Ông Năm
Dạo sau
này, ông thực sự không hiểu bà nữa... Hình như với tình yêu rất đằm thắm ông
dành cho bà suốt gần ba mươi năm qua cũng không đủ để làm bà hạnh phúc...
Ông khổ tâm không ít. Nhiều hôm, ngồi một mình ngoài sân sau, đắm chìm
trong dòng suy tưởng, cố tìm ra nguyên nhân sao bà lại không vui... Có phải
tại ông vụng về quá chăng? Phải chăng bà vẫn không hiểu được tình yêu ông
dành cho bà thiệt là rộng lớn tới chừng nào? Hay tại khoảng thời gian mười
hai năm xa cách quá dài, nên có lẽ tình yêu bà dành cho ông đã nhạt phai?
Năm 1983, bà dứt ruột, quẹt nước mắt tiễn ông đi vượt biên. Thực tâm ông lúc
đó, ông chẳng muốn xa bà chút nào, ông sợ chuyến đi không trót lọt, nên cứ
chần chừ, nghẹn ngào, nửa muốn đi, đi vì nghĩ đến tương lai gia đình, nửa
muốn ở lại vì nghe thiên hạ bàn về những chuyện vượt biên với hy vọng sống
thật quá mong manh. Hên là chuyến đó trót lọt, ông được đưa vào trại tị nạn
bên Hồng Kông. Nhưng vì ông không có thân nhân nước ngoài, nên chỉ tùy thuộc
hoàn toàn vào sự bảo lãnh của các quốc gia có lòng hảo tâm mà thôi. Khoảng
thời gian trong trại thực là khổ, ông cứ sợ họ đuổi ông về nước. Trong
khoảng thời gian đó ông thường liên lạc với bà qua thư từ, biết được tin tức
bên nhà. Thời gian đó, bà cũng rất khổ sở, ráng buôn tần, bán tảo để nuôi
hai đứa con. Ông nghe mà lòng đau như cắt, chỉ mong chóng được định cư ở một
quốc gia nào đó để có thể đi làm, gửi tiền về cho bà...
Năm năm sau, cuối cùng rồi ông cũng được định cư tại Mỹ. Lúc đó, tuổi đời đã
lỡ cỡ gần năm mươi, đầu óc rị mụ, đi học để giựt được
một mảnh bằng đại học không phải dễ. Ông nhanh chóng quyết định đi học nghề
thợ tiện, trong khoảng thời gian sáu tháng đầu, lúc chính phủ còn có thể cưu
mang ông. Sau khi học xong cái nghề thợ tiện, ông được trường giới thiệu cho
một việc làm với đồng lương trung bình, nhưng như vậy cũng làm ông sung
sướng hạnh phúc lắm rồi. Tiền
ông kiếm được, ông chẳng dám ăn
tiêu chi, ngoài tiền chi phí bắt buộc cho một đời sống tối thiểu, phần còn
lại ông đều gửi hết về cho bà... Đồng thời, ông cũng nộp đơn xin đoàn tụ gia
đình cho vợ con ông...
Phải đợi bảy năm sau, giấy tờ đoàn tụ mới xong. Những tháng cuối cùng trước
khi được gặp bà, tâm hồn ông xôn xao, hứng khởi không yên. Nhưng dường như
có gì không ổn bên phía bà... Bà có vẻ thờ ơ, và có ý muốn giãn ra. Bà biểu:
"Giờ ông và tui cũng đã già, các con đã lớn và đều lập gia đình hết rồi, mỗi
đứa đều có phận riêng của chúng. Tui chẳng mong chi hơn là ông cứ gửi tiền
về hàng tháng cho tui sống, bên này, đời sống tui bây giờ đã ổn định rồi,
ngày tối, tụng kinh, niệm Phật đi chùa cầu vãng sanh thôi, chẳng mong chi
hơn!" Nghe qua, ông không thấy điều đó có lý: "Bà ăn nói chi kỳ cục, chồng vợ thì phải sống với nhau cho hết
kiếp chứ sao khi không mỗi người một nơi sao đặng?" Ông cảm thấy phiền hà và
ngờ rằng bà không còn yêu ông nữa.... Gặng hỏi, thì bà bảo bà chẳng muốn xa
chùa, xa thày và các bạn đạo, qua bển, chùa chiền đâu cho bà đi? Ông dứt
khoát; "Bên này chùa thiếu gì, bà qua đây
muốn đi đủ trăm chùa cũng có." "Vậy thì ông hứa rồi nghen, không được
cấm cản tôi đi chùa đó!" "Chời, bà có điên không? Bà đi chùa chứ có phải đi
chơi đâu mà tôi cấm cản. Chừng bà qua đây rồi, tôi chỉ sợ bà ham vui, quên
mất chùa chiền đó!". "Ông hứa là phải giữ lời nghen.
