Lá vàng núi núi bay

nui nui

Sáng nay trên đường xuống thiền đường, bước ra ngoài, tôi thấy rừng cây đã đổi đủ sắc màu. Buổi sáng sương vừa tan khi những tia nắng rừng núi mới lên. Tối qua lên trể nên tôi không biết rằng rừng lá đã có nhiều sắc màu đến vậy. Tôi xuống thiền đường mở thêm chút sưởi, thắp vài ngọn nến và đốt một nén trầm thơm cho ấm gian phòng. Chút nữa đây, các anh chị khác sẽ xuống nơi này để ngồi thiền. Chúng tôi sẽ tập cùng ngồi yên với hơi thở của mình.

Hình: cảnh Bà Nà, Đà Nẵng nhìn từ trên cao

Mấy ngày trước, những bận rộn và thúc hối của cuộc đời cứ mệt mỏi xô đẩy, cuốn ta đi. Mà cuộc đời thì bao giờ cũng vậy, cứ hết đại sự này lại đến đại sự khác! Chiều qua trong lúc ngồi ăn chung, tôi có hỏi thăm và nghe chị Diệu Quyên kể về những bận rộn ở sở làm, nhất là vào những tháng cuối năm này. Tôi cũng vậy, cũng có những bận rộn của chính mình. Nhưng mỗi lần về đây, chúng tôi lại có dịp tập dừng lại cho thật yên. Thiên nhiên ở đây mang lại cho ta một sự tĩnh lặng bất ngờ, mà mới hôm qua mình không có. Buổi sáng nay thức dậy bước xuống thiền đường, tôi chợt thấy tất cả là vô sự. Thanh thản như những bước chân. Ở đây chúng tôi có những việc để làm nhưng "đại sự" thì chắc chắn là không!

Mỗi sáng, chúng tôi dậy sớm xuống ngồi thiền với nhau, và tụng kinh chung dưới thiền đường Suối Tịnh. Sáng nay chúng tôi tập cùng ngồi với nhau thật yên, không một tiếng động, đẹp như dãy núi mùa thu đủ màu sắc bên kia rừng.

Với Mầu Sắc Của Chính Mình

Nếu ai có hỏi mục đích của thiền là gì, lúc này có lẽ tôi sẽ trả lời khác. Tôi sẽ không đáp là để có tuệ giác hay chuyển hóa khổ đau, mà tôi nghĩ mục đích của thiền là để giúp ta dừng lại cho yên, cho thật yên. Nhớ có lần nghe người ta nói về sự khác biệt giữa văn hóa của Tây phương và Đông phương. Người Đông phương nghĩ rằng cái thời đẹp đã thuộc về quá khứ, đã qua, của một ngày tháng xa xưa nào đó. Còn người Tây phương thì cho rằng cái thời hoàng kim ấy chưa đến, nó vẫn còn đang ở trong một tương lai xa xôi. Nhưng tôi nghĩ, là một thiền sinh, ta phải thấy rằng cái đẹp ấy hiện đang có mặt trong giờ phút này và ở đây, phải không bạn! Vấn đề là ta có thể dừng yên lại để tiếp xúc được với điều ấy hay không!

Sáng nay chúng tôi rủ nhau lên núi, ngồi trên chiếc băng dài và những tảng đá nhìn qua bên kia cánh rừng đang thu. Nhà văn Albert Camus có nói rằng, "Autumn is a second season in which each leaf is a flower" Mùa Thu cũng là một mùa mà mỗi chiếc lá là một đóa hoa. Tôi thì cứ cho rằng một rừng thu đẹp hơn một rừng mùa xuân nhiều. Nhưng chắc có lẽ tại vì mình còn nhiều thiên vị đó thôi. Tôi thấy mùa thu có một cái đẹp rất yên tĩnh. Ngồi trên núi, nhìn qua dãy núi thu bên kia, với mỗi chiếc lá là một đóa hoa, làm sao mà ta không dừng lại được bạn nhỉ? Ta còn đi đâu nữa bây giờ khi nơi đây rừng núi đang nở ngàn hoa với muôn ngàn màu sắc?

Gần đây, có một người bạn không quen biết ở bên nhà đọc được những bài tôi viết, chia sẻ về mùa thu bên này, cái đẹp của thiên nhiên như một hơi thở, nó có thể mang ta trở về thực tại nhiệm mầu. Chị ấy có đóng góp như vầy:

" 'Có thực mới vực được đạo'. Khi mà người ta vẫn còn đang nghèo đói, vẫn còn đang bị cuốn vào vòng bon chen để sinh tồn, vẫn còn đang phải đối phó với thiên nhiên khắc nghiệt và lòng người khó lường, liệu họ có còn muốn mở rộng lòng mình, có đủ tĩnh lặng để hướng về thiên nhiên. Khi mà xung quanh họ chỉ là những khu nhà cao tầng chọc trời, là nắng cháy da cháy thịt, là những bóng đèn đô thị che lấp ánh trăng, là những con đường bê tông cứng nhắc lấp đi những băi cỏ xanh và cánh chuồn chuồn thời thơ ấu? Tìm đâu được một chiếc lá mùa thu với mầu sắc của chính mình?"

Tôi cũng rất cảm thông với những bức xúc của người bạn ấy. Có thực mới vực được đạo. Phải có một điều kiện tương đối đầy đủ nào đó rồi thì người ta mới dễ có thể nghĩ đến những chuyện khác được, như chiếc lá mùa thu hay một ánh trăng khuya... Nhưng tôi cũng muốn nói thêm rằng, sự thật là bên này có quá đầy đủ hơn so với ở bên nhà, nhưng không phải chúng tôi ở đây ai cũng có hạnh phúc, hay có thể tiếp xúc được với cái đẹp của thiên nhiên. Có lẽ bên này thì cuộc sống dễ dàng hơn, đầy đủ hơn, nhưng bạn biết không, những vội vã, bon chen và khổ đau thì dường như cũng không có gì là thay đổi mấy. Bên đây chúng tôi cũng vẫn có nhiều những thúc hối, những bận rộn, những lo âu, những dead line và mệt mỏi... mà chúng cũng "che lấp đi những băi cỏ xanh và cánh chuồn chuồn thời thơ ấu" và rồi ta cũng không còn "tìm đâu được một chiếc lá mùa thu với mầu sắc của chính mình" nữa!

Ở đây, vào mùa này tôi thấy người ta theo nhau lái xe lên núi để xem lá đổi màu. Người ta rủ nhau đi thật sớm để tránh nạn kẹt xe trên núi. Đáng lẽ mùa thu giúp ta chẫm rãi và dừng lại, vô tình ta lại trở nên vội vã và bị thúc hối hơn. Chưa chắc nó đã là những yếu tố của hạnh phúc. Và người bạn ấy cũng chia sẻ thêm như vầy:

" ...cuộc sống là vậy, nhưng tôi cảm thấy mỗi người chúng ta cũng là một tuyệt tác thiên nhiên ấy chứ, sao không cùng đi bên nhau như trong rừng từ biển ái vậy, tuy không thể tạo oxy cho lá phổi như cây cỏ, nhưng tấm lòng sưởi ấm trái tim nhân loại rất nhiều."

Tôi cũng tin như vậy, những yếu tố hạnh phúc nơi nào cũng có mặt, dù bên này hay ở bên kia.

Đôi Dép Để Ở Ngoài Cửa

Tôi có đọc một câu chuyện thiền này. Vào một ngày mưa, có anh chàng nọ tìm đến để tham vấn một vị thiền sư. Trước khi vào cốc của thầy, anh cởi dép và xếp dù để ở bên ngoài. Vị thiền sư rót trà mời anh uống. Anh ta ngồi say mê bàn luận về thế nào là thiền, là thực tập chánh niệm. Chợt vị thiền sư hỏi anh, khi nãy vào đây, anh đã để dép và dù của mình ở bên phía nào của cánh cửa? Bên phải hay bên trái? Anh chợt dừng lại và biết rằng mình không hề nhớ là mình đã làm gì. Chúng ta nhiều khi cũng như anh chàng ấy, ta không ý thức được những gì đang xảy ra gần gũi nhất với mình.

Nhưng có lẽ câu chuyện ấy không phải để khuyên ta rằng mình phải ghi nhớ hết mỗi chi tiết hành động của mình. Tôi nghĩ, ý của vị thiền sư chỉ nhắc nhở là ta nên có mặt trong giờ phút hiện tại này. Và khi mình có mặt trong giờ phút hiện tại thì cảnh vật sẽ sáng hơn, sự việc cũng tỏ rạng hơn. Và nhờ vậy ta cũng có thể dễ dàng ghi nhớ hơn. Nếu bất ngờ có ai hỏi tôi sáng nay vào thiền đường tôi đã để đôi dép của mình ở bên góc nào, chắc tôi cũng không trả lời được. Nhưng tôi biết có một chiếc lá màu cam đỏ nằm cạnh đó. Sáng nay tờ lá ấy đã theo bước chân tôi qua cánh cửa mở rộng mà bay vào đây. Và tôi đã nhặt nó để cạnh đôi dép của mình. Tôi nhớ vậy.

Tôi nghĩ chánh niệm có nghĩa là ghi nhớ. Một sự ghi nhớ chân chánh. Nhớ rằng những buồn giận đến rồi sẽ đi, như mây qua bầu trời, ta không cần phải phản ứng hay để bị chúng sai xử; nhớ rằng chúng ta rộng lớn hơn những khổ đau của mình; nhớ thực tập chẫm rãi lại để tiếp xúc được với những cái hay và đẹp chung quanh mình; nhớ dừng lại, và nhớ rằng khổ đau nào thì "cỗi nguồn cũng bởi lòng người mà ra..."

Vàng Núi Núi Bay

Về đây tôi không thấy mình bận rộn. Tôi nghĩ làm việc và bận rộn là hai việc hoàn toàn khác nhau. Có những lúc tuy ta làm mọi việc mà mình vẫn có thể là một người vô sự. Và cũng có nhiều khi ta đóng cửa không làm gì hết, mà mình vẫn rất đa sự và trong lòng bận rộn miên man. Trong chiếc lá màu cam đỏ bay vào thiền đường sáng nay, tôi thấy nhiều tháng trước nó là một chồi non nhỏ trên cành, mang ánh sáng mặt trời nuôi thân cây lớn. Rồi những tháng hè nó làm bóng mát che cho tôi ngang qua đây. Và mùa thu này nó hoá thân thành sắc màu thật đẹp. Sáng nay chiếc lá ấy theo gió rơi xuống trên lối tôi đi, và sẽ tiếp tục nuôi dưỡng cho rừng cây xanh tươi ngày mai. Chiếc lá thu ấy có bận rộn không, hay nó vẫn đang sống một đời vô sự bạn nhỉ?

Trưa nay, tôi một mình leo tắt ngang đồi, theo những tảng đá cao lên chiếc ghế trên đỉnh. Ngồi đây tôi thấy khu rừng bên kia là một biển sắc màu, có từng cụm màu nhỏ ngả nghiêng và lay trong gió, từ xa nhìn như một dãy san hô rất linh động.

Mùa thu là mùa của lá và gió. Lá và gió hợp nhau thành những âm thanh thật vui và mầu nhiệm. Tiếng lá không buồn, không lo âu, không mệt mỏi. Tiếng lá reo vui hạnh phúc. Sáng nay trên con đường xuống thiền đường, tôi thấy có ngàn tờ lá theo những cơn gió lớn bay đầy trời, trên con đường đi, trên không trung, trên những bước chân, trên vai, trên áo, trên tăng thân tôi. Tôi bất chợt phải dừng lại và đứng cho thật yên. Gió và lá mang đi những mệt mỏi và muộn phiền của đời sống. Khi mình được yên rồi thì có bận rộn làm gì cuộc đời mình cũng vẫn yên, tôi thì nghĩ vậy! Trên con đường tu học cũng thế, nếu ta có làm được gì thì có lẽ cũng nhờ mình bắt đầu là một người vô sự. Nhờ ngồi thật yên mà mình lại có thể làm được hết tất cả.

Ngồi đây viết mà tôi nghe lá rơi chung quanh và tiếng gió reo vang ở trên cao. Tôi ngước lên nhìn. Có một chiếc lá màu tím đỏ cứ lang thang mãi trên không gian như sẽ không bao giờ chạm đất. Trời sắp chiều. Tôi định leo theo con dốc đá trở về, nhưng chợt nhớ mấy câu thơ của thi hào Vương Bột.

Tràng giang bi dĩ trệ,

Vạn lý niệm tương quy,

Huống phục cao phong văn,

Sơn sơn hoàng diệp phi.

Tràng giang buồn ở mãi,

Muôn dặm muốn về ngay,

Huống lại chiều gió lộng,

Lá vàng núi núi bay.

Nguyễn Duy Nhiên

Chia sẻ: facebooktwittergoogle