Ba môn học (Tam vô lậu học)

Ba môn học (Tam vô lậu học)

 

Từ trước, chúng ta đã rõ Phật pháp từ bản chất là giáo dục chứ không phải là tôn giáo. Khóa trình rất nhiều, nội dung cơ hồ như chẳng điều gì là không bao quát, từ nhân sinh cho đến vũ trụ. Sách ghi lại nội dung khóa trình nầy được gọi là kinh. Tuy nhiên, không phải toàn bộ kinh điển từ Ấn Độ đều được đưa sang Trung Hoa. Vì những khó khăn trở ngại do đường sá từ Trung Hoa sang Ấn Độ thời xưa nên chư tăng người Trung Hoa sau khi sang Ấn Độ trở về và chư tăng Ấn Độ sang Trung Hoa đều mang rất ít kinh sách. Họ chỉ chọn những tác phẩm quan trọng nhất và để lại những cuốn khác. Thế nên tất cả kinh sách được giới thiệu ở Trung Hoa đều được xem là cốt tủy của đạo Phật.

Tuy nhiên, sau khi kinh điển được đưa vào Trung Hoa, không phải tất cả mọi bộ kinh đều được phiên dịch, chỉ những bộ kinh quan trọng và cốt yếu nhất mới được chọn dịch vì công trình phiên dịch rất khó khăn. Chương trình phiên dịch phải được bảo trợ bởi triều đình. Các dịch giả gồm cả chư tăng và cư sĩ khắp Trung Hoa cũng như người nước ngoài đều được mời tham gia công trình dịch thuật đồ sộ nầy. Theo lịch sử ghi lại, đạo tràng phiên dịch của ngài Cưu-ma-la-thập có trên 400 người, đạo tràng của ngài Huyền Trang có trên 600 người.

Tên của dịch giả mà ngày nay thấy ghi ở đầu bộ kinh chính là vị chủ trì đạo tràng dịch kinh, đại biểu cho toàn thể những người tham gia trong đạo tràng phiên dịch ấy. Kinh điển tiếng Hán mà ta thấy ngày nay tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, bản tiếng Sanskrit thất lạc rất nhiều, nay còn lại rất ít. Sau tạng kinh tiếng Hán, tạng kinh đồ sộ thứ nhì là tiếng Tây Tạng. Một phần tạng kinh nầy được dịch trực tiếp từ tiếng Sanskrit, một phần chuyển ngữ từ bản tiếng Hán.

Công chúa Văn Thành đời Đường đã mang kinh Phật sang Tây Tạng sau khi kết hôn cùng vua Tây Tạng. Đây là lý do Phật giáo được truyền sang Tây Tạng chậm hơn Trung Hoa 600 năm. Khi quốc vương Tây Tạng có niềm tin Phật pháp, liền có một tông phái Phật giáo mới từ Ấn Độ tìm cách truyền bá vào Tây Tạng.

Phần quan trọng của giáo lý Phật pháp là Ba môn học (Tam vô lậu học) gồm giới, định, huệ. Nếu thành tựu được ba môn học nầy thì chúng ta có thể thoát khỏi nỗi khổ ở thế gian. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã nói rõ các thời kỳ Phật pháp tồn tại ở thế gian: thời kỳ chánh pháp tồn tại 500 năm, thời kỳ tượng pháp tồn tại 1000 năm, thời kỳ mạt pháp là giai đoạn hiện thời sẽ tồn tại 1000 năm.

Điều gì là nỗi thống khổ của chúng sinh trong thời nay? Trước hết là tạo 10 nghiệp ác. Đức Phật dùng môn học vô lậu đầu tiên là ‘giới’ để chuyển hóa. Nỗi khổ thứ hai là tâm ý tán loạn, Đức Phật dùng môn học vô lậu thứ hai là ‘định ’ để đối trị. Nỗi khổ thứ ba là si mê, Đức Phật dùng môn học vô lậu thứ ba là ‘huệ’ để đối trị.

Tạo các ác nghiệp, tâm ý tán loạn, và si mê là ba căn bệnh lớn của chúng sinh thời nay. Đức Phật thuyết pháp là do chúng sinh bị bịnh thống khổ nên mới chỉ bày cho cách thoát khổ, như cách là dùng thuốc cứu người. Còn nếu chúng sinh không bệnh khổ thì Đức Phật không cần phải giảng nói. Như trong Kinh Kim Cương có nói: ‘Pháp còn phải xả, huống gì không phải pháp.’[1] Khi chúng sinh không còn bệnh khổ, thì giáo lý không cần thiết cho họ nữa. Cũng như người khỏe mạnh, nếu ngày nào cũng uống thuốc thì rốt cuộc sẽ thành người bệnh.

Giới để chữa trị cho thân, định chữa trị cho tâm và huệ để điều phục tập khí si mê. Kinh Phật phân ra ba tạng. Tạng kinh để phát triển định học, Tạng luật phát triển giới học, Tạng luận phát triển huệ học. Về sau, vào khoảng giữa thời vua Càn Long nhà Thanh, người Trung Hoa gom toàn bộ thư tịch của mình vào Tam tạng kinh điển rồi gọi là Tứ khố,[2] gồm  kinh, sử, tử, tập.

Tam tạng kinh điển còn phân thành kinh Đại thừa, kinh điển Tiểu thừa. Kinh điển Tiểu thừa gồm có Thanh văn tạng, Bích chi tạng. Kinh điển Đại thừa có Bồ-tát tạng. Nói tóm lại, giới để chữa trị cho thân, định chữa trị cho tâm và huệ điều phục tập khí si mê. Do vậy, người tu học Phật pháp mỗi khi khởi tâm động niệm, lời nói, hành vi mỗi mỗi đều xuất phát từ trí huệ.  

Thích Nhuận Châu dịch   

 

 

[1]  法尙應捨,何況非法.  Kinh Kim Cang.     


   [              2] :

Chia sẻ: facebooktwittergoogle