Không Quán
1. Mở đầu
Trong hai tháng vừa qua, tác giả
đã có duyên may được mời làm thông dịch viên Việt ngữ trong hai pháp hội lớn của
ngài: một pháp hội tổ chức tại đại học Lehigh University trong tháng bảy, 2008
với đề tài "Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Luận" ở tiểu bang Pensylvania
và một pháp hội tháng tám, 2008 tổ chức tại tỉnh Nantes, Pháp quốc với bốn đề
tài chính nói về "Tánh
Không" trong Phật giáo. Sau hai pháp hội đó, tác giả trở về
đời sống của mình thường ngày với một tâm tư xúc động và cảm tạ sâu xa. Ở mỗi pháp hội Đức Đạt Lai Lạt Ma đều đánh dấu trên tâm tư của mọi
người lòng cảm phục vô vàn. Bài viết này không có ý tóm tắt về hai pháp hội mà chỉ có ý ghi lại
lòng cảm xúc sâu xa đó dưới khía cạnh Ngài là vị thần tượng của thế giới ngày
nay. Ngoài giải thưởng Nobel hòa bình, ở tất cả mọi nơi trên thế giới,
các vị lãnh đạo quốc gia, các trường đại học danh tiếng nhất đều tán thán và
trân quý đến con người của Ngài qua những bằng tưởng lệ, huy chương hay công dân
danh dự.
Phu nhân Tổng
thống Pháp Carla Bruni-Sarkozy
tươi cười lúc đuợc diện kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma
Với tác
giả thì Ngài là vị thần tượng thời nay. Chữ thần tượng này không được dùng trong ý nghĩa thần thánh hóa, vì
Ngài luôn luôn nói tôi chỉ đơn giản là một vị tỳ kheo Phật giáo. Thần
tượng trong ý nghĩa là Ngài thật sự sống cuộc đời đơn giản và bình dị, với hai
bộ áo tỳ kheo, một đôi giép cao su nhật bản qua tất cả mọi lần giao tiếp chính
thức với các vị lãnh đạo nguyên thủ của các cường quốc, như mới đây chúng ta có
thể nhìn hình trên các báo chí đăng tải buổi diện kiến Ngài đã tiếp vị đệ nhất
phu nhân Pháp quốc Carla Bruni trong bộ áo tỳ kheo và đôi giép nhật bản. Hình
Ngài thật là đơn giản bình dị như thế bên cạnh vị đệ nhất phu nhân Carla Bruni
thật là sang trọng và chúng ta có thể nhận thấy rõ nụ cười nở trên đôi môi của
bà Tổng Thống Pháp quốc, chứng tỏ là bà đã hoan hỷ như thế nào khi được ở bên
Ngài.
Do đó chữ thần tượng ở đây không
phải trong ý hướng thần thánh hóa, mà thần tượng vì con người đơn giản bình dị
của Ngài đã ban cho mỗi chúng ta lòng hoan hỷ vô biên khi được sống bên Ngài,
khi được nhìn sự bình dị và tấm lòng rộng lớn bao la của Ngài lúc Ngài nói câu:
Cho đến
khi thế giới và các chúng sinh còn tồn tại,
Tôi xin
nguyện tồn tại để phục vụ cho tất cả chúng sinh....
Đời sống của Ngài là cả sự bình
dị và lòng chân thật như Ngài đã từng nói tại lần Ngài ghé thăm tu viện Ganden
Ling của Dagpo Rinpoche tại ngoại ô Paris: "Điều khổ tâm nhất là phải đóng khuôn,
làm vai trò giả tạo như thể mình là một vị đã đạt được một cái gì, mà cho
dù có cố đóng vai trò như thế cũng không thể làm mãi mãi, vì chỉ một thời gian
sau là sẽ trở thành vô cùng khổ sở...."
2. Đời sống bình dị và lòng chân
thật của Ngài ban ra niềm hạnh phúc vô biên
Ở trong một thế giới hiện đại vô
cùng của thế kỷ thứ 21 ngày nay, cả thế giới lao đầu vào trong cuộc sống tiêu
thụ và chạy đua không ngừng nghỉ trong sự phung phí và tiện nghi. Đức Đạt Lai
Lạt Ma đã từng cảnh cáo và răn dạy là hạnh phúc không nằm trong các tiện nghi
vật chất. Bởi vì càng có tiện nghi vật chất thì chúng ta càng
phát triển trí thông minh và từ đó phát sinh những nhu cầu và đòi hỏi tìm kiếm
về tâm linh. Nếu chúng ta không nhận chân ra là những tiện nghi vật chất
không thể giải quyết những vấn đề của tâm lý mà thể hiện chính yếu qua lòng bất
an sợ hãi thâm căn cố đế của mình thì chúng ta sẽ chỉ càng ngày càng lâm vào
những bế tắc của đời sống khi lao đầu vào các cuộc chạy đua hưởng thụ tiện nghi
vật chất. Thực vậy, khi chúng ta còn nghèo khổ, phải đầu tắt
mặt tối để lo tìm giải quyết nhu cầu cơm áo thì những sự căng thẳng tâm lý không
có cơ hội phát triển. Nhưng khi bụng đã được no đủ, có nhà cao cửa rộng,
xe cộ tiện nghi thì những nhu cầu tâm lý và tâm linh phát triển mạnh mẽ
hơn nhiều. Thêm một điều nữa ta có thể thấy rõ là khi phải
chịu các sự khổ đau tinh thần thì tiện nghi vật chất không giúp ta được nhiều gì
để giảm thiểu các khổ đau đó.
Nhưng khi chúng ta phải chịu khổ đau vật chất hay khổ đau thể xác thì một thái
độ an nhiên điềm tĩnh sẽ giúp chúng ta vượt qua các khổ
đau, đau đớn thể xác dễ dàng. Như vậy thì tinh thần quan trọng
hơn vật chất nhiều lắm, mặc dù các tiện nghi vật chất thực ra cũng có giúp ta
phần nào trong đời sống. Nhưng trạng thái tinh thần của
chúng ta mới thực sự là điều chính yếu để mang lại hạnh phúc lâu dài.
Như vậy, khi nhận ra điều căn
bản đó, là thực sự chúng ta không cần nhiều nhặn gì lắm về đời sống vật chất,
hai bữa cơm đơn giản một ngày và một ít quần áo ấm thân là đủ, thì chúng ta bắt
đầu thực sự đi vào con đường tìm về hạnh phúc. Chúng ta thực sự cần săn sóc đời
sống tâm linh của mình nhiều hơn, để đi đến niềm hạnh phúc rất đơn giản trong sự
tri túc vật chất và an vui của tinh thần. Đây là điều Ngài thường nhấn mạnh: hạnh
phúc và an vui của tinh thần chỉ có thể phát triển qua
lòng nhân ái từ bi, an hưởng trong niềm vui sướng khi mình nhìn thấy những việc
làm của mình giúp cho những người khác đạt được an vui...
Nhưng thế nào mới là làm cho
những người khác an
vui... Mang lại an vui cho người có phải là ban cho họ
những tiền bạc của cải hay sự thành công rực rỡ và quyền lực?
Trên
thực tế, chúng ta nhận thấy là không phải như vậy. Tiền bạc của cải danh tiếng chẳng thể ban
cho mọi người lòng an vui. Bởi vì nếu tiền bạc của cải danh tiếng quyền lực mang
đến sự an vui thì có lẽ những vị vua chúa hay là các vị
lãnh đạo nguyên thủ đều được an vui. Trong khi ngược lại, chúng ta thấy những vị
đó đều thường ăn ngủ không yên, lo lắng quá độ như ngồi trên lò lửa đốt, hoặc là
làm việc quá độ và căng thẳng đến mức sinh ra bệnh tật như là đau tim và tiết ra
nhiều chất cholesterol gây xơ cứng động mạch, tai biến mạch máu não và bại xuội.
Ngược lại, chúng ta sẽ hưởng
nhiều sự an
vui bên một người đầy đức hạnh mà lại thật là bình dị. Như là
hình ảnh tươi cười của bà Tổng Thống Pháp quốc khi được diện kiến bên Đức Đạt
Lai Lạt Ma.
Chỉ cần
được sống gần Đức Đạt Lai Lạt Ma để nhìn thấy đức hạnh và lòng nhân ái thật là
sống động của Ngài sẽ mang lại niềm hoan hỷ tuyệt vời đó. Những điều tự mình mắt thấy
tai nghe về lòng nhân ái và bình dị đó sẽ trở thành những bài học ghi tâm
khắc cốt cho chúng ta, làm thành những bài học thân giáo qua các hành động thực
sự tự nhiên của Ngài. Trong hai pháp hội vừa qua đã có không biết bao nhiêu nhũng bài học
sống động đó mà chúng ta có thể ghi chép lại một ít sau đây.
3. Lòng nhân ái và từ bi
Trong pháp hội tại Saint
Herblain, tỉnh Nantes, một hôm Ngài đang thuyết giảng trên ngai, bỗng ngưng lại
và chỉ vào hai vị nhân viên an ninh đang đứng bên dưới sân khấu và yêu cầu Ban
Tổ Chức mang đến hai ghế ngồi cho các nhân viên đó vì Ngài nhận thấy họ đã đứng
liên tục trong mấy ngày pháp hội để bảo đảm an ninh cho toàn thể hội trường.
Ngài nói là hãy mang cho họ ghế ngồi để được thoải mái trong việc làm của họ, và
như thế họ sẽ có đầu óc tỉnh táo hơn để làm việc được vui vẻ và hữu hiệu hơn.
Hai vị nhân viên an ninh sung sướng ngồi thoải mái và
rất cám ơn Ngài, một cử chỉ tuy nhỏ, nhưng đã chứng tỏ là Ngài để ý và rất quan
tâm đến niềm phúc lạc của người khác qua các sự để ý thật vi tế và chi tiết.
Một hôm
khác, Ngài được ông thị trưởng tỉnh Nantes tên là Jean-Marc
Ayrault mời đến tòa thị sảnh để dự tiệc chiêu đãi. Hôm ấy, ông
thị trưởng vừa mới đọc diễn văn xong, đi xuống về chỗ ngồi của mình trong khi
Đức Đạt Lai Lạt Ma lên nói vài lời với khán giả. Ngài
chưa kịp nói gì thì bỗng nghe ồn ào, ông thị trưởng kéo ghế ngồi chẳng ngờ vì
lính quýnh thế nào mà kéo ghế quá ra phía sau cho nên chân ghế lọt ra ngoài sàn
sân khấu và ông ta bị ngã nhào. Khán giả thấy cảnh hoạt náo của ông thị trưởng cũng bật cười. Lúc ấy, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhanh nhẹn đi xuống và định đỡ ông thị
trưởng lên thì các hộ vệ viên đã nâng ông đứng giậy. Nhưng Ngài cũng thân
chinh mang lại một cái ghế và đặt ở giữa khán đài, đè nhấn xuống thử để xem có
chắc không, rồi vừa cười vừa chỉ cái ghế và mời ông thị trưởng "an tọa!",
và nói: “Trong các buổi họp long trọng thế này tôi thuờng thấy không khí quá
nghiêm trọng và hay cố tìm cách làm cho mọi người thư giãn vui vẻ hơn.
Nhưng mà may quá, lần này thì tôi không cần cố vì nhờ ông thị trưởng đã chuyển
đổi không khí thành thoải mái và vui hơn nhiều cho chúng ta”. Mọi người lại
được dịp cười ồ lên và bầu không khí chuyển thành vui vẻ, rất là thân mật, không
còn nghiêm trọng như trước
Lòng nhân ái và từ bi của Đức
Đạt Lai Lạt Ma thật là vi tế, nhưng lại thật là đơn giản, không màu mè, không có
tâm ý cố tạo, hoàn toàn "vô tâm" và "vô cầu", làm cho tất cả các người gần gũi
Ngài đều cảm thấy tự nhiên, trừ bỏ hẳn các tâm cạnh tranh và giành giựt.
Con đường tu tập thực sự phải là
tự “tạo dựng công đức mà không tạo dựng công đức, đó mới là thực sự tạo
dựng công đức”.
Đó là ý nghĩa của "vô tâm" và "vô
cầu" trong tất cả các hành trì tích tụ công đức qua các hạnh từ bi nhân ái.
Tích mà vô tâm vô cầu nên không có người tích, không có kẻ thọ báo công đức vì
dù sao cũng đã hành hạnh Thập Hồi Hướng toàn bộ công đức đến mọi chúng sinh hữu
tình. Cho nên khi chúng ta ở bên người tu tập mà "vô tâm" "vô cầu" thì sẽ
cảm thấy vô cùng thoải mái hoan hỷ và cùng nhau hành trì để tất cả đều trọn
thành Phật đạo.
4. Lòng bình dị và chân thật
Đức Đạt
Lai Lạt Ma đi đâu cũng toát ra một tâm thức thực sự bình dị và chân thật. Sự bình dị và chân thật luôn
được thể
hiện qua các cung cách đối thoại và trả lời dí dỏm của Ngài đối với các câu hỏi
của mọi người đặt ra. Trong cả hai pháp hội ở Lehigh University cũng như tại
Nantes, Ngài đã cho một khoảng thời gian để trả lời các câu hỏi, và những câu
trả lời của Ngài đã chứng tỏ tâm thức bình dị và chân thật của Ngài. Mọi người, ai cũng vô cùng thần tượng và thánh hóa Đức Đạt Lai Lạt
Ma.
Đôi khi những câu trả lời của Ngài đã xóa những cách nhìn quá
xa vời về Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Có một câu hỏi rất thú vị đã
được đặt ra như sau: "Thưa Ngài, có khi nào Ngài mất lòng kiên nhẫn không (His
Hollines, have you ever been loosing your patience) ?".
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã mỉm cười và trả lời câu hỏi ấy qua một
câu chuyện có thực về Ngài.
Đức Đạt Lai Lạt Ma kể lại:
"Tôi có từng quen biết một vị phụ nữ người Mỹ và là một nhà báo của của tờ Nữu
Ước Thời Báo (New York Time). Bà
ta rất thích Phật giáo và hành trì theo
Phật giáo. Một lần, bà ấy đã đến gặp tôi và hỏi: Khi ra đi thì Ngài để lại cho
chúng con một cái gia tài gì? (What legacy you leave to us when you depart from
this life?). Tôi trả lời cho bà là tôi không cần phải nghĩ về gia tài để lại, vì
như thế không đúng với giới nguyện của tôi, mà tôi chỉ hành trì đạo.
Rồi bà ta lại hỏi câu ấy trong vài lần khác, và tôi cũng trả lời thêm nữa y như
vậy. Sau đó bà lại đến và đặt một câu hỏi như thế, nhưng
theo một kiểu khác, và lúc đó thì tôi đã không giữ được bình tĩnh nữa
(nguyên văn: and I lost my temper)".
Toàn hội
trường bật cười lên ầm ỹ trước câu trả lời thật dí dỏm của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Câu trả lời thật bình dị và
chân thật, thẳng thắn đến độ làm người nghe đôi khi cảm thấy thấy ngỡ ngàng, hồn
nhiên và thú vị trước sự chân thật đó, ("và tôi đã không giữ được bình tĩnh
...and I lost my temper").
Tôi cũng ôm bụng cười
lăn trước máy vi âm.
Ở đây, bạn đọc thực sự cần phải sống ngay tại hội trường lúc
đó mới hiểu được cung cách trả lời của Ngài, mới nhìn thẳng được vào tâm bình dị
và dí dỏm của Ngài.
Một sự chân thật tự nhiên thẳng thắn không hề mang cái tâm
chê trách người đối diện, và nhất là không tự thần thánh hóa hay đóng vai thánh
thiện, nói là mình không bao giờ mất bình tĩnh. Câu trả lời của Ngài chỉ
như là một lời nhắc nhở thương yêu: hãy đừng chấp trước như thế, vì như vậy là
si ngốc. Như người mẹ mắng yêu đứa con dại dột của mình: sao con lại dại ngốc
thế, đâu cần phải lo lắng như vậy....
5. Lòng tôn trọng và hòa hài với
các tôn giáo khác
Giữa lúc
thế giới đi vào trạng thái phân hóa trầm trọng. Trước sự chia cách và bạo động tôn giáo qua
những hành động của một nhóm quá khích Taliban đã đặt chất nổ tàn phá tượng Phật
lớn, cao 150 bộ anh và cổ xưa đến 1700 năm trong vùng núi Hindu Kush của
Afghanistan, Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn kêu gọi sự tôn trọng và hòa hài tôn giáo.
Ngài vẫn thường tranh đấu cho Hồi giáo và luôn luôn tuyên bố: "Tuy có các
khác biệt, nhưng tựu chung, tất cả các truyền thống tôn giáo đều có cùng một căn
bản, đó là kêu gọi phát triển lòng thương, lòng nhân ái đến tất cả mọi người".
Trong cả hai pháp hội vừa qua,
Đức Đạt Lai Lạt Ma đều tha thiết kêu gọi phát triển lòng tha thứ và hòa hài tôn
giáo, tôn trọng tất cả các truyền thống tôn giáo khác nhau. Ở
mọi nơi, Ngài luôn luôn khuyên bảo hãy tôn trọng và thông cảm lẫn nhau.
Đức Đạt Lai Lạt Ma không bao giờ khuyến khích ai cải đạo.
Ngài luôn luôn nói, hãy giữ truyền thông tôn giáo gia đình của quý vị, và tránh
gây ra những sự xáo trộn, rối loạn tâm linh. Nhất là khi vào lúc cuối
đời, ở trong tình trạng lâm chung mà bị khủng hoảng
nguồn cội tâm linh (identity crisis) thì là một điều rất nguy hiểm cho thần thức
người chết.
Điển
hình nhất của lòng tôn trọng và hòa hài này là câu chuyện Đức Đạt Lai Lạt Ma
thường kể trong các pháp hội. Ngài nói: "Tôi có quen biết
một người bạn Âu Mỹ tu trong truyền thống Thiên Chúa Giáo của giòng tu Phan Xi
Canh, một giòng tu kín và thường hay nhập ẩn tu, để trầm tư mặc tưởng (thiền theo lối Thiên Chúa Giáo). Một hôm, trong lúc nói chuyện, tôi
hỏi thăm là khi ông nhập ẩn tu như vậy để mặc tưởng thì ông thiền định về điều
gì? Ông ta nói rằng chỉ để thiền định về lòng nhân từ
(nhân ái-từ bi). Tôi thật là thích thú nhận ra rằng căn bản của các tôn
giáo vẫn là lòng từ bi. Sau một thời gian quen biết và trao đổi các kinh nghiệm tu tập, ông
ta càng ngày càng thích về Phật giáo. Rồi đến một hôm, ông đến gặp tôi
nói rằng, thưa Ngài, tôi bây giờ đang tìm hiểu về Tánh Không. Tôi bèn cười và
nói với ông ta: đấy không phải là chuyện của ông (that is none of your
business)".
Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích là
vì ông ta từ xưa đến giờ vẫn tu trong truyền thống tôn giáo hữu thần, nghĩa là
đặt trọng tâm trên lòng tin vào đấng Thượng Đế Toàn Năng. Nếu bây giờ tìm
hiểu vào Tánh Không của Phật giáo sẽ phải loại bỏ ý niệm và lòng tin vào đấng
Thượng Đế, vì Tánh Không đồng nghĩa với Nhân Quả và Duyên Khởi, nói rằng không
có đấng Tạo Hóa nào sinh ra mọi sự vật, mà tất cả chỉ là do nhân duyên, tùy
thuộc vào nhau mà khởi sinh. Nếu tìm học thêm như thế, ông ta sẽ có nguy cơ bị
mất lòng tin vào Thượng Đế và sẽ lâm vào tình rạng rối loạn tâm linh, đó là một
điều rất nguy hiểm cho người tu sĩ.
Nhưng điều cực kỳ hay ở đây là
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã khéo léo trả lời một cách thật là dí dỏm và bình dị:
"đấy không phải là chuyện của ông (that is none of your business)". Và Ngài đã cười phá lên thật là thoải mái.
6. Tâm siêu thế gian và không
màng đến quyền lợi chính trị
Trong một chương trình bình luận
chính trị mới đây xảy ra trên đài truyền hình France 2 tại Paris, Pháp quốc,
nhân lúc thời sự đang nóng bỏng về vấn đề Thế Vận Hội Quốc Tế tại Bắc Kinh, liên hệ cả
đến sự bất tôn trọng nhân quyền của và đàn áp Tây Tạng của Trung Cộng, một bình
luận gia chuyên môn và nổi tiếng của Paris đã phân tích lý do tại sao Trung Cộng
lại sợ hãi Đức Đạt Lai Lạt Ma như thế.
Ông ta đã giải thích cặn kẽ lý do tại sao mà Trung Cộng lại sợ
hãi và nhất định không chịu công nhận quyền tự trị của Tây Tạng (Tibet
autonomy), mặc dù Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ xin được có quyền tự trị và chấp nhận
giải pháp Tây Tạng vẫn thuộc về nước Trung Cộng chứ không đòi độc lập thành quốc
gia riêng rẽ. Đó là vì một lý do chủ yếu: Đức Đạt Lai Lạt Ma không màng đến quyền lực thế gian. Ngài nói rằng một
khi được công nhận quyền tự trị, Đức Đạt Lai Lạt Ma
sẽ từ chức nguyên thủ của chính phủ Tây Tạng và thiết lập một chính quyền hoàn
toàn tự do dân chủ qua những cuộc bầu cử quốc hội và Thủ Tướng Tây Tạng. Còn
Ngài thì sẽ tự mình rút lui về cương vị một tu sĩ Phật giáo đơn thuần và chuyên
hành trì mà thôi.
Trung Cộng vốn là một nước đặt
căn bản điều hành trên sự thống trị bằng đàn áp phi dân chủ. Những lần chính
quyền Trung Cộng đã đàn áp đẫm máu trên chính người dân đồng bào của họ như vụ
biểu tình của Thiên An Môn năm 1989 đã chứng tỏ điều đó.
Ngay cả trong lần Thế Vận Hội
vừa qua, người ta cũng có thể thấy rõ sự điều hành của Trung Cộng đặt toàn diện
trên hệ thống quân đội và công an để giữ sự thống trị
trên dân chúng và áp đặt quyền hành. Trên các đài truyền hình,
chúng ta đã thấy cảnh các người dân oan kêu khóc vì bị tước đoạt nhà cửa làm Thế
Vận Hội mà không được bồi thường thỏa đáng.
Do đó chính quyền Trung Cộng rất
sợ hãi lòng tôn trọng dân chủ không màng đến quyền lợi chính trị của Đức Đạt Lai
Lạt Ma. Vị bình luận viên trên đài truyền hình France 2 còn nói rằng, với đức
hạnh và tinh thần siêu thế gian, không màng đến quyền lợi chính trị, nếu Đức Đạt
Lai Lạt Ma thực hiện được quyền tự trị Tây Tạng sẽ làm
khởi sắc lại phong trào tranh đấu cho dân chủ tại Trung Cộng, lôi kéo theo các
phong trào đòi quyền tự trị khác của các vùng Tân Cương, vùng xứ Hồi, vùng Tráng
tộc và Nội Mông. Một vị Đạt Lai Lạt Ma trở về được xứ Tây Tạng tự trị, tranh đấu
xây dựng cho nền dân chủ của Tây Tạng và không màng đến quyền lợi chính trị sẽ
được tất cả các sắc dân Trung Hoa hướng về và chiêm ngưỡng, để từ đó sẽ khởi sắc
những phong trào tranh đấu cho tự do dân chủ mạnh mẽ hơn cả phong trào Thiên An
Môn năm 1989.
Như thế, đó mới là điều Trung
Cộng sợ hãi, Đức Đạt Lai Lạt Ma và các đức hạnh của Ngài, hơn bao giờ hết.
7. Đức Đạt Lai Lạt Ma, vị thần
tượng bình dị trong lòng chúng ta
Đức Đạt
Lai Lạt Ma là vị thần tượng của thời đại chúng ta, cái thời đại mà những giá trị
của lòng nhân ái, của lòng vị tha đã bị đời sống tiêu thụ và vật chất đẩy vào
quên lãng. Thời
nay, tất cả đều hướng sự sống về lòng vị kỷ, cho cá nhân của riêng mình.
Gia đình, cha mẹ, con cái đều quay cuồng trong cuộc sống chạy
theo đồng tiền và sự thành công danh tiếng.
Thế nhưng, cho dù sống trong
trào lưu tiêu thụ và vật chất đó, nhân cách của Ngài đã sáng chói qua bộ áo tu
bình dị và đôi giép nhật bản cố hữu. Ngài đã nổi bật lên qua
đời sống bình dị và lòng chân thật của mình khi đi khắp nơi trên thế giới thuyết
pháp và tranh đấu cho nhân quyền, cho lòng nhân ái, lòng vị tha và tha thứ.
Mọi nơi
đều hướng về Đức Đạt Lai Lạt Ma với lòng thành kính vô biên và chia sẻ sự tranh
đấu bất bạo động cao quý của Ngài.
Một người bạn đã từng hỏi tôi:
"Tại sao anh không đóng góp, làm chùa, in kinh sách cho Phật giáo Việt Nam mà lại làm
việc tích cực và tu tập tích cực theo truyền thống Mật tông Tây Tạng và sùng kính Đức Đạt Lai
Lạt Ma?" Tôi trả lời: "Phật giáo giảng dạy giáo lý và hành trì để đạt
giác ngộ. Nơi đâu có đấng giác ngộ thì mình hướng về nơi đó tu
tập. Ngày xưa Đức Phật Thích Ca thành đạo và tất cả
chúng ta bây giờ đều tu tập pháp của Ngài.
Bằng chứng là chúng ta luôn luôn tụng đức Thích Ca là vị bổn sư qua câu Nam Mô
Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Đức Thích Ca cũng là người Ấn độ chứ có phải là
người Việt Nam đâu? Là người xứ nào, đâu phải là điều ta nên phân biệt, tổ Huệ
Năng ngày xưa có nói: Phật tánh đâu có phân biệt nam bắc".
Lần khác bạn tôi bảo là, có
người nói một câu như sau: "Tôi tu theo truyền thống
Việt Nam vì không
thích hợp truyền thống Mật tông Tây Tạng với các màu sắc sặc sỡ hoa hoè hoa sói,
và hỏi tôi nghĩ sao về câu này". Tôi trả lời: "Một lần nữa, tu học Phật
giáo là để đạt giác ngộ, do đó giác ngộ là điều chính yếu chứ không nên mắc kẹt
vào những màu sắc để rồi quên mục đích chính là giác ngộ. Do đó, tuy màu sắc hoa
hoè mà có giác ngộ thì cứ tu theo thôi, không nên chỉ
vì kẹt thấy cái màu sắc đó mà bỏ cái cốt lõi là giác ngộ bên trong. Còn nếu
không có màu sắc hoa hoè mà lõi bên trong không có giác ngộ thì tu
theo
cũng đâu có ích gì. Tóm lại, giác ngộ mới là chính yếu, đừng quan tâm đến chuyện
phụ (màu sắc) mà quên đi là mình đang đi tìm về giác ngộ.
Không nên bị ngăn ngại vì chuyện phụ đó. Vả lại, theo tôi biết thì chính
người nói câu không thích màu sắc hoa hoè đó cũng tu theo Đức Bổn Sư Thích Ca
Mâu Ni Phật, mà lại quên rằng chính bổn sư của mình là người Ấn độ và mặc
quần áo hoa hoè của người Ấn độ thời xưa, và như thế đã tự mình mâu thuẫn với
chính lập luận của mình.”
Và sự thực thì không thể nào phủ
nhận: Đức Đạt Lai Lạt Ma là vị thần tượng của thời nay. Thế
giới hướng về vị thần tượng không vì thần thánh hóa, mà do sự ban phát niềm vui
hạnh phúc khi được gần Ngài và sống với nhân cách cao quý đầy đức hạnh, nhưng
lại thật là bình dị và chân thật của Ngài.
Tạng ngữ là Lam Rim Chen
Mo. Trang nhà
http://www.dalailamajuly2008.com/Welcome.html.
Cùng ý nghĩa trong kinh
Kim Cang.
Pháp ngữ là miséricorde,
miséricordieux, Anh ngữ là graciousness, mercy, merciful.