Huế:
Đoàn sinh GDPT và TNV “Tiếp Sức Mùa Thi” vào Đại học
2011
Kính thưa quí vị và các bạn,
Chúng ta thường nghe nói: “cát bụi lại trở về với cát bụi” hay “tứ đại trả về
cho tứ đại” hay “thân này chỉ là giả hợp của 5 uẩn” hay “hãy trở về với cội
nguồn tâm linh”, v.v… Đối với lứa tuổi thành niên hay cao niên thì phần nhiều là
hiểu thấu nghĩa lý, nhưng đối với các huynh trưởng trẻ GĐPT chẳng hạn, sinh ra
và lớn lên ở hải ngoại, thì có người vẫn còn băn khoăn thắc mắc suy gẫm về những
câu nói đó; thậm chí có người đọc thấy câu: “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi” lại
hiểu là đồng nghĩa với “cát bụi trở về với cát bụi”, v.v…
Vì vậy, không chỉ đoàn sinh GĐPT mà cả huynh trưởng trẻ cũng rất quan tâm đến
vấn đề tiếng Việt và Hán Việt, để hướng dẫn đàn em của mình và chính bản thân
mình, luôn trau dồi khả năng hiểu những vấn đề Phật pháp thông qua tiếng Việt.
Điều quan trọng là những bài Phật pháp về tứ đế (được gọi tên là bốn sự thật mầu
nhiệm), năm uẩn, lý nhân duyên sanh, lý duyên khởi, nhân quả… thì người huynh
trưởng nào đã qua các trại huấn luyện đều dã hiểu rõ những từ Việt ngữ và cả Hán
Việt trong đó.
Mùa hè đã về, các trường đã lần lượt đóng cửa, thầy cô giáo ở trường được nghỉ
còn huynh trưởng GĐPT thì đang chuẩn bị trại hè, trại họp bạn, v.v… cho đoàn
sinh của đơn vị, của miền, của toàn quốc, v.v…
Trong không khí vui nhộn của mùa hè, dưới bầu trời xanh mây trắng của sân chùa,
các huynh trưởng trẻ A,B,C quen thuộc của chúng ta lại quây quần bên nhau chuyện
trò về Đạo và đời, trao đổi những thắc mắc cùng trao cho nhau những kinh nghiệm
trong sinh hoạt và tu học của mình… Xin mời quý vị và các bạn
theo dõi và chỉ giáo thêm.
Trân trọng,
A: Buổi chiều thật đẹp quá, chúng mình nói chuyện về
tương quan giữa con người và thiên nhiên thật là thích hợp quá phải không?
B: Mình chỉ đưa thắc mắc về “tứ đại trong thân mình là gì?” mà sao bạn nói “con
người và thiên nhiên” hay quá vậy?
C: Thì đúng rồi chứ còn gì nữa? Không phải chúng mình đã giảng
cho các em rằng đất, nước, gió, lửa ở ngoài và ở trong con người cũng giống nhau
sao?
A: Như vậy mới nói “con người là một tiểu vũ trụ”.
B: Đúng! Đức Phật cũng nói bên ngoài có đất, nước, gió, lửa
thì trong thân chúng ta cũng có y như vậy.
C: Mình hiểu rồi. Đất trong thân là những chất cứng, dai,
như da thịt, tóc, lông, móng, v.v… Nước thì dễ thấy quá rồi.
Lửa là thân nhiệt, là sức nóng trong người, (người chết thì lạnh ngắt!).
Còn gió là cái gì mình chưa biết hết ngoại trừ hơi thở!
A: Theo Thắng pháp tập yếu thì có 6 loại gió, mình không rành lắm nhưng nói ra
để các bạn cùng suy gẫm, quán chiếu xem thế nào nha [vì họ chỉ kể tên và mình
tìm cách giải thích khi liên hệ với bản thân] đó là: Gió lên, gió xuống, gió
ngoài ruột/ bao tử, gió trong ruột/ bao tử, gió do tim đập; gió vào ra…
B: Gió lên gió xuống mình hiểu là gió ở trên, gió ở dưới, rồi gió ngoài gió
trong, gió vào ra là hơi thở vào ra còn gió do tim đập thì mình nghĩ: gió là sự
chuyển động trong thân mình, không chỉ tim đập mà máu lưu thông trong thân thể
cũng là gió, có phải không các bạn?
C: Thôi! Tạm dừng lại một chút! Các bạn hãy giải thích mau đi, mình không hiểu
hai bạn nói cái gì ☺☺ ! Thế nào là
gió lên/ gió xuống?
A: Mình cũng nghĩ như bạn B. Gió lên là gió xảy ra ở phần trên của cơ thể; ví dụ
nấc cụt, ho, ợ, nhảy mũi, v.v… Gió xuống là như tiểu tiện, đại tiện, gió ngoài
ruột /bao tử và gió trong ruột/ bao tử là những sự di chuyển của những phần tử
trong và ngoài bao tử, ruột làm cho chúng ta nghe những tiếng động trong bụng có
người kêu là “sôi bụng”, hay là hiện tượng “đầy hơi”… phải không bạn B?
B: Phải, mình nghĩ như vậy đó. Còn gió do tim đập còn gọi là “gió xuyên thấu”
bởi vì tim mà đập được là do sự tuần hoàn của máu trong cơ thể mình và tim có
chức năng lấy dưỡng khí để tạo thành máu đỏ nuôi cơ thể và đẩy máu đen từ cơ thể
ra bên ngoài; đây chính là bộ máy tuần hoàn nên gọi là “xuyên thấu” vì gió này
đi xuyên suốt cơ thể con người. Còn gió vào ra là hơi thở vào ra nơi mũi hay sự
phồng (lên) xẹp (xuống) của bụng.
C: Mình hiểu rồi, cảm ơn các bạn, thì ra có một chữ “gió” thôi mà nhiều chuyện
quá! À nhắc tới gió mới nhớ có lần mình đọc một câu thơ không biết có phải trong
sách Phật pháp không: “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi” có phải nói gió ngoài trời
và giông bão trong lòng hay không?
A: Không phải đâu bạn ơi!☺☺!
Câu này là câu thơ trong cuốn Chinh Phụ Ngâm (Khúc ngâm của
người chinh phụ - nghĩa là người phụ nữ có chồng đi ra trận).
“Cơn gió bụi” ở đây là chiến tranh đó bạn à!
B: Nói đến “tứ đại” mình nhớ câu chuyện về lửa và nước mà tôn giả Kassapa (Ca-diếp)
thảo luận với đức Thế Tôn trước khi trở thành đệ tử của ngài.
C: Các bạn kể cho mình nghe với, mình chưa biết đó nha!
A: Tôn giả Kassapa trước khi trở thành đệ tử lớn của đức Phật, là một môn đồ của
đạo thờ thần Lửa. Tôn giả nói với đức Phật rằng lửa là bản
chất uyên nguyên của vũ trụ; lửa có nguồn gốc từ Brahma (Phạm Thiên) nên con
người phải thờ Lửa.
B: Đức Phật hỏi lại: nếu có người cho rằng nước cũng là bản chất uyên nguyên của
vũ trụ nên phải thờ nước, vậy thì ngài nghĩ sao? Kassapa nói: Nước đi xuống
trong khi Lửa đi lên, chỉ có Lửa mới giúp ta siêu thoát, khi ta chết Lửa đưa ta
lên cao… Đức Phật đáp: này tôn giả Kassapa, ngài nói vậy e là không đúng lắm,
hãy nhìn đám mây đang bay trên bầu trời: đó cũng chính là nước, như vậy nước
cũng có thể bay lên cao, đó chính là hơi nước... muôn vật trong vũ trụ luôn
chuyển hóa; không có gì là thường còn bất biến cả... rồi đức Phật giảng cho
Kassapa nghe về giáo lý duyên khởi, liền đó Kassapa giác ngộ và đạt quả Thánh.
C: Còn chúng ta ngày nay học hoài mà vẫn không “ngộ” được cái gì cả!☺☺!!
A: Có chứ, chúng ta tuy chưa chứng được Thánh quả nhưng chúng ta từng bước đi theo con đường của đức Phật để tự chuyển hóa từ phàm phu lên
bậc Thánh.
B: Trở lại lửa và nước, các bạn có nhớ trong Phật pháp cái gì được ví với lửa và
cái gì được ví với nước không?
C: Mình chỉ nhớ Tham Sân Si được ví với Lửa (“một niệm Sân nổi lên đốt cháy cả
rừng công đức”) còn cái gì ví với nước mình quên rồi!
A: Là Giới, Định, Tuệ; Giới Định Tuệ được ví với nước vì nước Giới Định Tuệ này
có thể dập tắt được ngọn lửa Tham Sân Si trong Tâm chúng ta.
B: Đúng vậy, tu tập là quá trình chuyển hóa tâm, đưa tâm về nhà.
C: Lại nữa, một vấn đề hơi lạ đối với mình: Nhà? Nhà đây là
nhà gì?
là gia đình tâm linh? Là con người ngũ uẩn? Là Phật tánh?
A: Bạn B muốn nói là “ngôi nhà của Tâm” đó mà!
B: Đúng vậy, ý mình muốn nói là ngôi nhà của tâm, đó là một ngôi nhà có 6 cửa:
mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; tường vách của nó là nhẫn
nhục, người gác cửa là chánh niệm.
C: Mình biết rồi, công việc của ngưòi gác cửa là quan sát khách vào ra; có khách
tốt mà cũng có khách xấu; nếu không có người gác cửa thì nhà sẽ bị ăn trộm vào lấy đi những của quý…
A: Bạn C nhớ thật giỏi quá, đúng vậy, nếu không có người gác cửa chánh niệm thì
những tên trộm tham sân si sẽ vào nhà lấy đi những của quý của tâm. Đó là: tín,
tấn, niệm, định, v.v... cần
phải gìn giữ.
B: Mấy chữ “về nhà”, “trở về”, “về nguồn”, v.v… là nói đến sự trở về với bản tâm
thanh tịnh vì tất cả chúng ta đã “đi lạc” vào vô minh, trôi lăn trong 6 nẻo luân
hồi, v.v…
C: Nói tóm lại có phải ai đã sinh ra ở cõi Ta-bà này là đã đi lạc đường rồi hay
không? Nhưng muốn tìm đường “về nhà” thì cũng được thôi.
A: Phải rồi, các bạn có nghe bài sám mà quý thầy thường đọc sau thời Kinh Lăng
Nghiêm không?
Ngã niệm tự tùng vô lượng kiếp
Thất viên minh tánh tác trần lao
Xuất sinh nhập tử thọ luân hồi
Di trạng thù hình tao khổ sở
…(1)
B: Đã biết mình đi lạc thì sẽ biết “quay về” hay “trở về”. Cái câu “tự tùng vô
lượng kiếp; thất viên minh tánh tác trần lao” [đã từ vô
lượng kiếp, bỏ quên tánh giác đi vào chốn trần lao”] không phải là chuyện quá
khứ mà chuyện ngay bây giờ và ở đây.
C: Nghĩa là chúng ta có thể “quay về” hay “trở về” ngay bây giờ?
Trở về với bản tâm thanh tịnh?
A: Đúng vậy! Bản tâm thanh tịnh là gì?
Là cái tâm ban đầu, cái tâm bình đẳng vô tư, không yêu ghét lấy bỏ, không thị
phi... Ví dụ khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài (qua 6 cửa mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) chúng ta để cho cái thấy (của mắt),
cái nghe (của tai)… thuần túy là cái thấy, cái nghe, thế thì không có gì phải
phiền não…
B: Nhưng nếu để cho cái tâm yêu ghét xen vào: ví dụ Thấy đẹp thì yêu, thấy xấu
thì ghét, nghe khen thì vui, nghe chê thì buồn, v.v… đó là lúc phiền não, ham
muốn, lo lắng, ganh ghét, giận dữ… khởi lên trong tâm, bầu trời tâm không còn
trong xanh nữa mà đã gợn lên những đám mây đen.
C: Hiểu rồi! Tóm lại cũng là nói về con đường thiền tập, đem
tâm trở về với thân.
A: Đúng vậy, bước đầu tiên là niệm thân, rồi niệm thọ, niệm tâm và niệm pháp.
B: Chúng ta niệm thân bằng cách chú tâm vào hơi thở, quan sát và ý thức được hơi
thở vào ra. Niệm thọ là ghi nhận được những cảm thọ khởi lên trong thân và tâm (nóng
lạnh, đau nhức, khó chịu, dễ chịu, vui, buồn, giận, v.v…)
C: Thật vậy, muốn cho tâm an thì thân phải an trước; nếu thân cứ bệnh tật hoài
thì tâm sẽ sinh phiền não, bi quan, không thể nào tinh tấn tu học hay tu tập gì
được cả!
A: Phải rồi! Khi thân tâm được bình yên tĩnh lặng, cân bằng thì năng lực chánh
niệm rất mạnh, có thể quán chiếu những cảm thọ phiền não khổ đau đến rồi đi,
không còn lôi cuốn tâm đi theo; ta nói: phiền não đã
được chuyển hóa.
B: Lúc đó tâm ta hoàn toàn ở trạng thái rỗng lặng chiếu sáng; ta nói đó là “tánh
biết” tánh biết này còn gọi là “Phật tánh” hay “tâm Phật bất sinh”, nói theo
thiền sư Bankei.
C: Lúc đó là ta đã đưa tâm về nhà, hay trở về hay quay về, v.v...
phải không? Mình đã hiểu rồi! Cảm ơn các bạn! Tạm biệt!
A&B: Tạm biệt! Tạm biệt!■
Tâm Minh
Chú thích
(1) Con nhớ rằng con đã từ vô lượng kiếp
Đã bỏ quên tánh giác trong con mà đi vào chốn trần lao
Vào sinh ra tử chịu cảnh luân hồi
Đã thay hình đổi dạng biết bao lần trong khổ nạn (thọ sanh vào loài người, loài
cầm thú, loài ngạ quỷ, v.v…)
Nguồn:
http://www.phapluanonline.com/