản riêng của mình. Như vậy, quý vị chính là Phật tử
sống trong vô niệm hay là người đã thể nhập vô niệm.
Có một số người nói rằng của cải
vật chất không thể nào giống như các chức năng tâm lý, rằng không có chức năng
tâm lý thì không có tâm thức và không có tâm thức thì sẽ không có hữu thể (chúng
sinh). Nhưng theo tôi (Suzuki), nếu không có những vật chất mà lẽ ra cần phải
có, thì thử hỏi thân thể của quý vị ở đâu? Không có thân thì tâm hiện hữu ở chỗ
nào? Rốt ráo, tất cả những chức năng tâm lý không thuộc về quý vị, cho đến những
thứ như quần áo, bàn ghế, gia đình, thân thể của quý vị…đều tùy thuộc vào quý
vị, nhưng quý vị lại luôn luôn bị chúng chi phối, thay vì đúng ra là quý vị phải
kiểm soát được chúng. Quý vị không được tự tại ngay cả khi thân xác của chính
mình dường như gắn bó mật thiết với mình nhất, thì nó lại bị lệ thuộc vào sinh
tử. Đối với thân, tâm quý vị là mối liên hệ chặt chẽ nhất và tâm nầy dường như
vẫn còn nằm ngoài vòng kiểm soát của quý vị, phải chăng trong suốt cuộc sống,
sinh mạng của quý vị chỉ là món đồ chơi của tất cả mọi dục vọng, cảm xúc, tưởng
tượng, tham vọng, đam mê của chính mình hay sao?
Khi Huệ Năng và các Thiền sư khác
nói về vô niệm, người ta có thể hiểu rằng các ngài khuyên chúng ta nên chuyển sang cái thân tro
tàn nguội lạnh với cái xác không hồn, không tình cảm, không một cơ chế nội tại
cộng thông với nhân quần, khuyên chúng ta nên chuyển sang cái trống không, cái
không tuyệt đối. Nhưng sự thực thì đây là lời khuyên được ban phát bởi các
nhà lãnh đạo tôn giáo, đây là mục tiêu tối hậu mà các tín đồ của các tôn giáo
đều phát nguyện đạt đến. Theo tôi, (Suzuki) tách rời hẳn những kiến giải thần
học hay tâm lý học, Cơ-đốc giáo và Phật giáo đều liên
quan đến cùng một kinh nghiệm thực tế khi họ nói về sự tận hiến và sự vâng lời.
Một trạng thái thụ động tuyệt đối trong một kiến giải năng động; nếu kiến giải
ấy khả hữu, thì đó là căn bản của kinh nghiệm Thiền.
Vô niệm là để cho ý cha được
nên và không tự khẳng định mình. Tất cả mọi hành động và biến cố xảy ra, bao
gồm cả tư tưởng và tình cảm do tôi tạo tác hay nó đến với tôi đều thuộc về ý chí
siêu phàm; còn về phần tôi, không có một vướng bận, một ao ước nào và “tâm tôi
hoàn toàn vắng bặt dấu ấn của quá khứ, hiện tại, tương lai” theo cách đã được mô
tả ở trên. Đây cũng là tinh thần của Chúa khi ngài thốt lên:
“Do đó, chớ nghĩ đến ngày mai, vì
ngày mai sẽ tự lo cho nó. Mỗi ngày đã tự đủ mọi khó nhọc của nó rồi”. Hãy thay
chữ “ngày mai” bằng chữ “tương lai” và “mỗi ngày” bằng chữ
“hiện tại”, thì những gì Chúa
phán đều giống hệt như Thiền sư nói, dù bằng một cách triết lý hơn. “Hiện tại”
đối với Thiền sư, sẽ không có nghĩa là một khoảng thời gian 24 giờ như ước định
thông thường, mà là một khoảnh khắc hay một tư tưởng thoáng qua ngay trước khi
người ta nói ra lời. Vô niệm phản chiếu diện mạo của nó trong từng sát-na niệm
tưởng như thế, đi qua với tốc độ lớn nhất, trong khi vô niệm vẫn tịch nhiên bất
động. Những niệm khởi nầy tạo thành tâm thức tôi và hễ chừng nào tâm thức ấy còn
được xem là tôi
thì tâm ấy vẫn không dính dấp gì đến vô niệm, và đó là vướng mắc, ham muốn, lo
âu, thất vọng, và là tất cả mọi “thứ khó nhọc”. Trái lại khi nó thể nhập vào vô
niệm rồi, thì nó sẽ tách rời hẳn tâm thức tôi, không còn là cái tệ hại nữa, và
tôi được hưởng tính trạm nhiên của vô niệm. Tôi có thể nói đây là một hình thái
của tính thụ động tuyệt đối.
Khái niệm vô niệm
đưa đến nhiều giải thích sai lầm, nhất là khi nó được dùng để chỉ một thực thể
hiện hữu mệnh danh là vô niệm. Các Thiền sư không thừa nhận một thực thể như thế
ở phía sau tâm thức thực nghiệm của chúng ta. Thực vậy, họ luôn luôn chống lại
những giả định về tính chất nầy, họ còn nỗ lực phá bỏ chúng bằng mọi phương tiện
khả hữu.
Vô tâm (無 心; e: without-mind) và vô niệm
(無 念; e: without-thought)
trong tiếng Hán cả hai đều có nghĩa là vô niệm
(e: Unconscious), hoặc là trạng thái
vô thức (e: being unconscious). Điều nầy cũng vậy,
thỉnh thoảng tôi, (Suzuki) nhận thấy mình bị lạc hướng khi trình bày ý nghĩa
chân xác của các tác giả Trung Hoa khi tôi dịch những kinh văn trích dẫn của các
ngài cho cho thiên luận nầy. Cú pháp tiếng Hán kết hợp với nhau rất chặt chẽ, và
mỗi thành phần của ngữ cú có một ý nghĩa rất mạnh. Khi đọc nguyên tác chữ Hán, ý
nghĩa dường như rõ ràng hơn, nhưng khi được trình bày qua bản dịch tiếng Anh, sự
chính xác rõ ràng yêu cầu phải được tuân thủ tối đa theo ngôn ngữ bản quốc. Để
làm việc nầy, buộc lòng phải có sự khiên cưỡng khi vận dụng những nét thiên tài
từ uyên nguyên của tiếng Hán, thế nên thay vì dịch thuật, lại cần thiết phải có
những lời giải thích, sắp xếp, chú giải dài dòng và do đó, mạch tư tưởng đan dệt
tương tục tạo nên nét uyên nguyên rực rỡ cùng với ngữ pháp và cấu trúc đặc biệt
của tiếng Hán đã bị phá vỡ. Điều mà người ta thường gọi là hiệu quả nghệ thuật
tinh tuý hiển nhiên bị đánh mất.
Trong đoạn đối thoại dưới đây,
được trích từ các bài pháp của Huệ Trung. Những lý luận để phát triển ý tưởng vô niệm như dụng
tâm (用 心),
nỗ lực ý thức, hữu tâm (有 心)
còn có tâm ý thức; vô (無) như một thành phần từ
ngữ độc lập, “không”, như một tiếp đầu ngữ như “không”, “không có”
…, hoặc vô như là một danh từ; “tính không” hoặc “cái không” hoặc “không
thực thể” và thành Phật ( 成佛)... được Huệ Trung, là một trong
những đệ tử của Huệ Năng quen sử dụng. Hiển nhiên, sư nóng lòng muốn xiển dương
pháp môn vô tâm (無 心)
có nghĩa là vô niệm, thuật ngữ được thầy của sư là Huệ Năng thường dùng.
Cuộc tham vấn được mở đầu bởi câu hỏi của Linh Giác (Ling-chiao), một trong những đệ tử mới nhập môn:
Hỏi: Con xuất gia làm Tăng để chỉ
mong được thành Phật, con phải dụng tâm như thế nào?
Đáp: Khi nào không còn dùng tâm
tu tập nữa, khi ấy mới được thành Phật.
Hỏi: Nếu không dùng tâm để tu
tập, thì ai là người thành Phật?
Đáp: Do vô tâm mà thành tựu tự
tính. Đức Phật cũng vậy, hoàn toàn vô tâm.
Hỏi: Phật có nhiều diệu pháp và
ngài biết cách giải thoát cho chúng sinh.
Nếu Ngài không tâm, thì làm sao Ngài giải thoát được cho tất cả cho chúng sinh.
Trả lời: Vô tâm mới giải thoát
được cho toàn thể chúng sinh. Nếu ai thấy có chúng sinh để giải thoát cho họ,
thì người ấy còn có tâm (有 心) và người ấy phải còn
chịu sinh tử.
Hỏi: Vô tâm vốn có trong mỗi
chúng sinh rồi, tại sao Đức Phật Thích-ca còn thị hiện trên thế gian và để lại
rất nhiều giáo pháp? Phải chăng đây là chuyện hoang đường?
Đáp: “Vì tất cả những giáo pháp
ấy mà Đức Phật vô tâm.
Hỏi: Nếu tất cả mọi giáo lý của
Ngài đều lưu xuất từ vô tâm, chắc
hẳn các giáo lý ấy cũng là phi pháp?
Đáp: Giảng nói là không
(phải là giảng nói), không (giảng nói) là giảng nói, (tất cả các công
hạnh của Phật đều lưu xuất từ không)
Hỏi: Nếu các giáo pháp ấy cũng
xuất phát từ trạng thái vô tâm của Ngài , phải chăng nghiệp của con là do từ ưa
thích ý niệm hữu tâm (有 心).
Đáp: Trong trạng thái vô tâm, thì
không có nghiệp, nhưng (hễ mà ông còn muốn hiểu rõ bản chất của nghiệp thì)
nghiệp đã hiện hữu ở đó rồi, và tâm ông liền bị dính mắc với sinh tử. Làm sao
ngay khi ấy, có được trạng thái vô tâm cho ông?
Hỏi: Nếu vô tâm chính là Phật,
thế Hòa thượng đã thành Phật rồi chăng?
Trả lời: Khi tâm đã là không,
thì còn ai nói chuyện thành Phật làm gì? Nghĩ rằng có một ý niệm nào đó gọi là
thành Phật, đó là ưa thích ý tưởng, hữu tâm (有 心),
ưa thích ý tưởng hữu tâm là mưu tính để thành tựu một điều gì đó mà nó
luôn luôn rò rỉ, thất thoát (hữu lậu–sāsrava), trong tình trạng như
thế, chẳng có sự hiện hữu của vô tâm.
Hỏi: Nếu không có cảnh giới Phật
để chứng đắc, Hòa thượng có phận sự hay không?
Đáp: Ở đó tâm còn chẳng có, phận
sự từ đâu đến?
Hỏi: Khi người ta biến mất trong
cái không ở bên ngoài, liệu quan niệm nầy có phải hư vô tuyệt vọng không?
Đáp: Xưa nay vốn chẳng có cái gì
hết, thì ai nói cái nầy là hư vô?
Hỏi: Nói xưa nay chẳng có gì hết,
thế chẳng rơi vào không hay sao?
Đáp: Cái không còn chẳng
có, rơi vào nơi nào?
Hỏi: Chủ và khách đều không. Giả
sử bỗng nhiên có người đến đây dùng kiếm cắt đầu Hòa thượng việc ấy gọi là
thực (hữu) hay là không
(vô).
Trả lời: Cái ấy chẳng thực.
Hỏi: Nếu đau khổ không có thực,
vậy sau khi chết, Hòa thượng sẽ tái sinh trong đường nào?
Trả lời: Không có chết, chẳng có
sinh, chẳng có nơi tái sinh.
Hỏi: Khi đã đạt đến cảnh giới của
cái không tuyệt đối, người ta là vị thầy hoàn hảo của chính mình, nhưng Hòa
thượng dụng tâm (用 心)
như thế nào khi nóng lạnh bức bách Hòa thượng?
Trả lời: Khi đói, tôi ăn, khi
lạnh, tôi mặc thêm quần áo.
Hỏi: Nếu Hòa thượng thừa nhận có
đói lạnh, tức Hòa thượng có tâm?
Đáp: Tôi có câu hỏi cho ông? Cái
tâm mà ông nói đó, nó có tướng mạo gì?
Hỏi: Tâm không có tướng mạo.
Đáp: Nếu ông đã biết tâm không có
tướng mạo, có nghĩa là từ xưa nay tâm vốn chẳng có, làm sao nói được là có tâm?
Hỏi: Nếu khi Hòa thượng gặp cọp
hay chó sói trong núi, lúc ấy Hòa thượng dụng tâm như thế nào.
Đáp: Khi thấy, cũng như thể không
thấy, khi nó đến gần, cũng như thể chẳng đến gần. Con vật là (một phản ảnh) của
vô tâm, ngay cả dã thú cũng chẳng hại ông.
Hỏi: Trạng thái như thể không
sinh ấy, cái ở trong trạng thái vô tâm ấy, tuyệt đối tự tại đối với tất cả vật
ấy, gọi là gì?
Đáp: Gọi là Kim Cương Đại Sĩ.
Hỏi: Thân tướng của Ngài
ra sao?
Đáp: Xưa nay Ngài vốn không tướng.
Hỏi: Nếu không có tướng, thì ai
mang tên Kim Cương Đại Sĩ?
Đáp: Người ta gọi Ngài
là Kim Cương Đại Sĩ Vô Tướng?
Hỏi: Công đức của Đại Sĩ là gì?
Đáp: Khi mỗi niệm của ông, đều
xứng hợp với Kim Cương thì ông có thể xóa sạch
hết những lỗi lầm nghiêm trọng mà ông đã phạm phải trong vòng luân hồi sinh tử
suốt vô số kiếp nhiều như cát sông Hằng. Công đức của Kim Cương Đại Sĩ không thể
suy lường, không lời nào có thể diễn tả được, cho dù người ta có sống nhiều kiếp
như số cát sông Hằng, mà không ngừng diễn nói các ông đức ấy, cũng không thể
diễn tả hết công đức ấy được.
Hỏi: Mỗi niệm đều xứng hợp với
Kim Cương nghĩa là sao?
Đáp: Khi người ta quên cả ký ức
cùng tri thức thì liền xứng hợp với Kim Cương.
Hỏi: Khi quên cả ký ức và tri
thức, ai là người gặp chư Phật.?
Đáp: Quên có nghĩa là không
(vong tức vô 忘 即 無), không có nghĩa
là Phật (vô tức Phật 無 即 佛).
Hỏi: Gọi vô (無)
tức không là hoàn toàn đúng, nhưng sao lại gọi
vô (無) là Phật (佛)?
Đáp: Vô (無)
là không (空) và Phật cũng là không
(空). Do vậy, khi người ta nói vô (無)
có nghĩa là Phật và Phật có nghĩa là không (vô 無).
Hỏi: Nếu ở đây chẳng chút nào là
có, thì cái gì được gọi tên?
Đáp: Chẳng có một cái tên nào cho
nó cả.
Hỏi: Có cái gì tương tự với nó
không?
Đáp: Chẳng có vật nào tương tự
với nó, cả thế giới đều biết không có gì sánh bằng nó cả.
Từ mẫu đối thoại được trích dẫn
khá dài giữa Huệ Trung và Linh Giác, đệ tử của sư, chúng ta
có được cái nhìn sâu hơn về ý nghĩa của các thuật ngữ vô tâm (無 心),
vô niệm (無 念), vô (無),
không ( 空) và vong (忘)
mà chúng ta thường gặp trong văn học Thiền và chúng đã cấu thành ý niệm trọng
tâm, diễn tả theo cách phủ định trong triết học Thiền. Vô tâm, vô niệm, vô,
không và vong, là những thuật ngữ kỳ đặc trong tiếng Anh. Khi các
Thiền sư Trung Hoa sử dụng, nó nghe có vẻ sơ khai và trong nhiều phương diện,
khó hiểu nỗi các thuật ngữ ấy. Và đây, quả thực người đệ tử Trung Hoa của Huệ
Trung có một điều cực kỳ khó khăn để hiểu nỗi những gì thầy mình nói. Cần phải
có một kinh nghiệm chân thực mới liễu triệt được chân tinh thần của Thầy, và khi
ấy, cái hiểu tức khắc có kết quả theo sau. Bất luận điều ấy là gì, tất cả những
thuật ngữ phủ định nầy đều có khuynh hướng nhắm đến ý tưởng vô niệm,
không theo nghĩa tâm lý học mà theo ý nghĩa siêu hình học sâu sắc nhất. Mặc dù
chỉ là những phủ định đơn giản, nhưng nó có ý nghĩa tích cực, và do vậy, nên nó
đồng nhất với Phật tính, thành Phật, tự tính, Bản tính, Chân như,
Thực tế, …
Chừng nào còn sự thể nhập vào
trong vô niệm thì không có sự chớp lóe từ trí Bát-nhã (Huệ–prajñā). Thể ở đó, nhưng
không có dụng, và không có dụng
thì không có chuyện “nhận ra tự tính,” và chúng ta trở về lại, nói nôm na là với sự
tĩnh tại của vật vô tri. Huệ Năng kịch liệt phản đối khái niệm định (dhyàna)
nầy. Do ở triết lý Bát-nhã của ngài và
các phương ngữ thiền: “Kiến tính thành Phật” (見 性 成 佛,
e: seeing into self nature is becoming the Buddha).
Bước tiến lớn nhất mà Huệ Năng đã
tạo cho Thiền học là ý tưởng nhận ra tự tính hay nhận ra bản tính nầy. Trước thời
ngài, ý tưởng chính chỉ là quán sát sự tĩnh lặng và thanh tịnh của tâm mà thôi,
điều nầy có khuynh hướng dẫn đến tĩnh mặc và an tịnh. Điều nầy đã được đề cập
trước đây, và tôi (Suzuki) muốn trưng dẫn thêm một đối thoại nữa về đề tài nầy,
hy vọng sẽ làm sáng tỏ tinh thần nhận ra tự tính Huệ Năng muốn nói.
Một vị Tăng hỏi sư Vân Cư Tích (c: yun-chu-chih),
sống vào thế kỷ 18.
Tăng:
– Kiến tính thành Phật, có nghĩa là gì?
Vân Cư Tích:
– Tính nầy xưa nay thường thanh
tịnh, không ô nhiễm, tịch nhiên, bất động. Nó không thuộc về các phạm trù đối
đãi như có (hữu), không (vô); trong sạch, hay cấu nhiễm, dài ngắn,
thủ, xả, mà sống động trong chân như của nó. Phóng được cái
nhìn rõ ràng vào chỗ nầy là nhận ra tự tính. Tự tính là Phật và Phật là tính nầy. Do vậy, nhận ra tự
tính là thành Phật.
Tăng: Nếu tự tính vốn thanh tịnh, và không
thuộc các phạm trù nhị nguyên như có (hữu),
không (vô)… Thì cái thấy nầy ở đâu?
Vân Cư Tích: Có cái thấy,
nhưng không có cái bị thấy.
Tăng: Nếu không có cái bị thấy,
làm sao nói có cái thấy?
Vân Cư Tích: Chỉ có cái thấy thôi,
ngoài ra chẳng có gì khác?
Tăng: Với cái thấy đó, nó là của
ai
Vân Cư Tích: Ông có biết rằng chính
là do sự phân biệt sai lầm có một cái hữu, và do đó, có sự phân cách giữa
khách và chủ không? Đó gọi là tà kiến. Vì tà kiến nầy sai sử, người ta bị cuốn
vào muôn thứ phức tạp và rơi vào luân hồi sinh tử. Những ai có được nội quán rõ
ràng hơn thì thoát khỏi. Như thế, cái thấy tiếp tục hiện hữu suốt ngày,
nhưng không có vật bị thấy. Quý vị có thể truy tìm dấu tích của cái thấy
trong đó, nhưng phí công vô ích, cũng chẳng thấy thể và dụng. Tính
nhị nguyên, chủ và khách bị biến mất ở nơi đây. Đó gọi là nhận ra tự tính.
Rõ ràng nhận ra tự tính nầy không phải là một cái
thấy bình thường, trong đó có nhị nguyên tính gồm người thấy (năng kiến 能 見)
và vật được thấy (sở kiến 所 見).
Cũng chẳng phải một hành động đặc biệt về cái thấy, mà hiểu theo thói quen, nó
xảy ra vào một khoảnh khắc nhất định trong một nơi chốn nhất định.
Tuy nhiên, thực tế cái thấy ấy
không thể phủ định được. Thế làm sao mà sự kiện như thế xảy ra trong thế giới
nhị nguyên nầy. Chừng nào chúng ta còn bị “kẹt dính”, theo thuật ngữ Phật giáo,
trong lối suy nghĩ nầy là chúng ta còn chưa bao giờ hiểu được kinh nghiệm Thiền
trong việc nhận ra tự tính. Để lĩnh hội được điều nầy, người ta phải có kinh nghiệm và
cùng một lúc, cần phải có một sự tạo tác đặc biệt mang tính chất luận lý hay
biện chứng–(bởi cái tên đặt ra không có gì quan trọng) dành cho kinh nghiệm ấy
một cách giải thích hợp lý hay phi lý. Sự kiện đến trước, rồi tính cách tri thức
hóa của nó đến sau. Thiền sư Vân Cư Tích đã làm tốt điều ấy. Trong đoạn đối thoại được
trích dẫn ở trên, để diễn tả sự lĩnh hội của sư về cái thấy nầy theo cách
suy nghĩ chiếm ưu thế thời đó. Lối diễn đạt của sư có thể không làm hài lòng
khuynh hướng luận lý học trong thời đại chúng ta, nhưng điều nầy không có gì can
hệ với chính sự kiện ấy.
Trở lại với Huệ Năng, trí huệ
được lưu xuất từ tự tính một cách đột nhiên (đốn 頓), và thuật ngữ nầy không
chỉ có nghĩa là “tức thời”, “một cách bất ngờ hay thình lình, mà nó cũng có
nghĩa hành động bộc phát, trong đó, cái thấy không phải là hành động có ý thức
thuộc về phần tự tính. Nói cách khác, cơn chớp lóe của trí huệ (prajna), bừng
sáng từ vô niệm rồi không bao giờ rời vô niệm nữa. Đây là ý nghĩa của câu: “thấy
là không thấy và không thấy là thấy” hoặc là nói rằng
vô niệm hay tự tính trở nên ý thức chính nó qua phương tiện của trí huệ.
Tuy nhiên, trong ý thức nầy không có sự phân biệt giữa chủ thể và khách thể. Do
đó, Huệ Năng nói:
“Ai ngộ được pháp nầy, gọi là
vô niệm, tức không nhớ nghĩ, và không chấp trước.
Nhưng chúng phải nhớ rằng Huệ
Năng không bao giờ đề xướng một giáo pháp về cái vô thuần túy, hay chỉ là
sự bất động, cũng chẳng chấp nhận một ẩn số trong khi kiến giải về sư ẩn mật của
cuộc đời.
Loại ngộ nhận sau nầy hình như đã
được khởi phát ngay sau khi Huệ Năng viên tịch, hoặc ngay cả khi ngài còn sống.
Theo một nghĩa nào đó, sự hiểu lầm nầy hấp dẫn nhiều người, khi họ không thể nắm
bắt đúng yếu nghĩa siêu việt của tự tính (svabhāva). Thực ra, theo Huệ Trung–người có cuộc đối thoại khá dài với đệ tử mình là Linh Giác đã được trích dẫn ở trên–đó là một quan niệm
phổ thông về linh hồn. Những hậu duệ kiệt xuất của Huệ Năng như thể đã đi đến
mức vận dụng rất thoáng nội dung của Đàn Kinh cho phù hợp với kiến giải
của thầy mình.
Khi Huệ Trung thăm dò về Thiền Phật Giáo ở phương Nam, vị sứ
giả của sư đã tường trình như sau:
“Hiện nay có rất nhiều Thiền sư ở
phương Nam cho rằng trong chúng ta ai cũng có Phật tính, tính nầy biểu hiện qua
những gì họ thấy, nghe, hay, biết; khi họ nhấc tay động chân; đó là Phật tính ấy
biểu hiện nơi họ, và biểu hiện ấy chính là sự nhận biết về kinh nghiệm nầy. Thân
thể là đối tượng của sinh tử, nhưng Phật tính thì siêu việt sinh tử, như con rắn
thoát khỏi lớp da của nó, hoặc như người ta rời khỏi căn nhà cũ nát của mình.”
Huệ Trung nói:
– Tôi cũng biết dạng tăng sĩ Phật
giáo nầy trong những năm hành cước, họ giống như những triết gia ngoại đạo Ấn Độ
giả định có một linh hồn. Điều nầy thật đáng buồn, vì họ đã sửa đổi Đàn Kinh,
đưa ra vô số kiến giải theo ý riêng , trái ngược với lời dạy của Tôn sư. Kết quả
là sự hủy hoại nguyên lý mà chúng ta, những đệ tử chân chính của Lục Tổ đã được
trao truyền”.
Từ quan điểm phê phán của bản
văn, Đàn Kinh đã chịu đựng nhiều trong tay những người biên tập kế tục,
và ngay cả trong ấn bản cổ nhất trong đời Đường, có thể chưa chính xác là trung
thành hoàn toàn với những bài pháp của Huệ Năng. Nhưng chắc chắn đó cũng là văn
bản
Đàn Kinh đang lưu hành chứa đựng nhiều tư tưởng đặc trưng của Huệ Năng
nhất, đặc biệt là giáo lý Bát-nhã của ngài, như đã phân biệt rõ giữa những người
đi trước và những kẻ đồng thời với ngài.
Khái niệm về một bản thể tâm linh
không phải là một hiểu lầm vi tế về tư tưởng Huệ Năng như đơn thuần chỉ là
tính không. Chúng ta có thể nói rằng ý niệm Bát-nhã hay tự tính nầy là hai cái bẫy, mà đa số các môn đệ thiền
cũng như của vô số Phật tử phải đề phòng để khỏi rơi vào. Các thiền sinh phải tự
canh chừng để đừng mắc lỗi lầm nầy. Điều dẫn họ đến cái bẫy ấy, chính là việc
tận lực thay thế kinh nghiệm thiền chân chính bằng những hiểu biết có tính cách
tri thức khái niệm. Tiến trình tệ hại nầy là nguồn gốc của tất cả những sai lầm
nghiệm trọng.
Cho phép tôi trích dẫn thêm từ
các biên niên sử của thiền sau thời của Huệ Năng. Minh họa do sự dễ dãi như thế
nào đó, mà chúng ta lạc vào sự hiểu lầm, liên quan giữa tự tính (e: self-nature) và trí huệ,
thể và dụng, vô niệm và ý thức,
tính không và sự tựu thành thế giới, bất khả đắc và khả đắc, an trú
niết-bàn và cõi giới sinh tử, vô phân biệt và luận lý học, cái không và cái
nhiều…
Trong những đoạn sau đây, người
ta thấy các bậc thầy đã nhọc công để chỉ bày cho đệ tử một điều gì đó ở bên kia,
tức là từ phía đối đãi nhị nguyên, như đã được minh chứng ở trên. Về cơ bản,
kinh nghiệm thiền lại lập cước trên cái nhìn phóng thẳng vào sự vận hành của
Bát-nhã, từ nơi khởi đầu những mâu thuẫn tạo nên cõi giới phàm trần chúng ta.
Thạch Củng Huệ Tạng ở Phúc Châu, là một trong
những đệ tử kiệt xuất của Mã Tổ đời nhà Đường. Sư muốn thăm dò sự thâm nhập
thiền của các môn đệ thượng thủ nên đưa ra vấn đề:
– Ông có thể nắm bắt hư không
chăng?
Tây Đường đáp:
– Bắt được.
Sư hỏi:
– Ông bắt nó bằng cách nào?
Tây Đường đưa tay ra chụp lấy hư không.
Sư liền bảo:
– Ông chẳng biết bắt.
Tây Đường hỏi lại:
– Thế sư huynh bắt nó bằng cách
nào?
Ngay khi ấy, sư nắm mũi Tây Đường kéo thật mạnh, Tây Đường
bị đau la lớn:
– Đau quá! Kéo muốn đứt lỗ mũi
người ta!
Sư đáp:
– Phải như thế mới bắt được hư
không.
Ở đây, chúng ta thấy rằng vô
niệm chẳng có phương cách nào để tự biết chính nó, và tính không cũng
hoàn toàn là một thực thể có thể nắm bắt được bằng hai tay. Ở thời của Huệ Năng,
chân lý nầy không được minh thị bằng cách chi tiết và sinh động như vậy.
Khi Huệ Năng nói với một trong
những đệ tử, người rất hết mình nghiên cứu kinh Pháp Hoa, rằng chớ để cho kinh
chuyển mình mà mình phải chuyển được kinh, là muốn cho đệ tử mình
hiểu cùng một điều như Thạch Củng. Nhưng Huệ Năng vẫn phải chống trả trên cùng
một lĩnh vực bằng chính vũ khí mà đệ tử mình sử dụng, nghĩa là theo phương cách
có ít nhiều chất tri thức.
Khi các Phật tử nghe nói rằng Đức
Phật không từ đâu đến và không đi về đâu, hoặc nghe nói Pháp thân (s: dharma-kāya) giống như hư không và
phải tìm nó ở vô tâm, thì họ thấy mất định hướng. Hoặc khi họ cố nắm bắt
hư không, tưởng rằng điều nầy có thể dẫn họ đến một nơi nào đó, nhưng Bát-nhã sẽ
không bao giờ thức tỉnh trong họ cho đến chừng nào lỗ mũi họ chưa bị véo đến sứt
và nước mắt phải chảy.
Cũng như khi họ nghe rằng mọi
chúng sinh đều có Phật tính và ngay bây giờ họ đều là Phật, dù thế, họ vẫn giữ
mình cách xa cảnh giới Phật, bởi nguyên nhân là cái hiểu biết phân biệt của
chính họ, đã tạo nên một hàng rào giả tạo giữa họ và Phật. Toàn bộ sứ mạng của
Huệ Năng là phá vỡ hàng rào nầy, như trong tuyên bố: xưa nay không một vật (bản
lai vô nhất vật 本 來 無 一 物)
của sư. Từ khi câu nầy phát ra từ miệng của một cư sĩ làm nghề đốn củi không
biết chữ ở Tân Châu, chắc hẳn nó đã làm cho không ít môn đệ thiền phải bối rối.
Thạch Củng, vị thiền sư đã được
đề cập ở trước, được một vị tăng hỏi:
– Làm cách nào để thoát khỏi sinh
tử?
Sư đáp:
– Thoát để làm gì?
Trong một trường hợp khác, câu
trả lời của sư là:
– Kẻ nầy không biết sinh tử.
Theo quan điểm của vị tăng đang
tham vấn, “kẻ nầy” kỳ thực là tất cả vấn đề.
“Kẻ nầy” là Phật chăng?
Tướng Công Vu Địch (Yu ti) hỏi sư Đạo Thông (Tao t’ing), đệ tử của Mã Tổ:
– Thế nào là Phật? (如何是佛?)
Sư gọi:
– Nầy, Tướng Công (師 換 相 公).
Vu Địch đáp ngay:
- Dạ (公 應 諾).
Sư bảo:
– Chớ tìm cầu Phật riêng ngoài
cái đó (師 曰:
更 莫 别 求!)
Sau đó, một vị tăng khác thuật
lại chuyện nầy cho Dược Sơn. Sư nói:
Ôi! Lão ấy trói gã kia chắc quá.
Vị tăng hỏi dò:
– Thế có nghĩa là gì?
Sư cũng gọi lớn:
– Này!
Vị tăng đáp:
– Dạ!
Dược Sơn hỏi ngay:
– Đó là cái gì?
Lại là “cái đó.” Lần nầy là cái
gì? Có phải là Phật nữa hay chăng? Chúng ta hãy xem thêm những trích dẫn khác,
có thể sẽ giúp chúng ta hiểu vấn đề khá hơn chăng?
Một vị tăng hỏi Bách Trượng Hoài Hải, người đã sáng lập ra
Thiền viện.
– Thế nào là Phật? (如 何 是 佛?)
Sư đáp:
– Ông là ai? (汝 是 何 誰?)
Tăng đáp:
– Là con (曰 某 甲).
Sư hỏi tiếp:
– Ông biết chăng? (汝 識 某 甲 否?)
Tăng trả lời
– Biết rất rõ! (分 明 箇!)
Sư đưa cái phất tử (hossu) lên rồi hỏi.
– Ông thấy chăng? (汝 還 見 麽?)
Tăng đáp:
– Thấy! (見!)
Sư im lặng không nói nữa. (師 乃 不 語.)
Tại sao Bách Trượng im lặng? Vị tăng có hiểu ra được Phật là ai
không? Hay là sư bỏ rơi vị tăng như một tình thế tuyệt vọng. Hễ khi mà tri giải
phàm phu của chúng ta còn vận hành, thì ta còn thấy vị tăng trả lời cho sư rất
chính xác. Thế thì đối với vị tăng, có gì là sai trái? Nhưng đối với thiền, rắc
rối là ở chỗ nó luôn luôn khước từ sự diên trì trong cái bình thường, dù nó đòi
hỏi được an trú trong bình thường. Có lần Bách Trượng nói pháp: “Hiện nay có một
kẻ, vốn từ lâu không một hạt cơm dính răng mà vẫn không thấy đói; lại có kẻ tuy
ăn suốt ngày và vẫn không thấy no.”
Có phải đây là hai cá nhân riêng
biệt? Hay chỉ là một người duy nhất, mặc dù hành động và cảm nhận theo cách khác
nhau? Không có Phật ở đó chăng?
Thiền sư Trí Kiên là một đệ tử khác của Mã Tổ. Một hôm sư cùng tăng chúng trong viện đang nhổ cỏ dại. Sư Nam
Tuyền, nhổ một cọng cỏ rồi đưa lên nói:
– Xứng đáng là một lễ vật cúng
dường.
Trí Kiên đáp ngay:
– Thế mà nó chẳng có vẻ ưa nhìn,
cũng chẳng phải là một món ăn ngon.
Nam Tuyền đáp:
– Thế đấy, chừng nào các ông chưa
được nếm nó, thì vẫn còn chưa biết...
“...Trí huệ (Bát-nhã) phải được
lóe sáng từ tự tính, Vì chừng nào chúng ta
chưa có được kinh nghiệm nầy thì sẽ không bao giờ có được cơ hội nhận ra Phật
tính. Phật tính không chỉ có ở trong chúng ta mà còn có ở nơi mọi loài chúng
sinh khác. Nhưng sự chớp lóe nầy không phải là một hành động đặc thù, thiết định
trong phạm vi của ý thức thường nghiệm, và vì lý do nầy nên Phật tính được ví
như bóng mặt trăng phản chiếu trong dòng suối; nó không liên tục cũng chẳng phải
dứt đoạn, nó siêu việt, sinh tử, cho dù khi nó được gọi là sinh ra, nó cũng
chẳng biết sinh, khi người ta gọi nó là chết, nó chẳng hề biết sự tách lìa. Chỉ
khi nào nó đạt đến vô tâm (vô niệm) thì mới có được những lời chưa từng
được thốt ra, mới có những hành động chưa từng được biểu hiện…”
Từ đoạn văn nầy, tôi hy vọng
chúng ta phóng được cái nhìn vào mọi khía cạnh của tư tưởng Thiền vốn đã được
Huệ Năng xiển dương, cũng như sự phát triển giáo lý ấy sau thời Huệ Năng. Đó là
tư tưởng “kiến tính thành Phật”, tư tưởng nầy đã trở thành một trong những giáo
lý nền tảng từ thời Huệ Năng, đặc biệt là đối với phái thiền Lâm Tế trong Phật giáo Trung
Hoa cũng như Nhật Bản.
Cái thấy nầy biểu hiện trái ngược
hẳn với lối quán chiếu đơn thuần về sự thanh tịnh của tự tính hoặc của Phật tính, nhưng
vẫn còn chút ít thói quen cũ từ lối thiền mặc chiếu, dù cái thấy nầy là một hành
vi, chính xác là nhấc tay động chân, hoặc bật ra lời nói, không có khái niệm cử
động của cơ bắp trong cái thấy cũng như nhấc tay động chân, hoặc lời nói bật ra
khỏi cổ họng, và cuộc phẩu thuật kỳ đặc nầy có khuynh hướng khiến cho chúng ta
nhìn “cái thấy” theo quan điểm tĩnh chỉ. Những tâm hồn mang tính chất tri thức
hơn có thể hài lòng với khuynh hướng nầy, nhưng đối với những người thích sự
thực hành mạnh mẽ thì khác hẳn.
Sư phát triển tư tưởng thiền ở
Trung Hoa cho đến thời của Huệ Năng vẫn còn mang ít nhiều dạng thức của Thiền Ấn
Độ. Nhưng sau Huệ Năng, tiến trình của nó bắt đầu đi theo một cách khít khao với
khí chất, tinh thần của người Trung Hoa. Cái thấy tri thức về tự tính được nuôi dưỡng quá sâu bằng tinh thần Ấn Độ,
nay đã trưng bày ra cái mà người ta gọi là giai đoạn minh chứng sự thực tiễn của
Thiền Trung Hoa. Trong thuật ngữ triết học Phật giáo Trung hoa, chúng ta có thể
xác định rằng cái dụng của Bát-nhã đến đây đã hiển nhiên hơn cái thể
của nó.
Qui Sơn Linh Hựu có lần đưa ra nhận xét
như sau:
– Các ông thực là chỉ biết về
thể chứ không biết gì về dụng
cả.
Ngưỡng Sơn (Huệ Tịch), đệ tử lớn của sư, kể chuyện này lại cho một vị tăng đang tu
trong một cái am ở dưới chân núi, rồi hỏi vị ấy:
– Sư huynh nghĩ gì về Hòa thượng?
Vị tăng đáp:
– Xin thầy nhắc lại.
Ngay khi Ngưỡng Sơn lập lại câu
hỏi, vị tăng tống cho Ngưỡng Sơn một đạp rơi xuống đất. Ngưỡng Sơn kể lại câu
chuyện đầy bất ngờ nầy cho thầy mình là Quy Sơn nghe, Quy Sơn bèn cười vang.
Vào một dịp khác, Ngưỡng Sơn cũng
nhận được một cú đạp từ Trường Sa Cảnh Sầm, đệ tử của Nam Tuyền, khi họ cùng thưởng trăng.
Ngưỡng Sơn nói:
– Mọi người đều có được cái nầy,
nhưng chẳng biết dùng.
Trường Sa nói:
– Ông là người biết dùng đó!
Ngưỡng Sơn đáp:
– Thế thầy dùng nó cách nào?
Không chần chừ, Trường Sa đá
Ngưỡng Sơn một cú lộn nhào. Ngưỡng Sơn vừa đứng dậy vừa nói:
– Thầy đúng là cọp thật!
Việc cho một đạp thực sự là
“thấy” ở mức độ cả hai đều lưu xuất từ tự tính. Khi sự đồng nhất nầy
được nhận ra, thì hành động ấy phát triển đến mức vô giới hạn. Không nhất thiết
chỉ là đá, mà còn đập, đánh, tát, xô, hét… như văn học thiền đã ghi chép. Cả hai
đệ tử của Huệ Năng là Mã Tổ và Thạch Đầu, có thể được xem như là
người xiển dương trường phái năng động của thiền. Họ đều là những tác giả lớn về
dụng. Những trường hợp sau đây dường như xuất phát từ một kẻ phàm phu hơn là
của một người có ý thức, họ thực là đã tiếp cận với những hành động rất điên rồ.
Nhưng từ quan điểm đại dụng, mà cái “thấy” là một trong những ứng dụng
thiết thực, thì việc múa hay trình diễn nhào lộn đều lưu lại một ấn tượng rất
nặng ký.
Khi Bàn Sơn Bảo Tích, một đệ tử của Mã Tổ, sắp tịch. Sư hỏi: - “Trong đây có ai vẽ được
chân dung ta không?” (有 人 貌 得 吾 真 否?)
Trong chúng mọi người đều đem
hình đã vẽ đến trình, nhưng đều chẳng khế hội ý sư. Lúc ấy, Phổ Hóa, một đệ tử của sư, bước ra thưa:
– Con vẽ được (某 甲 貌 得).
Sư bảo:
– Sao chẳng trình cho lão tăng
xem? (何 不 呈 似 老 僧?)
Phổ Hóa tung người nhào lộn ra khỏi phòng.
Bàn Sơn bảo:
– Lão nầy về sau sẽ đi khắp thế
gian làm thầy thiên hạ, làm những chuyện không ai chịu nổi đây! (這 漢 向 後 掣 風 狂 去 在!)
Lời tiên tri nầy được chứng thực
trong cuộc đời của sư Phổ Hóa, như được ghi lại trong tiểu sử của Lâm Tế.
Một hôm, Phổ Hóa được mời thọ trai cùng với Lâm Tế tại nhà một đệ tử. Lâm Tế
nhận xét:
– Người ta nói rằng chỉ một sợi
tóc mà nuốt trọn đại dương, và một hạt cải chứa đủ núi Tu-di, đó là thần thông
biến hóa hay tự nhiên được thế?
Phổ Hóa đá lật tung cái bàn. Lâm Tế nói:
– Thật thô lỗ!
Phổ Hóa phản đối:
– Ông có biết chúng ta đang ở đâu
không? Thô hay tế, vốn không có chỗ để ông đặt miệng vào như vậy.
Ngay hôm sau, họ lại cũng được
mời thọ trai.
Lâm Tế hỏi:
– Hôm nay so với hôm qua như thế
nào?
Phổ Hóa lại đá ngược cái bàn. Lâm Tế liền nói:
– Hay lắm, nhưng lúc nào ông cũng
thô tháo.
Phổ Hóa đáp lại:
– Ôi! Cái lão mù. Ông có biết
trong đạo không có chỗ cho những lời phê phán nhân cách như của ông chăng?
Đức Sơn, một Thiền sư cùng thời
với Lâm Tế, nổi tiếng với lối chỉ
dạy:
“Nói được, ba chục gậy, nói không
được ba chục gậy”. (道 得 者 三十
棒, 道 不 得 者 三 十 棒)
Lâm Tế bảo Lạc Phố, một đệ tử của sư, đến
tham vấn Đức Sơn, với chỉ thị:
– Ông hãy hỏi lão ta tại sao khi
nói được cũng ăn ba chục gậy, khi lão ta đánh ông, hãy cướp lấy gậy rồi rượt
lão. Xem lúc ấy lão ta xử sự ra sao?
Mọi việc xảy ra như dự đoán. Đức
Sơn bị đoạt gậy và bị rượt đuổi, xong lặng lẽ trở
về phòng.
Lâm Tế nghe thuật lại, nói với Lạc Phố
Đến bây giờ ta vẫn còn nghi ngờ
về lão ấy. Còn ông, ông hiểu chăng?
Lạc Phố hơi do dự. Lâm Tế liền vung gậy đánh.
Một hôm, Ngưỡng Sơn đến tham vấn
Thiền sư Hồng Ân ở Trung Ấp, Hàng Châu. Sư hỏi:
– Nghĩa Phật tính là gì? (如 何 是 佛 性 義)
Hồng Ân đáp:
– Dùng một ví dụ cho ông dễ hiểu,
như trong ngôi nhà có sáu cửa, bên trong có một con
khỉ, bên ngoài có một con khỉ từ phía Đông kêu “Chóe! Chóe!”. Con khỉ trong nhà
liền đáp lại “Chóe! Chóe!”. Khỉ sáu cửa điều kêu, khỉ trong nhà đều đáp lại như
thế!
Ngưỡng Sơn lễ tạ, đứng dậy thưa:
– Vừa rồi nhờ Hòa thượng chỉ dạy,
con đã hiểu rõ, nhưng còn một điều, nếu khi con khỉ trong nhà ngủ yên, khỉ bên
ngoài muốn gặp thì sao?
Sư bước khỏi giường thiền, nắm
tay Ngưỡng Sơn cùng múa, rồi nói:
– Chóe! chóe! ta cùng ông gặp
nhau rồi đó! giống như con trùng tiêu minh, làm tổ trên mí mắt con
muỗi vậy, nó nhắm ngã tư đường kêu to: “Đất rộng người thưa, hiếm khi gặp được!”
(曠 土 人 稀, 相 逢 者 少).
Thiền sư Kim Ngưu ở Chân Châu, một đệ tử
khác của Mã Tổ. Sư siêng năng làm việc
vì tăng chúng. Đến giờ thọ trai sư tự mang thùng cơm đến trai đường, vừa múa vừa
nói lớn:
– Thưa chư vị Bồ-tát, thỉnh quý
ngài dùng cơm!
Rồi sư vỗ tay cười ha hả. Tương
truyền chuyện này tiếp diễn suốt hai mươi năm. Về sau một vị tăng hỏi Trường
Khánh:
– Cổ đức vừa múa vừa vỗ tay có ý
chỉ gì?
Trường Khánh đáp:
– Dường như lão ấy hát tán ca.
Về sau, một vị tăng hỏi Thiền sư
Đại Quang:
– Khi Trường Khánh nói đến tán ca. Khúc hát ấy định dâng tặng ai?
Đại Quang liền đứng dậy múa. Vị tăng liền lễ bái, Đại
Quang nói:
– Ông lễ bái là có ý gì?
Lần nầy vị tăng lại múa. Sư Đại
Quang gọi lớn
– Ôi! loài chồn hoang thành tinh!
Có phải đây là phương cách để
nhận ra tự tính?
Phải chăng đây là Bát-nhã tự
dụng? Cần phải lưu ý rằng ngay vào thời Huệ Năng, phương pháp để hiển bày cái
dụng của Bát-nhã chưa được các môn đệ của ngài
biết đến. Điều hay nhất mà họ làm được có lẽ là nói với người mới nhập
môn rằng Phật tính là tuyệt đối, và khi các khái niệm về sinh tử đã được chinh
phục rồi, thì Phật tính sẽ hiển bày, dù qua cái chớp mắt, nhướng mày, hắt hơi, …
tất cả đều là Phật pháp, hoặc là họ cho rằng vô ích khi nỗ lực để nhận ra tự
tính, vì mình đã là cái ấy từ
lâu rồi, và bất kỳ những gì thi tác đều phát xuất từ đó. Trước thời của Mã Tổ và Thạch Đầu, chưa có được những biểu
hiện đầy sinh động, như chúng ta có thể gọi sự phát triển tư tưởng thiền về sau
nầy. Nhưng sự phát triển đã thực sự tạo thành đặc tính chủ yếu của thiền, là một
trong những điều bất ngờ kỳ thú nhất trong lịch sử văn hóa tôn giáo ở Viễn Đông.
Mặc dù chúng ta có thể nói bất kỳ
điều gì về sự biểu hiện sinh động nầy, trong thiền vẫn còn những yếu tố kỳ đặc
khác. Đó là các phương pháp mà các Thiền sư dùng để kiến lập chân lý thiền, hoặc
là mở con mắt đạo cho hành giả đến tham vấn. Vốn rất đa dạng và rất là uyên
nguyên, hoàn toàn không ước lệ. Mỗi lần chúng ta tiếp nhận là mỗi lần chúng ta
cảm nhận được sự thanh lương trọn vẹn, như thể được phục sinh và mang ra khỏi
nhà mồ. Chúng ta hãy xem, một khi cái đập chắn đã được Huệ Năng tháo gỡ rồi thì
dòng suối thiền liền tìm thấy hướng chảy của nó ra sao. Chúng tôi xin được trích
dẫn thêm một số phương cách mà thiền đã bắt gặp đời sống ngay tại căn để của nó.
Trong nội dung sau đây, những câu hỏi mang nhiều dạng khác nhau. Đôi khi đề cập
đến Đạo (Tao), đôi khi hỏi về Phật tính, có khi luận về sự kiện Đạt-ma
sang Đông độ, đôi khi hỏi về cốt tủy đạo Phật… Những duyên cớ ấy vô cùng đa
dạng, tuy nhiên, nó đều nhắm đến sự vận hành ẩn mật của Bát-nhã, mà sự trực nhận
ra nó là khi thể nhập bản tâm của chính mình. Đó chính là mục tiêu tối hậu của
việc tu thiền.
Những trích dẫn sau đây không
theo một thứ tự nào, chỉ biết bối cảnh của nó khoảng thời gian sau Mã Tổ, kể cả thời kỳ của sư.