Tôi qua bển đi chùa ông đừng kêu à..." "Được. Tôi biết mà!"
Sau mười hai năm xa cách, ông thật sự hạnh phúc khi nếm được hương vị đoàn
tụ. Nhưng cái hạnh phúc đó thật mỏng manh hơn bọt nước, chỉ một tuần lễ sau
là ông đã cảm thấy bóng dáng của khổ đau xuất hiện... Bà hình như đã thay
đổi, bà không còn là "người vợ" của mười hai năm về trước, một người vợ đằm
thắm, thương yêu và chăm lo cho chồng, mà sao bà như một người xa lạ. Hình
như cái xác thì vẫn còn, nhưng tâm hồn là của một đứa nào đó nhập vào.... Bà
thờ ơ mọi chuyện đời, tối ngày chỉ chăm chú vào vụ ngồi thiền mà thôi. Bà
rất ham mê thiền định, bà bỏ hẳn ăn mặn, chuyển qua chay trường từ hồi nào
ông không biết, bà biểu với ông: "Giờ thì tui ăn chay trường, ông có muốn ăn
chay theo tui thì ông ăn, còn không, ông tự lo cơm cho ông nghen, tui không
có dính dáng vô ba cái đồ mặn đó đâu!" Ông tưng hửng, tuy ấm ức, nhưng cũng
nín thinh.....
Còn cái "chuyện đó" thì bà cấm hẳn, cứ mỗi lần ông léng phéng tới gần bà là
bà hét lên be be, ngoài cái việc "không cho" ông, bà còn tỏ ra rất khinh bỉ
khi ông tỏ ý muốn được gần bà. Bà bảo với ông rằng, những chuyện nhơ nhớp
đó bà không còn bao giờ muốn nghĩ tới nữa... Sau đó, bà đùng đùng dọn qua
phòng khác, cái phòng thờ của bà ngồi thiền định mỗi ngày...
Dần dần, ông bắt đầu cảm thấy ấm ức... Ông không hiểu có vợ để làm chi nữa...
Ở tuổi ông, tuy đã gọi là lớn tuổi, nhưng vấn đề sinh lý không phải là không
cần. Đó là nói trên vấn đề thể chất, còn vấn đề tinh thần nữa, ông cũng cần
yêu và được thương yêu. Mà dạo sau này ông không tìm thấy được điều đó nơi
bà. Nhưng vì còn thương bà, ông ráng nhịn, hy vọng một ngày nào đó, bà hồi
tâm tỉnh trí, cảm nhận được tình yêu và sự hy sinh ông dành cho bà chăng?
Nhưng càng ngày, bà càng tỏ ra thiếu kiên nhẫn và gắt gỏng, ngay cả những
lúc ông cố làm hài lòng bà bằng cách đi thật khẽ trong những buổi công phu
thiền định của bà cũng làm cho bà điên lên khi nghe tiếng kẹt cửa... Ông
thật khổ tâm hết sức, nhiều đêm, ngồi một mình ngoài hiên vắng, ngẫm nghĩ sự
đời, chẳng biết kiếp trước tạo duyên gì mà ông lại đau khổ tới vầy? Cả đời
hy sinh cho bà, chẳng dám tơ hào đến một người đàn bà nào khác, ấy vậy mà bà
chẳng biết lòng ông... Một đôi lần ông hỏi bà: "Bà tu chi mà tu quá mạng vậy?
Không còn biết tới chồng, tới con nữa?" Bà trả lời ông toàn là những điều
thật xa vời, không dính dáng gì tới thực tế. Nào là "Tui tu để trưởng dưỡng
tâm bồ đề, để cứu độ cho chúng sanh thoát khổ, được yên vui". Ông hỏi ngây
ngô hỏi. "Tâm bồ đề là tâm chi đó bà?" "Thì đó là cái tâm chuyên lo cho
chúng sanh được an vui đó mà!" "Vậy thì tui đây,
cái "chúng sanh" gần nhất với bà sao bà hông chịu độ tui đi. không làm cho tui an vui đi, sao cứ lo chuyện bao đồng đâu
đâu hông vậy?" Bà nghe ông nói vậy thì nổi giận đùng đùng: "Ông hả? Ông là
"con quỷ râu xanh" chỉ chuyên tâm phá sự tu tập của tui thôi, độ làm sao nổi?"
Nói rồi, bà đùng đùng bỏ đi. Rất tiếc, bà đã bỏ ra ngoài, chứ bà còn muốn
cãi lý với ông thì ông sẽ hỏi thêm một câu rằng: "Bà mới thiệt là người
không biết điều và như đui, như điếc, bà biểu tui phá bà thì ai là người
chăm lo, nuôi nấng bà ở nhà có dư thời giờ cho bà ngồi thiền định chi đó cho
ma nó nhập vào bà không biết?"
Nhưng lần nào cũng vậy, ông không bao giờ có thể nói hết được những điều ấm
ức trong lòng. Lần nào sắp gây sự lớn thì bà đều bỏ ra ngoài...
Lòng ông thật buồn phiền hết sức...!
Bà Năm
Từ ngày
vét hết số vàng còn lại lo cho ông đi vượt biên. Bà buồn thương nhớ ông hết
sức. Nhưng vì đời sống chật vật, bà phải còn lo cho hai đứa con, nên ráng
buôn bán tần tảo, bận công, bận việc, niềm thương nhớ cũng nguôi ngoai. Chỉ
có khi đêm về, nằm một mình với cơ thể mỏi nhừ vì một ngày lao động mệt nhọc,
bà mới nhớ tới ông. Nước mắt ướt đầm cả gối.
Ông đi khoảng sáu tháng thì được tin ông. Bà mừng không kể siết... Làm như
chồng vợ sắp được trùng phùng tới nơi... Bà lập tức ra chợ mua nải chuối về
tạ ơn Ông Địa, vái tới, vái lui, vái trời, vái đất. Chắc ăn, bà vái luôn bốn
phía, thiên thần, quỷ vật v.v.. Bà cầu nguyện cho
ông bên đó được bình an, cũng không quên cầu nguyện cho bà có đủ nghị lực
bươn trải một mình gồng gánh nuôi được hai đứa nhỏ nên người. Cũng may, hai
đứa con bà lúc đó cũng đã lớn, 16, 17 tuổi rồi, biết giúp bà chút đỉnh sau
giờ học. Còn chút vốn, bà gom góp mua một cái gánh, ngày ngày làm
xôi, chè
đem ra chợ bán. Tối về thì mấy mẹ con xúm nhau lại giã đậu, nấu xôi. Công việc vất vả tới đêm mới xong. Sáng
bà lật đật thức thật sớm, đi thổi xôi, nấu chè cho kịp đem ra chợ bán.
Đời sống vất vả được năm năm thì nghe tin ông được định cư tại Mỹ. Bà vui
mừng khôn siết, hy vọng ngày đoàn tụ không xa. Một năm sau thì ông bắt đầu
gửi tiền về, hai đứa nhỏ cũng đã lớn, đứa con gái bà gả chồng sau đó một năm.
Còn thằng con trai thì nó đi lập nghiệp xa, ít khi về. Đời sống bà bỗng dưng
nhàn hạ với số tiền ông gửi về... Rảnh rang, bà đâm ra buồn, nhớ ông, nhớ
con... Nhiều đêm bà cảm thấy lẻ loi, cô độc muốn khóc...
Một vài người bạn thấy bà buồn bèn rủ bà đi chùa làm công quả cho ngày bớt
dài. Ban đầu bà còn ngần ngại, vì từ nào tới giờ, bà có bước chân vô chùa
chiền hay nhà thờ bao giờ? Ông bà tổ tiên, chỉ để lại cho bà một cái đạo ông
bà, ngày tết, ngày lễ thì mua hoa hương về cúng vái, từ khi buôn bán, bà
biết thêm vụ cúng ông Địa mà thôi. Nhưng họ rủ miết, bà nghe xiêu lòng cũng
đi cho biết... Ban đầu còn bỡ ngỡ, nhưng dần dà, bà bỗng vui vì cảm thấy
cuộc đời mình ít nhất còn có ý nghĩa. Bà quen thêm với một số người trên
chùa, mỗi người, mỗi hoàn cảnh, nhưng không có hoàn cảnh nào được may mắn
như bà, tức là chẳng lo gì tới cơm áo, hàng tháng có chồng gửi tiền về, ngày
ngày lên chùa làm công quả có bạn để chơi. Cuộc đời bà chẳng còn phải than
phiền gì nữa... Lâu dần, từ khu nhà bếp, bà mon men lên chánh điện nghe thày
thuyết pháp, lúc đó bà biết thế nào là nhân, quả. Trồng nhân gì, thì gặt quả
đó. Đơn giản có vậy thôi... Trồng dưa ra dưa, trồng cà ra cà... Chẳng có lý
nào trồng cà mà ra chanh được. Rồi bà bắt đầu tham gia vào những giờ thiền
định... Càng ngày, bà càng thấy mình "cao quý" hơn những người chung quanh.
Bà nhìn họ bằng một cặp mắt có phần thương hại. Thì không phải sao, thày
vẫn thường nói "chúng sanh" ngu si và ưa tham đắm, tự làm khổ mình ở những
điều tham đắm đó. Còn bà, một "hành giả" tu tập tinh chuyên, bà đã từng cảm
thấy thân tâm có chút phần an lạc trong những giờ thiền định, bà cho rằng
mình đã sắp chứng đắc một điều gì và trong tâm nảy sinh là một niềm vui khấp
khởi...
Đời sống đang êm đềm xuôi chảy thì có thư ông báo
giấy tờ đoàn tụ sắp xong. Ông hoan hỉ vẽ một tương lai đoàn tụ. Nhưng, bây
giờ tâm bà đã đổi khác. Nghe ông hoạch định chương trình một cuộc sống lứa
đôi (trong tuổi già), bà bỗng dấy lên một tình cảm chán nản chi đâu. Đây là
lần đầu tiên bà cảm thấy ông rất tầm thường, và tỏ ý hơi khinh rẻ (trái hẳn
với năm xưa, tâm hồn bà dành trọn cho ông, luôn kính nể, và phục tùng ông
như một người sinh ra để làm vợ, để phục tùng chồng). Ngày nay, bà thấy ông
rất... đời, chỉ lo bon chen ba cái chuyện đời không đi đến đâu, không như bà,
lúc nào bà cũng cảm thấy mình thanh tao, thoát tục, lúc nào trên môi bà cũng
sẵn sàng phọt ra những giáo điều được lập đi, lập lại như con vẹt: "Sắc tức
thị Không. Không tức thị Sắc" hoặc "Cuộc đời như bóng câu qua cửa sổ" "Mọi
sự đều vô thường" "Tu để cứu độ chúng sanh" "Bồ Đề Tâm" v.v... Bà đâu có
biết rằng bà đang rơi vào trong một cơn "thiền bệnh" trầm kha. Nếu không có
thày chỉ dẫn tức thời, đôi khi sẽ đem lại những hậu quả không tốt và còn có
thể đưa bà vào những cơn điên loạn. Bà lại càng hồ đồ và không biết điều hơn
khi đời sống bà hoàn toàn tùy thuộc và nương tựa hẳn vào ông - một người bà
khinh thường và cho là rất đời, lúc nào cũng bon chen vào cuộc sống vật chất
- Một người mà bà cho là chẳng biết gì về đạo, về tâm Bồ Đề muốn cứu độ
chúng sanh. Nhưng chính bà, bà không hề biết rằng mình đang sống cực kỳ ích
kỷ, chỉ luôn nghĩ đến cái lợi về phần mình mà không biết đến sự hy sinh của
người chồng đã từng đầu gối, tay ấp với bà. Bà luôn nói đến lòng bác ái,
nhưng đó chỉ là những lời sáo ngữ, đầu môi. Vì người ngay bên cạnh mình,
chồng bà, đã từng chia với bà những niềm vui, nỗi buồn, những bữa đói, bữa
no thì bà lại không biết đến, chỉ lơ mơ như người đi trên mây, sống trong mơ
mà thôi. Vì những "tà kiến" đó mà bà đâm dùng dằng, không muốn đi. Bà chỉ
muốn ở lại VN, kéo dài những ngày sống hưởng thụ, tu tập để làm cho cái Ngã
thêm lớn mà cứ tưởng rằng, mình là những bậc "cao nhân", có một tâm vị tha
cầu giác ngộ kiên cố lắm...
Cuối cùng, sau tất cả những "điều kiện" bà đặt ra với ông về việc đoàn tu,
nào là phải tiếp tục cho bà đi chùa, nếu không có phương tiện chuyên chở thì
ông phải lo điều đó. Nào là bà đã già, chỉ muốn dành toàn thời giờ cho việc
tu tập, bà không muốn phải đi làm lo cho vấn đề vật chất, nuôi thân (phần
này, đương nhiên ông phải lo cho bà rồi). Nào là tâm hồn bà đã thay đổi, không còn "đời"
như xưa, ông cũng phải nên nhẫn chịu “chuyện đó” v.v... Tất cả những điều
kiện chính vừa nêu, cộng thêm cả chục điều kiện linh tinh khác, ông đều gật
cả. Chỉ mong bà qua sớm để tuổi già ông có bà hủ hỉ....
Thế mà qua đoàn tụ với ông. Niềm vui thật hiếm quý như cơn mưa trong những
ngày nắng hạn. Sống độc thân mười hai năm trường, trở lại với đời sống gia
đình bà thấy đầy những hệ lụỵ Làm
gì cũng phải tùy thuộc vào người hôn phối, chưa kể những bất đồng ý kiến
trong cuộc sống lứa đôi. Nhiều lần bà tự hỏi, sao ngày trước bà không nhìn
thấy những sự bất đồng cực kỳ to lớn đó nhỉ? Ngược lại là đằng khác, bà cảm
thấy an vui, yên phận. Bây giờ, cái tâm thức đó không còn nữa, nó
luôn luôn nổi dậy đòi "quyền làm người" trong bà, do đó, bà đâm ra nóng nảy,
và thiếu kiên nhẫn với ông. Nhất cử, nhất động gì của ông cũng như là một mồi châm
cho cơn thịnh nộ của bà bùng nổ. Bà nhận thấy rõ ràng, tâm thức bà không còn
được bình an như những năm tháng sống ở Việt Nam
nữa....
Một lần, trong giờ thiền định, bà nghe tiếng kẹt cửa rất khẽ, hé mắt nhìn
thì thấy ông đang cố gắng, co người khe khẽ đẩy cánh cửa thật nhẹ để khỏi
làm phiền bà. Nhìn cảnh đó, không những bà không cảm thấy biết ơn, mà trái
lại, lòng sân tự nhiên nổi lên như một đám cháy lớn, bà chỉ nhìn thấy ở ông,
một hình ảnh lấm lét của một con quỷ râu xanh, già đầu mà không nên nết, đến
phá con đường tu tập của bà....
Trong tâm bà, manh nha một ý tưởng muốn ly dị Nhưng điều đó cũng không ổn. Ly
dị ông thì bà lấy gì mà sống?
Bà thật là khổ tâm không ít!
Chiêu Hoàng
|