Diệu Trân
Tiếng gõ cửa dồn dập, khẩn cấp, nóng nảy, cuồng nộ... Tôi
buông cuốc, không kịp rửa tay, vừa chạy lên nhà trên,
vừa chùi hai bàn tay bết bùn vào quần jean.
Cửa mở. Bạn ào vào như cơn lốc,
nước mắt tuôn như suối, nức nở như sấm chớp mưa giông! Tôi dùng nguyên bàn
tay lem luốc, ấn mạnh bạn xuống ghế và ra lệnh:
- Ngồi yên đó, ta rửa tay, pha trà
xong rồi hãy khóc tiếp.
Không ngờ trong tình cảnh đó, bạn lập tức
tuân hành mệnh lệnh, nín bặt, không cả tiếng sụt sùi.
Được đáp ứng bất ngờ, tôi lại là người bối rối. Tôi cố
tình đổ nước vào ấm thật đầy, để lâu sôi, cố tình nhẩn nha rửa bình trà dù bình
đã sạch lắm. Tôi câu giờ chuyện pha
trà vì chưa biết sẽ mở lời với bạn thế nào. Cùng học đạo với nhau đã lâu, tôi
chưa bao giờ thấy bạn tỏ lộ sự bi thảm đến thế! Tôi phải làm
gì để chia xẻ với bạn đây?
Đặt khay trà xuống bàn, chúng tôi nhìn
nhau, im lặng. Chắc bạn khóc đã nhiều trước khi đến đây, đôi mắt mới đỏ
ngầu, sưng húp thế kia. Hai bàn tay
bạn run rẩy, xoắn vào nhau. Hình như bạn đang cố dùng lực xiết mạnh vào hai
tay để nén tiếng khóc. Tôi buột miệng:
- Khóc đi! Đừng giữ lại! nước mắt tuôn ra nhẹ ngàn lần hơn nước mắt nuốt vào!
Như chỉ chờ có thế, con đê vỡ bung, sức nước hung hãn cuốn
phăng làng mạc, thôn xóm. Đột nhiên, không biết bắt nguồn từ dây mơ rễ má nào,
mấy câu thơ trong bài Tĩnh Thất của Thầy Tuệ Sỹ vụt ngang như lằn chớp: “Nước lũ
tràn. Em nhỏ chết đuối. Tôi ngồi trên bờ.
Vuốt ngọn cỏ mơ”. Đây là một bài thơ dài, từng đoạn phác họa lên từng
cảnh huống bi thương trên quê hương, vô tình lại đang tả tình tả cảnh rất đúng
với hai chúng tôi, một đứa đang khóc như sông trôi mùa lũ,
một đứa lại thản nhiên như kẻ ngồi trên bờ, vuốt ngọn cỏ mơ. Cám ơn Thầy Tuệ Sỹ, chính hai câu thơ xẹt ngang khung trời giông bão
này đã giúp tôi cách chia xẻ niềm đau khổ với bạn. Tôi cứ ngồi yên, nhìn bạn khóc, thỉnh thoảng tiếp tế giấy lau.
Không biết bao lâu, rồi mưa cũng phải ngớt, gió cũng phải ngừng.
Tôi rót trà vào tách, đưa cho bạn. Bạn đỡ lấy, nhìn tôi, rồi lí nhí mở
lời:
- Đạo hữu biết không ....
Đã có chủ định, tôi chặn ngay:
- Không, tôi không biết, chuyện gì cũng sẽ kể sau.
Ngày mai phải trả bài cho Thầy rồi mà tôi còn nhiều điểm lúng túng quá, bạn phải
giúp tôi với. Tư tưởng Kinh Duy Ma cao siêu, nhiều ẩn
dụ quá, như khu rừng thiền mênh mông, không cẩn trọng là lạc ngay.
Quả nhiên, bạn bị tôi lái nhẹ sang hướng khác mà không hay.
Bạn vừa lau nước mắt, vừa hỏi:
- Mình đang học Kinh Duy Ma Cật, phẩm thứ tám phải không?
- Đúng, phẩm “Phật Đạo” đó. Khi
ngài Duy Ma hỏi ngài Văn Thù Sư Lợi “Những gì là hạt giống của Như Lai?” câu trả
lời của ngài Văn Thù khó hiểu quá! Bạn nhớ câu đó không?
Bạn quên khóc, đi ngay vào bài học:
- Nhớ, Văn Thù Sư Lợi trả lời rằng
“62 tà kiến và hết thảy phiền não ở khắp cõi đều là hạt giống Như Lai
cả”.
Tôi lại cố tình khơi sâu vào bài học, xòe mười ngón
tay ra và bắt đầu lẩm nhẩm tính:
- Hữu thân là hạt giống, vô minh hữu ái là hạt giống, tham
sân si, tứ điên đảo, thập bất thiện là hạt giống .....
Bạn tiếp lời:
- Thất thức xứ, bát tà pháp, cửu não xứ là hạt
giống .....
Tôi ngắt lời:
- Chúng ta sẽ phải học từng phần trong 62 tà kiến đó; nhưng
riêng phần phiền não, ta có thể ôn bài với nhau bây giờ vì đó là phần tôi chưa
thấu triệt khi ngài Duy Ma hỏi ngài Văn Thù Sư Lợi: “Sao lại thế? Sao tà kiến và
phiền não lại là hạt giống Như Lai?”.
Tới đây, không những bạn ngưng khóc mà còn mỉm cười:
- Ừ, trong Kinh diễn tả là ngài Duy Ma hỏi ngài Văn Thù
nhưng thật ra ngài Duy Ma hỏi cho chúng ta đấy chứ! Các ngài đã khéo lồng những
tình tiết này khiến khi học Kinh chúng ta cảm thấy gần gũi,
thích thú. Ngài Văn Thù đã trả lời rằng; “ Đúng, tà kiến và phiền não chính là
hạt giống Như Lai vì đối với những người đã thấy pháp vô vi rồi mà vào Niết Bàn
thì không thể phát tâm cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác nữa.
Tôi phải giả ngây thơ để bạn nói tiếp:
- Sao thế? Người đã thấy vô vi thì dễ cầu pháp hơn chứ?
Bạn hăng say:
- Ấy, tuần trước, khi học tới đây Thầy
cũng nhắc phải cẩn thận. Quả nhiên, khi giảng rộng ra thì nghe thế mà
không phải thế!.
Người đã thấy vô vi, ví như đã ở trên gò cao; gò cao
làm sao mọc được hoa sen mà chỉ nơi bùn lầy nước đọng sen mới vươn lá, đơm hoa;
hoặc, cũng như khi gieo hột giống, có ai tung hột trên không trung trăng thanh
gió mát mà hột nẩy mầm được không? hay phải gieo xuống
đất bùn phân ẩm mới đâm chồi nẩy lộc?
Tôi bàn thêm:
- Nói nôm na thì như người trí tự
đặt dấu mốc cho mình, khi đạt tới thì cho là đã đấy, đã đủ. Trái lại, người ngu
biết mình ngu nên miệt mài học, phát tâm cầu học
đến vô cùng nên có thể đạt tới quả vị tột đỉnh.
Bạn đồng ý ngay:
- Trong Kinh Duy Ma có nhấn mạnh thêm về đoạn này với hình
ảnh liên đới rất hay, là người không lặn xuống biển sâu thì không tìm được ngọc
trai quý giá; không khác gì người không trầm luân trong biển phiền não sẽ chẳng
tìm được ngọc Nhất Thiết Trí vì từ chông gai mới bừng lên hào khí, từ khổ đau
mới phát sanh trí huệ. Do đó mà ngài Văn Thù nói rằng, phiền não là hạt giống
Như Lai.
Tôi reo lên:
- Đúng rồi, hạt giống đó chính từ mầm
phiền não mà nở thành bông sen.
Giọng bạn bỗng trở lại buồn bã:
- Tri và hành là hai việc khác nhau. Biết thế mà làm được thế mới khó.
Sợ cơn giông bão lại kéo về, tôi vội vã trấn an:
- Đường tu cũng như đường đời, chúng ta
luôn phải đối đầu với thuận và nghịch, có thế ta mới nhìn ra chân lý, nên đôi
khi chúng ta phải cám ơn nghịch cảnh vì không có nghịch cảnh ta không có dịp
biết mình tu chứng tới đâu. Chỉ khi chúng ta thoát ra
khỏi sự chi phối của ngoại cảnh ta mới vào được thế giới Diệu Hỷ, đó là thế giới
không bị sương gió trần ai xao động.
Bạn thuộc bài hơn tôi tưởng khi phát biểu:
- Đã vào được thế giới Diệu Hỷ thì làm gì
còn tu với chứng nữa. Trong phẩm bẩy “Quán chúng sanh” chúng ta vừa học,
tôi rất thích đoạn Thiên nữ thị hiện rải hoa cúng dường và đàm luận cùng ngài Xá
Lợi Phất. Mỗi câu hỏi, câu đáp ở đoạn này là mỗi bài pháp trí tuệ tuyệt vời.
- Thí dụ.
- Thí dụ ư, nhiều lắm, nói một đoạn thôi. Khi Xá Lợi Phất
hỏi Thiên nữ “Trong Tam-thừa Như Lai, cô tu ở thừa nào?” thì thiên nữ trả lời
“ Tôi không tu thừa nào cả!” Xá Lợi Phất lại hỏi gặng “Không tu thừa nào
thì cô có phải là đệ tử của Như Lai không?” Tới đây Thiên nữ mới nói rõ: “Khi đi
vào rừng cây chiên đàn, ta sẽ chỉ ngửi thấy mùi hương chiên đàn mà thôi, không
mùi nào khác nữa”. Câu trả lời đầy trí tuệ này khai mở cho chúng ta suy nghĩ
rằng Thiên nữ đã lìa khỏi khái niệm tam thừa, chỉ còn thừa duy nhất là nhất thừa
mà thôi; và nhất thừa đó không tách rời tam thừa, nhất thừa đó dung chứa tam
thừa, có khác gì khi vào rừng cây chiên đàn thì còn mùi hương nào khác ngoài
hương chiên đàn đâu!
Tôi hỏi vặn:
- Ý bạn định nói Thanh-Văn-thừa, Duyên-Giác-thừa chỉ là
phương tiện dẫn đến Bồ-Tát-thừa, phải không?
Tưởng tôi phản đối, bạn ngạc nhiên, cao giọng:
- Chứ không phải trong Phẩm Bẩy nói rõ vậy ư?
Tôi im lặng mỉm
cười. Hình như bạn vừa nhận ra “âm mưu” của tôi, là hóa giải phiền não của bạn
bằng cách ôn bài học “phiền não là hạt giống Như Lai”. Nhưng nhận ra điều đó có
hại gì đâu khi nó giúp bạn biết rằng mọi sự trên đời đều có hai mặt như chiếc mề
đay, và mặt trái mới là mặt quan trọng vì đó là mặt tàng ẩn những gì ta phải
chống trả, đối phó, hứng chịu và nếm mọi đắng cay. Công lực ta có hay không là
khi trực diện mặt trái đó.
Sau khi xả
thiền, bạn chậm rãi đọc cho tôi nghe bài kệ của Thiền-sư Vạn Hạnh, và đọc luôn
cả bài dịch của Thích Mật Thể như sau:
Thân như điện ảnh hữu
hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu
hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô
bố úy
Thịnh suy như lộ thảo
đầu phô
Thân như bóng chớp
chiều tà
Cỏ xuân tươi tốt, thu
qua rụng rời
Sá chi suy thịnh cuộc
đời
Thịnh suy như hạt
sương rơi đầu cành.
Trước khi về bạn
còn ra vườn hái mấy bông ngọc lan, loanh quanh ngắm những cành bưởi trĩu trái mà
tôi vẫn chưa phải nghe “chuyện gì bi thảm đến nỗi khóc như mưa bão!!!”
Bạn đã thấu
triệt bài học “Phiền não là hạt giống Như Lai” mà bạn không hay.