Tôi đi kiếm tìm trong tủ sách cuốn “The Family of
Pascual Duarte” của Camilo José Cela. Đọc
lại và đọc lại. Tôi biết Cela là nhà văn Tây Ban Nha nổi tiếng đã đoạt
giải Nobel văn chương của Hàn Lâm Viện Thụy Điển năm 1989. Trong thời kỳ nội
chiến của Tây Ban Nha, ông chiến đấu trong hàng ngũ của Tướng Franco và sau thời kỳ hậu chiến ông viết văn
làm báo. Tác phẩm “The Family of Pascal Duarte” là một tác phẩm nổi tiếng của
ông viết về cuộc đời của một tướng cướp đã làm nhiều tội ác vô luân, bất kể mọi
thứ đạo đức, kể cả giết người.
Nhân vật này tạo tội ác một cách vô tư không có một chút suy
nghĩ nào tương tự như mẫu nhân vật Meursault trong tiểu thuyết The Stranger (Kẻ
Xa Lạ) của Albert Camus. Hắn là một kẻ xa lạ với chính hắn, với cuộc sống hắn.
Nhưng tôi đọc lại cuốn sách này như một cái cớ. Không phải vì lý do này
hay lý do nọ. Mà tôi đọc lại vì nhớ đến Phạm Công Thiện sau
khi nghe tin ông vừa từ trần ở Houston,
Texas. Bởi vì, cách nay gần
hai chục năm, trong một buổi tối, tôi đã nghe ông nhắc đến Camilo José Cela, đã
nghe ông vừa đọc vừa dịch theo từng trang giở của bản nguyên tác Tây Ban
Nha ”La Familia de Pascual
Duarte”.
Lúc đó đêm đã khuya và ông như người đồng nhập, phấn khích và
hầu như quên cả không gian thời gian của thế giới này. Những người
chung
quanh cùng ngồi và cùng nghe với sự lôi cuốn tạo ra bất ngờ từ những trang sách.
Ông đọc những đoạn tả chân đầy dâm tính một cách khác thường của những trò chơi
bệnh hoạn của tên tướng cướp. Đoạn tả tên cướp này thích thú với trò hiếp dâm trên mộ người vừa
chết với cái không khí lạ lùng ghê rợn nhưng gợi tình gợi cảm với hắn.
Hình như sau này, Khánh Trường trong một câu chuyện với bạn bè có thú nhận là
viết truyện ngắn “Có Yêu Em Không” được gợi hứng từ sau đêm nói chuyện với nhà
văn Phạm Công Thiện. Khánh Trường tả một người lính làm tình với em gái của
người đồng đội chết trận trên căn gác xép mà ở dưới nhà là nơi quàn chiếc quan
tài. Truyện ngắn này tạo ra nhiều ý kiến trong dư luận, có phê phán, có đồng ý,
có phản biện…
Nhà văn, triết gia, nhà thơ Phạm Công Thiện, lúc
đó với tôi như là một người bị đồng nhập của những hứng khởi vô biên từ ngôn ngữ
diễn tả của ông. Ông nhắc đến tác phẩm thứ hai của Cela, “The Hive” như một bằng
chứng chịu ảnh hưởng sâu nặng của hai nhà văn hiện thực Tây Ban Nha Miguel de
Cervantes và Benito Pérez Galdós cũng như dấu vết của James Joyce và Jean Paul
Sartre của văn chương Anh và Pháp. Cela tạo ra một phong cách
riêng biệt của ông, vừa có vẻ kỳ cục của hiện thực vừa có nét mỉa mai châm biếm.
Ban giám khảo Giải Nobel văn chương của Hàn Lâm Viện Thụy Điển đã tôn vinh ông
“vì những áng văn xuôi phong phú và mạnh mẽ với thể cách của lòng trắc ẩn bị kìm
giữ trong nhãn quan thách đố của người bị tổn thương...”
Thú thực, lúc đó, tên tuổi tác giả Camilo José
Cela với tôi khá mù mờ. Nghe
Phạm Công Thiện đọc. Tôi cũng chú ý tới mẫu nhân vật
tướng cướp Pascual Duarte và tự hẹn sẽ tìm đọc tác phẩm này. Sau đó, tôi
tìm mượn những cuốn sách của Cela trong thư
viện và cả những cuốn sách viết và phê bình nhận định về tác giả này để đọc.
Và, quả thực tôi đã tìm được hứng thú cũng như hiểu biết về
một tác giả mà Phạm Công Thiện đã hiểu biết và hứng thú.
Thời gian đó tôi nhớ nhà văn Phạm Công Thiện vừa
lập gia đình và mới có con. Nhìn ông vừa bồng con một cách vụng về, tôi như nhìn thấy được một
con người xa lạ với đời sống bình thường này. Ông như thích hợp với một không
gian thời gian khác, của chữ nghĩa, của suy tư. Và
trong thời gian này ông viết ”Đi cho hết một đêm hoang
vu trên mặt đất” mà theo ý nghĩ của riêng tôi là một thứ nhật ký đời sống dưới
dạng tùy bút tràn ngập suy tư và có phong vị của những áng văn xuôi chất chứa ý
thơ và ngôn ngữ thơ. Một cách nhìn lại mình, tìm kiếm chính mình, như chính ông
đã thổ lộ khi viết tác phẩm này:
“Những gì được viết trong quyển sách này có thể được coi là truyện
của chính truyện, tiểu thuyết của chính tiểu thuyết, triết lý của chính triết lý
hay thơ của chính thơ? Hay là một đêm hoang vu trong một đêm hoang vu của chính
chữ viết Việt Nam? Hay hiểu trái ngược hẳn lại mọi
sự? Hay là chẳng cần được hiểu như là cái gì cả?
Những gì được viết trong quyển sách này hoàn toàn
không nói về bất cứ một cái gì cả. Chủ đề của cuốn sách nếu có thể tạm gọi
là :
"chủ đề” chỉ là “cái không gì cả”. Nơi đây chỉ là tiếng nói Việt Nam đang nói
với chính tiếng nói Việt Nam trong từng nhịp bước đảo ngược giữa nỗi trống không
rùng rợn nhất của một cái gì vẫn chưa bao giờ có tên trên mặt đất...”
Ngôn ngữ rất... Phạm Công Thiện, vừa thiết tha vừa lôi cuốn của một
cuốn sách ghi dấu lại một thời kỳ đặc biệt của đời một người mà trước sau chỉ
nhận mình là thi sĩ, dù đang đóng vai một người rao giảng triết lý hay đang nhập
thất trong tu viện. Có khi, chính ông cũng chẳng quan tâm đến
thực sự cái mà ông thừa nhận.
Tôi có làm một bài thơ gửi ông, của một người
nhận xét riêng về một người với một câu hỏi. Ở đâu?
Thiên kinh vạn quyển?
Ở một đất nước như Việt Nam ở thời điểm
của những năm đã qua, thiên kinh ở đâu, vạn quyển ở đâu để viết được những tác
phẩm mà người đọc đến mấy chục năm sau còn tìm được những điều mới lạ?
“Thiên kinh vạn quyển một đời?
Trắng hoang trang giấy mù khơi tấc lòng
Thiền sư tịnh khẩu chưa xong
Thấy con hồng điệp xoay vòng dỡn chơi
Thiên kinh vạn quyển một đời?
Bụi vàng đỏ một chỗ ngồi phần thư
Mất còn đâu biết chân như
Lời thiêng gửi lại khởi từ nắng soi
Thiên kinh vạn quyển một đời?
Men nồng nhen lửa rã rời nỗi riêng
Qua sông vạt áo còn nguyên
Tờ độ diệp đã một miền rụng rơi
Thiên kinh vạn quyển một đời?
Trần gian chỉ mộng làm người chưa quên
Kiết già đêm vẫn bình yên
Thơ giăng cánh mộng mông mênh đỉnh trời
Thiên kinh vạn quyển một đời?
Ôm con mà vẫn rong chơi lạ lùng
Đất trời thiên địa mông lung
Vài trang sách thấy trùng trùng tâm tư…”
Đưa bài thơ cho Phạm Công Thiện đọc, ông cười xòa rồi cao hứng nói:
"Bài thơ chỉ đạt được có một câu ”Ôm con mà vẫn rong chơi lạ lùng”. Thấy chưa, tôi có cách
ôm con ru của tôi, cho con bú sữa của tôi và cũng đi
rong chơi của tôi nữa...”
Một câu hỏi thiên kinh vạn quyển ở đâu cứ hoài
vương vấn. Đọc
sách ở đâu, tìm chữ tìm nghĩa ở đâu, viết tự điển ở đâu trong một đất nước hiếm
hoi sách vở ở thời mà ông đã sống. Thế mà đọc sách của
ông, quả thực ông đã đọc, đã suy ngẫm về những tác giả này, những tác phẩm nọ
của văn học thế giới. Thành ra, không thể lấy cái tâm bình thường để bàn luận với những
người khác thường hoặc phi thường được.
Có người nói Phạm Công Thiện viết khó hiểu, đề tài
lan man và viết mà đôi khi chẳng biết mình viết cái gì và đi đến đâu.
Tôi đọc lại những cuốn sách của ông và thú thực một điều với chủ quan của tôi là
thấy rất khác với những nhận định ấy. Tôi đọc “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học”. Một cuốn
sách mà một thời là sách cầm tay và gối đầu giường của
các cô các cậu trong giới sinh viên học sinh. Lúc viết cuốn
sách này, ông mới chỉ hơn 20 tuổi.
Trong bức thư gửi cho bạn mở đầu quyển sách, ông viết: ”Quyển sách này tôi muốn
viết riêng cho anh, nghĩa là tôi muốn viết riêng cho thế hệ trẻ, từ 15 đến 25
tuổi, mà anh là một hình ảnh tượng trưng."
Tôi viết riêng cho các anh, nhưng thực ra tôi cũng viết riêng cho
tôi, để nhắc nhở tôi, để gây lại ý thức trong tôi, bởi vì tôi cũng đang nằm
trong tuổi của các anh, tôi cũng đau đớn nỗi đau của các anh, chúng ta cùng nằm
chung trong nỗi khủng hoảng, niềm khắc khoải quằn quại vô biên của tuổi trẻ.
Ngoài kia đang mưa, tại sao không chạy ra
ngoài mưa, tại sao tôi vẫn còn ngồi đây để viết lên những dòng cay đắng này?
Khói lửa đang vây bủa đầy trời Việt Nam. Cũng như Alan Paton, tôi
muốn kêu lên ”hãy khóc đi hỡi quê hương yêu dấu” (Alan Paton, tác gỉa của
“Cry,The Beloved Country”, một chinh trị gia Nam Phi chống lại chế độ phân biệt
chủng tộc “apartheid”)
Lối viết của Phạm Công Thiện là phương cách khởi
nguồn từ người đọc sách với sự thâm cứu. Từ những tác phẩm và tác
giả, ông phóng chiếu sự quan sát từ một góc độ riêng để tạo thành những liên
tưởng mà có khi đã vượt khỏi những dự định ban đầu. Viết về một chân dung văn
chương ông thường có những dẫn dụ bất ngờ của những nhận định quá độ, quá độ
thiết tha, quá độ lôi cuốn để thành một cá tính riêng. Có
người cho rằng ông viết khó hiểu, vì không bao giờ ông trực tiếp đề cập đến một
vấn đề gì, mà ông gián tiếp, diễn tả lòng vòng nên thường đi vào những ngõ đường
suy tư không định trước.
Nhưng, một điều rõ ràng, theo
tôi là những nhận định của ông bắt nguồn từ sách vở đã đọc để khai triển thành
những nét suy tư riêng. Ông đọc, và đọc kỹ, để nắm bắt những
gì mà người khác bình thường không để ý tới.
Thí dụ như khi ông viết về William Sorayan và tác
phẩm “The Daring Young Man on the Flying Trapeze” (Người trẻ tuổi dan dạ trên
cái đu bay).
Nhan đề cuốn sách này là nguyên văn từ nhan đề của một bài hát
nổi tiếng từ thế kỷ 19 và tác phẩm này có vai chính là một người trẻ viết văn
nghèo đói muốn cố gắng sống còn trong xã hội của thời kỳ suy thoái.
Lãng đãng trên từng không của chiếc đu bay, để tâm hồn không bị câu thúc.
Anh đu bay trong một trò tiêu khiển với nét vui đùa rất kinh ngạc. Anh đánh đu
giữa ý thức của Thượng Đế và hư vô, đu bay trên những suy tư của tính bất diệt,
anh cầu nguyện từ vị trí khách quan cho sức mạnh của cơn mộng du bay bổng luôn
có nét tốt đẹp dễ thương. Sorayan đã tạo ra một văn thể văn
xuôi được mệnh danh là “Saroyanesque”. Ông gợi ý nên tận hưởng đời sống đến tận những nơi chốn tận cùng sâu
lắng nhất. Hít thở thật sâu không khí vào trong lồng ngực, ăn uống là một
cách hưởng thụ đến tận cùng hương hoa, và ngủ thật say đến tối đa của giấc ngủ.
Cố gắng đến mực khả hữu nguyên vẹn cuộc sống có thể được và khi cười vui, hãy
cười giống như đang tận cùng bi đát…
Phạm Công Thiện đã viết thế nào về William
Sorayan. Ông đọc những tác phẩm của Sorayan và từ
nghệ thuật mà ông gọi là “phi nghệ thuật” này ông khởi đi để đến lý luận Bất nhị
của Phật giáo, đến thiền sư Suzuki, đến triết gia Jean Paul Sartre, đến Henry
Miller, đến Restif de la Bretonne. Từ chủ đề của Sorayan ”tôi
đang sống” đến “thực là không thực và chân là không chân” của thiền sư Suzuki.
Rồi Sartre với La Nauseé, Rồi Henry Miller với Tropic of cancer, Tropic of
Capricornand Black Spring.... Những lý luận, những triết thuyết, những nhận định
cứ ào ạt vào trong một chương sách chỉ hơn 30 trang thì theo
dõi nó, hiểu biết nó, nhận xét nó chẳng phải là công việc dễ dàng không cần đến
kiến thức và lòng nhiệt tâm. Thành ra, dù có cố gắng để tìm tòi tôi vẫn nghĩ tác
phẩm của Phạm Công Thiện là những tác phẩm gây khó khăn khi đọc nhưng khi đọc
xong rồi thì sẽ thấy mở ra nhiều câu hỏi, nhiều vấn nạn tiếp theo có khi nhức
đầu có khi kỳ thú. Đó là một cảm giác chủ quan của tôi, một kẻ tò mò hay kiếm
tìm cho mình từ sách vở những bài học cho đời sống...
Mỗi người một cách thế, một nhận định, một thái
độ. Thí
dụ, như ở vị trí của một nhà thơ.
Như thi sĩ Nguyên Sa đã có bài thơ vẽ lại chân dung của một nhà thơ tiêu biểu
cho một phong cách sống đặc biệt của một người cũng đặc biệt trong một thời kỳ
văn học mà sự khao khát những phương trời mới những vóc dáng mới đã thành động
lực mạnh mẽ cho sáng tạo. Bài thơ “Nói chuyện phải quấy với Phạm Công Thiện:
“Người vào tịnh thất sống ba năm
cất tiếng không lời để nói năng
buổi sáng thinh không chiều tới chậm
tiền kiếp chen vô cạnh chỗ nằm
Ta muốn cùng người một tối nay
Đầu sông uống rượu cuối sông say
Người từ trên núi ta từ biển
Từ giấc mơ nào đã tới đây
Dưới bóng tường im, giữa nhạc không
Đời như phía trước bỗng mông lung
Thơ như hữu thể mà vô thể
Có cũng xong mà không cũng xong
Sáng dậy ta nhìn tục lụy ta
Những đi không tới đến không ngờ
Xóa luôn thì dứt nhưng tâm thức
Kinh Pháp Hoa nào dậy cách xa?
Trong chín ngàn âm có hải triều
Còn thêm một kiếp nữa phiêu lưu
Này người bỏ sóng sang thuyền tĩnh
Nhớ đứng chờ ta ở cõi siêu…”
Nhưng không phải tất cả thơ ông chỉ chuyên chở ý
tưởng. Mà,
còn chuyên chở cảm giác nữa. Thơ để mang tới những giây
phút linh hiện, để người đọc thơ và làm thơ một giây phút tình cờ nào đó gặp
nhau trong giao thoa cảm xúc. Có một bài thơ trong tập
thơ mỏng về số trang nhưng dầy về ý tưởng, Ngày sanh của rắn, VIII, có những
hình ảnh nối liền nhau để thành một chuỗi sinh động liên tưởng luôn biến dịch.
Gió, như một cuộc hành trình đi qua đồi tây, đồi đông, đi qua những chặng thời
gian tưởng ngắn như một sát na nhưng dài vô tận. Thế mà, trong cái lãng đãng tâm thức ấy,
ngôn ngữ nhẹ nhàng như một hồi tưởng để níu kéo cảm nhận của người đọc trong một
cảnh giới mơ hồ :
“Mười năm qua gió thổi đồi tây
tôi long đong theo bóng chim gầy
một sớm em về ru giấc ngủ
bông trời bay trắng cả rừng cây
Gió thổi đồi tây hay đồi đông
Hiu hắt quê hương bến cỏ bồng
Trong mơ em vẫn còn bên cửa
Tôi đứng trên đồi mây trổ bông
Gió thổi đồi thu qua đồi thông
Mưa hạ ly hương nước ngược dòng
Tôi đau trong tiếng gà xơ xác
Một sớm bông hồng nở cửa đông”
Bài thơ này đã được Lê Uyên Phương phổ nhạc và được coi là một tác
phẩm thơ nhạc có sự đồng cảm của thi sĩ và nhạc sĩ…
Phạm Công Thiện trước sau chỉ nhận mình là thi sĩ
và thi ca với ông là một thứ tôn giáo linh thiêng. Viết về thơ, theo
như Phạm Công Thiện không phải là phê bình xếp loại mà phải là ca tụng khen ngợi
thơ. Ông khẳng định ”Nói đến Thơ không khác gì nói đến
Thượng Đế. Phê bình Thơ là làm việc phạm thánh là blasphème. Những thi sĩ không phải là loài người họ là những Thiên Thần, những
thánh hoặc những quỉ ma. Nếu ta không chấp nhận họ được
thì ta phải im lặng; còn nếu chấp nhận họ thì ta phải ca tụng cho hết lời.
Ta không được quyền có thái độ của học giả hoặc giáo sư hoặc nhà phê bình.
Phải giết hết những nhà phê bình để cho Keats sống, để cho Chatterton đừng chết
lúc mới 18 tuổi xanh.
Anh không thể cảm thơ của người ta thì anh hãy im
lặng; còn nếu cảm được thì anh hãy thiết tha ca ngợi, đừng e dè giữ gìn gì cả. Không nên có những nhà phê
bình thơ mà chỉ nên có những kẻ ca tụng thơ. Thơ là của
riêng từng người; không có ai làm thầy ai cả. Phê bình văn nghệ ư? Buồn lắm…”
Sửa soạn cho một chuyến đi vào vĩnh cửu :
một tập thơ in năm 2009 ”Trên Tất Cả Đỉnh Cao là Lặng Im”. Với lời
mở ”sau bao nhiêu năm mình mới trông thấy những gì vẫn còn lại và những
gì bị xóa mất. Tôi đã bỏ quên đâu mất rất nhiều bài thơ của mình trên 35 năm lang thang lưu lạc khắp thế giới, tập thơ này chỉ còn lại
những gì vẫn còn lại với sự Lặng Im hiu hắt nào đó trên cao..." Tập thơ này coi
như tập thơ thứ hai của Phạm Công Thiện “Ngày Sinh của Rắn “ và gồm chừng 100 bài thơ. Trong đó có nhiều bài có những
câu thơ năm chữ như:
“bôn ba ngoài vạn dặm
cũng chỉ một trăng rằm
bao nhiêu là hố thẳm
xoáy về nốt ruồi đậm”
hay:
”mười lăm tỷ năm qua
từ vạn triệu tinh hà
bây giờ ta mới tới
gặp lại em hôm qua.”
Phạm Công Thiện làm một bài thơ cho chuyến đi.
Không sửa soạn không báo trước, bởi vì trong đời đã có nhiều chuyến đi, nhiều
cuộc khởi hành đã lưu lạc nhiều nơi sinh hoạt nhiều chỗ. Đi, trong thơ
Phạm Công Thiện vẫn là cơn mộng du dài:
“Đã đi thì đã đi rồi
thượng phương trùng điệp thấy
gì nữa đâu
hạ phương ngày tháng bể dâu
sắt son tình cũ phượng cầu túy hương
có còn gì nữa mà thương
buổi trưa nằm ngủ thấy nường năm xưa
đã đi rồi đã đi chưa
thượng phương hoa trắng đong
đưa giữa trời
đã đi mất hẳn đi rồi
hạ phương tịch mịch trùng khơi phong kiều
chuyển hình trên đỉnh cô liêu
lửa bay thành ngọn hồng điều mật ngôn
đại huyền biến ngưỡng triệu
tôn
tiền thân Tây Tạng nhập hồn chiêm bao
án nga nga nắng bạch nào
một luồng sáng rực chiếu vào trái tim…”
Bài thơ chấm dứt những bài thơ và mở ra những bài
thơ. Từ
Ngày Sinh Của Rắn, đến Trường giang Mỹ Tho, đến Thơ Cho Khoảng Trống, mở ra
những khung trời mà ở đó thơ mộng và lãng mạn đã thành mù sương cho ngôn ngữ, để
cảm nhận và thực tại đôi khi chỉ là một dù có khi lại thật cách xa hàng triệu
dặm.
Thơ và thi sĩ, là một, trong cảm xúc nhưng là hai trong một
cuộc sống đầy sôi nổi của một chân dung nghệ sĩ khác thường nhiều khi không quân
bằng giữa lời khen và tiếng chê. Với tôi, một người đọc Phạm Công Thiện,
vẫn xem những trang sách của ông như một người thầy thân thiết dù có khi chẳng
hiểu được bao nhiêu những bước chân đi của một ngưởi lãng tử
chung
thân…
Nguyễn Mạnh Trinh
Nguyễn Mạnh Trinh - nguồn Phù
sa