I.
“Tiết tháng
bảy mưa dầm, sùi sụt”
(thơ Nguyễn Du)
hình chỉ mang tính minh họa
Hằng năm, tháng bảy là mùa Vu Lan, mùa báo hiếu.
Chúng ta cầu nguyện, tưởng nhớ đến hai bậc sinh thành đã khuất.
Ở cõi xa kia, các vị có gì vui? Chắc là không vui, vì
nghiệp quả như sóng với nước không thể tách rời, cứ đuổi theo
nhau. Và trong niềm hoài cảm lại chợt nhớ tới bao nhiêu người khác, vì lý do nào
đó, trong bể khổ trần ai phải lang thang đầu đường xó
chợ, xiêu lạc không mồ mả, chẳng còn ai nhớ đến. Có thể kể đến
những chiến sĩ hy sinh nơi trận mạc, tới nay vẫn chưa tìm được tông tích.
Gọi chung
hết thảy là “Thập loại chúng sinh”.
Mâm cúng cô hồn tháng bảy thật giản đơn nhưng bày tỏ tấm lòng, gồm cháo gạo nếp,
khoai nấu, trái cây, mía cắt khúc, gạo, muối, nhất là không thiếu quần áo bằng
giấy đủ màu xanh, vàng, đỏ. Trong khói hương đèn leo lét, hai cõi âm dương như mở cửa giao nhau. Vui nhất là
đám trẻ con, mỗi năm chúng như đợi ngày này. Người lớn cúng
xong thường để cả mâm trái cây, mía cho chúng dành nhau. Có người còn
chuẩn bị cả một ít tiền lẻ để ném ra cho lũ trẻ.
Tục lệ lâu đời khó lòng cắt nghĩa, nhưng qua các hình ảnh ghi nhận trong tháng
bảy cũng có thể hiểu, tục lệ trong mùa Vu-lan-bồn nhằm giúp cho tâm hồn con
người rộng mở ra với nhiều cõi ngoài. Chính vì nó hay, nó tốt, nên nó mới tồn
tại ăn sâu vào lòng người dân Việt.
Xin đừng vội cho là mê tín dị đoan. Ngay cả những người không
theo đạo Phật, chắc cũng thấy được ý nghĩa nào đó ở mùa Vu Lan.
Tôi đã thấy rất nhiều người cũng bày mâm cúng giống như tín đồ Phật giáo.
Tháng bảy, tiết trời đầu thu, mưa gió réo rắt buồn sao!
Tháng bảy, trời đất như có điều gì đó gây cho người niềm hoài cảm, gợi nhớ cả
không gian, thời gian. Bao kỷ niệm thân thương từ đâu
hiện về. “Ngửa mặt lên trời kêu cha mẹ ơi đang ở đâu!” Những kỷ niệm
ra đi không bao giờ trở lại! Có lẽ cũng trong tâm trạng này mà
ngài Mục-kiền-liên đã ra đi đến tận chốn âm cung để gặp mẹ mình. Và ngài
thật may mắn hơn người khác ở chỗ là biết được mẹ của mình mắc phải tội lỗi gì. Vì thế, dù không tự mình cứu được mẹ, ngài cũng đã hết lòng khẩn
khoản cầu xin đức Phật từ bi chỉ dạy pháp cứu rỗi. Và cuối cùng, nhờ sự
chuyên tâm cầu nguyện của chính ngài và chư
tăng mười phương, bà mẹ ngài mới được siêu thoát. Sự kiện ấy
đã để lại cho chúng ta một tập tục tốt đẹp, mỗi năm đến rằm tháng bảy lại bâng
khuâng nhớ đến những bậc sinh thành, dù là còn sống hay đã mất.
Trong chúng ta, chắc chắn chẳng có ai muốn trở thành người con bất hiếu.
Nhưng sự thật trong đời sống lại rất thường là “Cha mẹ nuôi con biển trời lai
láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”. Biết bao người con đã lớn
lên trong vòng tay cha mẹ nhưng lại rất vô tình không nhớ đến, hoặc có nhớ đến
cũng không có được một tấm lòng “biển trời lai láng” để đáp đền công ơn cha mẹ!
II.
Cái làm mòn mỏi tâm hồn chúng ta chính là không gian quen thuộc, những suy nghĩ,
những thói quen. Chúng dìm người chết đuối trong sự quen thuộc ấy mà vẫn không
hay biết, vẫn cho mình đã đầy đủ bổn phận! Vì vậy, có người
thỉnh thoảng mua một món quà cho cha mẹ, hoặc đi chùa cầu nguyện cho cha mẹ chỉ
như việc tình cờ. Tuy nhiên, cũng phải ghi nhận cái
việc tình cờ ấy. Vì con người sống giữa vô minh, mấy khi được một giây
phút loé sáng, vượt qua những thói quen của bản thân để tìm về với suối nguồn vi
diệu?
Tấm lòng cha mẹ nuôi con như thế nào, có lẽ chúng ta không sao cảm nhận được hết.
Nhưng chỉ bằng những hình ảnh đã được người đời ghi nhận, có lẽ cũng đã đủ để
giúp chúng ta hiểu được phần nào cái mênh mông không cùng tận và những ân tình vời vợi của công cha nghĩa mẹ. Tình cờ tôi chợt nhớ
đến bài ca dao “Con cò ăn đêm”. Tôi chắp tay thầm cám
ơn người đã nghĩ ra những câu ca dao tuyệt vời như thế này:
Con cò mà đi ăn đêm,
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
Ông ơi, ông vớt tôi nao,
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng.
Có xáo thì xáo nước trong,
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.
Vì sao? Vì sao? Rõ ràng hình
ảnh con cò đã nói hộ con người. Con vạc ăn đêm đã đành, vì sao con cò là loại ăn ngày mà phải lặn lội
ban đêm? Chẳng qua là vì bầy con nhỏ dại đang cần sống. Đi kiếm
ăn trong đêm tăm tối mà lại mang đôi cánh trắng, trước sau gì cũng rơi
vào cạm bẫy của người giăng ra khắp nơi. Cất tiếng kêu “Ông ơi, ông vớt tôi nao”
nghe đau xót biết bao! Nhưng kẻ đã rơi vào cạm bẫy, còn ai vớt,
ai cứu?
Cuối cùng, cò hiểu ra đành phải chấp nhận số phận. Thật
là cao cả thay, đến lúc sa cơ thất thế cò vẫn nhớ đến
con tha thiết, còn sợ đứa con buồn lòng hơn chính mình buồn. Cò khẩn thiết van
xin:
Có xáo thì xáo nước trong,
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con!
Rõ ràng đó là tình thương vô điều kiện của cha mẹ dành cho con cái. Ngoài việc
lo lắng miếng ăn, giấc ngủ cho con, còn bao trùm cả việc lo lắng con có danh dự,
phẩm giá, cho được hơn người. Không để con vì mình mà tủi hổ với đời.
Con cò sắp thiệt thân mà vẫn không lo cho mình, chỉ sợ cò con đau lòng vì mình
phải xáo bằng nước đục... Có bao nhiêu con cò con hiểu được nỗi lòng ấy của cò
mẹ? Trong ngày rằm tháng bảy, mong sao những lời cầu nguyện cho cha mẹ không chỉ
là những lời cầu nguyện chung chung. Lòng hiếu của chúng ta tuy không sánh được với
ngài Mục-kiền-liên, nhưng ít ra chúng ta cũng phải thấu hiểu được tấm lòng cha
mẹ!
III.
Phước thay cho những ai còn đầy đủ cha mẹ, còn có dịp bày tỏ lòng hiếu thảo ngay
trong lúc cha mẹ đang tại thế. Thử hình dung sự vui sướng của các bậc sinh thành
khi được con cái lo lắng, chăm sóc. Niềm vui sướng ấy thật hồn nhiên, mộc mạc
đến nỗi có lắm người được con cho quà nhưng không chịu mở ra, cứ để nguyên mà
nhìn ngắm mãi...
Bốn mùa xuân đứng đầu.
Trăm nết hiếu đứng đầu.
Chắc chắn chúng ta ai cũng đồng ý rằng lòng hiếu thảo đối với
cha mẹ trong lúc đang còn sống bao giờ cũng đáng quý hơn là đợi đến khi cha mẹ
qua đời. Nhưng thế nào là hiếu thảo với cha mẹ? Người xưa cho rằng
muốn báo hiếu thì trước phải sinh con nối dõi tông đường, sau là phụng dưỡng cha
mẹ. Nhưng hầu hết các bậc cha mẹ ngày nay trong thâm tâm lại không vì
những việc ấy, chỉ mong sao cho con mình được nên người hữu ích, được thành đạt
hơn người.
Người xưa nói: “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng.” Cha mẹ chỉ mong con tạo
được danh thơm
tiếng tốt để lại cho đời, nên đây cũng là một cách báo hiếu của người làm con:
sống thật tốt để mang đến niềm vui và danh dự cho cha mẹ. Những người làm con có
thể dùng nhiều hình thức để báo đáp công ơn cha mẹ, nhưng không nên quên đi niềm
mong ước đơn sơ này của các vị.
Đức Phật có dạy: “Cha mẹ không làm cho con cái buồn tủi, con cái không để cho
cha mẹ phải chịu nhục.” Nghe qua có vẻ thật giản đơn, nhưng trong cuộc sống nếu
chúng ta luôn biết nghĩ đến những điều này thì có lẽ sẽ chẳng bao giờ bị lôi
cuốn vào những việc xấu xa tội lỗi. Lòng hiếu thảo với cha mẹ
theo cách này sẽ bảo vệ chúng ta khỏi mọi cám dỗ trong đời sống. Và vì
thế, chắc chắn là chúng ta sẽ có thể mang về những niềm vui trong sáng cho các
vị, khiến các vị luôn hài lòng và hãnh diện vì đã sinh thành và nuôi dưỡng một
đứa con ngoan.
Ngô Khắc Tài