Tiến trình đúng đắn tu học PHẬT PHÁP

tien trinh

I. Tín, giải, hành, chứng

Chúng ta đã hiểu được nền tảng để y cứ trong khi tu học Phật pháp và cương lĩnh thiết yếu cho việc hành trì. Tiếp theo sẽ đề cập đến phương pháp hay nhất trong tiến trình tu học. Chữ thiện xảo là chỉ cho phương pháp tối ưu, nếu chúng ta không biết rõ điều nầy, thì người chân chính học Phật khó đạt được lợi ích lớn lao. Đại sư Thanh Lương khi giảng Kinh Hoa Nghiêm, nói rằng sự tu học Phật pháp có thể phân thành bốn giai đoạn, đó là: tín, giải, hành, chứng.

 

Thứ nhất là tin. Khi chúng ta đã tin có nghĩa là mọi nhân duyên đã chín muồi. Nên nói: ‘Phật không độ được chúng sinh chưa đủ duyên.’

Duyên là gì? Là niềm tin. Ngay cả Đức Phật cũng không độ được người chưa thành thục niềm tin,Tuy nhiên,, khi duyên đã chín muồi, thì phát sinh niềm tin, như vậy thì Đức Phật mới độ được họ. Các tôn giáo khác không giống với Phật giáo ở điểm khi họ có niềm tin là được cứu rỗi; trong khi đó niềm tin trong Phật giáo có nghĩa là tin vào sự lợi ích của đạo Phật và chọn một phương pháp để tu học.

Một khi đã có niềm tin, thì sau đó chúng ta phải thông hiểu (giải). Có nghĩa là thông hiểu về chân tướng của nhân sinh và vũ trụ. Chỉ sau khi nhận thức thông suốt về vấn đề nầy rồi ta mới bắt đầu tu tập có hiệu quả . Do vậy, thực hành tu đạo phải dựa trên nền tảng nhận thức thông đạt. Nếu không hiểu rõ nguyên tắc và phương pháp, làm sao ta thực hành được? Tu hành đúng đắn là dựa trên nền tảng của nguyên tắc và phương pháp chân chính. Mục tiêu tối hậu của tu tập là chân thực giác ngộ, là chân chính thọ dụng. Chứng là gì? Đó là ứng dụng những gì mình đã tin, đã hiểu, đã tu tập vào trong đời sống hằng ngày. Chẳng hạn, những gì chúng ta nghe giảng trong Kinh Vô lượng thọ chính là điều mà chúng ta chiêm nghiệm và hành trì. Những gì chúng ta chiêm nghiệm và hành trì hằng ngày chính là Kinh Vô lượng thọ. Kinh và hành trì hòa nhập thành một. Đó được gọi là chứng, là chân như. Đây là điều làm cho Phật pháp trở nên quý giá nhất.

Như vậy chúng ta phải biết tiến trình trong tu tập Phật pháp. Đó là tín, giải, hành, chứng. Khi nói về niềm tin, trước hết chúng ta phải biết tin vào chính mình. Đây là điểm làm cho Phật giáo không phải tôn giáo. Trong tôn giáo, điều quan trọng nhất là tin vào Thượng đế. Trong Phật pháp, tiêu chuẩn quan trọng nhất là tin vào chính mình, không phải là tin vào những gì bên ngoài mình. Chúng ta phải tin rằng mình có Phật tánh. Tin rằng mình vốn đã là Phật. Tin rằng thể tánh mình đồng như chư Phật. Tin rằng tâm tánh của mình đã bị ô nhiễm và khi đã chuyển hóa thành thanh tịnh rồi thì chân tánh sẽ được khôi phục.

Tuy nhiên, nếu chúng ta luôn luôn nghĩ rằng mình bị nghiệp chướng nặng nề, sợ rằng điều ấy sẽ làm cho mình tu tập khó thành tựu, thì chắc chắn chúng ta sẽ khó thành công. Sao vậy? Nếu chúng ta không tin rằng mình sẽ thành tựu, thì ngay cả chư Phật và Bồ-tát cũng không giúp được chúng ta. Chư Phật và Bồ-tát chỉ có thể giúp được những ai có ý thức tự cứu mình. Do vậy, điểm chính yếu là chúng ta phải tự tin nơi chính mình.

Lại nữa, chúng ta phải tin vào Phật pháp. Chúng ta đã nghe giảng rất nhiều nguyên tắc và phương pháp tu hành. Chắc chắn sẽ thành công nếu chúng ta áp dụng đúng vào tu hành. Sau tự tin vào chính mình là niềm tin vào Phật pháp. Đại sư Ngẫu Ích giảng rộng là tin vào sự. Sự do đâu mà có? Do mà có, là chân tâm thanh tịnh, là chân như bổn tánh. Tất cả các hiện tượng trong vũ trụ nầy đều sinh khởi từ chân tâm. Nó được liên hệ nhau bởi vòng nhân quả tuần hoàn vô tận. Nhân làm nên quả và rồi chính quả ấy lại trở thành nhân để sinh ra quả tiếp theo. Tiến trình nầy chu chuyển không ngừng. Phát triển niềm tin và hiểu biết về thực tại sẽ giúp cho sự tự tin của mình kiên định và sẽ giúp cho chúng ta thông đạt mọi điều trong pháp giới. Chỉ có cách nầy chúng ta mới thoát khỏi mê lầm chướng ngại trong bước đường tu tập và đạt được niềm vui và tiến bộ không ngừng.

Trong tiến trình tu học Phật pháp, điều quan trọng nhất là cần phải thân cận một vị minh sư, phải nhất nhất tuân thủ lời dạy và phương pháp hành trì do thầy đưa ra. Đây là con đường đúng đắn nhất để tu học Phật pháp từ xưa đến nay. Ban đầu cần phải học giới, tức là các oai nghi tế hạnh, quy cũ do thầy chế định trong năm năm, chứ chưa phải là Luật tạng trong Tam tạng kinh điển. Như vậy thì thầy mới biết được tường tận đệ tử mình sẽ thành tựu hoặc thất bại chỗ nào. Đây là đạo lý tôn sư trọng đạo. Tuy nhiên, đạo lý nầy ngày nay ít được tuân thủ vì thầy thì thiếu trách nhiệm và trò thì thiếu nhiệt tâm. Đạo lý giáo dục bị xuống cấp và đây là bi kịch của thời đại. Học trò ít tôn kính thầy, và thầy không còn thiết tha giúp cho học trò thành tựu.

Việc học giới 5 năm sẽ đạt kết quả mỹ mãn nếu đệ tử chỉ tuân theo lời chỉ dạy của một vị thầy. Điều đó sẽ đặt nền tảng vững chắc cho Ba môn học vô lậu giới, định, huệ. Hãy xem trong Thiền tông. Trong năm năm đầu, các thiền sư yêu cầu môn sinh phải làm những việc gì? Họ được giao cho một công việc làm đơn giản và yêu cầu phải nhiệt tâm với công việc hằng ngày ấy, tuyệt đối không thay đổi, không lơ là biếng trễ. Họ cũng được học kinh, đọc sách sau khi làm việc xong và không được phan duyên với những việc gì khác.

Sau một thời gian, có người cảm thấy chán nản, nghĩ rằng mình phải làm lụng vất vả trong 5 năm mà chẳng thành tựu được gì cả. Thực ra họ đã đạt được nhiều điều mà họ không nhận ra. Điều gì? Phiền não giảm trừ rất nhiều, định lực gia tăng vì  hạn chế không nghe và không thấy nhiều thứ. Nếu những hạn chế được tuân thủ nghiêm ngặt, thì môn sinh sẽ đạt được cả phước lẫn huệ. Phước là gì? Là do hằng ngày làm công quả trong chùa nên đã tu tập hạnh bố thí. Vì chư tăng ni không có tiền để bố thí, nên các vị phải làm lụng để tu tập hạnh bố thí ba-la-mật. Nhờ sự hạn chế việc thấy nghe nên sáu giác quan được thu nhiếp, tâm thanh tịnh và có được định. Đó gọi là huệ. Thế nên  qua đó vị thầy đã dạy đệ tử tu tập công đức và lập nền tảng tu học giới, định, huệ. Phương pháp có vẻ đơn giản nhưng rất hiệu quả. Sau 5 năm học giới, học các oai nghi tế hạnh, quy cũ do thầy chế định, sau đó nghe giảng kinh, thuyết pháp chừng một hai năm nữa thì môn sinh sẽ có được nhận thức tương đối vững chãi.

Trong tiểu sử của nhiều bậc cao tăng chứng ngộ, chúng ta thấy nhờ phương pháp nầy mà có ngài ngộ đạo chỉ sau từ ba đến năm năm. Ngày nay có người đã sống trong chùa từ ba mươi đến năm mươi năm, hoặc hết cả đời người mà vẫn chưa ngộ đạo. Họ đã đọc vô số kinh điển mà cũng vẫn chưa thấy đạo. Cùng lắm là họ nhớ được nhiều kiến thức Phật pháp nhưng không chuyển hóa được phiền não của chính mình và đạt được giác ngộ. Thế nên, chúng ta phải tìm cầu cho được minh sư và thiện tri thức để được hướng dẫn. Lời khuyên nầy ban đầu có thể sẽ làm nản chí. Nhưng sau giai đoạn sơ tâm, chúng ta sẽ có niềm tin và an lạc trên đường giải thoát.

Nhiều người trong chúng ta mắc phải sai lầm lớn lúc mới tu học là muốn học qua cho biết rất nhiều phương pháp. Các bậc cổ đức thường bắt đầu với lời nguyện thứ nhì trong Bốn lời nguyện lớn, ‘Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn’. Để đoạn trừ phiền não, chúng ta phải có được định lực và trí huệ. Lúc đó mới có thể ‘Pháp môn vô lượng thệ nguyện học’. Đây là tiến trình đúng đắn nhất cho mọi người tu. Sai lầm nhiều người mắc phải nhất là thích học rất nhiều nhưng không chuyển hóa được phiền não. Đại sư Thanh Lương gọi là ‘Có học mà không tu.’[1] Những người nầy tập trung vào sự hiểu biết mà không chịu tu tập. Họ không chịu đoạn trừ phiền não và làm cho thân tâm thanh tịnh. Kết quả là họ mắc phải tà tri tà kiến chứ không đạt được chánh tri chánh kiến.

II. Cùng lúc tu học giới, định, huệ

Bước đầu tiên học Phật là gì? Là tụng đọc một bộ kinh. Có cần hiểu ý nghĩa trong kinh ấy không? Không cần thiết lắm. Vì phiền não chưa chuyển hóa được, trí huệ chưa được đầy đủ, nên sẽ hiểu lệch lạc ý kinh, dẫn đến sai lầm. Thế sao chúng ta chỉ nên tụng đọc một bộ kinh? Vì nhờ đó mà Ba môn học vô lậu giới, định, huệ sẽ đồng thời thành tựu.

Tu tập giới luật thì cần phải “Không làm các việc ác, siêng làm các việc lành.” Tụng kinh giúp cho tâm ý chúng ta không bị vọng tưởng nên ngăn ngừa được những việc ác. Kinh điển là những lời lưu xuất từ chân như bổn tánh của chư Phật. Không có gì vượt qua được chỗ chí thiện trong các lời kinh nầy. Do vậy, tụng kinh chính là làm điều thiện và trong khi tụng kinh thì giới luật cũng được viên mãn.

Khi tụng kinh phải tập trung tâm ý. Nhờ tập trung mà ta có được định lực. Tụng từng chữ rõ ràng không bỏ sót đó là tu huệ. Do vậy tụng kinh chính là cùng một lúc tu tập Ba môn học vô lậu giới, định, huệ. Mọi cố gắng để hiểu ý kinh lúc đang tụng là xem kinh như sách vở thế gian. Điều ấy sẽ khiến cho việc tu tập Ba môn học vô lậu giới, định, huệ không có kết quả và đó không phải là chân thật tu hành. Đừng bao giờ xem thường việc tụng kinh, vì đó là nền tảng của tu tập. Tụng kinh một giờ là thành tựu một giờ, tụng kinh hai giờ là thành tựu hai giờ... Khỏi cần phải nói, tụng càng nhiều càng tốt.

Nhiều Phật tử cùng tu tập với tôi ở Đài Loan và Dallas, Hoa Kỳ đang tụng Kinh Vô lượng thọ 10 lần một ngày. Đến mức có người đã tụng kinh nầy hơn cả ngàn biến, nên họ đã thuộc lòng kinh, chỉ cần 30 đến 45 phút là tụng xong bộ kinh. Tụng 10 lần như vậy chỉ từ 5 đến 6 giờ để cùng lúc tu tập được cả giới, định, huệ. Khi dành nhiều thời gian để hành trì, không lâu tự nhiên chúng ta sẽ có được tâm an tịnh.

Kinh điển là lưu xuất từ bổn tánh chân như của chư Phật. Khi chúng ta đã phát huy được tâm thanh tịnh, thì sẽ hiểu được rõ ràng những gì ta đọc trong kinh. Đây là nguyên nhân vì sao nhiều người nói kinh khó hiểu. Khi tâm chúng ta chứa đầy vọng tưởng, làm sao tâm ấy tương ưng được với bản tâm thanh tịnh của chư Phật? Đây là lý do tại sao ta khó thâm nhập kinh Phật. Thế nên muốn tu học với một bậc thầy, thì chúng ta phải tin chắc rằng phương pháp thầy đưa ra là hoàn toàn chân thực và đúng đắn.

Chỉ nên chọn một bộ kinh để hành trì chứ đừng bị xao nhãng bởi những kinh khác. Nếu chọn Tịnh độ tông để tu thì nên tụng đọc và nghiên cứu Kinh Vô lượng thọ. Nếu tu theo Tông Thiên Thai thì nên tụng đọc và nghiên cứu Kinh Pháp Hoa. Nếu chọn tông Hoa Nghiêm để tu thì nên tụng đọc và nghiên cứu Kinh Hoa Nghiêm. Khi đã chọn một tông phái để tu rồi thì phải thực hành theo những nguyên tắc và thâm nhập vào kinh điển của tông ấy suốt năm năm. Nói cách khác là để đoạn trừ sạch mọi phiền não và thanh tịnh tâm ý. Đây là bước đầu tiên học Phật.

Thực tình mà nói, thời gian 5 năm tu học là đủ cho người thời xưa đạt được thanh tịnh tâm ý, vì tâm họ thời ấy ít bị ô nhiễm như chúng ta ngày nay. Trẻ em thời xưa còn giữ được tâm trong trắng thơ ngâyầmĩ cho đến khi lên 10 tuổi. Sau đó chúng mới biết sự khác nhau giữa đúng sai, giữa mình và người khác, nên bắt đầu có những  tính  tham lam, sân hận, tự cao. Còn trẻ em bây giờ tính tham lam, sân hận biểu lộ từ khi mới vài ba tuổi. Nó học những tính nầy từ đâu? Từ truyền hình. Những điều nầy xuất hiện trên truyền hình hằng ngày. Nên bản tánh tự nhiên của chúng bị ô nhiễm, không còn được niềm hạnh phúc trong trắng của tuổi thơ như thời của cha mẹ chúng. Thật bất hạnh biết bao!

Tôi sinh trưởng trong một vùng quê, chẳng hay biết gì về thế giới bên ngoài mãi cho đến năm 13 tuổi. Hạnh phúc chân thật là được sống mãi trong tuổi thơ ngây không biết gì về khổ đau từ thế giới bên ngoài. Tôi chỉ biết có chơi. Khi không còn tuổi thơ ngây, chúng ta sẽ không còn hạnh phúc nữa. Từ đó, chúng ta phải thường nghĩ đến mọi người. Thế nên tôi cho rằng người thời nay ít may mắn hơi người thời xưa nhiều.

Khi chúng ta đã phát được tâm thanh tịnh và khôi phục được trí huệ thì chúng ta bắt đầu mở rộng được tri thức hiểu biết. Chúng ta có thể thấy, nghe, học mọi điều mình thích. Vì bây giờ chúng ta đã có được trí huệ và không bị ảnh hưởng bởi chung quanh. Vì đã có được sự tự chủ, nên càng thấy càng nghe chúng ta càng trở nên thông thái và định lực càng sâu. Tại sao phước càng rộng và định lực càng sâu? Vì không dao động bởi môi trường chung quanh nên khiến cho tăng trưởng định lực. Nhận thức sáng suốt rõ ràng khiến cho trí huệ càng sâu rộng. Lúc ấy chúng ta có thể tu học các pháp  môn và các tông phái khác để phát triển sâu hơn trí huệ và định lực. Ban đầu chúng ta phải tu tập giới, định, huệ để đạt được Căn bản trí. Rồi tham học nghiên cứu thêm để viên mãn Hậu đắc trí. Đây là tiến trình tu học của các bậc cổ đức ngày trước.

Đức Phật dạy trong Kinh Đại Bát-nhã: ‘Bát-nhã vô tri, vô sở bất vi.’ thế nên trước tiên chúng ta phải tu tập tâm ‘vô tri’. Năm năm tu tập giới, định, huệ là để duy trì tâm thơ ngây trong trắng của chúng ta đối với thế giới bên ngoài. Khi chúng ta hòa nhập trở lại, chúng ta sẽ biết tất cả, là ‘vô sở bất vi.’ Đây là tiến trình và phương pháp đúng đắn để tu học Phật pháp.

Các bậc cổ đức ngày trước không những tuân theo giới luật do Đức Phật Thích-ca Mâu-ni chế định mà còn xem Nho gia như là cơ sở cho việc tu học của mình. Phật giáo Trung Hoa từ khước Phật giáo nguyên thuỷ và thay vào đó bằng học thuật của Nho gia. Nền tảng Phật giáo Trung Hoa thừa nhận Ngũ đức của Nho gia. Đó là, ôn (ôn hậu), lương (lương thiện), cung (cung kính), kiệm (tiết kiệm), nhượng (khiêm tốn). Từ cơ sở nầy nên dễ thành tựu  Ba loại tịnh nghiệp, Sáu nguyên tắc hòa kính, Sáu pháp ba-la-mật-đa, Ba môn học vô lậu và Mười hạnh nguyện lớn. Tất cả các tông phái Phật giáo Đại thừa đều không rời nền tảng tu học nầy. Nói cách khác, chúng ta có thể thành tựu trong bất kỳ pháp môn, tông phái nào miễn là tuân theo đúng những nguyên tắc và phương pháp. Thế nên có thể nói rằng Ngũ đức và Lục hòa là điểm đặc sắc của nền tảng Phật pháp Đại thừa Trung Hoa.

Còn có một phương pháp giáo dục Phật pháp khác rất tiến bộ. Đó là tiến tu giáo dục. Không phải đến bây giờ mới có phương pháp nầy. Thời Đức Phật tại thế, có rất nhiều đệ tử Thanh văn. Một số thân cận bên ngài vì họ chưa thành tựu công phu tu tập và có một số đã thành tựu. Các vị đệ tử trong  hàng Bồ-tát đều có trách nhiệm hoằng dương Phật pháp, họ đi khắp các nơi  để kiến lập đạo tràng và thay Phật giáo hóa chúng sinh. Rồi hằng năm họ phải trở về trụ xứ vào mùa an cư kiết hạ để tiếp tục tu học. Cũng như ngày nay vào mùa hè khi học sinh được nghỉ nhưng thầy giáo thì phải tập huấn thêm. Các vị Bồ-tát đều phải trở về trụ xứ vào mùa an cư để được Đức Phật chỉ dạy thêm. Họ nghe Đức Phật giảng pháp và tăng cường tu tập định lực, trí huệ và giới hạnh. Họ cũng trình bày những khó khăn gặp phải trong việc giáo hóa và thỉnh thị cách giải quyết. Họ học lẫn nhau trong nỗ lực riêng của mỗi người để cùng nhau tiến bộ. Phương pháp tiến tu giáo dục nầy ít thấy trong lịch sử Phật giáo Trung Hoa.

Rất hay khi các đạo tràng Phật giáo hoặc các đoàn thể tu tập của cư sĩ tổ chức các khóa  đả thất niệm Phật vào kỳ an cư mùa đông hay an cư mùa hạ, hoặc các khóa thiền thất... Các hình thức tu tập ấy cũng giống như phương pháp tiến tu giáo dục. Phương pháp nầy rất có hiệu quả và rất được nhiều người đề xướng và hưởng ứng. Nếu chúng ta nói rõ cho họ biết rằng tu tập cách đó là để chuyển hóa phiền não, thực hành giới, định, huệ để vượt thoát luân hồi sinh tử, thì chắc sẽ còn rất ít người thờ ơ hoặc phê phán phương pháp tu tập nầy. Ngày nay, người ta có cái nhìn khác với nền giáo dục thời xưa. Họ muốn học thật nhiều lúc mới nhập môn tu tập, không biết rằng lối học đó sẽ hạn chế sự thành tựu của mình, trong khi tuân thủ phương pháp giáo dục truyền thống thì có thể đạt đến lợi ích vô cùng lớn lao. Thời trước nhiều người hưởng được lợi lạc khi tu tập theo phương pháp giáo dục truyền thống nầy và đã thành tựu giác ngộ. Còn phương pháp giáo dục hiện nay, nói cho cùng, chỉ giúp người ta lấy được bằng cấp Tiến sĩ Phật học. Thành thật mà nói, không phải dễ dàng gì để chuyển hóa phiền não và vượt thoát luân hồi sinh tử. Chúng ta phải quan tâm rất nhiều đến việc nầy.

Thích Nhuận Châu dịch



[1] 有解無 .

Chia sẻ: facebooktwittergoogle