“Khách” trên quê mẹ

“Khách” trên quê mẹ

  Ninh Giang Thu Cúc

 Kẻ lưu lạc tha hương thường tự phỉnh phờ: gọi nơi chốn mình đang sống "Quê hương thứ hai" người dân bản địa nếu chút tình người cũng gọi như thế.

Nhưng không, hơn ai hết kẻ lưu lạc từ góc sâu thẳm của tâm hồn họ biết rằng không phải thế và không hề như thế... dù cố hòa mình trong mọi sinh hoạt của cộng đồng nơi đang cư ngụ, họ vẫn vô cùng lạc lõng, bơ vơ, khi thấy nhà ai đang rộn rịp hoa quả, hương đèn để cùng đi viếng mộ phần tiên tổ vào những ngày giáp Tết...

Bằng nỗi niềm hương khói ấy, người phiêu bạt vội khăn gói quay về cố quận, lòng ăm ắp niềm vui viễn cảnh sum vầy.

 

 

Quê hương miền sông núi hữu tình với gia đình họ tộc, với Từ đường nội ngoại mà không khí thấm đậm tình huyết thống trong những ngày Tết tư kỵ chạp-bàng bạc khói hương, với mạch tâm linh đoàn tụ cho hai miền âm dương nối kết, để tình quê réo gọi đứa con xa khăn gói nôn nao trở lại nhà, nhưng trở lại mà không thể neo đời vĩnh viễn-kẻ phiêu bạt đành ra đi bởi nợ áo cơm réo gọi... Ra đi với đoài đoạn tiếc thương, với tủi hờn mặc cảm, với tâm trạng mình là khách vãng lai, trên quê hương máu thịt, lại vẫn là "kẻ ngụ cư" trên chính mảnh đất cắt rốn chôn nhau, là du khách chính nơi chốn đã cất tiếng khóc đầu đời để được khai sinh tên họ.

Nhưng có khi không về được quê hương xa ngái muôn trùng có thấu hiểu cho niềm nhớ thương của những đứa con xa xứ trong không gian vời vợi, và thời gian là tháng tận năm cùng:

Thăm thẳm chiều hôm quê quán vắng

Trên dòng khói tỏa chạnh lòng đau.

Đêm trừ tịch nào trên xứ người cũng vô cùng hiu hắt lạnh; dù bàn thờ có nghi ngút khói hương với đầy đủ phẩm vật, dù phòng khách có rực rỡ hoàng mai thì người tha phương vẫn cảm thấy thiếu thốn vô cùng một chút hồn quê, và một chút tình quê trong giây phút giao thoa của đất trời và trong lòng những đứa con phiêu bạt.³

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle