Trần Tiến Đạt
Có lẽ không ở đâu như Huế, năm ở trung
tâm cách đều hai đầu đất nước, Huế đã hội tụ được đầy đủ những vẻ đẹp của thiên
nhiên bao gồm: sông núi, ao hồ, đầm phá, biển cả, núi rừng bao la,…Trong đó nổi
bật lên hình ảnh của sông Hương và núi Ngự đã trở thành biểu tượng của mảnh đất
Thần Kinh này.
Dòng nước sông Hương chảy lặng lờ,
Ngàn thông núi Ngự đứng như mơ.
Gió cầu vương áo nàng Tôn nữ,
Quai lỏng nghiêng vành chiếc nón thơ.
“Trong đôi mắt Huế” – Đông Hồ
Mãi đến ngày nay, sông Hương và núi Ngự vẫn còn tồn tại bên nhau như một cặp
tình nhân muôn thủa, nhà thơ Bùi Giáng viết:
Dạ thưa xứ Huế bây giờ,
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương
Nói như thế để thấy
rằng trong tâm khảm người dân xứ Huế hình ảnh của Sông Hương và núi Ngự sẽ mãi
luôn trong tâm trí họ.
Nhưng không như những con sông khác ở Việt Nam, như sông Hồng ở Bắc Bộ hay sông
Cửu Long ở Nam Bộ thì nước thường chảy rất “xiết”, còn đối với sông Hương do mức
chênh lệch cao thấp giữa thượng nguồn và hạ nguồn không đáng kể, vì thế nước
sông hương chảy rất hiền hòa và êm đêm, nhìn mặt nước sông Hương chúng ta sẽ có
cảm giác như dòng sông đang đứng yên. Chính từ hình ảnh con sông đó đã nói lên,
phản ánh lên một phần tính cách của con người xứ Huế nơi dòng Hương Giang chảy
qua:
Con sông dùng dằng con sông không chảy,
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu.
“Tạm biệt
Huế” – Thu Bồn
Với tất cả những vẻ
đẹp vốn có đó. Dòng sông Hương đã thực sự đóng một vai trò đối
với mảnh đất và con người nơi đây. Vậy những giá trị đó là gì?
Và tác động của nó như thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm
hiểu.
*Đôi dòng
lịch sử về tên gọi “Sông Hương”
Sông Hương có hai nguồn chính và đều bắt nguồn từdãy núi Trường Sơn. Dòng chính của Tả
Trạch dài khoảng 67 km, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn Đông, ven khu vực vườn quốc gia Bạch Mã chảy theo hướng tây bắc với 55 thác nước hùng vĩ, qua thị trấn Nam Đông rồi sau đó hợp lưu với
dòng Hữu Trạch tại ngã ba Bằng Lãng (khoảng 3 km về phía bắc khu vực lăng Minh Mạng). Hữu Trạch dài khoảng 60 km
là nhánh phụ, chảy theo hướng Bắc, qua 14 thác và vượt qua phà Tuần để tới ngã ba Bằng Lãng, nơi hai dòng này gặp nhau
và tạo nên sông Hương. Tính từ ngã ba Bằng Lẵng tới cửa biển Thuận An dòng sông
Hương có chiều dài khoảng 30km.
Về tên gọi “Sông Hương” thì hiện nay có rất nhiều cách giải thích khác
nhau. Có người nói rằng, ở
phía thượng nguồn dòng sông hương có giống cỏ thơm Thạch Xương Bồ, vào mỗi mùa
hè hoa của loại cỏ thơm này nở rộ tọa nên mùi thơm rất đặc biệt, và rồi mùi thơm
đó thấm dần vào dòng nước nên nước trên dòng sông rất thơm, từ đó người dân đã
đặt tên cho dòng sông này là sông Hương (sông thơm). Bên cạnh đó, có người cho
rằng tên của dòng sông được gọi theo địa danh nơi mà nó chảy qua, thời thuộc Hán, đây là huyện Lô Dung của quận Nhật
Nam, nên sông chảy qua mang tên huyện là Lô Dung. Ðời Lê Mạt
đổi là huyện Kim Trà nên sông mang tên huyện thành sông Cái Kim Trà.
Sau năm 1558, Nguyễn Hoàng đổi tên huyện thành Hương Trà mới
gọi là sông Cái Hương Trà, nói gọi thành sông Hương (Hương Giang). Một truyền thuyết khác
lại kể rằng ngày các chúa Nguyễn Phúc Lan, Nguyễn Phúc Tần đóng phủ chính tại
Kim Long. Năm 1687 Nguyễn Phúc Thái nối nghiệp, một hôm nằm
mộng thấy một vị thần đến bảo chúa hãy thắp một bó hương cầm đi về phía hạ lưu
sông, đến đâu hương tàn thì đấy là chỗ định đô, giúp cơ đồ được hưng thịnh lâu
dài. Tỉnh dậy, chúa thực hiện y như lời thần dạy bảo, dời phủ
chính về nơi bó hương tắt, là địa xã Thuỵ Lôi, sau đổi thành Phú Xuân.
Con sông chúa cầm bó hương đi dọc theo
tiến về Phú Xuân được đổi tên thành sông Hương để tạ ơn thần báo mộng.
Dù có
nhiều cách giải thích khác nhau về tên gọi dòng sông, nhưng sông Hương đã đi vào tâm hồn người dân nơi đây, nó
đã trở thành biểu tượng đẹp đẽ của xứ Huế ngàn năm văn vật.
*Những
giá trị của sông Hương
Sông Hương không chỉ đơn thuần là nguồn cung cấp nước cho các hoạt động sản suất
của người dân hai bên bờ sông, mà với vẻ đẹp tự nhiên đến kiều diễm sông Hương
còn mang rất nhiều giá trị.
Sông Hương – hình ảnh “Thơ” của các thi nhân
Vẻ đẹp của dòng Hương Giang đã thực sự thu hút khách giai nhân, trong con mắt
các thi nhân dòng Hương Giang giống như “mái tóc” dài của thiếu nữ, nó mượt mà,
óng ả và gợn sóng đến nao lòng. Chính vì thế sông Hương đã là nguồn cảm hứng để
các thi nhân viết lên rất nhiều các kiệu tác thơ văn của mình.
Từ thời
xưa, ông vua thi sĩ Thiệu Trị đã xem Sông Hương là một trong 20 thắng cảnh của
đất Thần Kinh và có làm bài thơ “Hương Giang Hiểu Phiếm” đề vịnh. Bài thơ này đã
được khắc vào bia đá dựng bên bờ sông Hương, ở vị trí
bên cạnh Phu Văn Lâu. Đến nay bia
vẫn được bảo quản khá tốt.
Cho tới ngày nay cũng thế, Nhạc sỹ Duy Khánh đã từng viết:
Ai ra xứ Huế thì ra
Ai về là
về núi Ngự
Ai về là
về sông Hương
Nước sông
Hương còn vương chưa cạn
Chim núi
Ngự tìm bạn bay về
Người tình
quê ơi người tình quê thương nhớ xin trở về.
Hay như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thì viết
Sông Hương hóa rượu ta
đến uống
Ta tỉnh, đền đài ngả
nghiêng say ...
Có lẽ đối
với các thi nhân xứ Huế, nếu không có dòng sông Hương thì tất cả ý tưởng thơ,
những cảm xúc thơ của các thi sỹ đều bị « đánh rơi » :
Nếu như chẳng có dòng Hương
Câu thơ xứ Huế nửa đường đánh rơi ...
Những giá trị khác
Ngoài những giá trị thơ, sông Hương còn có những giá trị khác trong cuộc sống
của người dân xứ Huế. Đó là các giá trị liên quan đến lịch sử, văn hóa, kiến
trúc, giao thông vận tải, cảnh quan môi trường, tham quan du lịch,...
Trong quá trình hình thành và phát triển của đô thị này, sông Hương đã đóng một
vai trò quan trọng, xét về mặt lý thuyết
cũng nhưu thực tế. Ngay trong thời tiền Đại Việt, vào khoảng thế kỷ V – VI,
người Chăm đã xây dựng thành Lồi bên bở Nam sông Hương và họ đẫ thiết lập một
trung tâm hành chính tại ngà ba Sình (nơi sông Bồ gặp sông Hương) mà sau đó
người Việt đã kế thừa nó (năm 1307) và gọi mới là thành Hóa Châu.
Đến thời các chúa Nguyễn, vào năm 1636, Kim Long ở bờ Bắc sông Hương đã được
chúa Nguyễn Phúc Lan lựa chọn đẻ xây dựng thủ phủ. Trường hợp thủ phủ Phú Xuân
cũng vậy, khi chúa Nguyễn Phúc Thái cho dời thủ phủ vào năm 1687, ông cũng đã
chọn một vị trí khác ở bờ Bắc của dòng sông ấy. Chính vào các giai đoạn lịch sử
này, kể từ thế kỷ XVII, khu vực phố cảng Thanh Hà đã được thiết lập tại một địa
điểm ở hạ lưu sông Hương để làm trung tâm thương mại nội địa và quốc tế của Đàng
Trong (thủ phủ của các chúa Nguyễn).
Vào đầu thế kỷ XIX, khi đất nước thống nhất sau gần 300 năm nội chiến, vua Gia
Long – vị vua đầu triều Nguyễn cũng đã thiết lập kinh đo của cả nước tại trung
lưu của dòng sông Hương. Khi quy hoạch trong ngót ba năm 1802 – 1804 đe xây dựng
kinh đô mới, các nhà kiến trúc triều Nguyễn đã tuân thủ dịch lý và nhất là thuật
Phong Thủy một cách triệt để và linh động. Ngay từ đầu tháng 4/1802, chính vua
Gia Long cùng các triều thần đã dùng thuyền Rồng đi khảo sát hình thế núi sông
xứ Huế để quy hoạch mặt bằng kinh đô. Và họ đã vận dụng hình sông thế núi ở cả
một vùng đất rộng lớn thuộc địa bàn mà sông Hương chảy qua để dưa chúng vào
trong bố cục Phong Thủy của tổng thể công trình.
Các thực thể có sẵn tại chỗ như sông Hương, núi Ngự, cồn Hến, cồn Dã Viên,...đều
đã được hình tượng hóa, siêu nhiên hóa bằng cách gắn vào cho chúng nhứng chức
năng tâm linh và tạo ra cho chúng những thần thái Phong Thủy trong kiến trúc.
Trong chủ đề tương tưởng quy hoạch mang tính triết lý phương Đông và truyển
thống Việt Nam ấy, trục chính của kinh đô nói chung, của kinh thành nói riêng
vẫn quay mặt về phía Nam như nguyên tắc mà dịch lý đã quy định (Thánh nhân Nam
diện nhi thính thiên hạ : vị Vua quay về hướng Nam để cai trị thiên hạ). Tuân
theo những nguyên tắc của thuật Phong Thủy, các nhà quy hoạch đầu thế kỷ XIX đã
dùng núi Ngự Bình (cao 104m, nằm ở bờ Nam sông Hương) làm bình phong (tiền án)
và sông Hương làm minh đường (minh đường là một thuật ngữ của Phong Thủy học
dùng để chỉ yếu tố mặt nước bắt buộc phải có ở thước mặt một công trình kiến
trúc dù lớn hay nhỏ. Các nhà kiến trúc đã lợi dụng sông Hương để đáp ứng cho yêu
cầu tất yếu của thuật Phong Thủy. Đồng thời các nhà kiến trúc cũng lợi dụng hai
hòn đảo tự nhiên trên sông Hương (cồn Hến và cồn Dã Viên) làm hai hình thế «tả
Thanh Long hữu Bạch Hổ« che chắn, bảo vệ cho kinh thành.
Sự vận dụng các thực thể địa lý tự nhiên một cách linh hoạt và thích hợp ấy đã
được các vua triều Nguyễn nói rõ trong khá nhiều thơ văn của họ, chẳng hạn như
bốn câu thơ sau được trang trí trong điện Thái Hòa :
Bình sơn đoan ngự án,
Hà thủy tịch minh đường.
Long hổ trùng trùng củng,
Nguy hoàng trạch đế vương.
Dịch:
Núi Ngự làm tiền án,
Sông Hương mở minh đường.
Rồng chầu và hổ phục,
Ổn cố đất đế vương.
Mặc dù tư tưởng triết lý quy hoạch theo Dịch lý và thuật Phong Thủy như thế được
đánh giá là mê tín hay khoa học, chúng ta cũng có thể nhận ra được một hệ quả
tốt đẹp của nó là các tác giả của kiến trúc kinh đô Huế đã tạo dựng một đô bên
bở sông Hương có non xanh nước biếc, vừa uy nghi cổ kính, vừa thơ mộng hữu tình.
Ngoài những giá trị nêu trên đối với phần “Đô” của Huế, sông Hương còn đóng một
vai trò quan trọng trong phần “Thị” của chốn Thần Kinh. Từ xưa cho đến thế kỷ
XIX, sự giao thông đi lại và vận chuyển hàng hóa ở Huế chủ yếu là bằng đường
thủy, mãi đến đầu thế kỷ XX mới xuất hiện các phương tiện giao thông vận tải tân
tiến như, tàu hỏa, máy bay,…Sông Hương cùng các phụ lưu, chi lưu của nó đã tạo
ra một hệ thống thủy lộ chằng chịt từ Thành Nội đến ngoại ô, từ rừng đến biển.
Như một quy luật, muốn phát triển kinh tế xã hội thì phải thiết lập các trung
tâm thương
mại để mua bán trao đổi hàng hóa, mà thuận tiện nhất thì phải ở
ven sông. Mà con sông chính ở Huế là con sông Hương với hai cửa biển là Thuận An
và Tư Hiền mở lối thông thương cho các tàu thuyền buôn bán hàng hóa nội địa và
quốc tế. Do đó một loạt khu thương mại đã được hình thành một cách tự nhiên ở tả
ngạn sông Hương. Trước hết là phố cảng Thanh Hà (thế kỷ XVII – XVIII), sau đó
dời lên giang cảng Bao Vinh (thế lỷ XVII – XIX), rồi chợ Dinh, chợ Được (thế lỷ
XIX) và chợ Đông Ba (từ thế kỷ XX cho đến nay). Tất cả các “phố thị” này đều nằm
sát mép sông Hương cho thương thuyền ngoại quốc, ghe tàu trong nước dễ cập bến.
Như vậy, thiên nhiên xứ Huế nói chung, sông Hương nói
riêng là món quà vô giá mà tạo hóa đã ban tặng cho con người Huế. Vẻ đẹp thơ
mộng hữu tình của con sông cùng các thắng cảnh tự nhiên khác ở trên lưu vực của
nó chính là nhân tố quyết định đến sự thăng hoa của đô thị Huế.
*Thay lời
kết
Với các giá trị văn hóa nghệ thuật và kinh tế xã hội, sông Hương là
một dòng sông đa tinh và đa chức năng. Không những thế, ngày nay sông
Hương còn có tiềm năng du lịch rất lớn, nếu khai thác một cách có hiệu quả thì
hứa hẹn sẽ mang lại một nguồn danh thu lớn. Tuy nhiên, muốn được như thế, chúng ta cần phải bảo
vệ diện mạo vốn có của con sông huyền diệu này.