Treo cờ Phật giáo ở vùng sâu vùng xa cũng sẽ thuận lợi như ở đô thị

hue

Minh Thạnh

Hơn 10 năm nay, việc treo cờ Phật giáo mừng Đại lễ Phật Đản ở tư gia Phật tử tại các tỉnh thành, thị xã đã là việc bình thường, cùng với việc treo cờ Phật giáo trên đường phố, quảng trường. Còn việc treo cờ Phật giáo ở chùa thì không có việc gì phải bàn.

 

hình ảnh: Lễ đài Tư gia tại Huế

Ngoài ra, không chỉ vào dịp Đại Lễ Phật Đản, cờ Phật giáo cũng được treo trên đường phố, giao lộ, sân vận động, xe hoa, tư gia…, vào những dịp lễ hội khác của Phật giáo Việt Nam. Chẳng hạn, trong những ngày chuẩn bị và diễn ra Hội thảo Hoằng pháp năm 2011 tại Bình Dương, cờ Phật giáo đã được treo khắp thị xã, và suốt dọc Đại Lộ Bình Dương bắt đầu từ địa giới giáp ranh với TPHCM, tính tổng cộng chiều dài đường phố treo cờ Phật giáo khoảng 40 km.

Tuy nhiên, cũng có phản ánh, rằng việc treo cờ Phật giáo mừng Đại Lễ Phật Đản ở một số địa phương nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa… không được cơ quan chức năng địa phương chấp nhận. Có thể ở trong cùng một huyện, việc treo cờ Phật giáo tại tư gia ở xã này thì dễ dàng, nhưng ở xã khác có thể gặp khó khăn nhất định.

Tất nhiên, chúng ta không loại trừ một số trường hợp cá biệt như vậy.

Trước hết, cần thông cảm, vì có thể có nhiều người, chỉ là dân thường, không tôn giáo, không biết thế nào là cờ Phật giáo, cũng như việc treo cờ này.

Một câu chuyện vui, là một người dân thấy cờ Phật giáo, làm lạ, hỏi là cờ nước nào. Người trả lời cũng cắc cớ, trả lời là cờ nước “Tịnh độ”(!).

Vì vậy, vấn đề cũng dễ dàng giải quyết, khi mọi người đều hiểu.

Nếu đó là chuyện trái pháp luật, thì đương nhiên không thể giải quyết. Còn việc treo cờ Phật giáo tại tư gia chào mừng Đại Lễ Phật Đản đã là đúng pháp luật, thì việc giải quyết đương nhiên dễ dàng nếu có vướng mắc.

Việc cần làm, theo chúng tôi rất là đơn giản, là chứng minh việc treo cờ Phật giáo tại tư gia là việc làm hợp pháp, đúng pháp luật.

Ở đây, người Phật tử cần phải trông cậy vào sự giúp đỡ, hướng dẫn của Giáo hội.

Theo chỗ chúng tôi nghĩ, là không hẳn phải cấp bản sao những văn bản hướng dẫn quy định việc treo cờ Phật giáo mừng Đại Lễ Phật Đản, gồm cả việc treo cờ ở nhà riêng, nơi công cộng, đường phố, để Phật tử xuất trình khi cần.

Mà Giáo hội các ngành, các cấp có thể tạo thuận lợi cho Phật tử treo cờ Phật giáo mừng lễ Phật giáo tại tư gia bằng hình thức ấn hành theo cấp phép những tờ áp phích cổ động việc treo Phật kỳ mừng Đại Lễ Phật giáo để dán rộng rãi tại các chùa, tư gia Phật tử, các điểm thông tin công cộng theo quy định.

Trên áp phích, ngoài slogan cổ động treo cờ Phật giáo, cần thể hiện nội dung các văn bản hướng dẫn quy định liên hệ để làm căn cứ cho việc cổ động.

Giấy phép đối với việc in và phổ biến áp phích theo nội dung trên từ cấp có thẩm quyền trong ngành thông tin truyền thông cũng là một nội dung cần thể hiện để cho thấy việc cổ động treo cờ Phật giáo và theo đó là việc treo cờ tại tư gia, cũng là việc đã được chấp thuận từ các cơ quan chức năng liên hệ.

Trên áp phích, có thể thể hiện hình ảnh treo cờ Phật giáo tại tư gia Phật tử và các nơi công cộng ở những địa điểm tiêu biểu tại các thành phố lớn như thủ đô Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Huế… và một số địa phương nông thôn…

Áp phích cổ động treo cờ cũng là một phương tiện hình thức chào mừng Đại Lễ Phật Đản tương tự nhiều hình thức khác như băng rôn, lồng đèn, pa-nô… góp phần làm việc trang trí cho Đại Lễ Phật Đản.

Với giấy phép phát hành áp phích, các tự viện, cơ sở giáo hội địa phương có thể xin phép cơ quan chức năng địa phương để dán ở các điểm thông tin công cộng theo quy định của từng nơi. Đây là một hình thức thể hiện việc “xin phép” treo cờ Phật giáo tại tư gia và nơi công cộng một cách công khai, rõ ràng.

Tất nhiên, sau khi thể hiện được thông tin việc treo cờ Phật giáo tại tư gia là một việc làm đúng pháp luật thì không lẽ gì có thể có việc khó khăn.

Trong hoạt động truyền thông, việc chuẩn bị, thiết kế, xin phép, in ấn và phổ biến áp phích là một việc làm có thể thực hiện trong một thời gian ngắn. Việc phổ biến áp phích cổ động cho các sự kiện văn hóa, văn nghệ, thương mại như chúng ta vẫn thường thấy nói lên điều đó.

Không những cơ quan lãnh đạo cao nhất của Giáo hội có thể giúp đỡ Phật tử vùng thôn quê, miền núi, vùng hẻo lánh việc này mà các ban ngành liên hệ của giáo hội như Ban Hoằng pháp, Ban Văn hóa, Ban Hướng dẫn Phật tử…, cũng như các Ban Trị sự địa phương đều có thể thực hiện áp phích cổ động treo cờ Phật giáo mừng ngày lễ Phật giáo.

Một việc nữa mà Giáo hội có thể thực hiện để thúc đẩy việc treo cờ Phật giáo tại tư gia  và nơi công cộng khắp trên cả nước là Trung ương Giáo hội phổ biến thông báo chỉ dẫn việc treo cờ Phật giáo mừng các ngày lễ Phật giáo cụ thể và phổ biến  thông báo trên báo chí, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng Nói Việt Nam theo phương thức đăng thông báo theo dịch vụ trước khi ngày lễ đó diễn ra vài ngày.

Khi thông báo, với những cơ sở pháp lý cần thiết để thiết lập nội dung, được phổ biến rộng rãi khắp cả nước, đặc biệt theo hệ thống truyền hình và phát thanh quốc gia, phủ sóng toàn quốc, thì điều chắc chắn là khó có thể xảy ra vướng mắc trong việc treo cờ Phật giáo tại tư gia Phật tử, kể cả vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn, miền núi.

Một thông báo như vậy cũng có tác dụng quảng bá cho ngày lễ Phật giáo đang đến, góp phần vào công tác tổ chức và cổ động ngày lễ, và không chỉ riêng gì đối với Đại Lễ Phật Đản.

Trong dịp Hội thảo Hoằng pháp 2011 tổ chức tại Bình Dương mới đây, chúng tôi nhìn thấy việc người dân và nhân viên địa phương tỉnh Bình Dương (trang phục dân quân, bảo vệ dân phố) cùng nhau sửa lại ngay ngắn những lá cờ Phật giáo treo dọc trên quốc lộ 13 bị gió thổi làm xô lệch, góp phần gìn giữ sự trang trọng cho lá cờ Phật giáo trong ngày lễ.

Vì vậy, chắc chắn, nếu việc truyền thông được thực hiện tốt, mọi người đều thông hiểu, thì chắc chắn việc treo cờ Phật giáo mừng Đại Lễ Phật Đản ở vùng sâu vùng xa cũng sẽ thuận lợi, dễ dàng như ở các đô thị lớn.

MT

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle