Thiền và pháp môn Vô niệm (C.I)

Dẫn nhập:

Dẫn nhập:

Từ buổi sơ khai của lịch sử Phật giáo Thiền Trung Hoa, có hai nhân vật nổi bật. Một trong hai nhân vật ấy, hiển nhiên là Bồ-đề Đạt-ma,[1] người sáng lập Thiền tông. Và nhân vật thứ hai là Huệ Năng (thổ ngữ phương Nam là Wei-lang, tiếng Nhật gọi là Yeno; sinh năm 638, tịch năm 713), là người đã đóng vai trò quyết định trong tiến trình tư tưởng Thiền đã được khai sáng bởi Bồ-đề Đạt-ma. Nếu không có Huệ Năng và những môn đệ trực tiếp của Ngài, chắc hẳn Thiền đã không thể nào phát triển được như  thực tế ở giai đoạn đầu nhà Đường trong lịch sử Trung Hoa.

Chính vì thế, vào thế kỷ thứ 8, một tác phẩm của Huệ Năng, mệnh danh là “Lục Tổ Pháp Bảo Đàn Kinh”[2], đã chiếm một vị trí rất quan trọng trong Thiền, và những thăng trầm lịch sử mà tác phẩm này đã hứng chịu quả là to tát.

Chính qua tác phẩm nầy, vai trò của Bồ-đề Đạt-ma mới được xác định một cách đúng đắn như là người đầu tiên  truyền bá tư tưởng Thiền ở Trung Hoa. Cũng qua đây, những nguyên lý cơ bản của tư tưởng Thiền đã được vạch ra cho hàng môn đệ của Ngài  như là khuôn mẫu.

Nhờ có Huệ Năng mà các hành giả Thiền ngày nay mới có được mối liên kết về trước với Bồ-đề Đạt-ma; và cũng kể từ Huệ Năng về sau mà chúng ta có thể ghi nhận sự ra đời của Thiền Trung Hoa, khác biệt hẳn với sắc thái Thiền Ấn Độ là khởi nguyên của nó. Chúng ta xem Đàn Kinh là một tác phẩm có hệ quả to lớn, chính là do nơi ý nghĩa hai chiều này. Cội nguồn tư tưởng Thiền được trải dài đến Bồ-đề Đạt-ma bắt nguồn từ sự chứng ngộ của chính Đức Phật; trong khi các chi phái của Thiền lại lan truyền khắp vùng Viễn Đông, nơi Thiền đã mang lại nhiều kết quả.

Đã qua hơn 1000 năm, từ khi lần đầu tiên giáo pháp của Huệ Năng được hoằng truyền, và mặc dù từ đó đã trãi qua nhiều thời kỳ phát triển biến hóa khác nhau, tinh túy của Thiền vẫn còn lưu nét trong Đàn Kinh.

Bởi lý do này, nếu muốn xuôi theo dòng lịch sử tư tưởng Thiền, chúng ta phải nghiên cứu tác phẩm của Huệ Năng, là vị tổ thứ 6 của Thiền tông Trung Hoa; trong mối quan hệ song trùng, một phía với Bồ-đề Đạt-ma, và một phía với các đệ tử hậu duệ của Đạt-ma, đó là Huệ Khả (c: Hui-ke), Tăng Xán (c: Seng-tsan), Đạo Tín (c: Tao-hsin) và Hoằng Nhẫn (c: Hung-yen), và mặt kia là mối quan hệ giữa Huệ Năng và những người đương thời.

Đàn Kinh được các môn đệ của Huệ Năng nhìn nhận đã chứa đựng giáo lý tinh nhất của Thầy mình, và giáo lý được lưu truyền trong hàng đệ tử như là một di sản tinh thần, mà chỉ riêng người thừa kế mới được xem là môn đệ chính tông của Thiền Huệ Năng, như được chứng minh qua đoạn văn sau đây trong Đàn Kinh.

“Đại sư trụ ở núi Tào Khê, ảnh hưởng tinh thần của Ngài  thấm nhuần suốt hơn 40 năm, lan tỏa đến hai tỉnh lân cận là Thiều và Quảng. Đệ tử của Ngài  gồm tăng sĩ lẫn cư sĩ, từ 3000 cho đến 5000 người, còn nhiều hơn số lượng mà người ta có thể tính đếm được. Về cốt tủy giáo lý của ngài, Đàn Kinh được trao truyền cho môn đệ như một ấn chứng chân xác, những ai không được thụ nhận pháp nầy xem như không phải là người trong tông môn (nghĩa là không khế nhập trọn vẹn giáo pháp của Huệ Năng). Khi có sự ấn chứng được diễn ra giữa Đại sư và môn đệ được trao truyền…, thì môn đệ phải nêu ra được pháp danh mình và nơi chốn xảy ra việc trao truyền, khi không có sự ấn chứng trao truyền nầy thì không thể được xem là môn đệ của Thiền phương nam[3] những ai không được phân phó cho nhiệm vụ hoằng truyền Đàn kinh, có nghĩa họ không thâm nhập tinh túy pháp môn Thiền Đốn ngộ,[4] mặc dù người ấy có thuyết giảng được kinh nầy, vì chẳng sớm thì muộn họ cũng sẽ rơi vào sự tranh luận (tri giải) trong khi những người đắc pháp chỉ biết hiến mình vào việc hành trì tu tập. Sự tranh luận về giáo pháp được sinh khởi từ ham muốn nổi danh nên không tương ứng với đạo.” (Thủ bản Đôn Hoàng của Suzuki và Koda, phần 38).[5]

