NHƯ
DẤU CHIM
BAY
Tuệ Nguyên
Thích Thái Hòa
Chùa Phước Duyên –Huế
2555 -2011
MỤC LỤC
Ngỏ………………………………13
Xuân Như Ngày Ấy…………….15
Quảy…………………………….17
Còn Mãi Một Đóa Hoa………....18
Bước Chân………………………21
Cuồng Lũ……………………….23
Thương Anh Cả………………..25
Chiếc Lá…………………………27
Thong Dong…………………….28
Xuân Bẽn Lẽn…………………..30
Hững Hờ………………………...32
Không Một Cõi…………………33
Thưa Rằng……………………..34
Cõi Dại Khờ…………………….35
Về………………………………...37
Hồn Xuân………………………..38
Thầy Về………………………….40
Nghe……………………………...42
Lời Mẹ Ru……………………….43
Tình Đạo Sĩ……………………...46
Biết Nhau………………………..56
Mắt Đẹp Nhìn Đời………………59
Vầng Thơ Cho Em……………...65
Đừng Vẽ Gì Thêm………………70
Nhìn Lá Bay……………………..72
Bình Minh……………………….74
À, Thế Đó!.....................................75
Tình Không Xao………………...77
Giữa Vô Tri..……………………78
Rơi Sạch…………………………79
Uống Trà Và Xuân……………. 80
Đương Xứ……………………… 82
Ngay Đó …………………………84
Trong Từng Khoảnh Khắc……..85
Đừng Vọng Hư Truyền…………91
Sáng Nay Bước Chân Em………94
Như………………………………98
Rứa………………………………99
Tội Nghiệp……………………..100
Thủy Khứ………………………102
Dòng Nước Trôi………………..102
Vô Xứ ………………………….104
Khắp Mọi Nơi………………….104
Em Hãy Về Đi………………….105
Nghe Mưa……………………...109
Như Thế À!.................................110
Xuân Nghe Tôi Gọi……………111
Tình Như Sóng Vỗ…………….115
Một Tờ Kinh Thiêng…………..118
Con Đường Ta Đi……………...123
Chút Tình Thôi………………...128
Lồng Rã Chim Bay……………131
Xuân Tròn Đầy………………..135
Sóng Vượt Qua Bờ…………….137
Tình Hoằng Viễn………………140
Trời Xuân Bạt Ngàn…………..142
Mênh Mông Trời Vàng……….145
Kính Tiễn Đưa Người…………148
Một Trang Kinh Đẹp………….151
Ngỏ
Lời thi ca thoáng vụt bay lên từ
chỗ tột cùng của uyên nguyên cảm nhận, mà trí năng không thể dự phần.
Thơ không nằm nơi ý, ý không nằm
nơi thơ; ngộ thì thấy, không ngộ thì thôi; cảm thì nhận, không cảm thì thôi, để
mặc chim hót, để mặc thơ bay; bay qua phố thị, bay qua ruộng đồng, bay qua hồn
say kiếp người, bay vượt trăng sao!
Ví như đôi cánh hồng điểu vỗ nhẹ
và vút lên giữa cõi vô cùng, giữa chốn vô tung, chim
chẳng để ý đến dấu, dấu chẳng để ý đến chim; dấu và chim như có, như không mà
mọi lằn mức khứ lai đều tuyệt bặt.
Nhưng, đôi cánh chim cứ vỗ và bay,
bay mãi đến vô cùng…
XUÂN NHƯ
NGÀY ẤY
Đất trời
vẫn đất trời này;
vẫn dông bão tố
vẫn đầy bình an;
vẫn đêm tối
vẫn trăng ngàn;
vẫn bình minh cũ
vẫn hoàng hôn xưa.
Đá nằm
im lặng bốn mùa,
ngàn năm chim vẫn
hót đùa trên cây.
Rừng hoang
hoa vẫn nở đầy,
trong ta xuân vẫn
như ngày ấy thôi!
Xuân Kỷ Mão (1999)
QUẢY
Quảy bình minh
đứng giữa trời,
tâm yên đứng giữa
nắng mưa bụi hồng.
Quảy hoàng hôn
trở về nguồn,
tâm ta chừ sạch
nỗi buồn thế gian.
20/1/Kỷ Mão (1999)
CÒN MÃI
MỘT ĐÓA HOA
Cơn lạnh mùa đông
chuyển thành nắng ấm,
chim dậy hót ca
mây bay về đỉnh núi.
Sáng nay,
trời đất nhìn nhau,
trời đất trong nhau.
Tia nắng mỏng
ấm lòng người lữ khách,
mắt ai sâu
hun hút vượt duyên sinh!
Đôi cánh bướm,
vỗ lên cành hoa dại,
giữa rừng hoang
hương lạ vẫn còn bay!
Xuân có về chăng,
hay trong ta sức sống dậy!
Chiếc lá vàng hôm qua,
nay trở thành màu xanh biếc,
và trong
cội thông già
còn mãi một đóa hoa!
Mồng Một Tết Canh Thìn (2000)
BƯỚC CHÂN
Mỗi bước chân
là mỗi đóa hoa
đa tình –
rạng rỡ
xuất hiện
sáng nay.
Không khơi vơi
như sóng ngàn,
không rộn ràng
như những cánh bướm
trời xuân.
Lắng yên và soi sáng
như mặt trời tâm linh
ngàn đời tỏ rạng.
Không gian
tuy vô biên,
nhưng đã hiện hữu
trong mỗi bước chân nầy.
Và thời gian
tuy vô cùng,
nhưng đã cùng với
những đóa hoa,
nở ra trong từng bước chân
thảnh thơi sáng nay.
CUỒNG LŨ
Nỗi đau
cuồng lũ đi về,
gió mưa chìm ngập
cả quê hương rồi.
Rác rều
theo lũ cuốn trôi,
kiến sâu theo lũ
luân hồi về đâu!
Đất trời
một thoáng giận nhau,
núi nghiêng, nguồn vỡ
làm đau dân mình.
Ai ngồi
trên nước lênh đênh,
hỏi trời đất có
giận mình chi không?
THƯƠNG ANH CẢ
Cuối đường
ôm bóng tà huy,
hỏi ai ngồi chép
sử thi cách nào?
Áo em
lành giữa chiêm bao,
quần anh rách trụi
xanh xao mặt mày.
Thưa rằng,
ai tỉnh, ai say
quần trơ, áo trụi
phơi bày kiểu chi!
Một đời
anh cả còn gì,
còn chiêm bao
giữa
tà huy rối bời!
CHIẾC LÁ
Ồ, lá vàng
ngày qua xanh,
ngày mai xanh,
cả trời xuân
tròn đầy
trong cuống lá!
THONG DONG
Hoàng hôn
ta trở về nguồn,
sáng mai thức dậy
tâm hồn mới tinh.
Dẫu rêu xanh
cũng có tình,
dẫu là hạt cát
cũng kinh không lời.
Bốn mùa
mây bạc thảnh thơi,
thong dong nào bận
chi đời Có – Không!
XUÂN BẼN LẼN
Suốt mấy mùa đông lạnh
Ta nằm nghe gió reo,
và ngắm trăng đỉnh núi
mây ngăn phủ lưng đèo.
Mây chỉ ngăn phủ thôi,
can chi mà buồn nhỉ!
Mai kia mây theo gió,
làm hạt nắng biển khơi!
Hạ thu nắng gió đùa
ru êm hoa dại ngủ,
ngủ đi mùa đông lạnh
đừng trở giấc chiêm bao!
Cửa thiền “sáu cánh khép”
xuân về, xuân gõ cửa,
tưởng rằng, ta ngủ quên,
ta cười, xuân bẽn lẽn!
Moàng Moät – Xuaân Taân Tî (2001)
HỮNG HỜ
Sáng nay
cành hoa nở
chim dậy
rộn hót ca,
cả hai
đều thân thiện
nhưng,
thật đã hững hờ.
KHÔNG MỘT CÕI
Sương ơi,
em không tan
trần gian
đầy lạnh buốt,
chim bỏ ngõ
lời ca
và ta
không
một cõi trời về!
THƯA RẰNG
Ai chưa có
cứ đi tìm,
cho đôi mắt ướt
cả nghìn trùng dương!
Thưa rằng:
trong một hạt sương,
mênh mông suối ngọc
chơn thường biết không?
CÕI DẠI KHỜ
Bước chân
vào cõi dại khờ,
yêu đương phía trước
bụi mờ phía sau.
Kể từ
khi biết mặt nhau,
kể từ khi ấy
nỗi đau thêm nhiều,...
Trăm năm
nào có bao nhiêu,
sao không yêu với
tình yêu đại từ!...
VỀ
Tìm Phật
chính tìm tâm,
tâm yên
Phật hiện về.
Mắt trong
ngời nhật nguyệt,
tình đẹp
vạn trời quê.
HỒN XUÂN
Từ Đông,
xuân lại đi về,
nắng phơi cổ lục
ấm quê hương này.
Chim thôi
hót điệu lưu đày,
hoa thôi hờn dỗi
những ngày lạnh sương.
Núi thôi
mòn mỏi xa thương,
nước không còn bỏ
cội nguồn đi rong.
Quê tâm
vời vợi nắng hồng,
hồn Xuân còn mãi
giữa lòng thế gian.
Xuân Nhâm Ngọ – 2002.
THẦY VỀ
Kính dâng Giác Linh
Cố Hòa Thượng
Thích Đức Nhuận Nguyên Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống GHPGVNTN Viên tịch ngày
19/12/Tân Tỵ (2002).
Từ vô biên cõi đi về,
hóa thân Vương tượng
Thầy nghe biển gào.
Thấy ngàn con sóng lao xao
hỏi trong biển nước
có bao nhiêu tình!
Nước theo
vận gió lênh đênh
Thầy theo hạnh nguyện
vân trình về ngôi.
Vẫy tay
chào cõi luân hồi,
thả gương đạo hạnh
giữa trời trăng sao.
NGHE
Người nói
mình nghe;
mình nói
người nghe.
Vũ trụ
bốn mùa,
đều là hoa nở!
Vũ trụ
bốn mùa
đều có hơi thở
bình an.
LỜI MẸ RU
Đục trong
đời có đôi dòng,
thanh hương của mẹ
từ lòng đất ra.
Mẹ yêu
vượt mấy thiên hà,
Mẹ yêu vượt cả
hằng sa mạch nguồn.
Mẹ yêu
thấm mát càn khôn,
mát đời con giữa
sóng cồn bể dâu.
Mẹ yêu
bắc một nhịp cầu
đưa con vượt khỏi
nỗi sầu thế gian.
Mẹ ru
tình ngập nắng vàng,
Mẹ ru tình ngập
ba ngàn đại thiên.
À ơi,
tình sạch ưu phiền,
bình yên từ cõi
chân nguyên vọng về...
À ơi, ơi à, à ơi...
TÌNH ĐẠO SĨ
I
Mặt trời lên
sương tan hòa trong lá,
nuôi màu xanh
cây cỏ đẹp cho đời;
Tình đạo sĩ có,
không nào biết,
mắt đăm chiêu
sâu hút vạn trùng khơi!
Hoàng hôn xuống
sóng cồn đùa cát trắng,
kiếp dã tràng
theo sóng bạc về mô…
giọt nước mặn
cũng ấm lòng lữ thứ,
ấm lòng khách
thương hải giữa tang hồ!
Tình đạo sĩ
như trăng ngời vô tận
giữa vô cùng
soi dẫn bước chân ai…
như non xanh
đứng ngàn đời vững chãi,
dẫu biết rằng,
mây theo gió ham chơi!
Tình đạo sĩ
không như tình viễn xứ,
không như tình
lưu ảnh giữa cố hương;
tình lồng lộng
như hư không ngời sáng,
giữa vô cùng
và mãi mãi vô chung…
II
Tình đạo sĩ,
ôi cuộc tình hoằng vĩ!
lên non cao
không vướng bận kiêu kỳ;
xuống thác ghềnh
không lênh đênh theo thác;
Sống thênh thang
giữa gió nội trăng ngàn!
Không kiêu bạc
giữa muôn lời xưng tụng,
không tủi hờn
giữa phụ bạc phù vân;
nhìn biển nghiệp
mỉm cười trong tỉnh lự,
đời an nhiên
trong từng mỗi bước chân!
Bình minh dậy,
thở cười nghe chim hót,
và nhìn sương
trong cỏ biếc lung linh;
dù gánh cả
càn khôn vai vẫn nhẹ,
nhẹ tâm mình,
hơi thở hóa thành kinh!
Chừ,
Tịnh độ không đi mà vẫn đến,
cõi hồng trần
cát đá hóa lưu ly;
từng hạt nắng
thấm vào từng cỏ dại
giữa muôn trùng
giun dế hát Từ bi…!
III
Tình đạo sĩ,
ôi cuộc tình kỳ lạ;
một trái tim
dung hóa vạn mặt trời;
một trái tim
máu lưu chuyển ngàn nơi,
dù địa ngục
hay Niết bàn tịch lạc!
Tình đạo sĩ
là tình yêu siêu bạt…
giữa mênh mông
vằng vặc ánh trăng xưa,
đưa ai đi
giữa tháng ngày dông bão,
dìu ai về
giữa trăm thắng ngàn thua!
Trong bão lửa
tình hóa thành sen trắng;
giữa hồng trần
tình hóa nắng tinh khôi,
tình không phải
là cuộc tình chờ đợi,
Tình sáng tinh
khi mới có luân hồi!
Tình đưa ai
ức kiếp trở về ngôi,
cho hoa cỏ
cũng biết cười dung thứ,
và Thượng đế
cũng biết lời khiêm ngữ,