Mùa Hạ.
Những ngày nắng nóng,
tôi ngồi trong xe mở máy lạnh, cánh tay bên trái vẫn cẩn thận quấn thêm tấm khăn , sợ… nắng xuyên qua cửa kính, cháy da. Thế mà mỗi lần
xe ngừng lại ở ngã tư, trước khi qua gầm cầu highway, tôi thường thấy người đàn
ông và người đàn bà này, mà tôi đoán là hai vợ chồng, họ ngồi đó, với vài túi,
gói, lỉnh kỉnh bên cạnh.
Người chồng tóc dài
và bộ râu quai nón dài trông như người thời tiền sử, ngồi đó im lìm làm như
không biết gì đến thế giới xung quanh, còn người vợ vẫn thường cầm một mảnh
carton to, lấy ra từ một thùng rác nào đó, có nguyệch ngoạc vài chữ : “No job!
need help !“
Có những chiếc
xe không thèm đoái hoài đến, đợi đèn xanh vọt luôn, bỏ lại bên đường giữa
trời nắng kinh khủng của mùa hè Texas
hai người lôi thôi lếch thếch đói khổ kia. Có
xe thì quay kính xuống đưa ra vài đồng tiền lẻ.
Mùa Đông.
Trời lạnh như cắt da.
Vẫn đôi vợ chồng đó,
vẫn kiểu ăn mặc nhếch nhác đó, quần áo trên người họ như một đống giẻ rách, trên
đường đi làm tôi gặp họ nơi gầm cầu highway, hay thỉnh thoảng họ đi bộ trên con
đường song song với highway, không biết họ đi đâu, làm gì ? Nhưng dưới gầm cầu kia vẫn là ngôi nhà của họ. Tôi tự hỏi có thể nào họ ngủ được
khi thời tiết nóng lạnh, gió mưa, và chung quanh họ, trên đầu họ, dòng xe, dòng
đời, không bao giờ ngừng nghỉ ?
Một hôm tôi đến hãng,
vừa bắt đầu vào ca, ông cai giới thiệu với mọi người một công nhân mới. Tôi không thể
nào lầm được, đó chính là chị đàn bà homeless tôi thường gặp nơi gầm cầu
highway, chắc chị ta không nhớ mặt tôi, cũng như chị không thể nhớ hết nổi những
gương mặt ngồi sau kính xe
đã thò tay ra cho chị một hai đồng tiền lẻ.
Chị ta tên Kay, đây
là lúc tôi được nhìn chị kỹ hơn, chị gầy quá, vì đói ăn triền miên hay vì cuộc
sống lang thang gió bụi ? Gương mặt chị rúm lại, đầy
những vết nhăn, dù chị mỉm cười chào mọi người, nhưng tôi vẫn không thể thấy một
nét vui tươi nào cả, chỉ thấy một trời sầu trong đôi mắt mệt mỏi và trên vành
môi khô héo.
Cuối cùng chị đã tìm được việc làm, tôi mừng cho chị, chả lẽ cứ đội nắng, đội
gió, sống giữa trời, giữa đường như những loài thú hoang dã với thiên nhiên mãi
sao?
Tướng tá chị yếu ớt
thế, nên ông cai
cho chị làm việc nhẹ, việc dễ. Hai bàn tay hàng ngày vẫn chìa ra nhận những đồng tiền thương hại của
thiên hạ, nay đã bắt đầu làm việc, chị sẽ kiếm tiền bằng chính công sức của
mình, chị sẽ đứng trên đôi chân của mình như mọi người.
Giờ lunch, vô tình
chị ngồi đối diện với tôi, chị mở gói giấy nhầu nát lấy ra một cái bánh
Hamburger đã bẹp dúm và ngồi nhai, chị nhìn tôi ăn cơm và bắt
chuyện :
- Người Mỹ thích
ăn hamburger nhưng tôi cũng thích những món ăn Châu Á.
Nhín cái bánh
hamburger của Kay, tôi nghĩ ngay đến cái bánh hamburger vẫn xuất hiện trên ti vi
trong phần quảng cáo thấy một trời khác biệt, bánh trong ti vi to và dầy, trông
thấy những miếng ham, miếng cheese ngon lành, lá rau sà lách xanh và khoanh cà
chua đỏ tươi còn lóng lánh giọt sương mai hay giọt nước lạnh, chứng tỏ cà chua
mới hái hay mới lấy trong tủ lạnh ra. Ai mà không muốn ăn
cái bánh ấy. Còn cái bánh của Kay, chắc chỉ có mình Kay ăn nổi
mà thôi.
Tôi đáp lời
chị :
- Tôi là người Việt
Nam, chị đã ăn cơm Việt Nam bao giờ chưa ?
- Một đôi lần rồi,
ngon lắm ! Nhưng đã lâu tôi chưa được ăn.
- Nếu chị thích,
ngày mai tôi mang cho chị nhé ?
Dĩ nhiên chị không
từ chối .
Sau giờ lunch, ông
cai bảo tôi hướng dẫn cho Kay vài công việc mà tôi đã từng làm, thế là
tôi lại có dịp trò chuyện với Kay hơn, chị ta có vẻ yêu thích công việc, cái gì
cũng muốn biết, muốn làm được ngay.
Làm ca đêm bao giờ
cũng thảnh thơi hơn ca ngày, các boss lớn đang ngủ ngon ở nhà, chẳng còn tai mắt
nào nữa, ông cai thì làm việc của ông, lâu lâu mới xẹt qua đám công nhân cho có
lệ, mỗi người một góc, làm việc của mình.
Đêm vắng yên tịnh,
vừa làm vừa mơ đủ thứ chuyện trên đời, các cô Mễ thì lượn ra lượn vào restroom
để… soi gương !
Tới giờ về, đàn chim
đêm ùa vội vàng ra xe, sớm phút nào hay phút ấy để về
nhà nghỉ ngơi. Tôi lề mề cùng với Kay là người ra sau cùng, nói lời tạm biệt
xong Kay vẫn tần ngần đứng lại, Kay nói :
- Chị về trước đi,
tôi đợi chồng tôi đến đón.
Thì ra thế, làm gì
mà Kay có xe để đi làm, hai vợ chồng có một cái là may lắm rồi, dù tôi không
hiểu bằng cách nào, đang là dân homeless, không đồng xu dính túi, họ lại có ngay
một chiếc xe, dù là xe cũ.
Vừa lúc ấy một chiếc
truck rà rà tới, Kay vẫy tay chào tôi rồi lên xe, tôi nghĩ thầm vợ chồng Kay đang làm
lại cuộc đời, tôi mong họ sẽ được toại nguyện.
Chiều hôm sau đi
làm, lúc xe ngừng ở ngã tư, gầm cầu highway.
Tôi có cảm giác thú vị khi nhìn nơi mà vợ chồng Kay đã từng trú ngụ.
Những người cùng đi với tôi hàng ngày trên đường này, có ai đã thắc mắc hai
người homeless kia đi về đâu không?
Đến giờ ăn, tôi đưa
Kay một phần cơm Việt Nam như đã hứa, Kay ăn ngon lành, có lẽ đã từng đói khổ
nên món gì Kay ăn cũng ngon, chứ tôi thừa biết cái tài nấu nướng của tôi nếu
người ta chấm điểm thì chỉ có hạng bét !!
Ăn xong Kay khen
rối rít :
- Ngon lắm, cám
ơn !
Lần đầu tiên trong
đời có một người khen tôi nấu đồ ăn ngon, thành thật và nhiệt tình như thế, tối
nay về tôi sẽ khoe chồng tôi, để anh biết rằng tài nấu bếp của vợ anh cũng có kẻ
chấp nhận được.
Một tuần lễ trôi
qua, Kay vẫn đều đặn được xe truck đón đưa đi làm.
Nhưng một buổi tối thì xe truck không đến đón, tôi là người sau cùng rời bãi
parking, Kay vẫn đang ngồi trên băng ghế, dưới một gốc cây và hút
thuốc .
Đốm lửa loé lên trong đêm tối như một nỗi mỏi mòn chờ mong.
Tôi lái xe thật chậm, hi vọng sẽ trông thấy chiếc truck ở một góc
đường nào đó đi về phía Kay, nhưng bốn bề vẫn lặng thinh.
Tôi đang lái xe trở
về ngôi nhà êm ấm, còn Kay ,
chị đang ngồi đó, chờ đợi không biết đến bao giờ ?
Hôm sau Kay đi làm,
chị nói với tôi, tối qua xe truck đến đón chị rất muộn, và từ nay họ sẽ không
đưa đón chị đi làm nữa !
Tôi ngạc nhiên:
- Không phải cái xe
truck đó là của chồng chị sao ?
Kay buồn rầu giải
thích:
- Làm sao mà tôi có
chiếc xe đó được? của một người bạn làm thợ xây cất, anh ta xin cho chồng tôi
làm cùng chỗ và giúp đưa đón vợ chồng tôi đi làm... Bây giờ anh ta quá mệt mỏi
khi phải giúp đỡ chúng tôi kiểu này, tôi biết làm sao hơn !
hai vợ chồng tôi đã muốn đi làm và để dành tiền mua một cái xe cũ chừng hai, ba
ngàn thôi, nhưng cũng không thực hiện được, vì bắt đầu ngày hôm nay tôi sẽ đi và
về bằng Taxi, sẽ rất tốn kém.
Thấy tôi tròn mắt
ngạc nhiên, Kay cay đắng nói tiếp:
- Chúng tôi đang
thuê một phòng ở motel đấy, nói chính xác là loại nhà trọ mạt hạng efficiency,
giá 120 đồng một tuần, nhưng cũng thật kinh khủng đối với tôi, trả tiền trước, ở
sau, nếu không có tiền là khăn gói đi ra ngay.
Tôi hỏi một câu vụng
về:
- Thế chị nấu nướng,
ăn uống bằng cách nào ?
- Bánh mì, đồ hộp, ở
tiệm tạp hoá gần đó, chứ bếp đâu mà nấu nướng !
Kay không nói cho tôi biết vợ chồng Kay đã từng là dân homeless đứng đường, có
lẽ ai cũng có một quá khứ nào đó để dấu mãi trong lòng.
Nhưng tôi đã hiểu vì sao Kay phải ở motel, vì họ không có credit, không có tiền
down để thuê ở Apartment, dù là với giá rẻ mạt.
Chuyện Kay ở motel
và đi làm bằng taxi cả ca tối ai cũng biết, nghe như một chuyện khôi hài, tha hồ
cho mọi người bàn tán, xì xào và ái ngại… Mỗi tối ra về Kay vẫn ngồi hút thuốc ở
băng ghế ngoài cửa hãng để đợi taxi đến, những đốm lửa đỏ hồng rồi tắt đi như
cuộc sống của Kay chợt loé lên chút hi vọng rồi tan biến vào bóng tối âm u !
Đi taxi được hai
tuần thì một buổi tối Kay hỏi tôi:
- Motel tôi ở cách
nhà chị độ một mile, bắt đầu tối nay chị giúp tôi đưa đón đi làm được
không ? Tôi sẽ trả tiền xăng cho chị…
Tôi nhìn Kay thương
hại, ngẩm nghĩ để tính toán thời gian, chứ tôi cần gì đồng tiền ngặt nghèo của
chị, chẳng bao nhiêu cho đủ với thời gian quý báu của tôi !
Kay kể lể :
- Chồng tôi mới bị
nghỉ việc, nếu tôi không đi làm nữa thì…
Kay nghẹn lời, tôi
tưởng tượng ra ngay một cảnh tượng đen tối kinh khủng đang ở phía trước mặt chị,
và tôi nhận lời:
- Tôi sẽ cố gắng
giúp chị.
Sau khi tôi nói
chuyện với Kay, một cô Mễ chơi thân với tôi, kéo tôi vào restroom, nói nhỏ:
- Có phải mày nhận
lời cho nó đi xe? Từ chối đi, nó không đáng tin cậy
đâu ! Nó đã mượn tiền ông cai
để trả Taxi mấy ngày nay rồi, nó đang vào đường cùng, không có tiền đi taxi,
không có tiền trả ông cai, nên nó quay ra nhờ vả, lợi dụng mày đó.
Tôi phân vân:
- Nhưng Kay nghèo
quá, nó cần được giúp đỡ.
Cô Mễ bĩu môi ra vẻ
khôn đời hơn tôi:
- Mày có biết gì về
quá khứ của nó không mà cả tin ? cái
kiểu sống của vợ chồng nó đầy hư hỏng, sa ngã. Họ dùng drug hay nghiện rượu, chỉ
thế thôi !
Mày đã hiểu chưa?
Trong ánh mắt của cô
Mễ đầy vẻ khinh bỉ lẫn một chút thương hại :
- Trời ơi ! là di dân như tao với mày mà
còn sống và làm việc được, còn nó, đây là quê hương, là ngôn ngữ của nó. Tại sao không? Vì lười biếng, ăn chơi và hư hỏng thôi.
Cô Mễ hạ giọng nhưng
cương quyết :
- Mày đọc báo có nhớ
Texas đã tử hìmh con mẹ Tucker về tội xin quá giang xe rồi cùng đồng bọn đập đầu
chết ngưới ân nhân cho họ đi nhờ xe bằng cái rìu bổ củi không?
Tôi rùng mình, vì
nhớ ra điều ấy, cô Mễ nói đúng, tôi đã biết gì về quá khứ của
Kay ? cả một thời tuổi trẻ Kay đã sống thế nào ?
để
đến nỗi trở thành kẻ homeless ! Kay già cỗi trước tuổi, mới 40 mà ai cũng tưởng
ngoài 50 tuổi !
Tôi tưởng tượng Kay
ngồi chung xe với tôi trên đường về khuya khoắt, chị ta có thể trở mặt, làm bất
cứ điều gì, hay khi đến motel, người chồng chờ sẵn và cả hai sẽ ra tay… giết
tôi !! Kinh khủng quá, những chuyện như thế xảy ra hàng
ngày trên đất Mỹ.
Tôi liền đến gặp Kay
và nói ngay:
- Tôi xin lỗi, tôi
đã nghĩ lại, tôi không thể giúp Kay được đâu.
Ánh mắt chị ta cụp
xuống như sắp khóc, tôi vội quay đi và về chỗ làm, đã trút được nỗi lo âu mà sao
lòng tôi cũng sắp khóc ?
Đến tối ra về, tôi
cố tình là người ra sau cùng, rời khỏi bãi parking, nhìn qua kính chiếu hậu tôi
vẫn thấy đốm lửa Kay đang hút thuốc loé lên như những tín hiệu kêu cứu vô vọng
cuối cùng của con tàu đang chìm dần vào đại dương trong đêm tối mênh mông.
Lòng tôi khắc khoải
ray rứt cho đến khi về đến nhà, đã nằm yên trong chăn gối ấm cúng mà vẫn không
sao ngủ được, những câu hỏi liên tiếp vang lên trong đầu tôi :
Kay ngồi ở đó đến bao giờ ? Có phải Kay ngồi chờ đợi trời sáng
? Có phải Kay đang đứng bơ vơ bên lề đường để xin quá giang
xe ?
Có phải Kay đang đi bộ một mình như một bóng ma lê lết trên đường khuya gió
lạnh ?
Hôm sau thì Kay
không đến hãng và có lẽ chẳng bao giờ Kay đến đây nữa !
Chị ta chắc lại rơi vào cái hố thẳm của cuộc đời sa ngã
mà chị đã cố gắng ngoi lên, đã muốn bước ra khỏi quãng đời tăm tối đó, nhưng
cuộc đời không bao dung cho chị, trong đó có tôi.
Mỗi ngày đi làm, hay đi bất cứ nơi đâu trong thành phố này, tôi đều dáo dác ngó
những góc phố, những gầm cầu, xem có gặp lại vợ chồng Kay không. Nhưng đất trời bao la, mà những người homeless như
những con mèo hoang, biết đâu mà tìm ?
Tôi không giàu có gì, nhưng tôi hơn Kay nhiều thứ quá, tôi có mái nhà để đi về,
tôi có một đời sống bình thường, ổn định. Còn vợ chồng Kay
đang làm gì ? ở
đâu ? Bao giờ Kay mới có cơ hội để làm lại cuộc đời ?
Trong cuộc sống có
những điều vô tình cũng làm ta trăn trở đớn đau, cũng như có những hạt bụi vô tình cũng làm
ta cay mắt.
Nguyễn thị Thanh
Dương
Theo PSN