Đặng Công Hanh
“Chợt có lúc hai
chân dùng một lượt
Người đi đâu xưa
chính ở chỗ này”
(BG)
Trong suy nghĩ thông thường của nhân gian, đạo Phật đồng nghĩa với
từ bi, một đức hạnh tuyệt đình được mọi người tôn sùng. Đạo đức của Phật là đạo
đức của con người, đạo đức của hành vi, đạo đức của nhân quả. Nghiệp, tội phước,
kiếp này, kiếp trước, kiếp sau đã thẩm thấu vào phong dao tục ngữ như nước thấm
vào lòng đất nuôi dưỡng muôn loài. Trong đôi mắt nhân gian: tu là đạo đức, tu là
giới; hễ có giới là có sự kính trọng thuần thành.
Hạnh từ bi của đạo Phật rất đơn giản, hiền lành, mộc mạc không mang
một màu sắc triết lý cao siêu. Phật chỉ biết thương người chứ không phạt không
quở, nhẹ nhàng, khuyên răng nhắc nhở:
“Tham thì thâm,
Phật đã bảo thầm
rằng chớ có tham”
Hạnh từ bi đối với nhân gian là đạo đức của Phật chứ không bao giờ
là luân lý, nhưng vì nó được xông ướp quá lâu vào tâm hồn, vào nếp sống nhân
gian nên khó phân định đâu là luân lý, đâu là lòng từ:
“Con ai đem bỏ
chùa này
Nam mô đức Phật con thầy thầy nuôi”
Hoặc: Thương người như thể
thương thân” bởi vì “thí một chén nước, phước chất bằng non”,
“ở hiền gặp lành”. Chân lý thứ nhất của Tứ Diệu Đế mà đức Phật nói
về khổ trong kiếp làm người, cũng được nhân gian chuyển hóa trong tâm hồn một
cách mộc mạc sâu sắc, linh hoạt và nhẹ nhàng:
“Gánh cực mà đổ
lên non
Cong lưng mà chạy
cực còn đuổi theo”
Hoặc là: “Có thân thì khổ, có khổ mới nên thân”
Đơn giản là như vậy, những tình cảm mộc mạc dung dị êm dịu đó đã
hòa lẫn với hơi thở mát mẻ hoa đồng cỏ nội, của đồi núi âm u, của nắng sớm mưa
chiều hay những thịnh nộ đất trời mưa dầm gió chướng. Tất cả chừng đó hay hơn
thế nữa đá len lỏi đan kết trong tôi và đưa tôi và đạo Phật lúc nào không hay
không biết như nhịp thở ra thở vào buồng phổi từng giây phút, theo bước chân
chập chững vào đời.
Việc đến sẽ phải đến, trong một hoàn cảnh đặc biệt, tôi phải vội vã
từ giã gia đình để đi về một nơi rất xa cho kịp nhập học đúng hạn. Hôm đó là một
chiều cuối thu, mẹ tôi đang có việc ở làng bên, ba tôi đang bị sốt nên chỉ kịp
dặn dò “con cố gắng học để khỏi phải đi lính và tránh cảnh đời làm thuê làm
mướn”. Buồn, tôi rời khỏi nhà trong lặng lẽ như kẻ không hồn đi về phía cuối
làng cho kịp chuyến xe khách cuối ngày. Tôi nghe rất rõ bước chân của tôi, bước
đi bồn chồn lo lắng, bước đi khởi đầu từ mọi khởi đầu: khởi đầu từ tham, từ kiêu
căng, tự tự phụ, từ si mê. Cứ đi từ mỗi bước là mỗi bước tôi xa dần tôi và cứ
như thế thời gian lặng lẽ lướt nhanh, cuốn theo những thăng trầm trôi nổi trên
dòng đời.
Tôi nhận ra rằng có một cái gì đó xô đẩy đời sống về hướng này hay
đi về hướng kia hoặc không đi một hướng nào khác. Một cái gì đó không nhân dạng,
không bao giờ thể hiện cụ thể lại tác động mảnh liệt đến vận mệnh mà tôi không
nhận ra được nó là cái gì.
Cuộc sống nơi đất khách quê người, mang nặng tâm lý “người từ quê
ra tỉnh”. Thế giới quanh tôi đã thật sự thay đổi, sự thay đổi qua tâm trạng bèo
dạt mây trôi. Tôi rất nhớ nhà, nhớ cha, nhớ mẹ đầu tắt mặt tối, đội nắng dầm mưa,
chân đi không chấm đất trong những khi “chớp bể với mưa nguồn”.
Nhưng với tôi, ngày trở về thật quá xa lắc xa lơ, nỗi nhớ nhung và
hoàn cảnh chật chội đã trở thành mảnh đất phì nhiêu nẩy nở trong tôi sức cuốn
của dòng văn học nhuộm màu chủ nghĩa hiện sinh “hành động” của J.P.Sartre trong
các tác phẩm của chính ông, của A.Camus, của S. Beauvoir. Lúc bấy giờ, bên cạnh
J.P.Sartre còn có các dòng hiện sinh khác: hiện sinh phi lý của A. Camus, hiện
sinh cơ đốc của G. Marcel, hiện sinh tương đối của M. Ponty.
Tôi tỏ ra đam mê dòng triết học này, ngoài chuyên môn khoa học, vì
lẽ đơn giản nó chỉ là nền triết học về con người, tìm hiểu trong chiều sâu, tìm
hiểu ý nghĩa về cuộc sống con người như một thực thể tự do. Con người hiện sinh
là con người hành động và chính hành động lại xác định bản chất con người. Theo
J.P. Sartre thì “hiện sinh có trước bản chất”. Con người là mọi dự tính của mình
và như vậy tự tạo ra chính mình. Quan điểm khẳng định của ông mạnh mẽ như một
định đề Toán học: hiện sinh đồng nghĩa sự vắng mặt của thượng đế. Chỉ đơn giản
như vậy cho nên sự hiện sinh hoàn toàn đối lập với bản chất, và hiện sinh do
ngẫu sinh và không bao giờ hàm ý nghĩa tiên nghiệm.
Vì con người hiện sinh tự tạo ra hình ảnh của chính mình nên có yếu
tính tự do, thứ tự do mang tính phủ định về tính tổng quát và tính trừu tượng.
Tự do là tự do trong tương quan với tha nhân, tự do có trách nhiệm với hành động
của mình mà ông gọi bằng thuật ngữ “hành động đích thực”. Nó thể hiện theo chuẩn
thiện – ác. Thiện và ác đối với ông không phải là một ý niệm tuyệt đối mà là thứ
thiện – ác có liên hệ đến hoàn cảnh sống, đến tình thế sống của con người hiện
thời.
Trung thành tuyệt đối với quan điểm triết lý của mình, ông thể hiện
trách nhiệm đó khi nói về sứ mệnh văn nghệ: văn nghệ có ý nghĩa gì trong một thế
giới đói khát? Điều trước tiên đáng kể nhất là giải phóng con người… (theo Trần
Thiện Đạo).
Do quan niệm hiện sinh là ngẫu sinh, hoàn toàn không bao hàm ý
nghĩa tiền định nên con người đã trút bỏ mọi ràng buộc tiền định và giành lấy tự
do hoàn toàn. Để làm gì? Theo ông để lựa chọn hành động, hành động có trách
nhiệm trong tương quan với xã hội. Vì vậy ông đã kich liệt phê phán thái độ ngụy
tín của lớp người xã hội và theo ông ngụy tín chính là một thể dạng thoát khỏi
tình cảnh tự do bi đát của sự hiện sinh vô cớ của mình, ngụy tín chính là để
tiềm thức điều khiển hoạt động thể hiện qua thái độ sống buông xuôi, không thấy
thắc mắc một điều gì và sống vô tư lự giữa xã hội, chìm sâu trong cái thế giới
giả tạo đầy rẩy bất chính. Theo ông, con người cần tìm lại tự do đích thực để
con người thực hiện lấy mình trong hành động đích thực, và để không tuyệt vọng,
không yếu đuối từ chối thân phận làm người của mình. Theo ông, sống ở đời thì
phải lựa chọn, phải dấn thân, phải tỏ ra vĩ đại trong việc gánh lấy trách nhiệm
về mỗi hành động của mình. Chúng ta hiện sinh, chúng ta đang có mặt nghĩa là
chúng ta đang được nhìn thấy, ông đã thâu tóm nội dung trong câu bất hủ
“L’enfer, C’est les autres”: Tha nhân, chính là địa ngục;
Địa ngục hiểu theo nghĩa: vì tha nhân hiện hữu nên ta phải sống với hiện hữu của
họ nghĩa là phải chia xẻ các dự tính, các cảm tính của họ. Lúc đó mỗi cá nhân sẽ
không tránh được cái ấn tượng về sự tổn thương cho mình. Từ đó ta chợt nhận được
những ngộ nhận, những quy kết sai lạc, những phê phán thiển cận, đó là cội nguồn
“địa ngục là tha nhân”.
Thế hệ của chúng tôi, và của các trí thức tiền bối đều sinh ra và
lớn lên trong chiến tranh, cuộc chiến dai dẳng càng ngày càng trở nên khốc liệt,
lan rộng khắp mọi nơi, gõ cửa đến mọi nhà tận sâu trong lòng phố thị. Con người
cảm thấy khắc khỏi lo âu trước những cảnh đau khổ và có cảm tưởng rằng mình đang
sống trong một thế giới đầy phi lý. Những giá trị cũ đã lổi thời, đã bì chiến
tranh vùi lấp hay đạp đổ để lại trong tâm hồn một khoảng trống, tạo nên hoàn
cảnh thuận lợi cho triết lý hiện sinh của J.P. Sartre và triết lý hiện sinh của
A.Camus. Hai dòng triết lý này nhanh chóng trở thành một thứ triết lý thời đại.
Lúc bấy giờ, bên cạnh dòng hiện sinh mang tính tích cực và đạo đức
biểu hiện trên quan điểm nhận định tính chất “vô cớ hiện sinh” của con người
nhưng không dừng lại ở đó, trái lại J.P.Sartre lại dẫn dắt con người đến hành
động hướng thiện trong đời sống cộng đồng. Người ta đã không thể quên đi hình
ảnh của J.P.Sartre sáng chói oai nghiêm đầy khí phách trên bồi thẩm đoàn của tòa
án Russell thể hiện cái tự do hành động đích thực trong việc kết tội Mỹ trong
chiến tranh Việt Nam.
Đối với ông, một khi chiến tranh đã đè nặng lên ta mà ta không suy
tư về sự xảy ra của nó thì ta đã tự vứt bỏ cái thiên chức của trí tuệ. Một chủ
nghĩa hòa bình đã hình thành trong suy tư của ông và ông xác định đối thoại dù
cho cam go vẫn là giải pháp tốt nhất. Tại Hội nghị phong trào hòa bình thế giới
ở Viên thủ đô nước Áo năm 1949 ông đã đọc tham luận, một bài tham luận với tràn
ngập tiếng vỗ tay.
Tuy vậy vẫn xuất hiện một lối nhìn ngộ nhận nguy hiểm về tính nhân
bản trên việc thể hiện một cách hời hợt, dòng triết lý có chiều sâu thẳm về nhân
bản này. Hậu quả của ngộ nhận được khai thác dữ dội và rộng khắp trên các phương
tiện văn học như sách báo, tạp chí… Qua đó ta bắt gặp những gì?
* Chủ nghĩa hiện
sinh đã mô tả đời sống con người như một thảm kịch, một hư vô, một phi lý.
* Chủ nghĩa hiện
sinh không phủ định đối với xã hội tiêu thụ mà lựa chọn hiện sinh trong “bóng
mát khoái lạc”.
* Cuộc đời là vô
vị, lạc lỏng; là nỗi thống khổ dai dẳng đáng buồn và tuyệt vọng. Nếu có le lói
hy vọng thì đó cũng là khởi điểm của tuyệt vọng. Theo họ, để tránh tuyệt vọng
thì phải buồn nôn các hiện hữu trước mắt, để cảm nhận được cái hương vị của
khoái cảm đau khổ và sầu muộn.
* Rập khuôn theo
quan niệm của A. Camus, nổi loạn cũng là phương tiện giải thoát khỏi thống khổ
của thân phận. Nổi loạn là từ bỏ mọi bất công và được thúc đẩy bởi bộc phát ý
thức và tình yêu.
* S. Beauvoir và
F.Sagan là hai nhà văn nữ hiện sinh được hâm mộ của nhiều người, bởi vì họ biểu
lộ một lối sống phù hợp với hoàn cảnh lúc bấy giờ. Đất nước mù mịt khói lửa.
Sinh ly tử biệt nhan nhản hàng ngày và càng ngày càng trầm trọng. F.Sagan nói
“ước gì mình có thể hư hỏng và vui với hư hỏng còn hơn là chết cóng”.
Bên cạnh đó, người ta còn chứng kiến một lối sống huyênh hoang, lố
lăng, hời hợt, cuồng dại, vội vàng, giật gân mang danh là lối sống hiện sinh
nhưng có lẽ họ chưa bao giờ hiểu rõ hiện sinh là gì. Họ chỉ nghĩ thật đơn giản:
có chiến tranh đất trời mịt mù thuốc súng, con người đang hiện hữu trong niềm
tuyệt vọng, và tuyệt vọng chỉ cách xa cái chết một gang tấc mỏng manh, thế thôi.
*
*
*
Vạn pháp có sinh có diệt, đó là quy luật tồn tại muôn đời. Từ khởi
nguyên của thế giới muôn loài hữu tình, từ sinh vật bé nhỏ cho đến loài người
tinh khôn đều có dục vọng sinh tồn vô hạn. Thế gian là dòng thác sinh mệnh không
dừng. Bảo trì sinh mệnh cá thể, tiếp nối kéo dài sinh mệnh chủng tộc là khát
vọng vô hạn. Đối với con người, một khi khởi tâm yêu mến sự sinh tồn thì không
thể thoát khỏi thảm họa chiến tranh, bởi vì chiến tranh phát sinh từ tâm lý cầu
được sống, mong muốn được sinh tồn.
Phật giáo xem: “các pháp vô ngã, các hành vô thường, các cảm thọ
đều khổ” và đây chính là thực tướng của thế gian. Con người, các sinh mệnh của
họ được xem là trung tâm của thế gian đều ở trong sự vô thường biến hóa, sinh
cũng là diệt, diệt sinh – sinh diệt liên tục không ngừng. Dòng thác này tràn
ngập niềm vui vì yêu thích sinh tồn nhưng thực tướng của sinh tồn là khổ.
“Tôi sẽ tiếc
thương trần gian mãi mãi
Vì nơi đây tôi
sống đủ vui sầu”.
(BG)
Có vui phải có khổ, có ái ắt có giận, tất cả sở hữu đều là khổ,
muốn cầu sinh tồn thì không thể tránh thảm họa chiến tranh. Đây là thực tướng
của thế gian.
Phật giáo nhìn thấu vô thường, khổ, vô ngã của thế gian mà làm
phương tiện khai triển trên các pháp thế gian để mọi người cùng vui, cùng tồn
tại. Chánh pháp nhân thừa của Phật giáo thể hiện nền tảng đại từ đại bi, hoàn
toàn không câu thúc ý chí sinh tồn xuất phát từ yêu cầu của cộng đồng nhân loại,
xem cuộc sống là trung tâm hoạt động của nhân gian, là thước đo chuẩn mực đạo
đức.
Chiếm đoạt là thực tướng của thế gian, chiến tranh ở mọi hình thức
là chuyện thường tình trong nhân gian. Đức Phật không hề phủ định chiến tranh.
Vấn đề ở chỗ như thế nào mới cần chiến tranh và phải chiến tranh ra sao.
Bất khứ bất lai. Phật không đi không đến, chỉ có chúng sinh như tôi
tâm địa điên đảo cứ chạy lòng vòng trong sa mạc thấy bóng nắng trên cát tưởng
lầm là vũng nước. Tâm thức lưu đày bao phủ dày đặc lớp màng vô mình như người đi
trong đêm tối sâu thẳm, chẳng thấy đến được nơi đâu. Để rồi trong sâu thẳm của
sự yên lặng chợt đến, tôi bỗng nghe bước chân của tôi trở về, mỗi bước mỗi gần,
gần chỗ mình vừa đi, chỗ hết tham khi khởi niệm hết tham. Bước chân trở về là
bước chân sám hối, bước chân biết sự lỗi lầm, bước chân người đang tìm nước
trong sa mạc để múc từng bụm tay rửa dần lớp bụi ngã mạn kết tụ từ vô lượng trên
đôi chân phiêu bồng:
“Những nhịp bước
trên đường còn dội mãi
Vang về đâu không
vọng lại hồi âm”
Bùi Giáng
Bất khứ bất lai, Phật là người không đi không đến. Ngài vẫn thường
trụ trong Cõi Ta Bà. Con nguyện xin được nương bóng từ bi của Người trong những
quãng đời nối tiếp của con.
Mùa Hạ PL
2555