Kẻ không thầy tổ

KẺ KHÔNG THẦY TỔ

Nguyên Hiệp

            Tôi tên Vũ, và khi quy y đã được thầy đặt cho pháp danh là Nguyên Phong. Ba mẹ tôi vốn không biết chút gì về chữ Hán nên khi đặt tên cho tôi đã không nhằm vào một chữ Vũ nào trong tiếng Hán cả, cứ thấy chữ nào không trùng với tên của các cụ trong gia phả ba đời thì đặt, không cần biết từ đó có nghĩa gì, dỡ hay thế nào. Nhưng thầy truyền giới quy y, tôi nghĩ khi đặt pháp danh cho tôi thì hiểu chữ Vũ ở đây có nghĩa là mưa, vì vậy đã đặt cho tôi chữ Phong làm pháp danh. Thường thì khi đặt pháp danh, tôi thấy quý thầy cho một chữ nào đó mà khi gộp chữ đó lại với tên khai sinh thì nó tạo ra một nghĩa riêng. Ví dụ như người có tên là Thiên thì khi quy y thường được đặt cho pháp danh là Thanh. Gộp chữ Thanh và Thiên ấy lại thì có nghĩa là trời xanh. Hay người có tên là Thuỷ thì khi quy y thường được đặt cho pháp danh là Tịnh. Gộp chữ Tịnh và Thuỷ ấy lại thì có nghĩa là nước sạch… Cũng như vậy chữ Phong được đặt làm pháp danh cho tôi hẳn có nghĩa là gió, vì như vậy khi kết hợp với chữ Vũ nó mới có nghĩa: Phong Vũ = gió mưa. Nghe não nề quá chăng!

Đó là cách hiểu của tôi thôi, thú thực khó mà biết được thầy quy y cho tôi dùng chữ Phong nào trong tiếng Hán, và thầy cũng không còn để cho tôi hỏi chữ Phong đó có nghĩa gì. Mà nghĩ điều đó cũng không có gì quan trọng lắm để cho tôi quan tâm.

Tôi quy y từ lúc còn rất nhỏ, và tôi thật sự không nhớ là mình đã quy y từ khi nào nữa. Nghe ba mẹ kể lại thì lúc đó tôi mới có năm tuổi. Mấy anh em tôi được ba mẹ dẫn đi quy y chung một lần và cùng một bổn sư. Vài năm sau đó, gia đình tôi chuyển đi kinh tế mới và tôi chưa bao giờ trở lại ngôi chùa mà trước đây mình quy y, cũng vì thế tôi không thể biết được gương mặt bổn sư trao truyền tam quy cho mình. Theo ba tôi thì thầy quy y cho tôi là một người rất tài đức. Tôi nghe thì biết vậy chứ không thể hình dung được thầy tài đức thế nào. Sau này lớn hơn chút nữa, ba tôi có lần dẫn tôi về thăm lại chùa xưa, nhưng hỏi thăm thì biết thầy đã tịch. Nhìn di ảnh của thầy, đúng như lời ba mẹ tôi nói, trông thầy rất hiền từ và thánh thiện.

Sau đó tôi xuất gia. Nhưng tôi không xuất gia ở ngôi chùa này mà tại một ngôi chùa trong vùng. Khi ba mẹ đưa tôi đến chùa xin đầu Phật, Hoà thượng trụ trì hỏi rằng tôi có pháp danh chưa. Tôi thưa rằng đã có. Hoà thượng hỏi vị thầy quy y cho tôi là ai. Tôi thưa rằng thầy quy y cho tôi đã mất. Hoà thượng trầm ngâm một lát rồi nói:

- Con đã quy y và có pháp danh rồi nên thầy không đặt pháp danh cho con nữa. Sau này nếu con thọ giới sa di thì thầy sẽ đặt pháp tự cho con. Từ nay con sẽ được gọi bằng pháp danh đã có của mình.

Tôi xá chào hoà thượng biểu thị cho sự vâng lời, nhưng thú thực lúc đó tôi không hiểu thể nào là thọ giới sa di và thế nào là pháp tự, và trong đầu tôi khởi lên thắc mắc là tại sao phải có nhiều tên đến vậy.

Nhưng rồi tôi không có được cơ hội để hoà thường ban cho pháp tự, vì tôi xuất gia chưa được bao lâu thì hoà thường lâm bạo bệnh và qua đời. Việc hoà thượng qua đời đã làm cho ba mẹ tôi vô cùng buồn lo, nghĩ rằng như vậy tôi sẽ mất đi nơi nương tựa, và rằng tôi sẽ gắp rất nhiều khó khăn khi không còn người hướng dẫn. Bản thân tôi thì chẳng thấy lo lắng gì, chỉ thấy thương nhớ hoà thượng thôi. Dù ở với Thầy chưa được bao lâu nhưng hình ảnh của Thầy đã để lại trong tâm trí tôi những ấn tượng sâu đậm.

Ngay từ khi còn ở nhà tôi đã nghĩ, dù sống ở đâu thì cuộc đời của mình phải tự mình quyết định, không thể nượng tựa hoàn toàn vào ai được. Ba mẹ tôi khi đem tôi gửi cho hoà thượng, nghĩ rằng nếu nương vào hoà thượng thì cuộc đời của tôi sẽ có nhiều triển vọng và tôi sẽ có thuận duyên trong con đường tu hành, vì ngài giữ chức vụ Trưởng ban trị sự của một tỉnh. Chính vì suy nghĩ như vậy nên khi hoà thượng qua đời ba mẹ tôi đã hết sức lo lắng.

Sau khi hòa thượng qua đời, chùa được giao lại cho một thầy khác trụ trì. Và sự thay đổi người quản lý đã ít nhiều làm thay đổi cuộc sống sinh hoạt trong chùa. Khi hoà thượng qua đời, những người tập sự tu hành như tôi còn đến bảy vị.

Hoà thượng mất tháng trước thì tháng sau, ngoài tôi ra, sáu huynh đệ khác đều chuyển đến các nơi khác, một sự chuyển đi có sự sắp xếp của người lớn, và sáu huynh đệ này có vẻ bằng lòng với sự sắp xếp ấy. Thực ra, tôi là người được sắp xếp đưa đi đầu tiên, nhưng vì nơi được đưa đến tôi thấy không thích hợp nên đã tìm cớ từ chối. Điều đó khiến cho người lớn không bằng lòng, và cũng có nghĩa rằng bước đi tiếp theo của tôi sẽ không còn người giúp đỡ, và tôi phải tự thân lo lấy mọi việc!

Mấy tháng sau khi sáu người bạn đã chuyển đi, tôi nghĩ cũng đã đến lúc mình không thể tiếp tục ở lại được nữa, nhưng vẫn loay hoay không biết mình nên đi đâu. Tình cờ sau lễ Vu Lan, có một thầy từ Nam ra ghé thăm chùa. Tôi lân la hỏi thăm và rồi theo thầy vào trong đó học Trung cấp Phật học. Khi thầy dẫn tôi xuống chào thầy Hiệu trưởng để xin trú học, thầy Hiệu trưởng đã hỏi tôi:

- Con xuất gia bao lâu rồi?

- Bạch thầy, đã hơn ba năm.

- Bổn sư của con là ai?

- Bạch thầy, bổn sư là người quy y hay người thế phát xuất gia ạ?

Thầy Hiệu trưởng cười vang vì câu hỏi của tôi. Thầy Chánh văn phòng thấy tôi hỏi vậy thì nói:

- Người thế phát đó.

- Bạch thầy, bổn sư của con đã tịch rồi.

Thầy Hiệu trưởng im lặng, lát hỏi tiếp.

- Vậy thầy quy y cho con là ai?

- Bạch thầy, con chưa bao giờ gặp mặt, nhưng cũng đã qua đời rồi.

- Vậy thì ai sẽ ký giấy cho con nhập học đây.

- Bạch thầy, học đạo mà cũng phải ký giấy nữa sao?

- Sao lại không! Không vậy thì làm sao biết được con là người thế nào!

Nghe thầy hiệu trưởng nói vậy, tôi định cãi lại nhưng vội kịp kiềm chế. Giả sử như tôi được thầy tôi ký giấy cho vào trường này học thì ở đây họ cũng đâu biết được tôi là người thế nào! Chẳng lẽ tờ giấy có chữ ký của một người nào đó đại diện thì nhân cách và lý lịch của tôi sẽ được biết rõ sao? Trong khi, giả sử thầy tôi còn sống thì chắc gì mấy thầy đã biết được thầy tôi là ai. Ngày xưa người ta đi học đạo, các vị thầy có hỏi đến vấn đề giấy tờ không nhỉ? Chắc mỗi thời mỗi khác.

Nhưng rồi thầy hiệu trưởng đã đề ra cho tôi một giải pháp, nói:

- Nếu vậy thì con phải tìm một thầy nào đó làm y chỉ sư để thầy đó ký giấy cho con.

Thú thật lúc đó tôi không biết cụm từ “y chỉ sư” có nghĩa là gì, nhưng ngại hỏi lại nên đành im lặng. Và việc trình diện thầy hiệu trưởng cũng được dừng lại ở đó. Nhưng dù không có giấy tờ hợp thức, tôi vẫn được tham dự lớp học, dù bị gọi là học dự thính. Cái khái niệm chính thức hay dự thính đối với tôi chẳng có một chút ý nghĩa nào cả. Học đạo mà cũng chính thức và dự thính nữa! Chính thức và dự thính thì có gì khác nhau? Dù bị gọi là học dự thính nhưng tôi vẫn đến lớp đều đặn, và cứ như thế tôi không cần đến việc phải tìm đến một vị thầy y chỉ sư để hợp thức hồ sơ, và quý thầy cũng quên bẵng đi rằng tôi là một học tăng thiếu giấy tờ hợp lệ vì không có thầy tổ.

Nhưng thật hay, dù rằng học dự thính nhưng tôi vẫn được tham gia các kỳ thi và rồi tên của tôi tự nhiên được ghi vào danh sách của lớp. Thì ra cái gọi là giấy tờ nhập học chỉ là hình thức cho vui thôi. Mà cũng nhờ như vậy những kẻ như tôi mới có cơ may trú chân ở một ngôi trường chỉ có hai lớp học nho nhỏ.

Tôi học được hai năm thì Ban trị sự tỉnh mở giới đàn truyền giới. Giới đàn được mở ngay tại trường. Và đây lại là dịp tôi gặp rắc rồi vì lý do không có thầy tổ. Theo lời của thầy hiệu trưởng lúc đó thì những tăng sinh nào đã thọ sa di được ba năm, tuổi đời đủ hai mươi, học xong mười hai rồi thì được thọ Đại giới; còn những ai học xong lớp chín, tuổi trên mười sáu, xuất gia được ba năm thì cho thọ giới Sa di. Và để thọ giới “hợp pháp”, mỗi vị phải nhận một bộ hồ sơ về điền đầy đủ, có xác nhận của bổn sư hay y chỉ sư, lẫn xác nhận của các cấp chính quyền từ xã đến tỉnh. Đọc xong tờ đơn có phần ghi chú bên dưới, tôi cảm thấy rối rắm và không còn ý định thọ giới sa di nữa. Nhưng khi hồ được gom lại đem trình thầy hiệu trưởng, thấy không có hồ sơ của tôi, thầy bèn gọi tôi lên, hỏi:

- Sao con không làm hồ sơ thọ giới?

- Bạch thầy, vì con không hội đủ những điều kiện như trong hồ sơ yêu cầu.

- Con thiếu thứ gì.

- Bạch thầy, con không có bổn sư để xác nhận.

- Thì con phải đi cầu một thầy làm y chỉ sư chứ.

- Dạ, nhưng con không biết cầu ở đâu.

- Cái chú này, sao ăn nói kỳ quặc vậy.

- Bạch thầy, hay thầy làm y chỉ sư của con đi.

Câu nói của tôi không ngờ làm cho các thầy có mặt ở văn phòng cười vang lên. Thầy hiệu trưởng nói chung là một người dễ tính, sau khi cười đến chảy cả nước mắt, bảo:

- Thôi được rồi, đến ngày đó con cứ thọ giới với các anh em khác, chuyện giấy tờ để thầy bảo thầy Chánh văn phòng lo.

Tôi xá chào thầy và bước ra khỏi văn phòng, nghĩ ngợi mông lung và thấy lòng thoáng buồn. Hồi trước khi xuất gia, hoà thượng nói sau này khi tôi thọ giời sa di thì ngài sẽ đặt cho tôi một cái pháp tự, và nay tôi sắp thọ giới nhưng hoà thượng không còn nữa. Không biết nếu hoà thượng còn sống thì ngài sẽ đặt pháp tự cho tôi là gì? Thấy hiệu trưởng thì không đề cập đến chuyện này, và không biết trong hồ sơ của tôi người ta sẽ ghi pháp tự là gì?

Rồi tôi trở thành một chú sa di với một tấm y vàng được một thầy đi trước tặng lại. Vài tháng sau tôi có thêm một cái chứng điệp màu xanh xác nhận đã thọ giới. Thọ giới sa di đồng nghĩa với việc tôi phải giữ mười cấm giới mà đức Phật đã chế định. Việc thọ giới như vậy là đòi hỏi mình phải nỗ lực nhiều hơn trong tu tập, ấy vậy nhưng lại hình thành trong đầu tôi lúc ấy ý nghĩ mà sau này thấy thật quái đản, là mình đã có một vị trí gì đó cao hơn trước!

Sau thọ giới, tôi lại tiếp tục những năm tháng còn lại của khoá học. Càng về sau những buổi học càng trở nên nhạt nhẽo, không còn mấy hứng thú như những năm đầu. Quay đi quay lại cũng chỉ chừng đó thầy cô giáo, dạy hết năm này sang năm khác, gặp mặt nhau hoài, nghe giảng hoài sinh ra chán, bởi không có gì mới mẽ.

* * *

Khoá học kết thúc. Thật không ngờ bốn năm học trôi qua nhanh chống đến vậy. Tốt nghiệp, cũng có nghĩa là ra trường. Tôi sẽ đi về đâu sau khi ra trường? Tôi sẽ làm gì khi tốt nghiệp khoá học? Hình như tôi không có một sự định hướng gì cả, và cũng không có ai quan tâm đến việc tôi đã tốt nghiệp cả. Những lời khen tặng dành cho tôi vào ngày mãn khoá vì đứng đầu bảng phút chóc đã tan biến giữa bề bộn cuộc đời. Tôi lại phải tự xoay xở. Tôi biết mình chưa đủ khả năng để nhận chùa trụ trì, và nếu có đủ khả năng thì cũng chẳng ai mời trụ trì. Còn trở về thì chẳng biết phải trở về đâu! Một số người bạn của tôi vào thời điếm ấy đã hoàn tục vì bế tắc lối đi. Lỗi do họ một phần và do người lớn một phần. Tôi thấy cách giáo dục, đào tạo cũng như quản lý người của các chùa và Giáo hội thực sự có vấn đề. Nó lõng lẻo đến buồn cười. Mọi người hình như mạnh ai nấy học, mạnh ai nấy sống, Giáo hội chẳng giúp đỡ hay điều hành gì được họ!

Vào thời điểm ấy tôi phải tự tìm lấy một điểm tựa, và phương cách duy nhất là tìm một trường nào đó để học tiếp. Tôi đã tìm hiểu, làm hồ sơ, rồi nhờ một thầy giáo thọ ở trường xác nhận giúp và nộp vào một trường cao đẳng Phật học ở ĐL vừa mới thành lập. Tất nhiên nếu hồ sơ hợp lệ thì sẽ được nhận vào học. Các trường Phật học thường không khó khăn trong vấn đề nhận người. Nhưng mâu thuẩn ở trong vấn đề này là, trong khi trường chấp nhận cho học thì lại không cho người ta một chỗ ở để đi học. Tôi thấy có sự bất cập đến trớ trêu. Trong khi việc thông báo tuyển sinh có vẻ mang tính “hành chính” thì việc xin chỗ ở lại hoàn toàn được giải quyết theo cảm tính, theo quen biết, theo quan hệ chùa chiền tổ đình tôn phái quê hương. Cái cảm giác khi đặt chân đến ngôi trường này có lẽ suốt đời tôi không thể quên đi được. Đó là một ngày tháng tám, ĐL mưa và lạnh đến tê người. Vì phải cuốc bộ từ bến xe đến trường trong mưa lạnh nên người tôi ướt sũng, nhưng tôi đã không nhận được một sự giúp đỡ nào dù đứng trước hiên chùa mấy tiếng đồng hồ. Người ta đang cần ở tôi một lá thứ của bổn sư, của y chỉ sư, hay ít nhất của một người quen nào đó. Và tôi đã không có. Vậy thì hồ sơ nhập học trước đây của tôi có giá trị gì? Các trường đại học bên ngoài xét ra vẫn còn hay hơn nhiều. Một sinh viên của trường ít nhiều vẫn còn được trường giúp đỡ, ít nhất là thời điểm chân ướt chân ráo. Chưa bao giờ tôi nghi ngại về lòng từ bi của mấy thấy như lúc ấy. Nhưng rồi thấy tôi đừng hoài ở hiên, thầy giám tự cuối cùng đã bảo tôi vào ở tạm phòng của hai chú điệu. Hai chú điệu nhỏ và ngây thơ. Tôi ước mình được như vậy, đừng có nghĩ ngợi, đừng suy xét gì cả. Nhưng tôi làm sao không nghĩ ngợi được khi đang rơi vào hoàn cảnh như vậy. Một chú đã nhường giường và chăn mền cho tôi. Tôi không biết rồi hai chú sau này lớn lên sẽ như thế nào khi được sống trong một môi trường như vậy? Giáo pháp của đức Phật chỉ được giảng dạy mà không hề được ứng dụng!

Ở được đó hai ngay, biết không thể kéo dài thêm nữa tôi đành phải từ giã ra đi. Cái thái độ dửng dưng của quý thấy trong ban giám hiệu khi tôi chào ra về làm tôi lành lạnh xương sống. Trong giáo dục điều gì được coi trọng nhỉ? Lẽ nào nhưng mối quan hệ qua lại, tôn phái tổ đình… lại giữ vai trò quan trọng trong giáo dục vậy sao?! Tôi phải rời khỏi đó dù chưa biết phải về đầu.

* * *

Ngôi chùa quay mặt về hướng sông. Chùa khá lớn nhưng không đông người. Con sông này đã gắn lên tôi ít nhiều kỷ niệm từ thuở tôi mới đặt chân vào chùa. Mùa hè mấy điệu thường ra đây tắm. Tuổi trẻ thường hay nghịch ngợm và đôi lúc có những hành động quá đà. Chuyện tắm của mấy điệu đã có khi bị người dân ở đó phản ánh lên hoà thượng, mà sau này nghĩ lại thấy cũng vui vui. Những kỷ niệm đó không biết còn ai trong những ngày xưa ấy mang theo, hay chỉ lướt qua tuổi thơ như một vết chớp không thực. Tôi đã trở về lại ngôi chùa ngày xưa của mình. Chùa vẫn không có gì thay đổi, vẫn ngôi chánh điện uy nghi, vẫn những bờ tường và những gốc cây quen thuộc. Tuy nhiên những người cũ không còn một ai. Một vài người đã quay lại đời sống cũ, một vài người đã chuyển đi nơi khác.

Tôi về rồi lại đi. Ba mẹ tôi trước đây bảo rằng số của tôi sẽ không bao giờ ở yên được một nơi nào. Ba mẹ nói như vậy vì tin vào lời thấy coi tướng số. Tôi không biết điều đó về sau này sẽ thế nào, trước mắt thì có phần đúng. Tôi vẫn chưa dừng yên một chỗ được. Bởi vì mọi điểm tôi dừng lại đều bấp bênh dao động. Do tôi và cũng do người. Tôi đang thực sự đi tìm điều gì? Một đời sống tu sĩ với đúng nghĩa của nó? Tôi có thể thực hiện điều đó chỉ bằng tự lực không? Trong cái xã hội duyên sinh này, người ta không thể tồn tại độc lập được. Mọi giấy tờ của tôi đều phải do người khác ký. Và cuộc đời của tôi đôi khi lại bị ba cái giấy tơ vô tri kia hành hạ. Càng lúc tôi lại càng bị chi phối bởi nhiều giấy tờ, bằng cấp.

Một năm sau khi tốt nghiệp trung cấp Phật học, tôi đã thả trôi đời mình hết chỗ này qua chỗ khác như một du tăng mất phương hướng. Nhiều lúc tôi thấy ngại ngùng khi mỗi lần tụng đọc bài kệ quen thuộc vào mỗi buổi quá đường, “Nhất bát thiên gia phạn. Cô thân vạn lý du. Tuỳ nghi sanh tử sự. Giáo hoá độ xuân thu”. Tôi cũng “cô thân vạn lý” nhưng đã không sống theo được cái tinh thần của bài kệ ấy. Tôi đâu thể thong dong với mấy trắng, để xem trời xanh trên những nẻo đường qua! Tôi dễ gì vân du xin cơm ngàn nhà giữa một xã hội mà không phân biệt đâu được sư thật, sư giả! Tôi dễ gì xin ngủ qua đêm ở một ngôi chùa nếu không quen biết!… Một năm, tôi làm kiếp du tăng lây lất, lạc loài ngay giữa cộng đồng của mình…

Tháng tư mùa hoa sen nở. Tháng tư thường được thi vị hoá vì ngày đản sanh của đức Phật nhằm vào tháng này. Tháng tư ở quê tôi trời thường nống và có những cơn mưa dông như trút nước. Tôi lại trở lại về quê vào một ngày tháng tư sau một năm tốt nghiệp trung cấp để thực hiện cái gọi là làm hồ sơ dự thi vào Học viện Phật giáo. Lại hồ sơ giấy tờ! Càng về sau mọi giấy tờ có vẻ như nhiều hơn, rắc rối hơn, và tôi cũng được điều tra nhiều hơn về lai lịch của mình. Cái cảnh phải đi từ chỗ này sang nơi khác để xin từng con dấu, chữ ký rồi chờ đợi khiến tôi vô cùng ngán ngẫm như phải ăn bánh đúc trong nhiều ngày liền. Nhưng đi từ chỗ này sang nơi khác và chờ đợi cũng không mệt mõi bằng khi phải đối diện với những dáng điệu đầy cửa quyền, những bộ mặt nghiêm khắc (hoặc giả bộ nghiêm khắc) của các quan chức, từ đời đến đạo. Cái kiểu săm soi vào từng chi tiết nhỏ nhặt nhất trên từng tờ giấy đối với tôi nó thật sự kỳ lạ. Sau chờ đợi đúng một tháng để cho người ta về tận nhà tới tận chùa tìm hiểu thân thế của tôi, hồ sơ dự thi của tôi được chấp nhận và tôi lại ôm bộ hồ sơ đó vào SG để nộp.

Tôi đã trải qua một kỳ thi tuyển (Không biết đây là kỳ thi thứ mấy mà tôi đã tham dự). Rồi tôi có tên trong những người được chọn cho khoá học. Ba mẹ tôi vui mừng vì điều đó. Mấy người bạn chúc mừng. Tôi gượng cười nói lời cám ơn và lại ôm áo quần sách vở lên đường.

SG tháng 9 trời khá dịu, thi thoảng lại có mưa. Những cơn mưa thường hay làm phiền đến những kẻ đi đường, nhất là những kẻ đi mà không biết mình đi về đâu. Các thầy từ các tỉnh về SG học, thường có giấy giới thiệu, hoặc thư tay, hoặc được bổn sư dẫn đến những chùa quen biết gửi ở đi học. Nhưng ngoài những thầy  thường” ấy ra còn có những kẻ không có được những điều kiện ấy, có nghĩa là họ phải tự xoay xở để tìm lấy một chỗ ở hợp lý giữa cái phố thị xô bồ bụi bặm này. Chỗ ở “hợp lý” tức là họ phải ở chùa, hoặc ít nhất phải ở tịnh thất chứ không phải ở nhà trọ, ở nhà bà con… như các sinh viên bên ngoài. Tôi và một người bạn (cũng ít nhiều giống nhau về thân phận) đã vào SG trước khi khoá học bắt đầu để thực hiện cái gọi là “xin chỗ ở”. Nhưng có một chút may mắn trong lần đi này là người bạn có một người chú họ ở SG, và chúng tôi có thể dừng chân tạm ở đây vài ngày để thực hiện việc cần phải làm. Buổi chiều khi đến nhà người bà con ấy, người thím (người chú họ đã mất) tỏ ra khá lịch thiệp, nhưng vẫn không dấu được vẻ dè dặt, chấp nhận cho ở tạm nhưng yêu cầu chúng tôi phải đưa giấy chứng minh nhân dân để thím đi trình công an phường. Người bạn tỏ ra khó chịu, nhưng tôi nói không nên như vậy, vì thím làm điều đó cũng việc chẳng đặng đừng.

Chúng tôi đi tìm chùa. Cứ gặp chùa nào là vào xin chùa đó, và tất nhiên không được chấp nhận, dù chúng tôi có trình ra tờ giấy gọi nhập học của Học viện và năn nỉ đủ cách. Mọi chùa đều lấy lý do là chùa không còn chỗ. Đó là lý do thích hợp và dễ thông cảm nhất. Và chúng tôi chỉ biết chấp nhận và tạm tin đó là sự thật. Có chùa sau khi đã đưa ra cái lý do từ chối ấy, còn hỏi một loạt câu hỏi đại loại như, “Chú là đệ tử của ai? Người gốc ở đâu? Trước đây học trường nào? Có thân quen ai ở SG này không?...Người ta không cần ở tôi tờ giấy gọi nhập học của học viện. Tờ giấy ấy không minh chứng được lai lịch của tôi, không nêu lên được thân phận tu sĩ của tôi. Tôi vẫn bị nghi ngờ là “sư dõm”. Hoặc cũng có thể người ta đang cần đến ở tôi một tờ giấy khác có giá trị hơn, như giấy giới thiệu hay thư tay chẳng hạn!

Sau mấy ngày đạp xe lang thang hết chùa này đến chùa khác, tôi đã đến một ngôi chùa ở quận TB. Thầy trụ trì hỏi tôi câu hỏi quen thuộc mà tôi đã được hỏi trong mấy ngày liền, rằng,“chú là đệ tử của ai?”. Cảm thấy quá buồn cười vì điều đó, tôi đã đáp lời không như những lần trước, “thưa thầy, bổn sư của con rất trí tuệ và từ bi nhưng ngài đã tịch.” Thầy trụ trì đang cúi đọc điều gì đó từ cuổn sổ, đã dừng ngay lại khi nghe điều tôi nói. Thầy hỏi lại với giọng khó chịu, “ Bổn sư của chú là ai mà ghê vậy?” Tôi đáp với giọng nghiêm túc, “thưa thầy, bổn sư của con là đức Phật Thích Ca.” Thầy trụ trì là người khá điềm tỉnh, đã không phản ứng gì vời câu trả lời ấy, nhưng hẳn nhiên là không vui vì cho tôi ngạo nghễ. Thực ra tôi không ngạo nghễ mà vì tôi không còn thích cách hỏi và rồi phải trả lời giống như những lần trước là “Thưa thầy, quê con ở… Thầy còn là hoà thượng…. đã tịch rồi….” và rồi nhận lấy câu từ chối, “chú thông cảm đi xin chùa khác. Chùa này không còn chỗ.” Nhưng thật không ngờ, với cách trả lời lần sau này tôi lại được thầy chấp nhận cho ở!

Nghĩ câu trả lời của mình đã đem lại thành công trong lần này, vậy là từ đó về sau, mỗi khi có ai hỏi tôi là đệ tử của ai, tôi đã trả lời rằng Bổn sư của tôi là đức Phật Thích Ca. Mà sự thực, đó cũng là cách trả lời đúng nhất, phải không? Và chỉ có trả lời như vậy tôi mới thực sự là kẻ có thầy tổ!

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle