Hình như ca dao là nguồn suối mát ngọt ngào, là bầu không
khí thanh cao, là ngọn gió chiều đưa hương từ hoa đồng cỏ nội, lừng bay thơm
ngát muôn phương, tụ lại để nuôi dưỡng tâm hồn người dân quê. Có lẽ nhờ vậy mà
dân tộc Việt Nam mới có một đời sống bao dung mà giản dị, đơn sơ mộc mạc nhưng
thấm đậm tình người. Tuy hồn nhiên như cây cỏ lá hoa và hiền lành như những đàn
chim bồ câu trắng, mang thanh bình đến cho nhân loại.
Cho nên thỉnh thoảng chúng ta hay nhắc nhở đến những câu
ca dao như:
Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau ...
Là chúng ta đã tìm thấy tư tưởng của những người bình dân,
họ giản dị đến chừng nào? Tình cảm họ đơn sơ nhường bao và đời sống họ cũng an
bình biết mấy. Sự giản dị đã đem lại cho gia đình nhiều an vui, cho cuộc sống
những giây phút thanh nhã. Từ đó, xã hội cũng được thừa hưởng một sự bình đẳng
mà không bị áp đặt bởi một quyền lực nào. Nhưng không phải vì thế mà làm giảm đi
giá trị tinh thần của người mẹ, trái lại họ đã thăng hoa tình mẹ lên đến tuyệt
vời. Họ đã dùng những phẩm vật như: xôi nếp một, chuối ba hương
và đường mía lau, là những sản phẩm "Quốc hồn quốc túy" để so sánh với
tình mẹ, thì thật là xứng đáng nhất, cao quý nhất mà có lẽ không gì sánh bằng,
không có gì bì nổi.
Công cha như núi Thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Cũng là những thực thể của tạo vật, của vũ trụ có vóc dáng
nguy nga nhất; những mạch nguồn sâu thẳm nhất, uyên nguyên nhất đang lắng vào,
đang đọng lại hòa chung với hồn quê, tình nước để nuôi dưỡng thiên nhiên, để nẩy
mầm sức sống.
Quê hương và tình mẹ luôn bao la như biển cả, nghĩa cha
luôn uy dũng như núi cao, mà ngàn đời đã có không biết bao nhiêu văn nhân thi sĩ
từ đông sang tây ca ngợi. Từ những bậc uyên thâm cho đến hàng dân dã, từ những
ngôn ngữ cao xa trừu tượng, cho đến tiếng nói bình dân. Mỗi người một vẽ, mỗi
tiếng nói có một sắc thái riêng, nhưng nội dung thì vẫn cùng chung ý nghĩa. Đó
là vinh danh công đức của Tiên Tổ đã dày công xây dựng nên một quốc gia xã hội,
một tiền đồ cho con cháu đến muôn sau.
Như một nhà văn phương tây cũng đã ví von: "Mẹ và Quê
hương là những kỳ quan đẹp nhất thế giới".
Cũng phải, vì ở đời chúng ta được sinh ra và lớn lên, được
che chở trong một mái ấm gia đình, được nâng niu bằng vòng tay của mẹ, được trìu
mến bằng ánh mắt của cha và được học hỏi với thầy và bạn để trở thành người hiểu
biết. Đó là nhờ công ơn của đấng sinh thành, và những người có liên hệ cũng như
trách nhiệm. Cho nên việc ca ngợi "công đức sinh thành" là dụng tâm để nhớ đến,
dụng ý để báo đền. Dĩ nhiên việc báo đáp công ơn cha mẹ cũng còn tùy thuộc vào
hoàn cảnh của xã hội, trình độ của từng cá nhân, tập tục của mỗi xứ sở. Nếp sống
của con người, phần lớn là hòa điệu chung với nếp sinh hoạt tại mỗi địa phương,
mỗi dân tộc, để từ đó tạo nên những lề lối, những phong tục, những phương thức
khác nhau, trong vấn đề sinh sống và bảo vệ đời sống (ở phương Tây, thì họ lấy
"xã hội" làm nền tảng cho sinh hoạt đời sống của họ). Như lúc còn trẻ đi làm việc thì phải đóng những khoản
"bảo hiểm tuổi già" rồi đến lúc về già thì các cơ quan xã hội địa phương sử dụng số tiền của những người đã đóng, thuê nhân viên điều
dưỡng đến săn sóc cho họ, hoặc tại tư gia, hoặc tại một nơi có nhà dưỡng lão
chung cho mỗi điạ phương.
Ngược lại tại Á châu, nhất là dân tộc Việt Nam chúng ta
thì lại lấy "gia đình" làm nền tảng trong việc sinh hoạt đời sống xã hội. Cha mẹ
con cháu đều quây quần trong một mái gia đình, do đó mà việc phụng dưỡng cha mẹ
là bổn phận của những người con.
Sinh hoạt "xã hội" còn tùy thuộc vào nền kinh tế, tùy
thuộc vào thiên nhiên. Như ở phương Tây thì nền kinh tế chính là ngành công
nghiệp, kỹ nghệ hoá đời
sống; còn ở Á đông thì phần lớn sinh sống bằng ngành nông nghiệp.
Những sinh hoạt về đời sống của con người trong mỗi xã
hội, đã thể hiện qua tâm tình, qua văn chương thi phú, bằng những nét đặc sắc,
với những diễn tả tuy không được trọn vẹn, đối với nghĩa biển tình sông, đối với
công ơn tiên tổ, dù có đôi chỗ khác
nhau về hình thức hay nội dung, nhưng chung quy cũng đều với mục đích là làm
tròn tấm lòng hiếu thảo.
Có lẽ, người Việt Nam chúng ta là một dân tộc thiết tha
với Quê hương và Mẹ hơn ai cả, nhất là những người sinh sống ở miền quê. Vì họ
được sinh ra trong lòng quê hương và lớn lên trong vòng tay của mẹ. Quê hương đã
cho hơi thở, Mẹ đã cho con một hình hài vóc dáng, hơi ấm và bóng mát của tình
thương. Cho nên lòng con luôn canh cánh một ân sâu nghĩa nặng:
Biết lấy chi đền ơn cho mẹ đặng chừ
Mẹ cưu mang con chín tháng có dư mười
ngày.
Mẹ đã lo cho con từng miếng ăn giấc ngủ, từ khi mới lọt
lòng thì mẹ đã: bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn. Đến khi trưởng thành mẹ vẫn còn
lo đủ mọi chuyện, từ việc ăn học đến việc lập gia đình cho con.
Còn cha gót đỏ như son
Một mai cha mất gót con như bùn.
Tình cha thương con cũng tròn đầy, cũng diệu vợi qua ánh
mắt trìu mến, với tấm lòng độ lượng, mà đôi khi không nói bằng lời. Nhưng khi
thấy con mình vui chơi với bạn, thuận hoà với anh chị em trong nhà, học hành
siêng năng và ngoan ngoãn, thì lòng
cha cũng đã rung lên vì sung sướng, vì hạnh phúc! Tấm lòng của cha là thế, cần
chi phải nói nên lời, cần gì phải diễn tả bằng ngôn ngữ? Vì ngôn ngữ đôi khi
cũng chẳng diễn tả trọn vẹn tình cảm.
Tâm hồn người dân quê họ đã thấm nhuần tình mẹ, đã tận
hưởng nghĩa cha như cây cỏ được tưới tắm bởi nắng mưa, như rong rêu được đắm
mình trong lòng suối mát, như con người và thiên nhiên đều hòa chung làm một.
Thế cho nên dù họ có đi xa, dù không gian có ngăn cách, dù thời gian có bào mòn
tuổi nhớ, nhưng trong lòng họ vẫn luôn luôn đầy ắp những tình tự yêu thương. Như
họ đã và đang thừa hưởng một gia tài quý báu nhất đó là: Quê hương và Cha Mẹ .
Ở đây, chúng tôi xin giới thiệu "tình tự" của những người
dân quê, những người được sinh ra với đồng ruộng nương dâu, với lũy tre, bụi
chuối, với luống cải, vườn cà... Những người mà tâm hồn họ được tắm gội bởi
sương sớm gió chiều, bởi hoa thơm cỏ lạ. Do đó mà họ trở thành những con người
đơn sơ như cây cỏ, hồn nhiên như lá hoa, nhưng lại là những người thiết tha đến
nghĩa tình hơn ai cả: Ăn quả
nhớ kẻ trồng cây, uống nước
nhớ nguồn.
Cho nên họ luôn đối đãi với bậc phụ huynh thì tương kính,
thân thương. Lúc ở gần thì họ mến yêu, săn sóc:
Khó nghèo xé vạt vá vai
Làm thuê nuôi mẹ quản ai chê cười.
Nhưng khi vì hoàn cảnh phải đi lấy chồng xa, thì họ cũng
vẫn luôn nhớ nghĩ về mẹ:
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.
Phận làm con lúc nào cũng thường nghĩ đến bổn phận, mặc dù
không ai bắt buộc mình phải làm như thế nầy, phải xử sự như thế nọ. Nhưng họ vẫn cứ nghĩ đến bổn phận như một
nhu cầu cần thiết cho đời sống. Cho nên họ luôn đo lường theo hoàn cảnh hiện tại
của mình, để làm cái bổn phận thiêng liêng đó:
Công cha nghĩa mẹ tầy non
Có chi trả nấy đạo làm con không nài.
Hay là:
Ơn thầy đồng núi, nghĩa mẹ đồng non
Trả chừng mô hay chừng nấy, chớ đạo làm
con không biết chừng.
Việc đền đáp công ơn cha mẹ, đối với người dân quê họ cũng
không cần đắn đo suy xét, không cần nghĩ đến danh giá của mình, miễn sao làm cho
bậc song thân vui lòng là họ cũng đã mãn nguyện lắm rồi:
Mẹ già ở túp lều tranh
Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con.
Trong tinh thần gắn bó với tình nghĩa cha mẹ, yêu mến nơi
chốn đã sinh trưởng, có nhiều kỷ niệm để nâng niu thì người ta không muốn đi xa,
cho dù phải đi theo tiếng gọi của con tim:
Mẹ ơi đừng gã con xa
Chim kêu vượn hú biết nhà mẹ đâu!
Sự quyến luyến với cha mẹ, với quê hương nên không ai nỡ xa, vì lòng
luôn lo lắng:
Ra đi bỏ mẹ ở nhà
Gối nghiêng ai sửa, chén trà ai bưng?
Vì thế mà đôi khi đối với tình cảm lứa đôi, người con gái
cũng xem nhẹ:
Ơn thầy nghĩa mẹ tào khang
Em đây chưa trả nổi, huống chi chàng
người dưng?
Với tất cả tấm lòng của người con đối với cha mẹ, là chỉ
lo cho tròn chữ hiếu, đôi khi không màng đến chuyện hạnh phúc tương lai của
riêng mình, mà đành chấp nhận sự chọn lựa và đặt để về hôn nhân, về tình cảm lứa
đôi như một định luật:
Thầy mẹ đặt gióng sửa triêng
Phải sao chịu vậy chớ trùng triềng mà đau
vai !
Nhiều khi vì nặng tình hiếu thào với cha mẹ, cũng đành từ
chối chuyện gió trăng, hẹn hò gái trai, hay chuyện tương lai của đôi lứa:
Ai bưng trẩy rượu đến đó, chịu khó mang
về
Em đây còn theo chân thầy gót mẹ cho đặng
bề hiếu trung.
Nỗi phân vân với hiếu trung vẫn luôn thao thức không vơi,
vì tình nghĩa của cha mẹ như nước trên trời rơi xuống, chứ có khi nào chảy ngược
về nguồn. Thế nên đạo làm con luôn nghĩ đến, nhắc nhỡ nhau hoài:
Biết lấy chi đền ơn trả thảo, kẻo bên ướt
mẹ nằm, bên ráo con lăn…
Hai đứa mình tính liệu mần răng
Lên non tạc đá xây lăng phụng thờ.
Hay là:
Ơn ba năm nhủ bảo sao không ai biết
Nghĩa mẹ chín tháng dưỡng dục thiên hạ
đều hay
Chàng ơi, biết lấy chi mà đền công ơn
thầy mẹ
Kẻo uống đắng với nuốt cay bao tháng
ngày?...
Ân nghĩa cha mẹ cao vời như vậy, nhưng họ cũng tìm cách
nào hợp tình hợp lý để báo đáp. Chừng mực nào đó tùy theo khả năng và hoàn cảnh
của từng người, chứ họ cũng không phải hy sinh thân mạng của mình (như trong các
chuyện cổ tích ngày xưa) để báo hiếu, vì họ cũng còn nghĩ rằng mình gìn giữ được
thân tâm cho chính mình, tự bảo đảm lấy đời sống của mình, thì đó cũng là niềm
vui của cha mẹ, mà khi cha mẹ được vui, được hạnh phúc thì cũng là một phương
pháp báo hiếu vậy. Vì cha mẹ nuôi con thì cũng mong cho con khôn lớn nên người,
mong cho con mình được hạnh phúc:
Trồng cây cũng muốn cây xanh
Nuôi con cũng muốn con thành thất gia.
Khi con mình trưởng thành, có gia thất, cha mẹ lại muốn
đông con, nhiều cháu để nối dõi tông đường!
Tấm lòng bao dung ấy của cha mẹ thật là vô bờ bến, nó còn
nhắc nhở cho chúng ta biết bao nhiêu kinh nghiệm của đời sống, cần phải xử sự như thế
nào cho phải Đạo làm người. Thì cũng chính những kinh nghiệm của cha mẹ đã cho
chúng ta biết được bổn phận :
Lên non mới biết non cao
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ.
Học được từ những kinh nghiệm ấy của cha mẹ, cho nên người
dân quê họ cũng đã biết tạo những sản phẩm sẵn có nơi đồng quê, để cung phụng
cho cha mẹ hầu báo đáp ân sâu:
Tôm hùm bóc vỏ bỏ đuôi
Gạo de An cựu em nuôi mẹ già.
(ca dao thuộc tỉnh Thừa thiên, biển Thuận an có nhiều tôm
hùm, loại tôm rất lớn và cánh đồng An cựu trồng toàn loại lúa de, loại lúa gạo
rất dẻo và thơm).
Đói lòng ăn đọt chà là
Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng.
Sự quan tâm đến sức khỏe của cha mẹ, cũng đã nói lên những
tấm gương sáng về tấm lòng hiếu hạnh của những người con.
Không những chỉ nuôi dưỡng song thân bằng vật chất, mà còn
nghĩ đến lãnh vực tinh thần nữa. Họ luôn nghĩ đến hiện tại phải làm thế nào cho
cha mẹ mình vui lòng, như luôn thăm viếng, hỏi han chẳng hạn, những việc đơn
giản nhất, cốt sao cho cha mẹ mình hạnh phúc, an vui.
Việc ngợi ca tình mẹ đối với người dân quê Việt Nam, đôi
khi không chỉ nằm trong phạm vi tình nghĩa của cha mẹ mình, mà còn nâng cao tinh
thần cha mẹ trở thành một biểu tượng chung:
Mẹ già là mẹ già chung
Em lo cơm cháo anh cùng thuốc thang.
Tình nghĩa vợ chồng là chung hợp, cho nên họ xem cha mẹ là
tình chung (tứ thân phụ mẫu = cha mẹ bên vợ hay bên chồng, cũng đều là cha mẹ
của mình cả), nên việc phụng dưỡng, hay tình thương yêu đều tôn trọng ngang
nhau. Đã cùng chung huyết thống, cùng sự hoà hợp giữa tình cảm liên hệ mật thiết
với nhau, nên việc dung hợp tình cảm giữa cha mẹ đôi bên, cũng phát xuất một
cách tự nhiên, đôi khi còn rộng rãi bao la hơn:
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
Hay hơn nữa là Bà Mẹ của dân tộc Việt Nam (như trong huyền
thoại con của Mẹ Âu Cơ) nhờ vậy mà con cháu mới xem nhau bằng tình nghĩa đồng
bào:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau
cùng.
(Tình nghĩa đồng bào cũng là nền văn hoá đặc thù của dân
tộc Việt. Tuy là huyền thoại, nhưng cũng là dấu ấn đã in đậm trong lòng mọi
người, thế nên tình cảm ấy vẫn luôn khắng khít keo sơn, vẫn luôn ràng buộc bằng
một sợi giây vô hình nhưng bền vững)
Trong thế giới văn minh ngày nay, con người đang chạy đuổi
theo những công trình làm thăng hoa vật chất, dùng những tiện nghi vật chất để
thay thế những công việc, mà đáng lẽ con người phải cần đến, phải tự tay mình
làm (như săn sóc và an ủi cha mẹ lúc về già, thì phải bằng tình cảm của người
con, bằng một hành động cụ thể của con người, chứ không thể dùng những loại máy
móc tinh vi nào để thay thế). Hay thiên nhiên cũng bị ảnh hưởng đến những nét tự
nhiên, như ngăn sông xẻ núi, đã làm mất đi những nét uy dũng của núi rừng, làm
vơi đi những nét thơ mộng của sông hồ, biển cả! Bởi vì trí óc và bàn tay của con
người đôi khi cũng có hạn, tuy có thể xây dựng nên những kỳ quan trên thế giới,
nhưng xét cho cùng thì những thứ ấy cũng chỉ là những vật vô tri vô giác mà
thôi, làm sao thay thế được tình cảm của con người.
Những "kỳ quan" của thế giới tuy có lộng lẫy thật, nguy
nga thật, nhưng đôi khi giá trị tinh thần không bằng: “xôi nếp một, chuối ba
hương và đường mía lau” vì những thứ nầy là
tình quê, hồn nước là tấm lòng của thiên nhiên. Mà người dân quê Việt Nam đã xữ
dụng để so sánh với tình mẹ, thì thấy tuyệt vời biết mấy, cao quý dường nào,
phải không?
Cho nên, đôi khi tìm về với tâm tình của những người dân
dã, tìm về với nếp sống nơi đồng quê, đã chứa đựng trong ca dao của mẹ, để tận
hưởng dòng suối mát kia, để soi lại hình hài năm xưa, để còn thấy chúng ta vẫn
là con của mẹ. Cũng là một cách tìm về cội nguồn, tìm về với những niềm an lạc
cho cuộc đời. (vì ý niệm trở về, không phải là tìm về với một chốn nào, cội
nguồn không phải chỉ mọc rễ một nơi, nếu lòng người không còn cưu mang một chút
"tình nghĩa")
Nói như vậy, không phải chúng tôi muốn phủ nhận tinh thần
văn minh của nhân loại; mặt khác cũng không phải muốn so sánh nếp sinh hoạt giữa
đông tây, vì mỗi dân tộc, mỗi địa phương đều có những nét đặc thù riêng, những khám phá mới mẻ khác nhau. Mà không
thể thay thế cho nhau được. (Ví dụ như mỗi loài hoa đều có một nét đẹp khác
nhau: hoa cúc thì có nét kiêu sa nhưng nhu mì, hoa vạn thọ thì có nét vương giả,
hoa hồng thì tượng trưng cho tình yêu, hạnh phúc… nhưng không bao giờ có thể
thay thế cho nhau được.)
Mà ở đây chúng tôi chỉ muốn giới thiệu một vài nét về nền
văn học dân gian của dân tộc Việt, ngỏ hầu đem lại một đôi phút giải trí, mà
trong chúng ta, có thể cũng có một số người chưa có cơ hội để tìm về, để nhìn
xem "một cánh hoa cỏ dại" chỉ mọc nơi đồng nội mây ngàn; chỉ vui với nắng chiều
sương sớm, chỉ sống một cuộc đời an phận thủ thường. Tuy cũng là một trong những
loài hoa của thiên nhiên, nhưng thiếu may mắn, kém nhân duyên để phô khoe hương
sắc!
Reutlingen, mùa Vu Lan báo hiếu.
Trần Đan Hà