Nhập môn giáo dục Phật giáo

Chương 5

KINH ĐỊA TẠNG

I. Đại viên mãn

Sau khi đã hiểu được mục tiêu và phương châm của nền giáo dục Phật-đà rồi, chúng ta cần phải có nhận thức sâu rộng hơn về Phật pháp. Thế nào là Pháp? Đó là chân tướng của nhân sinh và vũ trụ, tất cả giáo nghĩa của chư Phật được chứa trong trong kinh tạng. Những kinh điển nầy do môn đệ của Đức Phật ghi lại. Kinh điển chính là bộ sách giáo khoa của Phật pháp. Bộ kinh căn bản nhất của Phật giáo Đại thừa là Kinh Địa Tạng[1]. Có thể xem đây là cuốn giáo khoa thư cho những ai ban đầu học Phật. Trong kinh, chân lý được Đức Phật trình bày rất rõ ràng, không bằng ngôn ngữ mà biểu thị bằng sự phóng hào quang. Kinh mở đầu bằng việc Đức Phật phóng các đạo hào quang to lớn sáng rỡ. Đó là:

1. Vầng mây sáng rỡ đại viên mãn.   

2. Vầng mây sáng rỡ đại từ bi.

3. Vầng mây sáng rỡ đại trí huệ.

4. Vầng mây sáng rỡ đại Bát-nhã.

5. Vầng mây sáng rỡ đại tam muội.

6. Vầng mây sáng rỡ đại kiết tường.

7. Vầng mây sáng rỡ đại phước đức.

8. Vầng mây sáng rỡ đại công đức.

9. Vầng mây sáng rỡ đại quy y.

10.        Vầng mây sáng rỡ đại tán thán.

Mặc dù nêu ra 10 đạo hào quang, nhưng không có nghĩa là chỉ có 10. Con số 10 chỉ là một biểu tượng cho tính  viên mãn, biểu tượng cho một chu kỳ hoàn chỉnh vô tận.

Đại viên mãn trong Kinh Địa Tạng thì trong Kinh Vô lượng thọ gọi là ‘Vô lượng’. Không chỉ thọ mạng vô lượng, mà mọi thứ đều  vô lượng! Tuy nhiên, trong tất cả hiện tượng vô lượng, mạng sống là quan trọng nhất. Chúng ta có thể có được vô số ruộng vườn, của cải tài sản, nhưng nếu chúng ta không sống thọ, thì làm sao ta hưởng nó được? Do vậy, Tịnh độ tông dùng chữ ‘thọ’ để biểu tượng cho mọi cái vô lượng. Và trong Kinh Địa Tạng, Mười vầng mây Đại quang minh biểu tượng cho ý tưởng nầy. ‘Một là tất cả, tất cả là một’ sẽ giải thích rõ ràng ý niệm vô lượng của con người và vũ trụ.

Đức Phật đã đặt nền tảng giáo lý về nhân sinh và vũ trụ  vào đâu? Trước nhất là vào Vầng mây sáng rỡ Đại viên mãn. Trong Mật tông Tây Tạng, ý niệm Đại viên mãn chính là Chân như tự tánh như trong Hiển giáo của Phật giáo Trung Hoa. Chân như tự tánh chính là Đại viên mãn. Các hào quang tiếp theo: Vầng mây sáng rỡ đại từ bi, Vầng mây sáng rỡ đại trí huệ.Vầng mây sáng rỡ đại Bát-nhã.Vầng mây sáng rỡ đại tam muội, Vầng mây sáng rỡ đại kiết tường..., tất cả đều viên mãn. Đại viên mãn chính là Chân như tự tánh của chúng ta. Chính từ điểm nầy mà Đức Phật lưu xuất vô lượng giáo pháp chỉ dạy cho chúng ta. Mọi điều Đức Phật chỉ dạy đều có sẵn đầy đủ trong chúng ta. Đó chính là chân như tự tánh. Mục đích 49 năm thuyết pháp của ngài là để dạy cho chúng ta sống một cuộc đời trọn vẹn và an lạc. Nền giáo dục viên mãn và độc nhất dành cho hết thảy mọi chúng sinh nầy là rộng lớn, bao quát hơn tất cả mọi hệ thống giáo dục trên thế gian rất nhiều.

Người đời vất vả lao nhọc suốt ngày, điều gì khiến họ thức khuya dậy sớm, làm việc suốt ngày, đến tối mới về nhà? Đó là vì họ mong cầu công danh, của cải tài sản, đặc biệt là sự giàu có. Liệu người ta có chịu tiếp tục làm việc nếu như họ không nhận được tiền bạc hoặc chút danh vọng sau khi làm lụng suốt ngày không? Chắc chắn là không. Đa phần họ sẽ uể oải và không muốn làm nữa. Do vậy, đối với phần đông nhiều người, động lực chính trong cuộc sống là của cải, kế đến là danh vọng.

Chư Phật và Bồ-tát không tham muốn của cải và danh vọng mà các ngài làm việc vất vả hơn chúng ta nhiều. Động lực nào đằng sau công việc dạy dỗ tận tâm chu đáo nầy mà không mong một sự đáp đền nào cả? Ý nghĩa đó nằm trong Vầng mây thứ hai, Vầng mây sáng rỡ đại từ bi. Cũng giống như người mẹ thương con, nhất là đứa con mới sinh thì càng được thương yêu sâu đậm hơn. Người mẹ thương con với tình thương tự nhiên mà không đòi hỏi điều gì cả. Tình thương nầy được gọi là lòng từ bi. Tình thương của Đức Phật và Bồ-tát đối với hết thảy chúng sinh cũng rộng lớn, bình đẳng, không một điều kiện nào cả. Đó là do tâm nguyện nhiều đời thúc dục các ngài cứu giúp cho toàn thể chúng sinh. Cho nên  có Vầng mây sáng rỡ Đại từ bi theo sau Vầng mây sáng rỡ Đại viên mãn.

Để giáo hóa người khác, chúng ta thực hành tu tập và  khuyến khích mọi người cùng tu tập như mình. Đó là tâm nguyện thiết tha giới thiệu Phật pháp đến cho mọi người. Động lực gì khiến ta làm như vây? Vì lòng từ bi. Nhưng nếu ta làm việc ấy vì danh lợi, thì đó thuần túy chỉ là dịch vụ và hoàn toàn sai lầm vì việc ấy phá hủy toàn bộ tinh thần chân chính của đạo Phật.

Đúng vậy, sự hoằng truyền giáo pháp, bao gồm truyền bá kinh luận, nên làm với tinh thần vô điều kiện. Các ấn phẩm mà tác giả giữ bản quyền thường không hợp với chân tinh thần nhà Phật. Mỗi khi tôi được tặng một tác phẩm Phật học nào đó, nếu thấy trang đầu có ghi ‘Sách nầy được giữ bản quyền, mọi hình thức in ấn, sao chép nếu không có sự thỏa thuận sẽ bị truy tố.’ là tôi không đọc sách ấy nữa. Sao vậy? Vì nếu cuốn sách ấy có được chút nào tri thức đúng đắn và lợi lạc, đáp ứng cho mọi người một cách vô điều kiện thì nên cho phép được in ấn rộng rãi. Thật là phí thời gian và công sức để đọc các ấn phẩm giữ bản quyền nầy. Chỉ những tác phẩm của những ai có tư tưởng rộng rãi, có tấm lòng vị tha và đã từng trải qua công phu thực hành thì những điều họ dạy hay viết ra mới đáng được đọc và nghiên cứu. Sao ta lại mong những người với tấm lòng hạn hẹp, mưu cầu lợi nhuận mà viết ra  những điều hay ho tốt đẹp và xem họ là người trong Đại viên mãn được?

Tâm từ bi phải được phát khởi trên lý tánh chớ không phải trên cảm tình. Nếu khác đi, sẽ là mê lầm. Trong nhà Phật thường có hai câu nói về tâm từ bi, “Từ bi là cội gốc, phương tiện là pháp môn để thích nghi cho mọi căn tánh chúng sinh.[2]” Câu thứ hai dường như hoàn toàn khác hẳn với câu trên, “Từ bi (đề phòng) dính mắc với nhiều tai họa, phương tiện (đề phòng) dẫn đến những việc phi đạo đức.[3]” Nguyên nhân đằng sau những mâu thuẫn nầy là nếu chúng ta phát khởi tâm từ bi mà quên đi căn bản lý tánh mà vì tình cảm thì kết quả thường là không mấy tốt đẹp. Do vậy, tâm từ bi thường phải đi liền theo trí huệ , nên Vầng mây sáng rỡ Đại trí huệ là đạo hào quang lớn thứ 3 trong 10 đạo hào quang Đại viên mãn. Trí huệ là pháp phương tiện. Chỉ bằng sáng suốt vận dụng vô số phương tiện trí huệ và từ bi thì mới có thể giúp chúng sinh được giác ngộ và thoát khỏi khổ đau được.

Tiếp theo là Vầng mây sáng rỡ Đại trí huệ. Khác nhau giữa Trí huệ bát-nhã và tri thức thông thường là gì? Kinh Đại Bát-nhã giải thích rất rõ: “ Bát-nhã vô tri, vô sở bất vi.” ‘Vô tri–không biết’ chính là bát-nhã; ‘vô sở bất vi – không có điều gì là không làm được.’ chính là trí huệ. Nói cách khác, một bên là thể và một bên là dụng. Trí huệ là tri thức nhận biết mọi hiện tượng trong pháp giới và nhận thức được chân lý toàn triệt. Trí huệ Bát-nhã hay còn gọi là Căn bản trí, có năng lực đoạn trừ vô minh phiền não. Hậu đắc trí là trí huệ có năng lực hiểu biết và giải thích mọi hiện tượng trong vũ trụ. Hậu đắc trí phát sinh từ Căn bản trí. Nếu chúng ta hoàn toàn không chứng nghiệm được gì cả về Đại viên mãn của vũ trụ, thì làm sao ta có thể nói cho người khác nghe được? Người tu hành đạt được trí huệ nầy được gọi là Bát-nhã ba-la-mật. Như thiền tông Trung Hoa không nhấn mạnh về độ thứ 5 –Thiền định ba-la-mật– trong Lục độ mà lại nhấn mạnh Bát-nhã ba-la-mật. Như Lục tổ Huệ Năng trong Kinh Pháp Bảo Đàn có nói: “Các ông đều phải niệm ‘Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật-đa.[4]” Mới biết chỗ cứu cánh tu tập của thiền tông là Bát-nhã, chớ không chỉ thiền định.

Chỉ có ‘Bát-nhã vô tri’ mới có năng lực phá trừ sạch vô minh phiền não. Khi phá trừ sạch vô minh phiền não rồi thì ta mới đạt được tự tánh Đại viên mãn và khôi phục lại được năng lực của tự tánh bổn hữu. Từ đó mới khởi tác dụng không có việc gì là không biết, không có việc gì mà ta không làm được, vì Đức Phật là bậc toàn trí toàn năng. Vầng mây sáng rỡ Đại trí huệ có ý nghĩa rất thâm sâu vi diệu, nên đó chính là Trí huệ cứu cánh viên mãn, cũng chính là Vô thượng chánh đẳng chánh giác mà chúng ta đã đề cập trong nội dung mục tiêu của nền giáo dục Phật giáo ở trước.

Do đâu mà chúng ta có được Trí huệ? Trí huệ vốn có sẵn đầy đủ trong tự tánh của mỗi chúng ta. Nhưng hiện tại nó bị che phủ mất đi. Đức Phật dạy rằng do chúng ta mê nên trí huệ ấy tạm thời bị che mất, chứ không phải bị mất hẳn. Khi giác ngộ thì trí huệ nầy được khôi phục lại ngay. Thế làm sao để phá trừ mê vọng khôi phục lại trí huệ viên mãn vốn có đầy đủ trong tự tánh chúng ta? Đức Phật có dạy cho chúng ta một phương pháp, gọi là Thiền định. Trong Kinh Địa Tạng gọi là Vầng mây sáng rỡ Đại tam muội. Tam-muội là phiên âm chữ Samadhi từ tiếng Sanskrit, tiếng Hán dịch là ‘chánh thọ’, có nghĩa là thiền định. 

Tu tập theo Phật pháp có nghĩa là sửa đổi những suy nghĩ và việc làm sai trái của mình. Đó là sửa đổi lại cho đúng đắn những hành vi sai lầm đã sinh khởi thân, từ lời nói, và từ nhận thức; tức là ba nghiệp xấu từ thân, miệng, ý. Để điều chỉnh lại ba nghiệp nầy cho đúng đắn, chúng ta sẽ bắt đầu tu tập từ bản tâm, như Thiền tông đã dạy, ‘Tu tập nên bắt đầu từ gốc.’ Gốc ở đâu? Chính là tâm. Nếu tâm chúng ta chân chính, thì lời nói, hành vi đều chân chính theo.

 

Trong Phật pháp có rất nhiều pháp môn. Có đến tám vạn bốn ngàn pháp môn (pháp là phương pháp, môn là đạo học dẫn đến chân lý.) Trong đó, pháp môn nào cũng đều khuyến khích tu định. Không chỉ riêng Thiền tông mới chú trọng tu định, mà mọi tông khác đều chú trọng, chỉ khác là không dùng thuật ngữ ‘thiền định’ thôi.

Tịnh độ tông gọi đó là ‘nhất tâm bất loạn’; Tông Thiên Thai gọi là ‘chỉ quán,’ Mật tông gọi là ‘tam mật tương ưng.’ Ba nghiệp thân, miệng, ý đều tương ưng với chư Phật. Tương ưng chính là thiền định. Chúng ta thấy các tông phái đều có chung mục tiêu. Nên nói: ‘ Các pháp môn đều bình đẳng, chẳng có cao thấp, đều chung mục tiêu để hướng về.’[5]

Chúng ta có thể chọn bất kỳ pháp môn nào thích hợp nhất với sinh hoạt và phù hợp với trình độ nhận thức của riêng mỗi người. Nhưng điều quan trọng nhất là phải tinh chuyên thật sâu vào một pháp môn. Càng thử tu theo nhiều pháp môn, càng khiến cho chúng ta rối trí; càng rối rắm, càng khó đạt được mục đích. Điều nầy rất quan trọng, vì thiền định là then chốt trong việc tu tập của nhà Phật. Trong ba môn học giới, định, huệ thì giới dẫn đến định và định dẫn đến huệ. Do vậy, trí huệ Bát-nhã sẽ lưu xuất nhờ thiền định, đó là định từ tự tánh lưu xuất, nên còn được gọi là Vầng mây sáng rỡ Đại tam muội.

Trong mười vầng mây Đại quang minh, năm Vầng mây đầu là biểu tượng cho nguyên lý nền tảng, năm Vầng mây sau biểu tượng cho nguyên tắc và phương pháp. Nguyên lý là nền tảng giáo pháp của Đức Phật. Sau đây sẽ nói về 5 nguyên tắc và phương pháp.

Đầu tiên là Vầng mây sáng rỡ Đại kiết tường. Thế nào là kiết tường? Hầu hết trong chúng ta, những gì mình mong muốn mà có được thì gọi là kiết tường. Nếu không đạt được những gì mình mong muốn thì gọi là không kiết tường. Ý nghĩa của kiết tường trong đạo Phật sâu xa hơn nhiều: cùng tận hư không, khắp hết pháp giới, bất kỳ lý luận nào, bất kỳ hiện tượng nào, chúng ta đều biết rõ, hết thảy vạn sự vạn vật chúng ta đều được thọ dụng, đó gọi là Đại kiết tường. Chẳng hạn như khi chúng ta nhất tâm niệm Phật để được vãng sinh về cõi Tây phương Cực lạc với y báo chánh báo trang nghiêm của Đức Phật A-di-đà, chúng ta liền được vãng sanh về cõi giới ấy. Nếu chúng ta muốn được sinh về Hoa tạng thế giới với y báo chánh báo trang nghiêm của Đức Phật Tỳ-lô-giá-na, chúng ta liền được giác ngộ đồng như Ngài. Đó là bổn ý của kiết tường.

Trong thế gian nầy, Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã dùng nhiều phương tiện thích hợp cho từng căn cơ chúng sinh mà thuyết pháp, đó gọi là vô lượng kiết tường. Thứ nhất, Đức Phật thuyết pháp không bao giờ trái với lý chân thật của nhân sinh và vũ trụ. Thứ hai, Đức Phật luôn luôn vận dụng giáo lý thích hợp với trình độ hiểu biết của chúng sinh. Giả như trình độ người nghe hơi cạn mà giảng pháp quá thâm sâu, họ sẽ tiếp thu không nổi, đó gọi là không kiết tường. Còn nếu trình độ người nghe có phần cao mà giảng pháp quá đơn giản, người nghe chẳng khởi phát đạo tâm, đó gọi là không kiết tường. Cho nên Đức Phật thuyết pháp là hoàn toàn ‘khế lý khế cơ’, đó gọi là vô lượng kiết tường.  Nay Đức Phật không trực tiếp thuyết pháp cho chúng ta, và chúng ta cũng không trực tiếp nghe được Đức Phật giảng nói, nhưng ai cũng đều đạt được những lợi ích chân thực. Đó chính là Đại viên mãn kiết tường.

Ngày nay, mọi người  đều truy cầu của cải tài sản, kiến thức, sức khỏe và sống lâu. Đây gọi là phước đức. Nếu Đức Phật khuyên chúng ta nên tu tập theo những gì Đức Phật đã dạy nhưng chúng ta không làm theo, thế là chúng ta đã từ chối giáo lý ấy. Sao vậy? Nếu chúng ta không đạt được những gì mong ước ngay trong hiện tại, thì làm sao ta tin là mình sẽ hưởng được những gì tốt đẹp trong kiếp sau? Thật là xa vời và không chắc chắn. Khi nào chúng ta mới hưởng được phước báo lớn lao như mong ước? Tuy nhiên, nếu chúng ta hưởng được những phước đức ngay bây giờ, có khả năng chúng ta sẽ tin nhiều hơn những phước báo to lớn mà chúng ta sẽ hưởng được trong tương lai. Chỉ bằng thực hành tu tập Phật pháp, chúng ta mới đạt được tất cả những gì mình mong ước.

Điều nầy cũng tương tự như cây cối khai hoa kết quả. Chỉ khi nào chúng ta thấy được những chùm hoa tươi đẹp, mới tin là sẽ có nhiều quả tốt. Nếu hoa không nở, làm sao tin sẽ có quả. Do vậy, chúng ta có Vầng mây sáng rỡ Đại phước đức theo sau ngay Vầng mây sáng rỡ Đại kiết tường. Chúng ta phải siêng năng gieo trồng nhân để về sau sẽ đạt được quả.

Phương pháp dẫn đạo tiếp theo được biểu tượng qua Vầng mây sáng rỡ đại công đức. Chư Phật đều đã trải qua thời gian dài cả hằng trăm kiếp tu tập công đức sau khi đã thành Phật. Sao vậy? Một Đức Phật không thể nào cứu độ chúng sinh nếu như các ngài không có phước đức. Phật tử sẽ không tin vào Pháp sư giảng về công đức trong khi chính Pháp sư lại thiếu điều ấy. Tuy nhiên, khi Pháp sư có được phước đức và giải thích rằng nhờ vào tu tập Phật pháp mà có được phước báo ấy thì Phật tử sẽ tin theo lời dạy ngay. Do vậy, chỉ khi một người có phước báo và công đức cùng với trí huệ thì mới có thể cứu độ chúng sinh được. Do vậy, Đức Phật dạy chúng ta phải tu tập cả phước đức và trí huệ. Tuy nhiên, phước đức khác với công đức ở chỗ là công đức chính là điều giúp chúng ta thoát khỏi luân hồi sinh tử. Chúng ta tạo công đức bằng tu tập Ba môn học vô lậu: giới, định, huệ.

Trong quá trình tu tập, chúng ta cần phải có phương pháp. Điểm trọng yếu nhất là cần phải có một tiêu chuẩn. Chúng ta nên y cứ vào tiêu chuẩn là Đại quy y. Đây không có nghĩa là pháp quy y Tam bảo Phật, pháp, tăng. Đúng hơn, đó là quay về nương tựa vào Tự tánh Đại viên mãn, gọi là Tam bảo của Tự tánh Đại viên mãn. Đây chính là Vầng mây sáng rỡ Đại quy y.

Vầng mây sáng rỡ Đại tán thán được biểu thị bằng sự truyền dạy Phật pháp cho mọi người và tán thán công đức vô lượng vô biên của tự tánh viên mãn. Phật pháp dạy chúng ta điều gì? Dạy chúng ta chứng ngộ  tự tánh viên mãn. Thiền tông thường dạy chúng ta phải nhận ra được mặt mũi của mình là gì trước khi cha mẹ sinh ra. ‘Mặt mũi của mình trước khi cha mẹ sinh ra –bổn lai diện mục’ chính là Tự tánh Đại viên mãn. Nền giáo học Phật pháp cũng lấy điểm nầy làm mục tiêu và phương hướng.

Tóm lại, Đức Phật phóng hào quang trước khi giảng Kinh Địa Tạng, hào quang nầy có vô lượng vô biên ý nghĩa hơn nhiều so với những Vầng mây hào quang Đại viên mãn nói trên. Năm Vầng mây hào quang Đại viên mãn đầu tiên biểu tượng cho thể của tự tánh và năm Vầng mây hào quang Đại viên mãn sau cùng biểu tượng cho dụng của tự tánh. Mười Vầng mây hào quang Đại viên mãn nầy bao hàm nền tảng giáo lý Phật pháp và được dạy trong rất nhiều bộ kinh, thường được biểu tượng qua sự phóng quang. Có nhiều Phật tử đọc kinh không hiểu được ý nghĩa chân thật thâm sâu vi diệu của việc phóng quang. Không chỉ trong Kinh Địa Tạng, mà các kinh khác  cũng lưu xuất từ Đại viên mãn. Chúng ta sẽ được lợi lạc nhiều một khi hiểu được những biểu tượng nầy.

II. Đại viên mãn trong Phật giáo Đại thừa

Thứ lớp tu tập theo Phật giáo Đại thừa được biểu tượng qua hình ảnh bốn vị Đại Bồ-tát, đó là Cửu hoa sơn Địa Tạng Bồ-tát, Phổ đà sơn Quán Thế Âm Bồ-tát, Ngũ đài sơn Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát, Nga mi sơn Phổ Hiền Bồ-tát.

Địa Tạng có nghĩa là kho báu trong lòng đất, biểu tượng cho tâm chúng ta. Không có đất, không có gì sống được. Thế nên Đức Phật dùng đất như một ẩn dụ cho tâm chúng ta, dó là Đại viên mãn. Xưa nay vốn đầy đủ vô lượng trí huệ, vô lượng Bát-nhã, vô lượng kiết tường, vô lượng phước đức, vô lượng công đức. Do vậy tất cả những gì Đức Phật nói trong kinh đều là vô lượng, đó chính là Đại viên mãn. Hiểu được điều nầy sẽ giúp cho chúng ta nhận ra được ý nghĩa thâm sâu vi diệu vô cùng trong kinh.

Kinh Địa Tạng dạy rằng chúng ta bắt đầu tu học Phật pháp bằng cách thực hành hiếu kính cha mẹ và tôn trọng sư trưởng. Nền giáo dục Đạo Phật lập nền tảng trên hiếu hạnh. Làm sao chúng ta có thể hy vọng ở một người nếu người đó không hiếu kính cha mẹ và không biết tôn trọng thầy mình? Người thầy, dù sở học và năng lực cao đến đâu cũng không thể trao truyền cho học trò nếu như học trò không kính trọng và không muốn nghe.

Do vậy, chỉ khi nào chúng ta có tinh thần tôn sư trọng đạo thì mới thành tựu được mục tiêu học Phật. Kinh Địa Tạng là kinh dạy lòng hiếu kính, là điểm tinh yếu của Đại viên mãn. Tất cả mọi sự thành tựu đều bắt nguồn từ kinh nầy. Ngay từ bây giờ, chúng ta nên mở rộng lòng thương yêu, hiếu kính cha mẹ và tôn trọng các bậc sư trưởng.

Từ đây, phát tâm rộng lớn một cách bình đẳng, không phân biệt, không chấp trước, cho đến hiếu kính và tôn trọng hết thảy chúng sinh trong hư không pháp giới. Đây là phát nguyện rộng lớn của Bồ-tát Địa Tạng và là pháp môn của Bồ-tát Quán Thế Âm. Thật vậy, nếu không có lòng hiếu kính, thì sẽ không có tâm đại từ bi. Điều nầy cũng tương tự như khi xây một ngôi nhà, tầng thứ hai phải được xây trên tầng thứ nhất. Khi hiếu kính với cha mẹ và thể hiện lòng từ bi với mọi người, chúng ta đừng nên dựa vào cảm tính, mà phải phát xuất từ lý tánh và trí huệ. Chỉ bằng cách nầy chúng ta mới đạt được kết quả tốt đẹp.

Vị Bồ-tát thứ ba là Văn-thù-sư-lợi, biểu tượng cho trí huệ; và vị Bồ-tát thứ tư là Phổ Hiền, biểu tượng cho thực tiễn, có nghĩa là đem hiếu kính, từ bi, trí huệ ứng dụng vào sinh hoạt hằng ngày. Nếu chúng ta thực hành những nguyên tắc nầy khi đối nhân xử thế thì chính chúng ta là những Bồ-tát Phổ Hiền. Pháp môn của Bồ-tát Phổ Hiền chính là pháp môn viên mãn. Nên Kinh Hoa Nghiêm nói, ‘Không tu hạnh Phổ Hiền, thì không thể nào thành tựu viên mãn Phật đạo.’ Sao vậy? Vì mọi tâm niệm của Bồ-tát Phổ Hiền đều là viên mãn, mọi hạnh nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền đều là viên mãn. Nếu không có trí huệ viên mãn, thì hạnh nguyện to lớn của Bồ-tát Phổ Hiền khó thành tựu được.

Bốn vị Đại Bồ-tát trên đại biểu cho Phật pháp Đại thừa viên mãn. Do vậy, từ Địa Tạng Bồ-tát, chúng ta học được hạnh hiếu kính, từ Bồ-tát Quán Thế Âm, chúng ta học được hạnh từ bi, từ Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, chúng ta học được đại trí huệ, từ Bồ-tát Phổ Hiền, chúng ta học được hạnh nguyện rộng lớn của ngài.

 

Thích Nhuận Châu dịch

 

Chú thích:

 

[1] Đại nguyện Địa Tạng Bồ-tát Bổn nguyện Công đức Kinh; 菩薩本願功德經. e: Original Vow of Earth Treasure Budhisattva Sutra.

2. , 便 .

3. , 便 .

4. : 密多 ( 壇經).  

5 法門平等,殊途同歸,淨無高下.



 

 

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle