Con đường giáo hóa và chuyển hóa

Tất cả những vị đang tu học trong Tam thừa là Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ-tát thừa đều là đối tượng giáo hóa và giáo hóa của Pháp Hoa

Tất cả những vị đang tu học trong Tam thừa là Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ-tát thừa đều là đối tượng giáo hóa và giáo hóa của Pháp Hoa.

Đối với những vị đã là Bồ-tát, thì Pháp Hoa giáo hóa cho họ nhanh chóng trở thành một vị Phật. Đối với đối tượng Thanh văn và Duyên giác, Pháp Hoa phải giáo hóa và giáo hóa lâu dài, bằng những phương pháp thực dụng và xảo diệu, để đưa họ lên Bồ-tát thừa và thọ ký cho họ thành Phật trong tương lai.

Nên mục đích của Pháp Hoa là giáo dục và giáo hóa các Thánh giả trong Tam thừa thấy rõ tướng trạng “như thật” của các pháp để thành Phật, giáo hóa chúng sanh bằng tuệ giác và bằng từ bi Pháp Hoa.

Phương pháp giáo dục của Pháp Hoa là thiết lập giáo lý Tứ diệ đế để giáo hóa cho những vị có chủng tính Thanh văn, giáo lý Duyên khởi để giáo hóa cho những vị vừa có chủng tính Thanh văn, vừa có chủng tính Duyên giác, và thiết lập giáo lý Lục độ để giáo hóa cho những vị có chủng tính Bồ-tát.

Bởi vậy, giáo học Pháp Hoa đầy đủ cả Tam thừa, nhưng trong đó đối tượng chính để giáo hóa và giáo dục lâu dài của Pháp Hoa là Thanh văn.

Phương tiện giáo dục cho hàng Thanh văn là giáo học Tứ diệu đế, nhưng khi quý vị Thanh văn đã thuần thục với giáo lý này, thì Pháp Hoa nâng cấp họ lên và giáo hóa khiến cho họ trở thành Bồ-tát.

Nhưng, ở trong Thanh văn có những trình độ cần phải giáo hóa khác nhau:

­Trình độ thượng căn, thượng trí, như Tôn giả Xá-lợi-phất, thì ở kinh Pháp Hoa, Đức Phật chỉ thẳng “chư pháp thực tướng” và nói quả Phật mới là thật.

Phương pháp giáo hóa này, là phương pháp nói thẳng, đánh thức trực tiếp vào tuệ giác của Thanh văn, khiến cho tuệ giác ấy nhận ra ngay Phật tính và bản nguyện Bồ-tát vốn có của hàng Bồ-tát và thọ ký thành Phật trong tương lai.

Giáo hóa bằng phương pháp này, ở kinh Pháp Hoa, Đức Phật đã thành công đối với Tôn giả Xá-lợi-phất.

­Trình độ trung căn, trung trí như các Tôn giả Tu-bồ-đề, Ca-chiên-diên, Đại Ca-diếp và Mục-kiền-liên, ở kinh Pháp Hoa, Đức Phật đã giáo dục bằng cách đưa ra những ví dụ: Ba cõi ví như nhà lửa; xe dê, xe hươu và xe trâu ở ngoài cửa của Ba cõi là dụ cho Tam thừa, tu tập giáo lý Tam thừa ra khỏi nhà lửa của Tam giới, nhưng chưa phải thành tựu Niết-bàn của Phật,[1][1]

Qua ví dụ nhà lửa và ba xe mà Đức Phật đã trình bày, khiến cho các Tôn giả nhận ra được giáo lý Nhất thừa, thấy rằng mình vốn có Phật tính và đã từng có bản nguyện Bồ-tát và chính những vị này đã đưa ra ví dụ Trưởng giả và cùng tử, để ví dụ Trưởng giả là Phật và cùng tử là chính mình ở phẩm Tín giải; nghĩa là tu tập mà quên mất bản nguyện Bồ-tát là liền trở thành Thanh văn và là cùng tử. Chỉ cần nhớ lại bản nguyện Đại thừa là tức khắc trở thành Bồ-tát.

Tiếp theo, Đức Phật dạy cho họ về ví dụ Dược thảo,[2][2] để chỉ cho họ thấy căn cơ trình độ chúng sanh có cao, có vừa, có thấp, nhưng pháp Nhất thừa là pháp bình đẳng, hết thảy mọi căn cơ tùy theo sức mình mà lãnh hội và cuối cùng cũng đều thành tựu địa vị Phật.

Như vậy, phương pháp giáo dục thứ hai đối với hàng Thanh văn của Đức Phật ở kinh Pháp Hoa bằng thí dụ, và qua thí dụ mà đối tượng giáo dục nhận ra được bản nguyện Bồ-tát vốn có của mình.

Và đối với các vị Thanh văn với trình độ dưới trung bình, Đức Phật nói về nhân duyên Thầy - trò đã từng cùng nhau tu tập Pháp Hoa, từ thời Đức Phật Đại Thông Trí Thắng, quốc độ của Ngài tên là Hảo Thành, thời kỳ của Ngài xuất hiện là Đại Tướng và thời kỳ ấy trải qua đến nay là cực kỳ lâu xa.

Đức Thích-ca đã từng là vị Ssa-di Bồ-tát tu học Pháp Hoa với Đức Phật Đại Thông Trí Thắng, đã lãnh hội Pháp Hoa, đã tu tập Pháp Hoa và đã diễn giảng Pháp Hoa từ thời ấy, và Ngài đã thành tựu Vô thượng Bồ-đề, giáo hóa vô số chúng sanh, đã từng thiết lập giáo pháp Tam thừa để giáo hóa hàng Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, nhưng cuối cùng đều khiến cho họ hiểu và chứng nhập giáo pháp Nhất thừa.

Và những vị đã từng học hỏi, tu tập giáo pháp Tam thừa với Ngài đã trải qua nhiều thời gian, hiện vẫn đang còn có mặt ở trong chính hội Pháp Hoa này và hiện nay, họ đang được Như Lai trực tiếp giảng dạy Pháp Hoa cho nữa.

Niết-bàn của Thanh văn và Duyên giác là do Như Lai tạm thiết lập để cho những vị tu tập Thanh văn hạnh nghỉ ngơi, sau những tháng ngày dài, băng qua con đường hiểm nghèo của sinh tử.

Bây giờ quý vị đã khỏe, lấy lại sức lực, để tiếp tục lên đường đến nơi “bảo sở”, tức là Niết-bàn của Phật.

Và để minh họa cho ý này, Đức Phật đã đưa ra ví dụ “hóa thành”, là thành phố tạm nghỉ ngơi để tiếp tục đi tới “bảo sở”, là kinh đô.

Hóa thành là dụ cho Niết-bàn của Thanh văn, Duyên giác và kinh đô là dụ cho Niết-bàn của Phật.[3][3]

Ở phẩm Thọ Ký, Đức Phật thọ ký cho năm trăm đệ tử Thanh văn, mà đứng đầu là Phú-lâu-na, Đức Phật đã nói về bản nguyện Bồ-tát của Tôn giả Phú-lâu-na là đã có và đã thực hành ở nơi chín mươi ức Đức Phật quá khứ.

Tôn giả Phú-lâu-na không phải chỉ có khả năng thuyết pháp và tuyên dương Chánh pháp của Như Lai thôi, Tôn giả từng là người đứng đứng đầu trong việc duy trì và tuyên dương Chánh pháp của chín mươi ức chư Phật quá khứ. Tôn giả đã có đủ thần lực của Bồ-tát, sống lâu bao nhiêu thì thực hành Phạm hạnh bấy nhiêu.

Tôn giả đã từng giáo hóa vô lượng, vô số chúng sanh, khiến họ an trú vững chãi trong Tuệ giác Vô thượng.

Và bất cứ thời kỳ của Phật nào trong quá khứ, hiện tại hay tương lai, Tôn giả đều là người thuyết pháp giỏi nhất…[4][4]

Đức Phật thọ ký cho Phú-lâu-na thành Phật, rồi Tôn giả Kiều-trần-như và các vị khác cũng hiểu được vấn đề Đức Phật giáo hóa, nên họ đều được Đức Phật thọ ký thành Phật.

Và họ đã đưa ra ví dụ “ngọc trong chéo áo” để minh họa rằng, Phật tính vốn có, bản nguyện tu học Bồ-tát thừa họ cũng đã từng phát khởi và thực hành, mà nay lại quên mất. Vì quên mất Phật tính và bản nguyện Bồ-tát của mình, nên bị nghèo nàn trí tuệ và phước đức, cũng giống như người có viên ngọc trong chéo áo mà quên mất, nên phải lang thang khổ nhọc vì cơm áo và được đôi chút cơm áo tự cho là đủ.

Bằng sự giáo hóa và giáo dục Pháp Hoa như vậy, Đức Phật đã thọ ký cho Ngài Xá-lợi-phất ở phẩm 3, cho bốn vị Đại đệ tử ở phẩm 6, cho năm trăm Đại A-la-hán và 1200 vị A-la-hán ở phẩm 8, và Ngài lại tiếp tục thọ ký thành Phật cho các bậc hữu học, vô học phẩm 9, thọ ký cho Đề-bà-đạt-đa thành Phật và chứng minh cho sự thành Phật của Long nữ tám tuổi ở phẩm 12, và lại thọ ký cho chúng Tỷ-kheo ni như bà Ma-ha Ba-xà ba-đềha, Da-du-đà-la, … ở phẩm 13.

Như vậy, Pháp Hoa đã giáo hóa hai Đại bộ Tăng- Ni Thanh văn trở thành giáo đoàn Bồ-tát Tăng, bằng những phương pháp đánh thức trực tiếp hoặc gián tiếp, khiến cho tất cả quý vị tự nhận ra Phật tính và tự nhận ra bản nguyện Bồ-tát vốn có của mình, nên đã được Đức Phật thọ ký thành Phật.

Như vậy, sự giáo hóa và giáo dục của Pháp Hoa là sự giáo hóa và giáo dục bằng phương pháp “đánh thức và khai phóng”. Nghĩa là đánh thức vào khả năng hay bản nguyện vốn có của họ, khiến cho họ tỉnh dậy và bước tới.

Giáo hóa và giáo dục như vậy thật là phương thức cực kỳ độc đáo và đặc biệt của Pháp Hoa.

Ở phẩm Tùng Địa Dõng Xuất, ta thấy sự giáo dục và giáo hóa của Pháp Hoa không mang tính cách đối phó có vẻ thời cuộc mà mang một tầm chiến lược lâu dài đến bất khả thuyết, để gánh vác và truyền bá Pháp Hoa đến bất tận.

Đó cũng là một trong những tầm nhìn độc đáo và đặc biệt về giáo dục của Pháp Hoa.

Và với sự giáo dục ấy, Pháp Hoa đã thành công khi chuyển hóa toàn bộ giáo đoàn Thanh văn Tăng thành giáo đoàn Bồ-tát Tăng.

Và lại càng chứng tỏ thành công hơn nữa, khi ở phẩm Tùng Địa Dõng Xuất, Đức Phật đã từ chối sự phát tâm giữ gìn và truyền bá ở nơi cõi này của hơn tám hHằng sa số Bồ-tát Đại sĩ đến từ các thế giới khác.

Ngài nói: “Ở quốc độ này, Như Lai đã giáo dục và giáo hóa có đến sáu vạn Hằng hà sa Bồ-tát Đại sĩ, và mỗi vị Đại sĩ lại có sáu vạn Hằng hà sa tùy thuộc.

Thầy trò của các Bồ-tát Đại sĩ này, sau khi Như Lai diệt độ có thể đủ mọi khả năng để duy trì và phát triển Pháp Hoa, xin khỏi phiền đến quý vị”.

Tầm nhìn và sự giáo hóa sứ giả Pháp Hoa như vậy là cực kỳ đặc biệt và độc đáo mà không có bất cứ một sự giáo hóa và giáo dục nào có thể so sánh.

Thích Thái Hòa



 

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle