Có một vị Thiền Sư viết một câu truyện tên là Cửa tùng đôi cánh
gài. Câu truyện này kể lại một chàng dũng sĩ, sống tu tập với
sư phụ và sư huynh, sư đệ mình trên núi cao. Một hôm anh
ta có ý muốn xuống núi để đi giúp đời.
Vị sư phụ không muốn anh đi, nhưng cuối cùng cũng trao cho anh
một thanh gươm, bảo anh hãy dùng thanh gươm ấy mà đi cứu người hiền và trừ gian,
diệt bạo. Và ông cũng cho anh một tấm kính gọi là Mê Ngộ Cảnh, là
tấm kính chiếu yêu, khi anh soi vào ai thì nếu người đó là yêu sẽ lập tức hiện
nguyên hình trong gương. Tấm gương đó sẽ giúp anh hành
đạo dễ dàng hơn.
Và chàng dũng sĩ trẻ
ấy xuống núi đi trừ gian diệt bạo. Những ngày tháng đầu anh làm việc rất
say mê. Có lần anh gặp một ông đạo sĩ rất hiền lành, khi soi
kính chiếu yêu thì anh thấy trong đó có hiện hình con yêu, anh dùng thanh bảo
kiếm giết con yêu ấy ngay. Có lần gặp một ông quan có vẽ rất thương dân, anh cũng dùng thử kính
chiếu yêu thì lại thấy đó là một con yêu. Và anh làm việc rất say
mê không biết mệt mõi, anh nghĩ là cuộc đời này rất cần đến sự có mặt của anh.
Thắm thoắt bảy năm trôi qua, chợt một hôm anh thấy chán nản, tuy anh cũng hành
đạo giúp đời nhưng thấy không cần dùng đến chiếc kính chiếu yêu nữa.
Anh bổng muốn trở về gặp lại sư phụ và huynh đệ mình.
Khi chàng dũng sĩ ấy
về đến thì thấy cửa lên núi bị đóng chặt. Anh đẩy hoài
cũng không mở được. Anh nhớ sư phụ anh có nói là
ông có làm phép cho cánh cửa này đóng chặt, nếu là yêu quái thì sẽ không thể nào
đẩy mở được. Nhưng anh thì làm sao là yêu quái được, anh là dũng sĩ
đi trừ gian diệt bạo mà! Anh bèn đi xuống một bờ suối,
nhìn hình mình dưới nước, rồi anh thử lấy kính chiếu yêu ra tự xem mình thử.
Nhìn vào tấm gương anh không thấy hình anh đâu mà thấy trong đó có một con yêu
đứng chỗ anh đang đứng.
Thì ra trong bảy năm
qua anh đi hăng hái trừ gian diệt yêu, mà anh trở thành yêu quái như họ hồi nào
mà không hay.
Câu truyện ấy thật sâu xa và thấm thía bạn hả?
Mỗi lần đọc câu truyện ấy, chắc bạn cũng như tôi, cảm thấy
thương và tội nghiệp cho chàng dũng sĩ ấy. Tôi cũng tự
hỏi không biết anh ta bắt đầu trở thành một "yêu quái" từ khi nào?
Có lẽ từ khi anh ta cảm thấy mình chán nản chăng?
Tôi nghĩ câu truyện
ấy của vị Thiền Sư ý nói trên con đường tu học, hay bất cứ dấn thân vào một việc
gì đó, điều quan trọng là mình phải giữ mãi cái sơ tâm, tức cái tâm ban
đầu rộng mở, của mình. Có lẽ chàng dũng sĩ xin thầy xuống núi vì muốn thực
hiện tâm nguyện giúp đời, muốn làm cho cuộc đời này được hạnh phúc hơn, đẹp hơn.
Và có lẽ trong những ngày đầu, mỗi khi giúp được gì cho bất
cứ ai là anh thấy đầy đủ lắm rồi. Sáng mang niềm
vui đến cho một người, chiều giúp một người bớt khổ thôi, có lẽ
anh cũng cảm thấy hạnh phúc rồi. Và có lẽ theo năm tháng anh đã bắt đầu nghĩ xa xôi hơn. Có thể anh
nghĩ rằng chỉ giúp một vài người thôi thì phí công mình quá, phải làm sao giúp
cho thật nhiều người mới được! Có lẽ anh nghĩ rằng, ta là một dũng sĩ mang
hạnh phúc đến cho đời mà có ai biết đến tài năng và công sức của mình không?
Có lẽ cái ý niệm về một cái ta, về vấn đề thành bại và danh lợi bắt đầu có mặt,
và anh bắt đầu cảm thấy chán nản khi mình không đạt được như mong ước chăng?
Những sự thật mầu nhiệm
Tôi nhớ bài pháp đầu tiên đức Phật dạy cho chúng ta là về Bốn Sự Thật Mầu Nhiệm,
Tứ Diệu Đế. Hai sự thật đầu là về sự có mặt
của khổ đau trong cuộc đời, khổ đế, và những nguyên nhân khiến ta bị
vướng mắc trong khổ đau ấy, tập đế. Hai sự thật sau, Phật
dạy về sự có mặt của hạnh phúc, diệt đế, và con đường dẫn ta đến sự an
lạc, hạnh phúc ấy, đạo đế.
Bản chất của cuộc đời này là sẽ có những hờn giận, ganh tỵ, tranh đua, thị phi,
bệnh tật, và những đớn đau không tránh được. Nhưng Phật cũng dạy
rằng, cuộc đời này cũng có những hạnh phúc, thảnh thơi, an
vui, và có con đường để đi đến nơi ấy. Nếu có một sơ tâm
rộng mở, ta sẽ nhìn thấy được những yếu tố và điều kiện của hạnh phúc trong cuộc
đời lúc nào cũng có mặt. Thay vì chỉ thấy khổ đế, những khổ
đau trong cuộc đời, và bị vướng mắc vào tập đế, là nguyên nhân của khổ
đau, ta sẽ cảm nhận được diệt đế, tức niềm vui, hạnh phúc có mặt, và thấy
rõ được đạo đế tức con đường dẫn ta đến nơi an vui ấy.
Tôi nghĩ, chàng dũng
sĩ đã ý thức và thấy được rõ sự có mặt của một niềm vui giải thoát, và với một
tâm ban đầu rộng mở, anh xin sư phụ cho xuống núi vì muốn làm cuộc đời sáng đẹp
hơn. Nhưng sau năm tháng miệt mài, có lẽ đâu đó anh đã đánh mất cái niềm
vui ban đầu của mình, bị vướng mắc vào những phương tiện của danh lợi, quyền
chức, thành công, thất bại, để rồi cảm thấy chán nản và buông suôi.
Anh xuống núi với tâm nguyện đem hạnh phúc của diệt đế và đạo đế
vào cuộc đời, nhưng rồi theo năm tháng anh trở lại
vướng vào khổ đau của
tập đế trong cuộc đời.
Primum Non Nocere
Vì cuộc đời này có tám vạn bốn ngàn khổ đau, nên ta cũng
cần có đến tám vạn bốn ngàn phương tiện để giúp chuyển hóa những khó khăn của
mình. Ngài Thiên Thai Trí Giả có giải
thích rằng, ngày xưa đức Phật đã dùng bốn phương cách thiện xảo để thành tựu
được điều đó. Thứ nhất là tùy hỷ, Phật tùy nơi chỗ ưa thích của người nghe,
dựa trên những nhận thức phù hợp với cuộc đời này, mà chỉ dạy. Thứ
hai là tùy nghi, Phật tùy theo căn cơ của người
nghe, vì chúng ta có lối suy nghĩ như vậy, có hoàn cảnh như vậy, có những khó
khăn và thao thức như vậy, cho nên Phật phải nói làm sao cho người ta có thể cảm
thông được. Thứ ba là tùy trị, Phật tùy bệnh mà cho thuốc, và mỗi
người chúng ta có một căn bệnh riêng, có những mặc cảm, những lo sợ và buồn khổ
riêng, nên lời Phật dạy có mục đích chữa trị cái tâm bệnh của người nghe.
Và
tiêu chuẩn thứ tư là tùy nghĩa, những gì Phật dạy đều là chân thật và cao
thượng, nó không chỉ là phương tiện tạm thời mà lại khiến người nghe dính mắc
thêm, nhưng đó là một phương tiện thiện xảo giúp người ta thấy rõ được Bốn Sự
Thật Mầu Nhiệm. Và bạn biết không, tôi nghĩ rằng những lời Phật dạy
dù là tùy hỷ, tùy nghi hay tùy trị đi chăng nữa, nó nhất định phải
có cái tiêu chuẩn quan trọng thứ tư ấy, đó phải là một sự thật giải thoát.
Chúng ta có thể như
chàng dũng sĩ với một tâm nguyện rất đẹp, muốn giúp cuộc đời bớt khổ.
Và chúng ta cũng có thể tạo ra nhiều phương tiện, phương cách khác nhau, để giúp
chuyển hóa những khổ đau mênh mông của cuộc đời này.
Nhưng nếu điều mà chúng ta thiếu là cái thứ tư ấy, thì những phương tiện của ta
chỉ gây hại nhiều hơn là thật sự giúp ích gì được cho ai, bạn có nghĩ vậy không?
Tôi nhớ trong y khoa, các vị y sĩ có một câu châm ngôn là "First Do No Harm."
Primum non nocere.
Trước khi muốn cứu, chữa trị cho ai, thì điều đầu tiên ta cần nhớ là chuyện mình
làm không có hại thêm, gây khổ đau thêm cho người ấy. Không khéo, đôi khi ta lại chỉ vô tình lấy khổ đau này mà thay cho
khổ đau khác mà thôi.
Với một bàn tay
mở rộng
Nhưng chúng ta có thể nào hiểu được lời Phật dạy để áp dụng một cách chân thật
vào những phương tiện tu học của mình chăng?
Những gì Phật khuyên chúng ta thực hành có cao xa và khó hiểu
lắm không?
Có lần tôi nghe đức
Đạt Lai Lạt Ma chia sẻ như vầy, "Nếu ta
có được một tôn giáo thì tốt. Nhưng thật ra là nếu như
không có tôn giáo chúng ta cũng vẫn có thể xoay xở được. Còn nếu
như không có những tính chất căn bản của con người, như là tình thương, tâm từ,
lòng tử tế, thì chúng ta sẽ không thể nào tồn tại được." Tôi nghĩ
những điều Phật dạy cũng chỉ là làm sao để giúp mình tiếp xúc lại được những cái
hay đẹp căn bản ấy trong ta! Thực hành được bấy nhiêu thôi, tình thương, tâm
từ, lòng tử tế, là ta cũng có thể chuyển hóa được biết bao nhiêu khổ đau cho
mình và người chung quanh rồi phải không bạn?
Trong kinh có ghi
Phật vẫn thường nhắc nhở chúng ta rằng, Ngài dạy chúng ta với một bàn
tay
rộng mở, "Trong bốn mươi lăm năm
sau cùng trong cuộc đời của ta, ta không hề dấu diếm điều gì trong những lời
giáo huấn. Chẳng có một lời giáo huấn nào bí mật, không có một lời nào mang ẩn
ý. Tất cả những lời giảng của ta đều được đưa ra một cách ngay thật và minh
bạch." Phật trao cho chúng ta những gì Ngài biết với một
bàn tay mở rộng, minh bạch, không dấu diếm, không mang ẩn ý. Tình
thương, tâm từ, lòng tử tế. Có lẽ nếu như chúng ta thôi đừng suy luận
hay tìm cầu xa xôi, chỉ cần mở rộng lòng mình ra để tiếp nhận mà thôi, ta sẽ
chứng nghiệm được niềm hạnh phúc sâu xa, an vui của diệt đế, và con đường
của mình đi bao giờ cũng được che chở bởi bóng mát của đạo đế.
Và bạn biết không, tôi vẫn nghĩ rằng chàng dũng sĩ
trong câu truyện ấy là một gương mẫu cho ta noi theo. Anh chính thật là một
người tráng sĩ cần thiết cho cuộc đời. Vì anh biết dừng lại, biết trở về
và có can đảm dám tự soi gương quay chiếu lại nơi chính mình, biết được có mấy
ai...
Nguyễn Duy Nhiên