Chút ảo trong đời thường....



Những ngày cuối thu, trời mưa nhiều hơn nắng nên tâm tình con người cũng ủ ê theo... Nhìn những hàng cây bắt đầu trụi lá kèm theo cái lạnh len lén chen về, nỗi buồn vẩn vơ dâng nơi lòng Ngọc để rồi lan man so sánh khi nghĩ đến đời người lúc tuổi xế chiều cũng tương tự như nhau, cô đơn và yếu đuối; lòng chợt chùng xuống...
 
Ngọc rời Việt Nam năm 20 tuổi. Sau ngay 30.4, vì gia đình bị liệt vào hàng tư sản nên Ngọc không được tuyển nhận vào đại học. Hai năm lang thang buôn ngược bán xuôi cùng chị Cả, thấy tương lai không sáng sủa, Ngọc nghĩ đến chuyện vượt biên. Nhà có mấy đứa con gái nhát như cáy nên không ai chịu ra đi cùng nhưng vốn bản tánh rất lì, Ngọc nhất quyết tìm đường trốn. Ba mẹ còn ít vốn liếng, Ngọc xin mẹ vài lượng vàng góp cho nhỏ bạn thân, cha làm chủ thuyền tổ chức vượt biên. May mắn, nhóm của Ngọc đến được bến bờ tự do bình an. Ngọc không có thân nhân ở nước ngoài và trong lúc ở trại tị nạn Ngọc hăng hái làm thiện nguyện nên quen biết nhiều các hội đoàn bởi vậy kiếm được một tổ chức nhà thờ bảo lãnh qua Canada. Ngọc lập gia đình với Thành. Anh cũng tứ cố vô thân ở xứ người. Ngày cuối tháng tư, lúc đơn vị anh tan hàng, thành phố hổn loạn, không kịp trở về nhà nên bị xô đẩy theo dòng người ra đến bến sông rồi không biết phép lạ nào đã giúp anh leo lên được chiếc tàu khổng lồ, theo dòng đời tỵ nạn. Vợ chồng Ngọc cùng hai con định cư ở xứ lạnh này, không bà con quyến thuộc, lấy láng giềng đồng hương làm người thân thích... Cha mẹ còn ở quê nhà dầu gì cũng có các anh chị vây quanh.


Hôm nay trong thành phố, có trận đánh Hockey sơ kết khá hấp dẫn giữa đội MontrealBoston, mấy cha con đã giữ vé từ ba tuần trước. Ngọc được ở nhà một mình, thư thả. Trong gia đình Ngọc, dương thịnh âm suy, hai ông con trai theo Ba, thích đi câu cá, thích bóng đá, rồi Hockey…Ngọc thỉnh thoảng tháp tùng cả nhà đi câu, nhưng cũng không hăng hái lắm, vì mỗi khi thấy cá cắn câu, dảy đành đạch, chồng và con reo hò vui sướng, thì miệng Ngọc niệm A Di Đà cầu cho linh hồn cá siêu thoát. Đã vậy, về nhà còn phải lóc vảy lột da làm gỏi cho chồng nhậu…Ngọc không hẳn ăn chay trường, phần nhiều thích rau cải, nhưng đâu thể nào bắt buộc những người trong nhà ăn rau theo mình, nên vẫn phải nấu nướng thịt thà liên miên. Còn về thể thao, thấy con cái chơi Hockey ở trường, chúng nó thích đi xem các trận đấu trực tiếp, nên Ngọc chìu, chi tiền cho con đi, chứ mua vé cho bốn người thì túi tiền của Ngọc bị cưa hết hai trăm bạc dễ dàng . Ngọc năn nỉ chồng cho ở nhà, đỡ tốn tiền, mà còn được nghỉ ngơi...
Sực nhớ lâu lắm rồi không ghé thăm bác Hai ở viện dưỡng lão, dạo này, không biết bác ra sao, Ngọc thầm hỏi; không hiểu bác có còn lúc nhớ lúc quên hay chăng?

Mấy ngày nay chưa đi chợ, trái cây không còn gì ngoài mấy quả chuối. Ngọc mở tủ lạnh , thấy còn vài cái bánh bột lọc, và bánh bao mới làm hôm qua, thế là có quà cho bác rồi.Thực ra người già ăn uống không bao nhiêu, Ngọc mang mỗi thứ một chút, đủ cho bác ăn lúc có Ngọc, dư thì đem về. Vì lần trước, y tá đã nhắc chừng người nhà rằng bác hay để thức ăn cũ qua đêm rồi mang ra ăn tiếp. Chắc cũng vì lớn tuổi, trí óc lãng đãng nữa rồi…Nhưng bao tử bác còn tốt thật, chưa bao giờ bị trúng thực từ ngày vào bệnh viện. Ngọc quơ thêm bao chips của sấp nhỏ, thứ này bác có thể cất ăn lai rai…
Rồi Ngọc lấy xe buýt đi thăm bác.

Coi vậy chứ Ngọc khoái ngồi nghe bác kể chuyện... Chuyện bác kể lung tung trên trời dưới đất. Mỗi nhân viên trong viện, bác đều đặt cho một tên tiếng Việt... Lúc đầu chưa quen “xì tin” của bác, Ngọc cười lăn chiêng đổ đèn, nhưng riết rồi nắm vững được chi tiết của câu chuyện bác kể, Ngọc bắt đầu bị lôi cuốn, và cùng tham gia luôn... Bác hay kể một cuốn phim dài mà cốt truyện có Hoàng Thái Hậu và Thái tử, trong đó bác là Hoàng Thái Hậu, rồi có những nhân vật cung phi mỹ nữ, nịnh thần, thái giám…chắc hẳn ngày xưa Bác đọc truyện kiếm hiệp Kim Dung hơi nhiều… Trong đời sống thường nhật ở bệnh viện, bác cũng có một truyện dài nhiều tập, có chính quyền, có xã hội đen, có quân nhân, chiến sĩ… Nhiều lúc Ngọc nghĩ, Bác có quên chuyện gì đâu…chẳng qua những chi tiết đó có thể đã xảy đến trong đời sống bác rồi bị đảo lộn, nên không còn sắp xếp thứ tự… trở thành như chuyện đùa…
Lâu lâu không thăm bác thì lại thấy nhớ...

Ngọc quen bác lúc bác còn rất khỏe, từ thuở bác có một tiệm tạp hóa ở gần góc phố nhà Ngọc. Thuở đó, Ngọc mới chân ướt chân ráo theo chồng dọn về vùng này. Đi lòng vòng quanh xóm cho biết đời sống ở đây ra làm sao. Ngọc ghé vô tiệm mua vài chai bia và bao thuốc lá cho ông xã, thì thấy một bà người Á đông đang lúi húi khiêng từng két bia chất chồng lên nhau ở cuối phòng...tự dưng mừng trong bụng, hy vọng gặp được một đồng hương ở xứ lạ quê người...Ngọc đi đến gần, muốn hỏi thăm có phải ...chợt giựt mình vì giọng bắc kỳ đặc sệt nổi lên,
- Này, cái thằng Bôn đó, không cho ký sổ nợ nữa nhé!
Từ quầy két có tiếng vọng lại.
- U nói với nó đi...
A, vậy là người mình đây rồi, tha phương ngộ đồng hương! Không mừng sao được! Nhưng cũng vừa chợt nhận ra, hình như cái người đàn bà này không ...hiền lắm...nên thôi.
Ngọc líu ríu đến lấy mấy chai bia trong tủ lạnh rồi đem ra quầy trả tiền...
Cô con gái chừng mười sáu tuổi, mặt mày mủm mĩm, tính tiền cho Ngọc, không nhếch được một nụ cười, cũng chả thốt một tiếng nào. Ngọc ra về mà lòng hơi buồn vì không có cơ hội chào hỏi một đồng hương..
Tối, lúc ăn cơm, Ngọc kể chuyện cho chồng nghe, không quên phê bình về hai mẹ con tiệm tạp hóa, mẹ có vẻ ‘nặc nô’, con gái thì ‘mặt lạnh như nước đá’, ông xã cười cười...
- Vậy sao?, để đó cho anh, từ từ...già, trẻ .... anh trị tuốt !
Ngọc háy chồng...
- Anh lúc nào cũng nói chuyện nghe phát ghét...
Thành người nam, hồi còn trẻ đi lính nhảy dù.
Lúc theo tán tỉnh Ngọc thì làm ra vẻ hiền ơi là hiền, đến khi cưới vợ rồi mới lòi ra biết bao nhiêu là tật ba gai…dễ thương…mà cái lối nói trịch thượng, khôi hài là một trong những điều thường làm Ngọc cười muốn té ghế…Từ khi bắt được liên lạc với một người bạn cũ trong quân ngũ, ở cùng thành phố, Thành thường họp mặt với nhóm bạn cựu quân nhân cuối tuần, đi câu, ăn nhậu và ngồi lại đấu láo, nhắc nhở những ngày tháng oai hùng xưa…Chỉ có những lúc đó, Ngọc thấy chồng tươi vui và hạnh phúc…

Và rồi lui tới mua bán riết, nói chuyện với bác Hai nhiều lần, Ngọc thấy bà dễ thương và mộc mạc gì đâu...Hỏi thăm có một câu, bác qua đây lâu chưa, thì bác kể tuốt tuột cả gia phả dòng họ ra, đi vượt biên làm sao, chồng con tử tế thế nào...vì thế, mặc dù Ngọc không muốn nhiều chuyện mà cũng mặc nhiên trở thành người biết quá nhiều chuyện nhà bác...
Hóa ra Bác trai di cư qua đây, đem theo hai bà vợ, đã sống chung dưới một mái nhà lúc còn ở Thanh Hóa. Thuở nhà cầm quyền miền bắc cho những người Việt gốc Tàu trở về nước, bác móc nối với một chủ ghe, tổ chức vượt biên luôn... Bác có tiền mang theo nên mua bán làm ăn dễ dàng. Một bà, bác cho tiệm tạp hóa, bà kia, mở quán cơm… Bác trai tính toán hết công chuyện, nhưng bác gái là người trải thây làm lụng nuôi gia đình...Mà thấy bác làm trong sung sướng... Thôi, cũng là một hạnh phúc trong cuộc đời bác rồi, được làm việc.... Bác trai tính toán thiệt là hay. Cứ thế mà hai bà tiếp tục phục vụ và làm máy hái ra tiền cho Bác trai xài…
Chung quanh đây cũng không có người Việt nhiều, muốn mua đồ ăn Việt Nam thì phải ra tới phố Tàu. Nhân một hôm hai bác cháu nói về các món ăn hương vị quê nhà, Ngọc gợi ý với bác,
- Bác nè, đã có sẳn tiệm tùng như vầy, sao bác không mua thêm hàng Á đông về bán?
- Ở đây mà bán được cho ai cô? Khách mình toàn Mỹ với Tây, chúng nó chỉ biết hót đót, hem gơ thôi cô à, với lại bia...ối giời, nội bia thôi, đủ sống, vô ba thứ kia, sợ đọng hàng, còn hao tiền đó cô ơi.
Công nhận, dòm bác quê mùa thế mà óc kinh doanh dễ nể…
Ngọc cố vớt vát,
- Chưa thử sao biết được bác? Cháu thấy đồ ăn buffet tàu cũng được dân bản xứ chiếu cố lắm đó.
- Thì thế, chính búp phê rẻ rề nên họ ra tiệm ăn, cần gì bày vẻ học nấu nữa…
- Nhưng mấy đồ khô như bún, phở hay trái cây đóng hộp, để lâu không hư, bác vừa bán vừa…dùng khi cần cũng được chứ bác, rồi có cháu là khách hàng nữa nè…
Túng quá, phải nói ra là mình muốn cho rồi. Vậy mà vài tuần sau đó, Ngọc thấy tiệm bác có thêm một góc hàng thực phẩm Á châu. Mới thấy, bác là người rất thức thời, cứ thử buôn bán; được thì tốt, không được thì cũng cho vào bụng chứ có mất mát gì đâu.
Có thế mà Ngọc thấy cửa hàng của bác càng ngày càng thịnh vượng hơn ngày đầu Ngọc đến đây.
Thật ra mấy cái tiệm chạp phô ở mỗi góc đường như vậy, lợi tức kiếm được là từ những dân bản xứ, ăn tiền an ninh xã hội của chính phủ, suốt ngày cứ lai rai bia rượu nhậu nhẹt, ký sổ nợ mút mùa...Nợ, nhưng cũng có trả dần dần...Đầu tháng đem cái ngân phiếu chính phủ phát, đổi lấy tiền mặt tại tiệm tạp hóa ...chủ trừ nợ xong đưa tiền còn lại cho khách...nhiều khi thấy con cái nheo nhóc, chủ lại động lòng, cho trả một ít thôi...để nợ tiếp...
Mà thật là chứng nào vẫn tật đó…Đất nước này quá giàu có hơn quê hương mình nên dân tình lười biếng không chịu làm lụng. Chưa đói đã được nuôi cơm, hệ thống an ninh xã hội bao bọc kín mít người dân nên có thấy ai chết đói đâu…Không muốn đi làm thì khai ra một chứng bịnh gì đó, chính phủ nhiều khi nuôi suốt đời, khỏi lao động kiếm cơm…Cũng bởi vì thế mà những người như vợ chồng Ngọc sang đây chịu khó lao động tốt, chả mấy chốc mua nhà sắm cửa.
Nói chung Ngọc thấy kiểu buôn bán này nó dây dưa rắc rối sao đâu. Nhưng dẫu lượm bạc cắc của các dân nhậu mà tiệm vẫn sống ù ù…Và tất cả cũng nhờ vào sức lao động của Bác Hai và ba người con. Chồng bác thì chẳng mấy khi có mặt. Khi các con học hành ra trường, bác thấy không còn lý do gì để giữ căn tiệm nữa nên mới bán đi...Dần dần con cái bắt đầu lập gia đình, có đứa dọn đi xa, đứa thì tuy ở gần nhưng chật vật và bận rộn. Cô con gái vẫn giữ liên lạc với Ngọc. Hai năm nay sức khỏe bác Hai kém dần, bác đành vô viện dưỡng lão. Cô út đến báo tin rồi nhờ Ngọc thỉnh thoảng lại thăm bác dùm...
Ngọc chứng kiến thời gian đi qua đời bác mà bùi ngùi...Bác Hai không còn nhanh nhẹn và tinh anh như xưa.
Hình như căn bệnh đãng trí của người già đang lấn dần vào đời sống của bác. Chỉ có những lúc gặp lại Ngọc, bác như còn nhớ lại chút đỉnh chuyện những ngày làm ở tiệm tạp hóa...

Không có song thân ở gần, thành ra mỗi lần Ngọc đi thăm bác, Ngọc lại thấy lòng vui vui và an ủi, giống như về thăm mẹ vậy...


Bước ra khỏi thang máy, lầu sáu hôm nay đông đảo người, số bệnh nhân gần bốn chục mạng trên tầng lầu đều tụ họp ngoài đại sảnh. Người thì nằm trên ghế dựa, kẻ ngồi xe lăn, vài cụ còn đi được với walker có bánh xe. Hôm nay là giờ thể dục, trên màn ảnh truyền hình đang phát một chương trình work out với hai cô cậu trẻ tuổi, nhảy tưng tưng với điệu nhạc dồn dập, Ngọc thấy thật tức cười quá...Tuy nhiên, hình như các cụ có nhìn màn ảnh cũng chẳng thấy gì, mà có tập thể dục thì cũng là những nhân viên dìu họ đi qua đi về trong hành lang...Còn mấy cụ ngồi xe lăn thì nhìn ngơ ngác đâu đâu. Gần cửa sổ, Ngọc bắt gặp bác Hai đang tựa bàn nhìn xuống đường... Hai bác cháu dẫn nhau về phòng. Ngọc lôi mấy thứ đồ ăn lình kỉnh ra, đem đi hâm nóng. Ăn đồ bệnh viện hoài, hôm nay bác có bánh bao, bánh bột lọt chắc là ngon miệng. Ngọc bắt đầu hỏi chuyện Bác
- Bác Hai ơi, sao?
Dạo này 'con Loan 'có còn kiếm chuyện với bác không?

Bác lắc đầu :
- Không, nó dễ thương hơn hồi trước...tại vì nó có tình cô ạ...
- Sao bác biết?
- Thì thằng Răng đó, tối nào tôi cũng thấy tụi nó rù rì với nhau...
'Thằng Răng’ là ông y tá tên Jean mà Ngọc đã có dịp nói chuyện một vài lần. Ông Jean tánh tình vui vẻ, các cụ bà nào cũng được ông gọi là má mì hết. Có lúc bác Hai kể cho Ngọc nghe ông Răng này là con trai trưởng của bác hóa thân, đến đây lo săn sóc cho bác…Nghe tới đây, Ngọc tròn mắt không hiểu gì trơn. Khi hỏi thêm thì bác kể ra một cốt chuyện rất rành mạch, rằng là ngày xưa, bác có sanh đứa con trai đầu lòng. Khi gần bốn tuổi thì không may qua đời. Lúc đó trên đường tản cư nên phải chôn cất trên một gò đất tại làng bên cạnh, đến lúc tình hình yên ổn, hai bác trở về dời mộ con, thì gò đất biến đâu mất không tìm ra. Bác vẫn thường nghĩ đến đứa con bạc phước đó không nguôi…Nay Trời có mắt nên cho Răng hiện trở về để lo cho bác. Chắc là có thánh thần cứu sống con bác vì thế mà bác không tìm ra lại ngôi mộ lúc đó…
Ngọc hỏi bác có phải đúng ông Răng không, sao không phải là ông Hùng, cũng là người hay săn sóc bác kìa...

- Này nhé, thằng Mỹ con tôi có nốt ruồi ở cuối chân mày, thằng Răng cũng có…thêm đôi mắt to, cái mũi thẳng mà dài…
Trời ui, ông Tây ông Mỹ nào mà chẳng có mũi thẳng, mắt to…Nhờ cái nốt ruồi, bác Hai chắc mẩm thằng Răng là con mình…thôi thì cũng tốt…cho bác có thêm một niềm vui…Thế là từ đó, Ngọc cứ chấp nhận ‘thằng Răng’ là con cả của bác Hai cho vừa lòng bác.
- 'Con Loan' cặp với 'Thằng Răng' à? Không phải nó có chồng sao?
- Bởi vậy mới nói, buổi tối chúng nó bắt mọi người lên giường sớm, để tụi nó tự do bậy bạ, không ai thấy ấy mà…
- Trời! vậy làm sao bác thấy được?
- Thì tôi hé cửa, nhìn ra…
- Bác ới ời…nhìn lén người ta là xấu lắm đó!
Bác cười híp cả mắt,
- Vì nó phải lòng thằng Răng nên nó mới tử tế với tôi đó…con này ghê lắm nhé, biết cả tôi là mẹ thằng Răng nữa..
Ngọc chào thua bác luôn. Và cũng bái phục trí tưởng tượng của Bác Hai.
‘Con Loan’ là cô Johanne, làm ở phòng giặt áo quần, hay bị bác phàn nàn là không dễ thương với bác. Bà cụ cứ bị ám ảnh áo quần bị mất cắp nên ngày nào cũng đi kiếm cô để đòi. Rồi vì người nói gà, kẻ nói vịt không hiểu nhau nên bác thường kể với Ngọc cô ấy hay làm khó dễ bác là vậy…cô Johanne thì không bao giờ phải làm việc ban đêm, mà bác cứ quanh quẩn với ba mớ áo quần giặt rồi mới tưởng tượng ra nhiều chuyện hơn…mà phần lớn là chuyện ái tình nam nữ...và có lẽ bác có nhớ chút gì đó về bác trai không chừng...
Cứ vậy mà mỗi lần ghé thăm bác, Ngọc nghe những mẫu chuyện chẳng đâu vào đâu. Ngọc chẳng lấy làm khó chịu cho lắm. Các con của bác thì khác, họ phiền vô cùng vì sợ người chung quanh hiểu ra những câu chuyện bác thêu dệt rồi thấy mẹ của mình như…đang điên…
Trong viện dưỡng lão này chẳng có ai là người Việt Nam để cho bác hàn huyên. Tiếng tây tiếng u thì bác không biết, nên sống một mình với thế giới bác tự vẽ ra. Nhiều khi Ngọc nghĩ tại sao các anh chị con của bác không xin cho bác về một nhà già nào đó gần gủi với cộng đồng Việt Nam thì chắc bác sẽ sống vui với những đồng hương và biết đâu bác cũng có thể sẽ bớt lẫn hơn?
Nhưng nghĩ vậy thôi, chứ mỗi hoàn cảnh đều có lý do riêng của nó, mình không thể hiểu hết được. Ngọc chỉ tiếp tục đem lại niềm vui cho bác mỗi lần đến chơi, như vầy là cả bác lẩn Ngọc đều lợi lạc…Cái đó, Ngọc thường hay ba hoa với bạn bè, ‘ta đi làm công quả !

Ngọc có được một ngày vui.

Áo Vàng

Nguon: dactrung.net

Chia sẻ: facebooktwittergoogle