Pháp lạc vô biên

PHÁP LẠC VÔ BIÊN

 

 

● Thích Nữ Minh Tâm

 

 

 

Tháng Năm vừa qua, tôi có phước duyên được một vị sư Trụ trì tại Cali mời sang chỉ dạy Oai Nghi Giới Luật cho một số tân ni sinh (tuổi đã quá 50) mới xuất gia tu học với chí hướng xuất trần “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”.

Thú thực là từ xưa tới nay, cá nhân tôi rất ngán chỉ dạy, góp ý, nhất là không dám “độ” các bậc “trưởng lão tân ni xuất gia” vì tự nhận thấy sở học sở tu của mình còn kém cỏi quá, còn quý vị cao niên kia dù sao cũng mang trên lưng cả một quá khứ oai phong lẫm liệt, chẳng ông nọ thì cũng bà kia, cho nên nể tình đồng đạo thì bấm bụng nhận lời nhưng trong lòng thì ngán ngẩm ngổn ngang trăm mối!!

Ngày đầu bước vào lớp học, nhìn trên bàn thấy có một bình hoa tươi đẹp như hoan hỉ đón chào, nhìn ngang chạm mắt vào các gương mặt nhăn nhó mệt mỏi, mắt lơ đãng thất thần, dáng ngồi không ngay ngắn… có lẽ vì bắt buộc phải “đi học khi kinh sử đã đầy một bụng”, tôi càng chua chát đến độ bật cười. Giời đất thiên địa ơi! Phật Tổ ơi! Sao người tu ở cái xứ này hiếm hoi đến thế nhỉ? Bói cả chục năm cũng không tìm ra được một đồng chân hay niên thiếu xuất gia nữa.

- “Kính mời quý vị đứng lên cùng niệm Phật!”

Nhiếp tâm vào tiếng niệm Phật, lắng tai nghe dứt hồi chuông, tôi dần lấy lại bình tâm và phát khởi lòng từ nhìn những vị “ni sinh cao niên” trước mặt. Bỗng dưng tôi chợt nhớ một câu trong Qui Sơn Cảnh Sách: “Bất giác lủng chủng lão hủ, xúc sự diện tường. Hậu học tư tuân, vô ngôn tiếp dẫn...” (Thế rồi không hiểu biết chi lại lóng cóng già yếu, gặp việc thì như đối diện với tường vách, người học sau có thưa hỏi điều gì thì cũng không biết thế nào để hướng dẫn...) và cảm thấy trong lòng dâng lên một niệm bi thương kỳ lạ. Dù sao đi nữa, ít nhất ra họ cũng đã biết quay đầu về với Phật, nương bóng từ bi, mong tìm được một chút tư lương tâm linh cho quãng đời còn lại; ít nhất ra họ cũng biết tự gieo trồng cho chính họ một hạt mầm giác ngộ. Biết nói sao đây? Thôi có cũng còn hơn không!!

Tất cả những vị tân ni sinh kia đều cư trú tại nước ngoài đã lâu năm, người ít nhất cũng đã hơn mười mấy năm trời xa quê mẹ, và hầu như tất cả cũng chưa hề về chùa lễ Phật một lần nào ngay khi còn sống tại Việt Nam. Họ nói, “Ngày xưa khi còn trẻ, chúng tôi chỉ lo quay cuồng kiếm sống, vui chơi… Tôn giáo, đối với chúng tôi, như là một thứ thuốc an thần cho người già, người bệnh”.

Và lẽ dĩ nhiên, qua thời gian sống khá lâu tại xứ người, họ cũng thích ứng và hội nhập vào nếp sống văn minh hiện đại của Âu Mỹ nhiều hơn, vì thế họ thích học giáo lý, giới luật, oai nghi, v.v… theo phương cách của thiền sư Nhất Hạnh và tỏ vẻ khó chịu, buồn ngủ khi tôi đề nghị học cuốn Giới Pháp Xuất Gia do Hòa thượng Trí Quang dịch lại từ bản Hán văn của Tổ Vân Thê, Tổ Qui Sơn hay Tổ Độc Thể.

Tôi cố thuyết phục họ học bản dịch này vì hai nguyên nhân chính:

1) Tôi rất thích và xúc động mỗi lần đọc lại những lời văn ẩn mật thâm sâu của chư Tổ ngày xưa: “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu...” (Người xuất gia cất bước thì muốn vượt tới phương trời cao rộng, tâm tính và hình dung khác hẳn thế tục, tiếp nối một cách rạng rỡ dòng giống của Phật, làm cho quân đội của ma phải rúng động khuất phục, với mục đích báo đáp bốn ân, cứu vớt ba cõi).

2) Tôi cảm thấy như trở lại thời gian 30 năm qua, ngày tôi mới xuống tóc, hí hửng vui cười trong chiếc áo năm thân ngộ nghĩnh, và ngày ngày siêng năng say mê học thuộc lòng các thời khóa, các nghi thức cũng như vùi đầu dùi mài suy tầm áo nghĩa thâm huyền trên từng trang Kinh ngọc.

Nhớ lại...

3 giờ rưỡi sáng. Hồi chuông thức chúng thứ nhất vang lên báo hiệu. Tất cả đại chúng trong ni viện đều thức giấc.Tôi dật dừ ngái ngủ lồm cồm bò dậy theo, quơ khăn mặt bàn chải đánh răng, vội vàng làm cho thật nhanh thật gọn các thủ tục vệ sinh cá nhân, và lật đật mặc áo tràng theo chân các sư cô khác lên chánh điện tụng kinh.

Tôi xuất gia khi còn trẻ tuổi nên sức ăn sức ngủ còn khỏe mạnh, giờ nào cũng thấy rỗng ruột, phút nào cũng có thể ngủ được, '63ó khi đứng mà cũng ngủ được đấy; vì thế thời khóa Lăng Nghiêm buổi sáng sớm, đối với tôi, là cả một khổ nạn. Ngày đó, ôi, sao tôi ghét cái tiếng chuông thức chúng đến thế!! Tuy nhiên nói đi nói lại cũng phải tự khen thưởng cho tôi điểm mười, vì mặc dù bản tánh tôi rất lười biếng, tôi cũng đã học thuộc lòng rất mau hai thời khóa công phu sáng chiều và các nghi thức chỉ trong vòng hơn hai tuần lễ nhập chúng. Chưa hết đâu, chúng ngũ giới xuất gia như chúng tôi còn phải chấp tác mọi công việc nặng nhọc trong tự viện, và phải học cả Hán văn nữa vì ngày đó đa phần các bản kinh văn đều viết bằng Hán tự nên các tăng sĩ phải nắm vững ít nhất phần cơ bản Hán văn để có thể lãnh hội ý nghĩa câu kinh khi theo học các lớp do chư Tôn đức chỉ dạy. Tuy nhiên chỉ là những khó khăn lúc đầu thôi. Sau một, hai năm thì chúng tôi cũng đã kha khá lắm rồi và càng học càng say mê ý nghĩa của từng lời kinh câu kệ. Tâm hồn tôi cũng dần mở rộng thăng hoa, đón nhận luồng gió giáo lý thổi mát cõi lòng u ám trì độn, làm yếu dần đi những đốm lửa tham, sân, si ngầm cháy từ bấy lâu nay; và từ đó tôi không còn cau có, rủa thầm tiếng chuông cảnh tỉnh đêm khuya nữa mà đã biết lắng lòng rưng rưng khởi bi tâm cầu nguyện cho loài ngạ quỉ hay súc sanh đang chịu đọa đày chốn A-tỳ địa ngục:

“Nguyện thử chung thinh siêu pháp giới,

Thiết vi u ám tất giai văn,

Văn trần thanh tịnh chứng viên thông,

Nhất thiết chúng sanh thành chánh giác.

Văn chung thinh, phiền não khinh,

Trí tuệ trưởng, bồ đề sanh,

Ly địa ngục, xuất hỏa khanh,

Nguyện thành Phật, độ chúng sanh.

Án già ra đế da tá ha!” (3 lần)

(Nguyện tiếng chuông này khắp pháp giới, cõi thiết vi u ám thảy đều nghe, căn cảnh thanh tịnh chứng hoàn toàn, hết thảy chúng sanh thành chánh quả. Nghe tiếng chuông, phiền não nhẹ, trí tuệ lớn, bồ-đề sanh, lìa địa ngục, vượt hầm lửa, nguyện thành Phật, độ chúng sanh. Án già ra đế da tá ha!)

Giọng hô đại hồng chung của vị Sư cô hương đăng ngày đó sao tuyệt vời đến thế, như chuyên chở cả một trời tình thương đến khắp vạn loài, như nhắc nhủ chúng sinh sớm thức tỉnh giấc mộng dục lạc miên trường đầy đau khổ (nhưng mà phải hô chuông theo âm Hán Việt mới hay cơ!)...

- “Mô Phật, xin sám hối quý vị, tôi đã thất niệm hồi tưởng lại ngày xưa khi mới xuất gia vào chùa như quý vị đây nên đã kể lể dông dài huyên thiên làm mất thì giờ quý vị. Thôi để đền bù lại, chúng ta hãy cùng nhau học nghi thức hàng ngày theo thiền sư Nhất Hạnh cho phù hợp...”

- “Dạ, không sao. Sư Cô cứ chỉ dạy chúng con theo ý của Sư cô. Nghe Sư cô kể lại chuyện ngày mới xuất gia, chúng con thấy vui quá và cũng buồn tủi vì chúng con đã già nua rồi mới biết Đạo”, một vị tân lão ni bùi ngùi tâm sự.

Một vị khác lên tiếng:

- “Bây giờ thì quá trễ rồi, chúng con không thể nào học được Hán văn đâu nhưng Sư cô hoan hỷ giải thích những lời dạy của chư Tổ để chúng con noi theo học hỏi được chút nào thì cũng quí lắm rồi!”

Tôi cảm động rưng rưng nước mắt nhìn những gương mặt già nua ngây thơ kia. Hình như có vầng ánh sáng tỏa chiếu rạng rỡ trên gương mặt, trong ánh mắt, trong nụ cười hóm hém hiền hòa của những người kém phước duyên hơn tôi – xuất gia qui y theo Phật khi tuổi đã về chiều.

Thôi dù sao đi nữa, có cũng còn hơn không, biết lối quay đầu trở về nương tựa Phật, Pháp, Tăng là quý lắm rồi – biết nói sao đây, thôi thì vạn sự tùy duyên.

Thế rồi, ngày qua ngày, các vị tân ni sinh kia rất siêng năng hòa theo tôi ê a tụng lại những lời dạy của chư Tổ. Trông họ rất dễ thương như trẻ thơ vậy. Có lẽ họ, cũng như tôi, đã và đang trở về thuở hồn nhiên chân thật trong sáng của mình!

Chúng tôi cùng học hỏi trao đổi với nhau thật vui, thật ấm áp tình thầy trò '68uynh đệ, và cũng đã nghẹn ngào ray rứt như nhau khi đọc bài Sám Qui Mạng:

“Qui mạng thập phương Điều Ngự Sư,

Diễn dương thanh tịnh vi diệu pháp,

Tam thừa tứ quả giải thoát Tăng,

Nguyện tứ từ bi ai nhiếp thọ.

Đệ tử chúng đẳng tự vi chân tánh, uổng nhập mê lưu, tùy sinh tử dĩ phiêu trầm, trục sắc thanh nhi tham nhiễm, thập triền thập sử, tích thành hữu lậu chi nhân, lục căn lục trần, vọng tác vô biên chi tội... phi mao đới giác, phụ trái hàm oan...”

(Quay về kính ngưỡng mười phương các Đấng Điều Ngự, cả Pháp Phật nhiệm mầu thanh tịnh và các bậc Thánh Tăng chứng quả La Hán Vô Sanh, cúi nguyện xin từ bi gia hộ cho chúng con. Lũ chúng con đây, trái ngược bản tâm, ngu xuẩn luân hồi trôi lăn theo dòng si ám, rong ruỗi tham lam đắm nhiễm chạy theo âm thanh bóng sắc, nên mười sợi dây phiền não trói buộc, mười thứ lôi kéo khiến sai, cấu kết chất chồng thành mầm nhân đọa lạc, sáu căn sáu trần, huyễn hoặc tạo tác ra vô biên tội lỗi... nên phải mang lông mọc sừng, đền trả lại các tội nghiệp đã gây ra...)

Ôi, từng lời nhắc nhủ dạy răn của chư Tổ nghe sao khẩn thiết ngậm ngùi, thấm thía tận cùng xương tủy. Từng chữ, từng câu, từng lời của chư Tổ truyền dạy cho chúng ta là tất cả sự chứng nghiệm tâm linh, là tất cả quá trình gian nan hành trì tu học, là tất cả sự phấn đấu kiên cường vượt qua mọi cám dỗ lợi danh, mọi thành lũy bản ngã cốt yếu đạt cho bằng được giác ngộ tự tâm. Đúng vậy, nếu không thì không những uổng kiếp sống thừa mà còn phải mang lông đội sừng đền trả lại cơm áo của đàn na tín thí.

Lớp học của chúng tôi đã kết thúc sau ba tuần lễ trong niềm pháp lạc. Ai nấy đều hoan hỷ và hứa hẹn sẽ cùng nhau cố gắng tu học theo lời Phật Tổ đồng thời rất mong sẽ có ngày gặp lại để trao đổi Phật pháp sách tấn nhau. Trải qua kinh nghiệm chỉ dạy lần này, quan kiến cá nhân tôi cũng đã thay đổi ít nhiều. Tôi nhìn cuộc đời, nhìn mọi người với sự cảm thông sâu sắc hơn, với từ tâm hơn, hoan hỷ hơn. Tôi sẽ tùy duyên uyển chuyển linh động hơn, bớt cứng ngắc cố chấp hơn trong từng trường hợp để giúp người giúp mình thêm phần lợi lạc hữu ích.

Thêm một người tu, bớt được một kẻ si mê tội lỗi.

Thêm một ngôi chùa, bớt được một ngục tù tra khảo đọa đày.

Nguyện cầu thế giới thanh bình, chúng sanh an lạc.


 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle