Huệ Trân
Nhân số trên trái đất là bao nhiêu tỷ tỷ người, tôi không theo dõi thống kê nên không biết. Nhưng theo tinh thần thi ca từ ngàn xưa đến nay thì nhân loại phải
nhiều lắm. Loài người lại sợ sống cô đơn nên mỗi người tự coi mình như chỉ là
nửa mảnh (mảnh gì, tùy quan niệm), luôn miệt mài đi tìm nửa mảnh
kia để chia sẻ vui buồn suốt quãng đường đời dằng dặc.
Làm sao trong hàng tỷ tỷ mảnh rời, có thể tìm đúng
nửa mảnh kia
của mình mới có thể Hai trở thành Một? Chẳng dễ đâu! Nên hợp rồi tan là một thực
thể của kiếp nhân sinh.
“… Thiên hạ mang mang ai người
tri kỷ
Về đây cùng ta cạn một hồ trường…”
Chàng thi sỹ lê gót tìm bạn chắc
đã tả tơi tuyệt vọng mới đến với men rượu giải khuây, nhưng có biết đâu chính
những cơn say lại là tấm gương soi tỏ nhất nỗi cô đơn cùng cực.
Cạn ly đầy, lại rót đầy ly cạn mà thiên hạ mang mang, biết ai tri kỷ?
“… Hồ trường! Hồ trường! Ta biết
rót về đâu?
ảnh minh họa
Rót về Đông phương,
Nước biển Đông chảy xiết sinh cuồng loạn.
Rót về Tây phương
,
Mưa phương Tây từng trận chứa chan.
Rót về Bắc phương,
Ngọn Bắc phong vi vút cát chạy đá giương
.
Rót về Nam
phương
,
Trời Nam ngàn dặm thẳm
,
Có người quá chén như điên cuồng…”
Tác giả bài thơ này từng được
giới văn nghệ sỹ và người thưởng ngoạn đương thời, cùng hậu thế coi là “Thi sỹ
của một bài thơ”; nghĩa là một người làm thơ rất nổi tiếng chỉ ở một bài thơ.
Không
biết danh xưng này đúng hay sai. Riêng cá nhân tôi, tôi không biết đến bài thơ thứ hai nào của Nguyễn
Bá Trạc, ngoài bài Hồ Trường này. Khác với Lý Bạch, say khướt rồi bước ra
khỏi thuyền, tưởng bóng trăng là người tri kỷ nên đã ôm trăng mà chìm sâu đáy
nước; Nguyễn Bá Trạc có vẻ tỉnh táo hơn, kiên nhẫn hơn khi thành khẩn nâng ly
mời khắp bốn phương, nhưng cuối cùng thì hai thi nhân cũng phải trực diện cùng
một nỗi cô đơn sâu thẳm của kiếp nhân sinh mà thua cuộc:
“… Nào ai tỉnh?
Nào ai say?
Chí ta ta biết, lòng ta ta hay
Nam
nhi sự nghiệp ư hồ thỉ
Hà tất cùng sầu đối cỏ cây!”
Nửa mảnh này không tìm được đúng
nửa mảnh kia
nên đành chịu cô đơn thì cũng tạm hiểu được. Nhưng sao lại có cảnh hai mảnh rời
của nhau, tìm được nhau rồi mà lại ly tan? như một thi
sỹ nào đó than rằng:
“Người đi, một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ!”
Trời ơi, trong thiên hạ mang
mang, hai nửa hồn tìm được nhau thì phải trở thành một linh hồn bất diệt chứ,
sao nửa hồn kia lại đi, để nửa hồn này dại khờ? Mà nửa
hồn kia đi đâu? Đã là nửa mảnh của hồn này rồi, bỏ đi
để tìm nửa mảnh của hồn khác à!?
Có lẽ rắc rối ở đây là nhân thế
cứ chập chờn quẩn quanh những bước mộng du trong suốt giấc mộng dài trăm năm khi
đi tìm tri kỷ.
Bước chân
không thật nên lạc bước.
Tấm lòng
không thật nên lạc nhau.
Có tìm lại chốn xưa thì thềm cũ
đã rêu xanh nhòa vết!
Lại một thi sỹ tan nát tâm can
thế này:
“Nhắm mắt, cho tôi tìm một thoáng
hương xưa,
Cho tôi về đường cũ nên thơ,
Cho tôi gặp người xưa ước mơ.
Nhưng chỉ là giấc mơ thôi
,
Nghe tình đang chết trong tôi,
Cho lòng tiếc nuối xót thương suốt đời!
Nhắm mắt, ôi sao nửa hồn bỗng thương đau,
Ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau,
Hay ta còn hẹn nhau kiếp nào?...”
Đây là những tiếng khóc ân hận
của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền đã được người viết nhạc Phạm Đình Chương chắp đôi
cánh âm thanh cho tiếng khóc này bay bổng suốt nhiều thập niên qua, bay từ thành
thị tới thôn quê, bay suốt quê hương, bay sang xứ lạ.
Những cuộc hành trình đi tìm tri
kỷ quả là gian nan và thường nghẹn ngào tiếng khóc hơn
là rộn rã tiếng cười, bởi ta dễ bị ảo tưởng lắm! Có mấy ai đã thực sự tự tin ở
nửa mảnh hồn ngỡ là tìm được, khi tự thân mỗi tâm hồn đã là một ốc đảo cô đơn.
Có khoảng
thời gian tôi yêu hoa tới mức xoay sở để làm chủ một tiệm hoa. Ở môi trường này, tôi được thường xuyên thấy những tấm lòng mẫn ái
hướng về nhau. Một bông hồng để thay lời xin lỗi, một giỏ
lan
chúc tụng niềm vui, và ngay cả những vòng hoa tang chia buồn cũng là tình người
đẹp đẽ. Có lần, một cô gái trẻ bước vào khi tôi sắp đóng cửa tiệm. Cô
mừng rỡ:
- May quá, em đến trễ chút nữa là
hỏng rồi!
- Em cần gì?
- Dạ, cô cắm cho em hai lọ hoa
hồng giống nhau và chọn cho em hai tấm thiệp cũng giống nhau.
Tôi hơi lạ, nhưng cũng làm
theo khách đặt hàng. Tôi cắm hoa, cô lui cui, nắn nót
viết. Hoa cắm xong, cô nghiêng đầu ngắm nghía, khen đẹp, rồi giơ hai tấm
thiệp, vừa khoe tôi, vừa đọc: “Ngày Mẹ có Con. Ngày Con có Mẹ”. Cô giải thích
thêm:
- Hôm nay là sinh nhật em, nhưng
cũng là ngày vui lớn của Mẹ vì ngày này Mẹ đã có em.
Cô gắn
hai tấm thiệp vào hai lọ hoa, trả tiền xong, vui vẻ quay đi. Còn tôi, đứng lặng đến quên cả
việc khóa cửa! Tôi đứng sau quầy, giữa đống hoa lá cắt tỉa còn ngổn ngang.
Tôi nghĩ đến “Ngày Mẹ có Tôi. Ngày Tôi có Mẹ”.
Trời ơi, thật là đơn giản. Ngày sinh nhật của mỗi đứa con phải là ngày
sinh nhật của mỗi bà mẹ vì ngày đó con chào đời bằng Hình Hài, Mẹ chào đời bằng
Hạnh Phúc. Mỗi đứa con ra đời, mẹ có một giấy khai sinh mang tên Hạnh Phúc. Hình
hài của con và hạnh phúc của mẹ trộn lẫn nhau, Hai là Một, không gì tách rời
được vì chẳng phải Mẹ Con chỉ quyện chặt Tình Yêu vô hình mà hữu hình thì, trong
tế bào con có tế bào mẹ, trong xương da con có xương da mẹ, trong huyết quản con
có huyết quản mẹ. Con hòa lẫn mẹ suốt chín tháng mười ngày, làm sao con chẳng là
chính mẹ?
Ấy thế
mà, trong hơn nửa đời người, phút tình cờ nhất, một cô gái trẻ đã cho tôi cái
nhìn hoàn toàn mới mẻ về Ngày Sinh Nhật như thế. Tôi dám
chắc, chẳng riêng gì mình mà thiên hạ mang mang ngoài kia, những bữa tiệc sinh
nhật cứ nối tiếp nhau, nhưng mấy ai nghĩ rằng, đó cũng là Ngày Sinh Nhật Của Mẹ.
Có thể, những người mẹ cũng được mời đến dự, nhưng vẫn chỉ là người dự, là khách
chứ không phải là Ngày Chúng Ta Có Nhau, không phải là chung-sinh, là
co-arising, là nương vào nhau mà có mặt.
Mẹ và Con
không thể chối bỏ nhau, không tìm ai thay thế nhau được, kể cả sự chết. Dù mẹ đã
khuất núi, nhưng trong hình hài con vẫn có máu huyết mẹ luân lưu, nên, ở một
nghĩa nào của Tri Kỷ, mẹ và con là những nửa mảnh linh hồn thủy chung nhất, thủy
chung hơn tất cả những lời thề non hẹn biển, vàng đá trăm năm, mà chỉ một cơn
gió u mê thoảng qua cũng đủ cuốn bay mất tích!
Tội
nghiệp thi sỹ Vũ Hoàng Chương, tác giả hai câu thơ đầy đau thương, được chép lại
nhiều nhất trên những trang lưu bút ngày xanh, lại thường bị thực tế phũ phàng
đọc khác đi. Câu thơ nguyên thủy thế này:
“Em ơi, lửa tắt bình khô rượu
,
Đời vắng em rồi, say với ai!”
Thực tế, nhân thế lại rất mau
quên nên câu thơ tuyệt đẹp trên thường được đọc lại một cách cay đắng và không
thơ chút nào là:
“Em ơi, lửa tắt bình khô rượu
,
Đời vắng em rồi, say với… người khác!!!”
Cám ơn
Mẹ, Ngày Chúng Ta Có Nhau.