Ngày ...
tháng ... năm ...
Con gái yêu của cha!
Cha đang lật đi lật lại những tấm ảnh cùng lá thư con
gửi về từ nơi xa mà lòng bồi hồi xúc động. Đó là những tấm ảnh chỉ mới chụp cách đây khoảng hơn một tuần, trong
thời gian con dạy học và làm công tác xã hội nơi vùng đất gần như tận cùng của ổ
quốc, trong chiến dịch tình nguyện Mùa hè anh.
Cha hy vọng, qua chuyến đi này con sẽ hiểu hơn về những trải nghiệm cuộc sống
trước đây của cha. Trước đây, cha đã có nhiều gắn bó với vùng
đất xa xôi này. Bởi vì, lúc mới vào nghề dạy học, cũng
vào dịp hè, cha từng có dịp đặt chân đến nơi đó.
Trong ký ức của cha, đó là vùng đất mà rất nhiều người chỉ vừa
nghe nói đến đã ngại ngần, vì những khó khăn, thiếu thốn trăm bề.
Trước khi đặt chân lên vùng đất này, cha đã từng nghe những câu chuyện kể về
cuộc sống khó khăn ở nơi này như thế nào. Nhưng hồi đó, với lòng hăng hái
của tuổi trẻ, cha nghĩ dù cuộc sống có khó khăn đến đâu thì mình cũng có thể học
được một điều gì đó. Bạn bè có nhiều người hỏi cha: "Rồi cậu sẽ xoay sở ra sao
khi sống ở nơi khắc đó?" Cha chẳng cần quan tâm đến những câu
hỏi đó. Cha tự nhủ, mình cứ mạnh dạn đi đến nơi cái đã, mọi chuyện khó
khăn tới đâu sẽ xoay sở tới đó!
Thế rồi cha lặng lẽ từ biệt gia đình và bạn bè, rồi
khăn gói lên đường. Cho đến bây giờ, ký ức về chuyến đi vẫn
hiện ra trong cha rõ mồn một. Chuyến xe chở cha
đi ra khỏi thành phố, những toà cao ốc xa dần phía sau lưng, chẳng mấy chốc, xe
đã lăn bánh qua những vùng đất của miền quê. Nhìn ra ngoài cửa sổ
xe, cha có thể thấy cây cối xanh tươi hai bên đường đi, không khí bỗng
trở nên mát rượi, thật dễ chịu.
Xe dừng ở bến. Từ bến xe này, cha còn phải đi xuồng thêm mấy chục cây số nữa.
Từ trên xuồng, nhìn ra hai bên bờ sông, lần đầu tiên cha được nhìn thấy những
rặng dừa xanh ngút ngàn ha tự nhủ, ngôi trường của mình cũng sẽ ẩn khuất giữa
những rừng dừa như thế này đây.
Cuối cùng, cha cũng đặt chân đến được mảnh đất mình muốn đến.
Người chèo xuồng chỉ cho cha đường đi. Thời tiết đang
vào mùa mưa, những hạt mưa bụi thổi lất phất trên mặt.
Cha còn phải đi bộ thêm một quãng đường nữa.
Cha cảm thấy thật bất tiện khi mình cứ phải đi bộ giữa ngút ngàn cây cối như thế
này với chiếc áo mỏng manh, thời tiết lạnh lẽo và đôi giày da màu đen của cha đã
ướt sũng. Nhưng may mắn thay, cha lại leo lên được một chiếc xe tải nhỏ chở nông sản, ngồi cùng với
mấy thanh niên khác, đi nhờ vào làng. Lúc cha đến được ngôi
làng thì trời đã xế chiều. Cha hỏi thăm một anh thanh
niên đang đi ngược chiều về phía mình, hy vọng anh ta chỉ cho cha tìm ra địa chỉ
của ngôi trường.
"Ngôi trường ấy à? Ôi! Tệ lắm!" – Anh ta đáp.
"Tôi đã cố gắng dạy ở đây mấy tháng rồi và đang chuẩn bị bỏ về thành phố đây!"
Mặc dù ngoài miệng thì nói như thế, nhưng anh ta vẫn tốt bụng mang giúp cha hành
lý.
Cha đến nơi. Ngôi trường chỉ có sáu
phòng học và một khu nhà dành cho giáo viên. Quả thực, đây là một ngôi
trường quá nhỏ bé. Cha đến trình diện hiệu trưởng. Thầy
hiệu trưởng dẫn cha xuống giới thiệu với lớp: "Đây là thầy giáo mới của lớp các
em!" Các em tròn xoe mắt nhìn cha, rồi bất chợt các em nhao nhao, reo lên: "Thầy
giáo mới, chúng mày ơi!"
Thầy hiệu trưởng nói, đã mấy tháng rồi, lớp các em không có
giáo viên. Và sự xuất hiện của cha chắc hẳn phải là một niềm hạnh phúc
thật sự đối với các em, nên các em mới reo hò một cách vui sướng như vậy!
Cha cảm thấy mình đã bắt đầu biết thấu hiểu những nỗi khó khăn của hoàn cảnh học
sinh, cùng khát vọng học tập qua từng ánh mắt hồn nhiên của các em đang nhìn
cha.
Chắc con không thể hình dung được học sinh của cha hồi đó có những em tóc dài
lâu ngày chưa được hớt, áo quần bị rách tà, đứt nút nhưng chẳng có ai
đơm
lại, có những em đi đôi chân trần đến lớp mà có lẽ quanh năm cũng chẳng hề có
khái niệm gì về đôi dép.
Đến lúc cha được nhận phòng, phòng của cha ở chỉ có một cái
giường cũ và một cái bàn gỗ rất dài. Nơi này hoàn toàn
không có điện, và dĩ nhiên, không thể có truyền hình, cũng chẳng có lấy một tờ
báo nào. Tối hôm đầu tiên, cha không phải nấu cơm mà thầy hiệu trưởng nấu
cơm cho cha ăn luôn. Các giáo viên ở cùng nhà tập thể cũng
ăn cơm mừng sự có mặt của cha. Mọi người chỉ có một ít
gạo, một ít nấm, mấy con cá và mấy quả trứng cho bữa tối.
Ăn cơm và trò chuyện với mọi người xong, cha mệt mỏi về
phòng và ngủ thiếp đi... Đêm yên tĩnh và tuyệt đẹp.
Lần đầu tiên cha được nghe tiếng dế gáy rả rích suốt đêm.
°°°
Cha đã sống và dạy học suốt hơn ba năm ở mảnh đất nơi tận cùng tổ quốc.
Suốt những năm dài đó, điều quý giá nhất mà cha đã học được
chính là lối sống giản dị. Cha chỉ được ăn những
gì mà những người dân chất phác, hiền lành đem đến cho cha mỗi ngày. Cha luôn tự
tay
mình nấu ăn và giặt quần áo. Hơn thế nữa, cha còn học được cách sống khiêm
nhường và biết yêu thương, bởi mỗi khi gặp khó khăn nào đó, cha luôn đón nhận
được sự giúp đỡ tận tình của những bậc cha mẹ học sinh hiền lành, lương thiện
quanh cha.
Chưa hết, những ngày sống ở đây cha đã học bơi lội, học đánh cá, nuôi gà và đủ
thứ linh tinh khác... Vốn sống thực tế và sức khoẻ của cha cũng tăng lên rất
nhiều. Bây giờ cha có thể đi đầu trần trong mưa mà chẳng hề biết đến ốm đau hay
bệnh tật là gì. Và nhất là, cha đã hiểu được giá trị của lao
động và lòng yêu cuộc sống là như thế nào. Con biết không? Cha
đã cảm động biết bao khi nhìn thấy những người nông dân quanh cha vất vả đi làm
về với tấm lưng ướt đẫm mồ hôi, nhưng họ vẫn luôn nở nụ cười hạnh phúc với cha,
với các em học sinh. Nhiều người vui vẻ tình nguyện
chèo xuồng chở các em học sinh qua sông, đưa đón các em đi học mà chẳng bao giờ
nghĩ đến chuyện tính toán tiền công.
°°°
Sau này, khi trở về dạy học ở thành phố, cha vẫn nhớ làng quê ấy da diết. Gần bốn năm gắn bó là cả một khoảng thời gian bất tận với biết bao
kỷ niệm tươi đẹp. Cha chẳng bao giờ ân hận khi mình đã từng quyết định về dạy học ở miền quê.
Với người giáo viên, ai chưa từng được đi dạy học ở miền quê
là một thiếu sót đáng tiếc. Vì chỉ có những nơi ấy mới
thực sự là những nơi cần đến mình nhiều nhất.
Và khi sống thầm lặng, dấn thân ở những nơi ấy, chúng ta tích
luỹ được biết bao kinh nghiệm sống bổ ích.
Những dịp được đem kiến thức của mình đến với các tỉnh xa xôi sẽ mãi là những ký
ức tươi đẹp cho cả đời người gắn bó với nghề dạy học...
Sau này, liệu con có chọn nghề dạy học hay không, cha chưa
biết? Vì thế hệ của các con có rất nhiều triển vọng nghề nghiệp và cơ hội
để lựa chọn ở phía trước. Nhưng cha hy vọng, mùa hè xanh năm nay của con cũng sẽ
đọng lại trong con nhiều ý nghĩa như thế!
Lại Thế Luyện-Kim Phụng