Lão thầy bói

Lão thầy bói

Chiêu Hoàng 

 

1.

 

Ở cuối chợ, chẳng hiểu từ lúc nào, bỗng xuất hiện một lão ăn mày ghẻ lác. Mà nói cho ngay, thiên hạ cũng chẳng biết lão có làm nghề ăn mày không nữa, vì lão chẳng ngửa tay xin tiền ai bao giờ. Mọi người chỉ thấy lão ngồi cuối chợ, bày xuống đất một miếng giấy nhật trình, nhầu nát, đen bẩn như bộ quần áo lão đang mặc. Trên tờ giấy có để một cái chén mẻ và vài đồng xu nằm lăn lóc. Bên cạnh, một tấm bảng viết tay ngoằn ngoèo: "Thày Bói"

 

hình minh họa

Thường thì chẳng bao giờ lão có khách đến coi. Nên lão sống bằng lòng hảo tâm của khách qua đường. Nghe đâu, lão coi bói như thần, cứ mười vụ, thì đều trúng cả mười. Toàn những chuyện xui xẻo, thập tử nhất sinh. Thiên hạ ai cũng sợ, ngờ rằng, lão chỉ toàn đem điềm họa tới, nên ít người dám coi. Chẳng đặng đừng lắm mới lết đến nhờ lão coi giúp.

Cách nay mấy tháng, chị Sáu cháo vịt, làm ăn lỗ lã quá, rón rén đến đặt một quẻ xem vận mình ra sao, lão chẳng cần coi gì sất trọi, chỉ nhìn chị mà lắc đầu nguây nguẩy:

- Vận chị xấu lắm, chẳng làm được nên trò trống gì nữa đâu. Chị nên về nhà tụng kinh, sám hối cho nhiều, may ra...

Người đàn bà nhìn lão thày bói ngập ngừng:

- Dà....từ nào tới giờ, tui chẳng biết sám hối, tụng kinh sao hết thày à...

Lão thày bói nhìn chị một lúc, rồi chép miệng:

- Âu thì chắc ta đã có ít nhiều cơ duyên với chị. Thôi thì để ta gánh giúp cho chị một phen.

Nói rồi, lão lôi trong cái túi cáu bẩn một viên thuốc đen nhánh bằng hòn bi con. Bóp miệng người đàn bà và bắn vào họng. Lão làm nhanh quá, chị Sáu cháo vịt chỉ ú ớ lên vài tiếng, viên thuốc đã bị lọt tỏm xuống bụng. Chị nghe trong bụng mình nóng ran, chân tay run lẩy bẩy, chị quày quả bỏ về một nước, quên cả trả tiền quẻ và lời cám ơn. Ngày hôm sau, chị bị sốt cao độ, ốm lê lết hơn tháng trời mới bò dậy nổi. Dân trong xóm xầm xì, cho rằng, chị lại là một "nạn nhân" mới của ông thày bói ghẻ lác.

Vì những sự xầm xì nhỏ to ấy. Vô hình chung, dân trong xóm đã khoác lên lão thày bói thành một nhân vật bí hiểm. Có người lại kháo nhau rằng, lão chính là một vị Bồ Tát hóa thân xuống nhân gian để gánh bớt những nghiệp quả của dân vùng này. Như chuyện chị Sáu cháo vịt chẳng hạn. Có thể chị còn bị nặng hơn thế nữa, dẫn đến cái chết. Nhưng vì do lòng từ bi của lão, nên chị chỉ bị ốm một trận thập tử nhất sinh một tháng trời rồi thoát. Lại nữa, hình như lão có cặp mắt giống mắt của một vị Bồ Tát, có viền vàng ngoài cái tròng nâu đen.
Đồn đại cho lắm, chứ chẳng ai dám đến gần để kiểm chứng cho rõ có đúng là mắt lão như thế không. Họ đều sợ và chẳng ai dám đụng tới lão. Ngược lại, lão cũng chẳng đụng tới ai. Nơi lão "làm ăn" trở thành một khu "cấm địa" chẳng ai dám lai vãng. Thỉnh thoảng có người thương tình, thấy lão cứ ngồi lưng thẳng như cái cột trong dáng thiền định thì bỏ vội vào cái chén mẻ vài đồng lẻ, vài trái chuối, hay một ít bánh rồi vội vã đi thẳng...
 

-oOo-
 

- Tép ơi, chạy ra chợ mua cho mẹ một bó rau muống và chai tương nhé. Nhớ không được la cà đi chơi đâu đấy, con phải về ngay nghe không?

Người mẹ ốm ho sù sụ, mệt mỏi, uể oải ngồi dậy lấy trong túi ra ít tiền lẻ, dặn dò đứa con gái mười một tuổi của mình, bà nói thêm:

- Rau muống thì khoảng một đồng một bó, chai tương ba đồng, còn lại hai đồng mẹ cho con bỏ ống. Nhớ không được đi lang thang nghe chưa?

Con Tép, người lép kẹp như con tép khô. Mặc trên người một bộ đồ bà ba vá chằng chịt, khuôn mặt rang rỡ:

- Vâng, con sẽ về liền...

Tép tung tăng, xách làn mây ra ngõ. Nhà nó nằm cuối một con ngõ cụt, sâu hun hút, loằng ngoằng, rẽ ngang, rẽ dọc như cái bàn cờ trước khi ra đến mặt lộ. Nếu không phải là người trong xóm, vào con ngõ này phần đông đều bị lạc. Nhưng đối với Tép nó chỉ cần chạy một mạch, quẹo vài cái quẹo như người vũ công trổ tài là đã đến đường lộ rồi... Nó làm đúng theo lời mẹ dặn, mua đủ hai thứ bỏ vào làn mây. Nhưng trước khi về, bỗng nó nghe thấy tiếng lanh canh của các đồng xu chạm nhau. Nhìn lại, hóa ra là lão thày bói đang lấy quẻ. Mấy lần đi chợ với mẹ, nó đều muốn dừng lại nói chuyện với lão. Nhưng lần nào mẹ nó cũng kéo nó đi thật nhanh qua "gian hàng"  của lão, nên không bao giờ nó có thể trò truyện được. Hôm nay, thật hên, mẹ nó đang bị ốm ở nhà, đây là dịp rất thuận tiện đến hỏi thăm lão.

- Ông đang làm gì đấy?

- Đang gieo quẻ...

- Gieo quẻ để làm gì?


- Để xem có tai ương nào giáng xuống vùng này hay không.

Con Tép chẳng hiểu ông lão nói gì. "Quẻ" là gì nó chẳng biết. "Tai ương" là gì nó cũng chẳng hiểu. Nhưng cứ hễ nhìn thấy ông bẩn thỉu, ghẻ lác, chẳng có ai chăm lo, nó bỗng thấy thương hại. Nếu mẹ nó đừng vì lời đồn của thiên hạ để sợ hãi ông tới thế, chắc nó cũng đề nghị mẹ nó mời ông lão về nhà ở cho có chỗ trú thân. Nó nghĩ bụng. Trong túi mình có hai đồng, cứ đem cho ông lão trước rồi sau này có tiền bỏ ống sau. Vì tuy hai đồng đối với nó rất lớn. Nhưng chẳng hiểu sao cứ nhìn thấy ông lão ghẻ lác, ai cũng tránh né, nó bỗng thấy thương, chỉ ước sao mình có nhiều tiền hơn để cho lão. Âu, đó là cái cơ duyên của nó với ông vậy. Nó đổi giọng:

- Ông ơi, sáng giờ ông đã ăn gì chưa? Cháu vừa có hai đồng đây, cháu biếu ông tất!!

Nói rồi, nó khẽ khàng, mở cái kim băng cài ở túi áo lấy ra hai đồng đặt xuống cái chén mẻ:

- Cháu nghĩ, hai đồng này có thể giúp ông được một bữa tối. Nếu ăn dè thì có thêm được bữa sáng ngày mai đấy ông...

Ông lão nhìn con bé:

- Cháu tốt bụng lắm. Cháu tên gì thế?

- Ở nhà mẹ cháu gọi cháu là Tép.

- Ông chẳng lấy không của ai bao giờ. Thế cháu muốn gì, ông cho...

Con Tép nhìn ông lão.
Nghiêng đầu ngẫm nghĩ một lúc rồi xoè răng ra cười, nó nói đùa:

- Cháu muốn ông "làm phép" cho mẹ cháu khỏi bệnh.

Ông lão nhìn con bé trầm ngâm một lúc rồi bảo:

- Tất cả các nghiệp - dù là thiện nghiệp hay bất thiện nghiệp - khi đã trổ quả thì không thể thay đổi được nữa. Rất tiếc, ông không thể nào giúp cháu được điều đó. Nhưng "Vô công, vô dụng hạnh", ông chẳng lấy không của ai bao giờ. Để ông cho cháu cái này nhé.Nói rồi. Ông lão lại thò tay vào cái túi đen bẩn. Kỳ này, lấy ra một vật lóng lánh. Ông xoè bàn tay, con Tép nhìn vào lòng bàn tay ông thấy một tượng Phật nhỏ bằng ngón tay cái. Tượng đúc bằng vàng nên óng lên như có hào quang.

Con Tép chẳng hiểu "nghiệp quả", "vô công, vô dụng hạnh" là những gì. Nhưng mắt nó sáng lên khi nhìn thấy cái tượng. Cái tượng đẹp không ngờ. Nó chẳng biết tượng đó là tượng gì, nhưng nó rất thích. Nó đỡ lấy cái tượng bằng cả hai tay:

- Cám ơn ông!

Ông lão dặn dò:

- Cháu về nhà tìm một sợi dây đeo vật này lên cổ, khi nào gặp khó khăn, hoạn nạn gì thì tới đây tìm ông...

- Vâng.

Con Tép sung sư
ng bỏ cái tượng nhỏ vào trong túi áo cánh rồi cẩn thận lấy kim băng cài lại.

Lão thày bói giục giã:

- Thôi, cháu về, kẻo mẹ mong.

Tiếng lão nhưng một gióng chuông làm con Tép chợt nhớ, nó vội vã đứng dậy, xách làn mây, vừa chạy giựt ngược, vừa nói:

- Cháu về ông nhé!!


Từ ngày được lão thày bói cho bức tượng. Con Tép tìm một sợi dây tròng vào, đeo tòng teng ở cổ. Nó không dám khoe mẹ, sợ mẹ nó la, cho rằng lại đem điềm quở về nhà. Suy cho cùng, con Tép chẳng thấy ông lão có vẻ gì đáng sợ mà ai ai trong xóm cũng sợ ông. Ông chẳng làm phiền ai, ấy vậy, mọi sự xui xẻo, quở quang, thiên hạ đều đổ vào đầu ông tất. Tuy ấm ức dùm cho ông lão, nhưng con Tép chẳng dám hé răng, sợ rằng, bà con chòm xóm lại chửi nó.

Bệnh tình mẹ con Tép ngày càng nặng. Ban đầu, tưởng chỉ ốm đau qua loa, vài ngày bò dậy như mọi bữa. Nhưng không, mẹ nó ngày càng xanh mướt, ăn uống gì cũng bị nôn thốc ra với máu bầm. Trong khoảng thời gian này, con Tép chẳng biết làm gì. Ngày ngày, nó cứ lấy một ít tiền để dành của mẹ dấu trong lon gui-gô để trên trạn chén đi chợ mua đồ về nấu cháo cho mẹ, tiện thể, nó ghé thăm lão thày bói. Khi thì nó kể lể cho lão nghe về bệnh của mẹ nó, khi thì nó nói những chuyện trên trời, dưới đất. Nó vô tư, không biết gì cho đến khi khám phá ra số tiền để dành trong cái lon gui-gô ngày càng ít dần mà vẫn chưa thấy mẹ khỏi bệnh. Càng ngày, nó thấy bụng mẹ nó cứ trương phình lên, hai cẳng chân phồng lớn như hai cái chân voi. Cho đến ngày thứ mười thì mẹ nó lả đi, bà con chòm xóm mới hè nhau đưa mẹ con Tép vào nhà thương thí. Khám nghiệm, mới biết mẹ nó bị bệnh gan, tới thời kỳ chót không thể chữa được nữa...

Cả xóm đều cảm thấy ái ngại cho gia cảnh của con Tép. Ba nó đã bỏ đi đâu mất gần hai năm nay. Mẹ nó bệnh nặng sắp chết rồi. Nó còn quá nhỏ để đương đầu một mình với đời. Một vài người độc miệng lại rù rì đến chuyện vì nó "kết giao" với lão thầy bói nên mới ra nông nỗi ấy...

Còn con Tép ư?
Nó ngồi miết trong nhà thương, bên cạnh mẹ nó đã hôn mê. Thỉnh thoảng nó lại tuột cái tượng đeo trên cổ ra rà rà lên người mẹ nó, lên cái bụng trương phình và đôi chân sưng húp, hy vọng mong manh mẹ sẽ khỏi bệnh sớm, nhưng mẹ nó cứ bằn bặt, chẳng thấy khá hơn... Sợ hãi, nó tru lên khóc nức nở. Ban đầu, mấy cô y tá thương tình, dỗ dành và cho nó mấy củ khoai luộc. Nhưng, rồi ai cũng phải lo toan cho mình, không còn thì giờ đâu nghĩ đến hoàn cảnh côi cút của con Tép. Nó dần dần bị bỏ rơi....

Một buổi chiều, họ báo là mẹ nó đã tắt thở đêm hôm qua, đang chuẩn bị đem xuống nhà xác.
Con Tép đứng tần ngần, chẳng biết đi đâu. Khổ quá, nó lại òa lên khóc nức nở...
 

-oOo-
 

Mấy ngày sau khi mẹ con Tép chết, dân trong xóm nhận ra một điều lạ là chẳng thấy nó trở về. Lão thày bói cũng biến mất, không còn bày hàng ở cuối chợ nữa. Họ đâm ra lo sợ. Một số người yếu bóng vía, cho rằng, lão thày bói đã bắt mất linh hồn con Tép bán cho quỷ sứ mất rồi...


2.

Nay, nói về con Tép...
 

Chiều hôm đó, ngay sau khi người ta đưa xác mẹ nó đi, con Tép đứng ngơ ngác trong sân nhà thương. Nó chợt nhận ra một điều khủng khiếp: Nó đã mất mẹ! Có nghĩa rằng, nó không còn một nơi nương tựa nào nữa hết. Cha nó ư? Đi đâu, nào ai biết! Mẹ cũng chẳng bao giờ nhắc tới cha, nên nó càng mù mịt hơn nữa. Bỗng nó cảm thấy một nỗi thê lương đến rợn người, chỉ muốn quay trở lại nhà xác, lay mẹ nó dậy mà kèo nài đừng bỏ nó vơ. Sự sợ hãi, cùng với lòng bi thương làm nó gào lên khóc thảm thiết. Một số y tá thương tình, nhét vào tay nó ít tiền và khuyên nó trở về xóm cũ, may ra bà con trong xóm hùn nhau có thể giúp đỡ cho nó được ít nhiều. Cũng phải, đi đâu thì cũng nên trở về nơi chốn cũ, dẫu sao tình hàng xóm mỗi người một ít, có thể nó cũng sống lây lất được qua ngày. Mặt mũi lem luốc, bẩn thỉu vì nước mắt hòa với bụi, tay nắm chặt ít tiền do lòng hảo tâm của mấy cô y tá. Con Tép vừa khóc, vừa lếch thếch chân thấp, chân cao đi bộ từ nhà thương hơn tiếng đồng hồ mới về tới nơi. Càng khóc, nó càng thấy tủi thân, càng thấy mình bé nhỏ, lạc loài không nơi nương tựa. Nó thấy lạnh và đói. Giờ này, nếu mẹ nó còn sống chắc cũng đã gánh hàng từ chợ về rồi và đang cùng nhau ăn bữa cơm canh dưa đạm bạc. Giờ này, có lẽ, nó đang ngồi liếng thoắng kể cho mẹ nghe những gì xảy ra trong ngày. Dĩ nhiên toàn những chuyện lặt vặt của một đứa trẻ bán hàng rong ở bến xe đò, không bị đứa này bắt nạt thì cũng bị đứa khác dành khách. Nó bé quá, người thì lép kẹp, nhẹ hều, làm sao có thể giành nhau được với mấy đứa đô con ngoài bến đò kia chứ? Những lần nó kể lể than phiền với mẹ, thì bà chỉ cười hiền và bảo:

- Con ráng nhẫn nhục một chút. Đừng có gây sự, nhiều khi lại xảy ra chuyện lôi thôi! Đợi mẹ để dành tiền kha khá sẽ cho con đi học, mai mốt lớn, xin vào làm các hãng xưởng, đỡ khổ!

Thế mà, giờ mẹ nó đã ra người thiên cổ. Con Tép bỗng sợ hãi khi phải về cái mái nhà lụp xụp, lạnh lẽo ấy. Mái nhà mà mới cách nay vài tuần, lúc mẹ nó chưa bệnh, là cả một thiên đường với nó.

Khi con Tép về tới xóm cũ thì trời đã tối. Bước chân chậm lại, ngập ngừng. Lòng hoang mang vô kể, không biết mình về nhà rồi sẽ làm gì? Ngôi nhà vắng ngắt, lạnh lẽo, làm cho nó có cảm giác gờn gợn, sợ hãi. Bỗng chợt nhớ tới lão thày bói, và câu dặn dò: "Gặp chuyện gì khó khăn thì nhớ đến tìm ông". Lòng nó dậy lên một nỗi hy vọng mong manh. Nó chạy một mạch ra chợ, khu chợ vắng hoe chẳng còn ai, tim nó đập thình thịch trong lòng ngực, nó chỉ sợ ông thày bói cũng đã "dọn hàng" về nhà mất rồi. Đi tới cuối chợ thì ô kìa, ông vẫn còn ngồi đấy. Hình như ông đang đợi nó đến. Nó xà vào người ông khóc nức nở:
 

- Ông ơi, mẹ cháu chết rồi!!

Ông lão vuốt tóc con bé, nói bằng một giọng bi mẫn:

- Ông biết thế nào cháu cũng đến tìm ông. Tội nghiệp cháu bé bỏng, côi cút...

- Hu....hu....hu.... Cháu sợ quá ông ơi, cháu chẳng biết làm gì bây giờ... Ông cho cháu theo ông. Ông ơi .... Hu....hu....hu...

Sợ ông lão không bằng lòng, con Tép nức nở nói thêm:

- Cháu làm được đủ chuyện ông ạ, cháu cũng có thể làm ăn mày, xin tiền thay ông, cháu biết nấu cơm, giặt giũ...

Ông lão ngắt ngang:

- Không cần cháu phải làm nhiều như vậy đâu. Nhưng cháu có thực sự muốn đi theo ông không đã?

Con Tép nói trong tiếng nấc, trả lời không cần suy nghĩ:

- Cháu thực muốn mà. Ông cho cháu đi theo ông...

- Được, nhưng chắc cháu đã đói lắm rồi, bây giờ cháu phải ăn cái đã....

Nói rồi, ông lão lôi trong bọc ra một cái bánh bao còn nóng, một chai nước lạnh. Con Tép vội đỡ lấy ăn ngấu nghiến. Chẳng hiểu vì con Tép đói quá hay sao mà cái bánh có một vị ngon ngọt không ngờ. Bánh ăn vào miệng, lập tức tan ra thành cam lồ thấm vào toàn thân. Nó cảm thấy thân tâm an lạc, mọi ưu phiền dường như chỉ là một cái bóng mờ lãng đãng...

Đợi con Tép ăn xong, ông lão thong thả đứng lên:

- Thôi bây giờ theo ông về nhà cái đã...

Tép lẽo đẽo đi theo ông lão. Ban đầu, nó còn nhận diện ra đây là cuối chợ, kia là con hẻm, quẹo trái là đi vào khu xóm nhà lá của nó. Kia, xa hơn, ra tới đường lộ, chạy một mạch khoảng nửa tiếng là tới nhà thương, nơi xác mẹ nó đang nằm chờ được thiêu. Nhưng đi lòng vòng một hồi, nó không còn định được hướng nữa, phần vì tối trời, phần vì cứ nhìn theo chân ông lão mà bước, nên loanh quanh khoảng một lúc thì nó mù mịt...

Cả hai đi thêm khoảng nửa giờ nữa thì ngừng lại trước một dòng sông chảy xiết. Giờ này, người lái đò cũng đã ngưng làm việc. Ông lão vung tay, tung ra một giải lụa trắng nằm vắt ngang con sông rồi thoăn thoắt bước lên, con Tép cũng vội vã bước theo. Nó sợ lọt tòm xuống dòng nước đang chảy xiết phía dưới nên túm chặt lấy áo ông lão mà đi. Qua sông, ông lại vung tay, giải lụa biến mất dưới cánh áo. Đi thêm khoảng một trống canh nữa thì bước vào một khu rừng trúc thưa. Nơi đây, không khí như loãng ra, trong hơn, mát hơn. Con Tép nghe rõ tiếng lá trúc đưa xào xạc như tiếng thầm thì của Đất và Trời. Giọng ông lão vang lên trong không gian tịch mịch:

- Chúng ta gần về tới nhà rồi đấy.

Đó là một căn nhà nhỏ, đơn sơ làm toàn bằng trúc. Ông lão loay hoay bật lửa đốt lên một ngọn đèn. Ánh sáng tỏa lan một vùng. Con Tép ngơ ngác nhìn hết chỗ này tới chỗ khác. Nó có cảm tưởng mình đang lạc vào một thế giới khác, vừa kỳ, vừa diệu, vừa trong sáng hồn nhiên. Tiếng ông lão mơ hồ, lãng đãng:

- Phòng bên là phòng của ông. Nhưng tạm thời cháu vào đó ngủ đỡ. Ngày mai ông sẽ đóng một cái giường trúc khác và ngăn thêm một phòng cho cháu..

Nói rồi, như người vừa trút xuống một chiếc mặt nạ, ông cởi cái áo bẩn thỉu, rách nát máng vào góc phòng. Hốt nhiên, ông trở thành một ông già râu tóc bạc phơ, không còn dơ bẩn và ghẻ lác như ở ngoài chợ nữa. Ông lão giục giã:

- Thôi, cháu đi ngủ đi, khuya lắm rồi... (chợt nhớ) À, nay, ông muốn đặt cho cháu một cái tên mới. (ngẫm nghĩ...) Hùm.... Cái tên cũ của cháu đã trở thành quá khứ, tất cả đã qua một quãng đời. Mà cuộc đời chỉ là một "giấc mơ" dài. (Reo lên) Hay quá!! Ta đặt tên cho con là Mơ. Con nhớ đấy. Có nghĩa rằng, cuộc đời chỉ là huyễn mộng, chỉ là một giấc mơ dài. Khi nhớ được điều này, thì mọi đau khổ con gặp phải sẽ được vơi đi rất nhiều...

 

3.

Từ khi có Mơ, ông lão không còn ngồi cuối chợ làm thày bói nữa. Ông dành tất cả thời giờ để dạy dỗ Mơ nên người. Ban đầu, ông dạy Mơ làm thế nào để có thể tự nuôi thân bằng cách dạy nó làm rẫy, trồng khoai và rau quả trên mảnh vườn be bé bên hông nhà. Cả hai sống trên những gì họ thu hoạch được. Phần dư, họ phơi khô. Thỉnh thoảng, ông lão lại đem ra chợ đổi lấy những nhu yếu phẩm khác như quần áo và gạo. Rồi ông dạy nàng biết đọc, biết viết, dạy những căn bản đạo đức và lối cư xử với người đời. Những lúc rảnh, ông còn dạy nàng đàn, hát. Ông bảo:

- Âm thanh là một trong sáu trần. Ta có thể nương âm thanh để vào đạo. Nhưng cẩn thận, vì chúng ta còn sống trong thế giới nhị nguyên, nên cũng còn có "mặt bên kia" của nó. Có nghĩa rằng, nó có thể đưa ta vào đạo, nhưng cũng chính nó có thể đưa chúng ta vào đời. Mê và Ngộ chỉ là hai mặt, tùy theo tâm thức có khởi động hay không mà nó có thể đưa ta đến an lạc, giải thoát hay đưa ta vào cõi trầm luân, khổ đau. Con cũng nên nhớ một điều, dẫu có ở trong đời, nhưng giữ được sự tỉnh thức trong tâm thì lúc đó ta không còn bị khổ đau làm chìm đắm. Ta nói nhiều quá chăng? Chắc con không hiểu nổi. Tóm lại, nói cho dễ hiểu, những khi con khởi tâm muốn hát, hoặc tấu lên một khúc nhạc, nên để lòng mình hoàn toàn buông bỏ, đừng chấp vào trong bất cứ một điều gì thì tâm con sẽ an lạc.

Dĩ nhiên, Mơ chỉ hiểu lõm bõm lời ông dạy. Nhưng nàng cũng cố dụng tâm ghi nhớ. Nàng rất thông minh, hình như nàng có khiếu về nhạc nên dạy đến đâu, nàng đàn được đến đó. Có những hôm, cả hai thày trò vừa đàn, vừa sáo tạo nên những khúc nhạc thánh thót vang lên trong khu rừng cây thưa.

Ngày tháng cứ trôi. Càng lớn, Mơ càng xinh đẹp. Nàng sống với ông lão, coi ông như một người cha ruột, một ân nhân.

Bên cạnh nhà có một hồ sen lớn. Cứ hễ đến mùa sen nở là thơm ngát cả một vùng. Những đóa sen vươn lên cao, lung linh trong nắng thật đẹp mắt.

Một lần, ông lão bảo nàng:

- Sáng mai, dậy sớm, ta sẽ dạy con ướp trà trong hoa sen.

- Tại sao lại phải dậy sớm hả ông?

Ông lão cười:

- À, đó chính là nghệ thuật ướp trà đấy con ạ. Mình phải dậy trong lúc trời còn mù sương, các búp sen chưa nở hết. Mình sẽ gieo một ít trà trong từng đóa hoa, tới khi mặt trời lên thì hương sen đã thấm vào từng cánh trà. Rồi con xem, đây là một việc làm rất thú vị...

Mơ vỗ tay reo lên:

- Hay quá. Nhưng, nếu mỗi đóa sen chỉ bỏ vào được có một ít trà thì biết đến bao giờ mới ướp xong cả rổ?

Ông lão cười lớn:

- À, đó lại là một phương pháp rèn tâm về lòng kiên nhẫn. Chẳng bao giờ nên có cái tâm vội vã, hối hả, "muốn làm cho xong việc", vấn đề là mình có vui thích và "sống" với những gì mình đang làm không? Đó chính là sự tỉnh thức, tỉnh thức với cái thời gian đang trôi qua từng sát na mà mình vẫn thường gọi là "Hiện tại"...

Cứ mỗi tuần hai lần, Mơ chèo thuyền ra hồ hái những đọt sen, đem về phơi khô ướp vào trà cho ông. Nàng vừa hái, vừa cất cao tiếng hát, giọng hát trong sáng, ngây thơ, nhẹ nhàng như Mộng, như Thực, các loài chim nhỏ cũng đồng cảm sà xuống róng cổ lên hót líu lo.

 

-oOo-

 

Một hôm, Mơ lại thấy ông lão giở mấy đồng xu lỉnh kỉnh ra gieo quẻ. Nàng rất ngạc nhiên, vì từ lâu rồi, ông chẳng bao giờ dùng đến nó. Mon men bước tới gần, nàng khe khẽ hỏi:

- Ông ơi, ông lại gieo quẻ để làm gì đấy?

- Để xem khi nào “nó” tới...

Mơ mở tròn mắt ngạc nhiên:

- Ai tới hả ông?

Ông lão lặng thinh, chẳng trả lời. Ông còn đang bận bấm đốt ngón tay. Chiều đó, ông bỏ giờ dạy đàn. Ông ngồi im lặng, khuôn mặt ra chiều suy ...


Vài hôm sau. Ông lão gọi Mơ lại, nói với giọng trầm trầm:

- Cơ duyên của ta và con sắp dứt. Con sẽ gặp những cơ duyên mới. Con sẽ chứng nhận những Hạnh Phúc và Khổ Đau. Vì đó là "Cuộc Đời". Nhưng ông nghĩ trong những năm học hỏi con cũng đủ vững để có thể đối phó được mọi hoàn cảnh trong đời sống.

Nói rồi, ông lão lấy trong túi ra một quyển sách mỏng, cũ đã vàng ố:

- Những lúc gặp hoạn nạn gần như không thể đứng vững nổi, thì con hãy đem cuốn này ra tụng đọc và nhớ đến ông. Con sẽ vơi bớt khổ đau...

Mơ quỳ thụp xuống, lòng xúc động, ôm lấy chân ông lão:

- Không. Không... Xin ông đừng đi. Tại sao lại phải đi kia chứ? Mà ông đi đâu?

- Ta đến những nơi cần đến. Còn rất nhiều việc để làm, còn rất nhiều người cần sự giúp đỡ...

Nói rồi.
Ông lão đứng lên, vói tay lấy bộ quần áo cũ bẩn hôm nào vắt lên vai. Xách theo cái bị nhỏ lặng lẽ bước ra khỏi cửa. Còn lại Mơ ngẩn ngơ đứng lại với nước mắt đoanh tròng. Nàng nghe trong không gian tiếng hát ông bàng bạc:

"Bình bát cơm ngàn nhà
Thân chơi muôn dậm xa,
Mắt xanh xem người thế,
Mây trắng hỏi đường qua." (*)

Tiếng hát chưa dứt, nhưng dáng ông đã mất dạng trong cánh rừng thưa. Nàng nâng cuốn sách mỏng lên đọc được giòng chữ:
Kinh Pháp Hoa. Phẩm Phổ Môn

Bỗng Mơ chợt giật mình, nhủ thầm.
Từ bao lâu nay nàng được thân cận với ông lão, cũng vẫn chưa có dịp để ý xem tròng mắt ông thực có cái viền vàng quanh tròng nâu đen hay không...

 

4.

Khách lạ
 

Từ ngày ông lão bỏ đi, Mơ có cảm tưởng đời sống mình như chậm lại, thời gian dài ngoẵng ra, không gian hình như ngày càng thênh thang hơn. Hiển nhiên, Mơ rất buồn. Nàng nhớ ông, nhiều lần rấm rứt khóc thầm vào những lúc chạng vạng tối. Hình ảnh ông ngồi bên ngọn đèn lù mù đọc những trang kinh cứ in sâu trong tâm nàng như một dấu ấn chẳng thể nhạt phai....

Dù ông đã bỏ đi và chẳng biết bao giờ gặp lại, nàng cũng vẫn giữ thói quen sáng sớm ra hồ ướp trà vào các búp sen lấy hương, phòng khi ông trở về. Khoảng thời gian đầu ngày trong những buổi sáng tinh sương ấy là khoảng thời gian Mơ thích nhất. Các hạt sương còn long lanh đọng trên những cành lá, đêm vẫn còn quyến luyến chưa muốn rời ngày. Nhưng chim rừng đã bắt đầu líu lo cất tiếng hát chào đón một ngày rất tinh khôi. Mơ bắc lên bếp một ấm nước, bỏ một ít trà sen cùng hai tách nhỏ uống trà rồi đem cả bộ ra hồ. Nàng thong thả rót trà ra hai tách nhỏ, vừa uống trà, vừa tưởng tượng ông lão cũng có mặt và cùng uống với nàng.... "Mời ông dùng trà con mới ướp hương sen..." Mọi động tác thi vi của nàng làm thong thả như một người cực kỳ nhàn rỗi, bắt đầu hưởng trọn vẹn hương vị của một đêm tàn đang bịn rịn chia tay với ngày mới... Nàng nhớ ông, nỗi nhớ rất nhẹ nhàng, mênh mang, loang dần trải dài theo ký ức. Từng ngụm trà nóng, thơm phà theo hơi thở, quyện với màn sương lảng bảng chung quanh.... Cũng hên, công việc hằng ngày của nàng khá nhiều, từ làm rẫy, trồng rau, hái trà, phơi khô v.v.. Lại kiêm thêm vụ niệm Phật mỗi tối nên dần dần, nỗi nhớ thương cũng tạm nguôi ngoai...

Một buổi sáng.
Khi ánh nắng sớm mai vừa chênh chếch ló lên gần tới bụi cây hồng. Mơ đang loay hoay làm rẫy ở mảnh vườn con bên hông, thì bỗng thấy một bóng người đi như bay về hướng nhà mình. Gã khoác trên người một tấm poncho đen, hai tay vung vẫy, trông xa tựa như hai cái cánh đang vỗ nhịp nhàng. Thoáng chốc đã thấy gã vào tới tận sân nhà. Giọng ồm ồm, gã nói lớn đầy khích động:

"Lão ấy đâu rồi?"

Giọng nói phá tan không gian tịnh mịch. Một vài chú chim ngơ ngác, sợ hãi vụt cất cánh bay đi. Nghe tiếng người, Mơ giật mình nhìn ra mới biết nhà vừa có khách lạ ghé qua... Nàng vội quẹt hai cánh tay đầy bụi đất vào vạt áo, lật đật bước ra chào.

Đó là một người đàn ông trạc trung niên, tướng mạo thật kỳ dị. Khuôn mặt gã từa tựa như hình tam giác. Phần trán nở rộng rồi teo dần xuống phía cằm. Điểm đặc biết nhất là các cơ quan trên mặt (mắt, mũi, miệng) đều xúm xít, túm tụm lại một chỗ làm cho vầng trán đã rộng lại càng thêm rộng. Hai má bớt ra phía sau, cánh tai nhỏ dán sát với da đầu. Tấm poncho rộng thùng thình phủ từ cổ xuống quá đầu gối, chỉ thò ra ngoài hai bàn tay và hai cẳng chân khẳng khiu, lều khều. Nhìn thoáng, trông gã từa tựa như một loài chim lạ nào đó.

Mơ há hốc miệng nhìn gã như bị thôi miên. Bốn mắt nhìn nhau. Một thoáng. Gã lập lại câu hỏi lúc nãy - vẫn là câu hỏi trống - nhưng giọng đã bắt đầu bớt khích động và trùng xuống một nấc:

"Lão ấy đâu rồi?!"

Mơ rụt rè hỏi lại:

"Có phải....đại...nhân muốn... hỏi thăm thày tôi?"

"Ta hỏi lão thày bói đâu rồi?"

"Thày tôi đã bỏ đi từ hai, ba tháng trước. Xin hỏi.... Đại nhân... là ai thế?"

Gã kêu lớn:

"Hả?.... Mi nói sao? Lão ấy bỏ đi rồi hả?"

Niềm thất vọng ánh lên khoé mắt, miệng gã méo xệch đi như mếu, trông lại càng dị dạng hơn. Lão dẫm bành bạch hai bàn chân khẳng khiu xuống đất rồi ré lên khóc lớn:

"Ta biết ngay mà!
Ta biết ngay mà! Rõ ràng lão ấy tránh ta. Lần nào ta đến tìm, lão cũng đều bỏ đi trước đó vài ngày hay vài tháng rồi....hu...hu...hu..."

Thấy lão khóc lóc thảm thiết quá, Mơ đâm ái ngại.
Nàng rụt rè an ủi:

"Đại nhân không nên bi thương quá thế. Cháu nghĩ, thể nào một ngày kia Đại nhân sẽ gặp được thày cháu mà..."

Nghe Mơ nói vậy.
Gã lập tức ngừng khóc. Nhìn Mơ với đôi mắt ráo hoảnh, tựa như chưa từng khóc bao giờ:

"Ý mi muốn nói, lão sẽ về đây lại?"

"Cháu...không biết.... Vì thày cháu có thể về, mà cũng có thể chẳng trở về..."

"Đấy!
Mi cũng lại nói giọng ỡm ờ y hệt như thày mi. Y hệt như cái giáo lý mà lão ấy đã vất vào mặt ta gần hai mươi năm trước. Hai mươi năm, ta ngồi suy nghiệm muốn vỡ óc mà chỉ nhìn thấy lờ mờ...."

Sau vài câu đối thoại.
Mơ nhận ra rằng, tuy gã có một hình tướng dị dạng, nhưng tâm hồn như trẻ, như già. Hình như những gì hắn nói, hành động đều hồn nhiên móc trực tiếp từ cái tâm mênh mang ấy. Mơ lại rụt rè mời:

"Thôi thì Đại Nhân đã đến đây rồi. Xin mời quá bước vào nhà dùng chén trà đã...."

Gã yên lặng theo chân Mơ bước vào hẳn gian trước, nơi có đặt một chiếc bàn nhỏ bằng trúc và hai chiếc ghế. Mơ gợi chuyện:

"Chẳng hay quý danh đại nhân là chi và gặp thày cháu trong trường hợp nào thế? "

" Ta tên là Vô-Khứ-Vô-Lai-Duy-Hữu-Hiện-Tại Đại Bà La Môn"

Thấy Mơ ngớ ra với đám từ loảng xoảng gã vừa phun. Gã lại phải dài dòng giải thích:

" Thường những hành giả Bà La Môn chúng ta hay tự đặt cho mình một danh xưng dựa trên chủ thuyết mà mình đang tu tập. Nên đôi khi có những tên dài thậm thượt như một tờ kinh. Ta là một đại hành giả Bà La Môn chủ trương không có quá khứ, không có vị lai chỉ tin vào hiện tại mà thôi... (thở dài) Chính vì cái tên dài lòng thòng này mà ta mới gặp được thày người đó..."

" Thế Đại....Bà La Môn (nàng đổi lối xưng hô thay vị gọi là Đại Nhân) gặp thày cháu trong trường hợp nào mà thở dài có vẻ...bi ai thế?"

"Thì có gì đâu. Trước đó, ta rất hãnh diện và thích chí với danh xưng và chủ thuyết của ta. Đi đâu, tới chỗ nào, ta cũng đều tranh luận và dùng đủ mọi lý luận thế gian để bẻ tất cả những lý luận ngoại đạo khác. Dĩ nhiên ta chưa bị thua ai bao giờ. Cho đến một hôm...."

Mơ im lặng hồi hộp lắng nghe.
Nàng rót trà vào chén cho gã, nhìn gã chờ đợi. Gã ngừng lại một hồi, như để nhớ rõ lại mảnh quá khứ của hai mươi năm trước. Giọng buồn buồn, gã tiếp:

Cho đến một hôm... Đó là một buổi chiều gần tàn. Lúc đó ta cảm thấy đói bụng, bèn xuống chợ kiếm một mua một món gì đó để nhét vào bụng. Đang đi lơ ngơ thì bỗng dưng ta vấp phải một cây gậy trúc bị té đùng... Chẳng hiểu sao cái cú té của ta mạnh đến thế, nó làm ta dập mặt xuống đất, s
t bể cả mũi.... Nhìn ra, thấy thầy người đang nhìn ta chăm chú, trên tay lão còn cầm thanh trúc nhịp nhịp... Cáu sườn, ta lồm cồm ngồi dậy, hét toáng lên:

"Lão làm cái gì thế? Sao đương không lại khèo cho ta ngã st dập mũi hử?"

Thày ngươi vẫn nhịp nhịp cây gậy trúc xuống mặt đất, khuôn mặt tỉnh bơ, hỏi lại:

" Mi mới thật là người ăn nói hồ đồ. Ta gạt cho ngươi té hồi nào?"

Ta càng cáu tiết khi thấy thày ngươi nói dối một cách trắng trợn đến thế, nên vỗ ngực bảo rằng:

" Tên ta là Vô-Khứ-Vô-Lai-Duy-Hữu-Hiện-Tại
Đại Bà La Môn. Đại Bà La Môn ta không thèm nói dối như lão đâu nhé. Rõ ràng hồi nãy chính lão đã khoèo ta té bằng cây gậy trúc này!!"

Nghe xong, thày mi cười lên khanh khách:

"Chà... Đại hành giả Bà La Môn Vô Khứ Vô Lai ư? Nếu ngươi chấp không có quá khứ thì cái hành động "hồi nãy" của ta cũng là không có. Sao ngươi lại ăn nói hồ đồ mà dám lộng ngôn đổ cho ta là người nói dối? Chính ngươi mới hồ đồ, mù mịt, ăn nói chẳng có trước sau..."

Nói rồi. Lão lại nhịp nhịp cây gậy trúc. Nhanh như chớp, lão vung cây gậy lên và phang thêm cho ta mấy cú nữa...

Đau quá, ta nhảy lên, la oai oái:

"Đó, rõ ràng là lão vừa đánh ta thêm. Chẳng chối cãi vào đâu đấy nhá!"

Thày mi cười khành khạch:

"Cái hành động "vừa" đánh đó nó đã chạy tuốt vào quá khứ rồi mà sao mi cứ lôi thôi cãi cọ mãi? Nếu ngươi đã chấp nhận là có quá khứ thì sao không đổi tên, cởi áo, về nhà đuổi vịt cho vợ có hơn không?"

Nghe thày mi nói thế, ta như người vừa bị một kẻ nào đó đập tan hoang những gia tài kiến thức mà ta có từ xưa tới giờ, ta có cảm tưởng mình bị lột trần, như một người phá sản nhẫn đến không còn tới một đồng xu nhỏ. Ta nghe một làn hơi lạnh toát chạy thằng từ gáy dọc theo sống lưng làm ta bàng hoàng như muốn ngất đi. Ta cứng họng. Thừ mặt một lúc nhưng vẫn cứ cãi bướng:

"Ta chỉ không chấp nhận cái "quá khứ có kiếp trước", và không chấp nhận có "kiếp vị lai" thôi. Còn những hành động nào của đời này, ta còn nhớ được thì dĩ nhiên phải chấp nhận chứ!"

Thày mi gật gù:

"Hóa ra là thế! Như vậy mi có thật nhiều "quá khứ". Cái cú ngã hồi nãy là một quá khứ.
Cái trận đòn mới xảy ra cũng là một "quá khứ". "Những-quá-khứ-nhớ-được" (Tắc lưỡi) Chậc! Chậc.... Nói như thế lại càng không ổn. Vì những gì ngươi nhớ được thì mới gọi là quá khứ, còn những gì cóc nhớ được thì tất cả những thứ đó đều không có... Vô lý! Thậm vô lý! Này nhé. Nếu hồi nãy ta đánh ngươi mạnh tay hơn chút nữa tới độ ngươi bị ngất đi, thì chắc lúc đó không nhớ được rồi, nên hành động đánh kể như không có. Tới khi tỉnh dậy, thân thể vẫn đau nhừ thì mi giải thích ra sao? Có chăng? Không có chăng? Lại nữa, giả dụ đêm qua mi nằm mộng, lấy vợ, sinh con v.v.. Sáng thức dậy còn nhớ rành rành thì mi cho giấc mộng ấy là thực chăng? Nếu là thực thì vợ đâu? Con đâu? (thở dài). Ôi, con người cứ điên đảo mãi với chính những ngôn từ mà họ đã bày vẽ...

Thày ngươi càng nói, ta càng mù mịt. Nhưng trong cái mù mịt ta lại thấy thấp thoáng những điều gì vừa kỳ, vừa diệu. Ta đứng ngẩn ngơ, quên mất cái đau do trận đòn lão đánh hồi nãy. Tiếng lão lại cất lên, lần này như một lời chỉ dạy:

"Ta có mấy câu kệ. Ngươi nghe xong rồi ráng mà suy ngẫm. Khi nào hiểu được một phần nhỏ thì hãy đến tìm ta:

"Hiện tại thành quá khứ,
Quá khứ vòng vị lai....
Ba thời đều dung thông vô ngại.."
(*)


Nói rồi, lão bỏ đi. Còn ta ở lại một mình, ráng lẩm bẩm câu kệ lão vừa đọc. Chợt giật mình, phóng tầm mắt về hướng lão thày bói la oai oái:

"Không. Không, lão không thể bỏ đi được. Ta còn rất nhiều điều để hỏi..."

Nhưng trễ quá rồi, bóng lão đã biệt tăm ở cuối đường...

 

-oOo-
 

Từ đó. Ta ôm lấy ba câu kệ thày mi để lại như một mũi tên đâm vào trái tim làm ta nhức nhối đêm, ngày. Rút ra chẳng được, mà để yên đó cũng chẳng xong. Ta tư duy một cách khổ đau. Một vài lần, ta chợt có cảm giác mình hiểu được phần nào thâm ý của bài kệ, và có cảm tưởng rằng, pháp giới thật trùng trùng biến hiện, hình như nó được thành lập bởi một chuỗi dài của nghiệp lực khởi lên liên miên vô tận. Nhưng những ý nghĩ ấy chỉ loé lên như ánh chớp trong đêm tối mịt mùng. Sau đó, ta lại rớt vào trong những ý tưởng nông cạn, loay hoay với mớ ngôn từ giữa Hữu và Vô... Nhiều lần, khổ sở quá, không thày dạy, không người hướng dẫn, cũng không có lấy một tờ kinh để đọc. Muốn phát điên lên. Ta đâm oán trách thày ngươi, sao lại chỉ để cho ta có mấy chữ và bỏ đi như thế? Mấy lần, ta đi kiếm thày mi, nhưng không gặp. Chắc cơ duyên chưa chín muồi. Lần này cũng thế. Thày ngươi vẫn không chịu gặp ta...

Càng nói, gã càng thổn thức.
Đôi vai gã rung rung. Lần này, Mơ thấy những giọt nước mắt trong vắt như thủy tinh rơi rớt đầy trên má gã...

Không gian rơi vào một sự yên tĩnh lạ lùng.
Mơ có thể nghe rõ được tiếng lá xào xạc qua những cơn gió và hơi thở của mình cùng tiếng nấc của vị Bà La Môn. Nàng chẳng biết nói gì hơn là im lặng và chia sẻ. Một lúc, cơn xúc động cũng đã nguôi ngoai. Gã uể oải đứng dậy nói với Mơ như một lời cầu xin khẩn thiết:

"Suốt đời ta chỉ mong gặp được thày ngươi thêm một lần. Một lần thôi, có chết ta cũng đã mãn nguyện lắm rồi!"

"Chắc chắn rồi Đại Bà La Môn sẽ được gặp thày cháu. Vì cháu biết rõ một điều rất thật, hiển nhiên như hơi thở. Thày cháu chẳng bỏ ai bao giờ!"

"Vậy thì rất tốt.
Ít nhất, trong cuộc sống của ta còn có một niềm tin.."

Nói rồi, gã trở bước. Bóng gã nhòa dần theo những cơn nắng quải. Xa xa, hình như có tiếng một loài chim đang hót đâu đây...




(*) Kệ trích trong kinh Hoa Nghiêm, viết theo trí nhớ của TG

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle