Doãn Lê
ảnh minh họa
Thuở nhỏ tôi được cha mẹ cho phép đi sinh
hoạt vào các chiều chủ Nhật cùng Gia đình Phật tử Hội An
ở chùa Tỉnh hội (bây giờ là chùa Pháp Bảo). Tôi được nhận vào Đoàn Đồng Niên,
đội Sen Hồng, sau này đổi thành Đoàn Nam Oanh Vũ, do anh Thái Thiệt Cường làm
đoàn trưởng. Cứ mỗi tháng một lần chúng tôi được các anh chị
trưởng dẫn ra các ngôi chùa cổ ở ngoại ô thành phố để sinh hoạt. Mỗi lần
như thế, chúng tôi ngồi vòng tròn dưới những tán cây già tỏa đầy bóng mát chăm
chú nghe các thầy giảng pháp. Ngày ấy Tổ đình
Chúc Thánh đối với chúng tôi sao thâm u và huyền bí thế! Ngôi
Tổ đình như một vị sư già mật hạnh, nhưng đầy từ ái, im lặng ngồi nhìn chúng tôi
sinh hoạt, chạy nhảy, nô đùa. Tôi chợt nhớ đến hai câu thơ của Nguyễn
Bính:
“Quê tôi có gió bốn mùa,
Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm...”
Sao nhà thơ lại tài hoa và tinh tế đến thế!
“có chùa quanh năm”.. Cái thật, nó cứ
sờ sờ ra đấy mà mấy ai đã thấy được, mà thấy được đã chắc gì nói ra được.
Với tôi, không ai nói về chùa hay như Nguyễn Bính, lời thơ chân chất đến độ thật
thà như nếp chùa quê, như lời ca dao thơm mùa lúa mới.
Tôi có chùa quanh năm, bóng của các Tổ đình cứ mãi tỏa mát suốt cả tuổi thơ tôi, cho đến sau này khi tôi đã lớn
khôn, bóng mát ấy cứ trải dài trên suốt chăïng đời gió loạn mà tôi đã đi
qua.
Hơn bốn mươi năm sau tôi
có dịp về thăm lại các Tổ đình Vạn Đức, Phước Lâm, Chúc Thánh...Tóc đã nhuốm màu
sương bạc. Chiều
đổ nghiêng vàng lên các tháp cổ. Vẫn thế. Những
tán cây già tỏa bóng mát trên nền sân đất
nhập nhòa. Những kỷ niệm xa xưa dường như còn lẫn khuất trên từng viên sỏi nhỏ,
từng bụi lá ven chùa, trong những ngách tường vôi, và trên những nải chuối vàng
hườm treo lủng lẳng dưới nhà ăn.
- Để thầy cho con xem cái này!
Tôi giật mình trở lại với
hiện tại. Tôi
đang ngồi giữa sân Tổ đình với thầy Hạnh Hoa. Thầy đưa
tôi xem một tập ảnh đã chụp hơn bốn mươi năm trước. Ảnh
toàn đen trắêng. Có cái đã nổ, có cái đã ố vàng.
Chợt tôi nghe hồn mình như lay động mạnh. Tôi đây rồi. Tôi, cái
thằng bé Oanh Vũ
Nam
ngày xưa, mặc đồng phục, quần ngắn dây treo, đầu đội nón bê-rê, đang đứng thành
vòng tròn bên những đứa bạn cũ, lắng tai nghe thầy Thích Như Huệ giảng pháp. Tôi
nhận ra tôi. Tôi nhận ra những khuôn mặt cũ, thằng Hoa, thằng Ky, thằng
Châu, thằng Tự, thằng Hựu, thằng Sô... những thằng thường lén xuống nhà bếp bẻ
trộm chuối với tôi, có đứa dám mò lên cả chánh điện lạy Phật...
xin
cam, quýt... Cứ ngỡ buổi trưa thì không ai biết.
Nhưng “thiên bất dung gian” bị các thầy hương đăng bắt được, rồi bị quỳ hương
sám hối. Sám hối xong, được các thầy gọi lại phân phát cho mỗi đứa vài
trái, dặn dò lần sau không được làm “đạo chích”
nữa. Phía sau tôi là các khuôn mặt của các anh chị ngành thiếu,
có người tôi nhớ, có người tôi quên. Tệ thật! Tôi giận cho trí nhớ của mình. Ừ, tôi thật vô lí. Bốn mươi năm rồi còn gì,
làm sao mà nhớ nổi.
Các tế bào thần kinh cũng phải theo luật vô thường sanh tử chứ
! Tôi bồi hồi. Ai còn, ai mất, ai vẫn ở đây, ai làm kẻ tha
hương, xa xứ... Thầy rút tấm ảnh ra khỏi tập album, đặt vào
tay tôi như một món quà hội ngộ. Cám ơn thầy đã nâng niu, giữ gìn những
hình bóng cũ, cám ơn huynh trưởng nào ngày ấy đã bấm máy để lưu lại cho tôi
những kỉ niệm thơm
đẫm trầm hương...
Đêm ấy tôi thao thức không
ngủ được, nhìn tấm ảnh, lòng cứ bồi hồi. Rồi như có gì thôi thúc bên trong, như chất dung
nham đỏ rực đang cuồn cuộn chảy, tôi cầm bút ghi vội những cảm xúc tuôn tràn
trên mặt giấy:
ĐÓA TÌNH LAM
Ngày xưa tôi lên chín
Theo anh chị đi chùa
Vòng tròn vui trong nắng
Lời thầy theo
hương đưa
Chen vai cùng nghe pháp
Hồn nở đóa tình lam
Từ tuổi thơ trong trắng
Hạt đạo đã vươn mầm
Bao nhiêu năm nhìn lại
Vẫn thấy mình ngày xưa
Bạn bè chừ xa vắng
Đâu chiều
vàng lưa thưa !
Tổ đình xanh bóng mát
Tỏa bao la cội tình
Dòng đời trôi vội quá
Những bóng mờ lung linh.
Bốn mươi năm trôi qua như một vết bụi mờ,
nhưng đủ thời gian để cho một con người ôm đầy thương tích đã thành sẹo trong
hồn vì những va đập với đời như tôi có thể chứng nghiệm được bài pháp đầu tiên
của Đức Phật thuyết giảng tại Vườn Nai, và được các vị thầy của tôi dạy lại dưới
những tán lá mát của Tổ đình từ những ngày tôi còn là một đoàn viên Oanh Vũ.
Tôi đưa mắt nhìn quanh. Tổ đình ngày nay trông bề thế hơn, không còn cái vẻ tịch mặc,
huyền bí của một vị sư già mật hạnh năm xưa, mà như sự trỗi dậy của một sức sống
trẻ, tràn trề dòng pháp lưu nhập thế, nhưng bóng mát của Tổ đình vẫn của ngày
nào, tỏa đầy sân rộng, xoa dịu từng tế bào đã chai sạm trong tôi. Tôi nghe như
những hồng cầu lại bắt đầu sanh trưởng trong tâm hồn bạch tạng của
tôi. Tôi đã trở về chăng trong cái uyên nguyên của dòng Thánh, trong cái
“vô tâm” của thời thơ ấu đó? Tôi không biết nữa, nhưng có một điều tôi
cảm nhận rất rõ - dưới bóng mát của Tổ đình, tôi đã tìm lại được nguồn an lạc mà
dường như đã biến mất trong tôi hơn bốn mươi năm qua giữa dập vùi, bể dâu
của cuộc sống.