Trong thời gian ở Houston
dự Lễ Hội Quan Âm lần thứ bẩy, chúng tôi cố thu xếp thì
giờ ghé thăm tư gia cư sỹ Liên Hoa-Diệu Tịnh.
Ngôi nhà khang trang bên bờ hồ mà ngay từ cửa vào, khách đến thăm đã cảm nhận
được tâm hồn của chủ nhân, những tâm hồn đẹp đẽ, đem sáng tạo mỹ thuật vinh danh
Đạo Pháp. Nơi đây, tôi từng được chủ nhân ưu đãi, dành một
phòng riêng mỗi lần đến Houston. Nhưng lần này, tôi được tháp
tùng sư phụ, sư huynh, sư tỷ nên mấy thầy trò lấy phòng ở khách sạn, gần chùa
Việt Nam để ban vận chuyển của chùa tiện đưa đón trong thời gian Lễ Hội.
Cuộc hội ngộ bất ngờ chiều chủ nhật đã thành buổi thiền trà đầy đạo
vị vì có sự hiện diện của Thượng Tọa Thích Tâm Hòa. Thầy có giọng ngâm
truyền cảm, lại thuộc rất nhiều thơ, từ những bài ngắn, thể năm chữ của thầy Tuệ
Sỹ đến những bài dài, thể tám chữ của thi sỹ Vũ Hoàng Chương, thầy đều thoải mái,
cất giọng ngâm dễ dàng.
Trong không khí thơ nhạc và hương trà ngát thơm, bất ngờ, thầy đọc hai câu đối
của thầy Tuệ Sỹ mà trước khi đọc, thầy đã nói là “Hay lắm!”. Tôi sửng sốt khi thầy đọc trơn tru hai câu đối khá dài, bằng cả chữ
Hán lẫn chữ nôm.
Câu thứ nhất: Quảng mạc thiên hoang cố lý, nhi phế hưng cạnh tẩu kinh đào, phiến diệp phù nang, quải nạp
đằng la thử ngạn. Dịch nôm: Chốn cũ dặm dài man mác, bởi phế hưng xô dậy
sóng cồn, chiếc lá thuyền nang, vá áo chép kinh đất khách.
Câu thứ hai: Đức hành thế khoác tham phương, tỷ triêu lộ hàm huy diệu cảnh,
không hoa thủy nguyệt, huyền hà bích lạc thần châu. Dịch nôm: Đức tu mấy
bước mù xa, tợ sương sớm nắng hồng đọng bóng, hoa trời trăng nước, ngân hà dằng
dặc quê cha.
Thầy đọc lần đầu, tôi như kẻ phàm phu nghe chim thuyết pháp, nghe không kịp, mà
cũng chẳng hiểu gì cả! Duy chỉ bốn chữ “Vá áo chép kinh”
bỗng dội vào cái đầu u tối của tôi, rồi chợt lóe như lằn chớp, sáng rực hình ảnh
Trưởng lão A-Na-Luật ngồi vá áo khi cả ba chiếc y của ngài đều cũ rách tả tơi!
Trong tăng đoàn của Đức Thế Tôn thời xưa, chắc không thiếu các vị
tỳ-kheo từng phải ngồi vá áo nhưng không hiểu sao, chỉ hình ảnh ngài A-Na-Luật
bật lên khi thầy Tâm Hòa vừa đọc tới 4 chữ “Vá áo chép kinh”?
Lẽ dĩ nhiên, tôi nào biết dung mạo Trưởng lão A-Na-Luật ra sao, nên hình ảnh vị
tăng ngồi vá áo, tuy tâm tôi khởi danh xưng ngài A-Na-Luật mà hình ảnh lại là
hình ảnh tác giả hai câu đối, là thầy Tuệ Sỹ, là vị tu-sỹ đã đóng một triện son
đậm nét trên trang sử Phật Giáo Việt Nam bằng sự im-lặng-sấm-sét trong cơn biến
động lịch sử của dân tộc.
Tôi đã xin thầy Tâm Hòa viết cho hai câu đối này để bây giờ, ngồi trong Cốc
Thảnh Thơi, từng chữ đang như từng bài pháp cho tôi niềm hạnh phúc vô biên.
Tôi lại khóc.
Thảnh thơi và sung sướng mà khóc.
Tôi khóc vì quá may mắn, có cơ duyên được nghe những lời nhắc nhở đầy Từ Bi, Trí
Tuệ này.
“Chốn cũ dặm dài man mác, bởi phế hưng xô dậy sóng cồn”.
Thời gian như bóng câu qua cửa, bao trạng huống thịnh suy hưng phế dập dồn, mờ
mịt quê xưa nghìn trùng cách biệt.
Chiếc lá thuyền nang, vá áo chép kinh đất khách”.
Từ thuở lênh đênh trên con thuyền mong manh tựa lá, lìa xa quê, trôi giạt xứ
người, xin hãy an bần giữ đạo.
Có lẽ những gì thiết tha nhất mà thầy Tuệ Sỹ muốn nhắn gửi huynh đệ của thầy là
ở nơi xứ lạ quê người, hãy nhớ “biết đủ” theo lời Phật
dạy và giữ đạo tâm bền vững. “Vá áo” có phải là tượng trưng cho sự an bần và “Chép kinh” là nhắc nhở một lòng giữ đạo?
Xưa, có lần Đức Thế Tôn hỏi tôn-giả Tu-Bồ-Đề:
- Bậc A-La-Hán có nghĩ tưởng là mình đã đạt đạo A-La-Hán không?
Ý ông thế nào?
Tôn giả Tu-Bồ-Đề cung kính thưa rằng:
- Bạch Đức Thế Tôn, con không nghĩ tưởng như vậy, con mới là bậc A-La-Hán.
Nhớ lại giai thoại này giúp tôi hiểu phần nào niềm ưu ái băn khoăn mà thầy Tuệ
Sỹ gửi gấm trong câu thứ hai:
“Đức tu mấy bước mù xa, tợ sương sớm nắng hồng đọng bóng, hoa
trời trăng nước, ngân hà dằng dặc quê cha”.
Dù đường tu có đạt tới đâu, cũng chỉ mong manh tựa sương, tựa nắng; sương mới đó
rồi tan, nắng mới đó rồi nhạt, trăng lồng bóng nước, nào phải thật là trăng!
Ngay những bậc A-La-Hán còn chưa dám nhận là A-La-Hán, thế mới thực
đắc A-La-Hán.
Đường tu thậm thâm vi tế như thế, nên xin hãy giữ tâm an trụ trong chánh định,
chớ vì xứ người dư thừa phương tiện mà đắm chìm tự mãn, quên đi cội nguồn đất tổ
vời vợi phương xa. Có lẽ, chữ “Quê cha” ở đây, vừa có nghĩa là Quê Hương
đời-thường, vừa ẩn nghĩa thâm sâu là Giác Ngộ, là Giải Thoát, là mục đích tối
hậu trên đường cầu Đạo.
Ngồi bán già rất lâu trước bàn thờ Phật, vận dụng cái đầu u tối làm
việc, tôi chỉ hiểu lờ mờ hai câu đối trên như vậy. Lòng
bỗng khởi niềm mơ ước viển vông “Phải chi được đảnh lễ thầy Tuệ Sỹ, xin thầy chỉ
giáo tận tường từ nghĩa cạn tới lý sâu thì thật là hạnh phúc!”
Tôi biết được một điều, là những gì thầy Tuệ Sỹ viết, phải nhìn từ nhiều
lăng kính khác nhau mới mong thấy được phần nào tâm tư thầy gửi gấm. Nên
những khi may mắn có được gì của thầy, từ dịch thuật kinh điển tới thơ văn, tôi
thường lò dò
tìm các vị thiện trí thức để xin chỉ dạy. Nhưng cơ hội này chẳng phải dễ, vì
những vị tôi đặt niềm tin, lại thường luôn bôn ba hoằng pháp đó đây, gặp được
quý ngài chỉ là tình cờ hy hữu!
Như buổi thiền trà đầy đạo vị mà Mẹ Hiền Quán Thế Âm đã vừa cho
chúng tôi cơ hội.
Đa tạ Thầy Tuệ Sỹ, vị Thầy tôi chưa một lần được diện kiến nhưng
Thầy đã là người dẫn dắt tôi từ những bước đầu chập chững tìm về cửa Đạo.
Thầy là niềm an ủi khi tôi gặp nghịch duyên do thế nhân lọc lừa, dối trá.
Thầy là bóng mát khi lòng tôi khô cạn niềm tin.
Chỉ cần nghĩ tới hạnh nguyện Bồ Tát của Thầy là bao nhiêu thất vọng
trước thế nhân ác hiểm đều chuyển thành bụi mưa xuân làm xanh tươi đồng cỏ.
Những phút giây ấy, tôi lại thấy niềm ước mơ được diện kiến
Thầy là không cần thiết. Vì những gì tôi cảm nhận được
trên bước đường Thầy đi, đã là quá đủ.
Cây tùng sừng sững, lặng thinh nhưng mạnh mẽ giữa sa
mạc nắng cháy, chẳng là niềm khích lệ vô biên cho bao lữ hành đang nổi chìm
trong gió cát ư?
Và tôi thấy triết gia D.W.Jerrold rất sâu sắc khi ông ta nói rằng: “Tôn giáo
và lòng kính ngưỡng ở trong tim chứ không ở hai đầu gối”.
NAM MÔ TÁT
ĐÀ BÀ LUÂN BỒ TÁT (*)
Huệ Trân
-----------------------------------------
(*) Vị Bồ Tát vì Đạo, quên mình.