Nơi đất tạm dung, người Việt chúng ta từng làm quen
với những dấu mốc thời gian mang những tên gọi đẹp đẽ như: Ngày của Mẹ (Mother’s
Day), Ngày của Cha (Father’s Day), Ngày tưởng niệm (Memorial Day), Ngày tạ ơn
(Thanksgiving Day), Ngày tình yêu (Valentine Day) v.v…
Mỗi thời điểm, mà nội dung đã mang trọn vẹn ý nghĩa
ngay từ danh xưng, mọi người đều biểu tỏ tấm lòng tới đối tượng qua lễ vật, quà
cáp hoặc có khi chỉ là cuộc viếng thăm đơn sơ nhưng chí tình, chí thiết.
Riêng tháng hai của mỗi năm, dấu
mốc thời gian được quan tâm nhất là Ngày Tình Yêu (Valentine Day). Trong ngày này, nơi bận rộn nhất có lẽ là các tiệm bán hoa vì quà
tặng này tương đối thích hợp với khả năng của đại chúng.
Dù cả lọ hoa rực rỡ hay một đóa hồng thắm tươi cũng có thể thay ta nói lên những
lời đẹp đẽ nhất, biểu lộ những cảm tình thầm kín nhất.
Đáng lẽ trong ngày này, hai chữ
“Tình Yêu” phải được viết hoa vì ai cũng có rất nhiều tình yêu. Chúng ta yêu
cha, yêu mẹ, yêu thầy, yêu bạn, yêu hàng xóm láng giềng, yêu những người quên
mình vì tha nhân v.v… Ấy thế mà, nói đến Ngày Tình Yêu, nhân gian lại thường
thu hẹp trí tưởng trong tình yêu lứa đôi, tình yêu nam nữ.
Cũng chẳng đáng trách, vì từ thời xa xưa, vào năm 269
trước Thiên Chúa giáng sinh, có một mối tuyệt tình vẫn còn âm vang đến ngày nay.
Đó là tình tuyệt vọng của một tử tù trai trẻ với con gái của người
cai ngục. Người tử tù trẻ tuổi này tên là Valentine.
Chàng khờ dại, ngu ngốc phạm trọng tội ngoài xã hội nhưng trong thời gian bị
giam cầm, chờ ngày đền tội thì chàng đã có thời gian để suy ngẫm về điều thiện,
điều ác, biết sám hối những sai lầm đã phạm. Chính nhờ cái tâm nhu hòa vừa
chuyển hóa này mà chàng tiếp nhận được nét đẹp nhân ái từ đôi mắt của cô con gái
cai ngục đã nhìn chàng mỗi khi cô vào thăm cha trong giờ cha làm việc. Rồi sự
tưởng tượng của chàng bay bổng: “Có thực sự cô phải vào đây thăm cha không?
Hay cô vào vì thương hại chàng? Ranh giới từ thương hại đến
yêu thương bao xa? Cô có thấy được tình yêu của chàng
gửi tới cô qua ánh mắt chàng không?
….” Mối tình tuyệt vọng nhưng cuồng nhiệt đó được chàng tuổi trẻ Valentine
giãi bầy trên nhiều trang nhật ký và đặc biệt là chàng tự vẽ một tấm thiệp để
viết thư tình lên đó, với hàng chữ nắn nót “From
Your Valentine”, tưởng như hai người đã thương nhau, đã là của nhau rồi.
Người ta tìm thấy tấm thiệp này trong túi áo, sau khi
chàng bị hành hình!
Ngoài việc gây tội phải đền tội,
thì tình yêu thầm lặng nhưng nồng nhiệt của người tử tù đã gây chấn động trong
giới trẻ thời đó. Không biết đích xác bao lâu sau thì ai có sáng
kiến tặng quà cho người mình yêu vào ngày tưởng nhớ Valentine bị hành
hình, nhưng tên của người tử tù đã nhanh chóng trở thành biểu tượng của Tình Yêu,
càng ngày càng mạnh mẽ và duy trì cho đến ngày nay.
Không chỉ thế, hàng chữ “From Your Valentine” còn xuất hiện
trên nhiều mẫu thiệp dành cho Ngày Tình Yêu như một chủ-hữu-từ chứ không phải là
danh-từ-riêng nữa.
Mới đây, trên các nhật báo online,
có đăng một tin ngắn thật dễ thương. Đó là chuyện xảy ra vào sáng sớm ngày
đầu năm dương lịch 2009 tại thành phố Hanover, nước Đức. Ba em nhỏ, em trai 6
tuổi, hai em gái, 7 và 5 tuổi, quanh quẩn ở một nhà ga, đã được cảnh sát tại đó
chú ý vì không thấy người lớn đi cùng các em. Khi được hỏi các
em làm gì mà đến nhà ga sớm thế? Và cha mẹ các em đâu? thì các em hồn nhiên và thành thật thố
lộ rằng, em trai Mika 6 tuổi thương em gái Anna Lena 7 tuổi, đã cùng quyết định
dắt nhau đến xứ Phi Châu ấm áp để thành hôn. Anna Lena còn chu
đáo rủ em gái 5 tuổi đi theo để làm nhân chứng cho lễ cưới. Cảnh sát hỏi tại sao
phải sang tận Phi Châu làm lễ cưới thì Mika hãnh diện bảo rằng đó là sáng kiến
của em sau khi em kể cho hai cô bé nghe về chuyến nghỉ hè vừa qua của gia đình
em thì cả 3 em đều đồng ý rằng xứ Phi Châu rất thơ mộng và lý tưởng đề tổ chức
lễ cưới. Hai gia đình của các em là bạn thân thiết lâu năm, hiện đang tụ họp ở
một nơi để đón giao thừa đêm qua và mọi người còn đang ngủ say khi các em lén mở
cửa, hướng về nhà ga của thành phố với dự tính trọng đại cho đời mình.
Đây quả là một kinh nghiệm quá mới mẻ với các nhân
viên cảnh sát vì không thể buộc tội Mika bắt cóc hay rủ rê “vị thành niên” Anna
Lena, cũng không thuyết phục được các em quay về vì “Chúng tôi thương nhau
lắm! chúng tôi muốn làm lễ cưới và thành vợ chồng ở Phi
Châu. Em gái của Anna Lena sẽ làm chứng mà!”
Tuyệt vời thay, cái sơ-tâm mới đơn giản và thần tiên
nhường bao!
Cuối cùng, cảnh sát trưởng phải đích thân gặp các em,
từ từ hỏi han, thân mật, chẳng hạn như “xứ Phi Châu nóng lắm, các em
mang những gì trong túi xách đây?” Thôi thì đủ cả,
kiếng mát, nón vải, quần áo tắm. Chàng Mika còn cẩn thận lấy
theo một bông hồng bằng ny-lông trên lọ hoa ở trong bếp để nếu Phi Châu
không có hoa thì cô dâu Anna Lena cũng có đóa hoa này cầm trên tay khi trao đổi
lời thề nguyện.
Phải vất vả lắm vị cảnh sát trưởng mới có thể giải
thích cho cặp uyên ương này biết rằng các em không thể đến Phi Châu nếu các em
không có tiền, không có vé máy bay.
Cũng vất vả không kém cho các nhân viên cảnh sát khi
thuyết phục để các em chịu dẫn họ cùng về nhà “Xin tiền cha mẹ rồi đi mua vé
bay cũng chưa muộn. Xứ Phi Châu ấm áp vẫn ở đó chờ các em mà!”
Ôi, có mộng ban đầu nào tinh khiết, đẹp đẽ và thơ
ngây như mối tình đầu này không?
Mai kia mốt nọ, khi trưởng thành, dù còn gần nhau hay
đã xa, dù mỗi người có, hay không có hạnh phúc riêng, nhưng kỷ niệm thần thoại
về giấc mộng đầu này chắc chắn vẫn là những gì vô giá mà kiếp nhân sinh có đau
thương tới đâu cũng không bôi xóa được.
Nếu biết địa chỉ các em, thế nào cũng có người
gửi tới những tấm thiệp Valentine đặc biệt nhất vì tất cả những người
đang yêu nhau trên thế gian này, ai chẳng muốn có một tình yêu thơ mộng đến thế!
Sơ-tâm sẽ chính là chân-tâm.
Chỉ khác, chân-tâm nhận diện cảnh mà không dính cảnh.
Ba mươi năm trước, thấy núi là núi, sông
là sông.
Gặp được thiện trí thức chỉ dạy, là các
pháp không có tự thể cố định, chỉ do duyên hợp mà thành, nên thấy núi không là
núi, sông không là sông.
Ba mươi năm sau, từng quán chiếu không
ngừng, tâm đã lặng lẽ như như, cái thấy đã thuần thục, chỉ là sự nhận biết tĩnh
lặng, trong sáng, không phân biệt, không dính mắc, thì lại thấy núi là núi, sông
là sông.”
Mất ba mươi năm để thấy lại cái thấy cái ban đầu như
thiền-sư Duy Tính đời nhà Tống, có phải là uổng phí thời gian chăng?
Không đâu! chớ
nghe vậy mà tưởng vậy.
Sơ-tâm tuy trong sáng nhưng còn là tâm phàm phu, thấy
cái gì cũng thật. Núi cũng thật, sông cũng thật. Khi có
trí tuệ để quán sát mới biết bản chất vạn hữu chỉ là duyên hợp, núi đứng đó mà
không phải núi, sông chảy đó mà không phải sông; từ đó, mới trở về cái thấy của
sơ tâm, tuy đối tượng cũng vậy, nhưng nay khác là thấy, mà không dính mắc.
Cái thấy này là quá trình học hỏi,
quán chiếu để từ sơ-tâm tới chân- tâm. Nguyên lý này cũng đưa đến sự thực
chứng, vọng chính là chân, cũng như sóng chính là nước.
Thương thay, trên thực tế, kiếp nhân sinh thường dễ
dàng đánh mất những giấc mộng đầu đẹp đẽ cùa sơ-tâm trong giòng cuồng lưu tam
độc, như tinh thần hai câu kết trong bài kệ Tứ Sơn của vua Trần Thái Tôn:
“Vĩnh vi lãng đãng phong trần
khách
Nhật viễn gia hương vạn lý trình”
mà thầy Thanh Từ dịch rất hay:
“Lang thang làm khách phong trần
Quê nhà ngày
một muôn lần dặm xa”.
Chữ “Quê nhà” đây là chỉ cho
sơ-tâm, Phật-tánh. Cái tâm-vọng dắt
ta lang thang mỗi ngày mỗi xa chân-tâm; chỉ khi nào
nhận ra lẽ vô thường mới buông bỏ những dính mắc để vọng thành chân.
Tình yêu bao la mà Đức Thế Tôn ban cho chúng sanh là
lời xác quyết sơ-tâm chính là Phật-tánh sẵn có
trong tự thể mỗi loài. Sơ-tâm sẽ được tưới tẩm, nuôi dưỡng bằng trí-tuệ, để tỏa
sáng hào quang của Phật-tánh, rồi tùy căn cơ trí tuệ cạn hay sâu của mỗi loài mà
Phật-tánh hiển lộ.
Tin tưởng điều đó, chúng ta sẽ duy trì và vun bồi
được biết bao nhiêu tình yêu; không phải chỉ với một đối tượng, cũng không phải
chỉ giữa người với người mà do năng lượng Phật-tánh tỏa sáng, tình yêu này sẽ
thăng hoa trong mọi ngày, tới mọi loài.
Nếu ai hỏi:
- Vì sao mà tin
tưởng có tình yêu rộng lớn như thế?
Hãy nhẹ nhàng trả
lời:
- Vì chúng sanh
là Phật sẽ thành.
Hạnh Chi
(Độc-Cư-Am, Mùa Valentine 2009)