Không Môn Trong Ngọc Ma-Ni

Không Quán

Không Quán

Hình như mùa xuân đã bắt đầu hiện diện trên quả đất.

Nhìn chung quanh, tôi thấy những sự tái sinh của các sinh vật trong toàn thể môi trường chung quanh mình.

Ở ngôi chùa Mật tông xinh xắn và nhỏ bé nơi tôi trú ngụ cũng đang đón tiếp mùa xuân. Chùa theo truyền thống tu tập của Phật giáo Tây Tạng. Hằng năm, cứ đến mùa tết nguyên đán thì chùa lại trang hoàng ăn mừng tết. Nhưng lịch Tây Tạng tuy có theo chu kỳ của mặt trăng tức là theo Âm lịch mà vẫn có khác biệt với Âm lịch của Việt Nam. Ngày tết Tây Tạng có khi trùng vào tết ta của mình, nhưng phần lớn là cách biệt khoảng hơn một tháng sau tết ta mới là ngày tết Tây Tạng. Dân chúng Tây Tạng gọi tết theo tiếng của họ là "losar" và khi họ gặp nhau thường chúc mừng "tashi losar" nghĩa là "chúc tết an lành", hay "chúc tết may mắn cát tường".

 

Phật giáo gần như là quốc giáo của dân tộc Tây Tạng, và vì thế, để khởi đầu một năm mới cát tường, chùa thường tổ chức ba ngày nhập thất để tu tập trì chú quán tưởng đến đức Phật Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát.

Một lần có người hỏi tôi, thế thì Phật và Bồ Tát khác nhau ở chỗ nào. Tôi trả lời là:

"Đâu có khác biệt về gì nội dung tức là trong Phật và trong Bồ Tát đều có Bồ Đề Tâm viên mãn. Có khác biệt chỉ là về phần y báo. Tức là môi trường của hai vị an trụ có khác nhau. Khi chư vị còn đang trụ ở tại quốc độ của chư vị (cõi tịnh độ) thì mình xưng tụng chư vị là Phật. Còn khi chư vị lìa khỏi quốc độ để hóa sinh cứu độ chúng sinh hữu tình thì là Bồ Tát. Như đức Phật Quán Thế Âm, khi nghe chúng sinh nguy nan kêu khấn đâu nỡ lòng an trụ tại Tây phương, mà hạ thế để cứu độ chúng sinh nguy nan. Hóa thân dưới muôn vàn dạng để cứu khổ độ sinh, khi thì ở biển Nam cứu độ thuyền bè sóng gió, khi thì ở núi Phổ Đà sơn để cứu độ hoằng hóa chúng sinh, thì mình xưng tụng là Bồ Tát."

Vậy thì Quán Thế Âm Bồ Tát dùng tánh nghe cùng khắp thần diệu để nghe chúng sinh kêu gọi cứu khổ Ta-bà.

Trong chùa Tây Tạng, đầu năm, Phật tử nhập thất để quán tưởng đến Bồ Tát Đại Từ Đại Bi. Ba ngày nhập thất đầu năm chẳng là ít nhiều gì bao nhiêu. Tôi và gia đình thường về chùa tham dự những ngày nhập thất đó. Đi theo gia đình tôi là Việt, con trai tôi mới được 15 tuổi. Việt đã từng theo gia đình dự kỳ nhập thất năm ngoái 2010 và năm nay, Việt cũng đi theo gia đình tham dự kỳ nhập thất trong ba ngày.

Hai ngày đầu, chúng tôi nhập thất thật là an tịnh. Đến ngày thứ ba thì có một chuyện trục trặc nhỏ xảy ra... trong chúng...

Số là có một bà đầm đến tham dự ba ngày nhập thất. Khi đến ghi tên, bà có vẻ rất bình thường và bình tĩnh, cho nên không ai có thể nghi ngờ hay đặt ra vấn đề gì. Vị Thầy (gốc người Tây Tạng) và mọi người đều hoan hỷ nhận bà vào khóa tu nhập thất bởi vì dù sao thì bà cũng đã đến chùa tụng kinh và nghe pháp từ một khoảng thời gian trước đó, nhưng không ai nhớ là đã bao lâu, và cũng coi như là quen biết với Thầy và các bạn đạo trong chùa. Vả lại pháp tu trì chú Phật Quán Thế Âm tương đối đơn giản và phổ cập, cho nên cả Thầy và các vị chức sắc trong ban điều hành không có ai đặt câu hỏi gì.

 

Sau hai ngày liên miên nhập thất trì chú, qua đến ngày thứ ba thì ai nấy cũng bắt đầu mỏi mệt. Tuy vậy, trong thời thiền định trì chú đầu tiên của buổi sáng sớm tinh sương ngày thứ ba, mọi người vẫn cố gắng an trụ trong thiền định và hành trì. Sau buổi hành thiền đầu tiên của sáng sớm tinh sương này, như thường lệ thì là buổi thọ trai ăn sáng lúc 8 giờ sáng.

Khi mọi người theo lệnh cồng của vị lo ban ẩm thực thỉnh thì tuần tự đi vào sau hậu điện để thọ trai tại một cái bàn lớn chung cho tất cả mọi người ngồi ăn. Tất cả an tọa và tụng kinh cúng dường thức ăn cho Tam bảo trước khi thọ trai. Lúc đó thì mọi người đều để ý thấy có mùi thuốc lá trong hậu điện.

Tuy vậy, cũng không ai nói gì. Nhưng sau khi thọ trai xong, trong lúc tạm nghỉ ngơi nửa tiếng để qua thời hành trì sau đó, thì có một bà trong ban điều hành đi khám xét và điều tra xem là mùi thuốc lá đã phát nguyên từ đâu. Thì ra tất cả là do từ bà đầm đến tham dự buổi nhập thất. Bà có tật ghiền thuốc lá, và đã cố gắng nhịn hút trong hai ngày. Nhưng qua ngày thứ ba, có lẽ là vì lần đầu tiên đi nhập thất liên tục trong ba ngày, bà đã cảm thấy mệt mỏi và khi mệt mỏi thì cơn ghiền thuốc lá càng nổi lên nặng nề hơn. Trong lúc sáng sớm tinh sương, khi bắt đầu ngồi thiền định trì chú, bà cũng ra ngồi chung, nhưng ngồi thụt, lẻn hẳn về phía sau, để đừng ai để ý đến mình. Và trong lúc đại chúng ngồi thiền thì bà lén lút bỏ ra phía sau hậu điện để hút thuốc lá và nằm nghỉ ngơi. Rồi thì trước khi buổi thiền chấm dứt, bà lẻn ra trở lại chánh điện để ngồi chung với mọi người, y như là không có chuyện gì xảy ra.

Điều bất hạnh xảy ra là bà trong ban điều hành đó lại là một người trọng nguyên tắc. Bà đã tìm đến bà đầm để hỏi cho ra lẽ mọi chuyện. Lúc đầu thì bà đầm không nhận. Nhưng sau đó, vì mọi chuyện quá rõ ràng, cho nên bà đầm đã phải nhận lỗi và bật khóc.

Khi Thầy rời khỏi phòng nghỉ ngơi, đi xuống chánh điện, an tọa trên gối thiền để khai mạc buổi tọa thiền thứ hai của ngày thứ ba, thì bà trong ban điều hành mang nội vụ lên trình Thầy và xin chỉ thị để phân xử.

Thầy yên lặng lắng nghe. Nghe xong Thầy gật đầu và tiếp tục buổi thiền tọa cho đến hết ngày thứ ba như thường lệ và không nói một lời nào về chuyện trục trặc đã xảy ra.

Còn bà đầm thì trước sự kiện vỡ lở và bị bà trong ban điều hành mang lên trình Thầy, bà đã bỏ ra về trong cơn mưa tầm tã vào buổi sáng hôm đó.

Đại chúng yên lặng hành trì.

Cuối ngày, Thầy làm lễ hỏa tịnh để tiêu trừ nghiệp chướng. Đây là phần hành trì cơ bản sau ba ngày nhập thất. Sám hối và tịnh hóa các lỗi lầm khi hành trì sai hoặc không chú tâm, tán loạn tâm chạy theo vọng tưởng. Rồi sau cùng Thầy ngỏ lời cám ơn tất cả mọi người và chúc mừng năm mới cũng như tiễn mọi người rời chùa về nhà an nghỉ.

Gia đình chúng tôi cũng ra về trong niềm im lặng, dư âm của những thời hành trì thiền định trì chú Om Mani Pedme Hum[i].

Tối hôm đó, trước khi đi ngủ, tôi vào phòng của Việt, và nói chuyện về công việc hôm sau phải đưa con trai lên trên trường để nói chuyện với ông Hiệu trưởng và nộp đơn xin cho con được theo chương trình huấn luyện đặc biệt của những học trò xuất sắc.

Sau khi nói chuyện công việc xong, tôi nói với Việt là đi ngủ sớm nhé vì ngày mai phải dậy sớm để lên trường. Việt ngần ngừ một lúc và hỏi:

- Ba ngồi lại với con một chút được không?

- Được chứ, con cần chuyện gì vậy?

- Dạ, con muốn hỏi ba vài câu về những ngày nhập thất vừa qua.

 Tôi trìu mến nhìn con trai:

- Con cứ hỏi, nhưng cho ba được khen là con đã hành trì ba ngày qua rất là giỏi.

- Cám ơn ba, nhưng con muốn hỏi về câu chuyện trục trặc trong chùa của bà đầm hút thuốc làm phiền và lý do gì mà Thầy im lặng không hề trả lời khi bà trong ban điều hành lên thưa cớ sự. Con không hiểu sự im lặng này.

Tôi trầm ngâm im lặng một lúc và cầm tay Việt vuốt ve, xoa dịu....

– Ba không biết cách nào nói cho con hiểu một cách rõ ràng. Nhưng con hãy cố gắng nghe ba trình bày vấn đề này. Đây là một sự liên quan hệ trọng đến tâm thức của người tu tập:

Cuộc đời, hay cõi ta bà, vốn dĩ là nơi chốn của phiền não. Bản chất của cuộc đời vốn là phiền não và khổ đau. Đâu đâu, nhìn đâu cũng có vấn đề và khổ đau. Trước sự thật về khổ đau của cuộc đời thì mình phải tự bảo vệ, nói cách khác đi là tu tập để thoát tâm phiền não. Tâm này như bọt nước của sóng thủy triều, hết đợt này trào đến rồi đợt sau trào đến không bao giờ ngừng. Nếu để tâm vào phiền não thì sẽ không bao giờ hết cả. Vậy thì phải làm sao ?

Tất cả đều là do cách nhìn của mình về cuộc đời...

Rồi tôi im lặng trầm ngâm...

Việt lại ngần ngừ hỏi tiếp:

- Con vẫn chưa hiểu?

Tôi mỉm cười trấn an Việt và nói:

– Để ba nói cụ thể thế này cho con hiểu hơn nhé:

Trong đời sống, có người thì thích "ních chặt tiền trong túi", có người thì thích "ních chặt những nguyên tắc trong đầu".

Người thuộc loại một, khi mất tiền thì họ cực kỳ đau khổ...

Người thuộc loại hai, khi nguyên tắc của họ bị vi phạm thì khổ tâm không chịu nổi và phải tìm cách phá vỡ những liên hệ nào xâm phạm nguyên tắc của họ... Đó là trường hợp của bà trong ban điều hành. Nhưng Thầy thì không bị dính mắc vào những cái đó.

Sự chết... trong khi đó thì chẳng cần biết đến tiền hay nguyên tắc nào cả. Khi chết đi, con người ra đi trần trụi, có mang được gì theo đâu? Tiền bạc, nguyên tắc... tất cả chỉ là vọng tưởng.

Còn lại có phải chỉ là một nỗi niềm mang cảm tính Không vô biên.

Và có lẽ ba phải nói thêm một chút là: những nguyên tắc chấp vào đó không ít thì nhiều liên hệ đến bản ngã hay chấp ngã bởi vì họ bị khổ tâm khi nguyên tắc của họ bị va chạm. Người nào biết cách sống bớt ngã thì cũng thường bỏ bớt những nguyên tắc, bỏ bớt những gì mà thế gian gọi là thị phi (đúng sai, phải trái ...) vì những cái đó đều chỉ dẫn đến sự tạo nghiệp trong thế gian để rồi cứ thế mà tiếp tục trong luân hồi sinh tử.

Thoát luân hồi là phá chấp ngã, để đi vào cánh cửa Vô Ngã của Không Môn.

Từ Không Môn, phá chấp đó mà buông xả tầm nhìn sai biệt đối với chúng sinh, rồi từ đó mà khởi tâm từ bi lớn hơn, một loại tâm từ bi viên mãn, một tình thương vô điều kiện. Thị hay phi, đúng hay sai v.v... sẽ không còn sai sử được tâm từ bi vô điều kiện này nữa.

Việt thích quá ngắt lời tôi hỏi tiếp:

- Con hiểu rồi, thế nhưng điều đó liên hệ gì đến tâm thức của lần tu nhập thất vừa rồi?

- Có chứ, này nhé, con đã nghe Thầy giảng về pháp tu nhập thất trì chú Om Mani Pedme Hum rồi. Pháp tu Mật tông này là khởi lên tâm thức hóa mình thành vị Phật mà mình tu và thủ hộ vị đó (gọi là vị Hộ Phật) trong luân xa tim suốt thời gian hành trì nhập thất[ii].

Thế có nghĩa là sau khi tự hóa thành Phật rồi thì thân khẩu ý của mình không còn là thân khẩu ý phàm phu bình thường của hằng ngày chạy theo tham sân si, ai chạm vào nguyên tắc của mình liền nổi cơn tam bành lên và tìm cách trả đũa.

Trong thời gian hành trì đó, thân khẩu ý của mình phải cố gắng giữ chánh niệm, biết rõ ràng từng giây phút đó chính là thân khẩu ý của Quán Thế Âm Bồ Tát với lòng đại từ đại bi cứu khổ cho muôn loài, chứ không nổi tham sân si làm khổ các người chung quanh. Như thế mới có thể ban niềm vui và hạnh phúc cho những người chung quanh tức là hành trì từ bi. Đó chính là quán "đương thể thành Phật" [iii], ngay tại đây học làm Phật.

Và đó cũng chính là lời kinh dạy: "trong phiền não mà thấy Bồ Đề, và là ý nghĩa của ngọc sáng trong hoa sen, Om Mani Padme Hum", gần bùn mà chẳng nhiễm bùn. Sống trong phiền não mà thấy Bồ Đề.

Chẳng thấy phiền não. Chẳng thấy bà đầm hút thuốc và nói dối...

Thầy cũng đã "KHÔNG thấy", tức là đã "thấy (tánh) KHÔNG". Tất cả chỉ như hoa trong gương như trăng dưới nước, không có người và không có ta... Trong khi bà trong ban điều hành thì lại có thấy ...

Khi đã thấy có thì tất cả đều có. Còn thấy không thì sơn hà đại địa đều không... Rồi Thầy vẫn yên lặng trì chú Om Mani Pedme Hum trong khi tiếp tục chánh niệm thủ hộ vị Bồ Tát Quán Thế Âm đại từ đại bi ở trong tâm, bất động chẳng hề lay chuyển, chẳng hề thấy những phiền não xảy ra chung quanh mình mà chỉ thấy Bồ Đề. Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác[iv].

Việt càng thích hơn và nói:

- Phải rồi, con nhớ có lần ba kể chuyện nhà thơ Tô Đông Pha vì tâm không tịnh mà thấy người khác bất tịnh, ba nhắc lại cho con nghe đi. Con thích chuyện đó lắm, nghe thật là buồn cười.

- Đúng rồi, câu chuyện như sau:

Đời Tống, Tô Đông Pha đến chùa Kim Sơn cùng thiền sư Phật Ấn ngồi thiền. Tô Đông Pha ngồi xong và cảm thấy thân tâm khoan khoái, hỏi Thiền sư:

- Thiền sư, ông xem dáng ngồi của tôi thế nào?

– Rất trang nghiêm, giống một vị Phật.

Tô Đông Pha nghe xong hết sức khoái chí. Thiền sư Phật Ấn lúc đó mới hỏi Tô Đông Pha:

- Học sĩ, ông xem tư thế ngồi của tôi thế nào?

Tô Đông Pha nhân cơ hội đùa cợt Thiền sư:

- Giống một đống phân bò!

Thiền sư Phật Ấn nghe xong mỉm cười chẳng nói gì cả. Tô Đông Pha cho rằng mình đã thắng Thiền sư, do đó gặp ai cũng khoe: “Hôm nay ta thắng rồi.”

Chuyện đến tai em gái là Tô tiểu muội, một vị nữ lưu rất thông minh và giỏi đạo Phật, bà bèn tìm đến ông và hỏi:

- Câu chuyện anh thắng được Thiền sư ra sao vậy?

Tô Đông Pha hớn hở thuật lại. Tô tiểu muội thiên tư hơn người, tài hoa xuất chúng. Nghe Tô Đông Pha đắc ý thuật lại rồi, bà bèn nghiêm sắc mặt nói:

- Ôi thôi, anh thua rồi!

Tô Đông Pha phản đối, nói:

- Rõ ràng là anh đã thắng vì Sư nói anh ngồi thiền như là Phật.

Tô tiểu muội trả lời:

"Thiền sư mang tâm Phật nên nhìn đâu cũng thấy Phật, và do đó thấy anh như Phật. Còn anh, trong đầu óc, tâm như là phân bò nên anh chỉ nhìn thấy Thiền sư giống như đống phân bò!

Tô Đông Pha nghẹn lời, mới biết mình tu thiền chẳng bằng Thiền sư Phật Ấn.

Việt nghe xong cười hinh hích... khoái chí... Tôi nói thêm:

- Thôi bây giờ trễ rồi, để ba kể cho con chuyện cổ tích cuối cùng rồi con đi ngủ nhé.

- Dạ ...

- Con nhớ truyện Hoàng Tử Bé[v] không? Ngày xưa ba vẫn đọc cho con nghe trên giường trước khi con đi ngủ.

 ... Tôi biết có một tinh cầu, trên đó có một ông mặt mũi đỏ gay. Ông ta không hề ngửi một bông hoa. Không hề ngắm một vì sao. Không hề yêu một người nào. ông ta chẳng bao giờ làm cái gì khác hơn là những bài tính cộng. Và suốt ngày ông ta cứ lặp đi lặp lại: "Tôi là một người có nguyên tắc đúng đắn! Tôi là một người có nguyên tắc đúng đắn!", và cái đó làm ông ta vênh vang hợm hĩnh. Nhưng ông ta đâu có phải là người, ông ta là một cái nấm!

– Một cái gì?

– Một cái nấm!

.........(lược giản một đoạn)

 

Hoàng Tử Bé đỏ mặt rồi nói tiếp:

– Khi một người yêu một đoá hoa duy nhất trong hàng triệu triệu ngôi sao, thì chỉ nhìn những ngôi sao là đủ làm cho anh ta hạnh phúc. Anh ta nghĩ: "Đoá hoa của mình ở đâu đó trên kia..."

Việt đã ngủ khò tự hồi nào. Khuôn mặt bình thản và an lành sáng rỡ.

Không Quán

i Ngọc Ma-Ni trong Lục Tự Minh Chú Om Mani Padme Hum (Việt dịch là Án Ma Ni Bát Di Hồng).

 

ii Án Ma Ni Bát Di Hồng. Nguyên văn Phạn ngữ là Om mani padme hum, Hán ngữ phiên âm là Án ma ni bát di hồng, Án ma ni bát minh hồng, Án ma ni bát nột minh hồng, Án ma ni bát đầu mê hồng… Người Tây Tạng do theo thổ âm của họ mà tụng là Om Mani Pedme Hum.

 

Án, theo Bí Tàng ký, có nghĩa là quy mạng, cúng dường, tam thân, cảnh giác và nhiếp nhục. Chữ Án do ba chữ A, U và Ma hợp thành. A có các nghĩa: Bồ đề tâm, các pháp môn, bất nhị, tính, tự tại và pháp thân. U có nghĩa là báo thân. Ma có nghĩa là pháp thân. Hợp ba chữ này thành chữ Án (Om), hàm nhiếp vô biên vô lượng nghĩa, tổng trì, đứng đầu tất cả Đà la ni. Ma ni (mani) là bảo châu, các loại châu ngọc quý giá. Bát di (padme) là hoa sen. Hồng (hum) là chủng tử Bồ Đề Tâm của tất cả Như lai, hằng sa công đức từ Chân như diệu thể của tất cả Như Lai đều từ chữ này sinh ra. Hồng còn được dùng dể trấn áp ma quỷ, nghe tiếng này ma quỷ đều kinh sợ. Như vậy, Án ma ni bát di hồng, gượng dịch (bởi vì ý nghĩa thậm thâm, bất khả tư nghì) có nghĩa là: “Quy y châu ma ni trên hoa sen” (Từ điển Phật học Huệ Quang, tập I, tr.377) hoặc là: “Cầu châu báu trên hoa sen” (Từ điển Phật học Hán-Việt, tr.52) hay là: “Cái quý báu trong hoa sen” (Đoàn Trung Còn, Phật học từ điển, q1, tr.171) và “Ngọc báu trong hoa sen, Aum!” (Thích Minh Châu, Từ điển Phật học Việt Nam, tr.36). Om Mani Padme Hum còn có nghĩa là hành trì Bồ-tát Đạo, Lục Độ Ba La Mật, bao gồm Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ.

 

iii Pháp tu này còn gọi là Mật Tông Du Già Hộ Phật, nghĩa là cùng trong lúc quán tưởng thành Phật, thì quán tưởng ngay tại luân xa tim câu chú Om Mani Pedme Hum sáng chói và quay vòng theo chiều kim đồng hồ bao quanh chủng tự thiền định HRI ngay ở chính giữa luân xa nơi tim.

 

iv Khác nhưng lại đồng với thiền tông tu quán: "đương thể tức không", ngay đây thấy sự vật vốn là không.

 

v Phật pháp nằm ngay trong thế gian, chẳng thể lìa thế gian mà cầu giác ngộ bồ đề.

 

vi Le Petit Prince. Tác giả là Antoine de Saint-Exupéry.

 

 

 



[i] Án Ma Ni Bát Di Hồng. Nguyên văn Phạn ngữ là Om mani padme hum, Hán ngữ phiên âm là Án ma ni bát di hồng, Án ma ni bát minh hồng, Án ma ni bát nột minh hồng, Án ma ni bát đầu mê hồng… Người Tây Tạng do theo thổ âm của họ mà tụng là Om Mani Pedme Hum.

 

Án, theo Bí Tàng ký, có nghĩa là quy mạng, cúng dường, tam thân, cảnh giác và nhiếp nhục. Chữ Án do ba chữ A, U và Ma hợp thành. A có các nghĩa: Bồ đề tâm, các pháp môn, bất nhị, tính, tự tại và pháp thân. U có nghĩa là báo thân. Ma có nghĩa là pháp thân. Hợp ba chữ này thành chữ Án (Om), hàm nhiếp vô biên vô lượng nghĩa, tổng trì, đứng đầu tất cả Đà la ni. Ma ni (mani) là bảo châu, các loại châu ngọc quý giá. Bát di (padme) là hoa sen. Hồng (hum) là chủng tử Bồ Đề Tâm của tất cả Như lai, hằng sa công đức từ Chân như diệu thể của tất cả Như Lai đều từ chữ này sinh ra. Hồng còn được dùng dể trấn áp ma quỷ, nghe tiếng này ma quỷ đều kinh sợ. Như vậy, Án ma ni bát di hồng, gượng dịch (bởi vì ý nghĩa thậm thâm, bất khả tư nghì) có nghĩa là: “Quy y châu ma ni trên hoa sen” (Từ điển Phật học Huệ Quang, tập I, tr.377) hoặc là: “Cầu châu báu trên hoa sen” (Từ điển Phật học Hán-Việt, tr.52) hay là: “Cái quý báu trong hoa sen” (Đoàn Trung Còn, Phật học từ điển, q1, tr.171) và “Ngọc báu trong hoa sen, Aum!” (Thích Minh Châu, Từ điển Phật học Việt Nam, tr.36). Om Mani Padme Hum còn có nghĩa là hành trì Bồ-tát Đạo, Lục Độ Ba La Mật, bao gồm Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ.

 

[ii] Pháp tu này còn gọi là Mật Tông Du Già Hộ Phật, nghĩa là cùng trong lúc quán tưởng thành Phật, thì quán tưởng ngay tại luân xa tim câu chú Om Mani Pedme Hum sáng chói và quay vòng theo chiều kim đồng hồ bao quanh chủng tự thiền định HRI ngay ở chính giữa luân xa nơi tim.

 

[iii] Khác nhưng lại đồng với thiền tông tu quán: "đương thể tức không", ngay đây thấy sự vật vốn là không.

 

[iv] Phật pháp nằm ngay trong thế gian, chẳng thể lìa thế gian mà cầu giác ngộ bồ đề.

 

[v] Le Petit Prince. Tác giả là Antoine de Saint-Exupéry.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle