Những mảnh đời ven đường (p.2): Bên khung cửa thiền (3)

RA KHỎI

Minh Pháp

 

RA KHỎI

 

 

      “Sống trên đời này người giàu sang cũng như người nghèo khó. Trời đã ban cho ta cám ơn trời dù sống thương đau. Mai kia chết rồi trở về cát bụi nghèo khó như nhau, nào ai biết trước số phận ngày sau ông trời đã trao”

-         Ôi chao, hay quá, hay quá, ý nghĩa quá!

Thấy vỗ tay rầm rộ của các bác tài xế honda ôm, thì bất chợt tiếng còi xe hú liên hồi, tiếng quát tháo của mấy thằng lơ xe.

-         Tránh ra, tránh ra! Bớ ông già mù hát rong.

Nghe tiếng quát tháo dồn dập, ông già mù quờ quạng không biết nên đi về hướng nào, thì thằng con mang lon xin tiền như có bản năng, như có thói quen là dùng sợi dây loa kéo ông già, về hướng nó. Nhìn ông già mặt còn tái nhợt, đầy vẻ lo sợ… mặt dầu không nhìn thấy nhưng ông vẫn cố ngước mắt lên nhìn hình như ông muốn nói, cho mọi người biết là ông bị mù rồi? Xin bà con cô bác nên thông cảm cho số phận của ông.

-         Ông liền kêu: tiền–tiền!

       Mọi người xung quanh nghe thấy liền cưới rầm lên. Ông ơi, ông hát đâu có bao nhiêu mà đòi tiền. Thực chất, ông không phải đòi tiền, mà ông kêu thằng tiền con ông. Thằng tiền là niềm an ủi, là niềm ánh sáng duy nhất. Tiền, Tiền! Là một câu chuyện vẫn còn ẩn ý mà cách đây 13 năm đã đem đến sự hồi sinh của đời ông.

         Một buổi tối nọ, trên đường đi hát về khi đi ngang qua cái miếu hoang. Bất chợt ông nghe tiếng khóc u…. oa… u….. oa…. ở sau lưng ông vọng lại, ông cứ ngỡ đó là tiếng mèo hoang. Bước thêm dài bước nữa thì tiếng khóc lại càng lớn, không đành lòng, ông quay lại thì đập vào mắt ông một trẻ sơ sinh bị bỏ hoang. Ông bế cháu lên mà lòng đầy căm phẫn, ông chửi:

   -     Tổ cha ba cái đứa hư thân mất nết, sanh ra rồi vứt bậy, đứa nhỏ có tội tình chi!?

         Rồi ông lại nhũ thầm chắc lưỡi:

   -     Thôi kệ: “Cứu một mạng người hơn là xây bảy tháp phù đồ.” Cơ mà nghèo thì đã nghèo rồi, khổ thì đã quá khổ…

         Từ ý nghĩ đó, ông bế cháu đêm về nuôi nấng. Buổi sáng ông gởi cháu cho người ta giữ hộ, rồi đi hát rong, ông hát nhiều hát mãi, hát đến khao cả giọng… Có hôm gặp trời mưa to gió lớn không kiếm được tiền ông phải nhịn đói, rồi có bữa như có vận xui ông hát từ hẻm lớn đến hẻm nhỏ mà không ai cho một đồng. Rồi ông lũi thũi đi về mà lòng quặn đau, thương cho thằng bé đêm nay không có sữa.!?

         Thế rồi thời gian cứ trôi đi, trôi đi…. Mỗi bước chân ông như chậm chập lại, đôi mắt ông hóc đỏ chảy gèn. Vã lại ông hay có tật là dùng tay dụi vào mắt…. dần dần ông bị lòa hoa đốm, nhìn một thấy hai, nhìn hai thấy loạn xạ. Và thằng bé là niềm ánh sáng, thằng bé đi trước ông vịn vai theo sau. Mỗi bước chân của thằng bé in lên hình dấu chân của ông. Dấu chân của kiếp cầm ca.

         “Bạn ơi, tôi đã trót mang tiếng nhạc lời ca, dệt gấm thiêu hoa giữa chợ đời man trá, thấy cuộc đổi thay lòng người điên đảo. Mỗi gót phong trần nặng nợ cầm ca.”

         Hoan hô, hay quá, hay quá ! Hát thêm bài nữa, thêm bài nữa đi.

Tiếng gãy đàn khúc nhạc dạo lại vang lên:

         “Đã biết em mang kiếp cầm ca, đêm đêm phòng trà dâng tiếng hát cho mọi người, bỏ tiền mua vui. Hỏi rằng: Anh ơi, còn yêu em nữa không? Đừng nói thế em ơi, xin đừng nói nữa làm gì? Anh biết rằng đời người ca sĩ đáng thương và đáng được yêu?”

   -     Cho tiền đi chứ, cho tiền đi chứ! Biết nghe mà không biết cho hả? Keo kiệt vừa vừa thôi? Giọng trách của một bà già.

         Cảm thấy nhột! Một người bỏ vào, hai người bỏ vào rồi lần lượt mọi người xúm lại bỏ tiền vào lon.

         Đêm về ông tài nào chợt mắt được, bởi câu nói: “Cho tiền đi chứ, cho tiền đi chứ!” Cứ luẩn quẩn trong đầu ông, phải chăng gì sự ngẫu nhiên của bà già khó tánh mà tối nay ông và thằng bé có một bữa no nê. Đúng rồi, đúng rồi! Mình đặt cho thằng bé tên là “Tiền”, vì khi mình kêu tiền mọi người cứ ngỡ là phải bỏ tiền vào lon đi chứ. Nếu ai trách móc thì tôi kêu thằng Tiền con của tôi cơ mà!? Không ngờ trong cái khó ló ra cái khôn. Ông chép miệng mỉm cười rồi thiếp đi… Mở ra câu chuyện đặt tên cho thằng Tiền.

         Tiền, Tiền! Họ cười mặc họ. Con dẫn bố qua chùa Vĩnh Nghiêm đi con.

   -     Sao lại qua chùa Vĩnh Nghiêm, ở bến xe Miền Đông đông người như vậy hát mới dễ kiếm tiền hơn. Thằng Tiền vẫn còn thắc mắc không hiểu gì sao, thì ông liền vỗ vai nhắc nhở: Hôm nay ở chùa cúng Rằm tháng 7 con ạ!

      -     Ôi! Rằm tháng 7 đến rồi mà con quên mất. Nhanh, nhanh lên đi bố. Thằng Tiền hối thúc.

            Mỗi bước chân đi là mỗi bước làm cho nó nhớ lại những ngày còn nhỏ khi Bố đi hát rong để nó ở nhà một mình, nó đã cùng chúng bạn chạy qua chùa giật trái cây cô hồn được quí Thầy cho ăn xôi chè, ân cơm với đậu hủ.

      -     Đến, đến rồi! Người ở đâu mà đông quá bố ơi. Bố có hát không? Hay là hai bố con mình đi giật cô hồn đi bố.

Ông bố còn đắn đo do dự rồi phân trần :

      -     Không được, bố đã lớn tuổi rồi mắt lại không nhìn thấy, để bố hát thôi con ạ!

            …. Chuông đỗ chùa xa chiều tan trường về Điệp cùng Lan chung bước, cuối nẻo đường đi đôi lần hẹn mùa thi Lan khóc đợi người đi. Lần cuối gặp nhau Lan khẻ nói thương mãi nha anh, em yêu anh chân tình nếu duyên không thành Điệp ơi Lan cắt tóc quên đời vì anh”

-         Bố, bố con đây nè!

-         Sao rồi hả con, hình như có người cười con kìa!

-         Vui lắm bố ạ! Ông Thầy thì đang nhắm mắt gõ mõ tụng kinh, có ai đó xô ngã mâm trái cây xuống…. Bọn tụi con nhào vào đè len nhau. Nhờ nhỏ con, con chui xuống dưới mới lấy được một nãi chuối còn nguyên, năm khúc mía, bảy trái cóc và có thêm chín ngàn đồng nữa. Bố hát nãy giờ có ai cho tiền không?         

-         Không con ạ! Bố không hiểu gì sao?

-         Bố hát bài gì?

-         Bố hát bài chuyện tình Lan và Điệp.

-         Không được. Bố hát sai chủ đề rồi. Hôm nay bố phải hát về chủ đề công Cha nghĩa Mẹ chứ!

Thế là bản nhạc Ơn nghĩa sanh thành được vang:

“Uống nước nhớ nguồn, làm con phải hiểu, em ơi hãy nhớ năm xưa, những ngày còn thơ, công ai nuôi dưỡng, công đức sanh thành, người ơi đừng quên. Công Cha như núi Thái sơn nghĩa, Mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

            Ngườiơi ! Làm người ở trên đời, nhờ công người sanh dưỡng đó mới là hiền nhân, vì đâu anh nên người tài ba, hãy nhớ công sanh thành, vì ai mà có ta…. !?”

            Có ai đó thút thít chạnh lòng lau nước mắt. Thằng Tiền thừa cơ hội đưa lon ra…

      -     Í cha! 50 ngàn luôn… rồi 50 ngàn nữa, bố ơi, bố cất vào túi đi kẻo có người dòm thấy.

            Cầm hai tờ giấy bạc mà cả người ông run lên, khiến tay ông lật dật mò tìm chiếc ví bà tám mà tìm không ra.

        Dọc đường về ông nói nhỏ vào tai thằng Tiền, ghé vào làng nướng phương Nam ăn một bữa cho ngon đi con. Có con bố mới dám ăn đó. Hơn nữa có ai sống hoài để mà ăn đâu con? Thế là hai cha con vào quán làm một chầu thõa thích, lại có khuyến mãi thêm một chai bai Sài Gòn đỏ nữa chứ! Đúng là:

“Này nhà lớn, lầu vàng son, này lợi danh chức quyền cao sang, có nghĩa gì đâu sao chắc bền lâu, như nước trôi qua cầu. Này lời hứa này thủy chung, này tình yêu chót lưỡi đầu môi, cũng thế mà thôi sẽ mất ngày mai như ánh mây cuối trời!” Ông lẫm bẫm hát một mình trong khi đang xỉa răng và no bụng.

-         Có ngon không bố. Ngon lắm, về bố nha !

-         Ừ, về…!

…. Về đến nhà ông kêu đau bụng, có lẽ thức ăn ngon quá không hợp với địa chỉ chủ nhà thành ra lộn xộn đánh lộn nhau. Khiến ông phải đi ngoài liên tục… Gần tới sáng ông mệt mỏi và thiếp đi… trong mơ ông thấy mình sanh qua thế giới, ở thế giới đó không có người ăn xin, không có kẻ hát rong. Người ở nước ấy có thân tướng cao lớn trang nghiêm, sạch sẽ đẹp đẽ… Lại có chim nói pháp nhiệm mầu dễ nghe… Đang mơ mơ thì thằng Tiền nắm hai chân của ông mà lay lay:

-         Bố, bố… dậy đi bố, 9 giờ rồi! Hôm nay có đi hát không bố?

-         Còn ngái ngủ nhưng ông vẫn trả lời…. có chứ!

-         Chết cha! Bố quên mất có nhà nọ ở quận 4 mời bố hát cho một đám ma nhà nghèo, nhanh nhanh lên đi con dẫn bố đi.

Đi được một đoạn, bỗng ông sực nhớ rồi chắc lưỡi: Chết cha rồi con ơi! Bố quên lấy cái micro mới mua còn cái này hư rồi, hay con trở lại lấy giúp bố, bố đứng đây đợi. Thằng Tiền đi được 5 phút. Thấy nôn, ông bước đi chậm rãi… nghĩ tranh thủ chút nào hay chút đó, thì:

-         Rầm, rầm! Ông văng vào lề đường và chỉ kịp chối:

-         Ối giời ơi chết con rồi.

Và nghe tiếng ai đó ngồi đằng sau xe kêu chạy luôn. Chạy luôn. Tiếng gồ ga xe máy hú lên cũng là lúc ông bất tỉnh không hay biêt gì nữa.

            Thằng Tiền quay lại kêu: Bố ơi, bố ơi! Một cách vô vọng. Thì đằng kia đám đông tụ lại, nó liền chạy đến thì ập vào mắt nó. Bố nó nằm sóng xoài bất tỉnh máu chảy một vài nơi. Nó xông vào ôm lấy bố mà khóc nức nở… Có ai đó kéo nó ra một chiếc taxi từ thiện trường tới chở bố nó đi.

      Nó ngồi bệt trước phòng cấp cứu đặc biệt của bệnh viện Chợ Rẫy mà khóc nức nở. Nước mắt nước mũi chảy tèm lem… chốc chốc nó dựa hai tay vào mặt kiếng nhìn vào giường bệnh, nó thấy những sợi dây lòng thòng như nhưng vòi bạch tuộc vây quanh lấy Bố nó như muốn lôi kéo Bố nó đi… và thật rồi! Người ta đẩy bố nó đi lòng vòng qua mấy hàng lang, rồi đến một chỗ tối tăm không còn nhìn thấy nữa….?

   ….. Dạ thưa Thầy cho con gởi nãi chuối cúng cho bố con.

-         Con đem lên bàn thờ của bố con mà cúng đi, nhớ thắp nhang mà cầu nguyện nha. !

-         Dạ vâng, thưa Thầy.

Thắp ba cây nhang quì trước bàn thờ nó thầm khấn vái.

      -     Bố ơi, bố mất đi rồi, con cũng mất luôn công việc cả mấy ngày nay con luôn nhịn đói. Có người nói với con: Bố bỏ căn nhà dột nát, bỏ cái kiếp cầm ca để sanh qua thế giới sung sướng hơn có phải vậy không bố? Hôm nay con dự định xin Thầy trụ trì vào làm công quả để được gần gũi bố hơn.

            Vậy bố ở trên cao, bố có linh thiêng gia hộ cho con bố nha!?

-         Chú Tiền đâu rồi lên đây Thầy bảo: Đem bộ ly tách này rữa giùm Thầy. Nhớ cẩn thận kẻo vở bể nha!

-         Dạ vâng, thưa Thầy.

Bưng bộ ly lên phòng, đặt lên bàn nó đứng rón rén chấp tay muốn xin điều gì và rồi nó lại do dự đi ra. Ra khỏi phòng nó lại nghĩ, đây là cơ hội tôt nhất và rồi nó lại mạnh dạn đi vào và đứng ngay thẳng chấp tay thưa thiệt với Thầy:

-         Dạ thưa Thầy, con muốn xin xuất gia.

-         Cái gì! Con muốn xuất gia hả? Xuất gia khó lắm con ạ. Vậy con suy nghĩ đã kỹ chưa?

-         Dạ thưa Thầy, con suy nghĩ kỹ rồi ạ.

Thầydạy: Mỗi một việc xuất gia đều có nguyên nhân và hoàn cảnh khác nhau. Nhưng tựu chung đều phải có căn cơ, có hạt giống bồ đề nhiều đời nhiều kiếp nên kiếp này mới được xuất gia. Xuất gia có 3 ý nghĩa: Thứ nhất xuất thế tục gia, là ra khỏi nhà thế tục; thứ hai xuất phiền não gia, là ra khỏi nhà phiền não và thứ ba là xuất tam giới gia, là ra khỏi nhà tam giới…

-         Thôi con lên chánh điện tập tụng kinh với quí Thầy.

-         Dạ vâng, thưa Thầy.

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa quyển thứ hai, phẩm Thí Dụ thứ ba tiếp theo:

“….  Lúc bấy giờ Trưởng Giả liền nghĩ nhà này đã bị lửa lớn đốt cháy, ta cùng các con nếu không liền ra mau chắc sẽ bị đốt cháy. Ta nay nên bày chước phương tiện…. Này các con hãy ra mau, nào xe dê, xe hưu, xe trâu nay ở ngoài cửa có thể dùng dạo chơi, tùy ý các con muốn cha đều cho các con.”

            Ngồi đó mà nó cứ nghĩ hoài không ra? Sao lại có xe trâu, xe dê, xe hưu ơ ngoài cửa có thể dùng để dạo chơi…!? Ôi vui quá thích thú quá!

            Có ai đó đứng phía sau thúc giục nó:

-         Lạy tự quy y Phật đi con.

Nó liền quay lại và buộc miệng.

-         Dạ… da… Con lạy…!?

 

TỚI SỐ

                        Đông phương giáo chủ tịnh lưu ly

                        Đức Phật Dược Sư bất khả nghì

                        Nhẫn nhục nhu hòa là thánh dược

                        Từ bi hỷ xả thiệt thần y

                        Quốc độ thênh thang vàng toàn đất

                        Nhân dân sáng đẹp đủ oai nghi

                        Xin Phật xót thương thường gia hộ

                        Chí thành đảnh lễ nguyện quy y.

-         Sư huynh, sư huynh đọc bài kệ gì nghe sao mà hay quá vậy? Huynh có thể dạy lại cho đệ được không?

-         Được chứ! Đây là bài kệ ca ngợi tán thán cõi Đông phương đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật. Nếu ai có lòng thành tụng và thọ trì kinh Dược Sư thì hiện đời sẽ được tai qua nạn khỏi, tật bệnh tiêu trừ còn nếu muốn sanh về thế giới của Ngài thì sẽ có hai vị Bồ tát là Nhựt Quang biến chiếu và Nguyệt Quang biến chiếu, chính là hai bậc thượng thủ trong vô lượng vô số Bồ tát phóng quang tiếp dẫn. Ngài có 12 lời nguyện lớn, như là lời nguyện thứ 7 có nói:

      “Ta nguyện đời sau khi chứng được đạo Bồ đề, nếu có chúng hữu tình nào có chứng bịnh hiểm nghèo không ai cứu chữa, không ai để nương nhờ, không gặp thầy không gặp thuốc, không bà con, không nhà cửa chịu nhiều nổi nghèo hèn khốn khổ mà hễ danh hiệu ta đã nghe lọt vào tai một lần thì tất cả bệnh hoạn khổ não đều tiêu trừ thân tâm an lạc, gia quyến sum vầy của cải sum túc cho đến chứng được đạo quả vô thượng Bồ đề.”

-         Ồ! Hay quá, mầu nhiệm quá huynh há! Còn đệ, đệ nhớ có bài thơ cũng tán thán ca ngợi cõi Tây phương Cực Lạc Đức Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật đó.

-         Đâu đệ đọc lai cho huynh nghe xem nào:

                  Non bồng phong cảnh đẹp như mơ

                  Hoa quả bốn mùa gió phất phơ

Nước gối sườn non như lụa trãi

Mây đùa mặt nước đá xây bờ

Cá nghe chuông mõ ngừng bơi lội

Chim lắng mùi hương cánh lửng lơ

Đây cảnh Tây Phương miền Cực Lạc

Xa mùi thế tục lánh mùi nhơ.

 

 

Reng….reng…. reng.

Reng …reng…..reng.

-         Sư phụ gọi nữa rồi! Lần trước đệ đi rồi, lần này đến phiên sư huynh đó.

-         Đệ này tính toán quá! được để huynh lên xem sư phụ có sai dạy bảo gì không?

Khi sư huynh Thiện Tâm trở xuống, gương mặt buồn xo như mất sổ gạo như bánh bao chiều… sư đệ Thiện Khả liền hỏi:

-         Sư phụ gầy trách phạt huynh hả? Sao sư huynh buồn quá vậy?

-         Sự đệ Thiện Khả, đệ còn nhớ bác Năm Giàu trưởng ban hộ tự chùa mình không? Bác ấy đã qua đời rồi.

-         Qua đời là chuyện bình thường, chết là lẽ đương nhiên. Có ảnh hưởng gì đến huynh mà huynh buồn.

-         Không phải, ngặt một nổi là nhà Bác ấy đã chuyển về sinh sống ở tỉnh Hậu Giang, tỉnh mới tách ra từ tỉnh Cần Thơ đó.

-         Đệ biết rồi, huynh sợ đi xa phải không? Không sao, đi xa có nhiều điều vui học hỏi, nhiều điều hay, không tin huynh hãy thử một chuyến mà xem.

-         Bác tài xế, cho hai Thầy ra bến xe miền Tây.

-         Xin lỗi hai Thầy, chưa tới số của con, hai Thầy thông cảm, hai Thầy lại chiếc xe đứng ở đằng trước kia kìa.

-         Xe ôm mà cũng có số thứ tự nữa, thật là rắc rối. Thầy Thiện Khả chắc lưỡi.

-         Từ đây ra bến xe miền Tây bao nhiêu tiền?

-         Thầy thương thầy cho con mỗi thầy 20.000đ, vì giá xăng tăng lên thầy ạ!

-         Cũng được nhanh lên hai thầy còn phải đi xa…

     Vừa bước xuống xe ôm, một phụ nữ tay bế tay dắt… chìa nón vào thầy Tâm vừa thúc thít khóc vừa kể lễ:

-         Thầy ơi, số của con sao mà khổ quá! Hồi nhỏ thì lam lũ suốt ngày chân lấm tay bùm, lớn lên thì lận đận, trắc trở tình duyên gãy gánh gian truân, giờ thì không nhà không cửa rày đây mai đó, con thì còn nhỏ dại chồng bị chết  thảm trong trận bão chanchu ở ngoài biển khơi Đà Nẵng…hu…hu….hu… thầy ơi thầy, thầy đại từ đại bi, đại hỷ đại xả, cứu giúp con với…hu…hu…hu….

    Thầy Thiện Tam liền ra hiệu nháy mắt qua thầy Thiện Khả thầm nói rằng: Có tiền lẻ cho chị ấy đi. Chứ huynh toàn là tiền chẵn để dành còn phải đi xa nữa.

-         Qua đây, qua đây! Thầy kia tu hành chân chính không có giữ tiền trong người.

-         A- Di-Đà-Phật đội ơn thầy.

-         Được rồi. Chị đến người khác xin mà xin nha?

Sư huynh nhìn kìa! Ở đằng kia có đánh lộn hình như lớn lắm lai đó xem thử đi huynh.

-         Không, chỗ đó phiền phức lắm đệ ạ !

-         Thật đáng đời chừa cái tật cướp giật, lời chưởi rủa và trách móc của bà bán báo  nhiều chuyện.

-          Sao vậy hả bà? Thầy Thiện Tâm quay sang hỏi.           

     -   Hai Thầy không biết đó thôi! Cái bà mặc bộ đồ màu đen người bị đánh là chủ ghi số đề. Hồi đó, khi người ghi đề thua thì bà ta biết gom tiền vào. Một ngày nọ người ghi đề trúng lớn nghe đâu trúng số ông địa gì đó, thì bà ta ôm tiền chạy trốn cả năm nay rồi. Còn cái chị mặc bộ áo màu đỏ sậm giềng đề quá mà phải bán mất căn nhà mặt tiền. Nay bắt gặp thì phải bị đánh thôi, đó chín là tới số của bả, chuyện thế gian mà hai thầy.

Nói xong, bà nuốt nước miếng cái ực rồi bỏ đi hướng đến chỗ đánh lộn mà xem tiếp.

-         Thầy, thầy… ! Lên xe của con đi thầy.

-         Thầy, thầy… ! xe của con là xe đời mới đó thầy.

Thấy giằng co giật lấy hành khách trắng trợn… anh bảo vệ liền cầm dùi baton chạy ra… thoạt một cái mấy anh chàng lơ xe trốn đi đâu mất. Quay sang liền hỏi:

-         Xin lỗi hai thầy đi về đâu?

-         May quá, nhờ anh chỉ giúp hai thầy đi Cần Thơ.

-         Vậy là hai thầy đến phòng bán vé xe đi Cần Thơ lấy vé trước. Ngồi đợi tới lượt mình mua vé.

-         Thầy, thầy cho đệ tử xem số vé của thầy số mấy vậy. Úi chà! số thầy là số 36 là 9 nút hên lắm thầy ơi!

-         Là sao thầy không hiểu?

-   Cũng giống như biển số xe đó thầy, cộng lại mà được 9 nút là tốt lắm đó. Có khi phải bỏ ra mấy triệu đồng mới có được bản số xe như ý.

-     Số mà cũng rắc rối, cũng nhiều chuyện lý thú quá ha! Quả thật thầy không biết.

-     Xe sắp khởi hành, sắp rời bến. Xin quí bà con cô bác ngồi đúng số ghế của mình để tránh tình trạng làm phiền người lên sau. Số ghế của sư phụ là số mấy?

-     Số ghế của thầy là 49

-     Còn sư phụ kia?

-     Mô Phật, là 50.

-     Vậy lả 49 gặp 50 rồi. Hai thầy ngồi gần nhau tốt quá. Xin hai thầy thông cảm dãy ghế đằng sau cùng ạ!

      Ngồi được vào đúng số ghế của mình, Thầy Thiện Tâm thở phào nhẹ nhõm. Nghĩ thầm trong bụng mới có mấy tiếng đồng hồ xa chùa mà biết bao nhiêu là chuyện? Phải chăng con người ta đều có số? Thật vậy khi mới sinh ra, ông bà cha mẹ thường hay lưu ý để ý đến giờ sanh, ngày tháng năm sanh, để lấy số tử vi trọn đời cho con cháu. Đến khi lớn khôn đủ tuổi quyền công dân quyền nghĩa vụ thì phải có số giấy chứng minh nhân dân. Rồi trong cuộc sống sinh hoạt cộng đồng, giao tiếp quan hệ qua lại thì phải có số mấy điện thoại. Đến khi làm ăn có của có tiền thì có số tài khoản ngân hàng, có mã số thẻ bí mật để rút tiền… Còn khi chết thì sao? Còn thêm số gì nữa không? Điều này mình cũng chưa biết? khó quá? khó quá….?!! Thầy Thiện Tâm chép miệng và thiếp đi…

    Đến rồi, đến rồi! Xin quí bà con cô bác không chen lấn ồn ào… mà xuống xe theo thứ tự từ số ghế của mình, vội vã làm chi gấp gáp làm gì… từ từ rồi ai cũng xuống!?

-         Sư đệ Thiện Khả. Bây giờ hai huynh đệ mình phải đi xe gì nữa?

-         Giờ hai huynh đệ mình đi xe lôi để về tỉnh Hậu Giang. Loại xe này đặc biệt lắm đó, vì chỉ có ở các tỉnh miền Tây Nam bộ thôi.

-         Kìa, kìa…. nó kìa !

-         Ôi nó giống xe ngựa quá ha! vẫy tay kêu đi sư đệ.

-         Không được, lại đằng kia có xe tuyến có số thứ tự đi nhanh hơn.

-         Cũng lại tới số nữa rồi! Thầy Thiện Tâm chắc lưỡi thở dài…

-         Vé số đây, vé số đây! Mua vô đi mua vô đi… Chiều nay trúng lớn. Ô kìa hai Thầy, hai thầy mua giúp đệ tử vài tấm lấy hên cho đệ tử nha! số này đẹp lắm đó, có số đuôi 79 là số thần tài gõ cửa đó thầy. Trúng, thầy có tiền xây chùa làm từ thiện….  nhiều việc lắm đó thầy ơi?

-         Mô Phật, thầy không biết dò số.

-         Đúng là tu hành kỹ quá, vé số mà cũng không biết dò.

-         A-Di-Đà-Phật. A ! Thầy Tâm

-         Mô Phật í ! Thầy Khả. Ba của con có phước quá có cả hai thầy luôn. Dạ mời hai thầy lên nhà trên dùng nước. Thật là cực nhọc và gian nan cho hai thầy quá? Sư phụ có xuống không thầy?

-         Mai sư phụ mới xuống.

-         Hu….hu…hu… thầy ơi! thầy ơi! Tại vì cậu Út không nghe lời của con nên ba con mới ra nông nổi này.

-         Là sao hả chị ?

     Thầy biết đấy! Ba con bị bệnh nhồi máu cơ tim cũng lâu lắm rồi. Hôm qua, khi ba con lên cơn bệnh, con bảo cậu Út chạy ra kêu xe lôi chở ba ra trạm xá huyện. Cậu không chịu nghe nói là xe lôi chạy xóc, sợ ổ gà ổ vịt một hai đòi gọi taxi. Thầy biết đó, taxi mà vào tới đây thì có nước chết tới chết mà thôi. Quả đúng như Bác sĩ nói nếu như nhanh hơn 5 phút thì may ra được cứu… hu… hu… hu… Thầy ơi, thầy ơi.

-     Thôi bớt đau buồn đi chị. Cần phải tỉnh táo để mà lo hậu sự cho Bác nữa. Số của Bác chắc là tới số đó. Thôi nào chuẩn bị để thầy làm lễ tẩn liệm:

      Bồ tát liễu đầu cam lồ thủy

      Năng linh nhứt đích biến thập phương

      Tinh chuyên cấu uế tận quyên trừ

      Linh thử đàn tràng tất thanh tịnh.

Giáo hữu mật ngôn cẩn đương trì tụng:

Thiên thủ thiên nhãn vô ngai đại bi tâm…

-         Thầy Tâm cho con hỏi nhỏ, Ba con hồi đó mang dép số 37, sau này con có mua cho ba con đôi giày số 39. Con muốn mang theo cho ba con luôn, có được không thầy?

-         Được, được. Giày dép có số phải mang theo

-         Mang theo thầy ha!

-         Ừ….ừ … phải mang theo !?!

 

ĐỜI TÔI ĐI TU

 

      Đời tôi đi tu nên tôi đây phải ăn chay

      Và tôi đi tu, nên tôi đây phải cạo đầu

      Và tôi đi tu, nên tôi chuyên mặc áo nâu

      Tôi không mặc áo màu

      Và cằm tôi không để râu

Đời tôi đi tu, nên tôi chẳng yêu đương

Và tôi đi tu nên thương mến muôn loài

Và tôi đi tu, nên tôi đây chẳng ghét ai

Tôi không giận ghét người

Nên mọi người rất mến tôi

Tôi tu! Tôi đã tu rồi đây! Cuộc của thầy tu tôi không say trong bạc vàng

Tôi tu! Tôi đã tu rồi đây! Rau muối cùng dưa cải – Cuộc đời mình có thế thôi

Đời tôi đi tu qua bao năm sống an vui

Dẫu ai sa hoa nhưng tôi đây vẫn không màng

Dù tôi cực khổ nên tôi đây chẳng thở than

Xe hoa tôi không màng

Thế mà đời tôi luôn thấy an!.

 

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle