Nhớ Thầy

Nhớ Thầy


Thầy tôi. Một người đơn giản, hiền hòa và tốt bụng. Tôi theo học thầy từ gần 20 năm nay mà chưa từng thấy thầy nổi giận hoặc làm điều gì để tâm tôi cho là không tốt. Người tốt bụng thế đó mà cũng phải lìa thế gian này. Tính đến nay, thầy đi đã gần 100 ngày rồi đó. Thầy đi, tôi mới thấm thía một cách sâu xa về sự Vô Thường, về cái chết. Chẳng ai có thể ra ngoài cái chết. Nhưng cái chết của thầy, riêng tôi tin chắc rằng, Ngài không chết, Ngài chỉ đi chơi đâu đó một lát rồi về.



Trước hôm thầy đi vài bữa, lòng tôi nôn nao khó tả. Trong tâm rất muốn tu tập trở lại pháp môn của ngài Vajra Yogini. Gọi lên thầy để xin phép, nhưng không gặp được thầy. Tôi ngồi xuống thiền định và gợi trong tâm hình ảnh xinh đẹp của Ngài Vajra Yogini. Hình như, tôi được thầy cho phép nên hình ảnh hiện trong tâm rất rõ nét. Tôi thấy hình ảnh thầy nhập nhoè với hình ảnh của Ngài Vajra Yogini.



Một tối, nhớ thầy. Tôi lên chùa, xin phép được gặp nhưng dĩ nhiên không ai cho tôi lên. Lòng nôn nao, sau buổi tụng kinh trên chùa, tôi lái xe về mà cảm thấy rất buồn. Đêm đó, thầy ngưng thở để vào ánh tịnh quang. Sáng hôm sau, nghe tin thầy nhập diệt. Đột ngột tới độ tôi không thể khóc.



Hình như thầy có về. Lãng đãng quá, nhưng tôi biết chắc có sự gia trì của thầy nên từ khi thầy ngưng thở (vẫn còn trong ánh tịnh quang) sự quán tưởng của tôi trong những buổi kinh hằng ngày có vẻ rõ ràng hơn. Tôi nhớ thầy. Một vài lần tôi thấy mình khóc.



Ba ngày sau khi ngưng hơi thở. Thầy quyết định rời khỏi xác thân. Trên nóc chùa, chiếc cầu vồng bảy sắc bắc từ góc trời này sang góc trời kia ôm lấy mái chùa. Cả bọn ùa ra xem, có nhiều tiếng khóc thút thít. Hôm đó, chính là ngày trong tháng tu tập saddhana của ngài Vajra Yogini.



Ba ngày sau. Tôi lên gặp thầy lần cuối. Báu thân ngài được phủ kín từ đầu đến chân bằng những loại vải gấm ngũ sắc. Trên đầu đội một cái mão mà chỉ có trong những buổi lễ lớn các vị đạo sư mới đội. Tôi không nhìn được mặt thầy lần cuối. Buồn lắm, có thêm một ít thất vọng. Nhưng không sao. Tôi đứng chiêm ngưỡng, lễ lạy và thầm mong thầy trở về sớm. Trở về để hoàn mãn những hạnh nguyện của ngài. Trở về để còn dẫn dắt những đứa đệ tử ngu dốt, chậm chạp như tôi...



Quả là một điều rất khó khăn khi đưa báu thân (kudun) của thầy về Ấn Độ để làm lễ hoả táng. Nhất là với điều kiện xác thân ngài phải còn nguyên vẹn, không được đưa vào nhà xác để làm những điều cần thiết. Tôi không đủ may mắn để theo thầy về Ấn Độ lần cuối. Nhưng đúng hôm lễ hỏa táng, tôi mơ thấy thầy. Ngài vẫn hiền hoà và khả ái. Ngài muốn nhắn nhủ tôi điều gì đó mà vì mải chơi, tôi đã không nghe được những gì thầy muốn nói. Nghe đâu, sau buổi lễ ngài đã để lại thật nhiều điều kỳ diệu.



Hình như trong đáy cùng tâm thức, tôi vẫn còn khắc khoải đã không nhìn được thầy lần cuối, vì vậy mà khoảng 13 ngày sau lễ hỏa thiêu, tôi lại mơ thấy thầy. Ngài nằm trên một chiếc giường mà dưới bốn chân có bánh xe. Mọi người đẩy thầy vào một trong những căn phòng ở nhà tôi. Tôi chiêm ngưỡng được toàn thân ngài, đẹp như trong tranh. Ngài nằm đó, nhìn tôi với ánh mắt lung linh và nụ cười mỉm. Tôi chạy lăng quăng trong nhà như một đứa con nít 6 tuổi, tôi tìm một căn phòng đẹp nhất trong nhà để dành cho thầy. Cuối cùng, họ đẩy kudun thầy vào căn phòng có chiếc lò sưởi. Tôi đứng ở cửa phòng nhìn vào với ánh mắt của một đứa trẻ thơ…



Tôi nhớ thầy. Thật đấy! Nỗi nhớ tràn đầy len vào từng lỗ chân lông và hơi thở. Nhẹ nhàng lắm, nhưng lại không có khổ đau dằn vặt trong tôi. Tôi nhớ dáng thầy ngồi trên pháp tòa thuyết pháp về Lam Rim, có những đoạn thầy dí dỏm và cười đến rung người. Có những đoạn thầy rất nghiêm chỉnh, nhắc đi, nhắc lại về sự quan trọng của một vấn đề. Tôi nhớ khung cảnh đạo tràng trên chùa trong những buổi lễ, nhất là lễ Guru Puja. Ôi, những ánh đèn vàng lung linh trong chánh điện, nhất là những lúc được lên dâng lễ. Lời kinh thiết tha. Tôi cùng với hai người bạn tụng như hát. Thầy rất hài lòng về giọng tụng của chúng tôi. Nhiều lần, thầy khen chúng tôi hát hay. Tôi rất sung sướng như một đứa trẻ khi được thầy khen như thế. Tôi nhớ đến căn phòng riêng của thầy với đầy tranh, tượng. Mỗi lần bước vào căn phòng ấy, tôi có cảm tưởng mình vừa bước vào một khung cảnh mới. Thường là tôi quỳ dưới chân thầy. Dù biết thừa những gì xảy ra cho tôi, thầy vẫn thường hay hỏi những chuyện xảy ra hằng ngày của tôi, và những điều khó khăn tôi gặp trong đời sống. Sự quan tâm của thầy, không chỉ dành cho một mình tôi mà dành cho tất cả các đệ tử của thầy.



Một lần, tôi bỏ chùa rất lâu vì nhiều nguyên nhân rất vô lý và đáng trách. Hốt nhiên một hôm tôi lại nhớ thầy, chắc có lẽ thầy nhắc tôi phải trở về. Niềm hối hận dâng tràn khi tôi nghĩ đến vị thầy khả kính. Tôi đi mua một chiếc bánh apple pie thầy rất thích lên để tạ tội. Tôi ngồi phục dưới chân thầy, chẳng nói một lời mà nước mắt tràn đày vì lòng hối hận đã bỏ đi lâu như thế. Thầy yên lặng để cho tôi khóc. Khi cơn xúc động đã bớt, tôi mới nói được vài lời và xin lỗi những điều mình đã phạm. Thầy từ bi lắm, chẳng những thầy đã không trách tôi mà còn blessing cho tôi nữa. Thầy dùng hai bàn tay ôm lấy mặt tôi, khuyên tôi chớ nên bỏ đạo. Thầy cho tôi một bài pháp ngắn nói về sự vô thường và sự quý giá của một kiếp người.



Trong suốt 49 ngày sau khi thầy mất, các vị sư đều tụng Guru Puja mỗi tối. Tuần lễ đầu tiên, lúc tụng đến đoạn mà tôi và các bạn thường lên dâng lễ, chẳng muốn khóc, nhưng nước mắt cứ tuôn như mưa. Tôi phải ngưng lại, chỉ lắng nghe các vị sư và những người bạn chung quanh tụng. Trên pháp toà, hình ảnh thầy mỉm cười nhìn tôi. Ánh mắt thầy lung linh quá và từ bi biết bao....



Thầy tôi. Một người đơn giản, hiền hoà, nhân từ và tốt bụng. Ngài đã chẳng từ bỏ một đứa đệ tử nào, ngay cả một đứa ngu dốt, hư đốn và chậm chạp như tôi.

 


Tôi xin niệm danh Ngài Venerable Geshe Tsultim Gyeltsen bằng tất cả lòng ngưỡng mộ chân thành của mình.


Nguyện xin ngài từ bi trở lại cõi nhân gian này một ngày rất gần để còn hoàn mãn được những hạnh nguyện của Ngài.



Chiêu Hoàng

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle