Cách đây ít lâu, một buổi chiều mưa
rào rạt, tầm tã hàng thông trước ngõ, tôi đã bất ngờ nghe thấy trong tiếng mưa
rơi, bài pháp Tứ Diệu Đế ân cần lồng trong thơ nhạc. Lời thơ của một người trẻ làm thơ Nguyễn Tất Nhiên, chuyển thành
nhạc là người già viết nhạc Phạm Duy.
Cả thơ và nhạc đã chắp cánh bay từ
nhiều thập niên, trên quê hương, rồi hải ngoại. Thành phố nào, đồi núi nào, đồng
cỏ nào mà chưa từng một lần nghe thấy âm thanh trầm bổng của:
“Thà như giọt mưa, vỡ trên tượng
đá
Thà như giọt mưa, khô trên tượng đá
Thà như mưa gió, đến ôm tượng đá
Có còn hơn không
Có còn hơn không …”
Tôi không chỉ từng nghe mà còn từng
hát không biết bao lần, nhưng chỉ đến chiều mưa đó, do cơ duyên nào khai tâm,
tôi mới thấy hiển lộ trong hồn thơ ấy, bài pháp Tứ Diệu Đế,
theo đúng tuần tự:
Sự có mặt của
khổ đau
Sự có mặt của những nguyên nhân của khổ đau
Chấm dứt sự khổ đau
Con đường dẫn tới sự chấm dứt khổ đau.
Hôm nay, trời không
mưa nhưng đang gió lớn. Gió làm rụng những lá đã khô từ mùa đông,
làm ngả rạp những chậu cây kiểng nhỏ ven bờ tường, làm bầy chim sẻ hãi sợ, núp
cả vào bụi trúc rậm cuối vườn. Trong tiếng gió bay nghiêng ngả không gian,
tôi lại vừa nghe thấy những giọt mưa chiều nào lồng lộng trong đó.
Tiếng gió rít không hề làm vẩn đục âm thanh. Tôi nghe rất rõ:
“Thà như giọt mưa, vỡ trên tượng
đá
Thà như giọt mưa, khô trên tượng đá
Thà như mưa gió, đến ôm tượng đá
Có còn hơn không
Có còn hơn không … “
Nhưng rồi âm thanh đó nhỏ dần, nhỏ
dần, chỉ còn lại “Có còn hơn không … Có còn hơn không …”
Đang ngồi trên ghế, tôi tụt xuống bồ
đoàn, khoanh chân kiết già, hai bàn tay đặt lên nhau,
đầu hơi cúi và khép hờ đôi mắt ….
Bất cứ ai trong đời-thường, nếu thốt
lên câu “Có còn hơn không!” thì nhiều phần để bộc lộ sự an phận, sự cam tâm, sự
chấp nhận điều mình không hài lòng lắm. “Tôi muốn thế này, tôi muốn thế
kia, nhưng không được. Ừ, không được thế thì thôi! Bây nhiêu cũng tạm! thế này cũng đủ! Có còn hơn không!”
Nhưng Nguyễn Tất Nhiên, tác giả bài
thơ “Thà như giọt mưa” có lẽ đã không tự an ủi mình như
thế khi viết câu “Có còn hơn không”.
Ngọn đông phong
đang cuốn sạch bụi trần chiều nay cho tôi thấy như thế.
Vì, người ấy ghé
ta-bà, đến không hẹn, đi không chờ.
Người ấy đến bằng
đôi cánh thi ca, hồn nhiên cất tiếng thơ tặng đời. Người ấy đi, không trên tử lộ của thường
tình nhân thế, không làm phiền lụy ai xung quanh mà một mình thầm lặng tìm đến
cửa Phật, vẫn tiếp tục làm thơ cho đến khi trăng lên, thơ đưa người về với Phật
mà nhân thế chẳng ai hay!
Một người Đến và Đi như thế, khi thốt
lên “Có còn hơn không” thì không phải cái Có, Không của cõi ta-bà, mà cái CÓ đó
phải là CÁI CÓ CỦA NÚI TU DI TRONG HẠT CẢI, CÁI CÓ CỦA ĐẠI DƯƠNG NẰM TRONG VỎ
ỐC.
Cái CÓ đã như thế
thì cái KHÔNG phải là TỰ TÁNH KHÔNG CỦA VẠN PHÁP.
Tự tánh đó chính là “KHÔNG có KHÔNG không, KHÔNG sanh KHÔNG diệt, KHÔNG thành
KHÔNG hoại”.
Không CÓ cũng không KHÔNG mới có thể
thanh thản hành hương đến sân chùa, làm thơ, ngắm trăng rồi an nhiên ra đi, hai
tay còn ôm những trang KINH NGỌC nơi lồng ngực.
Khi sóng biết mình
là nước thì sóng sẽ vượt thoát khỏi sanh tử luân hồi.
Những người vượt thoát sanh tử luân
hồi mới có thể an nhiên khi thị tịch.
Trong am tranh trên núi Vân Cư, đại
lão Hòa Thượng Hư Vân khi ấy một trăm hai mươi tuổi, đã ân cần để di ngôn lại cho
những đệ tử hầu cận, chỉ bằng một chữ “GIỚI”, rồi khoác tay bảo họ lui ra. Nhưng các đệ tử nóng lòng nên khoảng nửa tiếng sau bèn rón rén bước
vào thì thấy Sư-phụ mình đã thanh thản nằm thế kiết già mà thị tịch.
Hình ảnh hai vị thiền-sư Vũ Khắc
Minh, pháp danh Đạo Châu và Vũ Khắc Trường, pháp danh Đạo Tâm, thế kỷ thứ 17, đã
thị tịch trong tư thế nhập thiền, tại chùa Đậu, tỉnh Hà Tây mà mấy trăm năm sau,
xá lợi toàn thân còn nguyên vẹn, là sự mầu nhiệm chẳng thể nghĩ bàn.
Gần hơn là Thích Trí Thuyên, vị giảng
sư trí tuệ sáng ngời trên các bục giảng Phật-học-đường miền Trung vào những thập
niên 30-40. Khi đó, dân tộc Việt
Nam
đang phải chịu thống khổ dưới ách đô hộ của người Pháp. Vào thời điểm cam
go nhất, rất nhiều chư
tăng ni đã phải hoàn tục để né tránh sự lùng bắt của kẻ cai trị vì chúng nghi
ngờ chùa chiền là nơi đào tạo trí thức, nuôi lòng yêu nước chống ngoại xâm.
Riêng Thầy Trí Thuyên đã tình nguyện một mình ở lại Tùng-Lâm-Tự, làm cột trụ
tinh thần cho dân chúng.
Khi quân Pháp súng đạn rầm rộ lên chùa, Thầy điềm nhiên nói bằng tiếng Pháp là
để Thầy tụng xong một thời kinh rồi bắn cũng không muộn. Lời Kinh Bát Nhã ngân
lên, vẫn an nhiên, thanh thản như trong bao thời công
phu sáng, chiều; và câu chú
“Yết Đế, Yết Đế, Ba La Yết Đế Ba La Tăng Yết Đế Bồ Đề Ta Bà Ha” chấm đứt
bằng loạt đạn chát chúa, Thầy nhận lãnh êm ả cũng như tiếng chuông mà thôi.
Không một pháp nào
từ KHÔNG thành CÓ.
Không một pháp nào từ CÓ thành KHÔNG.
Còn thấy Có, thấy Không là còn đang
oằn vai ngũ
trược, làm sao chiêm ngưỡng Tổ Đạt Ma cưỡi bè lau về Thiên Trúc hay qua sông
bằng chiếc dép cỏ mà lòng chẳng chút hoài nghi?
Diệu Trân