Mục tiêu của nền giáo dục Phật giáo

giao duc

 

I. Hệ thống giáo dục Phật giáo

Mục tiêu tối thượng của Phật pháp là gì? Đó là đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu tam-bồ-đề, phiên âm chữ Anuttarā- sayak- sabodhi từ tiếng Sanskrit, Hán dịch là Vô thượng chánh đẳng chánh giác, có nghĩa là sự giác ngộ chân thực, toàn diện và cao tột. Vì tôn trọng, nên thuật ngữ nầy vẫn được gọi theo từ gốc của nó chứ không gọi theo dịch nghĩa. Có thể phân tích sự giác ngộ này theo 3 mức độ :

1.       Chánh giác.

2.       Chánh đẳng chánh giác.

3.       Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

 

tuổi trẻ với phật giáo: khóa tu mùa hè 2011 tại chùa Hoằng Pháp, Tp HCM

 

Đức Phật dạy rằng giới khoa học gia, triết gia, các học giả về tôn giáo có thể đạt đến một trình độ hiểu biết nhất định nào đó về nhân sinh vũ trụ, nhưng sự hiểu biết nầy không phải là ‘chân thực’ và ‘toàn diện’. Sao vậy? Mặc dù họ đã có được một số hiểu biết, nhưng họ vẫn chưa thoát khỏi những ràng buộc của những phiền não do tham, sân, si, kiêu mạn, thị phi, ngã nhân.... Nói cách khác, họ vẫn còn là phàm phu, chưa phải là thánh nhân. Do vậy nên không được gọi là ‘chánh giác.’ Nếu quả thực họ đã chuyển hóa sạch mọi phiền não do tham, sân, si, kiêu mạn, thị phi, ngã nhân...; thì Đức Phật thừa nhận họ là bậc ‘chánh giác,’ và được gọi là A-la-hán,[1] là quả vị đầu tiên trong tiến trình tu Phật. Chư Phật và A-la-hán khác nhau ở chỗ dụng tâm. A-la-hán cũng dụng tâm như chúng ta, gọi là thức tâm (tâm hư giả, không phải là chân tâm); chỉ khác là chúng ta còn nhiều phiền não, nhưng A-la-hán thì đã hết sạch.

Mức độ giác ngộ cao hơn gọi là Chánh đẳng chánh giác, được đại biểu bởi hàng Bồ-tát. Chư Bồ-tát dụng tâm đồng như chư Phật, nhưng trình độ giác ngộ chưa đồng. Bồ-tát vận dụng chân tâm cũng như chư Phật. Nhưng tâm chư Phật là chân tâm viên mãn, trong khi Bồ-tát còn phải tu tập nhiều mới đạt được chân tâm viên mãn như chư Phật.

Trong kinh luận Phật giáo, chân tâm viên mãn của chư Phật được biểu tượng bằng vầng trăng tròn sáng ngày rằm, tâm Bồ-tát được ví như trăng non, tâm A-la-hán ví như vầng trăng phản chiếu trên mặt nước, gọi là ‘cảnh hoa thủy nguyệt’, nó hư giả, không thực. Tâm của chư Phật và Bồ-tát tương tợ như nhau, đều là tâm chân thật, không chút hư giả, nên được gọi là Sơ trụ Bồ-tát, phá một phần vô minh, chứng được một phần pháp thân. Các vị hoàn toàn sống với chân tâm, tuyệt đối không còn tâm hư vọng, nên gọi  ‘chánh đẳng chánh giác’.

Ba mức độ giác ngộ nầy có thể đem so sánh với các học vị trong hệ thống giáo dục hiện nay. A-la-hán tương tợ như Cử nhân,[2] Bồ-tát tương tợ như Thạc sĩ,[3] chư Phật tương tợ như Tiến sĩ.[4] Danh hiệu Phật không chỉ dành riêng cho Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, mà là dành cho tất cả những ai đạt được Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Như vậy, Phật, Bồ-tát, A-la-hán chỉ là danh xưng biểu tượng cho trình độ giác ngộ hoặc là quả vị đạt được trong quá trình tu tập Phật pháp. Phật, Bồ-tát, A-la-hán hoàn toàn  không phải là những vị thần để sùng tín.

Như vậy, Phật là người đã giác ngộ toàn triệt về nhân sinh và vũ trụ, đã đạt đến Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Đây cũng là mục tiêu của nền giáo dục Phật-đà, là giúp cho mọi chúng sinh đều đạt được trí huệ giác ngộ chân thực, toàn diện và cao tột. Cho nên Phật pháp là một nền giáo dục trí huệ.

II. Mục tiêu của giáo dục Phật giáo

Phương châm của giáo dục Phật giáo là triệt để phá trừ mê muội, chuyển hóa mọi mê lầm, đạt đến giác ngộ an lạc; dẹp trừ mọi khổ đau, đạt được sự an tĩnh thân tâm. Thế nào là mê? Khi chúng ta không hiểu đúng đắn và chính xác về mọi hiện tượng quanh mình, chúng ta nhìn sai lạc, suy nghĩ sai lạc  dẫn đến hành xử sai lạc, nên đau khổ liền kéo theo như bóng với hình. Tuy nhiên, nếu chúng ta có chính kiến, có cái nhìn đúng đắn và chân xác về các hiện tượng nhân sinh và vũ trụ, thì chúng ta sẽ không còn bị mê lầm từ  tư tưởng và hành vi nữa. Mọi kết quả đều rất tốt đẹp. Như vậy, chuyển hóa mê lầm, khai mở trí huệ chân thực chính là nhân; và phá trừ khổ đau, đạt được tâm ý thanh tịnh an vui chính là quả.

Chỉ cần phá trừ mê tín là ngay đó được giác ngộ. Đó là mục tiêu của Phật pháp. Trí huệ chân chính nầy sẽ giúp cho mọi người phân biệt được rõ giữa chính và tà, thật và giả, xấu và tốt. Trí huệ nầy giúp cho chúng ta có được sự năng động trong cuộc sống và thái độ bao dung thân thiện khi đối xử với mọi người chung quanh. Thế nên chúng ta thấy rõ ràng Phật pháp không thụ động, chẳng phải lỗi thời, cũng chẳng phải cách biệt hẳn với xã hội. Như Đức Phật nói trong Kinh Đại thừa Vô lượng thọ Trang nghiêm Thanh tịnh Giác ngộ Bình đẳng hoặc trong Kinh Vô lượng thọ, Phật pháp có khả năng giải trừ tất cả mọi phiền não, Phật pháp giúp cho chúng ta có được lý trí, có được sự hiểu biết lớn lao, hạnh phúc lợi lạc vô biên bằng cách tạo lập cuộc sống lợi ích, gia đình đầm ấm, hài hòa với xã hội, quốc gia hưng thịnh, thế giới hòa bình. Đây là những mục tiêu của giáo dục Phật pháp dành cho thế giới ngày nay. Mục tiêu tối thượng là giải trừ mọi phiền não để không còn phải luân hồi sinh tử trong tam đồ ác đạo nữa. Đó là lợi lạc vô cùng lớn lao, bất khả tư nghì. Do vậy, có thể hiểu rằng Phật pháp là nền giáo dục giúp chúng ta đạt được thành quả chân thiện mỹ, trí huệ chân thật và an lạc vĩnh hằng.

 

Thích Nhuận Châu dịch

 

[1] ; S: arhat; P: arahat, arahant; T: dgra com pa; dịch nghĩa là Sát tặc ( ), là diệt hết  giặc phiền não, ô nhiễm; Ứng cúng , là người xứng đáng được cúng dường; Bất sinh hoặc Vô sinh , là người đã đạt Niết-bàn, đoạn diệt sinh tử.

2Học sĩ   ; e: Degraduate Degree.

3 Thạc sĩ 碩士  ; e: Master’s  Degree.

4Bác sĩ  博士  ;  e: Doctorate’s Degree.

 



 

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle