Quê hương
là gì hở
mẹ? sao nhà
thơ
Đỗ Trung Quân nói rằng:
“quê hương nếu ai không
nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”.
Quê tôi là một vùng
đất khô cằn sỏi đá của khúc ruột miền Trung. Cái vùng đất
mà từ thuở ban sơ đã hứng nhiều mưa bom, bão đạn;
đã un đúc từ máu và mồ
hôi của bao thế hệ
để viết lên những trang sử vẻ vang của
tuyền thống dân tộc. Thật thế, con người nơi đây, từ khi sinh ra
đã chịu nhiều cam go thử thách, thử thách của thiên tai, của
cuộc thế. Bao đau thương
tang tóc đã trút lên đầu
những người
con vô tội, "hết chiến tranh rồi bảo lụt tơi bời". Có lẽ vì
vậy mà đã rèn luyện
ý chí trung kiên và lòng
dũng cảm của người dân quê xứ
này.
Ngày
hòa bình lập lại, họ chỉ hai bàn tay trắng. Họ đã sống trong cảnh thiếu thốn, lầm than với tinh thần lá lành đùm
lá rách. Thế mà năm
tháng trôi qua, họ đã cùng nhau vươn
lên trong tình cảm mặn nồng chung thủy
của một xóm làng đầm
ấm với những mái lá đơn sơ. Cuộc sống quanh năm của họ là những
ruộng lúa, nương khoai, lũy tre, giếng
nước… và những tiếng cười rộn rã ngây thơ
của những em bé chăn
trâu ngoài đồng hoang dã… Cho nên,
những con người
được sinh ra và lớn
lên ở đây không ai là
không nhớ về một thời thơ ấu của mình.
Tuổi thơ
của tôi cũng đã gắn liền nhiều năm tháng ở đó mà tôi không
thể nào quên được, cho dù tôi
đã rời bỏ quê hương
hơn hai chục năm trời. Ở nơi xa xôi
này, mỗi dịp tết hay mỗi độ mưa về là lòng tôi
lại nhớ cố hương. Nhớ đêm giao thừa mọi nhà đều
quây quần bên bếp lửa
hồng với nồi bánh chưng xanh; nhớ những ngày xuân lũ
trẻ chúng tôi trong bộ
áo mới tung tăng khắp các nẻo đường thôn xóm; nhớ
tiếng võng đong đưa trong những trưa hè bên
Cha ngồi đan lát; nhớ cây đòn gánh
kẽo cà kẽo kẹt Mẹ gánh gạo
về trong những chiều mưa; thấp thoáng xa xa
ngôi chùa nhỏ sau rặng
tre thưa ở cuối làng mà vào những
đêm trăng đoàn Oanh Vũ chúng tôi
sum vầy ca hát… Ôi, thương quá quê hương
ơi! Thương cây đa giếng nước đầu làng, thương con sông nhỏ uốn cong cả hai bờ
đều lở, thương những mái tranh xiêu
và cả khói lam chiều sau những cơn mưa mùa hạ.
Ngày đó,
tôi không hề có một
ý niệm rời xa quê hương.
Vì sống ở đấy tuy xa xôi hẻo
lánh nhưng bình an vô
sự. Con người
tuy cơ cực nhưng giàu tình, giàu
nghĩa, phận tuy nghèo mà
lòng dạ thủy chung.
Họ sống bên nhau chan
hòa thắm thiết như một đại gia đình, thanh bần, đạm bạc, vui với gió
trăng và tiếng chuông chùa để quên đi nổi
nhọc nhằn lam lũ. Tôi
luôn tự hào về quê
mình bằng những câu thơ của Nguyễn Bính mà tôi đã
nằm lòng:
“Quê
tôi có
gió
bốn mùa,
Có trăng giữa tháng, có chùa quanh
năm
Chuông hôm, gió sớm, trăng rằm,
Chỉ thanh đạm thế, âm thầm thế
thôi,
Mai này tôi bỏ quê tôi
Bỏ trăng, bỏ gió, chao
ôi! bỏ
chùa.”
Thế
rồi cái gì đến cũng phải đến… Lũy tre đầu làng vẫn trơ gan qua mấy mùa mưa
bão; Con đường
đất đỏ
quanh co vẫn chai lì theo
mấy nhịp thời gian; ngôi chùa nghèo
khổ kia nay vẫn còn đó
trong âm thầm lặng lẽ để chia sẻ, an ủi những mảnh đời bất hạnh, những mảnh đời của những người nông dân chân
lấm tay bùn,… nhưng tôi đã rời
bỏ quê hương ra đi theo tiếng
gọi của Đạo nhiệm mầu cao cả.
… Để
rồi một chiều kia
bơ vơ nơi xứ lạ, kẻ lữ thứ phải chạnh lòng khi văng
vẳng đâu đây khúc hát
về quê hương. “Quê
hương ơi!
Việt Nam nước
tôi! Tôi mong ngày về từng phút người ơi!”
Vâng!
Tôi sẽ về, sẽ về lại nơi ấp ủ tuổi thơ, cùng chung
tay thắp sáng ngọn đèn trí tuệ
cho mái
chùa
quê ấm lại lúc Đông
về. Tôi sẽ về nơi mẹ già đang tựa
cửa ngóng trông và khêu
lại bếp lửa hồng giúp mẹ, để cơn mưa không buồn như những ngày hiu quạnh của mẹ, để không như lá vàng
rơi lặng lẽ cuối thu.
Ôi!
“Quê hương
hai chữ dễ thương
Càng xa càng nhớ
càng vương nổi buồn”.
Chiều nay, mưa về trên đất khách. Nhưng cơn mưa mùa hạ không
ào ạt, xốn xang, mà tỉ tách
dầm dề trong bầu trời âm u ảm đạm làm tôi nhớ
lại những chiều mưa ở quê nhà. Một
mình cô
đơn
trên gác trọ, lặng lẽ buồn tôi viết lên những dòng chữ gởi nhớ quê hương. Tâm hồn tôi
đang chìm lắng, chìm lắng trong dòng sông hồi
tưởng mặc cho những hạt mưa bên ngoài rả
rích, lê thê theo
chiều gió.
Phương xa,
Mùa Hạ 2011
Nguồn: phapvan.ca