Thần chú

Cách đây hai năm một thiền sinh trong giờ sinh hoạt pháp đàm của từng nhóm phát biểu: ”Tôi nghĩ Phật pháp là một triết lý cao siêu chứ đâu có phải là cứ thở ra hít vào mà hiểu được

Cách đây hai năm một thiền sinh trong giờ sinh hoạt pháp đàm của từng nhóm phát biểu: ”Tôi nghĩ Phật pháp là một triết lý cao siêu chứ đâu có phải là cứ thở ra hít vào mà hiểu được...” Trong một lần khác một thiền sinh Tây phương cũng nói: “Tôi dự và xem sách, DVD, lúc nào Thầy cũng nói về hơi thở, chẳng có gì mới lạ...” (Everywhere, book, DVD… he says samething, Mindfull Breathing. I see nothing new). Tôi mỉm cười và định trả lời: “Tại mình thực tập chưa đúng mức cho nên chưa thấy mới lạ.”

Năm nay tôi được may mắn trở lại Lộc Uyển trong khóa tu này. Buổi pháp thoại ngày đầu tiên cũng một đề tài như những năm trước: Thiền Thở và Thiền Đi. Tôi nhìn quanh thiền đường một vòng xem thử có khuôn mặt nào tỏ phản ứng “đề tài lặp lại” không? Thiền đường thật lặng im. Tôi nghe báo cáo rằng trên sáu trăm người tham dự khóa này. Tôi được hưởng lây cái năng lượng chánh niệm trong thiền đường. Tôi nghĩ phần lớn những người có mặt hôm nay ít nhất họ đã một lần tham dự khóa tu như thế này, cho nên họ biết giữ im lặng tuyệt đối.

 

Cái mới lạ đến với tôi cách đây hai mươi năm. Trong một khóa tu đầu tiên tôi dự tại Camp de Sommet gần Montreal, Canada. Một bữa sáng bước chân vào phòng ăn, tôi thấy trước cửa có treo một tấm thư pháp viết "Thở đi con”. "Breath my dear”. Tôi khựng lại một chút nhủ thầm lâu nay mình quên là mình đang thở. Trong khoá tu năm đó Thầy dạy nhiều về hơi thở chánh niệm, kỹ thuật thở có ý thức. Thở khi đi, khi ngồi khi nằm, khi ăn… Vì chưa quen nên cảm thấy mệt. Tuy mệt nhưng cái cảm giác lạ đầu tiên vẫn còn mãi trong tôi trong suốt mấy ngày tu tập đó. Rồi tiếp theo những khóa tu tôi có dịp tham dự, Thầy luôn nhắc đến chánh niệm và phương pháp hay nhất để duy trì năng lượng chánh niệm là hơi thở.

 

 

Từ đó đến nay con đường thiền tập của tôi là nương theo hơi thở. Cái lạ là mình càng cố gắng nương theo nó thì hình như nó hành mình. Làm như nó là ông chủ của mình, nhiều lúc không theo nó bị nó “trừng phạt”. Sau buổi ngồi thiền với nhiều tạp niệm, trong ngày nói năng nhiều khi không ái ngữ với người thân, suy nghĩ miên man từ chuyện này đến chuyện khác không đầu không đuôi… Những lúc như thế tôi chợt sực nhớ là mình không về với hơi thở chánh niệm. Rồi bực tức, rồi tự trách mình đã mấy chục năm theo Thầy mà vẫn chứng nào tật nấy. Đó là những lúc bị nó trừng phạt. Cho nên với tôi “Breath my dear” là câu thần chú. Thở đi con, lúc đầu xem như là lời của Thầy mình nhắc nhở mình giữ lấy hơi thở chánh niệm, dần dần tôi thấy ra là chính tôi nhắc tôi và có nhiều lần tôi lại thấy không phải “thở di con” mà là “thở thở”; không còn người nhắc nhở và người được nhắc nhở; hai ta đã là một. Những lúc như thế tôi thấy tôi rất rõ, thân tâm tôi chỉ toàn là hơi thở đều hòa, nhẹ nhàng, sâu lắng. Tôi muốn duy trì cảm giác này thật lâu thì tôi bị phản hồi ngay, càng muốn kéo dài tự nhiên tôi cảm nhận được cái tôi và hơi thở của tôi. Thất vọng. Vừa chớm thất vọng thì câu thần chú đến ngay “thở đi con”. Tôi mỉm cười trong bóng tối của phòng thiền (mà tôi gọi là phòng thở) và cái trình tự Thầy nhắc tôi thở, tôi tự nhắc tôi thở, và toàn thân tâm tôi là hơi thở trở lại. Tôi không thèm mong cầu kéo dài sự nhẹ nhàng của cảm giác của mình vậy mà nó kéo dài hơn. Có lúc tôi mở to đôi mắt vẫn cảm thấy mình nhẹ thênh thang. Nhiều khi tôi thấy một sự tiếp nối miên mật của hơi thở, tôi không tìm ra cái bắt đầu của hơi thở cũng như cái cuối cùng của nó; bắt đầu của hơi thở vào chính là cái cuối cùng của hơi thở ra trước đó. Và cái cuối cùng của hơi thở ra chính là cái bắt đầu của hơi thở kế tiếp. Và quán sâu hơn nữa hơi thở vào và hơi thở ra chỉ là một, và trong cái một đó là một chuỗi của bắt đầu và cuối cùng. Trong cái bắt đầu đã có cái cuối cùng, trong cái cuối cùng đã có bóng dáng của bắt đầu. Sự quán sát đó đưa tôi về với chính tôi, tôi là hơi thở, tôi tan loãng trong hơi thở, hiện tại tôi đang thở…không có một chút cố gắng, tôi nhẹ nhàng.

 

Nếu tôi đem cái kinh nghiệm đó ra giải bày cho bất cứ ai, thì họ chỉ mỉm cười, hay tỏ vẻ có gì đâu đáng nói. Bởi họ không thể biết được cái hương vị tôi được nếm. Nhiều người biết tôi đang thực tập thiền họ hỏi cùng một câu giống nhau: “Anh thấy gì khi ngồi thiền?” Và lúc nào tôi cũng chỉ trả lời được một câu: “Tôi thấy tôi.” Tôi không biết trả lời gì khác hơn bởi vì tôi kinh nghiệm được là tôi thấy tôi rất rõ khi ngồi thiền hay khi trở về với hơi thở. Nhiều người thất vọng với câu trả lời đơn giản đó. Có người nghĩ tôi không muốn trả lời cho họ nhiều hơn, hoặc nghĩ tôi “chưa đạt đạo”. Tại sao người ta hay thích những cái cầu kỳ để tìm cách lý giải như lý giải một đề tài trong khi thực tế vấn đề đơn giản. Nếu tôi lặp lại câu của các vị tổ “bản lai diện mục” , “nhất tâm nhất Phật” v.v… và v.v… thì họ sẽ trố mắt ra suy nghĩ và phục tôi lắm. Nếu tôi cứ đem kinh Kim Cang, Hoa Nghiêm tuôn ra bất tận thì nhiều người ngồi nghe thích thú. Nhưng khi tôi đề nghị trước khi ăn cơm mình để ra ít phút nắm lấy hơi thở nhìn vào thức ăn để nhận diện và quán “Thức ăn này là tặng phẩm của đất trời, là công phu lao tác…” thì có người làm theo nhưng không thích mấy. Tôi nói với họ “lời quán này là một trời Hoa Nghiêm, trùng trùng duyên khởi”. Có người giật mình, thì ra mình đang sống giữa thế giới của Hoa Nghiêm mà không nhận ra, cứ đi tìm ở nơi khác. Chỉ cần một hơi thở nhận ra được cái mầu nhiệm. Còn nhiều vô số những cái “nho nhỏ” như hơi thở giúp mình đi vào thế giói kinh điển và áp dụng được kinh điển vào đời sống mà mình không thấy bởi vì mình không nương hơi thở về với thực tại.

 

Tôi hay chia sẻ với các bạn đồng tu rằng hãy thực tập (tu) những cái nho nhỏ hằng ngày mình hay làm: đi ra đi vào, mở cửa, ăn cơm, đi cầu… Những công việc đó nếu mình làm với hơi thở chánh niệm thì mình sẽ thấy được những cái “tinh vi hơn”. Không có một cử động nào là đơn thuần, giản dị. Tất cả toàn thể thân hình mình cùng làm việc nhịp nhàng cùng một lúc trong một cử động đơn giản. Tôi đi không phải chỉ có đôi chân bước mà toàn thân làm việc; bắp thịt cử động, thần kinh ra lệnh, máu tuần hoàn để duy trì năng lượng nuôi dưỡng, ý chí muốn đi và nhiều yếu tố khác trùng trùng cùng làm việc trong từng sát na hiện tại. Quán sát từng bước đi mình khám phá một điều: đi là hành động vừa ý thức vừa vô ý thức. Ý thức là mình muốn đi, vô thức là phản xạ của cơ thể giữ thăng bằng cho khỏi ngã. Nếu cơ thể ở thế thăng bằng thì chân không thể bước tới được. Để một bước chân bước tới thì cơ thể phải nghiêng qua một bên làm toàn thân mất thăng bằng và để giữ lại thăng bằng, chân kia phải bước tới. Cứ thế hai chân tự động bước nhịp nhàng, mình không cần điều khiển hai chân. Đi là một chuỗi dài hành động làm mất thăng bằng và giữ thăng bằng. Đi có chánh niệm mình khám phá ra cái lý Duyên khởi: cái này có (sự mất thăng bằng của cơ thể) vì cái kia có (sự giữ thăng bằng cơ thể). Và cái lý nhân quả. Nhân (làm cho thân mất thăng bằng) Quả (bước tới cho thân được thăng bằng). Cuối cùng mình tìm không ra ai đang bước đi? Và bước đi hôm nay của tôi đã có từ ngàn xưa nơi tổ tiên, và còn tiếp nối bởi con cháu (không sanh không diệt). Điều này không phải do học thuộc những gì thầy mình nói mà do chính mình cảm được.

 

Tụng Bát Nhã Tâm Kinh mình tụng và hiểu cái vượt thoát của Không. Nhưng nếu đi trong chánh niệm thì cảm được cái Chân Không. Từ hiểu đến cảm là đoạn đường cách nhau khá xa. Cầm ly nước cũng thấy được vũ trụ. Uống một hớp nước cũng thấy được cơ man yếu tố vận hành của cơ thể để cho hớp nước đi vào cơ thể và tác dụng vào cơ thể. Mà nếu đem những yếu tố đó ra kể thì cần nhiều thời gian, đem viết ra thì cần nhiều trang giấy. Nhưng với chánh niệm khi uống hớp nước thì chỉ trong một khoảnh khắc hiện tại cũng cảm được tất cả. Chỉ cần một hơi thở nhẹ bao nhiêu mầu nhiệm bày ra.

 

Cảm là hiểu vấn đề bằng trái tim chứ không phải bằng lý trí. Hiểu bằng lý trí của bộ óc là thường bị ý niệm và lý giải chi phối. Lý giải một hồi làm mình mệt có khi lạc đề. Còn hiểu bằng trái tim không cần lý giải, chỉ mỗi một mình mình cảm không thể đem lý giải cho ai hoàn toàn theo ý của mình. Tụng Tâm kinh phải làm sao cảm được Tâm Kinh. Có ai hỏi mùi vị của trái sầu riêng. Thơm thơm thum thủm, ngọt ngọt bùi bùi… cả ngày cứ tả thì người nghe cũng chỉ có chút ý niệm về sầu riêng. Cách hay nhất là mời người hỏi nếm một múi. Nhưng vấn đề không đơn giản nếu người hỏi “anh thấy gì trong khi ngồi thiền?” Mời người ta cùng ngồi thì không dễ. Mời người ta ngồi xuống thở với mình ít phút cũng khó. Hãy sống tự nhiên (be yourself). Đó là cách tôi hay trả lời. Như vậy giữa người tập thiền và người không tập thiền có khác gì đâu. Thật ra có khác. Bởi vì mình không thực tập quay về với chính mình cho nên không thấy khác. Trong đời sống hàng ngày mỗi người đều mang nhiều mặt nạ khác nhau. Vì hoàn cảnh, vì công việc, vì lợi, vì tâm lý và ngay cả vì mình là người đang tu học mình cũng phải đeo mặt nạ. Có khi mình không muốn nhưng có khi do thói quen. Đi với Bụt mặc áo ca sa đi với ma mặc áo giấy. Lột cho được mặt nạ không phải dễ, phải thực tập nhiều. Khi đã thoát ly được các mặt nạ rồi mình chính là mình, mình thực sự là con người Vô Sự của tổ Lâm Tế. Không còn có gì để ràng buộc mình phải đeo cái mặt nạ. Cái mặt nạ mình đeo có khi mình quên vì nó là thói quen. Những lúc biết mình đang đeo mặt nạ chính là lúc mình thực sự về với chính mình. Kéo dài sự nhận diện càng lâu càng tốt. Với người thân thương trong gia đình đừng tưởng mình không đeo mặt nạ. Mình giận mà nói không giận, trách móc mà nói không trách móc. Chỉ cần đi lững thững vài bước thở vào thở ra, hoặc vào phòng ngồi thở vài ba phút là cảm thấy nhẹ ngay, và tất cả được xí xóa.

 

Theo tôi, miên mật là mình kéo dài giây phút chánh niệm lâu chừng nào tốt chừng đó. Bất cứ lúc nào, nơi nào trong ngày cũng thực tập được. Đâu có phải cần hạ thủ công phu ngồi bất động từ giờ này qua giờ khác. Thời gian mới thực tập ai cũng vướng vào thói quen chung là ngồi cho lâu. Đo lường công phu bằng thời gian ngồi kiết già. Gặp nhau chỉ hỏi một câu : ”Anh ngồi được bao lâu trong một thời” và sẽ được định công bằng độ dài thời gian. Tâm đang bất an, nhiều lo lắng, nhiều dự tính thì không nên ngồi thiền mà nên quay về hơi thở, đi thiền hành. Lúc đó mà nghĩ rằng ngồi thiền để cho nhẹ bớt sự đè nén trong não thì không giúp được gì mà mình thêm trạo cử, ngồi không yên được. Hơi thở có chánh niệm là thiền, thiền hành là thiền, nhận diện hiện tại là thiền. Tu mà không tu. Khi tất cả các mặt nạ đều biến mất thì con người thật của tổ Lâm Tế bày ra. Chỉ một hơi thở có ý thức, trong một thoáng ngắn ngủi mình đi từ con người giả (với mặt nạ) đến con người thật. Nhưng thực ra không đi đâu hết, không tìm đâu hết.

 

Thầy Tăng Hội tả về cái tâm: trong một cái búng tay tâm có chín mươi bốn ngàn lần chuyển niệm, tâm như tấm gương đầy bụi bám vào. Nắm lấy hơi thở, đếm hơi thở, theo dõi hơi thở tâm dần dần sáng ra như một tấm gương được phủi bụi. Nếu đem tấm gương đó đặt dưới ánh mặt trời tấm gương sẽ phản chiếu đi khắp nơi và không cõi nào mà không hiện rõ.(Trích Thiền Sư Tăng Hội của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh).

 

Thiện Tài, đệ tử của ngài Văn Thù. Sau nhiều năm làm đệ tử hầu hạ thầy mình cảm thấy không bằng lòng. Xin thầy cho đi tìm đạo. Thầy vui lòng cho đi. Đi đến nước nào cũng gặp được một vị đại trí thức, từ bi dạy cho những giáo lý uyên nguyên, nhìn được thâm sâu vận hành của vũ trụ, hiểu được tiếng của muôn chim cầm thú, thâm hiểu cặn kẽ tam tạng kinh điển… Học được ở 52 vị đại trí thức, đạt đến 52 pháp môn vi diệu. Học xong vị nào cũng bảo Thiện Tài “pháp môn của ta chưa phải là rốt ráo. Con nên đến thầy kia.” Thiện Tài vâng lời làm theo. Đến vị đại trí thức thứ 52, ngài cũng cho Thiện Tài biết giáo pháp của ngài cũng chưa rốt ráo. Thiện Tài buồn bã, thất vọng quay về nhà với Thầy mình. Ngài Văn Thù biết trước, biết từ khi trò mình muốn ra đi, nên ra tận cửa đón trò mình với nụ cười và cái nhìn từ bi. Nhìn trò Thầy bảo: Thở đi con. Thiện Tài bừng tỉnh như chưa bao giờ tỉnh.

 

Chuyện như hoang đường nhưng có thật, bởi vì Thiện Tài và Văn Thù đang có trong ta.

Nguyễn Thế Hà

Misisssauga – Canada

Nguồn: PSN

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle