Khi còn tại thế,
Đức Phật đi rất nhiều nơi để giáo hóa, cũng như Khổng Tử, Lão Tử đã từng chu du
liệt quốc vậy. Ở Ấn Độ, Đức Phật và chúng đệ tử được các nhóm người thỉnh đến
giảng pháp. Ngài đi thuyết pháp nhiều nơi nhưng không trụ hẳn một nơi nào. Có
đến 1250 đệ tử tu tập dưới sự hướng dẫn của ngài, nên thật khó có một trụ xứ để
hộ trì cho họ đầy đủ. Chỉ sau khi Phật giáo du nhập vào Trung Hoa rồi thì tăng
ni mới trụ hẳn một nơi. Do vì các Hoàng đế Trung Hoa cầu thỉnh chư tăng Ấn Độ
sang truyền bá Phật pháp, và xem các ngài như bậc thầy dạy đạo cho mình, nên
không thể để các ngài đi khất thực, không để chư tăng ngủ dưới gốc cây như
truyền thống Phật giáo Ấn Độ, mà kiến lập tự viện, xây dựng tăng xá để chư tăng
sinh hoạt tu tập và hành đạo. Đến đời Đường thì các tự viện phát triển thành
Tùng lâm. Thiền sư Bách Trượng
và Mã Tổ là những người đầu tiên sáng lập Tùng lâm.
Thiền sư Mã Tổ là vị Tổ thứ 8 của thiền tông Trung Hoa và là đệ tử thứ 3 của Lục
tổ Huệ Năng. Người Trung Hoa thường truyền tụng: ‘Mã Tổ lập tùng lâm, Bách
Trượng chế thanh quy’.
Thế nào là
Tùng lâm Phật giáo? Đó là nơi mà nền giáo dục Phật giáo được hệ thống hóa, có
quy mô có chế độ; là bước tiếp theo cho những vị tăng đã được đào tạo theo lối
Phật học gia giáo. Sau thời Mã Tổ, Tùng lâm Phật giáo phát triển thành như một
trường Đại học Phật giáo chuyên khoa, đó là điểm đặc sắc của Phật giáo Trung Hoa.
Mọi giáo tài, giáo pháp ở đó đều đạt đến tầm mức tối cao của nghệ thuật nếu
chúng ta chú ý sẽ thấy từ kinh điển, âm nhạc, điêu khắc, tượng Phật, kiến trúc,
pháp khí... Tất cả đều nhằm để phát huy tính toàn thiện cho nền giáo dục Phật
giáo. Nhưng tiếc thay nền giáo dục đó ngày nay đã bị thất truyền.
Ngày nay, chất
lượng của lễ nhạc Phật giáo đã bị
biến chất khá nhiều, không còn được hoàn mỹ như ban đầu. Chúng ta không có được
nhiều nhân tài. Nhân tài sáng tạo nghệ thuật đã hiếm có mà những nghệ sĩ có
trình độ nhận thức và tu tập Phật pháp thâm sâu lại càng hiếm hơn. Do vậy nên
một nghệ sĩ Phật giáo cần phải tu dưỡng nội tâm, vì chỉ có như thế thì mới dẫn
dắt mọi người đến chân thiện mỹ và trí huệ được. Nội dung lễ nhạc Phật giáo ngày
nay đều do các bậc cổ đức soạn ra, nội dung ý nghĩa rất cao viễn, nhưng do tâm
người sử dụng chưa được hoàn toàn thanh tịnh, nên khi xướng ra ý cũng không được
thanh tịnh, vì năng lực tâm linh chưa đạt cảnh giới giác ngộ nên không dẫn phát
được sự linh cảm. Nghệ thuật bị biến chất là do không có nhân tài trong giới học
Phật, chứ không có nghĩa là Phật giáo thiếu chất liệu nghệ thuật.
Ai đã có dịp
đến Trung Hoa để xem các tác phẩm điêu khắc trên vách đá trong động Đôn Hoàng và
động Vân Cương, hoặc những bản kinh khắc trên đá ở Phòng Sơn, Bắc kinh, sẽ thấy
được nghệ thuật Phật giáo vĩ đại và tuyệt diệu biết bao. Tạng kinh trên đá được
tìm thấy sau thời kỳ Cách mạng văn hóa Trung Hoa. Nội dung phong phú hơn Đại
tạng kinh hiện nay. Một số kinh được dịch sau nầy mà trong Đại tạng kinh chưa có.
Rất may là toàn bộ thạch kinh nầy đang được bảo tồn tại vùng Phòng Sơn. Người ta
đã dùng những khối đá rất lớn, hai mặt đều được khắc chữ rất đẹp, mỗi chữ lớn
bằng ngón tay cái. Toàn bộ công trình khắc kinh nầy phải mất 400 năm mới xong,
bằng thời gian làm Vạn lý trường thành. Công trình nghệ thuật điêu khắc mới phát
hiện nầy gồm 10.000 bản kinh khắc trên đá đặt trong bảy hang động. Nay chỉ mở
hai động cho công chúng vào xem. Chúng ta sẽ tràn đầy thán phục và kinh ngạc khi
thấy tạng kinh khắc trên đá nầy.
Không biết làm gì hơn là tri ân cổ đức đã để lại một gia sản giá trị như
thế cho con cháu đời sau.
Ngày nay,
trường học và viện bảo tàng tách rời nhau. Tuy nhiên, hệ thống Tùng lâm Phật
giáo tương tự như sự kết hợp của nhà trường và viện bảo tàng, vì trong đó, các
hình thái nghệ thuật được trưng bày đều có mang tính giáo dục chứ không thuần
túy chỉ là nghệ thuật. Ở đó sự trưng bày các tác phẩm nghệ thuật với linh tánh
trí huệ rất cao, giới phàm phu không thể nào lĩnh hội nổi. Chẳng hạn, khi nhìn
thấy nhiều tượng Phật và Bồ-tát, họ kết luận rằng Phật giáo thờ nhiều vị thần,
nên Phật giáo là một tôn giáo thứ
cấp.
Nhiều người cho
rằng một tôn giáo tiến bộ là chỉ thờ một vị thần. Họ không hiểu rằng Phật giáo
không phải là một tôn giáo, vì chúng ta không phải thờ cúng hình tượng chư Phật
và Bồ-tát như một vị thần, mà xem đó như là đại biểu cho giáo lý, là người chỉ
dạy cho chúng ta biết các pháp môn tu học. Chỉ một hình tượng hay một pháp môn
thôi thì chưa đại biểu đầy đủ cho mọi hiện tượng trong pháp giới, thế nên đạo
Phật dùng nhiều dạng hình tượng nghệ thuật để biểu hiện. Khi chúng ta đã hiểu
được biểu tượng giáo dục trong nghệ thuật Phật giáo rồi thì tự nhiên chúng ta sẽ
thán phục và thích thưởng ngoạn.
Tất cả chư Phật
đều biểu tượng cho tánh đức. Tất cả các vị Bồ-tát và A-la-hán đều biểu tượng cho
công đức tu tập. Không có công đức tu tập, thì không thể làm hiển lộ tánh đức
được, không đạt được phần thọ dụng. Nên muốn cho tánh đức hiển hiện thì cần phải
tu đức. Nên chúng ta khi thờ Phật thì thường tôn trí một tượng Phật và hai tượng
Bồ-tát. Tượng Phật đại biểu cho chân như bổn tánh. Bồ-tát biểu tượng cho từ
tánh
mà khởi dụng. Bổn tánh tức không, gọi là thể, khởi dụng
nên có thể, tướng, dụng. Thể tức không tịch, từ thể
mới có tướng, có tướng tức sẽ có phần tác dụng. Bồ-tát đại
biểu cho cho tướng và dụng. Nên trong Kinh Hoa Nghiêm nói
rằng chư Phật không thuyết pháp, vì bản thể vốn không tịch, chẳng có gì để nói.
Nhưng Bồ-tát thì còn thuyết pháp, vì đó là khởi dụng từ tánh. Trên phương diện
tướng và dụng thì có nói năng, nhưng trên phương diện bản thể
thì một niệm cũng không có, nói chi đến lời. Nên có câu, ‘Mở miệng liền sai,
động niệm tức trái.’ Đó là chỉ cho
bản thể, được biểu tượng bằng
sự tôn trí một hình tượng Phật. Tại sao
lại thờ đến hai vị Bồ-tát để biểu tượng cho phần tướng dụng? Vì vô lượng vô biên
tướng dụng trong pháp giới được phân thành hai phạm trù: tri và hành, hoặc giải
và hạnh. Vương Dương Minh
đề xướng ‘tri hành hợp nhất,’ là từ nhà Phật mà ra. Phật pháp dạy, ‘hạnh giải
tương ưng.’ Nho gia lấy tinh thần ấy đổi thành ‘tri hành hợp nhất’, rồi đề ra
một hệ thống triết học. Thật ra thì triết học ấy hoàn toàn phát xuất từ tinh
thần Phật pháp. Giải
và hạnh chính là lý và sự.
Chúng ta thường
thấy bên cạnh tượng Đức Phật Thích-ca Mâu-ni có hai vị Đại A-la-hán là A-nan và
Ca-diếp. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni biểu tượng cho bản thể. A-nan là vị đa văn đệ
nhất, biểu tượng cho trí huệ (giải). Ca-diếp là vị khổ hạnh đệ nhất, biểu tượng
cho sự hành trì (hạnh). Chúng ta cũng thấy tượng Đức Phật Tỳ-lô-giá-na, là trí
pháp thân của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni,
Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi và Bồ-tát Phổ Hiền ở hai bên. Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi biểu
tượng cho trí huệ (giải), Bồ-tát Phổ Hiền biểu tượng cho sự hành trì (hạnh).
Tịnh độ tông
Phật giáo xem Đức Phật A-di-đà Phật là bản thể và Bồ-tát Quán Thế Âm biểu tượng
cho lòng từ và sự tu tập (hạnh). Bồ-tát Đại Thế Chí biểu tượng cho trí huệ
(giải). Dó ý nghĩa thâm sâu nầy mà có thể được biểu tượng nhiều hơn hai hoặc ba
vị Bồ-tát.
Mỗi Đức Phật
biểu tượng cho một phần của tánh đức, mà mỗi phần đều viên mãn ‘một là tất
cả, tất cả là một’. Mỗi danh hiệu đều biểu tượng cho tánh đức. Chẳng hạn,
Thích ca (s: Śākya) có nghĩa là nhân từ, dạy cho chúng ta cần phải đối xử với
mọi người bằng lòng từ bi. Mâu-ni (s: Muni) có nghĩa là thanh tịnh. Danh hiệu
Thích Ca Mâu Ni dạy cho chúng ta cần phải đối xử với mọi người bằng lòng từ bi
và hãy nỗ lực làm cho tâm ý minh thanh tịnh. Đây là ý nghĩa của Đức Phật
Thích-ca Mâu-ni, nhắc nhở chúng ta tánh đức của mình xưa nay vốn tự đầy đủ. Danh
hiệu A-di-đà Phật là tiếng phiên âm chữ Amitābha từ tiếng Sanskrit. A
có nghĩa là vô 無. Di-đà có nghĩa là lượng 量.
A-di-đà nghĩa là vô lượng.
Cái gì vô lượng? Tất cả đều là vô lượng. Trí huệ vô lượng, thần thông vô lượng,
đạo lực vô lượng, thọ mạng vô lượng. Nhưng trong tất cả vô lượng ấy, thọ mạng vô
lượng là đệ nhất, nếu không thì tất cả vô lượng kia đều là vô ích.
Làm thế nào để
chúng ta đạt được những vô lượng nầy? Vô lượng ấy chẳng khác gì hơn chính là tự
tánh của chúng ta, chính là chân như bổn tánh của mình. Lục tổ Huệ nói: ‘Nào ngờ
tự tánh xưa nay vốn tự tròn đầy. Nào ngờ tự tánh thường hay sanh các pháp.
Đó chính là ý nghĩa vô lượng. Dùng phương pháp nào tu tập để đạt vô lượng? Chúng
ta tu tập theo hạnh của Bồ-tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí. Bồ-tát Quán Thế Âm
dạy chúng ta tu tập lòng từ bi. Bồ-tát Đại Thế Chí dạy chúng ta tu tập nhất tâm
niệm Phật A-di-đà. Ngài dạy ‘tâm thanh tịnh hướng về Đức Phật A-di-đà Phật liên
tục không ngừng, không ỷ lại các phương tiện khác, chắc chắn tâm sẽ được tự
nhiên khai ngộ.’
Hỗ trợ thêm
là phương tiện từ bi của Bồ-tát Quán Thế Âm. Ban rãi tâm từ đến mọi loài và niệm Nam mô
A-di-đà Phật thì sẽ giúp chúng ta hưởng được thọ mạng vô lượng. Tu tập như thế
thì chúng ta sẽ phát huy được tánh đức và đạt được công đức vô lượng vô biên.
Thế nên khi cung kính đảnh lễ tôn tượng chư Phật và Bồ-tát, chúng ta cần phải
biết ý nghĩa biểu tượng của từng vị cho chân lý của vũ trụ và phương pháp tu
tập.
Kiến trúc Phật
giáo mang tính nghệ thuật rất cao. Giữa là chính điện lớn thờ Phật. Từ ngoài
nhìn vào thấy như có hai tầng, nhưng bên trong chỉ có một tầng. Ý nghĩa là bên
ngoài nhìn vào thấy có hai chân lý, chân đế và tục đế. Khi vào bên trong rồi mới
biết được chân đế tục đế vốn chẳng phải hai, vạn pháp nhất như. Từ ý nghĩa ấy có
thể nói rằng, bên ngoài biểu thị cho sự sai biệt, thực chất đều là nhất trí,
chẳng phải là hai.
Với quy mô kiến
trúc của Phật giáo, khi vào cổng chùa, trước hết ta thấy Thiên vương điện. Ở
giữa thờ Bồ-tát Di-lặc, hai bên là bốn vị Thiên đại tướng quân, tức các vị thần
Hộ pháp. Người Tây phương gọi Bồ-tát Di-lặc là ‘Đức Phật hoan hỷ’, được biểu
tượng qua nhân vật lịch sử là Hòa thượng Bố Đại. Bồ-tát Di-lặc với khuôn mặt có
nụ cười rất lớn như muốn nói với chúng ta, ‘Quý vị muốn học Phật pháp chăng?
Trước hết hãy vui vẻ chào hỏi mọi người bằng nụ cười. Hãy trừ bỏ tập khí, nếu
còn phát ra tập khí thì không thể học Phật được.’ Bồ-tát nầy còn có cái bụng rất
lớn, biểu tượng cho lòng bao dung và tâm bình đẳng, dạy chúng ta phải đối xử với
mọi người, mọi việc với tâm hoan hỷ và điềm tĩnh. Có đủ các đức tính ấy mới tu
học Phật pháp được. Nên Bồ-tát Di-lặc ngồi ngay chính giữa lối vào chùa như để
dạy bảo mọi người đến với Phật pháp rằng, chỉ những ai có đủ điều kiện trên thì
mới đủ tư cách học Phật. Đó là những biểu tượng hộ trì cho người tu học Phật
pháp. Họ hộ trì chúng ta bằng cách nhắc nhở chúng ta phải giữ gìn chánh kiến.
Mỗi vị hộ pháp biểu hiện một khía cạnh khác nhau của tư tưởng hoặc hành động.
Phía đông là Trì quốc Thiên vương biểu tượng
cho trách nhiệm bảo hộ quốc gia lãnh thổ. Nhắc nhở chúng ta phải có trách nhiệm
với chính mình, với gia đình, với xã hội và với cả đất nước. Làm sao để hoàn
thành trách nhiệm nầy? Nếu mỗi chúng ta đều thực hiện mọi bổn phận, mọi trách
nhịệm trọn vẹn, giúp đỡ người khác cũng như chính mình hết lòng thì xã
hội sẽ được hài hòa, quốc gia sẽ được hưng thịnh.
Phía nam là
Tăng trưởng Thiên vương biểu tượng cho sự tiến bộ, dạy cho chúng ta sự tinh tấn.
Không những chỉ hoàn thành trách nhiệm của mình thôi, mà còn tinh tấn thúc đẩy
sự tiến bộ vì không tiến bộ có nghĩa là lùi lại. Vị hộ pháp nầy nhấn mạnh vào sự
tinh cần tu tập phẩm đức, trí huệ, học vấn, tài năng ngày càng tăng trưởng, bao
quát cả mọi bổn phận và tiêu chuẩn trong sinh hoạt hằng ngày. Từ điểm nầy, chúng
ta thấy rằng Phật giáo rất sinh động, luôn luôn đi trước thời đại.
Phía tây là
Quảng mục Thiên vương biểu tượng cho cái nhìn và hiểu biết bao trùm khắp cả mọi
hướng trong thế gian. Vị hộ pháp nầy dạy chúng ta cần phải mở rộng tầm nhìn để
quán sát thế giới tự nhiên và nhân tính, để tinh lọc được cái gì chúng ta cần
phải thấy và học hỏi, và để phân biệt cái gì là thiện, cái gì là ác.
Phía bắc là Đa
văn Thiên vương biểu tượng cho sự sáng suốt, thông hiểu qua nghiên cứu, học hỏi.
Hai vị sau nầy dạy cho chúng ta phương pháp thực tiễn để hành trì. Như người
Trung Hoa thời xưa thường nói, ‘ Phải đọc ngàn quyển sách, phải đi ngàn dặm
đường.’ Đọc sách là để thành tựu nền tảng tri thức. Đi xa ngàn dặm là để học hỏi
những điều nhìn thấy. Đi khắp nơi chúng ta sẽ thấy được điều hay của người để
học hỏi. Chúng ta cũng thấy được những điều dở của họ, thế nên phải thường hoàn
chỉnh chính mình. Theo cách nầy, chúng ta mới làm cho xã hội thịnh vượng và quốc
gia an bình. Làm như vậy, chúng ta mới hộ trì được Phật pháp. Nên hình tượng
Bồ-tát và Hộ pháp nhắc nhở chúng ta tinh tấn theo đuổi mục đích và trách nhiệm.
Từ đó, mới thấy được rằng Phật giáo không phải là tôn giáo, cũng chẳng phải là
tín ngưỡng.
Mỗi vị Thiên
đại tướng quân Hộ pháp cầm giữ một vật khác nhau biểu tượng cho sự đa dạng của
Phật pháp. Đông phương Trì quốc Thiên vương tay cầm cây đàn tỳ bà, biểu tượng
cho chúng ta cần phải tránh sự hành xử thô tháo, hấp tấp, nên theo trung đạo.
Giống như người chơi đàn tỳ bà, nếu dây quá căng hoặc quá chùng thì
tiếng đàn không được hay. Nho gia chủ trương Trung dung, đạo Phật dạy tinh thần
Trung đạo. Chúng ta phải có trách nhiệm đối với bổn phận của chúng ta và phải
hành xử mọi việc với phong cách bình thản, chân chính.
Nam
phương Tăng trưởng Thiên vương cầm thanh kiếm trí huệ biểu tượng cắt đứt mọi
phiền não. Tây phương Quảng mục Thiên vương cầm con rồng hay con rắn đang cuốn
trong tay. Rồng hoặc rắn biểu tượng cho sự biến hóa. Người ta thường nói: ‘Thần
long hiện thủ bất hiện vỹ.’ Biểu tượng cho thế giới hiện thực ngày nay. Mọi
người, mọi chuyện, mọi vật đều biến đổi không ngừng, chúng ta phải thấy được rõ
ràng mói có thể ứng phó một cách điềm tĩnh và thích đáng. Bắc phương Đa văn
Thiên vương tay cầm cây dù biểu tượng cho sự che chở chúng ta khỏi sự ô nhiễm
của môi trường chung quanh. Khi tu học, chúng ta phải bảo hộ cho tâm thanh tịnh
của mình thoát khỏi ô nhiễm. Hơn nữa, chúng ta phải nhận thức rõ thực tướng của
nhân sinh và vũ trụ, phải có trí huệ và năng lực để ứng xử đúng đắn thích hợp
với mọi người và mọi sự việc.
Mọi điều nầy
đều có thể học được khi đến Điện Tứ thiên vương. Nếu chúng ta xem các vị Hộ pháp
là những vị thần với những năng lực thần thông rồi thắp hương, dâng cúng hoa quả
để cầu nguyện che chở bình an thì đó là sai lầm một cách đáng tiếc. Đó là mê
tín. Tất cả mọi hình tượng, mọi năng lực của chư Phật, Bồ-tát cùng tất cả
mọi pháp khí thờ cúng đều có ý nghĩa giáo dục để đào luyện tâm linh và trí huệ,
nhắc nhở chúng ta tầm mức quan trọng của giác ngộ thay vì mê mờ, đức hạnh thay
vì tà vạy, thanh tịnh thay vì ô nhiễm. Đây là ba nguyên tắc trong nền giáo dục
Phật học.
Do vậy, mọi vật
trong đạo tràng đều mang tính giáo dục. Mọi vật phẩm cúng dường đều có ý nghĩa
giáo dục. Ly đựng nước biểu tượng cho Pháp. Nước trong sạch biểu
tượng cho tâm. Tâm thanh tịnh như nước, không một gợn sóng, đó là biểu tượng cho
tâm bình đẳng. Hoa biểu tượng cho nhân và quả là sự kết thành trái. Hoa biểu
tượng cho Lục độ ba-la-mật-đa. Quả không phải là dâng cúng cho Phật và Bồ-tát
dùng, mà nhắc nhở chúng ta rằng nếu muốn có quả ngọt hay điều tốt lành thì phải
tu tập và gieo trồng căn lành, tức là gieo nhân. Như vậy nên tất cả những gì ta
thấy được trong đạo tràng đều có tính giáo dục. Chư Phật và Bồ-tát chẳng hưởng
gì cả, họ không cần điều gì cả.
Chúng ta còn
thấy những cây đèn, biểu tượng cho
trí huệ sáng suốt; hương trầm, biểu tượng cho giới và định. Quý vị thấy trong
đạo tràng không có vật gì mà không mang tính giáo dục. Tuy nhiên, thật đáng buồn
là nhiều Phật tử hoàn toàn mê mờ về tính giáo dục của những biểu tượng nầy. Họ
không biết tại sao mình thắp hương cúng Phật và Bồ-tát. Niềm tin của họ thực là
mù quáng. Nhiều người phê phán rằng Phật giáo là mê tín. Sự phê phán nầy có phần
đúng. Khá nhiều Phật tử còn mê mờ về
Phật pháp.
Chúng ta cần
phải thông suốt những gì mình học được và giải thích điều ấy cho những người
theo chủ nghĩa hoài nghi và hay chỉ trích. Tôi tin là những người nầy cũng sẽ
muốn học. Tôi vừa giới thiệu Phật học cho người Trung Hoa theo lối nầy. Sau khi
nghe tôi giải thích, họ nói rằng họ đã hiểu lầm một điều tốt đẹp như vậy và
nguyện sẽ tìm hiểu sâu hơn.
Để kết luận,
trí huệ chân thực và sự giác ngộ sáng suốt vô lượng vô biên đã giúp cho chúng
sinh có được lợi ích chân thật. Đức Phật đã dùng tâm từ bi rộng lớn để cứu độ
chúng sinh. Từ xưa đến nay, trong lịch sử Phật giáo, bất luận là Hiển giáo, Mật
giáo, Thiền tông hay dù các tông phái, pháp môn nào, đều phải tuân theo nguyên
tắc và phương pháp nầy mà tu hành. Tuy vậy, ngày nay người ta biết rất ít nguyên
tắc và phương pháp chân chính, thế nên ít người tu tập được thành tựu.
Trong thời mạt
pháp, con người bị đoanh vây bởi nhiều nghiệp chướng. Do hoàn cảnh nầy, phương
pháp niệm Phật là hiệu quả nhất vì đơn giản và thiết thực. Chẳng mất thời
gian lâu, cũng chẳng cần những lễ nghi đặc biệt. Bất kỳ ai cũng có thể tu vào
bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu. Đây là lý do nhiều người đạt được sự thành tựu.
Đài Loan vốn chẳng rộng, chẳng đông dân cư, nhưng trong 40 năm gần đây, theo sự
đánh giá chủ quan của tôi, ít nhất có được 500 người đã vãng sinh Tịnh độ để
tiếp tục tu tập thành Phật trong đời sau.
Để được thành
công như vậy, chúng ta phải theo lời dạy trong năm bộ kinh và một bộ luận của
Tịnh độ tông, phát tâm bồ-đề và nhất tâm niệm danh hiệu Đức Phật A-di-đà.
Luận Đại thừa khởi tín
có nói rằng: ‘Bản giác vốn hằng có, bất giác vốn là không –Bổn giác bổn hữu,
bất giác bổn vô.’ Do vậy, chúng ta chắc chắn có thể khôi phục lại Phật tánh
bản hữu và cái thấy chân thật. Chúng ta có thể tiêu trừ sach những mê lầm, tà
kiến, và ô nhiễm. Phải thành tâm niệm danh hiệu A-di-đà Phật để chuyển hóa sạch
các ác nghiệp và tập khí xấu, sống thanh đạm và tinh tấn tu tập để đạt được niệm
Phật tam muội. Rốt ráo sẽ đạt được thân tâm tự tại, thực chứng chân như.
Chúng ta muốn
đi đâu tùy nguyện. Nếu chúng ta muốn lưu lại cõi nầy một thời gian, điều ấy cũng
tốt. Đã có nhiều người thành tựu, tại sao mình lại không? Vì chúng ta chưa thành
tâm niệm Phật dài lâu. Niệm bao lâu mới được? Theo sử sách ghi lại, nhiều người
thành tựu sau ba năm. Sau đó, không còn lo sợ điều gì nữa cả. Chúng ta cảm thấy
rất an lạc và thanh thản. Nếu Thế chiến thứ III có xảy ra, và bom hạt nhân có
bùng nổ, thì ta chỉ cho đó là đúng lúc để sinh về Tịnh độ. Không đau khổ, không
sợ hãi, hoàn toàn tự tại. Đó là điều trong Kinh Vô lượng thọ nói: ‘Mang
lại lợi ích chân thật cho toàn thể chúng sinh.’
Ông Âu Dương
Cánh Vô (Jing Wu Ou-Yang) đã nói rằng: “Nên biết trong Phật pháp có rất nhiều
phương tiện nhưng đều không vướng vào hình thức.” Thừa nhận rằng bất kỳ nguyên
tắc và pháp môn tu tập nào cũng có lợi ích và tác dụng. Chỉ có một mục tiêu đối
với chúng ta là đem lợi lạc đến cho mọi chúng sinh, giúp họ phá trừ mê lầm,
thoát khỏi khổ đau, đưa họ đạt đến giác ngộ giải thoát. Nên biết rằng giáo dục
Phật giáo có rất nhiều phương pháp, có khi dùng phương tiện nầy, có khi dùng
phương tiện kia, khi dùng thuận cảnh, khi dùng nghịch cảnh, biến hóa rất nhiều
cách. Nhưng chỉ có một mục tiêu duy nhất, đó là lợi ích cho chúng sinh. Nếu như
phương pháp ‘đánh hét – bổng hát 棒 喝 ’ trong Thiền tông có thể đưa
đến mục tiêu giác ngộ thì sẵn sàng dùng phương pháp ấy. Vì đó chân thật là lòng
từ bi. Nhưng ngược lại thì đều là hư vọng, cảm tính, mê lầm và chấp trước, tất
cả không phải là Phật pháp, không phải là mục tiêu của chúng ta. Tôi ước nguyện
rằng mọi người học Phật ai cũng sẽ xa lìa được mọi mê lầm, chấp trước, khổ đau,
và đạt được niềm vui giải thoát giác ngộ viên mãn.
Thích Nhuận
Châu dịch