Cái biết và cái chấp

voi sau nga

Có lẽ chúng ta ai cũng đều biết câu truyện người mù sờ voi.  Một hôm có một vị vua ra lệnh cho người hầu mang một số những người bị mù từ thuở bé tụ họp lại ở một nơi.  Sau đó vua cho sai đem một con voi đến để cho các người mù nhận diện.  Người mù thứ nhất được sờ đầu của con voi, người mù thứ hai được sờ lỗ tai con voi, và rồi những người mù khác tuần tự được sờ vòi của voi, thân, ngà, chân và đuôi của nó.  Sau đó vì vua hỏi, “Này các ông, các ông hãy nói cho ta nghe, con voi giống như thế nào?”  Và mỗi người mù trả lời theo kinh nghiệm của chính mình: con voi giống như là một bình tưới nước, một cái đòn xóc, như một cây quạt, một cái thúng sàng thóc to, một cây cột, một cây chổi.

Chắc bạn cũng đã được nghe câu truyện ấy nhiều lần rồi, nhưng có lẽ ít ai biết rằng câu truyện ấy được ghi chép lại trong Trường Bộ KinhTiểu Bộ Kinh.

Ý nghĩa của câu truyện

theo bạn nghĩ, câu truyện người mù sờ voi ấy muốn dạy ta điều gì?  Phải chăng nó muốn nói bất cứ một vấn đề nào cũng có nhiều khía cạnh khác nhau, mà cái biết của chúng ta thì chỉ giới hạn trong một kinh nghiệm rất cá nhân của mình?  Cái thấy ấy hoàn toàn tùy thuộc vào sự tiếp xúc và kinh nghiệm của mỗi người?

Nhưng trong kinh còn kể tiếp là những người mù ấy bắt đầu tranh cãi với nhau về sự thật của con voi là như thế nào, “Con voi giống như cây quạt, chứ không thể giống như cây chổi được!”, “Nó là như thế này chứ không phải là như thế kia!”  Và sau một hồi tranh cãi, cuối cùng những người mù ấy nổi giận, lao vào và đấm đá lẫn nhau.

Có lẽ câu truyện ấy không phải chỉ đơn giản nói rằng: mỗi chúng ta ai cũng có một ý kiến, nhận thức khác nhau về một việc gì đó, và nó không phải là một sự thật trọn vẹn.  Thật ra đó cũng là chuyện bình thường thôi, vì mỗi chúng ta cũng chỉ có thể biết được qua kinh nghiệm của chính mình, và nó thì rất phiến diện.  Vì thế, nếu như chúng ta có sự tranh luận với nhau, thì cũng là chuyện tự nhiên thôi.

Nhưng có lẽ câu truyện ấy muốn nhắc nhở rằng, vấn đề bắt đầu có mặt khi chúng ta cho rằng chỉ có cái thấy của mình mới là đúng và là duy nhất.  Và cái chấp ấy dẫn đến sự “đâm chém lẫn nhau bằng binh khí của miệng lưỡi” như theo lời diễn tả trong kinh.

Vấn đề không phải vì cái biết giới hạn

Và vì vậy, tôi nghĩ vấn đề khổ đau không phải là do cái thấy của chúng ta có giới hạn, nhưng là vì chúng ta đã nắm bắt và cố chấp vào nó như thế nào mà thôi.  Chúng ta ít có thể nào có một cái thấy, cái nhìn giống y như nhau.  Mà thật ra trong cuộc sống đầy biến đổi này thì cũng đâu có một sự thật nào là sẽ đúng hết cho mọi hoàn cảnh, mọi trường hợp đâu, phải không bạn?  Chúng ta sẽ có những ý kiến khác nhau, đó cũng là chuyện tự nhiên thôi, nhưng ta cần nhớ đừng nên cho rằng sự thật chỉ có thể là như cái nhìn của mình!

Tôi nhớ trong kinh, có lần Phật cũng đề cập đến vấn đề này.  Phật bảo rằng, những cái biết của những người khác không hẳn là sai lầm, Phật cũng thấy được những quan điểm khác nhau ấy, nhưng điều khác biệt là Ngài không bị mắc kẹt vào đó.  Trong kinh Phạm Võng, Trường A Hàm, Phật có nói Duy chỉ Như Lai biết rõ những cơ sở quan điểm này được nắm bắt như vậy, được giữ chặt như vậy, và cũng biết sẽ có báo ứng như vậy…  Tuy biết nhưng không bị chấp trước.   …Do không bị chấp trước nên được gọi là Như Lai.  

Phật thấy được hết tất cả những quan điểm và cái nhìn khác nhau, và chúng tuy không hoàn toàn sai trật, nhưng điều khác biệt với những người khác là Phật không bị kẹt và chấp trước vào một cái thấy nào hết.

Bao dung và rộng mở

Tôi nghĩ, câu truyện người mù sờ voi không phải chỉ đơn giản nói rằng, bất cứ một việc gì cũng đều có nhiều phương diện khác nhau, nhưng có lẽ còn muốn nhắc nhở ta rằng chính vì sự nắm bắt và cố chấp của ta mà đã tạo nên mọi thứ khổ đau cho mình và cho cuộc đời.  Vì vậy, chúng ta hãy cứ cùng chia sẻ với nhau những cái thấy và kinh nghiệm của mình về một vấn đề nào đó, nhưng nhớ đừng bao giờ cho đó là Tôi, hoặc của Tôi, và rồi ta thấy rằng mình cần phải bảo vệ nó bằng mọi cách.

Có một câu truyện kể rằng, có lần Ma vương và Phật hóa thân ra hai người thường và cùng đi dạo với nhau trên đường phố.  Cả hai thấy có một người đang đi phía trước.  Anh ta đang đi bổng dừng lại và nhìn thấy một vật gì đó sáng lóng lánh dưới đất, anh cúi xuống nhặt vật ấy lên xem, lộ vẽ vui mừng và cất vào túi áo của mình.  Phật quay sang hỏi Ma Vương, “Ông biết người ấy nhặt được cái gì đó không?”  Ma Vương đáp, “Biết chứ, anh ta nhặt được một mảnh của chân lý.”  Phật hỏi tiếp, “Thế ông không sợ là anh ta sẽ biết được chân lý sao?”  “Tôi không sợ đâu Ngài, vì tôi biết rằng anh ta sẽ giữ gìn mảnh chân lý nhỏ bé ấy và cho đó là toàn thể chân lý!”

Con đường của Phật là để chuyển hóa khổ đau, và chính sự chấp trước của ta là nguyên nhân chánh của khổ đau.  Tôi nghĩ, mục đích của sự tu học là để giúp ta bớt đi những cái chấp ấy, có được một thái độ rộng mở và bao dung hơn.  Nó giúp ta có được một cái thấy, cái nhìn rộng lớn hơn đối với cuộc sống này.  Vì nếu như mình chưa có một cái thấy chân chánh và rộng mở, thì hạnh phúc nào đó mà ta đang có, cũng khó có thể là một hạnh phúc chân thật, phải không bạn?

Nguyễn Duy Nhiên

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle