Chiêu Hoàng
Lời tác giả:
Tác giả muốn
nhân bài viết này trình bày đến độc giả một suy tư mới.
Có lẽ từ xưa đến nay, ít có khi nào trong diễn đàn thi văn hai tác giả cùng hợp
nhau để viết lên một bài viết, một tâm tình. Đôi khi chúng ta thấy là có
những tác phẩm được viết lên dựa theo ý của một người
khác, nhưng đây không phải là trường hợp này. Vì hai tác giả đi xa hơn thế trong sự hòa hợp về các sự cảm giao
trong đạo.
Trong lãnh vực ca nhạc, chúng ta
vẫn thường thấy một đôi bạn song ca với những nét hòa hài hòa, ý nhị khác hẳn
khi đơn ca. Bài viết này cũng cùng một ý. Và trên con mắt của tác giả, sự khác
biệt này rất dễ thương. Đó là sự kiện bài viết đã được hình thành ngay từ ban
đầu qua những sự tu tập hành trì của hai chúng sinh hữu tình cùng đi tìm về một
con đường đạo như nhau.
Ăn
cơm có canh, tu hành có bạn. Và thực sự là điều may mắn để hai người có thể cùng
chia sẻ cho nhau cũng như là chia sẻ đến các bạn đọc. Như khi đôi bạn cùng hát chung lời ca. Tiếng hát quyện lên cao vút vào trong không
gian vô cùng… Văn dĩ tải đạo, và đạo hòa trong đời như là nước hòa trong sữa...
Vì thế nên hai
tác giả mời bạn đọc cùng vui với sự ra đời của bút hiệu Chiêu Hoàng Không Quán.
Bên Kia Bờ Hồ và
Trang Kinh Cổ
Thân ái tặng Yên Chi và Anh Cao
Nguyên,
Mặt trời bắt đầu lặn phía bên
kia bờ hồ. Một vài con chim vỗ cánh bay ngang khuấy động không gian bằng
những đôi cánh đập...
Hàng cây im lặng rủ bóng. Con chim nhỏ đứng hót lẻ loi một mình trên cành
cây thấp xà xuống sát mặt hồ. Vài
chiếc lá chao đảo theo giọng hát, rơi chơi vơi rơi
xuống mặt nước làm một cuộc hành trình dài xa tìm đường ra biển. Mặt hồ loang loáng, mọi sự, mọi vật dường như rât tĩnh lặng, không
gian thênh thang, tịch tĩnh như mặc niệm về sự vô thường vẫn thầm thầm có mặt. Nó thay đổi luôn luôn theo thời gian cứ trôi đi, trôi đi mãi...
Trên chiếc cầu nhỏ, thấp thoáng
một cô bé với đôi mắt to đen, khuôn mặt nghiêng nghiêng, phảng
phất một nỗi buồn nào đó. Cô đang lơ đãng chơi một trò chơi rất trẻ
con là ném những con chữ xuống mặt hồ...
Mà lạ, những con chữ chẳng biết viết bằng mực gì mà như
có lân tinh, lóng lánh một cách kỳ lạ.
Nhìn kỹ, đó là một bài thơ. Bài thơ lãng đãng nhớ về một người nào đó
dường như đã rất xa...
xưa
ru tình ngây dại
ký
ức điểm sắc hương
một
góc đời cất lại
chảy
mát giòng vô thường
(Chảy mát giòng trăm năm – Thơ Yên
Chi)
Hình như nàng
đến để thăm lại một kỷ niệm nào đó, một dấu ấn trong tâm chưa thể phai mờ.
Dáng ngồi lẻ loi một mình bên hồ với đôi vai gầy được phủ lên bằng một tấm khăn
quàng lụa mỏng, tạo lên một khung cảnh giống như một bức tranh đẹp và rất nên
thơ. Nàng ngồi nghịch ngợm
với mấy con chữ rồi phổ những nốt nhạc trên bài thơ nhỏ. Âm thanh vang ra nhè nhẹ ở những ngón
tay lướt trên phím đàn, lay động những cánh lá trên cành cây xà xuống.
Con chim nhỏ cô đơn chợt cảm thấy có người đồng cảm bèn cất giọng hát
theo...
Hình như mặt hồ đang nín thở từ
khi nàng rời bước, mang theo những ánh sáng cuối cùng của ngày tàn.
Những con chữ nhảy múa trên mặt hồ kết lại thành một bài thơ nhỏ, lung linh...
lung linh...
Không gian như lõang thêm ra, thênh thang một nỗi buồn
lãng đãng.
Mặt trời đã lặn
từ lâu. Trăng, sao bắt đầu mọc. Một vài vì sao đang thì thào bàn tán về bài thơ còn rõ nét.
Họ kháo nhau rằng, Nàng đã trở về và để lại bài thơ làm mặt hồ không còn có thể lao xao được niềm vui nào nữa.
Tựa như một lời thề đang chờ người tới giải....
Lời bàn tán của các vì sao bỗng
dưng nín bặt.
Ở cuối đường, bỗng đâu xuất hiện một bóng người to lớn, dáng đi ngả
nghiêng, trên tay lủng lẳng cầm một bầu rượu rỗng.
Dường như gã rất say, nên dáng đi cũng chẳng vững, chân nam đá chân
xiêu... Vừa đi, gã vừa móc trong túi ra một bài thơ nhỏ, bài
thơ của một người bạn thơ gã vẫn thường ngưỡng mộ. Giọng gã cất lên, ồm ồm trong đêm vắng:
nghiêng
nghiêng bầu rượu cạn
dốc
dốc vạn sầu rơi
giọt
ngời ngời mắt biếc
say say
ta say
rồi thơ ơi!
.....
(Lung Linh -Thơ Cao Nguyên)
Bài thơ làm mặt
hồ xao động. Dưới ánh trăng, gã hán
tử ngồi xuống bên hồ, chợt nhìn thấy bài thơ lân tinh còn lóng lánh trên mặt
nước. Lẩm bẩm đọc.
Nhận ra chính bài thơ này đã quyện vào tiếng nhạc đưa chàng
đến đây. Nàng là ai? Tại sao thỉnh thoảng lại xuất hiện bên hồ khảy lên những khúc nhạc
lãng đãng?
Gã bỗng mỉm cười rồi dốc bầu rượu cạn lên cao, tựa như gã đang uống chất rượu
say hòa với trăng sáng. Tợp xong mấy ngụm rượu, gã lẩm bẩm một
mình:
"Ta lại mất cơ hôi gặp nàng nữa
rồi... Chỉ còn lại bài thơ nhỏ.
Hừm.... Có phải chăng cuộc đời chỉ là những trò chơi
cút bắt quẩn quanh?"
Gã ghé đôi mắt
trong veo như ngọc nhìn sâu vào trong bầu, dường như sóng sánh nỗi sầu trong ấy. Cuống quít, gã đổ bớt
ra một nửa. Rượu Sầu đầy quá làm sao gã có thể gánh nổi?
Họa chăng chỉ có thể chịu được... nửa bình thôi... Vì vậy chừng nào cơn sầu lên
men thành rượu đong đầy bình, gã lại cuống quýt uống bớt một mớ, mớ khác đem ra
bờ hồ đổ đi...
Biết rằng Sắc, Sắc, Không, Không
Mà sao vẫn nặng trong tâm nỗi
sầu...
(Thơ Không Quán)
Gã ngồi dựa lưng
vào phiến đá nhỏ. Ngơ ngác nhìn chị Hằng
đang mỉm cười với gã. Hình như những vì sao
như những đứa con nít đang tò mò nhìn một kẻ đang say Sầu. Ừ. Gã say thực. Thỉnh thoảng nỗi sầu dâng đầy, lên men làm cho gã có những ngày túy
lúy như thế. Nhìn kỹ, gã có khuôn
mặt hao hao giống một vị tu sĩ trẻ, có một chút nét phong trần và rất có duyên. Điểm đặc biệt nhất là ngoài bầu rượu, gã
còn có thêm một vật tròn, phát sáng đeo lủng lẵng trên cổ. Nghe chừng đó là cả
một gia bảo đối với gã, vì tuy say, nhưng thỉnh thoảng gã vẫn đưa
tay lên chạm vào vật tròn ấy.
Con trăng đã lên quá đầu sào.
Cơn say của chàng lãng tử dường như đã bớt. Gã ngồi khoanh chân,
lưng thẳng như cái cột trong dáng thiền định và trên môi bắt đầu mấp máy những
lời kinh xưa. Tiếng tụng nghe như xa, như gần. Tiếng được, tiếng mất. Âm thanh trầm bổng như
một điệu nhạc êm ả nào đó.
Độ khoảng một trống canh thì tiếng tụng nhẹ dần và chìm mất vào hư không. Mặt hồ bắt đầu lay động, các chữ lân tinh bắt đầu nhạt nhòa hòa tan vào với
nước. Các vì sao vẫn tò mò
yên lặng từ trên cao dòm xuống. Chẳng có gì lạ xảy ra.
Nhưng nếu nhìn kỹ, trên khóe mắt chàng lãng tử bỗng chảy xuống vài giọt nước mắt
trong như thủy tinh. Ban đầu
một giọt, hai giọt, ba...bốn... rồi những giọt nước thi nhau chảy xuống thành
dòng ướt cả má.... Rồi tất cả các giọt nước mắt ấy đều chui
vào trong cái ống tròn đeo lủng lẳng trước ngực....
..........
Trời đã hừng sáng.
Xa xa có tiếng leng keng của những chiếc vòng ngọc chạm nhau.
"Mẹ ơi.
Còn bao xa nữa mới tới hồ?"
Đó là tiếng nói của một con bé với
mái tóc cũn cỡn ngang vai. Một vài sợi tóc mai lòa xòa bay bên hai
má bầu bĩnh. Đôi môi hồng cong lên sẵn sàng đặt những câu hỏi khó trả lời. Trên cổ tay cô
đeo ba chiếc vòng ngọc, vung lên, nhịp nhàng theo bước chân đi.
"Gần tới lắm
rồi.
Kìa! Con đã nhìn thấy được mặt hồ đấy chưa?"
Cả hai bắt đầu
đi chậm lại. Đối tượng đầu tiên đập vào mắt con bé
không phải là mặt hồ, mà chính là người thanh niên đang nằm khoèo bên đá.
Dường như hắn đang đi vào một cơn mộng rất sâu.
Khuôn mặt hồn nhiên với nụ cười mỉm. Tựa như hắn chưa từng có một cơn "khóc
nhè" nào đêm qua.
Sáng nay, hai mẹ con thức dậy thật
sớm đi thăm hồ, vì mẹ bảo ở đây, nếu đến kịp giờ sẽ thấy được chiếc cầu vòng bảy
sắc nằm vắt ngang từ bờ bên này tới bờ bên kia.
Nhưng lại gặp một hán tử ngủ ở đây. Chẳng lẽ anh chàng này cũng muốn nhìn chiếc cầu vòng bảy sắc ấy? Con bé tò mò, đi vòng quanh "đối tượng".
Chợt nhận ra một vật lóng lánh trên ngực gã. Cúi xuống gần nhìn cho rõ thì người thanh niên chợt chuyển động nằm
xoay mặt ra phía hồ. Suýt
chút nữa là đụng phải con bé. Hốt hoảng, con bé lật đật lùi lại phía sau, đụng
phải hòn đá làm nó ngã lăn chiêng.
"Mẹ ơi, có một
người nằm ngủ tại đây!"
"Thì để yên cho
người ta ngủ. Con chớ nên quấy phá giấc ngủ của họ đấy,
vì có thể họ đang đi vào những cơn mộng đẹp.."
"Nhưng ông này
kỳ quái lắm cơ.
Vì trên ngực ông ta, con thấy dường như có một cái ống tròn phát sáng..."
Người mẹ cảnh cáo:
"Con chớ có gây chuyện đấy nhé.
Ta hãy ra phía này mới có thể nhìn thấy chiếc cầu vồng bắc ngang hồ được..."
Nghe tiếng mẹ dục giã, con bé đành
miễn cưỡng bước theo. Nhưng chỉ đi được vài bước lại ngừng. Thắc
mắc, chẳng hiểu trong cái hộp tròn ấy, ông ta đựng thứ gì. Nghe đâu, những "người lớn" đang yêu, họ thường tặng những lọai hộp
từa tựa như thế. Hộp có hình trái tim,
có thể mở ra được làm đôi thành hai khung ảnh để hình trong đó.
Nhưng cái hộp tròn này thì không có hình trái tim. Nó như một cái ống tròn. Vậy cái ống ấy có gì
trong đó vậy cà?
Sự tò mò mãnh
liệt tới độ nó không còn để ý tới chiếc cầu vòng hiện lên trên nền trời nữa, mà
tất cả đều dồn vào cái vật tòng teng trên cổ người lạ.
Bỗng nhiên, chàng thanh niên vươn mình ngồi dậy.
Ánh sáng chiếu vào cái ống tròn trên ngực lại càng thêm lóng lánh.
Nhìn ngơ ngác, những ánh nắng đầu ngày chiếu nghiêng qua màn sương tạo nên chiếc
cầu vồng rực rỡ.
Cảnh hồ tuyệt đẹp.
Gã đứng ngẩn ngơ, cảm nhận được tòan pháp giới biến hiện như hư, như thực,
chập chùng... chập chùng như giấc mộng...
Chợt nhìn thấy con bé đang đứng sớ
rớ bên cạnh, nhìn mình như bị thôi miên.
Gã nhoẻn miệng cười thân thiện. Hỏi:
"Đêm qua có một
người ra bờ hồ làm thơ, phổ nhạc.
Em có biết người đó là ai không?"
Con bé ngẫm nghĩ một lúc, nhưng
đôi mắt vẫn không rời vật tròn lung linh trước ngực gã:
"Có!
Em nghe người chung quanh vùng này đều nói rằng, có một
nàng tiên gãy cánh thỉnh thoảng vẫn thường đến bên hồ chơi trò ném chữ và phổ
nhạc, nhưng chẳng ai gặp được nàng và biết nàng là ai cả!"
Gã hán tử trầm ngâm:
"Lạ nhỉ!
Chẳng lẽ nào..."
Nói đến đó,
chàng bỗng bỏ lửng nhìn mông lung ra phía hồ.
Một lúc người thanh niên để tay lên ngực, cẩn trọng khe
khẽ mở cái ống tròn, lấy ra một cuộn giấy mỏng. Con bé trố mắt nhìn. Chàng từ mở, hình
như cuộn giấy được làm bằng một lọai vỏ cây nào đó ép lại nên có màu vàng úa,
rất cũ. Trang giấy trống trơn, chẳng có chữ gì trên ấy. Nhưng nó lại nghe chàng
hán tử đọc lên một đọan kinh cổ.
Chẳng biết bằng ngôn ngữ gì mà nghe lạ hoắc, lạ huơ...
Không thể nhịn được nữa, con bé
buộc miệng hỏi:
"Trên tờ giấy có
gì đâu mà sao anh đọc luyên thuyên thế?"
Người thanh niên hướng cặp mắt
trong vắt nhìn con bé, giải thích:
"Có chữ hẳn hòi
đấy mà. Này nhé. Ở đây còn có thêm một đoạn này hay lắm
cơ..." Nói rồi, chàng chỉ
xuống phía dưới. Đọc vanh vánh một đọan, rồi lật mặt,
đọc thêm một đọan khác. Ngừng một chút - Đôi mắt chàng lướt nhanh
trên trang kinh - Reo lên:
"Đoạn này anh thích lắm nè..."
Rồi đổi giọng, ngân nga như một người đang hát.
Không! Chàng không hát. Chàng đang tụng đấy! Giọng tụng
trầm trầm, khi nhặt, khi khoan:
Diệu Âm, Quán Thế Âm.
Phạm Âm, Hải Triều Âm.
Thắng bỉ thế
gian âm.
Thị cố tu thường niệm.....
Lời kinh bàng bạc, đi từ tâm thức
mở rộng hòa với đất trời, bay vút lên cao, đọng trên chiếc cầu vồng bảy sắc.
Rồi tất cả biến thành những hoa đốm nhiều màu sắc lả tả
rơi xuống mặt hồ như một đám bụi lân tinh. Con bé nhìn chàng với đôi mắt
mở lớn. Nó đi từ
ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Mọi sự xảy ra chung quanh như có điều gì vừa huyền, vừa diệu.
Hốt nhiên, con bé cảm thấy tâm mình cũng mở rộng theo
bầu trời với những mầu sắc lung linh ấy. Nó sung sướng quá - mà chẳng hiểu tại sao
mình lại sung sướng đến thế - Nó đâu biết rằng, những chủng tử Phật pháp từ
nhiều kiếp đã gieo trồng trong nó, đã được câu kinh và dòng tâm thức thanh tịnh
của chàng lãng tử tình cờ khơi dậy trong tâm nên mới cảm nhận được sự an lạc
dường ấy, kịp lúc chàng vừa tụng xong.
Đoạn kinh này con bé nghe quen quen. Hình như mẹ vẫn thường
tụng vào buổi tối. Đó là một phẩm trong
kinh Pháp Hoa thì phải. Nó trố mắt nhìn kỹ thêm lần nữa, tuyệt
nhiên, con bé chẳng thấy được chữ gì trên trang kinh cổ...
Con bé ngờ ngợ nhìn gã, nhưng lần
này nó im lặng, tuyệt nhiên không muốn để cho anh chàng lãng tử này biết rằng
mình không thể nhìn thấy một chữ gì. Quê chết! Nó giả vờ gật gù cái đầu rồi
mách:
"Đọan kinh này
nghe quen lắm. Mẹ em vẫn thường tụng mỗi tối đấy!"
"Thiệt hả?”
Thích thú, chàng lãng tử kêu lên.
"Anh nghe nói, hễ tụng một trăm ngàn lần thì sẽ có cảm ứng đạo
giao nan tư nghì đấy!"
"Thế anh đã tụng
được bao nhiêu lần rồi?"
"Anh không biết,
nhưng cứ hễ tụng đến đọan này là anh lại khóc. Nước mắt chảy ra ràn rụa và không tài nào
có thể tụng thêm được nữa..."
"Sao kỳ quá vậy?"
"Là bởi anh cảm
nhận được sự tương quan, tương duyên giữa mình và pháp giới. Những sự khổ đau chính
mình - dù vô tình hay cố ý - đã, đang và sẽ trao truyền cho những người khác. Ngược lại, niềm vui cũng thế.
Ờ một mức độ nào đó, khi ta vui, ta cũng có thể làm cho người khác vui lây. Tựa
như một cái lưới đế châu chập chùng, một hạt rung động thì toàn cái lưới đều
rung động..."
Con bé có vẻ ra dáng suy tư:
"Thế thì tại sao
anh lại khóc?"
"Vì anh cảm nhận
sự khổ đau thì đầy rẫy như cát sông Hằng, và chính mình cũng đang làm cho người
khác khổ đau. Còn niềm vui thì ít ỏi như chút bụi bám
trên đầu ngón tay..."
Con bé nhìn chàng thanh niên, đôi
lông mày hơi chụm lại ra chiều suy nghĩ lung lắm, nhưng có lẽ... chẳng có gì
trong cái đầu bé tí ấy cả, rồi nói một cách hóm hỉnh nửa đùa rỡn, nửa trêu chọc:
"Em sợ đến một
ngày nào đó, anh sẽ bị cái bịnh "khóc nhè". Vỗ tay, cười lớn: "Ha...
ha... ha.. Anh sẽ trở thành một ông
sư. Ông-sư-hay-khóc-nhè đấy!"
Chợt nghĩ ra một điều kỳ thú, Khuôn mặt trở nên nghiêm chỉnh, con bé ngước đôi
mắt trong đen nhìn chàng hán tử:
"Sao anh không
đi hỏi ngài Quán Âm? Có thể ngài sẽ cho anh...thôi khóc!"
Chàng thanh niên cười lớn:
"Ha... ha... ha... Em nói chuyện hay lắm. "Ông sư" thì chưa chắc
đâu, vì hiện tại anh vẫn là một anh chàng lãng tử, vui đâu, chầu đấy. Nhưng thực sự trong
những thời công phu tu tập hằng ngày, anh cảm nhận rất rõ rằng, chỉ có một con
đường tu hành mới có thể thóat khổ được thôi. Còn việc gặp được ngài Quán
Âm rất khó em ạ, mà chẳng biết đến đời kiếp nào mình mới có đủ duyên để gặp được
Ngài"
Con bé thấp giọng, thầm thì:
"Thế mà em đã
được gặp Ngài rồi đấy!
Em không nói dối đâu. Em gặp ở... trong mơ.
Ngài đẹp lắm! Mà đứng ở xa tít, em chẳng thể hỏi chuyện được
đâu!"
Cả hai đang nói chuyện vui vẻ thì
đằng xa, tiếng bà mẹ gọi con:
"Bé ơi, phải về cho kịp chuyến xe
sớm..."
Nghe tiếng mẹ.
Con bé tiếc rẻ, nhìn chàng lãng tử buồn buồn:
"Em phải về rồi
anh ạ. Anh có thể cho em...sờ
cái trang kinh trong hộp của anh không? Sao nó mong manh quá. Khó nhìn thấy chữ ghê anh ạ..."
Hán tử nghe con bé đề nghị.
Bèn đưa trang kinh cho nó.
Chàng đưa một cách cẩn trọng bằng cả hai tay. Giải thích:
"Đây là một lọai
giấy cổ. Nếu không đủ duyên thì
chẳng đọc được gì trên ấy cả.
Ngược lại, nếu đã đủ duyên rồi thì thiên kinh, vạn quyển đều gói ghém hết
trong mảnh kinh này..."
Con bé ngập ngừng. Tự thú:
"Vậy là em chưa
đủ duyên rồi. Vừa rồi, em nói dối anh đấy! Đối với mắt em nhìn thì nó chỉ
là một trang giấy vàng, cũ mà thôi...”
Nói rồi. Con bé trang trọng - như người đang lập
những đại nguyện - đặt nhẹ tờ kinh lên mắt. "Cái này để em nguyện có cơ duyên
đọc và hiểu được ý nghĩa của lời kinh..." Rồi nó hạ thấp xuống ngực, phía bên
trái tim. "Còn cái này là em nguyện đời đời kiếp kiếp,
Phật pháp sẽ ngự tại trong tâm chẳng bao giờ mất..." Cuối cùng,
nó đưa trang kinh lên môi.
Đặt một nụ hôn nhỏ: "Đây là món quà em xin cúng dường trang kinh này...."
Tất cả hành động của con bé tựa
như một lễ nghi.
Chàng thanh niên đứng yên làm nhân chứng. Đôi mắt giao nhau.
Cả hai đều nhận được sự đồng cảm và đều mỉm cười....
Tiếng người mẹ lại giục giã:
"Nhanh lên bé ơi... Ta đi thôi..."
"Vâng. Con đến liền."
Quay qua chàng
thanh niên.
"Em ước một ngày nào đó em cũng
được như anh... Hãy nhớ đến em và cầu nguyện cho em trong
những buổi kinh sáng tối. Chúc anh vạn sự lành..."
Nói rồi con bé quay lưng bỏ chạy
về phía người mẹ. Những chiếc vòng kêu leng keng theo tiếng chân chạy. Để lại chàng thanh niên đứng nhìn cái hai
bóng bé dần ở cuối đường...³