Những đoạn văn có ý nghĩa tương tự, mặc dù mang ít tính chất xác quyết hơn, cũng được trình bày ngay trong đoạn văn đầu tiên của Đàn Kinh, trong phần thứ 47và 57.[6] Những lập lại này, đủ để chứng minh cho bản kinh này đã chứa đựng ý nghĩa sâu sắc từ những bài pháp của Huệ Năng, đã được các môn đệ trực tiếp của Ngài  đánh giá rất cao.

Theo Thủ bản Đôn Hoàng (P.15) và ấn bản Quang Thắng tự (P. 56),[7] có ghi lại những đệ tử được truyền thừa pháp này. Các ấn bản Đàn Kinh phổ thông khác, vốn thường căn cứ vào bản Nguyên (c: yuan) từ thế kỷ 13, thì không có những đoạn liên quan đến sự truyền thừa, lý do của việc bỏ sót sẽ được đề cập ở phần sau.

Chắc chắn các bài pháp của Huệ Năng đã gây chấn động giới học Phật trong thời của ngài, có lẽ trước Ngài  không có  vị tăng sĩ Phật giáo nào gây được sinh khí lôi cuốn trực tiếp đến quần chúng như thế. Việc nghiên cứu Phật pháp mãi cho đến thời bây giờ ít nhiều chỉ hạn cuộc trong tầng lớp có học, và bất kỳ kinh luận nào do các pháp sư giảng nói đều căn cứ trên giáo điều chính thống. Đó là những cuộc thảo luận có tính cách học thuật, trong bản chất của việc nghiên cứu, đòi hỏi nhiều ở sự uyên bác và trí phân tích hơn. Những luận giải này không cần thiết phải có sự phản chiếu từ thực tế của đời sống tôn giáo và kinh nghiệm tâm linh của con người, mà mối liên quan chủ yếu là với những ý niệm và biểu tượng.

Trái lại, những bài pháp của Huệ Năng biểu lộ trực giác tâm linh của chính Ngài, do vậy nên các pháp ấy vô cùng sống động, ngôn ngữ rất trong sáng và đầy chất uyên nguyên.

Ít ra, đây cũng là một lý do mà quần chúng cũng như các học giả chuyên nghiệp đón nhận (Huệ Năng) theo cách chưa từng có. Đây cũng là lý do tại sao Huệ Năng mở đầu Đàn Kinh qua việc kể lại khá dài cuộc đời của mình, do vì nếu Huệ Năng chỉ là một vị tăng học giả nằm trong tăng đoàn, thì chẳng cần thiết cho chính Ngài, hay đúng hơn cho môn đệ trực tiếp phải giải thích thật chi tiết về cuộc đời của chính Ngài. Việc các đệ tử nhấn mạnh rất nhiều đến sự ít học của thầy mình chắc chắn có mối liên hệ rất lớn với tính cách độc đáo và sự nghiệp của ngài.

Tiểu sử đời ngài, mở đầu trong Đàn Kinh, được thuật lại theo dạng tự truyện, nhưng trông có vẻ thích hợp với công việc biên soạn hơn là chính tác phẩm ấy do nhiều người biên soạn. Chắc chắn đoạn văn mà Huệ Năng mô tả quá nổi bật, chói sáng, tương phản với Thần Tú (c: shen-hsiu), người được xem như đối thủ của ngài, đoạn văn không thể nào phát xuất từ miệng của Huệ Năng. Sự mâu thuẫn về khuynh hướng tu tập của hai đại sư nầy manh nha ngay sau khi thầy của họ, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn viên tịch, nghĩa là chỉ xảy ra khi người truyền pháp môn Thiền theo theo ánh sáng bừng chiếu từ sự chứng ngộ của riêng họ.

Cũng không chắc cả hai người đã cùng thọ giáo với Hoằng Nhẫn cùng một thời gian, Thần Tú đã hơn 100 tuổi khi ông viên tịch vào năm 706, lúc ấy Huệ Năng chỉ mới 69 tuổi. Như vậy giữa hai người có sự cách biệt ít nhất 30 năm, và theo cuốn Cuộc Đời Huệ Năng[8] do Tối Trừng[9] đem về Nhật từ năm 830, thì Huệ Năng 34 tuổi khi đến thọ giáo với Hoằng Nhẫn, nếu Thần Tú vẫn còn thân cận với Ngũ Tổ tuổi ông là giữa 64-70, và sách nói rằng Thần Tú vẫn còn thân cận với thầy mình sáu năm, Hoằng Nhẫn viên tịch ngay sau khi Huệ Năng ra đi, rất có thể là năm thứ 6 Thần Tú thân cận với Hoằng Nhẫn trùng hợp với sự xuất hiện của Huệ Năng tại tu viện Hoằng Mai. Nhưng nếu Thần Tú (được đánh giá) quá thấp so với nội chứng của Huệ Năng, thì ngay sau sáu năm tham cứu và tự thực hành công phu, nếu Hoằng Nhẫn viên tịch ngay sau khi Huệ Năng rời khỏi tăng chúng thì Thần Tú hoàn tất những chỉ thị Thiền[10] của mình vào lúc nào? Theo các tài liệu liên quan đến Thần Tú, rõ ràng đây là một trong những Thiền sư hoàn chỉnh nhất sau Hoằng Nhẫn cũng như suốt trong thời kỳ nầy.

Tiểu sử của Thần Tú được ghi trong Đàn Kinh tất phải như tiểu thuyết do người ta biên soạn lại sau khi Huệ năng viên tịch và cái gọi là mâu thuẫn (giữa khuynh hướng) của hai bậc Đại sư, thật ra chỉ là sự mâu thuẫn (về khuynh hướng) trong hàng đệ tử riêng của mỗi vị.

Trong lời mở đầu cho Đàn Kinh, Huệ Năng tự kể về nơi ngài  sinh ra và nói về việc ngài hoàn toàn không hay biết gì về văn học cổ điển Trung Hoa. Rồi ngài tiếp tục kể rằng mình thích thú Phật pháp như thế nào khi nghe người lạ tụng kinh Kim Cương (s:vajrac­che­dika-sūtra), trong khi chính ngài lại không biết đọc. Khi đến núi Hoàng Mai để học Thiền với Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, Huệ Năng vẫn chưa được chính thức công nhận là một vị tăng xuất gia, mà chỉ xem là một cư sĩ làm công quả, ngài được phân công theo chúng làm việc ở nhà trù theo quy chế người làm công quả ở tu viện. Trong danh nghĩa đó, rõ ràng ngài không được phép sống chung với tăng chúng đã xuất gia. Và ngài  chẳng được hay biết gì về những sinh hoạt đang diễn ra ở các nơi khác trong tu viện.

Tuy nhiên, có ít nhất một đoạn trong Đàn Kinh và trong cuốn tiểu sử Huệ Năng,[11] nói đến những dịp gặp gỡ giữa Huệ Năng và thầy Hoằng Nhẫn. Khi Hoằng Nhẫn thông báo rộng rãi bất kỳ đệ tử nào có thể làm được một bài kệ (s: gāthā) trình bày chỗ khế hợp với lý Thiền sẽ được kế thừa làm tổ thứ 6 của Thiền tông. Huệ Năng không được thông báo cho biết sự kiện nầy, vì rốt cùng, Huệ Năng chỉ là một cư sĩ quèn làm công quả ở dưới bếp chùa. Nhưng Hoằng Nhẫn chắc hẳn đã nhận ra mức độ chứng nghiệm tâm linh từ Huệ Năng, nên phải có những hy vọng rằng một ngày nào đó, bằng cách này hay cách khác, điều ngài  tiên đoán về Huệ Năng sẽ được hiển bày.

Huệ Năng cũng không thể viết được bài kệ ngộ giải của mình, nên Ngài  phải nhờ người khác viết giùm, trong Đàn Kinh thường có nhiều đoạn nói đến Huệ Năng không đọc được kinh mặc dù ngài  hiểu rất rõ nghĩa khi có người đọc cho ngài  nghe.

Sự đối chọi (khuynh hướng) giữa Huệ Năng và Thần Tú, được nhấn mạnh một cách thiên vị trong tất cả các tư liệu có giá trị thực tế đương thời (ngoại trừ trong cuốn tiểu sử do Tối Trừng mang về như đã nói ở trên, không đề cập đến Thần Tú), chắc chắn đều được phóng đại bởi các môn đệ trực tiếp của Huệ Năng, cho dù hiển nhiên họ là những người thắng cuộc.

Lý do chính của việc nầy là vì tinh thần Thiền Nam tông của Huệ Năng quá phù hợp với tinh thần Phật giáo Đại thừa, với tâm lý của người Trung Hoa là Thiền Bắc tông của Thần Tú. Bác học luôn luôn có khuynh hướng dẫn đến sự trừu tượng và duy trí chủ nghĩa, che mờ ánh sáng trực giác, vốn là nhu cầu thiết yếu cho đời sống tôn giáo.

Thần Tú, cho dù những ghi chép về cuộc đời của sư do môn đệ của Huệ Năng biên soạn lại, vẫn chắc chắn xứng đáng được nhận lãnh y bát do thầy là Hoằng Nhẫn trao truyền, nhưng phong cách truyền bá Phật pháp của sư hiển nhiên đòi hỏi phong cách tỉ mỉ và thông thái hơn phương pháp của Huệ Năng nhiều. Tinh thần Thiền không ưa tất cả mọi hình thức duy trí. Cái cớ không biết chữ của Huệ Năng được người ta nhấn mạnh để tạo thế nổi bật cho chân lý và sức mạnh trực giác trong Phật pháp của ngài, đồng thời làm phơi bày rõ nét giáo lý duy trí của Thần Tú. Một thực tế cố hữu là tâm hồn người Trung Hoa ưa thích tiếp cận với thực tại sống động và kinh nghiệm trực tiếp hơn. Với vai trò như là người bản xứ vĩ đại đầu tiên khoáng trương tư tưởng Thiền, Huệ Năng đã thực sự đáp ứng đầy đủ sự khát ngưỡng.

Nhưng có phải ngài không biết chữ hay sao? Thực vậy, ngài  không phải là một học giả thông thái, nhưng tôi (Suzuki) không nghĩ ngài  hoàn toàn dốt đặc như đã được khẳng định trong Đàn Kinh. Để nhấn mạnh sự tương phản (khuynh hướng) giữa Ngài và Thần Tú, người ta thích tạo ấn tượng hơn khi khắc họa ngài  như một người không có khả năng hiểu biết văn tự. Ngay như Giê-su Ki-tô, khi thảo luận với các vị thông thái, các học giả đầu bạc cũng đã có những bài giảng thiếu thông tin đáng tin cậy. Thế nên đó là thực tế chứng tỏ rằng thiên tài tôn giáo không cần thêm thắt phần tri thức hơn là phần phong phú của đời sống nội tâm. Trong Đàn Kinh có ám chỉ đến khá nhiều kinh điển, chứng tỏ tác giả bản kinh không phải là người hoàn toàn vô học. Do vậy, là người Phật tử, tác giả hiển nhiên sử dụng một số thuật ngữ Phật học, nhưng đã hoàn toàn thoát khỏi phong cách học giả thông thái rởm so với tăng sĩ Phật giáo cùng thời, ngài  nói trực tiếp và thẳng tắt đến trọng tâm giáo lý của mình không hề quanh co. Phong cách đơn giản nầy chẳc hẳn đã gây nhiều ấn tượng cho thính chúng, đặc biệt là những người có khuynh hướng đào luyện tâm linh, dù họ đã được thừa hưởng một loại tri thức nào đó. Đó là những người nhận ra yếu chỉ trong các bài pháp của ngài và lưu giữ lại như là của báu chứa đựng trực giác tôn giáo sâu thẳm.

Quan niệm nguyên ủy của Huệ Năng đương nhiên là khước từ tất cả văn chương và toàn bộ ngôn từ, vì tâm (e: mind) chỉ có thể được lãnh hội bằng tâm một cách trực tiếp, không qua trung gian. Nhưng bản chất của con người thì ở đâu cũng giống nhau, và ngay cả các môn đệ Thiền cũng có những điểm yếu của riêng họ. Một trong những điểm ấy là quá xem trọng những tài liệu do thầy mình truyền lại. Do vậy, Đàn Kinh được xem như là biểu tượng chân lý mà Thiền được bảo chứng trong đó, và có thể nói rằng nơi đâu Đàn Kinh được quí trọng thái quá thì nơi đó tinh thần Thiền bắt đầu xuống dốc. Có lẽ vì lý do nầy mà Đàn Kinh không còn được trao truyền từ thầy xuống đệ tử như là vật ấn chứng cho sự thành tựu tối hậu chân lý Thiền, có lẽ vì thế mà các đoạn văn được trích dẫn liên quan đến việc truyền thừa, thường bị cắt bỏ trong các ấn bản Đàn Kinh đang lưu hành hiện thời, để về sau Đàn Kinh đơn giản được xem như một bản kinh truyền bá giáo lý Thiền như Huệ Năng đã giảng.

Bất kỳ với lý do nào, sự xuất hiện của Huệ Năng trong buổi bình minh của lịch sử Phật giáo Thiền vẫn có một ý nghĩa siêu tuyệt, và Đàn Kinh xứng đáng được xem là một tác phẩm bất hủ, vì kinh đã quyết định tiến trình tư tưởng Phật học ở Trung Hoa trong suốt nhiều thế kỷ cho đến nay.

Trước khi trình bày các quan điểm của Huệ Năng về Phật giáo, chúng ta hãy nghiên cứu các quan niệm của Thần Tú, người luôn luôn được mô tả tương phản với Huệ Năng. Vì sự khác biệt (khuynh hướng) giữa hai thượng thủ nầy giúp cho chúng ta xác định rõ ràng bản chất của Thiền hơn trước đây. Hoằng Nhẫn là một Thiền sư vĩ đại và có nhiều đệ tử, nhiều năng lực. Có hơn mười hai người được lịch sử Thiền ghi lại, nhưng Huệ Năng và Thần Tú vượt trội hẳn những người khác, và sau họ, Thiền được chia thành hai tông: Thiền Nam tông và Thiền Bắc tông. Nhờ đó chúng ta được hiểu rõ hơn pháp môn Thiền do Thần Tú, thượng thủ của Thiền Bắc tông giảng dạy và cũng dễ dàng hơn khi tìm hiểu về Huệ Năng, chính là người chúng ta đang đề cập đến.

Nhưng không may, chúng ta không có được nhiều những giáo pháp của Thần Tú vì sự kiện suy yếu của tông nầy trong khi song hành truyền bá cùng với Nam tông đã kéo theo sự mất mác những ghi chép lịch sử của mình. Những gì chúng ta được biết đến tông nầy thông qua hai nguồn: trước hết là những ghi chép của Thiền Nam tông, như Đàn Kinh cùng những ghi chép của Thiền sư Tông Mật,[12] thứ nhì là từ hai Thủ bản Đôn Hoàng mà tôi (Suzuki) đã tìm thấy ở Thư viện Quốc gia Paris. Một trong hai bản văn của Thiền Bắc tông thì không đầy đủ và bản thứ hai thì không hoàn chỉnh về phần ý nghĩa. Chẳng có bản văn nào do chính Thần Tú viết hết thảy. Cũng như Đàn Kinh, thủ bản ấy là một dạng ghi chép của hàng môn đệ về các các bài pháp của Thần Tú.

Thủ bản có nhan đề là “Bắc Tông Ngũ Đạo Pháp Môn”,[13] và ở đây, chữ “Đạo” có nghĩa là “phương tiện” hay là phương pháp. Tiếng Phạn là upaya, dường như ít dùng với một ý nghĩa đặc thù nào khác và “ngũ đạo” có nghĩa là năm phương pháp qui kết kinh tạng Đại thừa với giáo pháp Thiền Bắc tông. Đây là nội dung giáo pháp ấy.

1. Thành Phật có nghĩa là giác ngộ, và giác ngộ cốt yếu là không còn khởi vọng tâm.

2. Khi tâm an trú tịch tĩnh, các thức đã chuyển hóa thanh tịnh. Trong trạng thái nầy, cánh cửa tuệ giác tối thượng được khai mở.

3. Cánh cửa tuệ giác tối thượng nầy dẫn đến sự chuyển hóa vi diệu của thân và tâm. Tuy nhiên, đây không phải là cảnh giới niết-bàn tịch diệt của Tiểu thừa, vì tuệ giác tối thượng mà chư bồ-tát  thể chứng là siêu việt hẳn sự phân biệt của các thức.

4. Sự siêu việt hẳn tính phân biệt của các thức có nghĩa là tự tại đối với quan niệm nhị nguyên về thân tâm, trong đó chân tướng các pháp vẫn được duy trì.

5. Cuối cùng là con đường nhất như dẫn đến pháp giới chân như, không ngăn ngại, không sai biệt. Đây chính là giác ngộ.

Rất thú vị khi so sánh 5 điểm nầy với luận giải về Thiền Nam tông của Tông Mật. Như trong Thiền Tông Tự Pháp Đồ[14] (giản đồ về sự truyền thừa của chư Tổ trong Thiền tông):

“Bắc tông dạy rằng tất cả chúng sinh đều có sẵn tính bồ-đề, như bản tính của gương là chiếu soi, khi phiền não dấy lên thì gương không còn phản chiếu được, giống như gương bị bụi phủ. Nếu như theo lời sư dạy, khi vọng tưởng được hàng phục và trừ diệt, thì nó không còn sinh khởi. Thế nên tâm được sáng suốt như bản tính riêng của nó, không có gì là không thông suốt. Đó cũng như lau gương khi không có bụi dính thì gương chiếu soi, không có gì ngoài sự chiếu sáng”.

Nên Đại sư Thần Tú, thượng thủ tông nầy viết trong bài kệ trình Ngũ Tổ:

Thân thị Bồ-đề thụ

Tâm như minh kính đài

Thời thời cần phất thức

Vật sử nhạ trần ai.

Thân là cây Bồ-đề

Tâm như đài gương trong

Luôn siêng năng lau phủi

Chớ để nhuốm bụi trần

Hơn nữa Tông Mật minh họa sự xác quyết của Thần Tú bằng cách dùng quả cầu thủy tinh. Tâm, theo sư, giống như một quả cầu thủy tinh vốn không có màu sắc riêng của chính nó. Nó hoàn toàn trong suốt và hoàn hảo. Nhưng ngay khi nó tiếp xúc với ngoại cảnh, nó liền tiếp nhận tất cả màu sắc và hình dáng khác biệt. Sự khác biệt là do ở ngoại cảnh, còn tâm vẫn như chính nó, không hề biến dạng chút nào.

Bây giờ chúng ta giả sử quả cầu thủy tinh được đặt trước một vật hoàn toàn khác nó, nó biến thành màu đen. Dù trước đây quả cầu trong suốt, nhưng nay nó đã thành đen và người ta cứ cho rằng màu đen nầy là thuộc về bản tính tiên thiên của nó. Khi đưa quả cầu thủy tinh cho kẻ sơ cơ xem, họ sẽ kết luận ngay quả cầu thủy tinh bị nhuốm bẩn và họ khó tin thể chất trong suốt mà nó từng vốn có. Cũng những người đó khi họ thấy quả cầu thủy tinh trong suốt, họ sẽ tuyên bố quả cầu bẩn vì họ thấy nó như thế và tự nguyện lau chùi quả cầu để có thể lấy lại sức chiếu sáng đã mất. Những người chùi bụi trên gương nầy, theo Tông Mật, là môn đệ của Thiền Bắc tông, họ tưởng rằng quả cầu thủy tinh, với thể tính trong suốt, chỉ có được khám phá ở bên dưới trạng thái tối tăm khi họ phát hiện ra nó.

Cách quét bụi của Thần Tú và hàng môn đệ tất nhiên dẫn đến phương pháp Thiền tịch tĩnh, và đó chính là phương pháp mà họ khuyên dạy. Họ hướng dẫn nhập định qua sự tập trung, thanh tịnh tâm ý bằng cách an trú tâm trên một niệm duy nhất. Họ còn dạy rằng khi khởi một niệm, ngoại cảnh liền chiếu diệu rõ ràng; nên khi làm vắng bặt niệm tưởng ấy đi, thì sẽ được nhận biết thế giới nội tâm.

Thần Tú, cũng như những Thiền sư khác, thừa nhận tâm hiện hữu và công nhận rằng tâm nầy phải được tìm thấy từ bên trong bản tâm mỗi chúng ta. Tâm ấy được thừa hưởng đầy đủ mọi đức tính của chư Phật. Thực tế chúng ta không nhận ra được tâm nầy vì tập khí của chúng ta quen đuổi theo ngoại cảnh, khiến cho ánh sáng chân tâm bị mờ đi. Thần Tú khuyên rằng thay vì bỏ rơi người cha của chúng ta, mọi người nên quán chiếu bên trong bằng cách tĩnh tu. Điều này hoàn toàn tốt theo một chừng mực nào đó, nhưng Thần Tú vốn không có sự thể nhập siêu hình, nên phương pháp trên phải nhận chịu sự thiếu sót nầy.

Giáo pháp ấy bao gồm những điều mà người ta thường gọi là “hữu vi”[15] hay “hữu sự”[16] mà chẳng phải là “vô sự”[17] hay là “tự tại”[18].

Đoạn văn dưới đây trích từ Đàn Kinh sẽ làm minh bạch khi chúng ta đọc kinh trong ánh sáng của vấn đề được nêu ở trên:[19]

Thần Tú khi nghe nhiều người quan tâm đến phương pháp nhập đạo thẳng tắt, nhanh chóng của Huệ Năng, bèn gọi một đệ tử tên Chí Thành đến dặn:

“Ông vốn thông minh, lanh lợi hãy vì ta đến núi Tào Khê, và khi đến gặp Huệ Năng hãy đảnh lễ và cung kính lắng nghe. Đừng để cho Ngài  biết ông từ nơi nầy đến. Ngay khi hiểu được trọn ý nghĩa mà ông được nghe, hãy ghi nhớ nằm lòng và trở về đây nói cho ta nghe về Ngài . Lúc ấy ta mới rõ kiến giải của ta hay của Huệ Năng là thẳng tắt nhanh chóng.”

Lòng hoan hỷ vâng lời thầy, Chí Thành đến núi Tào Khê sau mười lăm ngày đường, ông đến cung kính đảnh lễ Huệ Năng và lắng nghe chỉ dạy, không tiết lộ mình từ đâu đến. Khi nghe pháp, tâm trí Chí Thành nắm bắt ngay được yếu chỉ giáo pháp của Huệ Năng. Chí Thành nhận ra ngay bản tâm của mình, liền đứng dậy đãnh lễ, thưa: “Con vốn từ chùa Ngọc Tuyền (c: yu-chuan) đến đây. Nhưng tu tập dưới sự chỉ dạy của thầy con là Thần Tú, con chưa được khế ngộ. Bây giờ, nghe được pháp yếu của Hòa thượng, con đã nhận ra ngay bản tâm mình. Ngưỡng mong Hòa thượng từ bi chỉ dạy thêm cho”.

Đại sư Huệ Năng bảo:

“Nếu ông từ chùa Ngọc Tuyền đến, ắt ông là kẻ do thám”.

Chí Thành đáp:

“Khi con chưa tiết lộ thì đúng là con là do thám, nhưng khi con đã thưa thật với Hòa thượng rồi thì con chẳng còn là kẻ do thám nữa”.

Lục Tổ bảo:

“Trường hợp đó cũng là ý nghĩa phiền não (s: klésa) tức bồ-đề (bodhi)[20].

Đại sư bảo Chí Thành: “Tôi nghe thầy ông chỉ dùng tam vô lậu học. Gồm giới (s: śīla), định (s: dhyāna), huệ (s: prajñā) để dạy người. Hãy cho tôi biết thầy ông đã dạy như thế nào?”

Chí Thành thưa: “Thần Tú thầy con dạy giới, định, huệ như sau: Không làm các việc ác là giới, vâng làm các việc lành là huệ, tự thanh tịnh tâm trí mình là định. Đây là quan niệm về tam vô lậu học của thầy con. Giáo lý của thầy hoàn toàn tương ứng với quan niệm nầy. Thỉnh ý của Hòa thượng như thế nào, xin chỉ dạy”.

Đại sư Huệ Năng đáp: “Ấy là một quan điểm rất hay, nhưng tinh thần của tôi thì khác”.

Chí Thành hỏi:

“Thưa Bạch Hoà thượng, khác chỗ nào?”

Đại sư đáp:

“Một bên chậm, một bên nhanh và thẳng tắt.”

Chí Thành cầu thỉnh được chỉ bày cái thấy của Ngài  về giới, định, huệ. Đại sư đáp:

“Vậy thì hãy lắng nghe pháp của tôi, theo cái thấy của tôi, bản tâm tự nó vốn không bệnh, đó là tự tính giới, tâm tự nó vốn không loạn, đó là tự tính định, tâm tự nó không si mê đó là tự tính huệ.

Đại sư nói tiếp:

“Tam vô lậu học mà thầy của ông giảng dạy là dành cho người có căn cơ bậc thấp, còn giáo pháp tam học của tôi là dành cho hàng có căn trí siêu tuyệt. Khi ngộ được tự tính, chẳng cần dựng lập tam học nữa”.

Chí Thành thưa:

“Thỉnh Hòa thượng chỉ dạy rõ cho con ý nghĩa ‹chẳng cần dựng lập›”.

Đại sư nói: “Tự tính vốn không bệnh, không loạn, không si mê, mỗi niệm đều là trí tuệ siêu việt (Bát-nhã), mỗi niệm trong ánh sáng trí tuệ quán chiếu nầy thường vượt khỏi mọi sắc tướng. Do vậy, nên chẳng dựng lập tất cả các pháp. Đốn ngộ là nhận ra ngay liền tự tính nầy, chẳng phải nhận thức theo từng thứ lớp mà được. Đây là lý do của việc không dựng lập”.[21]

Chí Thành đảnh lễ và không bao giờ rời Tào Khê, trở thành đệ tử của Đại sư.

Từ điểm tương phản giữa Thần Tú và Huệ Năng, chúng ta có thể hiểu được lý do tại sao Thần Hội,[22] một đệ tử lớn của Huệ Năng, đánh giá về quan niệm tam học của Thần Tú là thuộc loại “hữu sự” trong khi quan niệm tam học của Huệ Năng lại qui thúc về “tự tính”, tính chất là không tịch và chiếu. Thần Hội đưa ra một dạng thứ ba gọi là “vô sự” , theo quan điểm nầy, tam học được hiểu như sau:

Khi vọng niệm không sinh khởi tức đó là giới.

Khi vọng niệm không khởi, tức đó là định.

Khi vọng niệm không khởi, tức đó là huệ

Dạng “vô sự” và dạng “tự tính” đều giống nhau, một phía (Thần Hội) diễn đạt một cách phủ định những gì phía bên kia (Thần Tú) đã xác quyết.

Ngoài ra, Thần Tú còn trình bày quan điểm của mình về năm chủ đề, xuất phát từ Đại Thừa Khởi Tín luận, [23] kinh Pháp Hoa, [24] kinh Duy-ma-cật, [25] kinh Tư Ích[26] và kinh Hoa Nghiêm[27].

Năm đề tài ấy là:

1. Phật thân có nghĩa giác ngộ viên mãn, tự biểu hiện qua Như Lai pháp thân.

2. Tuệ giác, tri kiến Phật hoàn toàn cần phải được phòng hộ đối với sự nhiễm ô từ sáu giác quan (lục căn)[28].

3. Tu tập theo công hạnh của hàng Bồ-tát là để siêu việt khỏi kế chấp từ tâm thức.

4. Chân tính của vạn pháp vốn thường tịch nhiên bất động.

5. Đạo (pháp môn) vi diệu, tuyệt đối tự tại, vô ngại. Khi hướng đến tiến trình giải thoát giác ngộ, chỉ được chứng đạt một khi thể nhập hoàn toàn vào chân lý vô phân biệt.

Những quan điểm nầy đã được Thần Tú xiển dương, tự nó đã có đầy đủ sự chú ý của quần chúng, nhưng vì những quan điểm ấy không liên quan đến nội dung khảo sát ở đây nên chúng ta không định phân tích chi tiết. Bây giờ chúng ta sẽ dành trọn phần luận giải nầy cho Huệ Năng.

Thích Nhuận Châu dịch



[1] Bodhidharma: Nhiều tác giả có những ghi chép khác nhau về thời gian Ngài từ miền Nam Ấn Độ đến Trung Hoa, vào khoảng chừng từ năm 486-527 sau Tây lịch. Nhưng theo Khế Tung ( , j: kaisu, c: chi-sung) vào đời Tống, tác giả của «Chánh Truyền Pháp Luận» (Truyền Pháp chính tông kí). Tôi (Suzuki) cho rằng Bồ-đề Đạt-ma đến Trung Hoa vào năm 520 và tịch năm 528.

[2] Thường gọi tắt là Đàn Kinh, Lu-tso T’an ching, hoặc là Rokuso Dangyō  theo tiếng Nhật.

[3]* Nguyên văn: southern school. Theo thuật ngữ Nam đốn Bắc tiệm. Đại sư Thần Tú xiển dương khuynh hướng tiệm ngộ ở miền Bắc. Đại sư Huệ Năng xiển dương Thiền đốn ngộ ở miền Nam Trung Hoa.

[4]* e: sudden awakening.

[5]* Các bản kinh hiện đang lưu hành ở Việt Nam không thấy ghi đoạn này.

[6] Theo Thủ bản Đôn Hoàng.

[7] Quang Thắng tự (j: kosho-ji)

[8]* The Life of Huineng.

[9]* Tối Trừng ( , 767-822). Còn gọi là Truyền Giáo Đại sư, người đã mang giáo lý tông Thiên Thai sang Nhật. Sư tiếp thu giáo lý của Hoa Nghiêm Tông, Mật Tông khi du học tại Trung Hoa.

[10]* e: zen discipline.

[11] Quyển tiểu sử này được gọi là Tào Khê Ước Truyện (c: ts’ao-chi yueh-chuan), hiển nhiên được biên soạn ngay sau khi Huệ Năng viên tịch, được Đại Sư Tối Trừng, vị Tổ thành lập Thiên Thai Tông Nhật Bản, mang về Nhật năm 803, khi ông sang Trung Hoa tham học Phật pháp. Đây là tài liệu lịch sử đáng tin cậy nhất liên quan đến Huệ Năng.

[12]* Khuê Phong Tông Mật ( , Tsung-mi) (780-841): Thiền sư Trung Hoa, dòng Hà Trạch Thần Hội, Tổ thứ 5 của Hoa Nghiêm Tông, tác giả của Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập Đô. Sư là người chia Thiền thành 5 dạng, gọi là Ngũ vị thiền.

[13]* Bắc Tông Ngũ Đạo Pháp Môn, The Teaching of the Five Means by the Northern School  ( ).

[14] Thiền tông tự pháp đồ, The Diagram of Succession of the Zen Teaching. ( ).

[15]* Hữu vi  , e: artifical.

[16]* Hữu sự , e: doing something.

[17]* Vô sự , e: doing nothing.

[18]* Tự tại  , e: being in itself.

[19] Thủ bản Đôn Hoàng, (P. 40-41). Ấn bản Quang Thắng Tự (j: kosho-ji, P.42-43).

[20] *Theo Thủ Bản Đôn Hoàng. Còn theo Pháp Bảo Đàn Kinh, các ấn bản đang lưu hành ở Việt Nam thì có khác. Xin nêu ra đây để tiện đối chiếu:

«Chí Thành bẩm mệnh chí Tào Khê, tùy chúng tham thỉnh, bất ngôn lai xứ. Thời Tổ sư cáo chúng viết: »Kim hữu đạo pháp chi nhân, tiềm tại thử hội». Chí Thành tức xuất lễ bái, cụ trần kỳ sự. Sư viết: «Nhữ tùng Ngọc Tuyền lai, ứng thị tế tác». Đối viết: «Bất thị». Sư viết: «Hà đắc bất thị?». Đối viết: «Vị thuyết tức thị, thuyết liễu tức bất thị» - 志誠稟命至漕溪, 隨眾參請, 不言來處。時祖師告眾曰:«今有盜法之人,潛在此會»。志誠即出禮拜, 具陳其事。師曰:«汝從玉泉來, 應是細作»

對曰:«不是»。師曰:«何得不是

對曰:«未說即是, 說了即不是 »(Đốn tiệm, 8).

[21] *Xin trích dẫn kinh Pháp Bảo Đàn để đối chiếu:

«Phục ngữ Thành viết: ‹Nhữ sư giới định huệ, khuyến tiểu căn trí nhân, ngô giới định huệ, khuyến đại căn trí nhân, nhược ngộ tự tính, diệc bất lập bồ đề niết bàn, diệc bất lập giải thoát tri kiến, vô nhất pháp khả đắc, phương năng kiến lập vạn pháp. Nhược giải thử ý, diệc danh Phật thân, diệc danh bồ-đề niết-bàn, diệc danh giải thoát tri kiến. Kiến tính chi nhân, lập bất đắc, bất lập diệc đắc, khứ lai tự do, vô đái vô ngại, ứng dụng tùy tác, ứng ngữ tuỳ đáp, phổ kiến hóa thân, bất ly tự tính, tức đắc tự tại thần thông, du hý tam muội, thị danh kiến tính.›

Chí Thành tái khải sư viết: Như hà thị bất lập nghĩa? Sư viết: Tự tính vô phi, vô nghi, vô loạn, niệm niệm Bát-nhã quán chiếu, thường ly pháp tướng, tự do tự tại, tung hoành tận đắc, hựu hà khả lập? Tự tính tự ngộ, đốn ngộ đốn tu, diệc vô tiệm thứ. Sở dĩ bất lập nhất thiết pháp, chư pháp tịch diệt, hữu hà thứ đệ?

« , . 吾戒 , 人。若 , , 見。無 , 法。若 , , , , , , 自由, , , , , , , , 性。志 « « , , , , , , , ? , , 次。 , , (Đốn tiệm 8)

[22] *Hà Trạch Thần Hội ( , 686-780 hoặc 670-762), tác giả của Hiển Tông Ký.

[23]* , s: Mahāyānaśraddhotpada-śāstra, e: Awakening of Faith in the Mahayana, của Bồ Tát Mã Minh.

[24] * ; s: Saddharmapuṇḍarīka.

[25]* , Duy-ma-cật sở thuyết kinh; s: Vimalakīrtinirdeśa-sūtra.

[26]* , j: Shiyaku-kyō.

[27]* , s: Avatamsaka-sūtra.

[28]* Lục căn (e: six senses): Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle