| Hạnh Chi
Bất cứ hành giả nào đọc, hay học qua kinh Duy Ma Cật, dù hiểu cạn hay sâu, ít
nhất cũng có cảm nhận về cuốn kinh đại thừa này qua cái nhìn
chung là “Tĩnh lặng vô ngôn. Tịch nhiên bất động”
Quả thật, toàn bộ cuốn kinh không trang nào không phảng phất
làn hương trầm Bát Nhã của chiều sâu tâm thức.
Ngay cả những cuộc viếng thăm đông đảo của hàng
Bồ Tát hay cảnh rực rỡ khi thiên nữ rải hoa vẫn biểu hiện cái uyên nguyên cực kỳ
tĩnh lặng của “tâm không dính cảnh, dù cảnh chẳng rời tâm”.
Mỗi khi chợt nghĩ đến Thầy, lòng tôi lại rộn lên niềm hạnh phúc của phút sơ tâm
khi học kinh Duy Ma Cật, cái sơ tâm của trẻ con khi cố tìm ra lý luận để phản
bác người lớn.
Tôi không thoải mái chút nào khi kinh trình bày một người cư
sỹ trí tuệ đến mức các đại đệ tử của Phật đều không dám đến gặp. Rồi khi ngài đệ nhất trí Văn Thù Sư Lợi đồng ý đi thăm bệnh
Duy Ma Cật, đối đáp cùng nhau, đến chương cuối, trưởng giả hỏi các vị Bồ Tát thế
nào là vào cửa Bất Nhị thì tôi chẳng thể đồng ý với ngài Văn Thù Sư Lợi chút nào!
Có
bị phạt quỳ hương hết bó nhang tôi cũng không nói khác được!
Làm sao mà sau khi nghe đủ hơn ba mươi vị Bồ Tát trả lời “Thế nào là
vào cửa pháp Bất Nhị?”, đến cuối cùng, ngài Văn Thù Sư Lợi hỏi trưởng giả
Duy Ma Cật thì lại chỉ nhận được sự im lặng? Ấy thế mà cái sự im lặng đó lại
được ngài Văn Thù tán thán: “Lành thay! Lành Thay! Cho đến không còn văn tự và ngôn thuyết mới thật là vào cửa Bất Nhị!”
Tới đây, tôi đã khởi ý nghi ngài Văn Thù Sư Lợi không … công bằng cho lắm!
Không biết vào thời mạt pháp này ngài có còn thỉnh thoảng
hiện thân hành khất trên Ngũ-Đài-Sơn hay không?
Nếu biết chắc ngài còn thương tưởng chúng sanh mà hóa hiện, tôi sẽ không quản
ngại xa xôi, sẽ trèo đèo lội suối tới dẫy núi huyền bí kia,
chờ gặp được ngài để bộc bạch nỗi ấm ức của mình.
Tất nhiên, tôi chẳng bao giờ có nổi cơ hội này.
Nhưng may quá, sau một lần nhập thất, thầy Tuệ Sỹ đã giải thoát cho tôi ra khỏi
nỗi buồn tưởng là thiên thu bất tận này.
Lần nhập thất đó Thầy đã hoàn tất “Huyền thoại Duy Ma Cật”, trong đó, ở chương
“Cửa Vào Bất Nhị”, Thầy đã nhẹ nhàng đặt bút:
“Trong đối thoại về Bất Nhị môn này, sự im lặng của Duy Ma Cật được nhận
thức là cao nhất, là diễn tả tuyệt vời nhất về Bất Nhị. Nhưng, nhìn từ một hướng
khác, nếu không có minh giải từ Văn Thù thì sự im lặng của Duy Ma Cật trở thành
vô nghĩa! Cho nên, điều vi
diệu ở đây là nói lên được cái không thể nói. Trước, sự
im lặng của Duy Ma Cật là diễn đạt của Văn Thù.
Sau, sự im lặng của Duy Ma Cật cũng là sự diễn đạt của Văn Thù.
Cả hai, Thánh-mặc-nhiên và Thánh-ngôn-ngữ đều cùng hiển thị một thực tướng duy
nhất, là thực tướng ly ngôn…”
Thì ra, trưởng giả Duy Ma Cật tuy dùng sự im lặng, nhưng cũng phải có cái
hữu-tướng mới có thể trình bày được cái vô-tướng; cũng như Văn Thù Sư Lợi, đã
dùng ngôn-ngữ để giãi bày cái vô-ngôn.
Chúng sanh vô minh này xin sám hối cùng đại trí Văn Thù Sư
Lợi Bồ Tát.
Con xin cảm tạ Thầy Tuệ Sỹ.
Thầy lại vừa nhập thất.
Không biết lần này Thầy nhập thất bao lâu nhưng tôi biết, từ
nhiều thập niên, Thầy chỉ dùng bữa trưa với lưng chén cơm đạm bạc, sau đó, không
gì thêm ngoài nước trà, cho đến trưa hôm sau. Ngay cả khi tứ đại bất an, chúng tôi xin Thầy dùng chút sữa
thì Thầy nhẹ nhàng từ chối: “Sức khỏe tui, tui biết, các anh các chị làm sao
biết được”.
Thế là huynh đệ chúng tôi có xót xa cũng đành mượn cách trả lời vào cửa Bất Nhị
của Duy Ma Cật là … im lặng!
Lần này, tôi may mắn được Thầy giảng giải cho dăm điều thắc mắc trong kinh
Trường-A-Hàm trước khi nhập thất, vì sau đó, Thầy sẽ cắt đứt mọi thông tin, chỉ
có thị giả là mỗi ngày còn được gặp Thầy dăm phút khi đưa cơm mà thôi.
Tôi đã về tới đường hẻm đó, đã bước lên những bực thang xi măng buốt lạnh dẫn
tới hành lang heo hút đó, đã thấy căn phòng làm việc đơn sơ với chiếc võng con,
bàn viết nhỏ, máy vi tính cũ kỹ và một kệ sách. Nơi ấy, từ
nhiều thập niên qua, Thầy đã là biểu tượng của “Tĩnh lặng vô ngôn.
Tịch nhiên bất động”.
Hoa thơm rải tới, hay bùn đất tạt vào cũng chỉ được đáp
lại bằng tiếng gió lao xao thổi nhẹ qua những giò phong lan.
Phải chăng đó là hữu-tướng hiển bày vô-tướng, là hữu-thanh
truyền đạt vô-thanh; như mặt trăng tịnh nhiên bất động giữa hư không nhưng ánh
trăng vẫn tỏa chiếu muôn sông, muôn suối. Nơi nào nước trong sẽ thấy trăng tỏ, nơi
nào nước đục sẽ chỉ thấy trăng mờ.
Những bài học bằng thân-giáo như vậy chẳng phải thời nào cũng có, nếu thế gian
không quá đảo điên trầm thống; chén cơm cam lộ được xông ướp bằng hương đại bi
của Như Lai từ cõi Phật Hương Tích chẳng phải thời nào cũng ban phát, nếu cơ
duyên không tựu thành pháp hội Yêm-la.
Khó đến thế nhưng chẳng là thất vọng vì: “Pháp-thân vốn vô tướng
nhưng
lại ứng hiện theo từng hình tướng đặc thù. Vần điệu chí cao thì vẫn không lời mà
thư tịch huyền vi khắp nơi quảng bá” (*)
Thầy đang nhập thất.
Thị-Ngạn-Am vẫn đó, gần, thật gần.
Nhưng những gì Thầy cưu mang và ấp ủ từ am thất nhỏ bé đó, đã và đang đi xa,
thật xa. Từng đêm “Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn”(+)
đã hoàn tất những quà tặng đẹp đẽ cho đời, từ sáng tác tới dịch thuật. Đó là
những trang cảo thơm Thắng Man Giảng Luận, Tô Đông Pha-Những Phương Trời Viễn
Mộng, Giấc Mơ Trường Sơn, Trường-A-Hàm, Trung-A-Hàm, Tạp-A-Hàm, tuyển tập Nikàya
A-Hàm, Triết Học Tánh Không, Thành Duy Thức Luận, Thiền Luận, Ngục Trung Mị Ngữ,
Huyền Thoại Duy Ma Cật v.v...
Mới hay, phương tiện được nhìn qua lăng kính Cư-trần-lạc-đạo có vẻ đơn giản nhưng thật ra chẳng
đơn giản chút nào!
NAM MÔ CÔNG ĐỨC LÂM BỒ TÁT.
NAM MÔ ĐẠI TRÍ VĂN THÙ SƯ LỢI BỒ TÁT.
Hạnh Chi
(Độc-Cư-Am, tháng giêng 2009)
(*)Tăng Duệ, tựa kinh Duy Ma Cật
(+) Thơ TS