Cái này không thì cái kia không

ndn

Nguyễn Duy Nhiên

Ngày xưa, người ta thường có quan niệm cho rằng một bức tranh đẹp là một bức tranh vẽ thật chính xác đối tượng của mình. Một họa sĩ tài giỏi là người vẽ lại được cảnh vật hoặc người giống y như thật.

Vào năm 1872, có một họa sĩ người Pháp tên là Claude Monet. Ông ta vẽ một bức tranh về cảnh mặt trời mọc ở vịnh Le Havre. Bức tranh này bị những nhà phê bình đương thời chỉ trích là nét vẽ thật luộm thuộm, mặt trời thì đỏ chói lại mờ ảo, bầu trời lại lù mù sương khói, và những bóng đen của các chiếc tàu trên biển thì quá tệ. Họ nói, tranh ông Monet vẽ không giống gì với cảnh bình minh ở vịnh Le Havre, và đặt tên cho ông là một nhà ấn tượng, impressionist.

Khi được hỏi về bức tranh ấy thì Monet giải thích rằng đó là cái thấy, cảm nhận của ông về cảnh mặt trời mọc trên vịnh Le Harve. Nó có thể không tả chân được khung cảnh ấy, nhưng bức tranh đã ghi lại được cái cảm nhận, tiếp xúc của chính ông về những gì mình thấy.

Mà bạn biết không, thật ra chúng ta cũng không khác gì với ông Monet đâu! Trong kinh có nói tâm của mỗi chúng ta cũng là một họa sĩ, và nó có thể vẽ vời ra hết đủ mọi sự việc: hạnh phúc và khổ đau. Và có lẽ chúng ta cũng là những họa sĩ thuộc trường phái ấn tượng phải không bạn? Không biết sự thật là như thế nào nhưng mà ta nhìn thấy chúng là như vậy đó.

Tôi nghĩ, những vấn đề khó khăn, những phiền muộn của ta có thể cũng như bức tranh của ông Monet, chỉ là cái thấy và cảm nhận của mình thôi, chứ sự thật chưa chắc là như vậy. Sự thật và những gì ta tiếp nhận về nó chưa chắc là giống nhau.

Nguyên nhân của khổ đau

Có một chị bạn kể với tôi rằng, mỗi khi gặp bạn bè, chị khó có thể chia sẻ về chuyện tu học của mình với họ. Đa số những bạn của chị đều là những người thành đạt, có sự nghiệp, và họ nghĩ rằng những gì họ có đã và đang mang lại cho họ an ổn và hạnh phúc trong cuộc sống rồi, họ không có khổ đau, cảm thấy đầy đủ, và cũng không cần thấy có một sự thay đổi nào hết.

Chúng ta thường nghe nói mục đích của đạo Phật là để chấm dứt khổ đau. Nhưng bạn biết không, đức Phật dạy rằng nguyên nhân của khổ đau không phải do những thành công hay thất bại, được thua trong cuộc sống, mà thật ra là do ở cái thấy sai lầm của mình. Và nếu như cái thấy của ta chưa được đúng thì làm sao mình có thể có một hạnh phúc chân thật được phải không bạn! Có thể ta không thấy khổ đau, nhưng cái thấy sai lầm của mình có thể mang lại cho người chung quanh, những người thân của mình, khổ đau. Trong kinh gọi cái thấy sai lầm ấy là vọng tưởng, và mục đích của sự tu học là giúp ta thay đổi được điều đó.

Tôi nhớ trong một khóa tu, có một thiền sinh chia sẻ về quan niệm sống của cô là sống thật với mình. Cô nói, mỗi việc gì trên đời này đều có một cái giá phải trả, và nếu như ta sẵn sàng và bằng lòng chấp nhận, thì mình sẽ có hạnh phúc khi ta làm những gì mình muốn. Ta chỉ cần sống thật với mình thôi! Nhưng ta có thể nào sống thật với mình, nếu ta vẫn chưa thấy được sự thật? Ta có thấy được rằng mình không riêng rẽ và cô lập như ta tưởng, mà thật ra tất cả đều có liên hệ và dính dáng với nhau? Và như vậy thì đâu phải chỉ có ta là người sẽ nhận lãnh kết quả cho những việc mình làm thôi đâu phải không bạn?

Cái này có là vì cái kia có

Một triết gia Trung Quốc là ông Hồ Thích có đưa ra một thuyết là trong chúng ta ai cũng có thể trở thành bất hủ hết, immortal. Ông ví dụ, có một anh thư sinh ngồi một mình trong nhà, buồn lấy đàn ra gảy chơi. Anh ta chỉ ngồi đàn cho mình nghe, nhưng lúc ấy có một người thi sĩ đi ngang qua, anh thi sĩ nghe tiếng đàn ấy và xúc cảm, về nhà làm ra một bài thơ. Và có một nhà nhạc sĩ đọc bài thơ ấy rồi sáng tác ra một bài nhạc, rồi bài nhạc ấy lại được truyền tụng đi khắp nơi. Và bài nhạc ấy lại làm cảm hứng tạo nên những sáng tác khác nữa, có người đặt thêm những bài thơ mới, có người tạc tượng, vẽ tranh... và chúng có tác động sâu xa đến đời sống mọi người, trong mọi giới, ở mọi nơi. Anh thư sinh ngồi trong nhà một mình lấy đàn ra gảy, anh đâu có thấy hay biết được ảnh hưởng của việc mình làm ấy nó đi xa và rộng đến đâu.

Ông Hồ Thích lại có một ví dụ khác. Cách đây hơn hai ngàn năm ở Ấn Độ, có một gia đình thuộc giới cùng đinh kia, trong nhà có người vừa qua đời, vì quá nghèo túng nên họ không có tiền chôn cất, họ vất cái thây ấy ra ngoài đường. Lúc ấy có chiếc xe của một vị thái tử đi ngang qua, vị thái tử ấy tên là Siddhartha, ngài nhìn thấy xác người chết ấy và xúc động. Và vì xúc động trước tình trạng khổ đau của con người, thái tử lập ý định bỏ gia đình đi tìm đạo. Ngài đã thành Phật và để lại một giáo lý giải thoát, và mấy ngàn năm sau có chúng ta ngồi ở nơi đây thực tập theo lời dạy ấy.

Và ông Hồ Thích cũng đưa ra nhiều ví dụ tương tự với ý nói rằng, chúng ta ai cũng có thể là bất hủ hết, dù mình có ý thức được điều đó hay không.

Bạn biết không, trong kinh cũng có viết Nhược thử hữu tắc bỉ hữu, nhược thử sinh tắc bỉ sinh, nhược thử vô tắc bỉ vô, nhược thử diệt tắc bỉ diệt.” Cái này có thì cái kia có, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này không thì cái kia không, cái này diệt thì cái kia diệt. Vì cái này liên hệ tới cái kia, không có cái kia thì cái này không có. Cái này như thế này là vì cái kia như thế kia, nếu cái này không như thế này nữa thì cái kia sẽ không là như thế kia nữa. Người khác như thế kia là bởi vì ta như thế này. Và nếu ta đừng như thế này nữa thì có lẽ người kia cũng sẽ không như thế kia nữa.

Đó là một cái thấy rất sâu sắc, nó giúp ta có thể chuyển hóa được những khó khăn của mình. Cái thấy chân thật ấy giúp ta hiểu rằng mình không cần phải tiêu diệt cái đối tượng khổ đau của mình, vấn đề nằm ở chỗ biết chuyển hóa nó mà thôi.

Và tôi nghĩ, đôi khi sự chuyển hóa ấy chỉ cần một người thôi, có thể chỉ cần chính ta. Ta có thể thay đổi được tình trạng bởi vì ta cũng là nhân duyên, điều kiện cho tình trạng ấy có mặt. Và nếu như ta không làm một yếu tố, điều kiện cho vấn đề ấy nữa thì việc ấy sẽ phải thay đổi thôi. Ví dụ như một cây mọc lên tươi tốt thì cũng phải cần có đầy đủ mặt trời, nắng mưa, có mây, có phân bón, người trồng... nếu thiếu một trong những yếu tố đó thì cây khó có thể mọc lên xanh tươi được. Khổ đau cũng vậy thôi. Nếu ta không làm điều kiện đóng góp cho khổ đau có mặt nữa, và thiếu một nhân duyên thôi, tình trạng cũng có thể sẽ dần dà được thay đổi, phải không bạn?

Đừng xem thường một hạnh phúc nhỏ

Nhưng tất cả phải cần được đặt trên nền tảng của một cái thấy chân thật và sâu sắc. Chung quanh ta có rất nhiều quan niệm về hạnh phúc. Nhưng có bao giờ ta thật sự tự hỏi mình thế nào là hạnh phúc chăng? Mà thật sự ta có biết được không? Một người có cái thấy sai lầm thì cũng có thể nghĩ rằng mình đang có đầy đủ và hạnh phúc. Nhưng nếu hạnh phúc của ta được đặt trên một nền tảng không vững chắc, từ một cái thấy sai lầm, thì hạnh phúc đó không thể nào là thật được.

Tôi nghĩ, mục đích của sự tu học là giúp cho ta tiếp xúc được với một hạnh phúc chân thật. A genuine happiness, và hạnh phúc ấy cũng sẽ có một ảnh hưởng đến cuộc sống chung quanh mình. Nếu ta là một người có hạnh phúc và nhiều tình thương thì ta sẽ để lại trong cuộc đời này những dấu tích hạnh phúc và thương yêu của mình, và nếu ta là người có nhiều sầu não và khó khăn thì ta sẽ để lại những dấu tích sầu não và khó khăn của mình.

Ta để lại một phần của ta qua những người ta tiếp xúc, trong đó có người thân của mình, bạn bè của mình, và ngay cả với những người ta không quen biết, bằng lời nói, bằng hành động và thái độ của ta. Ðừng xem thường ảnh hưởng của một nụ cười, một lời nói dễ thương, một hành động nhỏ... Nó có ảnh hưởng đến hạnh phúc của tất cả mọi người, và trước hết là chính ta. Và nếu đó là một hạnh phúc chân thật thì mình cũng sẽ không ngại gì mà cầu mong cho nó sẽ được tiếp tục đi luân hồi và lan xa mãi trong cuộc đời này phải không bạn...

Sáng nay bên ngoài cửa sổ bầu trời trong một màu xanh. Ngồi một mình nơi bàn viết nhỏ, tôi thấy những tia nắng ban mai trong tách cà phê của mình, tôi biết tia nắng nhỏ ấy sẽ làm tách cà phê của tôi thơm hơn, một ngày được hạnh phúc hơn, và nó cũng có thể sẽ chuyển hóa được hết những khổ đau của cuộc đời này, biết đâu được phải không bạn?

Nguồn : Tập san Hoằng pháp 31

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle