Minh Thạnh
Một người quen của tôi, làm công tác nghiên cứu có liên
hệ với triết học Đông Phương, nghe nói Phật giáo Việt Nam đã có một hệ thống
giáo dục khá hoàn chỉnh, từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng đến đại học…, có nhờ tôi
tìm giúp cho các bộ sách giáo khoa của các cấp học liên hệ để phục vụ công tác
nghiên cứu.
Anh đã nhiều lần tìm ở các nhà sách lớn thì không thấy có sách giáo khoa những
bộ môn chính, mà chỉ thấy một bộ sách 3 quyển “Anh văn Phật pháp” của tác giả
Trần Phương Lan. Anh cho biết bộ sách này được giới thiệu là
một bộ giáo trình, chứ chưa phải là một quyển sách giáo khoa.
Người bạn nhấn mạnh, loại sách anh cần tìm là sách giáo khoa,
loại sách đương nhiên phải có đối với một hệ thống giáo dục. Lý do anh
muốn tìm sách giáo khoa giáo dục Phật giáo là để bảo đảm về chất lượng nội dung.
Sách tham khảo, giáo trình… có thể có sai sót, nhưng điều đó
không chấp nhận với sách giáo khoa, nên sách anh cần tìm là sách giáo khoa.
Tôi thích sưu tầm sách, và cũng thường xuyên mua sách Phật học, có nghe đến
những giáo trình dành cho những môn học ở các trường Phật học, nhưng chưa mua
được quyển sách nào được chính thức xác nhận là sách giáo khoa dùng trong nhà
trường Phật giáo.
Giúp bạn, ngày Phật đản, tôi tìm đến quầy sách trên hành lang
của tòa nhà Học viện Phật giáo Việt Nam và hỏi chính xác bằng cụm từ
“sách giáo khoa dùng trong nhà trường Phật giáo các cấp”. Các
cô bán sách đều trả lời là không biết.
Hỏi một vài vị tăng sĩ đã qua trường lớp Phật giáo có vị nói rằng chỉ có giáo
trình, không có sách giáo khoa, có vị nói là có sách giáo khoa nhưng không còn
giữ.
Tôi đi tìm ở nhiều hiệu sách cũ lớn và nổi tiếng ở thành phố, tìm cả ở kho sách
mở (từ 2007 đến nay) của Thư viện Tổng hợp TP.HCM, thì cũng không thấy một quyển
sách nào được xác định như vậy.
Đành trả lời với người bạn là tìm không thấy.
Tôi cũng cảm thấy có cái gì đó không phải, và cũng không bình thường, vì mình là
Phật tử, nhưng không giúp bạn tìm được một quyển sách giáo khoa dùng trong nhà
trường Phật giáo, một hệ thống giáo dục được nhắc đến nhiều, cho bạn khi cần.
Trong cảm giác thấy có gì đó không phải, có cảm giác lúng túng mặc cảm.
Đã học qua ngành sư phạm, có giảng dạy môn ngữ văn một thời
gian ngắn, tôi biết sách giáo khoa là loại sách, trước hết, là dễ tìm mua nhất.
Thời gian tôi công tác trong ngành giáo dục, thì luôn được nhắc là phải bám sát
sách giáo khoa, vì đó là một dạng pháp lệnh trong giáo dục.
Riêng sách giáo khoa ở bậc đại học thì có 2 loại:
- Loại thứ nhất là các sách tham khảo, giáo trình được Bộ Giáo dục hoặc Bộ đại
học và Trung học chuyên nghiệp (trong những năm 1980) giới thiệu làm sách giáo
khoa.
- Loại thứ hai là sách giáo khoa được cơ quan chức năng thường là cấp bộ, tổ
chức hội đồng (có khi là một tập thể được phân công), là các chuyên gia đầu
ngành biên soạn, thông qua và xét duyệt, thẩm định. Sau đó,
sách được xuất bản với xếp loại là sách giáo khoa.
Sách giáo khoa phản ánh trình độ, chất lượng của một hệ thống
giáo dục.
Không thể hình dung, một hệ thống nhà trường có nhiều cấp học
mà không có sách giáo khoa phục vụ cho việc giảng dạy và học tập.
Phục vụ cho việc giảng dạy và học tập có nhiều dạng văn bản, multimedia như giáo
án, giáo án soạn sẵn (dành cho giáo viên), tài liệu hướng dẫn giảng dạy, giáo
trình, sách tham khảo, sách bổ trợ, tài liệu ôn tập… Có thể có cấp học có loại
này, không có loại kia, nhưng chắc chắn không thể không
có sách giáo khoa.
Ở bậc đại học, vai trò của người thầy giáo quan trọng hơn, nên
họ có thể viết giáo trình (thường gọi là course), nhưng từ giáo trình đến sách
giáo khoa (textbook) là một khoảng cách dài.
Nghe một số băng ghi âm các buổi giảng của một vị Thượng tọa cho các lớp trung
cấp Phật học ở miền Tây, thì thấy rằng dường như trong giảng dạy trung cấp Phật
học chỉ có giáo án, không có sách giáo khoa.
Sách giáo khoa chẳng những cần mà còn được chia làm 2 loại,
sách lý thuyết và sách bài tập, thực hành. Trong những băng giảng mà tôi
được nghe, có lẽ, không hề được nhắc đến, chưa nói nói việc căn cứ, bám sát như
một “pháp lệnh” để bảo đảm sự chính xác.
Viết bài này, người viết nhắm đến 2 mục tiêu:
- Nếu các trường Phật học các cấp đã có hệ thống sách giáo khoa hoàn chỉnh toàn
phần, hoặc chỉ mới có cấp bộ phận, thì xin chỉ giúp để tìm mua, hoặc tìm mượn để
photo (vì đã tới điểm phát hành sách ở trường tìm mua nhưng người bán không biết,
không rõ là đã có nhưng bán hết chưa tái bản, hay không có).
Cũng đề nghị, nếu đã có thì xin tái bản để phục vụ nhu cầu học tập, tham khảo
của Tăng Ni Phật tử. Sách giáo khoa đã có mà hiếm,
không thể tìm thấy, là chuyện không bình thường.
- Nếu trường Phật học các cấp chưa có sách giáo khoa (theo
nghĩa chính xác của từ này) thì quả là điều đáng ngạc nhiên và báo động.
Một hệ thống giáo dục nhiều cấp mà không có sách được xác định là sách giáo khoa,
là một hạn chế rất lớn, đương nhiên là ảnh hưởng trầm trọng đến chất lượng giáo
dục.
Một hệ thống giáo dục nhiều cấp mà không có sách giáo khoa thì
không thể được coi là một hệ thống đã hoàn thiện.
Trong thời gian tôi làm việc trong ngành giáo dục, có một giai
đoạn hệ thống sách giáo khoa chưa hoàn chỉnh, chủ yếu là ở môn ngoại ngữ (tiếng
Anh, tiếng Pháp). Vì vậy, nên không gọi là sách giáo
khoa tiếng Anh, tiếng Pháp, mà gọi là “tài liệu giảng dạy”. Tuy nhiên, cũng có thể coi đó là những sách giáo khoa tạm thời.
Thời gian để giải quyết khiếm khuyết nói trên không lâu.
Một thời gian ngắn sau đó đã có sách giáo khoa tiếng Anh, tiếng Pháp cho các cấp
lớp. Riêng sách giáo khoa tiếng Nga thì được biên soạn
với sự phối hợp của các chuyên gia sư phạm Xô Viết được in ngay ở Liên Xô.
Do vậy, nếu hệ thống trường Phật học chưa có sách được xác định từ cấp có thẩm
quyền là sách giáo khoa, thì quả là chuyện lạ và cần phải nhanh chóng giải quyết
tình trạng có thể nói là nguy hiểm này.
Còn người bạn tôi coi việc một Phật tử thuần thành đã có một số bài viết như tôi,
không thể tìm giúp anh những bộ sách giáo khoa Phật học dùng cho hệ thống trường
Phật học các cấp, hay là những tài liệu tạm thời xác định là sách giáo khoa là
điều không thể tưởng tượng nổi!■
Nguồn:
Tập San Pháp Luân 80