Thể thao trong sự kiện Phật giáo

Minh Thạnh

Minh Thạnh

Trong hoạt động tổ chức sự kiện, thể thao là một trong những hoạt động hỗ trợ và quảng bá sự kiện rất có hiệu quả.

Chúng ta thường vẫn nghe nói đến các cuộc tranh tài thể thao chào mừng một dịp lễ nào đó. Chẳng hạn, đua xe đạp chào mừng dịp lễ Quốc tế Lao động, hay giải quần vợt nữ chào mừng ngày Phụ nữ…

Tự thân thể thao là những sự kiện thu hút được công chúng, gây được tiếng vang, hệ quả là khi nó được tổ chức vào thời điểm gắn với một sự kiện  nào đó, cũng như gắn sự kiện thể thao với tên gọi sự kiện chính, thì hoạt động quảng bá, gây sự chú ý của công chúng đối với sự kiện và ngược lại, việc gắn kết sự kiện chính với hoạt động thể thao cũng có tác dụng làm tăng ý nghĩa của hoạt động thể thao.

Tùy theo điều kiện cụ thể, hoạt động thể thao quảng bá sự kiện có thể là hoạt động thể thao chuyên nghiệp, thể thao không chuyên nghiệp hoặc cũng có thể là thể thao bán chuyên nghiệp.

Hoạt động thể thao quảng bá sự kiện thường gắn với hoạt động truyền thông đại chúng, mà chúng ta thường thấy nhất là truyền hình. Trong trường hợp này, truyền hình khi đưa tin, tường thuật cho sự kiện thể thao quảng bá sự kiện thì đương nhiên trở thành phương tiện gián tiếp quảng bá sự kiện.

GĐPT: Cúp Hoa sen

Ngoài ra, hoạt động thể thao đường phố như đua xe đạp, chạy marathon… cũng trở thành phương tiện quảng bá trực quan cho sự kiện chính. Khi đó, nhà tổ chức hoạt động  thể thao sẽ hết sức chú ý đến những phương tiện trực quan, như logo trên áo vận động viên, logo băng rôn dán trên  xe mở đường cũng như đặt dọc theo lộ trình sự kiện thể thao…

Ở nước ta, Phật giáo Nam Tông Khmer Tây Nam Bộ là hệ phái Phật giáo có truyền thống tổ chức hoạt động thể thao chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc Khmer, cũng là những ngày lễ truyền thống của Phật giáo Nam tông Khmer Tây Nam Bộ, như Chôn-chơ-nam-thơ-mây, Dolta, Oocombok. Đó là hoạt động đua nghe ngo nổi tiếng.

Các cuộc đua nghe ngo đã trở thành những cuộc hội, thu hút đông đảo người tham dự, là một bộ phận của lễ hội dân tộc và lễ hội truyền thống Phật giáo Nam tông Khmer Tây Nam Bộ.

Ngoài ra, có những cuộc tranh tài mang tính chất thể thao theo dân gian khác, như leo cột chẳng hạn, tổ chức ngay tại sân chùa, tạo không khí vui vẻ cho lễ hội, thu hút thanh niên tham gia.

Trong mục tiêu hoằng pháp đến thanh thiếu niên, thực hiện quan điểm Phật giáo toàn dân, thu hút ngày càng đông đảo giới trẻ đến với các lễ hội Phật giáo, các hệ phái Phật giáo đều có thể nghĩ đến việc tổ chức các hoạt động thể thao chào mừng các ngày lễ Phật giáo định kỳ cũng như đột xuất.

Rất nhiều bộ môn thể thao có thể được dễ dàng chấp nhận trong Phật giáo, kể cả những bộ môn giàu kịch tính như đua ghe.

Tuy nhiên, nói chung, nên chọn những bộ môn thể thao thuộc loại không chuyên, mang tính quần chúng cao để tổ chức thành những hoạt động quảng bá sự kiện Phật giáo.

Trong hoạt động như vậy, không hẳn là nhà chùa phải đứng ra tổ chức hoạt động thể thao, mà có thể do chính giới thể thao tổ chức, với tên gọi giải thể thao và thời điểm tổ chức gắn liền với sự kiện mà hoạt động thể thao hướng tới việc quảng bá.

Còn kinh phí tổ chức, thì theo thông lệ có thể do các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm  tài trợ.

Có nhiều bộ môn, hoạt động thể thao để lựa chọn. Ở đây, chúng tôi xin đề xuất một trường hợp cụ thể.

Nhiều  ngôi chùa lớn của Phật giáo chúng ta được xây dựng trên núi cao. Do đó, tổ chức hoạt động đi bộ leo núi như một hoạt động thể thao quần chúng thu hút rộng rãi thanh niên tham gia có thể là một hoạt động thích hợp.

Đích đến của cuộc đi bộ leo núi theo đường bộ và có thể là bậc thang là các ngôi chùa nằm trên núi.

Điểm xuất phát cuộc tranh tài quần chúng có thể là các ngôi chùa, đặc biệt là chùa dưới chân núi.

Người tham gia cuộc đi bộ leo núi có thể cầm các biểu tượng chào mừng ngày lễ, như cờ Phật giáo nhỏ cầm tay chẳng hạn.

Không gian lễ hội Phật giáo tất nhiên sẽ được mở rộng ra suốt đoạn đường lên núi, thường là nhiều km.

Trước đây, Đài Truyền hình Tỉnh Sông Bé, do có một trạm phát sóng đặt trên đỉnh núi Bà Rá cao 730 mét (nay thuộc về tỉnh Bình Phước), nên thường xuyên tổ chức các cuộc đi bộ leo núi chào mừng các ngày lễ lớn, rất thành công, thu hút đông đảo đảo thanh niên tham dự, đặc biệt là đối tượng học sinh.

Nếu tính luôn người xem cổ động viên thì số người tham gia trực tiếp có đến hàng chục ngàn người. Số người xem trực tiếp truyền hình có thể đến hàng triệu người.

Đây là một ý tưởng có vẻ là mới, nhưng thực ra không phải là mới, vì Phật giáo Nam tông Khmer Tây Nam Bộ đã triển khai từ rất lâu. Cái mới, nếu có, là việc ứng dụng, khai thác các bộ môn thể thao khác như một trong những hoạt động chào mừng lễ hội Phật giáo.

MT

Chia sẻ: facebooktwittergoogle