Trong
giấc ngủ, nằm mơ đã là những gì không thật, mà trong giấc mơ ấy lại mơ thấy mình
đang nằm mơ thì thật là … mộng trung ngộ mộng, là mộng chồng lên mộng thì chắc
sẽ mộng triền miên?
Ấy thế mà
việc tưởng hy hữu này lại là chuyện bình thường trong thế giới nhân gian.
Những cái không thật cứ tưởng thật; tưởng thật rồi ôm giữ, nghĩ là không thể mất,
không thể phai! Tình, tiền, danh vọng, quyền lực, như những thỏi nam châm cực
mạnh thu hút thế nhân vào những giấc mộng trăm năm.
Kinh nghiệm của người trước không giúp gì cho người sau vì người sau luôn tự
trấn an rằng những tan vỡ và tuyệt vọng chỉ xẩy ra cho người trước mà thôi. Vì
người sau đã thấy rồi, sẽ không vụng về như thế, mê muội như thế, yếu đuối như
thế!
Họ không
hề biết rằng, chính những tự tin giả tưởng này mới là “Mộng trong giấc mộng”, tệ
hơn cả những cái không thật trong một giấc mộng đơn sơ!
Trăm năm
đời người đều bị ném vào những giấc mộng dài như nhau, chỉ khác, với người tỉnh
thức hơn đôi chút, biết nhận diện và loại trừ phiền não để tuy vẫn là mộng,
nhưng giấc mộng trăm năm ấy may ra còn lung linh nét đẹp của mộng và thực hài
hòa.
Có Thực
trong Mộng ư?
Chắc
không đâu. Thực và Mộng là hai mặt tương phản nhau, làm sao
có trong nhau được! Nhưng khi hành giả khổ công tu tập, quán chiếu thật sâu sắc
gốc rễ có và không, đến và đi của vạn hữu thì rốt ráo, theo
ngôn ngữ nhà thiền “Vọng cũng là Chân, Thiền là Tịnh.” Với tinh thần đó,
thì trong giấc mộng trăm năm kia cũng có cái thật đấy
chứ! Cái thật đó là: “Biết mộng, thì không còn là mộng nữa”.
Rắc rối
ghê!
Biết mộng
không phải mộng mà sao vẫn hiếm thấy ai tỉnh mộng, dù trong nhân gian, nhiều
người biết mình đang mộng lắm chứ? Có lẽ,
vì ta ở trong mộng quá lâu, mà quanh ta lại là không gian mộng, toàn là người
mộng, tất cả đều đang chìm sâu trong mộng như nhau, làm sao mà tỉnh nổi!
Nói đi
rồi nói lại, ngẫm cuộc bể dâu, nhân gian thường dễ tỉnh mộng nhất, khi thất bại
trên hai lãnh vực, tình trường và thương trường. Niềm đau của hai lãnh vực này dữ dội tới mức
người trong cuộc có thể biến dạng bản chất, từ hiền lành nhẫn nhục thành tàn ác,
hung hăng. Tại sao vậy? Vì khi đã mất
những điều tưởng không thể mất, ta chỉ còn nhìn thấy trước mắt là phải trả hận,
là phải làm lại từ đầu.
Sự biến
đổi đột xuất khiến ta tưởng ta đã tỉnh, nhưng thương thay, tỉnh cơn mộng này lại
chìm ngay vào cơn mộng khác lúc nào không hay, vì bản chất thế nhân vốn khó sống
cô đơn, khó kham nhẫn thua thiệt.
Ngồi
trước bàn phím, cắm cúi gõ xuống những giòng chữ có vẻ như nhận diện ra giấc
mộng, mà thật tình, tôi tự biết, tôi đang bước thấp bước cao trên mây.
Nếu tâm
chưa thoảng như gió, ý chưa nhẹ như sương mà bước trên mây, không là … mộng
trung ngộ mộng thì còn là gì?
Giấc mộng
của tôi ơi, ngủ thiếp hơn sáu mươi năm rồi, chưa đủ ư? Bao
nhiêu hạnh phúc đã là khổ đau, bao giầu sang đã thành nghèo đói, bao thủy
chung
đã là bội bạc, bao hợp đã tan, bao còn đã mất …. vẫn
chưa tỉnh nổi ư, mộng ơi?
Đừng
tưởng chết, không còn mộng sẽ là tỉnh.
Chưa chắc đâu, vì chết, chỉ là ngưng giấc mộng trăm năm trong cõi ta-bà này
thôi, nhưng ở cõi vô hình nào kia, ta vẫn còn vất vưởng
ba nẻo sáu đường, mộng vẫn chồng lên mộng! Vay trả kiếp này chưa xong, lại tìm
nhau kiếp khác để tiếp tục những giấc mộng thiên thu
bất tận.
Như bước
chân độc hành sáng nay trên lối sỏi dẫn tới thiền đường Trăng Rằm, chùa Từ
Nghiêm, Xóm Mới, tôi không chỉ bước trong hiện tại, mà còn bước về quá khứ, bước
tới tương lai. Bước như thế cũng là một hình thức bước trong
mộng, dù hiện tại này rồi sẽ là quá khứ và chính là tương lai.
Những
viên sỏi nhỏ, vừa được cơn mưa đêm qua tắm gội, sạch bóng và trắng phau, đang ca
hát xôn xao dưới mỗi bước chân, đùa bỡn những ưu tư đang quanh quẩn đâu đây. Chúng ta được sinh ra rồi sẽ
già, sẽ bệnh, sẽ chết.
Em bé ra đời, tùy là nam hay nữ, đều được cha mẹ đặt tên theo
kỳ vọng tốt đẹp ở tương lai. Nhưng có phải em bé nào cũng trưởng thành theo kỳ vọng đó đâu! Nên tên gọi cũng chỉ đơn thuần là những
âm thanh của tên gọi. Hầu hết các em bé chào đời với thân thể thuần khiết những
cấu tạo tự nhiên của các bộ phận và tế bào của một con người bình thường. Nhưng
chẳng mấy em bé trưởng thành theo các nhu cầu cung ứng,
nuôi dưỡng thân thể đó như nhau. Nên cơ thể chúng ta đã mang những bệnh tật khác nhau, càng ngày, tên
gọi về bệnh tật nhân loại càng nhiều, chính là vì những nhu cầu không đơn giản
ngày càng tăng.
Nhưng
chúng ta lại cứ ngỡ là đang phục vụ tấm thân chu đáo
hơn khi sẵn sàng đáp ứng mọi đòi hỏi, đôi khi không cần thiết, nếu không muốn
nói là qúa đáng!
Ở thế kỷ
này, ung thư đang là tên gọi phổ thông của bệnh, là
một, trong rất nhiều loại bệnh đang được giới y học tiếp tục tìm ra và tiếp tục
đặt tên. Bệnh tật nằm ngay trong thực phẩm chúng ta tiêu thụ hàng ngày, nhưng
hầu hết, chúng ta đều tự tin và vô tư tiêu thụ, cho đến khi tứ đại phàn nàn.
Nhức đầu, cảm cúm, ho hen vài lần trong năm cũng khiến ta coi thường sự phàn nàn
cho đến khi vị bác sỹ chẩn bệnh và kết luận: “Ung thư!”
Bệnh nhân
được xác định ung thư
đều hốt hoảng, dù người bệnh ung thư không xa lạ gì. Trong số bạn bè, anh em, họ
hàng của chúng ta, thế nào cũng từng có! Bệnh ung thư ngày nay, cũng tựa như câu chuyện Đức Phật dạy người phụ
nữ vừa bị mất đứa con yêu quý, đến kêu van Đức Phật hãy cứu nó sống lại.
Đức Phật bảo bà ta hãy ghé vào mọi nhà trong làng, hỏi xem nhà nào chưa từng có
người chết. Nếu tìm được một nhà toàn hảo như thế thì
quay lại đây, Đức Phật sẽ cứu sống con bà.
Người mẹ
đau khổ đi ròng rã mấy ngày liền, gõ cửa hỏi từng nhà, nhưng lạ thay, không nhà
nào là chưa từng có người chết!
Bà ta
chợt hiểu rằng trong Sinh, đã sẵn có Diệt, và từ đó, ngộ được lời dạy của Đức
Phật, chấp nhận được sự mất mát đứa con yêu quý.
Ngày nay,
bệnh hoạn ngày càng tăng, với thêm nhiều tên gọi được giới y học tiếp tục đặt
tên. Nhưng rốt ráo chỉ là gì?
Là bốn sự thật, là Tứ Diệu Đế, bài học đầu tiên Đức Phật thuyết giảng cho năm
anh em ngài Kiều Trân Như khi Đức Phật vừa đắc đạo. Bốn sự thật này không thần thông ảo thuật nào thay đổi được. Đó là; sinh, lão, bệnh, tử.
Đã khởi
bước đầu, không ai tránh khỏi bước cuối. Khác nhau chăng là trên chặng
đường đó ta đã đi như thế nào, đã tạo nghiệp thiện hay nghiệp ác, đã ban vui cứu
khổ hay gieo rắc tang thương. Ta có chờ gõ cửa từng nhà mới tỉnh mộng để
kịp thời chuyển hóa những hạt xấu trong ta? Không sự chuyển
hóa nào quá trễ, dù ta đang ở chặng cuối của kiếp phù du, vì Đức Phật đã dạy,
chỉ cần biết quay đầu lại, bờ giác đã ngay dưới chân ta.
Dừng lại
bên hồ sen, chăm chú nhìn những gương sen thâm đen, khô cứng nhô lên từ cọng sen
cũng khẳng khiu, đen đúa từ mùa trước, tôi chợt tỉnh dăm phút mộng mị trên mây.
Tôi đang
còn thời gian trước khi thành gương sen đó, cọng sen kia.
Hãy tỉnh mộng để đặt những hạt mầm cho một mùa sen mới.
Hạt mầm đó ở đâu? Ở trong sự tỉnh giác tu tập.
Làm sao để có sự tỉnh giác tu tập? Phải tìm được pháp môn thích hợp với
căn cơ mình. Tìm được rồi, phải nương tựa nơi thầy, nơi các
bạn đồng tu để yểm trợ năng lượng cho nhau trước khi ta có thể tự bước được
những bước chân vững chãi.
Viễn
tượng về một mùa sen mới cũng là đang mộng đấy. Nhưng giấc mộng này, nếu ta
quyết tâm thực hiện trong phút giây hiện tại thì không phải là “Mộng trung ngộ
mộng” mà chính là ta đang TỈNH trong một tương lai được ta sáng suốt tạo dựng từ
phút giây hiện tại.
Xin cám
ơn hồ sen Xóm Mới. Xin cám ơn
những gương sen, cọng sen khô cằn mùa trước đã biểu hiện trong tôi một mùa sen
mới, khi hoa Thủy Tiên bắt đầu hé nụ trên Xóm Thượng Làng Mai. Muôn nụ
xanh li ti chen lẫn trong cỏ non mênh mông kia sẽ vươn lên, nở rộ, óng vàng rực
rỡ như phẩm Tùng Địa Dũng Xuất trong kinh Pháp Hoa để đón Tết với truyền thống
hàng năm của Làng là Hội Thủy Tiên.
Huệ Trân
(Làng
Mai, Đại Giới Đàn Thủy Tiên, Jan 12 - Jan 19/2010)
Theo: PSN