Khi tình thương có mặt

Vân Pháp

(Giảng luận về kinh thương yêu)

Vân Pháp

I. Phần tựa

 

Kinh Thương Yêu vốn dịch từ Pāli là Mettā sutta: Trong đó, Metta: Từ (thương yêu); Sutta: Kinh.

Kinh này được trích từ tạng  là kinh bộ Sutta Nipata, phần I.

Thông thường, trong một kinh đều có Ngũ phần chứng tín, và câu đầu tiên là "Như thị ngã văn" (tôi nghe thế này); nhưng trong Kinh thương yêu này không có câu ấy và cũng không có Ngũ phần chứng tín.

Ngũ phần chứng tín, gồm: Thời gian, xứ sở, pháp chủ, pháp thuyết, và thính giả.

 

ảnh minh họa

II. Phần Chánh tông

Nội dung của Kinh này nói về lòng Từ bi.

1. Thế nào là Từ?

­ "Từ" tiếng Phạn là Maitrī, Pāli gọi là Mettā, tiếng Anh dịch là kindness hay benevolence. Đây là một trong những đức hạnh chính của Phật giáo. Maitrī là lòng thương, lòng lân mẫn không ràng buộc đối với đối tượng được thương yêu, lân mẫn.

Tâm Từ vô lượng là yếu tố đầu tiên trong Tứ vô lượng tâm. Tâm từ, Pāli gọi là Mettā Citta, Phạn gọi là Maitri Citta. Nghĩa là tâm đem lại niềm vui cho muôn loài một cách bình đẳng. Tâm từ là tình thương không liên hệ đến tình ái, không liên hệ đến dục nhiễm, và vượt hẳn tình thương của nhân loại. Vì tình thương bị lệ thuộc vào xác thịt hay dục nhiễm, đó là tình thương thấp kém, ích kỷ, tình thương ấy sẽ dẫn đến lo âu, sầu muộn, thất vọng và khổ đau. Tâm từ ấy vượt hẳn tình thương nhân loại. Vì, nếu tình thương chỉ giới hạn trong nhân loại thì con người có thể tàn sát loài vật mà không một chút thương tâm.

Vì vậy, nếu tâm từ là tình thương chỉ thương trong nhân loại thì tình thương còn giới hạn và hẹp hòi. Tình thương của nhân loại là tình thương ái chấp và chiếm hữu. Mà ái chấp và chiếm hữu thì vẫn còn khổ đau và muộn phiền. Vì thế, thi sĩ Tuệ Nguyên đã khuyên chúng ta:

“... Em cứ yêu nhưng em đừng bắt đuổi

Vì đuổi bắt như gió đuổi mây chiều

Em cứ yêu nhưng em đừng bắt đuổi

Hễ đuổi bắt em sẽ khổ đau nhiều

Em đau khổ bởi vì em vụng dại

Đời ngu ngơ em bắt bóng tình yêu...

Em cứ yêu nhưng em đừng chiếm hữu

Vì tình yêu mầu nhiệm lắm em ơi.”

Tình thế gian, thông thường là "bắt đuổi", và "chiếm hữu". Vì đó là hai chất liệu tạo nên tình yêu thế gian, chính hai chất liệu đó mà tình yêu của thế gian có thương yêu, có ghen tuông, giận hờn và thù hận. Thứ tình đó nó có thể đi tới sự bao bọc, che chở và tận tâm giúp đỡ, nhưng nó cũng có thể đưa đến hận thù và chết chóc. Thứ tình của thế gian như con dao hai lưỡi, càng yêu bao nhiều thì càng giận bấy nhiêu. Và người ta rất thích là kẻ "bắt đuổi", vì nó đẹp, nó lãng mạn và hấp dẫn. Ai đã từng yêu thì sẽ thấy nó cuốn hút biết dường nào!.

Tình thương yêu nhân loại mà không thương yêu chúng sanh, không thương yêu loài vật thì vẫn gây khổ đau cho chúng, và nuôi lớn ác tâm nơi chính mình. Bởi vậy, Tâm từ vô lượng là tâm thương yêu vượt hẳn mọi thứ tình ở trên, nó không bị giới hạn trong một quốc gia, một xứ sở nào, hay bất kỳ một loài nào, dù đó là chư thiên, loài người, hay các loài thấp kém hơn. Tâm ấy luôn luôn đem lại an lạc niềm vui và an lạc lâu dài cho họ.

Cho nên, Từ vô lượng là tình thương vô ngã, vì tình thương ấy không bị mắc kẹt, không phải là tình thương chiếm hữu, tình thương ấy là tình thương chân thật, không thể phát sinh từ một sự hiểu biết tà vạy, mà tình thương ấy phát sinh từ Chánh kiến, nghĩa là nó phát sinh từ cách nhìn hợp lý, đó là cách nhìn thấy thực tại là duyên sinh, vô ngã. Thấy sự thật đúng như nó là thì tình thương sẽ phát sinh đúng và đem lại lợi lạc lớn. Chẳng hạn, làm từ thiện mà không thấy trực tiếp hoàn cảnh của đối tượng cần giúp đỡ thì không thể trải tình thương đúng được, vì chúng ta không biết đối tượng cần giúp mong ước điều gì.

Lại nữa, Tình thương ấy phát sinh từ những lời nói đúng đắn, chân thật, đó là Chánh ngữ, chứ không phải phát xuất từ lời nói hư vọng, dối lừa. Người có tình thương thì không thể dùng lời nói phi đạo đức được, mà những lời nói của người đó phải là lời nói dễ thương, mang đến niềm tin, hy vọng, và an toàn hạnh phúc cho người mình thương. Tình thương ấy phải được phát sinh từ đời sống đúng giới luật, nghĩa là sống Chánh mạng. Người có giới luật người ấy sẽ thương mà không bị mắc kẹt, tình thương ấy có sự bảo hộ mà gây tổn hại cho người khác. Thương con người vì thấy con người cần được thương, cần được sưởi ấm, thương loài vật vì thấy loài vật cần được thương, cần được che chở, mà không làm cho loài ấy phải lo sợ và bất an. Cũng thế, Tình thương vô lượng phải được phát sinh từ sự tinh cần trong Chánh đạo, chứ không phải phát sinh từ sự biếng nhác. Tình thương ấy phải được phát xuất từ tư tưởng thuần tịnh, lắng trong, và được nuôi dưỡng bằng Chánh định, thì tình thương đó mới bền lâu.

Phật giáo có cụm từ diễn tả về lòng từ rất hay đó là "vô duyên từ", nghĩa là lòng thương không có điều kiện, không vì bất cứ một sự buộc ràng hay quy tắc nào trong lòng từ này. Thấy người khác đau khổ thì lân mẫn giúp đỡ, thấy người khác khổ đau thì tìm cách để chia sẻ và trị liệu nỗi đau cho họ, và không cần một lời cám ơn hay "hậu tạ". Mẹ thương con với tất cả tấm lòng "mẹ già hơn trăm tuổi, còn thương con tám mươi", tình thương ấy không có vụ lợi, không phân tích, so sánh hơn thua, không có bất cứ một điều kiện đáp đền nào cả. Lòng thương chỉ là thương thôi, cho nên gọi là Vô duyên từ. 

2. Thế nào là Bi?

­ "Bi" tiếng Phạn và tiếng Pāli đều gọi là karunā, chuyển dịch sang tiếng Anh là compassion, gần như danh từ 'từ', xuất phát từ lòng thương và muốn giúp đỡ người khác.

Trong Tứ Vô lượng tâm, thì tâm Bi vô lượng là yếu tố thứ 2:

Tâm bi, tiếng Phạn là Kurunā citta, nghĩa là tâm hồn hoạt động để cứu giúp kẻ khác thoát khỏi khổ đau. Bất cứ ai có tâm hồn như vậy thì người ấy gọi là có Tâm bi.

Đối tượng của Tâm bi cứu độ chính là những chúng sanh khổ đau hoặc vì người nghèo, đói khát, hoặc vì ngu si, vô trí. Người cần miếng cơm manh áo, cần điều kiện vật chất thì người có tâm bi sẽ giúp đỡ trên phương diện vật chất, người nghèo đói về tri thức, hiểu biết thì người có tâm bi sẽ giúp đỡ về tri thức hiểu biết, người cần thực nghiệm tâm linh, tu tập chứng quả thì người có tâm bi vô lượng sẽ giúp đỡ về phương diện chứng ngộ tâm linh. Tùy theo hoàn cảnh và điều kiện mong cầu của đối tượng cần giúp đỡ mà người có tâm bi vô lượng sẽ tuỳ cơ cứu giúp, có nghĩa là ở đâu có mong cầu giúp đỡ thì ở đó có sự ứng hiện cứu giúp (thiên xứ hữu cầu thiên xứ ứng). Và lẽ tất nhiên, Tâm bi vô lượng không thể phát sinh từ sự hiểu biết sai lầm, suy tư sai lầm, từ những lời nói sai lầm, hay từ những hành động tà vạy, không thể phát sinh từ tâm tư tán loạn. Nếu không có Chánh kiến thì không có tâm bi. Nói cách khác, không có trí tuệ thì không thể có tình thương chân thật, và không có sự cứu giúp hợp lý theo tình thương ấy.

Cũng như tình thương, sự cứu giúp phải đặt trên nền tảng của Vô ngã, vì nếu còn phân biệt thân thù, thì không thể cứu giúp hết lòng được.

Chúng ta phải biết rằng, dù Từ hay Bi thì đều lấy tâm làm cơ sở để phát triển lòng thương, lòng cứu giúp. Căn cứ theo thuật ngữ chữ hán hai chữ từ (慈) và bi (悲)  đều có bộ "心" (tâm) ở dưới. Nghĩa là muốn phát triển tình thương và thực hành sự cứu giúp đều phải lấy tâm mà làm. Vì thế, đức Dalailama đã định nghĩa Từ bi một cách dung dị rằng: "Từ bi có thể được định nghĩa đơn giản là trạng thái tinh thần không hung ác, không gây hại cho mọi người và không công kích. Đó là một thái độ tinh thần được đặt trên nền tảng là niềm ao ước cho mọi người thoát ra được những đau khổ và người đó luôn quan tâm, kính trọng, lễ phép với mọi người xung quanh"2

Vì thế, chúng ta hãy thực tập Từ bi và hãy đem Từ bi mà xâu thành từng chuỗi ngọc, cho đến khi nào chuỗi Từ bi mà chúng ta xâu thành một chuỗi dài vô tận, có nghĩa là lòng Từ bi của chúng ta đạt tới Từ bi vô lượng.

3. Từ bi trong kinh Thương Yêu

Người có lòng Từ bi là người luôn nghĩ đến người khác, nhất là những người đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Cuộc sống mà không có chất liệu Từ bi thì cuộc sống sẽ trở nên cõi chết và con người sẽ đến với nhau chỉ gây thêm vết thương và hận thù cho nhau mà thôi. Nhưng may thay, trong bản chất của con người vẫn còn tính người, nên dù ít hay nhiều, trong loài người vẫn có những người biết thương yêu giúp đỡ, cũng còn có những "cánh tay Từ bi nâng đỡ". Vì thế, người có lòng Từ bi, theo Kinh Thương yêu, luôn tâm niệm rằng:

(+) Nguyện cho mọi người và mọi loài được sống trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi.

Muốn có đời sống an toàn và hạnh phúc thì chúng ta phải nỗ lực tu tập phước đức, vì tu tập phước đức thì chúng ta sẽ gặp nhiều may mắn không bị đói khổ, không bị nghèo hèn về vật chất và tinh thần. Người có tu tập phước đức luôn hướng đến điều thiện, tu bồi thiện nghiệp. Người có tu tập là người luôn nghĩ đến người khác, loài khác được sống trong môi trường tốt, được an toàn, được hạnh phúc. Người có Từ bi luôn mong muốn những người khác biết ươm hạt giống thuần thiện vào tâm, nuôi lớn hạt giống thiện, không để hạt giống bất thiện dấy khởi và gây khổ đau hệ luỵ; luôn mong muốn mọi người biết thực tập thâu nhiếp lục căn để không tạo ác nghiệp, vì ác nghiệp sẽ làm con người chết dần chết mòn trong dằn vặt và tuyệt vọng.

(+) "Nguyện cho tất cả các loài sinh vật trên trái đất đều được sống an lành, những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài thấp....." đều thương yêu và giúp đỡ.

® Những loài mạnh, những loài cao: như con người, A-tu-la, chư thiên

Thương chư thiên vì biết rằng, chư thiên khi hết phước cũng rơi xuống các cõi thấp, vì chư thiên vẫn nằm trong vòng sanh tử.

Thương loài A-tu-la vì cõi này sống trong sân hận, thù oán, lửa luôn bốc cháy và có thể đốt cháy công đức tu niệm của họ.

Thương loài người, vì loài người thiện ác lẫn lộn, khi thân khi thù, khi thân thiết tận tâm, lúc bạc bẽo lạnh nhạt, khi yêu đó lại ghét bỏ đó, lúc thích thì chung tình mà lúc không thích thì phụ bạc. Giàu có thì kiêu ngạo, ngã mạn, nghèo khó thì cúi lòn, khiếp nhược. Cho nên, loài người cần thương yêu và giúp đỡ.

® Những loài yếu, những loài thấp, như: loài trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Thương yêu và giúp đỡ loài súc sanh vì loài này luôn sống mất tự chủ, mất quyền tự do, sống trong sự thụ động và theo bản năng. Loài này không có khả năng hiểu biết, nên luôn bị sai khiến. Người có lòng Từ bi thì không khởi tâm sát hại và gây thương tích cho loài này, vì chúng tội nghiệp hơn loài người.

Thương yêu và giúp đỡ loài ngạ quỷ, vì loài này thường sống trong sự đói khát, thiếu thốn. Chẳng những đói về ăn, đói mặc, đói tri thức, mà còn đói cả tâm hồn lẫn tình thương.

Thương yêu và giúp đỡ loài địa ngục, vì loài này hết sức đau khổ và tăm tối, không có lối thoát. Loài này đang bị bao phủ bởi khổ đau, cô đơn, thất vọng. Loài này, đối với vấn đề an lạc, và hạnh phúc là một sự mơ ước hão huyền.

Chúng ta phải biết rằng, các loài thuộc địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh có mặt ngay trong đời sống của chúng ta. Nếu tâm chúng ta mê mờ không biết đâu là thật, đâu là giả, đâu là chân đâu là vọng, thì lập tức địa ngục có mặt; tâm chúng ta luôn bị bao phủ bởi những hạt giống như ích kỷ, bỏn sẻn, ghen tuông, đố kỵ thì lập tức ngạ quỷ xuất hiện; và nếu tâm chúng ta ngu si, không biết nhân nghĩa, phụ bạc, phỉnh phờ thì loài súc sanh có mặt.

Do đó, người có tâm Từ bi luôn thương yêu và giúp đỡ những loài đang sống trong cảnh tối tăm ấy.

® Những loài lớn, những loài nhỏ: Đây chỉ cho loài vật, loài lớn như sư tử, cọp, beo, cá sấu, voi, ngựa; những loài bé, như nai, thỏ, gà, vịt,.... Nhìn sâu hơn vào thế giới loài người, chúng ta thấy, những người có quyền lực, giàu sang, có địa vị cao đều thuộc vào thế lớn, mạnh; trong khi đó người không có quyền lực, không có địa vị, chức quyền, nghèo khó, bần cùng, túng thiếu đều thuộc thế yếu, nhỏ. Người có quyền lực cũng là người mang nhiều đau khổ và lo lắng, người không có quyền lực thì luôn bị chèn ép, cũng có nhiều khổ đau, sợ hãi và lo lắng. Vì thế, quyền lực, giàu sang, nghèo hèn và thất thế đều nằm trong vòng xoáy của khổ đau và sợ hãi. Cho nên, người có tâm Từ bi luôn mong cho loài có thế mạnh và yếu hãy cùng chung sống hòa bình với nhau, đừng ai vì tư lợi mà sát hại mạng sống của nhau, đừng ai ỷ vào thế lực của mình mà gây thương tích cho nhau.

® Những loài có thể nhìn thấy, những loài không thể nhìn thấy: Những loài có thể nhìn thấy như các chúng sanh sống quanh ta, những loài ở rừng thẳm, biển sâu, là những loài không thể nhìn thấy được. Có thể hiểu thêm, những loài ta có thể nhìn thấy là những sinh vật còn sống; còn những loài ta không thể nhìn thấy là nhưng sinh vật đã ẩn thân, đã chết. Người có tâm Từ bi cũng cần khởi lên tâm niệm thương yêu và giúp đỡ những sinh vật này dù là hữu hình hay vô hình.

® Những loài ở gần, những loài ở xa: khi người có tâm Từ bi thì dù những loài ở xung quanh mình, xung quanh người thân, người thương mình hay những loài không ở gần mình hay ở xa mình, đều nên khởi tâm thương yêu và giúp đỡ. Khi có tâm thương yêu và giúp đỡ thì ở gần hay ở xa đều có thể thực hiện được.

®  Những loài đã sinh hay những loài sắp sinh: Đối với loài đã sinh, người có tâm Từ bi nên thương yêu và giúp đỡ để đối tượng nhận sự thương yêu ấy luôn được cảm thấy ấm áp, che chở. Đối với loài chưa sinh thì luôn thương yêu và giúp đỡ để cho loài đó được nuôi lớn trong tình thương và cũng được bao bọc che chở bởi hơi ấm của tình thương ấy.

(+) Nguyện đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi thường tánh mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn3.

Thực tập sống bao dung, tử tế nghĩa là biết che chở, và nâng đỡ người khác. Nghĩa là biết thương chính mình, rồi thương người mình thương và tập thương cả những người mình ghét, những người mình không thích. Khi chúng ta biết thương mình và chúng ta nhận ra sự sống còn của mình là một tặng phẩm quý báu thì sự hiện hữu của những người khác và loài khác cũng như thế. Nếu chúng ta biết đau thì người khác cũng biết đau, nếu ta biết hạnh phúc là điều rất quý thì người khác cũng mong được như thế. Nghĩ như thế thì tình thương của chúng ta sẽ lớn thêm, trái tim của chúng ta biết nói lời thương yêu và chia sẻ. Đồng thời chúng ta tập nhận diện những hạt giống tốt đẹp ở nơi người mình ghét để thấy rằng không có người nào hoàn toàn là xấu cả, mà trong mỗi người đều có tốt và xấu, tích cực và tiêu cực. Chúng ta phải khơi dậy trong người khác những hạt giống tốt và tích cực mà đừng để những hạt giống xấu và tiêu cực biểu hiện. Thực tập cách sống lương thiện, không tranh đua, cướp đoạt, không oán hận, thù oán và gây đau khổ cho người khác. Người có tâm Từ bi thì trong hoàn cảnh nào cũng không khởi ác tâm và giận hờn để gây đau khổ cho người khác. Bởi vì giận hờn là hạt giống có độc tố gây chia rẽ và hận thù chứ không thể mang lại hòa bình được. Nếu gặp hoàn cảnh khổ đau và khốn đốn mà tâm trạng của chúng ta sẽ rất bực bội và ngột ngạt vô cùng, thì chúng ta không nên tạo ra hoàn cảnh khổ đau và ngột ngạt cho người khác. Người có tâm Từ bi phải là người luôn nghĩ như thế.

4. Từ bi là nguồn năng lượng đại

Người có tâm Từ bi là người có nguồn năng lượng đại, có thể hàng phục tất cả các ma chướng. Ma chướng là những hạt giống bất thiện luôn có mặt và gây trở ngại trong tâm thức chúng ta; những hạt giống ấy luôn là chướng ngại vật khiến chúng ta không thực hiện được lý tưởng và đạo nghiệp của chúng ta, hay những ước muốn bình dị nhất của chúng ta. Chúng ta muốn thương người bạn đó, nhưng hạt giống tham hoặc sân hay si khởi lên, bảo rằng nếu thương mà có lợi thì nên tiếp cận. Chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng nó đã cản đường và không đưa chúng ta đến một tình bạn tốt đẹp và lâu dài.

Lại nưa, người có Từ bi là người có Phật tâm, vì tâm Phật mới có chất liệu Từ bi vĩ đại, bởi vì tâm của Phật là tâm vô nhiễm không còn bị mặc kẹt bởi bất cứ một tác động nào, cho nên dù biết thế gian là nơi nguy hiểm, là nơi đau khổ mà Ngài vẫn vào để cứu khổ "Phật tại thế gian thường cứu khổ, Phật tâm vô xứ bất Từ bi". Do đó, người có tâm Từ bi là người cao quý nhất trong loài người. Vì bản chất của loài người là tham lam, ích kỷ, bỏn sẻn, cáu bẩn; nhưng sống trong loài người như thế mà biết thương yêu cứu giúp loài người, biết vượt qua những ham muốn nhỏ nhen và tầm thường, sống vị tha và hy sinh để đem hạnh phúc và bình an tới cho mọi người, đó là người cao quý trong loài người. Người có tâm như thế phải là người không có tâm phân biệt người cao hơn mình là ai, thấp hơn mình là người nào. Lòng Từ bi bao trùm cả thế gian và muôn loài, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải. Do vậy, người có tâm Từ bi là người có tâm rộng lớn, có khả năng dung nhiếp và che chở người khác, loài khác; ví như một bà mẹ đang đem thân mạng che chở cho đứa con duy nhất. Cho nên, Từ bi là bà mẹ tuyệt vời nhất trong thế gian này.

5. Con đường đạt tới Từ bi

Để đạt tới Từ bi, người ấy phải thực tập sống: Mọi động thái trong sinh hoạt hằng ngày như đi, đứng nằm ngồi, ngay cả khi thức hay ngủ đều duy trì lòng thương và sự giúp đỡ. Người ấy đi không vội vàng, không đẩy xô người khác để đi, không "đạp" trên người khác, loài khác để đạt được ý thích của mình. Không vì tư lợi mà dẫm lên nỗi đau của kẻ khác, không dùng thủ đoạn hại người khác để được "ngồi" vào chỗ cao sang, quyền thế; không nằm trong trạng thái hân hoan đắc chí của kẻ thắng cuộc và cũng không yên giấc khi biết rằng "muôn loài còn chìm trong khổ nạn".

Trong kinh Thương yêu cũng nói rằng, để đạt tới an lac, đạt tới Từ bi thì người ấy phải biết "học hạnh thẳng thắn, khiêm cung, biết sử dụng Ái ngữ". Người thẳng thắn là người ngay thật, không che giấu, không bị thế lực bức ép mà phải che dấu sự thật, không vì lợi dưỡng mà quên đi đạo nghĩa. Nhưng nếu thẳng thắn mà không khiêm cung thì không phải là người có Từ bi thật sự. Tính khiêm cung sẽ giúp người thẳng thắn điềm tĩnh hơn, chọn đúng thời điểm, đúng đối tượng để khuyên bảo và răn dạy cũng như giúp đỡ. Biết sử dụng lời nói hòa ái, lời nói dễ nghe, lời nói gây thiện cảm là điều cần thiết để chinh phục và giúp đỡ đối tượng cần giúp đỡ. Tùy vào đối tượng cần giúp đỡ mà chúng ta sử dụng ngôn ngữ từ ái. Người hay sân giận phải dùng ngôn ngữ gì để thu phục, người hay cố chấp phải dùng ngôn ngữ thế nào để cải hóa,... đó là phương cách mà người muốn đạt tới Từ bi và thực hiện tinh thần Từ bi cần biết. Và để đạt tới Từ bi có hiệu quả thì người đó cần sống đơn giản, điềm đạm, từ hòa, ít ham muốn, và không đua đòi. Những yếu tố đó là cơ sở, là căn bản cho những ai muốn thực hiện và đạt tới tình thương và sự cứu giúp.

6. Hiệu quả của Từ bi

Người có tâm Từ bi thì người ấy phải luôn dùng trí tuệ để phán xét vấn đề thương yêu và cứu giúp của mình để không lạc vào tà kiến. Vì một khi cái thấy của mình sai lệch chẳng những gây thương tổn cho bản thân mà con gây khổ đau cho nhiều người, loài khác. Vì thế kinh Thập thiện nghiệp đạo, phần Công đức xa lìa tà kiến, nói rằng "nhược ly tà kiến, tức đắc thành tựu thập công đức pháp. Hà dẳng vi thập? Nhất đắc chân thiện ý lạc, chân thiện đẳng lữ; Nhị thâm tín nhân quả, ninh quyên thân mạng chung bất tác ác; Tam duy quy Phật, phi dư thiên đẳng; Tứ trực tâm chánh kiến, vĩnh ly nhất thiết cát hung nghi võng; Ngũ thường sanh nhân thiên bất tiện ác đạo; Lục vô lượng phước tuệ chuyển chuyển tăng thắng; Thất vĩnh ly tà đạo hành ư thánh đạo; Bát bất khởi thân kiến xả chư ác nghiệp; Cửu trú vô ngại kiến; Thập bất đoạ chư nạn" (Nếu xa lìa tà kiến thành tựu được mười pháp công đức. Mười công đức ấy, gồm: Một là được ý vui chân thiện, gặp bạn chân thiện; Hai là  thâm tín nhân quả, thà bỏ thân mạng, quyết chẳng làm ác; Ba là chỉ quy y Phật, không quy y các thiên thần; Bốn là Tâm ngay thẳng, chánh kiến, xa hẳn các ngờ vực, cát hung; Năm là thường sanh nhân thiên, không sa vào đường dữ; Sáu là có vô lượng phước huệ, ngày càng tăng thêm nhiều; Bảy là xa hẳn đường tà, tu tập Thánh đạo; Tám là không khởi thân - kiến, bỏ các ác nghiệp; Chín là an trú trong kiến giải vô ngại; và Mười là chẳng bị các tai nạn.)

Người có tâm Từ bi là người biết loại dần ham muốn, lấy ham muốn của mọi người làm ham muốn của mình, lấy ý thích của mọi người làm ý thích của mình. Người ấy không mong cầu một đời sống hứa hẹn, hão huyền. Người đó luôn thấy hạnh phúc ở ngay trong tâm của mình, người ấy luôn có trách nhiệm với chính bản thân mình và mọi người. Người ấy luôn thể hiện sống nếp sống lành mạnh, luôn thể hiện hai chữ "vị tha" mà không phải hai chữ "tự kỷ". Ngạn ngữ Nga có câu rằng "người ta thường đi tìm cái gì đó rất xa khi nó ở rất gần". Thông thường người ta hay đi tìm cái bên ngoài mình mà quên đi "gia trung hữu bảo" trong chính mình. Có lẽ, nhìn thấy mọi người trong cuộc đời là như thế, nên vua Trần Thái Tông đã nói:

“Lang thang làm khách phong trần mãi

Ngày vắng quê xa vạn dặm trình”

Người có tâm Từ bi là người chỉ cho người khác thấy đâu là quê hương đi về của mỗi người, đâu là con đường mà mỗi khi đặt chân bước đi là càng cách xa với quê nhà.

Vì thế, người có tâm Từ bi luôn được các bậc thức giả tán dương và ca ngợi, người đó chắc chắn sẽ vượt qua con đường gập ghềnh sanh tử một cách an toàn. Cho nên, kinh nói người có chất liệu Từ bi là người "không lạc vào tà kiến, loại dần ham muốn, sống nếp sống lành mạnh, và đạt thành trí giác, hành giả chắc chắn vượt khỏi tử sinh".

7. Từ bi theo quan niệm của thế gian

Theo quan niệm thông thường của thế gian, cho rằng người Từ bi là người nhu nhược mềm yếu, hiểu như thế là hoàn toàn sai, vì bao giờ trong Phật giáo khi đề cập đến Từ bi cũng nhắc đến Trí tuệ. Nếu Từ bi mà không có Trí tuệ soi chiếu thì Từ bi ấy không phải là Từ bi của Phật giáo. Phải có hiểu biết mới thương, phải có trí tuệ mới cứu giúp thì tình thương và sự cứu giúp ấy mới đưa tới kết quả tốt đẹp. Lấy một ví dụ về một nữ y tá bắt đầu ngày làm việc đầu tiên giữa một nhóm bác sĩ phẫu thuật của một bệnh viện nổi tiếng. Cô ấy chịu trách nhiệm về các dụng cụ và thiết bị trong ca phẫu thuật vùng bụng. Cô nói với bác sĩ:

- Bác sĩ chỉ lấy ra mười một bông thấm, trong khi chúng ta đã dùng mười hai miếng. Chúng ta cần phải tìm miếng còn lại.

Bác sĩ đáp: Tôi lấy ra hết rồi. Giờ chúng ta bắt đầu may lại vết thương.

- Bác sĩ không được làm như thế! - y tá nghiêm giọng - Hãy nghĩ đến bệnh nhân.

Với nụ cười trên môi, bác sĩ nhón chân lên và chỉ cho cô y tá miếng bông thấm thứ mười hai. Rồi bác sĩ nói với cô y tá rằng:

- Tôi tin rằng cô sẽ trở nên xuất sắc trong nghề này4.

Cho nên, Từ bi phải dựa trên trí tuệ và lập trường hợp lý của mình, chứ không phải Từ bi  có nghĩa là sao cũng được. Lại nữa, the đạo Phật, Từ bi không đồng nghĩa với sự ái chấp, lưu luyến. Đề cập vấn đề này, đức Dalailama cũng nói rằng5: "Loại thứ nhất gần giống với lòng lưu luyến - cảm xúc yêu thương một người nào đó và người đó sẽ yêu ngược lại mình. Đây là loại lòng Từ bi thiên vị và lệch lạc. Và một mối quan hệ dựa trên nền tảng như vậy sẽ không vững chắc. Mối quan hệ này có thể giúp người ta cảm thấy ấm áp, thân thiện, gần gũi, ví dụ như mối quan hệ bạn bè... Nhưng có hoàn cảnh nghịch, mối quan hệ này sẽ không tồn tại, thay vì cảm thấy yêu thương và lo lắng, giờ đây cảm thấy căm thù và tức giận. Vậy nên, lòng Từ bi đặt trên cơ sở là lòng luyến ái, luôn gắn liền với thái độ thù hận. Loại thứ hai là lòng Từ bi đích thực. Lòng Từ bi thực sự này dựa trên nền tảng là 'tất cả mọi người đều có bản năng khao khát được hạnh phúc và vượt qua đau khổ, giống như mình... Dựa trên nền tảng này, bạn có thể cảm thấy yêu thương tất cả mọi người, bất chấp họ là bạn bè hay kẻ thù của bạn".

Qua đó chúng ta thấy, Từ bi, theo Phật giáo, là nền tảng của mọi thứ tình thương trên thế gian và vượt lên trên thế gian, Từ bi ấy phải được soi chiếu bởi trí tuệ. Và Từ bi ấy là lối thoát, là con đường mang đến niềm vui, sự bình an và hạnh phúc cho mọi người và mọi loài.

III. Phần Lưu thông

Một định lý trong cuộc sống mà nhiều người đồng tình "Một ánh lửa chia sẻ là một ánh lửa lan tỏa. Một đồng tiền kinh doanh là một đồng tiền sinh lợi. Đôi môi có hé mở mới thu nhận được nụ cười. Bàn tay có mở trao bạn tâm hồn mới tràn ngập vui sướng". Thật bất hạnh cho những ai suốt cuộc đời chỉ biết "nhận" mà không biết "trao tặng". Có câu chuyện rằng: Ở Palestin có hai biển hồ. Biển hồ thứ nhất gọi là Biển chết, vì trong biển này không có sinh vật nào sống sót cả, ngay cả con người uống nước này cũng bị ngộ độc. Biển hồ thứ hai gọi là Biển hồ Galiê. Đây là biển hồ thu hút nhiều khách du lịch. Nước của hồ lúc nào cũng xanh trong, các sinh vật đều tập trung sinh sống ở đây. Một điều kỳ lạ là cả hai biển hồ ấy đều đón nhận dòng nước từ sông Jordan. Nước từ sông Jordan chảy vào biển chết. Biển chết tiếp nhận và riêng giữ cho mình mà không chia sẻ, nên nước trong biển chết trở nên mặn chát. Biền hồ Galiê cũng tiếp nhận nước sông Jordan, nhưng lại chia sẻ cho các dòng sông, cũng như các con kênh, rạch khác nên nước trong biển Galiê không mặn mà xanh mát, mang lại sức sống cho con người và muôn vật. Vì thế, khi biết chia sẻ thì chẳng những chúng ta không mất mát mà còn thêm giàu có, còn nếu chỉ biết 'nhận' mà không biết 'san xẻ' thì trước sau gì chúng ta cũng sẽ chết dần chết mòn và mọi người, muôn vật xa lánh như biển chết vậy. Thế nên, kinh dạy rằng: Nếp sống Từ bi là nếp sống cao đẹp nhất.¡



2 HH Dalailama & Howard C. Cutler, thuật sống trong hạnh phúc, nxb Trẻ, 2004, tr.107

3 Kinh Thập Thiện nghiệp đạo, phần Công đức xa lìa nghiệp sát, nói như sau: "Nhược ly sát sanh, tắc đắc thành tựu thập ly não pháp. Hà đẳng vi thập?. nhất, ư chư chúng sanh phổ thí vô uý; nhị, thường ư chúng sanh khởi đại từ tâm; tam vĩnh đoạn nhất thiết sân nhuế tập khí; Tứ, thân thường vô bệnh; Ngũ, Thọ mạng trường viễn; Lục, hằng vi phi nhân chi sở thủ hộ; Thất, thường vô ác mộng; tẩm giác khoái lạc; Bát, diệt trừ oán kết, chúng oán tự giải; Cửu, vô ác đạo bố; Thập, mạng chung sanh thiên" ( Nếu xa lìa sát sanh, thời thành tựu được 10 pháp không còn bức não. Những gì là mười? Một là đối với chúng sanh cùng khắp bố thí đức vô úy; Hai là thường khởi lòng đại từ đối với các chúng sanh; Ba là dứt sạch các tập khí giận hờn; Bốn là thân thường không bệnh; Năm là mạng sống lâu dài; Sáu là thường được phi nhân (quỷ thần) ủng hộ; Bảy là không gặp ác mộng, thức ngủ an vui; Tám là diệt trừ  oán nghiệp, oán thù tự giải; Chín là không sợ rơi vào đường dữ; và Mười là khi mạng chung được sanh lên trời.)

4 Chơn Hiền Ngọc sưu tầm, Nghệ thuật sống, tr.39

5  HH Dalailama & Howard C. Cutler, sđd tr.108

" dụ, trong hôn nhân thường tồn tại lòng lưu luyến. Nhưng tôi nghĩ rằng, nếu trong mối quan hệ hôn nhân đó đồng thời cũng tồn tại được lòng Từ bi thực sự, dựa trên nền tảng là tôn trọng, ngưỡng mộ lẫn nhau, vậy thì mối quan hệ hôn nhân đó sẽ tồn tại được vững bền. Trong trường hợp có lòng lưu luyến mà không có lòng Từ bi thực sự, mối quan hệ hôn nhân đó sẽ không thể bền vững và nhanh chóng kết thúc", sđd, tr.109

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle