Huệ
Trân
Túi vải
trên vai, đầu đội nón lá (không đội trời), chân mang dép mủ (không đạp đất), vậy
mà cũng quyết chí bước thấp bước cao lên núi, từ trước tuần lễ cuối của tháng
chín thu bay…
Thu chi mà nóng dữ vậy?
Có gì đâu, chỉ vì Hạ lưu luyến
chưa chịu đi, phải chứng tỏ sự hiện diện một cách quyết liệt là ngày nào cũng
nóng sấp sỉ trăm độ, trong suốt khóa tu Mindfulness Is A Source Of Happiness -
Chánh Niệm Là Suối Nguồn Của Hạnh Phúc.
Khóa tu trên Đại Ẩn Sơn Lộc Uyển Tự, chỉ có năm ngày thôi, từ 23 đến 27 tháng
9/2009, nhưng tôi tham lam, nguyện tới trước và về sau là để được thở cho đầy
gió núi, được ôm cho trọn mây trời, được gối cho thỏa trăng non những đêm mênh
mông tinh tú.
Năm ngày đầy ắp Hạnh Phúc, đã đúng như chủ đề, vì suốt năm ngày, mỗi ngày từ 5
giờ sáng đến 9 giờ rưỡi tối, thời khóa đan kín nhau hài hòa đã luôn giữ tâm hành
giả trong Chánh Niệm. Mà Chánh Niệm chính là suối nguồn của
Hạnh Phúc.
Riêng tôi, không phải chỉ được hưởng hạnh phúc trong khóa tu
mà còn từ những hội ngộ bất ngờ kỳ thú. Ngay hôm đầu, nhận phòng xong,
bước ra lối mòn để nhận định địa thế, thì thấy trên dốc sỏi, từ ni xá Xóm Trong
Sáng, một sư cô đang thong thả đi xuống. Khi sư cô tới gần,
dưới vành nón lá, chợt nhận ra đôi mắt thân quen. Thế là cả hai chúng tôi
cùng buông hết những gì đang cầm trên tay, ôm chầm lấy nhau, mừng rỡ:
- Sư cô Nhẫn Nghiêm!
- Sư cô Huệ Trân!
Và những hỏi han thân thương, tíu tít dường như bất tận.
Rồi suốt buổi chiều đó, khi lên thiền đường, lúc xuống trai đường, khi đi phơi
áo, lúc lấy nước … hết gặp sc Tư Nghiêm, sc Hành Nghiêm, lại gặp sc Liên Thanh,
sc Định Nghiêm... Đây là các sư cô ở Xóm Mới, bên Làng, mà khóa An Cư Kiết Đông
hai năm trước tôi đã được cùng tu học. Hai sư cô Đắc Nghiêm và Bách Nghiêm cũng
từ Làng, nhưng đã chuyển về Lộc Uyển; cũng như sư cô Đẳng Nghiêm, qua Làng an cư
năm đó, nhưng sư cô trụ ở Lộc Uyển nên tôi đã gặp thêm vài lần. Ngày hôm sau, ở trai đường, tôi lại được gặp các thầy ở Xóm Thượng
nữa. Chúng tôi cùng mừng rỡ khi bất ngờ nhìn thấy nhau, khác chi anh chị
em ruột thịt xa nhà, lâu ngày được hội ngô. Thì ra chuyến đi này có một
số thầy cô bên Làng tháp tùng Sư Ông...
Lạ thay là tình tăng lữ, đẹp như ngọc lưu ly trong suốt chẳng bợn chút bụi cát
của đố kỵ tỵ hiềm. Những ai mượn nghĩa tình này mà lại làm hoen ố, thì thực mang
tội biết bao!
Đã từng được dự An
Cư Kiết Đông ba tháng với tăng thân, tôi không bỡ ngỡ gì với thời khóa nữa.
Nhưng thật kỳ diệu là mỗi phút mỗi giây quen thuộc này vẫn khai sinh trong tôi
những cảm xúc mới mẻ.
5 giờ sáng, bầu trời còn lấp lánh sao đêm, chúng tôi đã đi bên nhau,
theo lối dốc lên thiền đường Thái Bình Dương. Chúng tôi đi trong im lặng
nhưng vẫn nghe thấy tiếng cười khúc khích của trăng sao, truyện trò với những
ánh đèn pin loang loáng trên đường dốc núi.
Tới thiền đường, nón, mũ, giầy dép đều tự giác xếp ngay ngắn, gọn gàng hai bên
hông cửa, rồi ai nấy lặng lẽ bước vào, tự tìm vị trí thích hợp mà ngồi xuống,
khoanh chân, tĩnh tọa, trước khi giờ thiền chính thức bắt đầu.
Đúng 6 giờ, tiếng chuông ngân lên, quyện vào giọng trầm ấm của một sư chú hoặc
sư cô qua lời dẫn kệ:
“Pháp thân tỏa sáng buổi ban mai
Tĩnh tọa lòng an, miệng mỉm cười
Ngày mới nguyện đi trong tỉnh thức
Mặt trời trí tuệ rạng muôn nơi
Ngưỡng mong đại chúng tinh tấn nhiếp tâm thiền tập.
Nam Mô Bụt Thích Ca Mâu Ni”
Sau lời nhắc nhủ này, toàn thể đại chúng cùng thành kính cất tiếng
theo: “Nam Mô Bụt Thích Ca Mâu Ni”
Rồi tất cả chìm trong im lặng của không gian thiền vi.
Những ai chưa từng ngồi trong không gian này, chưa được thả
rơi từng tiếng hô canh kỳ diệu này vào buồng phổi sớm mai, vị đó bàng hoàng và
cảm động đã đành. Tôi may mắn đã ngồi như thế, đã nghe như thế suốt ba
tháng an cư mà sao trước mỗi thời thiền tọa, khi giọng sư chú hoặc sư cô ngân
lên, tôi cũng vẫn rung động toàn thân, tưởng như những gì cực kỳ trang nghiêm và
thanh tịnh nơi đây đang được Chư Phật mười phương nhìn xuống và chứng giám.
Có vị nào cảm thấy như tôi không?
Tôi chắc là có. Và có nhiều lắm! Cứ nhìn toàn thể đại
chúng thì biết, hàng trăm người, có người mới, có người cũ, không ai bảo ai mà
tất cả đều “trang nghiêm cõi Phật bằng trang nghiêm tâm mình”
Sau 30 phút thiền tọa, tiếng khánh trong vắt ngân lên để đại chúng
thư giãn. Ấy thế mà không khí trang nghiêm vẫn đầy ắp! Trang nghiêm một
cách an lạc chứ không phải trang nghiêm gò ép, vì có ai gò ép đâu!
Rồi cũng lại tiếng khánh báo hiệu đứng lên, lạy Phật để chuẩn
bị ra ngoài thiền hành.
Thầy thân ái nhìn đại chúng, mỉm cười, rồi nhẹ cất bước. Thị giả đeo túi vải đi sau.
Đại chúng cứ thế mà tuần tự bước theo, không ồn động, không lao xao, không tranh giành kẻ trên
người dưới. Đường thiền, khi thì lối mòn quanh co, khi thì cheo
leo vách núi, lúc lại uốn khúc tường hoa.
Mỗi buổi thiền hành, đại chúng được đi mỗi lối khác.
Nhưng đi lối nào cũng thơm ngát gió núi hoa rừng vì:
“Ý về muôn vạn nẻo
Thiền lộ tâm an nhiên
Từng bước gió mát dậy
Từng bước nở hoa sen” (*)
Khi tới điểm dừng, Thầy lại nhìn khắp đại chúng, mỉm cười. Thị
giả hiểu ý, mở chiếc chiếu nhỏ, trải xuống. Đại chúng
cũng hiểu ý, ai nấy tự tìm chỗ ưa thích mà ngồi xuống.
Không một lời mà vẫn như ngàn lời vì:
“Ngồi thiền trong tích môn
Nơi nào không thành đạo
Sinh tử trải bao lần
Phút giây nào độc đáo!
Ngồi thiền trong bản môn
Giây nào cũng thành đạo
Cội nào cũng Bồ Đề
Tòa nào cũng Đa Bảo!” (*)
Lên núi hay xuống núi, đường đi hay đường về, chỉ lặng thinh mà chan hòa an lạc.
Về lại trước sân trai đường, hoàn tất buổi thiền hành sáng, Thầy xá đại chúng.
Đại chúng kính cẩn đáp lại.
Chờ bóng Thầy khuất sau tàng bạch dương, đại chúng mới bắt đầu chấp tác trước
khi ăn điểm tâm.
Toàn thể tu sỹ và cư sỹ được chia đều thành những nhóm chấp tác, mỗi nhóm phụ
trách một số công việc và do một sư cô hoặc sư chú hướng dẫn. Tên của các nhóm
nghe thơ mộng lắm, chẳng hạn như nhóm Bếp Lửa Hồng, Tùng Xanh, Cốc Trà Thơm,
Cánh Đại Bàng …v…v… Riêng tôi, được hướng dẫn nhóm Mây Thong Dong gồm 12 người
mà trong đó lại tình cờ có hai Phật tử thường về chùa tu mỗi cuối tuần. Hai cụm
mây đó, khi nghe loan báo tôi là người phụ trách nhóm thì mừng lắm và hết lòng
đi gom 10 cụm mây còn lang thang đâu đó lại, để thong
dong làm việc.
Giờ tu im lặng đã đành, mà giờ làm việc cũng chỉ nói khi cần
hỏi nhau về công việc. Quả đúng như 2 câu thư tháp dạy chúng trong chùa
Già Lam:
“Nói năng như Chánh Pháp
Im lặng như Chánh Pháp”
Nếu không SỐNG trong không gian của im-lặng-chánh-pháp thì khó mà hưởng được
hạnh phúc của im-lặng-chánh-pháp. Cũng như với ai, tâm chưa hề Định, ý chưa hề
Thiền thì khó mà hiểu được rằng, giữa hỗn loạn của ngũ trược ác thế, tâm hành
giả vẫn có thể ở trong Thiền, trong Định, dù bên ngoài đang là ác trược bủa vây.
Như thường lệ, trước giờ Thầy giảng pháp, tăng thân chậm rãi đi lên bằng hai ngả,
lặng lẽ đứng thành hình vòng cung trước Thầy và trước đại chúng. Những người tham dự lần đầu, chỉ cảm nhận hình ảnh này đẹp quá, êm
đềm quá, nhưng không biết các sư cô sư chú sắp làm gì đây.
Tôi được dự nhiều lần nên đã biết.
Khi đội hình đã vào vị trí trong tĩnh lặng đầy thiền vị, là
lúc tiếng hát nhẹ cất lên. Rồi muôn tiếng hát hòa đồng cất lên:
“Nam Mô Bồ Tát Quan Thế Âm
Nam Mô Bồ Tát Quan Thế Âm
Nam Mô Bồ Tát Quan Thế Âm ……”
Giọng nữ dứt, giọng nam cuốn theo, khi trầm khi bổng, lúc nhanh lúc chậm, thành
giòng hòa tấu hùng tráng, mượt mà, không cần một chút kỹ thuật nào trợ duyên mà
tiếng niệm Quan Âm vẫn thẩm thấu tận đáy tim những người đang chắp tay tận hưởng.
Mười phút kỳ diệu như thế, rồi âm thanh đó im bặt.
Dòng suối nâu lên bằng hai ngả, lại nhẹ nhàng xuống bằng hai ngả.
Và Thầy thong dong bước lên bục giảng: “Thưa đại chúng, hôm nay là ngày …. “
Cứ như thế, thời khóa với thiền tọa, thiền hành, tụng kinh, pháp thoại, pháp đàm,
tham vấn, thiền buông thư, thiền lạy, ăn cơm im lặng, chấp tác … v…v… đều giữ
trong Chánh Niệm, tạo nên cả một không gian đầy hùng lực của Từ Bi và Trí Tuệ.
Khóa tu ngắn ngủi năm ngày còn lồng vào hai sự kiện đẹp.
Đó là buổi thiền hành sáng thứ sáu 25 tháng 9, Thầy đã dẫn đại chúng men
theo những đường đá mấp mô tới một khoảng đồi cao nằm giữa hai xóm Trong
Sáng và Vững Chãi. Nơi đó đã được bầy sẵn một ban thờ nhỏ đơn
sơ với hình Đức Thích Ca, hoa, đèn và chuông mõ.
Đại chúng được cho biết là Thầy sẽ chứng minh lễ đặt viên đá đầu tiên xây ni xá.
Sư cô Trung Chính, ni trưởng Xóm Trong Sáng đã nghẹn ngào trình bầy trước Thầy
và đại chúng, là gần mười năm qua, các sư cô luôn phải đối phó với khí hậu
nghiệt ngã của mùa đông và mùa hè nơi đây; nghĩa là lạnh thì lạnh quá mà nóng
thì nóng quá! Những căn phòng được chắp vá, sửa lại từ một khu là nơi tập xử
dụng vũ khí của quân đội khi xưa, không hề có một tiêu chuẩn điều hòa nào. Nhưng thời gian qua, chứng tỏ sức chịu đựng và tinh thần thiểu dục
tri túc của các sư cô đã đánh động lương tâm một số bạn đạo người ngoại quốc.
Họ gợi ý sẽ giúp đỡ lúc khởi đầu nếu tăng thân nghĩ tới dự án xây
ni xá để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng.
Lễ đặt viên đá chỉ mới nói lên lòng mong mỏi, nhưng ngay sau khi cuốc đất đầu
tiên được Thầy phủ lên viên đá thì sự nhiệt thành yểm trợ của đại chúng ngay tại
chỗ đã cho thấy lòng mong mỏi kia sẽ sớm thành tựu.
Sự kiện thứ hai gây ấn tượng trong đại chúng là Lễ Truyền Hai Giới và Lễ Thọ Năm
Giới của hàng trăm giới tử lúc 6 giờ 30 sáng chủ nhật 27 tháng 9. Thiền đường
sáng rực y vàng của quý thầy cô, đồng chứng minh cho đoàn giới tử đông đảo,
trang nghiêm quỳ thành hàng dài giữa hai bên tăng ni để nghe Thầy Truyền Giới là
Thiền-sư Trừng Quang Nhất Hạnh thuộc thế hệ thứ 42 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ
8 của phái Liễu Quán, đọc chậm rãi từng giới. Sau mỗi giới, giới tử đều tự vấn
rồi đồng trả lời câu hỏi:
- Quý vị có tiếp nhận, học hỏi và hành trì giới ấy không?
- Dạ, thưa có.
Hình thức đơn sơ nhưng không khí hết sức uy nghiêm đã
làm rơi lệ nhiều người hiện diện.
Bài viết ngắn này chỉ là chia xẻ Hạnh Phúc của người may mắn được hưởng Hạnh
Phúc, tới những ai hằng tìm cầu Hạnh Phúc. Đây không phải là một bài tường thuật
nên không đi vào mọi chi tiết, nhưng kẻ viết, chợt nhớ tới chương “Cửa vào bất
Nhị” trong Kinh Duy Ma Cật nên phác họa đôi nét về khóa tu, làm một gạch nối mờ
nhạt để hữu thanh truyền đạt vô thanh, hữu tướng hiển bày vô tướng.
Một khóa tu ngắn, rất bình thường, chỉ là một, trong lịch trình các khóa tu dài,
ngắn khác, trải suối từ mỗi đầu năm tới cuối năm mà Thầy và tăng thân hướng dẫn
trên khắp các quốc gia, đã như dòng sông, từ nhiều thập niên qua, vẫn trôi như
thế, vẫn chảy như thế, vẫn mang Hạnh Phúc tới bất cứ nơi nào dừng lại như thế.
Sự im lặng của dòng sông là sự im lặng của CHO mà không chờ
NHẬN. Những bến bờ đã qua, đất mầu và phù sa để lại, tự bồi đắp thành ruộng lúa nương dâu mang lợi ích
cho đời.
Sông vẫn trôi. Và im lặng trôi.
27 tháng 9 năm 2009 kết thúc khóa tu “Chánh Niệm Là Suối Nguồn Hạnh Phúc” trên
Đại Ẩn Sơn-Lộc Uyển Tự tại Hoa Kỳ cũng là ngày, ở một nơi cách xa nửa trái địa
cầu, “Thất Niệm Là Đầu Mối Địa Ngục” khi sự tham lam, dối trá, ác độc đã vỡ bờ
và đổ ập xuống 400 tăng ni sinh trẻ tuổi tại tu viện Bát Nhã, tỉnh Lâm Đồng,
nước Việt Nam!
400 nụ hoa nhỏ bỗng bừng nở, mãn khai.
Ai có thể chối bỏ, nếu không từng được ân cần chăm sóc, tưới tẩm, nuôi dưỡng
bằng pháp-thực, thì trước bão tố, hương sen nào có thể đồng loạt tỏa ngát giữa
bùn lầy tanh hôi như thế!
Trang sử nhân loại - nói chung - và trang sử Phật Giáo
Việt Nam
- nói riêng - vừa hiện nguyên hình tất cả những gì cực đẹp cũng như cực xấu,
không gì có thể che dấu được!
Dưới ánh sáng mặt trời, bằng kỹ thuật tin học toàn cầu, mọi sự việc và hình ảnh
đều đang tự nói “As it” “Như thị” “Như vậy” “Như thế ”
…
Không cần tới một lời chú thích!
Thế giới đang nhìn. Và đều biết.
Chỉ những kẻ nhúng tay vào tội ác là vẫn như không nghe,
không thấy, tiếp tục đi trong đêm tối của vô minh dầy đặc.
Huệ Trân
(Tháng 10/09 – Phong Vân Am)
(*) Nhật Tụng Thiền Môn – Làng Mai biên soạn.